Mẹ và con gái chúa là hay xung khắc. Từ ăn mặc, đi đứng, nói năng đến mọi sinh hoặt thường ngày, hết thảy đều bất đồng. Nhà có ba người, nhiều lúc bố cứ như trọng tài phán xử.
Mẹ thở dài than phiền:“ Đúng là cha mẹ sinh con trời sinh tính, nói cấm có nghe”.
Mỗi lần như thế, con gái chạy tó lên phòng, đứng trước gương và bật cười:“Sao mình lại thế này nhỉ?”
Mẹ và con gái là hai thế hệ khac hẳn. Thời của mẹ không được tự do như bây giờ. Mẹ muốn “rèn” con gái thành một thục nữ như bà ngoại đã rèn mẹ, nhưng càng cố thì con gái càng giãy ra.
Con gái may váy ngắn mặc đi sinh nhật bạn, mẹ cằn nhằn:“ Nhà bạn còn có bố có mẹ, lại còn bạn trai nữa, con lấy cái quần dài mà mặc”.
Con gái phì cười:“ Mẹ Ơi, bây giờ có phải những năm 50 đâu?”.
Mẹ dịu giọng:“ Đấy là mẹ bảo con phải biết ý tứ chứ mẹ không cấm. Diện chỗ khác”.
Con gái cầu hoà:“ Thì đây là chỗ diện mà mẹ. Thôi con đi... ”.
Nói rồi con gái lên xe phóng mất. Mẹ lắc đầu.
Thật ra con gái cũng muốn mẹ vui lòng. Đi đâu, đến giờ con gái cũng lo về nhà nấu cơm.
Mẹ bảo:“Biết lo thế là tốt. Nhưng con phải làm sao cho mọi việc chu tất. Đừng để làm xong nai lưng ra dọn. Mà đã mất công nấu thì phải ngon, phải khéo”.
Con gái nhăn nhó:“ Cầu kỳ thế cơ hả mẹ?”
Được thể, mẹ tiếp:“ Ừ, ngày xưa bà ngoại còn dạy mẹ trang trí mâm cơm, từ cách sắp bát đĩa đến chẻ hành, tỉa hoa. Bà ngoại là con gái Hà Nội gốc, cụ ngoại lại nghiêm khắc... ”
Con gái nghe câu được câu chăng, gật gù:“ Con gái Hà Nội gốc. Chả trách... ”
Mẹ ngồi tỉ mẩn khâu lại chỗ quần áo sứt chỉ. Thấy hay hay, con gái cũng bắt chước làm giống mẹ. Đường chỉ lổm ngổm như rận bò. Chỗ thẳng chỗ rúm, mũi kim chỉ chực trật ra ngoài, đâm cả vào taỵ Loay hoay hết buổi tối không xong, con gái đâm cáu.
Nhìn chỗ quần áo đã được sửa lại của mẹ, con gái lè lưỡi:“ Sao mẹ lại có thể khéo léo và kiên nhẫn đến thế nhỉ?”
Nhưng tuyệt nhiên không dám lên tiếng vì sợ được nghe bài ca muôn thưở:“ Ngày xưa bà ngoại... ”.
Quần áo cần sửa không dám nhờ mẹ, con gái đem ra hiệu maỵ Lên gấu quần năm ngàn. Chiết eo mười ngàn. Khoẻ re.
Mùa đông con gái đi mua áo len bán sẵn, giặt một lần đã thành áo thụng. Mẹ bảo mua len về mẹ đan. Chần chừ mãi con gái cũng chiều mẹ. Măc áo mới đến lớp, đám bạn xúm lại trầm trồ. Dày dặn, độc đáo. Chuẩn!
Con gái ngẩn ngơ tiếc:“ Ngày xưa bà ngoại... Giá mình cũng chịu học như mẹ!.”.
Con gái có bạn trai. Tối thứ bảy, mẹ tế nhị rút vào phòng trong cho con gái tiêp bạn.
Bạn trai nhìn theo bóng mẹ xuýt xoa:“ Mẹ em cứ như người Hà Nội gốc ấy nhỉ. Đoan trang, lịch lãm!”.
Con gái không thích bạn ”nhận xét” về mẹ, có vẻ hơi xược.
Nhưng không dấu được vẽ tự hào, con gái hùa theo:“ Anh tinh thật. Bà ngoại em là con gái Hà Nội gốc. Cụ ngoại em nghiêm lắm, rèn bà đâu vào đấy. Sau đến mẹ em, bà ngoại cũng... ”
Bạn trai tấm tắc:“ Rồi bây giờ đến em nữa chứ. Thảo nào, cứ nhìn em thì biết!”.
Con gái cúi xuống cười bẻn lẽn, thấy phập phồng nơi đầu mũi.
Thỉnh thoảng con gái cũng thủ rhỉ với mẹ về chuyện riêng. Mẹ tủm tỉm:“ Hoá ra con gái mẹ lớn thật rồi cơ đấy”.
Con gái xấu hổ, đỏ mặt. Những lúc ấy con gái thấy mẹ thật gần gũi và thấy mình nhỏ lại. Nghĩ đến ngày phải xa mẹ, con gái sợ.
Mẹ gõ ngón tay vào trán con gái:“ Bố chị. Ngày xưa tôi mà cũng sợ như chị thì bây giờ lấy đâu ra chị!”
Con gái nũng nịu:“ Ứ, Con thích ở nhà với mẹ hơn. Con không muốn làm dâu. Con không làm được như mẹ đâu”.
Mẹ ngừng đan, kéo con gái vào lòng:“ Đừng nói thế con. Con gái lớn có ai muốn xa bố mẹ đâu. Cái chính là phải biết tự làm cho mình hạnh phúc”.
Con gái ngơ ngác:“ Tự làm là sao hả mẹ?”.
Mẹ tiếp:“ Là tự hài lòng với cái mình có. Con nhìn bố mẹ đấy thôi. Nhà mình không giàu có nhưng đầm ấm. Mẹ chăm sóc bố và con, thế là mẹ hạnh phúc. Mà mẹ hạnh phúc thì bà ngoại cũng yên lòng”.
Con gái nhổm dậy chống tay lên cằm:“ Vậy nghĩa là con phải làm cho mẹ hạnh phúc bằng cách tự làm cho mình hạnh phúc?”.
Mẹ cười:“ Chứ còn sao nữa? Ngày xưa bà ngoại nghiêm khắc, nhiều lúc mẹ cũng thấy gò bó. Buổi trưa ngủ say trót nằm ngửa, bà còn gọi dậy bắt sửa. Bà bảo con gái thì phải ý tứ, khép nép, tỉ mỉ từ kiểu ăn, dáng nằm. Càng lớn mẹ càng thấy những gì bà dạy là quý. Thế nên ngày về nhà bà nội, mẹ rất tự tin. Bà ngoại chỉ dặn mẹ sống sao để bên nhà bà nội không trách ông bà không biết dạy con. Mẹ nhớ lắm”.
Con gái ngồi im nghe. Lần đầu tiên con gái không còn sợ cái điệp khúc “ ngày xưa bà ngoại... ” nữa. Con gái chợt hiểu vì sao bà nội thương mẹ.
Hàng xóm kèn cựa đặt điều, mẹ im. Vứt rác sang sân mẹ cũng im.
Con gái hậm hực:“ Việc gì mẹ phải cam chịu thế?”
Mẹ nhẫn nhịn:“ Mình đôi co vừa chẳng được gì, vừa mang tiếng, mà chả hoá ra mình gánh tội cho người ta à?”.
Nhưng hàng xóm ốm nặng, mẹ tất tưởi chạy đi chạy lại thăm nom.
Con gái tức:“ Sao mẹ làm vậy?”.
Mẹ xoa dịu:“ Thôi, không nên không phải mặc người ta với giời. Làm phúc mà con. Ông trời có mắt cả đấy”.
Con gái yếu từ nhỏ. Ngày con gái bệnh nặng phải vào nằm bệnh viện, mẹ thức trắng đêm để trông, hai mắt trũng sâu.
Trong cơn đau, con gái bấu lấy tay mẹ:” Con không mốn kêu đâu. nhưng con đau lắm!”.
Mẹ Ôm ngang người con gái, cứng rắn:“ Mẹ biết. Nếu kêu được con cứ kêu. Mẹ sẽ xin trời phật, ông bà nội ngoại phù hộ độ trì cho con khoẻ”.
Dứt cơn đau, trong giấc ngủ chập chờn, con gái thấy mẹ tựa vào cửa sổ, bơ phờ. Chợt hiểu mẹ cần có một đức tin để sống. Có lẽ mẹ chăm đi lễ chùa cũng không hề vô ích. Me sống từ tâm như con Phật. Con gái quay mặt vào tường, mắt ngân ngấn nước, cố giấu tiếng nấc:” Ông trời có mắt, sao cứ để mẹ con khổ mãi?”.
Nhà có ba người. Bố bận công việc thường phải dự chiêu đãi. Bữa cơm tối cũng ít khi cả nhà được sum họp. Con gái tan học có bạn trai đón, gọi về nhà xin phép mẹ đi chơi. Mâm cơm còn lại mình mẹ. Nguội ngắt. Yên tĩnh. Mẹ bật tivi, ngồi chống đũa. Con gái về, nhà vắng tanh, mẹ ngồi bần thần trước màn hình lẹt xẹt vì đã hết chương trình. Ấm trà pha vẫn để nguyên. Rổ đò khâu ngổn ngang một góc đi văng.
Con gái chạy vội về phòng, khép cửa, gạt nước mắt. Hồi lâu, mẹ lên phòng nhắc con gái sớm mai mùng một chở mẹ đi chùa. Con gái bối rối ậm ừ. Đêm đó con gái mất ngủ.
Sáng, con gái dậy sớm đi chợ. Xong xuôi, con gái thay quần áo, dắt xe chờ mẹ. Bộ áo dài trắng đã lâu mới được đem ra mặc. Mẹ ngỡ ngàng. Con gái nhoẽn miệng cười, hai luám đồng tiền nhắn nhẹ trên má. Duyên lạ.
Hai mươi ba tuổi. Con gái ra trường, đi làm. Nhà người ta sang dạm ngõ. Tay mẹ run run mở cơi trầu. Mẹ khóc.
Sau đám hỏi, con gái tháo khung ảnh gia đình đăt vào vali quần áo sắp mang về nhà chồng. Căn phòng ấy mẹ sẽ giữ nguyên, thỉnh thoảng mẹ sẽ lên ngủ cho có hơi người, chờ vợ chồng con gái về chơi. Mẹ đi vắng, con gái lẻn vào phòng mẹ, nằm vào chỗ mẹ vẫn nằm, úp mặt xuống mà hít hà. Hơi của mẹ con gái mang theo. Tấm lòng mẹ, cuộc đời mẹ con gái cũng mang theo. Con gái khóc. Mẹ càng cố rèn con gái càng cố giãy ra. Giờ thì không muốn giãy, chỉ muốn được mẹ giữ thật chặt mà không thể.
Con gái về phòng, đặt bút viết:
“Con đi rồi, chỉ còn lại mẹ thôi.
Căn phòng hẹp bây giờ rộng quá... ”
Con gái lại làm thợ Bài thơ đầu tiên về mẹ.

Hết


Xem Tiếp: ----