Lúc hỗn độn trên tàu, nhìn những người đàn bà con gái khác được bao bọc che chở, tôi bỗng ao ước có một người con trai bên cạnh mình. Ít ra cũng để nhác thiên hạ, muốn đụng chạm đến tôi thì phải bước qua xác của người đàn ông đó. Nói đúng hơn là tôi cần có một cây tùng để núp bóng. Thế mà chẳng có ai cả. Đặt chân lên đất liền, sự cần thiết đó không còn là quan trọng nữa. Sống với nhau càng lâu, sợ hay không sợ, nể hay không nể có gì đâu mà khó phân biệt. Vì thế, cần chi hù ai nữa. Chuyến tàu khởi hành từ Việt Nam đến Mã Lai đã chia thành sáu tàu nhỏ. Lần lượt cập Galang. Anh trong nhóm cầm đầu của chiếc tàu lớn nên giành được vé nhất ra khơi. Bọn tôi thuộc hạng ba-tư, sau hạng nhất khỏang một tuần. Tôi đến Galang được một tháng thì hai chiếc tàu còn lại mới cập Cầu Tàu. Chúng tôi ùa nhau đi đón, mừng rỡ như gặp lại những người thân của mình. Cùng trong nhóm đón tiếp người mới tới có anh. Tôi dòm anh, anh dòm tôi. Không ai chào ai. Nghĩ cũng lạ, chào nhau có mất mác gì đâu mà sao tiết kiệm quá vậy? Nhưng không lẽ tôi phải lên tiếng trước. Anh ở sát phòng tôi, cách nhau một miếng vách có khoảng trống phía chân tường. Chúng tôi hay trao đổi thức ăn qua khe hở đó. Phòng của anh có ba nhóm. Anh chung nhóm với hai người con gái đẹp nhất nhì trong tàu. Một cô có con nhỏ, và một cô còn trẻ khoảng đôi mươi. Họ là dì cháu với nhau. Anh là bạn của chồng cô có con nhỏ. Phòng tôi gồm bốn nhóm. Nhóm tôi có bốn mạng, tôi và ba em gái nhỏ. Mỗi phòng làm vệ sinh cho cho barrack theo phiên. Phòng của anh đàn bà con gái không một ai phải ra xách nước chùi quét. Trong khi đó phòng của tôi, có một anh đi cùng với vợ con, và hai em trai nhỏ, nên tôi phải ra chỉ huy việc quét dọn, xách nước. Cái số cực đi tới đâu cũng cực. Đôi lúc tôi ước ao, phải chi tôi được ở bên cái phòng kia thì khỏe cho cái thân già của tôi biết mấy. Cả barrack có hai nhà vệ sinh sát vách nhau. Sáng nào cũng sắp hàng dài, chờ phiên mình. Tôi chọn giờ trưa rảnh rang hơn. Vẫn cái tật quyển sách kẹp nách mỗi khi làm công vụ. Nhiều lúc đọc say sưa quên cả thời gian, cho đến khi bị gõ cửa mới hay mình đang làm gì. Đôi lúc, không có người cửa bị gió thổi đóng lại. Đứng chờ quá lâu, gõ cửa mới biết là không có ai trong đó. Cho nên, hễ thấy cửa đóng hơi lâu mà không nghe động tĩnh thì gõ cửa cho chắc ăn. Nhưng cũng có lúc, người gõ không cần biết người ngồi trong lâu hay mau, thế là có màn ì xèo xảy ra. Chuyện chúng tôi bắt đầu cũng từ cái chuyện khó nghe đó. Hôm nọ, tôi đang mê mải theo câu chuyện, thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi rất ghét cái vụ phá đám này, lên tiếng thì sợ nhận ra ai ngồi trong đó. Không trả lời thì không ổn, nên gượng gạo trả lời“có người” nho nhỏ. Yên tâm là họ sẽ chờ cho tôi hoàn tất công việc dở dang. Nào dè, tôi lại nghe gõ nữa, ghét quá tôi làm im luôn. Rồi gõ nữa, cái máu Trương Phi của tôi nó nổi lên. Tôi quát lên, “Lỗ tai có mang dép không hả? Đã bảo có người rồi mà