Cứ mỗi khi nhìn những chú chim non chưa đủ lông cánh, khập khễnh lò cò nhảy ra khỏi tổ, thì tôi hình dung cái ngày đầu tiên tôi đi học. Cũng quờ quạng, dáo dác như vậy đó. Có thể nào quên buổi đầu tiên tôi đi học. Chẳng phải mùa Thu để có mây trời bàng bạc. Chẳng phải ngày tựu trường để đó đây rộn rã, mà vào một buổi trưa hè oi ả, nắng gắt, mùi đất hắt nồng lỗ mũi. Trưa hôm đó, Mẹ tôi dẫn hai chị em tôi đến trường, vai quảy đôi thùng để lúc về quá giang đôi nước. Mặc dù chưa đến tuổi đi học, nhưng để chị tôi có bạn, tôi được cắp vở đến trường. Tôi nhớ rõ cái cảm giác kinh hoàng khi Mẹ tôi quay mặt ra, để lại chị em tôi với đám đông hoàn toàn xa lạ. Tôi muốn hét lên chạy theo Mẹ, nhưng không hiểu sao tôi đứng chết trân. May mà tôi còn có chị tôi bên cạnh, cũng đang co rúm vì sợ hãi. Sau khi múc đầy hai thùng nước, Mẹ tôi trở lại quan sát tình hình. Thấy chị em tôi đã yên ngồi vào chỗ, Mẹ tôi mới an tâm gánh đôi thùng về.
Trường ở phía trên làng, con đường đi qua đôi bờ tre rậm rịt, ngọn giao với nhau tạo thành cái vòm dài hun hút. Mùa hè, được đi giữa hai hàng tre thật là mát mẻ, tưởng chừng đang chui vào một hang động. Tưởng tượng điều kỳ diệu xảy ra ở cuối đường hầm, mà khoái. Nhưng vào mùa đông, tiết trời chưa cười đã tối, thì sình lầy lội lên tận gối. Giày dép tháo bỏ vào cặp. Mỗi bước chân là tiếng ọot oẹt phát ra. Mấy ngón chân cong lại bấm vào sình, ngón chân cái là lợi hại nhất. Cành tre kêu răng rắc theo từng cơn gió như thể tiếng gọi từ một cõi âm u nào đó vọng về. Hai chị em tôi hãi hùng nắm chặt tay nhau, lầm lũi đi. Phần sợ trượt chân, phần không dám nhìn vào khoảng tối đen như mực trước mặt, nên cứ dòm xuống chân mà bước. Tuổi thơ của tôi đong đầy hình ảnh ma quái, bí ẩn, ghê rợn. Tôi chưa một lần đối diện với bất cứ loại Ma nào. Mặc dù, sau này một thủa tôi là hiện thân của Ma cà bông.
Vào những buổi trưa hè, gió cuốn làm đám lá rụng bay xoắn lại thành một nhóm dạng con ốc quắn. Tôi được nghe đó là Ma rốt rốt. Nếu lấy cái nón lá chụp vào đám lá đang xoay đó, thì con Ma sẽ biến thành một vũng máu. Tôi nghe nói vậy, nhưng chưa bao giờ dám thử nghiệm thì đã hiểu ra rồi nguyên nhân gây ra hiện tượng diệu kỳ đó. Có hôm gió lớn quá, tre ngã rạp xuống. Chúng tôi không dám bước qua vì sợ ma cần cất. Nghe đồn Ma cần cất này, thường giả vờ làm cây nằm ngang, rình có ai bước qua thì cất lên trên ngọn. Chúng tôi cũng không dám lòn phía dưới mà chun qua vì sợ ma đè. Loại ma này cũng phỉnh phờ người chui qua, rồi đè cho đến ngạt thở. Gặp trường hợp như thế là hai chị em tôi ôm cứng vào nhau mà khóc thét lên chờ người đi qua, mới dám khệnh khạng bước theo. Mà đường quê buổi chiều tối tháng chạp, đâu có mấy kẻ ra đường.
