Hôm ấy tôi xác định Sến đẹp, còn hơn cả đẹp, nhưng tôi không phải lòng em. Xin tự giới thiệu: tôi là thằng trai Hà Nội ngại rắc rối, lười chuyển động, chóng chán, hay bất mãn, mau quên, nên không dễ phải lòng. Loại trai như tôi vãi đầy đường, nếu thằng nào cũng nhanh yêu thì chỉ giẫm lên các mối tình vương như vỏ chuối khắp nơi mà ngã. Nếu thằng nào cũng dế bốc cháy thì Hà Nội là một thành phố không an toàn. Hà Nội đã quen với đời trầm. Có lẽ cái chợ ngoại thành hôm ấy và anh chàng Đoài trong bộ cánh tủ mầu trứng sáo, tóc mới gội, răng mới đánh (tôi sẽ có dịp quay lại sự sạch sẽ nhấn mạnh, sự sạch sẽ đầy mặc cảm ấy), và có lẽ cái nhàn tản vô vi của đời cán bộ khoa học nhân văn chúng tôi làm em lộng lẫy hơn em thật. Vì dăm ngày sau, một buổi trưa tôi đi đón vợ, lật đật xuống cầu thang suýt đâm sầm vào em. Tôi không nhận ra ngay. Bây giờ Sến giống hệt mười lăm quả trứng của mẹ Âu Cơ trong phòng họp Viện tôi. Một cái mũ ni lông đen trắng gài nơ rất to, loại treo đầy ở đầu phố Bà Triệu. Một món tóc quăn nhân tạo không khác gì tóc vợ tôi trước và sau khi đến tiệm uốn tóc, trường phái trung niên này yêu nhất sự bất biến. Một gương mặt nhan nhản trong thành phố, trên đó tôi nhận ra bàn giấy bẩn, những kì lương hờ, sự tầm thường đội lốt đứng đắn nghiêm trang, cái nghèo lấp ló sau phấn son khiên cưỡng, cái hèn rúc sâu trong một tinh thần thoả mãn khó đăm đăm, cái ngu nhảy nhót trong một vẻ cặm cụi tự tin đến là sốt ruột: gương mặt của công chức thủ đô. Là gương mặt cũng của chính tôi nhưng tôi không tiện ngả mũ chào mình luôn luôn, mỗi sáng một lần trong gương nhà là đủ lắm. Rồi một trang phục thời đổi mới: quần bò Thái, áo thụng Trung Quốc với những dải những nếp loạn xị ngậu. Cái lãng mạn ở đàn ông chúng tôi ẩn sâu hơn: chúng tôi lãng mạn quân tử Tàu cả thiên niên kỉ, chúng tôi lãng mạn Victor Hugo đầu thế kỉ, chúng tôi lãng mạn thị trường. Chủ nghĩa lãng mạn của chúng tôi là một cái động cơ, một cái máy nổ đổi nhiêu liệu xoành xoạch (ở cuối sách bạn đọc sẽ thấy kẻ uyên bác nhất trong chúng tôi là ông Thân kết luận về chủ nghĩa lãng mạn sâu sắc ấy như thế nào). Đàn bà các em nông nổi, có bao nhiêu mơ mộng khoác cả vào tấm thân; thuở chiến tranh những năm sáu mươi, quần đen của các em làm chúng tôi tối tăm mặt mũi, trời thì đạn đỏ, đất thì lụa đen; thuở giải phóng những năm bảy mươi, các em tràn ra đường trong bộ đồ Sài Gòn hoa hoa chấm chấm, đường phố thế là thành giường ngủ, giường ngủ hoá quảng trường; những năm tám mươi bình yên các em khệnh khạng trong áo lông Đức màu rêu, chỗ nào là eo chỗ nào là mông chúng tôi hoàn toàn mất định hướng. Một thuở, một thuở, một thuở. Nông nổi, ngu si, tuyệt vọng, và thực dụng, đàn bà các em giáo dục thẩm mĩ cho dân tộc này nhiều hơn tất cả các cố gắng chuyên môn nghiêm trọng của chúng tôi. Tôi không nói ngoa. Nếu vắng những nhu cầu thất thường như thế của đàn bà thì mấy thập kỉ qua là những thập kỉ chết. Bây giờ những năm