cứ đứng đó gõ tới gõ lui.” Tôi nghe tiếng chân quày quả bỏ đi xa dần. Thật là bất lợi, họ biết mình là ai mà mình mù tăm không biết ai là kẻ gõ cửa. Bạn biết không, lúc nói chuyện bình thường tôi uốn giọng uốn lưỡi thì cái chất Quảng trong giọng nói bị chìm đi. Khi nổi điên lên, nó phun ra chát ngắt, ai mà đỡ nổi. Tôi chờ yên lặng một lúc, chạy nhanh về phòng mình. Thì nghe phòng bên cạnh đang hí hố cười ầm chuyện gì đó. Sau này Thịnh, người cùng phòng của anh kể lại thì tôi mới biết người đó là anh. Cũng qua lời Thịnh, anh không ưa tôi từ lúc tôi ngang như cua dưới tàu, nhất định đòi lên buồng lái để thở, không chịu ngồi ở khoang dưới. Lại nghe cái giọng Quảng của tôi nặng trịch càng mất cảm tình. Sau lưng tôi anh gọi tôi là “Bà người Trung”. Tôi ghét nhất là bị gọi là Bà, vì tôi chỉ gọi bà với những người tôi ghét thôi. Hôm bị tôi xì nẹt về cái tội gõ cửa lì, anh chạy về phòng kể cho cả đám bên đó nghe rằng “Cái bà người Trung dữ như chằn tinh. Làm công vụ mà đọc sách, ngồi lì trong đó. Người ta gõ cửa không chịu trả lời, còn lớn lối nạt nộ. Ai mà ưa nổi cái bà chằn đó!” Anh rất khéo tay, đóng bàn ghế, ngăn kệ rất là đẹp. Phòng của anh tươm tất thì thôi. Nhóm tôi đi vào mấy barrack cũ gỡ trộm ván đem về đóng cái bàn. Mua đinh, mượn cưa, búa về, chị em tôi cũng đóng được một cái. Nhưng không dám dọn cơm lên vì mấy cái chân ẹo bên này, ẹo bên kia. Cũng cưa cũng gõ vậy mà sao anh ta làm cái nào cái nấy ngay ngắn, vững vàng. Còn tụi tôi hì hục cả ngày không ra cái gì cả. Chán quá, tôi mới ẳm cái bàn èo uột của tôi đến nhờ anh chữa giùm. Lúc đó tôi chưa biết anh không ưa tôi và cũng đâu biết cái tên lì gõ cửa là anh, chứ biết được có cho vàng tôi cũng không dám nhờ. Sợ bị từ chối thì ê cả làng. Anh nhận lời. Tôi làm thợ vịn sốt sắng lắm. Còn nấu chè đậu xanh cao uỷ đãi anh nữa chứ. Và tíu tít nói chuyện chọc anh cười. Anh không biết nói chuyện, hay là không thích nói, mà chỉ mỉm cười lắng nghe tôi huyên thuyên kể chuyện đủ thứ trên đời. Anh là thợ máy của tàu. Tên anh cùng tên cúng cơm của Tướng Lý Thường Kiệt, Ngô Tuấn. Gốc Bắc di cư, sinh sống tại Cần Thợ Trước khi vượt biên anh làm thợ sửa xe, có ga-ra lớn ở ngay phố thị. Đối với tôi thì anh Tuấn là lớp thợ. Tôi thì chưa mò tới chương trình đại học, vậy mà mắc cái chứng gì tôi cứ khư khư muốn có bạn trai ở lớp thầy thôi. Tôi phải nói rõ điều này, bằng không các bạn sẽ cho tôi huênh hoang. Chuyện là ở trong nước, đám con trai tôi quen biết đa số là bạn bè chung trường lớp, so với họ tôi chưa thua ai. Đó là lớp người được đào tạo đại học hoàn toàn dưới mái trường XHCN, là một những lớp đầu tiên được nhà nước dùng để thay thế một số chuyên viên cán bộ khoa học trước 75, cho nên đám bạn tôi có điều kiện nắm giữ các vai trò then chốt nếu họ không có tì vết trong lý lịch gia đình. Tôi bị ra rìa, nhưng đâu chịu chấp nhận đi làm quen những đứa trước kia học tệ hơn tôi. Không ngạc nhiên gì, nếu cứ tiếp tục ở lại trong nước