Qua hết lùm tre, có hai lối dẫn về nhà chúng tôi. Một con đường song song với con mương sâu, chúng tôi thường gọi là đường nước. Vào mùa nước lũ, nước mương dâng cao mấp mem lề đường. Lỡ sẩy chân là làm bạn với ma gia. Nghe đồn có nhiều người bị Ma gia kéo chân. Năm nào cũng có người thế mạng. Ma gia chọn người hạp tuổi với họ. Hạp chỗ nào thì tôi vẫn chưa rõ cớ sự. Hết quãng đường nước thì đến quốc lộ I.
Ngay ngả ba Cây Sợp có cái miếu, chạm đủ thứ hình từ mấy cái miểng đồ sứ kiểu, nào mấy con rồng, con lân nhe răng đe doạ. Hình những ông mặt mày dữ dằn mang gươm giáo cung tên, với đôi con mắt xanh lè, lấp loá dưới cơn mưa giông, sấm sét. Chúng tôi chưa bao giờ dòm vào phía bên trong. Đứa nào không vâng lời cha mẹ, rắn mắt liếc vào thì mấy ông thần đó bắn mũi tên thần, không thấy được. Nhưng khi về nhà thì gào thét đến hết hơi đúng ba bữa thì chết. Nhẹ, có nghĩa là đi ngang qua miếu trúng nhằm giờ gì đó thì sẽ bị vương. Con người trở nên đờ đẫn, ngày thay đổi mấy sắc dạ Miệng nói lảm nhảm suốt ngày. Phải nhờ đến thầy bồ thủy cao tay ấn mới trục xuất được con ma ám đó. Do đó, đi đường không được bất cứ vật gì, từ đồng bạc cắt cho đến cái kẹp tóc, lược, nhất là gương soi mặt được gọi là Bà thủy gì đó... Vì có những người bị ma ám, họ cúng và vất những thứ đó ra đường để kẻ nào có lòng tham mang về nhà, thì phải gánh dùm cái bệnh ma ám của họ.
Tránh những giờ mà các vong hay dạo chơi, “nhất chạng vạng, nhì rạng đông.” Thấy cái gì kỳ lạ cũng không được lên tiếng trầm trồ, hỏi han. Coi chừng ma phỉnh dụ để hớp hồn mình. Ban đêm thì nhất thiết ở trong nhà. Đêm tối là thế giới của ma quỷ. Có nhiều kẻ dù đã cửa đóng then gài kỹ lưỡng, vẫn bị ma dú. Sáng ra người nhà không thấy người thân, hô hóan nhau, đổ túa ra đi tìm. Thì thấy người thân của họ ngồi giữa bụi gai rậm rịt, miệng nhét đầy phân trâu. Bụi chằng chịt những gai tre nhọn, không cách gì một con người bình thường có thể chui lọt vào giữa. Người bị ma dú, thần trí vật vờ, mấy ngày sau mới lai tỉnh và vẫn không giải thích được sự việc gì đã xảy ra cho bản thân mình.
Trên đường về còn phải đi qua thêm một cái miếu Bà nữa. Miếu này có cây da to bự chát. Dây tua tủa, lòng thòng rũ xuống. Dước chân gốc da là những bệ thờ nho nhỏ cùng những ông bình vôi sứt miệng lăn lóc. Dân làng không dám vất mấy cái bình vôi đó vào một chỗ nào khác hơn là dưới gốc cây dạ Nghe nói có cô gái treo cổ tại đó. Con Ma le này chỉ bắt những đứa trẻ nghịch ngợm thường vào bợ chuối bánh do dân làng cúng. Không biết mấy đứa chăn trâu khác thường vào ăn trộm bánh chuối đã bị trúng đứa nào chưa, chứ chị em tôi chưa hề bén mảng quanh vùng đất hiển linh đó.
