Ngày đó, mới qua đây, vào học lớp ESL. Trong trường người Việt Nam chiếm đa số. Lớp càng cao thì người Việt ít dần. Trong lớp có ba cô gái người Việt độc thân và một anh con trai đã có vợ. Hai cô bạn kia nhỏ tuổi hơn tôi. Một cô sau khi học xong bằng bốn năm, có job ngon lành và lập gia đình với một anh chàng Mỹ. Còn cô kia, cũng lập gia đình không bao lâu sau đó. Còn ngòai ra là người Mễ, Đức, Hung, Nga... Bà giáo da trắng có vẻ gần gũi với đám kia hơn là nhóm chúng tôi. Đó là ý nghĩ của riêng tôi. Tôi cố gắng thu lượm thêm vốn liếng tiếng Anh trong khi còn hưỡng trợ cấp. Được ba tháng thì tìm ra được việc làm, tôi nghỉ học. Ngày chia tay với lớp. Có buổi tiệc nhỏ, chụp hình với các bạn cùng lớp. Thì có một anh chàng người Hungary, bước tới ôm bờ vai tôi. Anh ta xin được chụp riêng với tôi một tấm hình. Thật bất ngờ, nhưng tôi bằng lòng. Anh ta tên Emere, người đã nhiều lần tranh cãi với bà giáo, và tôi cũng vậy. Tôi cứ ngỡ người bản xứ, nhất là cô giáo thì phải rành về văn phạm, sự thật thì không phải thế. Trong lòng tôi có chút nể vì anh tạ Nhưng vẫn nghĩ, đám da trắng đâu có thích làm bạn với nhóm tôi. Chắc là nỗi buồn nhược tiểu nên tôi cũng không mấy chú ý đến Emerẹ Cuối giờ, Emere đến xin tôi số điện thọai và nói là để tiện liên lạc, thông báo cho tôi biết khi nào trường cấp chứng chỉ ba tháng học anh văn cho tôi. Sau lần nói chuyện bằng điện thọai, Emere xin địa chỉ. Tôi đưa, có gì đâu mà ngại. Emere biết tôi đang chuẩn bị vào Community College để lấy thêm mấy lớp tiếng Anh, nên mang theo cuốn sách ghi danh đến. Mỗi lần đến đều mang theo hoa, cái mà tôi thích nhất. Có những buổi tôi không có hẹn, mà Emere đến, anh ta để hoa trước cửa rồi về. Tôi chưa hề có ý niệm về một người tình ngọai quốc. Thắc mắc trong lòng, không biết cái anh chàng có bộ râu rậm này có âm mưu gì đây? Anh hỏi tôi còn nhớ hôm anh tặng hoa hồng cho các cô gái trong lớp không? Làm sao mà quên được. Tôi nhớ rất rõ hôm đó. Nhân ngày Valentine, Emere ôm một bó hoa hồng to tướng vào lớp. Tôi thường là một trong những người lớp sớm, vì đi xe bus của trường. Tôi trông thấy Emere, gật đầu chào rồi tôi tiếp tục làm bài của mình. Không một thoáng ngạc nhiên, tôi nghĩ rằng anh ta đem hoa tặng bà giáo hoặc là cô người Nga mà anh thường nói chuyện. Không phải thế, trong giờ ra chơi, anh đi phát tặng từng cô gái. Tôi không thấy anh đến chỗ tôi ngồi, mà cứ lơ như không nhìn thấy tôi. Những ngày đầu đến xứ này, tôi thu dần mình lại, vì nghiệm rằng mình chẳng giống ai. Chẳng ai buồn muốn biết tôi là ai. Tôi chấp nhận ánh mắt coi thường của đám người khác màu da đối với bọn tôi. Vẫn hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ chứng tỏ cho họ biết có sự khác biệt trong định kiến của họ. Tuy vậy, trấn tỉnh sự coi thường lộ liễu như thế này quả là ngoài sức chịu đựng. Tôi nhớ lại lúc đi học khiêu vũ, ngồi chờ đám con trai đến bắt cặp. Đôi khi làm kẻ thừa thãi tôi muốn chém cha cái kiếp làm con gái. Tại sao mình không có quyền đứng dậy mời một tên con trai ra sàn. Không có cái cảnh nào nhột nhạt, khó chịu bằng cái cảnh làm kẻ ra