tôi sẽ là gái già kinh niên thôi. Thoạt đầu, với cái vết mòn ăn sâu trong cái nhìn nông cạn, anh Tuấn đâu phải là người trong mộng của tôi. Anh có ghét cay ghét đắng tôi đến mức nào thì cũng đâu có làm tôi đau khổ. Ở chung vách được một thời gian, thì nhóm anh bấm ra Galang 2. Tự nhiên thấy buồn, chẳng phải vì thương nhớ ai, nhưng có thay đổi thì có buồn vậy thôi. Mà lạ chớ, anh ra ngoài đó rồi, tuần nào cũng về lại barrack. Đi qua đi lại trước phòng tôi. Tôi dòm ra thấy anh, cũng không chào hỏi gì cả. Cha chả, coi bộ anh Tuấn dạo này diện quá ta, tôi nghĩ thầm. Áo bỏ thùng, giày adidas mới toanh. Không biết để ý ai đây. Lúc đó tôi cũng chưa biết anh ghét tôi. Thịnh chỉ kể lại sau khi anh Tuấn đã không giấu được sự nhớ nhung bà chằn. Đâu được vài tuần, thì thiên hạ xì xầm “Cậu Tuấn si cô Th.” Thịnh lúc đó mới kể chuyện công vụ bị gõ cửa. Tôi vừa xấu hổ vừa mắc cười. Ủa vậy tại sao anh chàng cứ lảng vảng trước phòng chị mỗi tuần, tối thùi thui rồi vẫn chưa về lại Galang 2? Thịnh bảo, “Chị đừng giả bộ ngây thơ nữa! Anh Tuấn kết mô đen chị rồi đó.” Tôi thật là bất ngờ và thú vị. Tuổi tròn trèm băm rồi, lại chẳng dịu dàng thùy mị, không hiểu anh chàng tìm thấy ở tôi điểm nào hấp dẫn anh. Khoảng không lâu sau khi nghe Thịnh kể, khi thấy anh ở Galang 2 vào, tôi không khép cửa như thường lệ. Buổi tối, các người trong phòng thường đi xem phim, hoặc đi uống cà phê nghe nhạc. Tôi và ba em nhỏ khép cửa giăng mùng cùng ngồi học tiếng Anh. Anh đi ngang qua dòm vào, tôi nhe cái răng khỉ ra cười, anh đứng lại. Tôi mời anh vào chơi. Ba đứa nhỏ xin phép tôi đi ra ngoài. Anh ngồi xuống đất, ngồi ngoài mùng tôi ở trong. Muỗi kêu o o, tôi hỏi anh có muốn chui vào trong không? Anh nói, được rồi. Tôi đưa anh cái quạt đuổi muỗi. Bọn tôi không có bàn ghế chi cả. Cái bàn anh sữa giùm dùng làm bàn ăn. Bàn học thì lấy cái thùng cá hộp kê lên đầu gối rồi viết. Tôi ngồi trong mùng ôm cái thùng cá hộp. Anh ngồi im như tượng, chẳng rục rịch, chẳng nói năng chi cả. Tôi thì cũng đâu biết nói chuyện gì với anh. Tôi cũng đâu còn tự nhiên kể tía lia như cái ngày làm thợ vịn. Cái con người này bề ngoài giống như cái nghề dầu nhớt của anh, có vẻ anh chị lắm, tại sao hiền như cục bột trước mắt tôi. Ngồi mệt thì anh về. Tôi được người bạn cho bấm vào phòng ở Galang 2. Nhờ Amin, người tài xế Indo, chuyên chở đồ đạc chúng tôi ra ngoài đó. Mệt đừ luôn. Chiều đó anh Tuấn tới chỗ ở mới của tôi, trách sao dọn nhà không cho anh hay để anh phụ giúp. Tôi nhớ mãi cử chỉ thiệt hết sức dễ thương của anh. Anh lấy tay phải đánh cái bếp vào tay trái rồi nói, “hư quá, vô tích sự quá, có tay đây mà không giúp được gì cho Th!” Tôi muốn nhờ anh lắm, nhưng ngại quan hệ chưa đủ thân thiết để lên tiếng, nay thấy anh nói như vậy tôi cảm động vô cùng. Cái phòng tôi ở phải để ba cái giường. Một cho anh Đức, người chủ phòng cho tôi vào ở. Một cho cháu gái của anh. Còn một cho chị em chúng tôi. Tôi mới đề nghị phá hết ba cái giường ra đóng chung thành một cái sạp rồi ăn, ở ngủ nghỉ trên cái sàn đó như kiểu người Nhật vậy. Anh Đức đồng ý, bỏ công ra làm. Anh ta làm cẩu thả, cái sàn chổng đầu này, nhẩy đầu kia. Tôi không ưng ý chút nào. Sống chung với người như vậy, thật là bực mình dù họ có bác học đến cỡ nào chăng nữa. Thế mới biết cái kiến thức như trời bể chưa hẳn đã làm người sống chung thỏai mái. Gọi anh Tuấn đến tháo bung hết ra, làm lại từ đầu. Chỉ có anh Tuấn mới làm tôi vừa lòng. Tôi biết hai người đàn ông nghĩ gì trong đầu. Anh Tuấn thì ngại làm phiền anh Đức. Anh Đức chắc cười thầm anh Tuấn, sao chịu tôi sai khiến. Anh Đức tỏ vẻ bất cần, nhưng tránh làm sao được sự bất mãn. Khi tôi ở cùng phòng với anh Đức thì bị ngăn ra phía sau. Anh Tuấn có lòng muốn xin đất P3V cất cho chúng tôi cái chòi. Nhưng tôi không muốn dời đi đâu nữa. Tôi không biết lòng tôi nghĩ thế nào về anh Tuấn. Anh biết tôi đang có người ở Mỹ lọ Tôi kể thiệt với anh là anh T có vợ rồi, nhưng họ không có hạnh phúc với nhau. Anh Tuấn cũng kể cho tôi nghe về anh. Gốc Bắc di cự Ba anh là sĩ quan, về hưu và đã qua đời. Mẹ và chị của anh hiện đang ở Mỹ. Anh có người em vừa bị tai nạn giao thông mất. Gia đình anh chịu liên tiếp hai cái tang. Ngoài ra còn một số anh chị em, tôi không còn nhớ rõ. Nghe anh kể ai nấy đều được học hành tới nơi tới chốn. Riêng anh thì không muốn học, chỉ muốn làm nghề. Ba Mẹ nhờ xem tử vi sao đó, nói là số anh chỉ phát triển về con đường làm nghề. Nên học xong lớp mười thì Bố anh cho phép anh đi học nghề sửa xe. Anh có khiếu về máy móc. Tôi rất phục anh về khoản này. Dường như đó là lần đầu tiên tôi biết khâm phục một người mà không cần họ có kiến thức qua sách vở. Anh làm cho tôi cái máy phát thanh từ mấy cục pin. Từ cái vỏ lon đồ hộp anh chế cho tôi mấy cái đuôi bắt bông kem, bây giờ tôi vẫn còn giữ. Rồi bộ đồ tỉa rau quả anh cũng làm cho tôi. Anh đóng tủ, bàn ghế đẹp, khéo lắm. Tôi khoái nhất là anh tính toán rất chính xác, không bỏ phí một mẩu gỗ, dù gỗ lấy không ở trong rừng. Cái đó hợp với tính tiết kiệm của tôi. Luôn sử dụng nguyên vật liệu thấp nhất để tạo sản phẩm tốt nhất. Có như anh Đức sau khi đóng cái sạp thì một đống gỗ phế thải còn lại phải vất đi. Nhà anh tương đối khá giả ở phố Cần Thợ Anh có ga-ra riêng, làm ăn phát đạt. Tôi có dò hỏi một số người Cần Thơ, họ biết gia đình anh. Nhưng anh lại bỏ đi, một trong những lý do là tình. Nhà anh có pharmacy, có cô dược sĩ làm cho nhà anh mà anh đã yêu thương năm năm trời. Cô ấy có bạn trai cùng ngành nghề. Cô ta đứng giữa hai con đường lựa chọn. Một bên trình độ học vấn ngang nhau, một bên giành cho cô tất cả những nhu cầu vật chất. Thời gian cô bắt cá hai tay như vậy kéo dài như vậy đến năm năm. Cô gái không thể chọn một trong hai. Cuối cùng thì anh Tuấn không chịu được nữa, bán cửa tiệm riêng và bỏ đi. Anh đưa thư của cô đó viết cho anh, rằng khi anh Tuấn đi rồi, cô ta mới thấy ai là người cô cần thiết. Mong anh trở lại. Hừm, cá