Đã vậy, trong xóm có một thằng hung thần tên Đồng, nó luôn rình rập chị em tôi ở ngả ba đường nước. Phải nộp mãi lộ thì mới cho đi qua, bằng không thì nó xô ngã, hoặc ném đá, đôi khi còn giựt cặp thu viết, lấy vở vất xuống sình... Kẹo bi, kẹo ú, cục đường đen... là những thứ mà chúng tôi luôn để trong cặp, gặp hắn thì dâng ngay để được yên thân. Thằng Đồng độ tuổi chị tôi, nghĩa là hơn tôi ba tuổi, nhưng cũng đang ngồi lớp vở lòng với chúng tôi. Nghe thiên hạ đồn nó là con rơi, hay là con nuôi gì đó của ông Nguyền. Ông thầy bồ thủy của làng. Ông ta thường mang cái đảy ruột tượng màu đỏ trên vai. Đầu quấn cái khăn màu nâu sậm, càng tạo thêm vẻ bí ẩn và ma quái trong tâm trí của chị em chúng tôi.
Một con đường nữa thì đi băng qua vườn của bà Cửu Đính. Ngôi nhà bà Cửu nằm mãi trong ký ức kinh hoàng của tôi. Ông Cửu Đính chết tự hồi nào thì tôi không biết. Thiên hạ kháo với nhau ngôi nhà ấy có mạ Đêm đêm người ta nghe tiếng than khóc nỉ non ai oán vọng từ ngôi nhà đó. Rồi những bóng đen lảng vảng trong khu vườn hoang không ai chăm sóc, cỏ mọc um tùm. Bà Cửu có hai người con trai, một đi lính quốc gia đã tử trận. Một đi tập kết, sống chết nào ai có hay biết. Trong nhà bà, bàn thờ và bàn thờ nối tiếp nhau. Lại có cái hòm đỏ loét nằm chình ình giữa nhà. Tất cả những chi tiết đó tôi được nghe kể lại. Chúng tôi chưa hề dám héo lánh đến gần ngôi nhà ma quái đó.
Qua khỏi nhà bà Cửu Đính là khu gò mả, chúng tôi thường chạy khi băng qua vì sợ gặp Ma trơi dù đang giữa ban ngày. Nghe kể rằng Ma trơi thường hiện lên sau cơn mưa giông, nơi mồ mã của người mới chết. Oan hồn của họ chưa thoát còn lẩn quẩn chờ người qua lại mà rượt để nhập vào. Được căn dặn gặp Ma trơi thì cứ bấm ngón cái và ngón tay đeo nhẫn, theo kiểu chào tinh tấn của người phật tử và miệng đọc thần chú “án ma ni, bát di hồng”. Cứ thế khoan thai mà bước không được chạy, thì Ma trơi không làm ăn gì được. Tôi vẫn tin câu chú hộ mạng đó cho đến khi hiểu tận nguồn cơn của hiện tượng Ma trơi.
Đứa nào mà có cái răng nanh nhọn nhọn, cổ có ngấn thì chúng tôi xì xầm đứa đó là con cháu của Ma lai. Có đứa dám nói là nó thấy Ma lai rút cái đầu với bộ lòng ra khỏi cổ rồi bay đi gặm xác người chết. Tôi nhập nhằng giữa Ma lai với Ma cà rồng loại chuyên uống máu của tây phương. Tụi con nít đứa nào cũng thích nghe chuyện ma, nhưng lúc đi ngủ thì trùm kín đầu đuôi. Xây lưng phía nào cũng sợ. Đi thì hay ngoái đầu dòm lại, tiếng chân của mình thình thịch mà ngỡ ma nào đó phía sau lưng. Tôi nhớ chúng tôi thường hát rằng:
Tau đi đường ni có bông có hoa,
Mi đi đường nớ có ma đón đường.
Tau đi bên ni có bụi tùm lùm,
Mi đi bên nớ có hùm chụp mi.
Nhưng mà cả hai con đường về nhà tôi, đều có ma có hùm rình rập. Tôi không nhớ rõ là chúng tôi đã lần nào kể lại cho cha mẹ mình sự kinh hoàng ám ảnh chúng tôi không? Tại sao người ta hay nhác ông Kẹ với trẻ con? Họ có biết là những cơn ác mộng phần nhiều xuất phát từ nỗi sợ hãi âm thầm, câm nín đó? Những chuyện tôi đã nêu ra trên một số có tác dụng giáo dục, mặc dù giáo dục theo kiểu hù doa. như vậy, gây hậu quả không tốt. Còn một số, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm thấy mục đích tốt đẹp nào. Trong làng cũng có những người kiến thức cao rộng, tại sao họ không giải thích những hiện tượng dị kỳ đó cho trẻ con mà khiến cho nó càng thêm huyền bí, rùng rợn. Trong khi chỉ cần đến lớp chín là tôi dường như đã giải thích được hầu hết các sự quái đản, kinh dị trên qua kiến thức căn bản của vật lý và hoá học. Dựa vào nguyên lý phát âm của ống sáo, của sự Oxide hoá, và cả vào những căn bệnh mộng du...