chín mươi đổi mới, các em lại chú trọng quấn thân hình vẫn rất mực Việt Nam của mình, vú vê sơ tán, bụng nở chân teo, vào xống áo quốc tế. Quốc tế bây giờ là nhất. Quốc tế là tất cả những gì không made in Vietnam. Made in Vietnam là bét. Nhất bét nhất bét: các em, nông nổi, đua đòi, cải lương và phù phiếm, lộn ngược các giá trị trên dải đất này quyết liệt hơn tất cả những chương trình hành động đãi môi của chúng tôi. Tôi không nói ngoa. Có ông giáo sư ở Viện khẳng định văn hoá Việt chọi lại văn hoá Hán bằng cái tính nữ. Ông có lí lắm. Nước ta chưa bao giờ có nữ hoàng và đàn bà không một mình vào quán rượu; Hồ Xuân Hương phận tỳ thiếp không thể là thi hào dân tộc số một; trong truyện tình xưa để lại thì người anh, người đàn ông, chủ động bỏ trốn loạn luân, còn nàng Tô Thị, người đàn bà, có biết gì đâu nên cứ hoá đá chờ mòn mỏi. Tôi nghĩ rằng hắn trốn sang Tàu đi buôn. Trách nhiệm của hắn là bỏ chạy. Hắn nắm được sự thật. Sự thật ở về phía hắn, thằng đàn ông. Tính nữ là tình yêu tội lỗi, bưng bít, khổ đau, chờ đợi, và được ca tụng. Tất cả những điều ấy nói ra thật đáng buồn, và ông giáo-sư-tính-nữ chắc chắn không đưa ra cái kết luận bùi tai của ông trên cơ sở những cảm xúc thời trang như tôi. Tôi xin mạo muội nhắc bạn đọc rằng trong giới hàn lâm thỉnh thoảng lại dậy lên một phong trào dùng từ mới. Mỗi từ mới đương nhiên là có bối cảnh của nó. Chẳng hạn, tính nữ. Khi tai chúng ta đã điếc dở vì nghe ù ù cạc cạc toàn những tính đảng, tính dân tộc, tính thời đại, tính chiến đấu, tính công khai, tính khách quan, tính giai cấp, tính phê bình, tính cảnh giác, tính nhân loại, tính xã hội, tính nhân dân, tính tập thể, tính kỉ luật, tính khái quát, tính phê phán…, thì một từ thường như tính nữ bỗng vang lên như một cuộc cách mạng nhung, nó mở ra mọt con đường chưa ai đi, nó gợi lên một cái gì cá nhân, riêng tư, thuộc về con người, mười năm trước người ta gọi chung đấy là tiểu tư sản. Bạn đọc có thể chắc chắn rằng học giả đầu tiên của chúng tôi dám dùng tính nữ đã tự coi mình là một đại diện đáng kể của giới dissident. Ông ta có quyết khoe rằng thư tín của mình bị kiểm tra và dĩ nhiên vụ tổ chức của cơ quan sẽ phong toả mọi lời mời ông đi nước ngoài dự hội nghị. Bây giờ thì tính nữ đã bớt nguy hiểm, nó chỉ còn làm nốt phận sự bình thường của một con chữ. Nhưng sẽ có những phong trào chữ khác. Tôi lại thấy Sến nguýt dài: khiếp mấy ông sính chữ! Chính ở cầu thang tôi phải lòng em. Sến buông một câu chào anh nhẹ như gió rồi thoăn thoắt guốc bảy phân dừng ngay sát cửa nhà tôi. Tôi đờ người: thằng Đủ con trai Đoài hôm nay trấn ở đó. Tôi muốn gào lên: Maria Sến, em có thể làm thân với anh chàng đồng-nhà quê, không sao, anh ta chỉ là tay trưởng phòng đầy sĩ diện hão, cái sĩ diện của anh ta hoàn toàn vô hại, nhưng đừng, kìa, giời ơi tôi xin, chớ có giáp mặt thằng con khổng lồ của anh ta, nó sĩ diện hùng hổ, nó sĩ diện xôi thịt, răng nó đen ngòm, áo quần chua như cứt