vuột là cá bự. Trở lại từ nước thứ ba thì chuyện khác, chứ ở đảo mà hồi hương thì anh sẽ biết ngay đâu là mong với đợi. Nghĩ vậy chứ tôi không dám nói ra sự thật. Lúc anh kể cho tôi nghe về chuyện tình của anh, anh còn nói tôi và cô bạn của anh tánh khí rất giống nhau. Tôi buột miệng tính cãi, thì anh thêm vào, “Th thì thẳng thắn, sòng phẳng và... ” Tôi quên rồi, đại loại là tốt hơn. Ngay lúc đó tôi nghĩ, rồi một ngày đó tôi cũng sẽ làm anh buồn vì tôi thôi, Tuấn ơi. Anh nói với tôi, anh thích những người con gái thông minh, lanh lợi. Tôi định hỏi anh, tại sao anh không tìm những người ngang ngang với anh, ưng chi cỡ dược sĩ cho mệt, nhưng tôi không dám hỏi. Anh còn nói thêm là suốt thời gian đó anh làm ra bao nhiêu đều sắm sửa cho cô dược sĩ đó hết. Bây giờ (lúc kể cho tôi nghe) anh chẳng có gì để lo cho tôi. Ôi, tôi cũng đâu có mong muốn sự giúp đỡ của ai trừ phi tôi cần. Tuy sinh hoạt ở GĐPT, nhưng tôi không thuận thành như anh. Tối nào anh cũng đi chùa. Chòi anh ở, có thỉnh phật bà Quan Âm về thờ. Trên bàn thờ khi nào cũng có trái cây. Anh là barrack trưởng, là người tốt bụng, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Cho nên ai cũng qúy mến anh. Họ tặng anh trái cây, sau khi thờ vài ngày, thì anh sai em trai nhỏ ở chung, mang qua phòng tôi cho tôi xơi thêm chất bổ. Ở trại thiếu thốn lắm, tôi bảo đảm là anh nhịn thèm để nhường cho tôi. Từ chối sợ anh buồn, vì tôi biết anh có lòng muốn tôi được khỏe mạnh. Tôi cứ nhận, rồi tìm cách nấu nướng món gì đó đem qua cho anh cùng mấy em trai ở chung với anh. Từ khi ra Galang2, anh không còn ở chung với dì cháu người kia nữa. Dì cháu đó rất nhiều tiền bạc, và quan hệ bí ẩn với những viên chức Indo có máu mặt. Có những lời đồn không hay về họ, nhưng anh Tuấn tuyệt nhiên không hề hở môi với tôi về họ. Tôi cảm phục cách cư xử đàn ông, cao thượng của anh. Họ sắm cho anh áo quần, anh mặc. Tuy tôi chẳng bao giờ tặng anh cái gì, nhưng mấy cái áo họ tặng không hợp với cái nhìn của tôi. Tôi không thích đàn ông mặc áo chim cò. Đa số đàn ông Indo ăn mặc giống như ở Hawaiị Anh Tuấn nghe lời tôi không mặc nữa. Thấy tôi lười biếng nấu ăn, mà đi ăn cơm tháng. Cơm tháng nấu tệ quá, ăn không vộ Người tôi ốm tong teo. Anh nói để anh nấu chọ Thấy kỳ quá, tôi phải siêng nấu mà ăn. Nếu có một người nào đó hoàn toàn không phải là người của tôi mơ ước, mà tôi thật sự quý trọng họ, thì phải nói đó là anh Tuấn. Tôi quý anh, không những điều anh đã tận tình săn sóc tôi mà ngay những việc anh làm cho tất cả mọi người. Anh đem các em trai nhỏ đi một mình về chung sống, đối xử như anh em ruột thịt. Số đàn bà con gái đi một mình nhờ anh đủ thứ chuyện, từ việc dựng chòi, đóng bàn, ghế,... không có việc gì mà anh từ nan. Do đó, có một số người lợi dụng anh. Tôi nóng mũi lắm, mặc dù anh Tuấn và tôi chưa có một quan hệ chính thức nào. Tôi cũng như bao cô gái đó vậy. Việc gì anh đã nhận lời thì cứ ở đó mà chờ kết quả mỹ mãn. Khi tôi bị sốt rét, ăn