Trở lại chuyện tôi đi học và trường làng tôi. Gọi là trường cho nó oai, chứ thật ra nó chỉ là một cái chòi tranh. Bàn là một miếng gỗ, ghế là hai cây tre bó lại. Cái ghế này còn được sử dụng trong trò chơi cần cất. Chúng tôi kéo thanh tre ra cho tựa ở trung điểm. Chia nhau ngồi hai đầu. Bên trì xuống, thì bên kia nhổng lên và ngược lại. Trò chơi bị chú Tám cấm vì biết bao học trò không còn ghế để ngồi sau cái sáng kiến của trò nào đó. Chúng tôi không gọi là thầy mà gọi là chú Tám Nhượng. Sau này lúc ra trường công tôi cũng quen miệng gọi thầy là chú Tám. Tôi tưởng chú Tám là một vai trò chứ không phải là tên riêng. Chú Tám dạy từ lớp vở lòng cho đến lớp nhất. Chung quanh chòi có mấy cây cột tre, bảng kê dựa vào cho từng lớp. Chú đi quanh chép bài lên bảng. Chép bài xong thì chú cầm cái roi mây đi vòng vòng trong lớp. Trò nào không thuộc bài hoặc phá phách thì bị cây roi hỏi thăm ngaỵ Tôi chưa có cơ hội thử cái nhức nhối của cái roi mây kia thì Chú đã đi quân dịch. Chú Bảy Tấn thay thế chú Tám sau đó.
Tuy cùng ngồi chung dưới một mái trường, tuổi tác chênh lệch rất xạ Có anh chị học lớp Nhất mà đã 15, 16 tuổi rồi. Trong khi đó bốn tuổi tôi cũng được ngồi chung. Bạn tôi có người có gia đình khi vừa thôi học dạo đó. Còn tôi thì mãi đến gần ba mươi năm sau. Tôi học từ lúc đó cho đến sáu tuổi rời trường để vào trường công lập, thì tôi đã xoay được gần 360 độ, từ vở lòng đến lớp năm, tư, ba, chỉ còn lớp nhì và nhất là tôi xoay đủ một vòng trong trường của chú Tám. Tôi đã biết đổi đơn vị đo lường, thế mà ra trường công họ bắt tôi phải vào lại lớp năm tức là lớp một bây giờ. Áo quần thì từ cái quần xà lỏn thùng thình của cha, cho tới cái áo cải biên của mẹ là đồng phục cho học trò thôn xóm tôi. Chỉ có chị em tôi thỉnh thỏang là được mặc áo đầm. Nói là áo đầm thì trọn lỏn chỉ có áo đầm thôi không có cái gì khác hơn. Không biết là người ta không bán cỡ con nít hay là Má của tôi thấy không cần thiết. Lớn lên chút xíu thì tôi biết mắc cở nên xài chung với Má tôi. Guộn một cục trước bụng, vì lưng quá rộng. Còn đáy nó dài xuống tới đầu gối, tôi phải lấy dây thun cột lại cho nó ngắn bớt. Nhiều lúc mang cái quần dài rồi cuộn tròn lên. Dù sao thì chị em tôi cũng người của thị trấn, một chút tân tiến hơn. Má tôi chỉ sắm giày săn- đanh trong khi đó tôi thích cái đôi giày mũi nhọn hoắt.