mèo, đừng, em đừng gõ cửa! Lâu lắm rồi tôi không bồn chồn lo cho ai như cho Sến khi Sến đứng ngay trên đầu tôi, sát cửa nhà tôi. Tôi nghe tiếng mở cửa, một giây, hai giây, ba giây, có lẽ Sến ngất, lần đầu tiên nhìn thấy thằng Đủ tôi cũng suýt ngất. Tôi sắp lao lên, sắp quýnh quáng tìm dầu con hổ và sẽ hô hấp nhân tạo cho em. Chưa bao giờ tôi được bồng một đàn bà bất tỉnh. Không biết nặng hơn hay nhẹ hơn lúc thường? Tôi sắp, thì nghe nó ha nô. Ha nô! Với ai nó cũng chào như thế. Tôi nghe Sến khúc khích ròn tan. Sến không ngất, không lùi lại lắp bắp. Sến đã nhận ra cái lưỡi Tứ Kì và Sến cười thân thiện. Còn tôi đợi cửa trên kia khép, rón rén trở về nhà mình, nghĩ sẵn một lời xin lỗi vợ. Thằng Đủ hai mươi tuổi, da cũng sạm nâu, lưỡi cũng níu nô, nó đúng là con của bố nó. Đoài là kết quả của cuộc luân dân điên rồ đẩy hàng trăm ngàn người Hà Nội đi miền núi và nông thôn, cho miền núi và nông thôn về chiếm cái hộ khẩu quý trong một thành phố bỏ ngỏ. Đấy là chính sách làm cho nông thôn và thành thị xích lại gần nhau của chúng ta. Là ý thức công bằng. Nhưng bao nhiêu nỗ lực của anh cán bộ thoát li cũng không đủ để thành phố coi anh ta là một thứ con nuôi chứ không nói gì con đẻ. Bạn đọc chắc đã có nhiều dịp tiếp xúc với những anh trưởng phòng hành chính, trưởng phòng bảo vệ, trưởng phòng tổ chức… Họ đều là cán bộ thoát li, sử dụng quyền lực như sử dụng vườn nhà mình: tuỳ tiện nhưng triệt để, không phí phạm mảnh nào, nghi kỵ nhưng ba phải, và chắc chắn là tận tuỵ, sự tận tuỵ với sở hữu của mình. Đấy là Đoài. Anh hàng xóm sát vách tôi sống ít nhiều mặc cảm, ít nhiều hài lòng giữa Hà Nội với cái vườn bê từ Tứ Kì lên. Còn thằng Đủ, nó tự phong là hiện thân của bùn lầy ngàn năm trộn cùng cứt đái tươi sống, là cơn khùng man rợ của nông thôn bị giải phóng dở dang trút xuống đầu những thành phố hư đốn. Cha nó mất một nửa gốc nên nó đòi trở về nguồn. Nó chọn được một cái nguồn phun thuốc nổ đủ đẩy lùi chúng ta về thời săn bắn hái lượm. Thằng Đủ không chối cái tên quê mùa của nó, nó tự hào cóc cần thằng nào, vì nó là Đủ, đủ lắm, rồi nó phóng cái tên ấy lên một gam, hai gam, ba gam và cực đại: tạo Đú đây, tao Đù đây, tao Đụ đây, tao Địt đây - một mình tao là Đủ! Tao cưỡi lên đầu chúng mày, quân thành thị lưu manh, quân thành thị ton hót, quân thành thị hèn ươn thây, lười thối thịt. Đứa nào đào ngũ? Thằng Hà Nội! Đứa nào trốn việc? Thằng Hà Nội! Đứa nào vào làng ăn trộm gà? Thằng Hà Nội! Đứa nào làm hại đời con gái nhà người ta rồi gút bai? Thằng Hà Nội! Đứa nào mua thủ trưởng? Thằng Hà Nội! Đứa nào bán lựu đạn? Thằng Hà Nội! Đứa nào say rượu triết lí thối cả đêm? Thằng Hà Nội! Đứa nào gọi tao bằng bố để tao vác thêm cho vài khúc củi? Thằng Hà Nội! Ba năm quân dịch là rõ trắng đen. Ba năm chúng mày lạy tao, chúng mày luồn háng tao, chúng mày gọi tao là bố, chúng mày thấp như kiến dạng chân, chúng mày ẻo lả đồi truỵ lưu manh, đéo mẹ bây giờ bố chúng mày cho chúng mày biết thế nào