uống không được chi cả. Tôi nhớ hồi còn ở quê, mỗi lần bệnh Má tôi hay nấu cháo trắng ăn kèm với cá con kho khộ Ở đảo, toàn là cá bự. Bệnh quá, lạt miệng ước càn vậy thôi. Nào dè, anh Tuấn ra biển bắt cá, hay đặt Indo mua đâu đó có mấy con cá nhỏ như ngón tay út. Ra biển bắt cá trộm, bị cảnh sát Indo bắt được thì họ cạo đầu, nhốt ở P3V. Anh đem về kho theo tôi diễn tả, rồi chạy khắp barrack hỏi bà con nếm có vừa miệng chưa. Tôi nghe Hoa kể lại như vậy, vừa cười vừa chảy nước mắt. Trời ạ, sao có những con người quá tốt với tôi như vậy. Ngay cả Hoa nữa. Khi anh mang cá và cháo đến cho tôi. Nếm con cá kho khô của anh là cái lưỡi của tôi muốn thụt luôn. Nó mặn hơn cả muối hột. Miệng anh tíu tít hỏi, ngon không, vừa miệng không? Tôi chẳng biết trả lời sao, chỉ ầm ự, trả lời được được. Tôi rán nuốt đến hết con thứ hai là chịu hết nỗi. Anh cắc ca cắc củm mang đi đậy lại cất, còn dặn dò, “Để đây, chiều Th muốn ăn thì hâm lại nghen.” Anh về rồi, tôi kêu con nhỏ hàng xóm qua mang về kho thêm với món gì khác mà ăn đi. Anh làm tôi cảm động quá chừng. Tôi nanh nọc, sừng sõ, nhưng với anh tôi cảm thấy mình nhỏ bé. Anh nâng niu săn sóc tôi từng li từng tí. Suốt thời gian ở đảo tôi bệnh này tới bệnh kia. Tay chân luôn lạnh như nước đá. Nghe ông thấy thuốc Nam dặn phải ngâm chân bằng nước muối ấm để giải huyệt gì đó. Anh sợ tôi lười, chiều nào cũng qua bắc nồi nước nóng rồi pha muối, ép tôi ngâm chân. Tôi mà ghé chòi anh, thì anh tranh thủ nấu nước cho tôi ngâm chân ngaỵ Chòi anh có cái quạt máy do anh chế, chỉ mát được như ai thổi vào mặt thôi. Mỗi lần qua anh, vào giờ trưa, là hai cái tay anh cầm quạt phành phạch cho tôi. Tôi ngượng quá, bảo làm ơn thôi giùm. Anh không ngưng, tôi phải làm mặt giận bỏ về thì anh mới thôi quạt. Có lần tôi làm kinh, nóng quá độ. Hoa và anh Tuấn thay phiên nhau chăm sóc tôi. Hoa kể lại, anh Tuấn thấy tôi sốt quá, nói sảng, anh muốn đưa tay sờ trán tôi mà không dám, phải chạy đi kêu Hoa. Tôi thương anh quá Tuấn ơi, anh biết tôi đang có người khác mà không hề quản ngại lo lắng chăm sóc cho tôi. Cái tình của anh dành cho tôi biết lấy gì đền đáp. Tôi đậu thanh lọc, và đi Mỹ trước anh. Anh căn dặn tôi, cẩn thận khi quan hệ với người đã có gia đình. Nếu vì một lý do nào đó tôi không đến với anh T (người trợ cấp tài chánh, và lo giấy tờ định cư cho tôi) được thì có anh luôn sẵn sàng chờ đợi tôi. Tôi nói lại rằng, giữa tôi với anh T chưa có tình yêu, chỉ có ân nghĩa. Tôi phải qua bên đó để giải quyết ân oán. Anh đặt chiếc nhẫn có chữ T tặng tôi. Tôi cũng đang mang chiếc nhẫn có chữ T, tháo ra tặng lại. Bởi tên chúng tôi đều bắt đầu bằng chữ T. Anh mang vào ngón tay út khó khăn lắm mới nong vừa chiếc nhẫn của tôi tặng anh. Chiếc nhẫn anh tặng, dũa không kỹ. Khi tôi đi bơi lần cuối ở bãi biển Galang, tôi vuốt mặt, nó cứa tôi một đường dài. Ngày tôi định cư, cái mặt vẫn còn thẹo. Kỷ niệm mang theo một tấm tình cao quý. À, thời bấy giờ một người đậu thanh