Tôi thèm có mái tóc quăn. Trong trí óc chị em tôi chỉ có con nhà sang mới uốn tóc. Mặc dù xuất thân cũng thuộc một chút dòng dõi, tân thời về phía ngoại, nhưng Má tôi không cho trẻ con uốn tóc mà đúc một kiểu y chang xích lô chổng gọng. Nhiều khi quá đà, ăn mém qua khỏi mang tai. Nghe nói là cạo trọc, rồi lấy khăn trùm thật kỹ, thì tóc mọc ra sẽ quăn. Ước chi Má tôi lỡ tay thêm chút nữa là tôi có cái đầu trọc lóc bình vôi rồi. Tha hồ mà có tóc gợn sóng. Rình rình Má tôi đi vắng, chị em tôi mang đôi đũa trui hơ lửa, rồi quấn tóc quanh cây đũa trui cho nó quắn. Lớn lên rồi tóc xoăn tít lò xo thì tôi lại muốn nó trở lại mái tóc thời thơ ấu.
Thời đó ai có cái mũ xếp thì được nghĩ là con nhà giàu. Cái mũ này đội lên trông như con bướm có hai cái cẳng dài, xếp lại thì tròn bằng một bàn tay người lớn. Không biết vô tình hay cố ý mà cái gì Má tôi sắm cho tôi cũng màu đỏ, chị tôi thì màu xanh lơ ma-rin. Dường như trò nào cũng lè kè bên mình cái bình đông đựng nước uống. Bình đông đủ thứ hình thù, cái nắp được xài như cái lỵ Có trò pha nước chè xanh, có trò giục bình vào lu múc đầy nước lạnh. Uống nước lạnh buổi trưa hè, cái bụng nói sôi ọoc ạch nghe vui tai lắm. Sang thì mua cục đường đen bỏ vào. Thằng Đồng là vua dùng ngòi bút đâm bi đông để uống trộm nước đường. Riết rồi không trò nào dám pha đường, mà để cục đường trong cặp cuộn giấy lại. Lâu lâu đem ra cạp một phát. Đường đen mà gặm rồi thì nó chảy ra rít rịt cả sách lẫn vở. Mật đường dính thì thấm chi đâu so với mũi xanh thò lò. Đó là tôi còn kiêng không muốn nhắc tới chuyện chốc ghẻ và ruồi lằn. Thời đó hình như học trò không ai có khăn tay, cứ quẹt và trét tùm lum túa rua.
Tôi nhớ mãi cái bàn đen xỉn vì không biết bao nhiêu lọ mực xanh lẫn tím đã tẩm lên. Bàn không có hộc, không có độ nghiêng, không có chỗ để lọ mực, viết như ở các trường công lập thời bấy giờ. Nó chỉ là một tấm ván mỏng được kê vào bốn thanh tre bắt chéo hình chữ X ở hai đầu. Mực tha hồ vấy ra tay, lên áo quần, và đôi khi văng lên phủ mặt mày nữa. Không một trò nào trong lớp có được cây bút máy. Ai nấy đều phải khệ nệ mang theo lọ mực. Bằng chai, bằng nhựa, và bằng nhôm. Bình mực nhôm là an toàn nhất, không bị bể, trong miệng có thêm cái phểu để ngăn ngừa mực đổ ra ngoài. Trên nắp lại có quai để móc vào ngón tay, thật là tiện lợi. Viên mực tím mắc tiền hơn mực xanh, nên đa số các trò xài mực xanh. Ngòi viết lá tre viết có nét to nhỏ rất là đẹp. Ngoài ra còn có ngòi rông và bầu. Tôi thích ngòi viết bầu, nét chữ nhỏ xíu. Để khỏi bị nhem, trò nào cũng có thủ sẵn tờ giấy thấm. Một tay viết, một tay giậm. Màu mực đỏ giành riêng cho thầy chấm điểm. Những quả trứng gà tròn vo ban tặng cho các trò siêng chơi hơn siêng học.
Vào mùa mưa mái tranh lủng lỗ chỗ, học trò ngồi xúm xít với nhau để tránh dột. Giấy vở bay tán loạn trong những buổi chiều lộng gió. Dường như không có một cuốn tập vở lòng nào mà không bị cuốn góc, có quyển góc cuốn lên hơn nửa. Tôi có một cái tật là hay nhai giấy nháp. Tôi ăn luôn mấy chỗ cuốn góc, nhai giấy chưa đã miệng, tôi nhai luôn chéo áo. Cái gì tôi cũng nhai cả móng tay,... có nhiều thứ kinh khủng nữa không tiện kể ra, tôi đều nhai tuốt luốt.
Suốt gần ba năm dưới mái lều tranh cạnh giếng Bồng Lai đó, tôi có biết bao là kỷ niệm. Người bạn gái đầu tiên của tôi đã chết vì nước lụt năm ấy. Ba của Hoa đi lính chết, Mẹ Hoa lấy chồng khác, đem con giao cho Bà Ngoại mù nuôi. Tôi nghe kể Hoa cùng bà ngoại trèo lên đụn rơm, vì túp lều tranh lụp xụp đã bị nước cuốn đi. Nước lớn quá, đụn rơm bứng gốc trôi rồi lật, cả hai bà cháu bị phăng ra biển Đông mất xác. Người bạn trai đầu tiên tên Sung, sau này đi lính cũng chẳng có ngày về. Những người bạn còn lại thì có Trinh. Ba là đại úy bạn của Ba tôi, đã bị tử trận ở Hiếu Nhơn, bị phía bên kia móc đôi mắt. Cái chết rùng rợn của Ba Trinh khiến tôi e sợ một ngày nào đó Ba tôi cũng bị chết thê thảm như thế đó. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tẩm liệm người chết. Gia đình Trinh chuyển vào Nam, bặt tăm từ đó. Còn những người khác đa số ở lại quê trong thời chiến tranh, trong khi gia đình tôi tản cư ra Đà Nẵng. Khi tôi trở lại, thì họ là những cán bộ nòng cốt. Cái tình bạn thời thơ ấu là những vết hằn.
Tôi kể cho các bạn nghe thời thơ ấu của tôi chập chùng hình ảnh mấy ông ngáo ộp, đủ thứ mạ Sau đây có bài hát Tuổi Sợ Ma của Phạm Duy viết tại Sài Gòn năm 1973, cũng nói về các loại Ma...
Đêm qua em gặp ma, ma lem luốc con ma đen ngòm
Tóc ma dài, áo với quần tả tơi dơ dáy
Đêm qua em gặp ma, ma da trắng nhe đôi răng vàng
Con ma bùn, ma gàn gàn dở dở ương ương.
Đánh, đánh, đánh con ma, đánh con ma, đánh con ma
Loài ma qủy dữ, phải đánh!
Đánh, đánh, đánh con ma, đánh con ma, đánh con ma
Loài ma qủy dữ phải thua!
Đêm qua em gặp ma, ma men mắt say sưa đỏ ngầu
Giơ tay chào ma cờ bạc đầu râu xơ xác
Đêm qua em gặp ma, con ma túy xanh xao mơ màng
Ma kinh hoàng, ma cà rồng thuộc loại Ma Vương.
Đánh, đánh, đánh con ma, đánh con ma, đánh con ma
Loài ma qủy dữ, phải đánh!
Đánh, đánh, đánh con ma, đánh con ma, đánh con ma
Loài ma qủy sẽ phải thua!
Đêm qua em gặp ma, ma gian ác, ma cô lọc lừa
Sống nương nhờ nơi ai lầm và nơi ai lỡ
Đêm qua em gặp ma, con ma giáo lưỡi cong to mồm
Ma om xòm, bao nhiêu lần làm hại lương dân.
Đánh, đánh, đánh con ma, đánh con ma
Lũ mafia, loài ma khủng bố
Đánh, đánh, đánh con ma, đánh con ma
Loài ma đầu trữ, đầu cơ!
Đêm qua em gặp ma, nhưng em đánh cho ma tan tành
Ma vô hình, nhưng chúng mình phải giơ tay đánh
Đêm qua em bình an, ma đánh thức em ngay bên giường
Nhưng ma này, ma dịu dàng gọi là maman!
Hỡi bé! Hãy nên ngoan! Hãy nên ngoan! Hãy nên ngoan!
Đừng cho Mẹ mắng! Phải ngoan!
Maman! Hỡi Maman! Hỡi Maman! Hỡi Maman!
Mẹ yêu, mẹ mến, mẹ thương!

Hết


Xem Tiếp: ----