là phải trái! Vào thời điểm tôi đang kể, thằng Đủ hai mươi mốt tuổi, cao hai mét mốt nặng tám chục kí, là khối thịnh nộ lừng lững nhất nước Nam. Nó đã quyết định lớn vọt lên như thế trong vòng ba năm vác củi và ăn tất uống xà phòng ở Vĩnh Phú, để có thể từ độ cao khủng khiếp ấy nhổ nước bọt xuống lũ kiến dạng chân. Sang năm nó sẽ lên hai mét hai, năm nữa hai mét ba, thêm một năm nữa nó sẽ thắng kỉ lục quốc tế 231,7 cm của hai ông Pakistan và một ông Mĩ, nó là Hậu Thánh Gióng. Nếu bạn đọc đã từng mỏi cổ khi trò chuyện với một người ngoại quốc thì với gã khổng lồ bản xứ này, tôi xin nói ngay là không thể có đối thoại. Lời chúng ta bay cao đến đâu cũng dưới tầm thắt lưng của nó và ắt là chui qua háng nó: một lời là một hạ nhục. Bên cạnh thằng quý tử, Đoài như một dấu chấm nhỏ xíu lon ton, bẽ bàng, tái mét, phân bua, hãnh diện, và cầu xin ân huệ. Đây là thời của những cậu ấm cô chiêu. Thời chúng ta phụ huynh đường đường một đấng, chỉ sau có thiên tử, qua rồi. Bây giờ chúng ta quần quật trong vai đầu sai của con cái, bởi lẽ chúng ta thực sự chẳng có việc gì quan trọng để làm; chúng ta mê mệt trong tình yêu chúng, lắm khi là một tình yêu đơn phương, bởi lẽ chẳng có gì khác để ta say mê; chúng ta sống chết bấu víu vào chúng bởi cái sự bấp bênh chới với, nói cách hiện đại là thiếu điểm tựa, nó làm khổ ta nhiều hơn ta tưởng; và chúng ta nuông chiều, cầu cạnh, nịnh nọt, làm đày tớ cho chúng, làm trâu ngựa và tài xế, làm ví tiền, làm thày cãi, làm mặt mo, làm hề, làm tất cả, chỉ bởi lẽ tất cả, vợ ta cũng thế, số phận ta cũng thế, đều chẳng thuộc về ta. Duy nhất chúng nó, những cậu ấm cô chiêu thời đại, là của ta, của ta mãi mãi. Không luật pháp nào trên đời tước của ta quyền làm bố. Đây là thời của những cậu ấm cô chiêu. Cậu ấm khổng lồ của Đoài xuất quân tay trắng. Đoài bảo “đời mày còn dài, vào trường kinh tế tài chính ngân hàng rồi bố no cho cái biên chế.” Thằng Đủ đáp rằng: “Thày bé, bạn bé, bàn ghế nùn tìn tịt thế kia học hành cái con buồi”. Căn hộ một phòng của bố nó lại càng bé. Cửa 179 phân. Trần và sàn hôn nhau tùm lum. Ở buồng vệ sinh, bệ lại đắp cao lên nửa mét, đi tiểu chắc thằng Đủ phải cúi lom khom về phía trước, hứng đủ dòng phun cường tráng của chính nó và có thể mù mắt. Thậm chí cuộc đời cũng không đủ rộng. Nó sẽ sớm ra khỏi cuộc đời quá chật này, gửi lại một thân xác đã chặt ra làm nhiều mảnh cho vừa với chiếc áo quan thông thường. Nhưng chuyện còn dài. Bây giờ con quái vật khổng lồ, nguy hiểm, liều lĩnh, cục súc, thông minh, biết cách chinh phục và chỉ huy kẻ khác này còn chưa đi hết những kích thước siêu phàm của chính nó. Sáng sáng, khi chúng tôi ngồi trong những cuộc họp hoặc trong những quán nước thì thằng Đủ đến chợ người đầu đường Giảng Võ, đứng sừng sững, hai mét mốt, ôn tồn rót bài giảng của nó xuống những cái miệng há hốc của đám người nhà quê ngồi lom khom trên vỉa hè chờ việc. Bài giảng của nó toàn những điều thực tiễn, nhiều sức