rìa. Tôi muốn chạy ra khỏi lớp để khỏi chứng kiến cái cảnh bực mình, ê chề như vậy. Tôi muốn hét lên, muốn làm một điều gì đó để giả lã, để làm kẻ chủ động chứ không phải ngồi ì ra đó chịu trận. Nếu nói là kỳ thị, thì tại sao hai cô bạn kia cũng đã nhận hoa rồi. Nếu là sơ sót thì không thể nào, tôi ngồi chình ình ở bàn đầu, ai mà không trông thấy. Anh ta ghét tôi cỡ nào cũng đâu thể nhỏ mọn đến thế. Vả lại, sáng nay anh ta cũng đã vui vẻ chào tôi mà. Tôi cố nuốt nước mắt, cắm cúi làm tiếp việc đang làm dở dang. Thì sau rốt, Emere bước vào chỗ tôi ngồi, trao cho tôi nụ hoa cuối cùng. Không một lời nói, không một sự biểu lộ nào cả. Tôi lí nhí cảm ơn Emerẹ Thở phào một tiếng nhẹ nhõm cả người. Nghĩ anh là người công bằng, không nỡ lòng để một cô gái như tôi phải tủi lòng. Cũng có một tí gì đó băn khoăn, nghiêng về mặt tiêu cực. Tôi làm sao quên được chứ. Lúc này Emere mới kể rõ rằng, khi ấy Emere chỉ muốn tặng riêng hoa cho tôi. Nhưng anh thấy không tiện, nên mới bày việc tặng hoa cho cả lớp. Tôi thật bàng hòang sửng sốt. Tuy xưa nay tôi không có lối tự ti mặc cảm về ngoại hình của mình. Nhưng đối với người da trắng tôi không hề nghĩ họ tìm thấy sự thu hút về cái bề ngòai của dân châu á nói chung, Việt Nam nói riêng. Tôi hỏi Emere đã tìm thấy cái gì thu hút ở tôi. Emere nói, tôi khác hẳn với mấy cô gái khác. Anh thích cái "severe" của tôi (nguyên chữ Emere dùng). Không biết là anh có hiểu cái nghĩa cái chữ đó giống như cái nghĩa thông thường trong tự điển, hay là một nghĩa nào khác hơn. Lần đầu tiên nghe từ đó từ cửa miệng anh ta, tôi đã liên tưởng đến một cơn bão xoáy miền nhiệt đới, gió giật từng cơn. Dù sao tự ái của một cô gái quá lứa như tôi đã được ve vuốt. Khi anh về rồi, tôi đứng sửng trước tấm gương soi, cố tìm ra cái nét severe thu hút nào trên khuôn mặt mình. Mất hết rồi những láu lỉnh, vui tươi, chồn đèn, lí lắc mà bạn bè gán tặng. Trong tấm gương là khuôn mặt khắc khổ, với đâu mắt như xói hồn thiên hạ, ảm đạm buồn thảm. Tôi vẫn chưa tin lời tỏ tình của Emerẹ Cố gắng ôn lại những ngày chung lớp với Emerẹ Emere tuyệt nhiên không để lộ một cử chỉ nào để gọi là để ý tôi cả. Chỉ có một lần đi tham quan. Emere lò dò đi bên cạnh tôi. Tôi lại nghĩ ngược rằng, vô tình tôi đi bên cạnh Emerẹ Sợ Emere nghĩ tôi đi theo anh ta, nên tôi tìm cách lãng xa.Emere kể cho tôi nghe, anh đã có một đời vợ, khi còn ở Hungarỵ Họ đã thôi nhau, có một đứa con trai, hiện đang sống với mẹ nó. Tất cả những gì về Emere đều nằm ngòai phạm vi chấp nhận của tôi. Emere tỏ ra rất lịch sự, ân cần, luôn han hỏi. Anh hỏi tôi thích lọai nhạc gì? Tôi nhớ lại hồi ở Sài Gòn, mỗi buổi trưa cần ru giấc ngủ, tôi đều mở chương trình nhạc cổ điển không lời. Tôi trả lời, "classical". Thế là Emere mang đến một đống băng nhạc. Tôi thử mở ra thì ôi thôi, chói cái lỗ tai, với ngôn ngữ không hiểu, chắc là tiếng Hung. Hát như kiểu opera, nghe một lần sảng tía hồn kinh. Anh mang cho tôi những món quà, bỏ thì thương - vương thì nặng. Một tấm thảm nhỏ, dệt bằng tay, có những hoa văn, tôi không hiểu nổi. Lại đượm thêm cái mùi nước hoa nồng nặc, nhức đầu. Emere xài loại nước hoa gì tôi chịu không thấu. Mỗi lần anh ta đến ngồi trên cái ghế sofa bằng vải nỉ, giữ mùi quá đậm. Anh ta về rồi tôi phải tháo bọc ra giặt. Chưa đủ thân thiết để nói thẳng cái điều tôi đang nghĩ. Tôi đã thay đổi nhiều, chứ không phải nghĩ gì nói nấy như hồi nào. Anh mua được chiếc xe mới. Mới có nghĩa là mới mua thôi, chứ chiếc xe đã qua mấy đời chủ rồi. Anh đến khoe với tôi và mời tôi đi đến nhà họ hàng của anh ở thành phố kế bên. Anh nói, anh sẽ xin cho tôi việc làm ở hãng của người anh họ. Tôi không dám nhận lời. Tôi đa nghi như Tào Tháo, mặc dù không đến độ vô lương như cái tên gian hùng đó. Đầu óc tôi có bị bệnh gì không? Ai mà tự dưng thân thiết với tôi quá, hoặc tốt bụng một cách lạ kỳ thì tôi đâm ra cẩn trọng với họ. Tôi không tin có những chuyện cho không biếu không, mặc dầu đôi lúc chính tôi cũng đã từng làm người tốt bụng một cách bất ngờ, mà tôi cũng không tin tôi nổi. Một lần anh rủ tôi đi chơi xuyên bang trên chiếc xe ấy. Tôi cũng từ chối. Tôi rất thích được đi đây đó, nhưng ai mà tin được anh tạ Tôi không biết có phải anh là di dân lậu, cần cái thẻ xanh hợp pháp của tôi không? Anh biết hòan cảnh cô độc của tôi lúc đó mà lợi dụng chăng? Cho nên tôi rất e dè trong việc giao tiếp. Tuy anh đến phòng tôi ở nhiều lần, nhưng tôi chưa hề mời anh ở lại dùng cơm. Tôi cũng không rõ, anh có ăn được thức ăn Việt hay là không? Anh kể cho tôi nghe về thành phố quê hương, đất nước của anh. Mối hờn dân tộc với người dân Rumanị Tôi chẳng biết kể gì về mình. Làm sao anh hiểu nổi cái quê nghèo của tôi, cái khổ sở của đồng bào tôi. Qua nhiều lần nói chuyện, tôi thấy sự thú vị mỗi khi phát hiện có sự tương đồng giữa hai con người tuy có khác nhau về ngôn ngữ, màu da, và đặc biệt là xuất thân từ hai môi trường hoàn toàn dị biệt. Những khám phá thích thú đó vẫn không bắc được chiếc cầu giao nối giữa hai tâm hồn. Tuy tôi vẫn biết rằng sự đồng cảm không nhất thiết phải biểu hiện qua ngôn ngữ. Rồi một lần đang ngồi nói chuyện trên sofa ở phòng khách, thì anh quỳ sụp xuống trước mặt tôi. Nắm lấy đôi bàn tay tôi, gục mặt vào đùi tôi rồi nói, cho anh được chung sống với tôi. Chao ơi! Tôi hỏang hồn. Cố gắng giữ bình tỉnh, nâng anh đứng dậy, và nói dăm ba điều chi đó. Xong anh về. Từ đó tôi không đón tiếp anh vào nhà nữa. Tôi ở chung cư, lầu 3. Hằng đêm anh đậu xe dưới đường, ngồi hàng giờ dòm lên phòng tôi. Làm tôi phải báo cho bà bảo trợ ra tay giúp đỡ. Rất nhiều lần anh đem hoa đến, để trước cửa phòng, càng làm tôi lo sợ hơn. Tôi dặn cô bạn cùng phòng, cẩn thận lúc đi ra đi vào phòng, coi chừng có người lẻn vào. Tôi sống trong lo sợ phập phồng cho đến ngày tôi dọn phòng đi chỗ khác. Sau đó, tôi không hề gặp lại Emerẹ Cách đây không lâu, tôi có gặp một người giống y hệch Emere trong một tiệm tạp hóa. Ánh mắt anh ta vô tình chạm phải tôi, và anh ta không tỏ lộ cảm xúc nào. Tôi tìm cách đối diện với anh ta một lần nữa. Tôi dòm thẳng vào mắt anh ta, nhưng anh ta không lộ vẻ gì là quen biết với tôi. Thật là kỳ lạ. Cho đến bi chừ tôi vẫn không hiểu tại sao anh ta lại thích tôi chứ!!!
Hết