lọc trước khi ra đi có lòng muốn giúp đỡ ai bị rớt thì ghép form với họ. Khi định cư ở nước thứ ba thì làm thủ tục bảo lãnh người đó quạ Tôi không dám ghép với ai dù cũng muốn giúp đỡ một người đàn ông nào đó. Không chịu làm mà bán cái cho anh Tuấn. Tôi đưa Cúc đến, Cúc là một đoàn sinh GĐPT, rớt thanh lọc, nhờ anh Tuấn ghép form. Trong lòng tôi lúc đó, nghĩ là tôi sẽ không đến với anh Tuấn trong tương lai. Cúc là người đứng đắn, và anh Tuấn cũng vậy nên mới nhân cơ hội này để làm một công hai chuyện. Anh Tuấn nhận lời, phần vì sự yêu cầu của tôi, phần anh là người rất từ tâm. Cúc thì rối rít cám ơn tôi, tưởng rằng tôi đem người yêu mình để cứu vớt Cúc. Chuyện sau đó có tiến hành những bước cần thiết, nhưng tôi thật sự không biết diễn tiến như thế nào, khi tôi không còn liên lạc với anh Tuấn nữa.Khi rời Galang, tôi không hề nghĩ sẽ gặp lại anh Tuấn. Cảm kích tấm lòng anh đối đãi với tôi suốt thời gian hơn ba năm ở trại, tôi tặng anh cái mền. Thật ra khi bắt đầu mũi kim đầu tiên, tôi không có ý định tặng anh cái chăn đó. Nhưng sau gần một năm hoàn thành, không có ai xứng đáng để đắp tấm chăn đó, ngoài anh ra. Anh biết được cái khó khăn tôi đi xin vải rẻo ở các tiệm maỵ Cắt ra những hình lục giác. Bẻ mép cho cân, rồi khâu từng múi nối ráp lại, theo một sự sắp xếp nhất định. Khi tôi trao anh món quà trước khi tôi đi, tôi nhìn thấy trong mắt như phủ một màn sương. Tôi biết mình đã trao đúng người biết qúy nó. Đồ đạc tôi anh đem phân phát cho các bà con còn ở lại. Tôi không thích người kia, định không cho cái máng xối, thì anh nhẹ nhàng phân giải. Đừng nên làm như vậy... Tôi nghe lời anh. Tôi học ở anh lòng vị tha, sự nhẫn nại và nhờ sự khuyên răn của anh tôi đã dẹp đi rất nhiều cái tính ngang bướng. Riêng anh, anh xin giữ lại cái gối. Anh còn viết thư kể tôi hay rằng, anh không giặt cái bao gối đó bao giờ. Anh sợ mất đi cái mùi còn đượm trên chiếc gối ấy. Lúc đưa tôi lên xe ra Cầu Tàu, anh nói anh đã khóc khi nhìn tôi xa dần. Đó là lần đầu anh xuất hiện với tôi nơi công cộng. Đi đường gặp tôi đang đi với ai, thì anh né đi chỗ khác. Gặp ở chùa anh không bao giờ đứng lại nói chuyện, bên cạnh tôi bao giờ cũng có các em đòan sinh. Tôi không hiểu vì sao. Hỏi thì anh bảo anh không muốn tôi bị mang tiếng. Trời ạ, tôi mang nợ con người này quá nặng. Khi viết thư anh mới dám xưng anh với tôi, mặc dù anh lớn hơn tôi một tuổi. Bình thường anh chỉ xưng tôi thôi. Tôi kể cho anh nghe, chuyện anh T, anh vẫn còn chung sống với vợ con. Và tôi đang tìm cách để quyết định lối đi của mình. Anh Tuấn khuyên tôi đừng hành động hấp tấp. Khi anh qua đến Mỹ, anh gọi điện hỏi tôi, nếu tôi cho phép anh sẽ làm chuẩn bị đón tôi qua Olympia Washington cùng anh. Trong thư anh còn nói mặc dù anh biết tôi chưa thương anh, đôi khi còn chọc ghẹo anh nữa. Nhưng anh biết tôi là một con người tốt, anh muốn được chăm sóc tôi và cho phép anh gánh vác một phần trách nhiệm đối với gia đình tôi còn ở Việt Nam. Thiên