thuyết phục, nó có thể là thủ lĩnh công đoàn, là trùm găng-tơ, là tướng, là Bộ chính trị. Nó giảng rằng: “Các người phải nàm việc nghiêm túc, nhưng một khi quân Hà Nội giở thói mất dạy, bóc nột người nhà quê chất phác, thì đái vào nồi nước phở, tương mùn cưa vào vữa xây tường, tung hê xích nô, bóp vú bọn con đĩ thị thành mắt xanh mỏ đỏ, cứ nhằm những con Đờ Rim Giấc Mộng Mê Ni mà chém, nếu cần thì cho tuốt một mồi nửa nà xong. Tội vạ đâu thằng Đủ này chịu hết.» Nghe mà kinh hoàng. Nông thôn của chúng ta dư sức lắm. Đánh giáp lá cà thì mỗi thằng Hà Nội như tôi phải chết đúng hai mươi hai phẩy ba lần. Một dọc chợ người, Giảng Võ-Láng-Ngã Tư Sở, chỗ nào cũng một đám đông tăm tối mê cuồng, đầy khổ đau, đầy mong đợi, đầy khả năng tàn phá, chỗ nào thằng Đủ cũng ôn tồn thuyết giáo, từ độ cao của nó, bài thuyết giáo trên núi, một dọc chợ người thấm nhuần tinh thần đoàn kết nông thôn bao vây thành thị. Từ năm cửa ô, những đội quân đói rách, u sầu, giận dữ, nhẫn nhục, cả tin và bạo loạn của nông thôn mênh mông của chúng ta rồi sẽ tràn vào, năm ngón tay đen sì siết chặt vòm họng Hà Nội trắng phau, ôi cái thành phố của tôi, thành phố phè phỡn vô lo chỉ mải ngắm những hiệu vàng, cô nương xứ Bắc yêu kiều! Thằng Đủ đánh bạn duy nhất với thằng Tân. Đến đây tôi phải xin lỗi bạn đọc vì không tìm được lời giải thích chính xác cho mối kết giao lạ lùng này. Một đứa trẻ nhà quê khổng lồ, một đứa trẻ thị thành bệnh hoạn, đúng hệt cái sơ đồ nhàm của một tiểu thuyết xoàng. Tất cả những gì đứa này căm ghét đều hiện thân trọn vẹn ở đứa kia. Vậy mà khi chúng nhìn thấy nhau lần đầu thì hồn thằng Đủ bỏ thằng Đủ để đậu vào thằng Tân, và hồn thằng Tân bỏ thằng Tân nhập vào thằng Đủ. Đấy là điềm báo cho cuộc đổi chác chết người sau này, hồn Trương Ba da hàng thịt. Bây giờ tôi xin làm nốt phận sự giới thiệu ấm Tân với bạn đọc. Theo tôi thằng Tân là một cái giẻ rách hạng bét đầy hoang tưởng. Nó ra đời khi ông Thân đã đi kéo xe bò ở trại cải tạo, nhưng ấm Tân làm như chính nó mới là kẻ lằn vai, chính nó mang vác trên lưng nỗi đau địa ngục của một thế hệ trí thức bị đày ải. Thực ra khổ đau cũng là một gia tài lớn có thể để lại cho con cháu, cũng là một thứ ngai cha truyền con nối, tôi chẳng có gì để phản đối, khổ đau đáng giữ gìn đôi khi hơn cả vinh quang, nhưng ở trường hợp thằng Tân thì khổ đau bị chiếm dụng, bị nẫng tay trên, bị vầy vò chán chê và cuối cùng bị nhục mạ và quẳng vào hố xí giật nước cho trôi hết. Tôi không nói ngoa. Nếu chỉ nhai lại những khổ đau của người khác thì thằng Tân đơn giản là hiến thêm cho thành phố này một thằng nói phét nữa mà thôi. Những thằng nói phét của Hà Nội thực ra cũng hữu ích. Chúng gần giống hệ thống cấp thoát của thành phố do Pháp để lại, bao nhiêu rác rưởi, máu mủ, tinh trùng thừa ra trong kế hoạch dân số, sự kiện, tin vịt, đời tư, mơ mộng, nước mắt, hồ sơ mật, vân vân, chỗ này thải ra chỗ kia hăng hái hút vào, không có chúng thì Hà Nội này chán ngắt, