Đêm Trung thu ở chốn đô thành, vừng trăng vằng vặc sáng quắc như ban ngày, gió đưa ngành quế ngào ngạt hương bay; trong một cảnh hoa viên kia; lầu, đài, trì, tạ cây cối riềm rà, cách sang quí hình như bồng lai, lãng uyển, thấp thoáng lại có bóng hồng vào ra; khi vin hoa vít liễu, khi nhắm bóng soi hình, lúc lại dựa mình bên khúc lan can, bắt mặt trông lên chị hằng mà lâm nhâm khẩn niệm mấy điều tâm sự. Nói thế tuy chưa hiểu thấu nguồn cơn, song đã biết ngay là một người con gái có vương mối tơ tình quyến luyến, bi thu, sầu xuân, chi đây, nên mới tả ra cái cảnh tượng như thế. Người con gái ấy là ai? Tức là cô Kim Tú Cầu, người chủ động trong chuyện này vậy. Hồi ba, bốn mươi năm về trước, ở xứ Kinh(1), thuộc về con đường Đông Ba, đi xuống dạng Ao Hồ, ngả Tả Duệ, thời phần nhiều phủ đệ các đức ông đức bà ở rất đông, nhà cửa, lầu đài chồng chập, nào rạp hát, trường gà, đua ngựa, đánh quần; cuộc chơi đầy tháng, thiên hạ nô nức đi xem, hồng đua tía nở, nơi nơi trải gấm phơi là, thiệt là một cảnh thái bình dật lạc biết bao?! Ngoài phương dân điền cư theo đó, thời cũng toàn là phú quí trâm anh hết thảy, chớ nhà tầm thường thôn dã, không bao giờ lẫn vào trong đám phồn hoa đô hội đó mà ở được. Cô Tú Cầu là con gái một vị hưu quan, nên chi cái thái độ nhà cô cũng có phần đặc sắc trong hàng danh giá lắm; huống chi cái tư dung của cô Tú Cầu không nói nguyệt thẹn hoa nhường, nhạn sa cá nép, mà thành ra lời nói phỏng; chỉ xin độc giả nhận ngay câu chuyện trên này đã kể; cảnh ấy người ấy, có lẽ cũng không khác gì một bức tranh họa nàng Thôi Oanh Oanh, đứng dưới mái tây sương đợi chờ trăng lên vậy. Thế đã rõ dáng con người yểu điệu tài tình, bất tất phải tả ra, vì tả ra thì chỉ sợ nét bút chưa tinh, làm mất cái phong vận của một người giai nhân thời e không đáng. Tính cô Tú Cầu trầm mặc, ít cười, ít nói, mỗi khi trước gió, dưới trăng, hay ngậm ngùi, tư tưởng, thường lại tỷ mình như một đóa hoa phù dung, muôn ngàn người thấy cũng yêu, nhưng không biết ai là kẻ chung tình, trăm năm dầu tính cuộc vuông tròn, thời cũng phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông. Người đến dạm hỏi cô thời đông, mà chưa nơi nào là xứng ý cả, chỉ có chàng Ngọc Lan là anh em cô cậu cùng Tú Cầu thời người đã phong nhã thanh tú, mà lại đa tình hơn hết. Tú Cầu cùng Ngọc Lan từ bé cùng học với nhau một trường; hai cha mẹ đều lấy tình thân qua cát, không tỵ hiềm nghi, cho hai người qua lại chơi đùa với nhau, hơi tiếng quen nhau, ý tứ biết nhau; Kịp đến khi khôn lớn, thì lại càng thân mật bội phần. Khi bài thơ, khi cung đàn, vận hòa tri kỷ, tỏ ý cầu thân, tuy chưa phượng chạ loan chung, song đã tất giao gắn bó; vì thế mà hai bên hôn sự cha mẹ ép nài, nơi nào cũng không chịu lời hết thảy, mà tự hai người nói ra, cũng không dám đường đột; vì hồi bấy giờ còn ở trong phạm vi bó buộc, gia pháp tối nghiêm, quyền sắp đặt ở cha mẹ, con cái chưa dễ bày lời kén chọn mong mỏi của mình đặng. Sự đâu sóng gió bất kỳ, dịp vừa tiết hạ khứ, thu lai, chàng Ngọc Lan bận vì việc nhà phải đi Quảng Nghĩa, thời nàng Tú Cầu lại có kẻ đến nói hôn sự, phụ thân cô rất bằng lòng, mà cô thời thối thác không chịu, bà mẹ cô phong văn chuyện kín của hai người ít nhiều, bèn mới thuật lại cho thân phụ cô biết, cái nguyên do vì thế mà thành ra ngăn trở, phụ thân cô là người cố chấp bình sinh hay tin thuật số, trước có bói quẻ tử vi cho con gái, sau này định lấy một người chồng vinh hoa hết sức. “Lập công khổn ngoại, phả hữu trọng quyền”, mà bây giờ người đến nói đây, lại là một vị tước quan, chắc ngôi mạng phụ đường đường không sai, vì vậy mà ông quyết định một lời, lấy câu nghiêm huấn dạy rằng: “Thân con là của cha mẹ, giá kê tùy kê, giá khuyển tùy khuyển, huống hồ là ta đã kén lựa nhiều phen, mới chọn được chỗ xứng đáng, trao tơ phải lứa, gieo cầu vừa đôi; thời không được trái mệnh lệnh của ta, thành ra con bất hiếu đó, con ạ!” Tú Cầu cúi đầu khóc nức nở không nói năng gì, bà phu nhân biết ý, bèn liệu lời khuyên giải mà nói: Nhà ta đã “mấy đời quan tước linh đình, con gái cũng lấy chồng nhất nhì phẩm hết thẩy, đi võng đều từ trong trứng mà đi ra, cho nên cái nề nếp không thể thay đổi được, nay con muốn kết duyên cùng Ngọc Lan, hắn chẳng qua là một tên học trò danh tiếng, chớ đã làm chi nên nổi, vẻ vang cho nhà ta đặng, phụ thân con thời già rồi, em con còn dại, làm sao cũng cần người giúp đỡ, dìu dắt chúng nó lên vài cấp, mới mong kế nối quan chức về sau; lại chính con đào thơ liễu yếu, cha mẹ nưng niu như hòn ngọc báu trên tay, nay tuy gả cho người quyến thuộc, song cũng không khỏi làm dâu làm con người ta, nay tiếng này, mai tiếng nọ, con chịu làm sao cho nổi, ở nhà với cha mẹ thời không hề nhúng tay làm một việc gì, đến khi chịu khó, chịu nhọc, gánh vác lấy việc nhà người ta, nếu không kham, chi khỏi nặng nhẹ, làm thêm đau lòng cho cha mẹ”. Tú Cầu nghe lời song thân tái tam cạn tiếng, đinh ninh thời ban đầu nàng nhất định không chịu, song sau cũng phải miễn cưỡng vâng lời, về đến phòng thêu của nàng, một mình khoảng vắng canh chầy, đàng xa nghĩ nỗi may rủi, rủi may, sau này không biết thế nào? Mà đương sợ người đâu gặp gỡ làm chi, để cho tình duyên lăng líu, chưa thẳng đã dùn, mình không phụ bạc người ta, cũng như phụ bạc; thế nào cái tin này cũng lọt vào tai chàng Ngọc Lan, chàng biết cho ta là không thể nào trái lệnh cha mẹ được, mà dung thứ cho ta, chẳng nói làm chi, nếu chàng khăng khăng một niềm đau đớn thảm sầu, trách ta lỗi hẹn, thời ta cũng liều tính mạng cho cam với tình. ----------------(1)Kinh Thành Huế