hạ có bao nhiêu người nghĩ đến tôi và luôn cả gia đình tôi? Anh không đòi hỏi tôi trả lời ngay, cho tôi hai tuần suy nghĩ. Anh đang học một khóa về thợ máy, còn vài tháng nữa mới xong. Hiện tại anh đang ở chung với gia đình người chị và Mẹ. Anh đã đưa hình tôi cho bà cụ xem, bà cụ phán là khuôn mặt có vẻ khó tính. Anh và tôi đều cười khi nghe anh kể lại như vậy. Một lời chê của bà mẹ chồng tương lai đó sao. Anh còn nói nếu sau này ra riêng, anh sẽ rước bà cụ về sống chung với anh. Anh không gọi điện thoại tôi vì đang ở trọ nhà chị. Tôi biết tính anh không muốn làm phiền ai bao giờ, nhưng tôi muốn có người nói chuyện với tôi. Ngay lúc ở đảo, anh cũng nói với gia đình đừng gởi tiền cho anh. Do đó, tuy có thân nhân ở nước thứ ba, mà anh sống rất là chật hẹp. Đúng hai tuần thì gọi điện để nghe tôi trả lời. Tôi thật sự chưa yêu anh chút nào, tôi thương, tôi quý anh, chừng đó chắc cũng đủ để trở thành người chồng, người cha của con mình rồi. Thế là, tôi gật đầu. Anh bàn lo kế hoạch sống chung. Và anh còn căn dặn đừng gọi điện thoại cho anh, cứ viết thư cho anh đi. Chờ anh khoản bốn tháng nữa là anh sẽ qua rước tôi về. Tôi gởi thư về báo gia đình là tôi sắp lập gia đình cùng anh Tuấn. Trong thời gian đó, người hiện nay là chồng của tôi xuất hiện. Gọi điện cho tôi thường xuyên, lo lắng chăm sóc tôi chẳng khác gì anh Tuấn ngày xưa, lại ở gần. Hơn nữa chuyện giữa tôi và anh T cần giải quyết sớm, tôi cần phải có chồng ngay, không thể chờ anh Tuấn qua rước. Biết đâu anh không qua thì sao. Thế là tôi lập gia đình chớp nhoáng. Tôi có gọi điện cho anh Tuấn báo rằng “Lâu quá không thấy anh nói năng chi cả, thôi Th có chồng nghen, vài bữa nữa cưới!” Anh Tuấn không nói một lời. Từ đó tôi không còn nghe tin tức gì về anh. Sau này có vài lần tôi gọi lại số cũ, thì anh không còn ở đó nữa. Xin số điện thoại nơi anh ở thì người chị nói là anh chưa có số điện thoại. Số điện thoại vùng đó thay đổi, tôi không còn liên lạc được với người chị, để hỏi về anh Tuấn. Vậy đó, người ta nói Galang xài dù, nên xù dài. Tôi đâu có muốn đi theo vết đường mòn đó, tránh cũng không được, nên đành phải Galang tình xù. Không biết anh đã có gia đình chưa? Có điều tôi chắc chắn là kẻ nào làm vợ anh kẻ đó là người may mắn. Con người của anh tốt từ đầu đến chân. Chắc chắn là anh buồn lắm, buồn như ngày nào cô dược sĩ đã khiến anh buồn. Thôi cứ coi như anh T đã ly dị vợ và tôi lập gia đình với anh ấy bởi vì khi anh bắt đầu yêu thương tôi anh cũng biết tôi đang có người khác mà. Thương và yêu khác nhau chỗ nào? Quyết định lấy chồng của tôi không phải là sự réo gọi của tình yêu, và sự huỷ bỏ lời hứa với anh Tuấn càng không phải là kết quả của tình yêu. Tình yêu là một phương trình vô nghiệm. Tôi là người đưa ra phương trình mà tôi không giải được thì đố ai mà tìm ra đáp số. Nói thì nói vậy, chứ tôi có lỗi với anh lắm. Đã nói rồi mà, tôi sẽ làm khổ anh thôi. Xin được tha thứ, hãy tha thứ cho tôi, anh Tuấn.
Hết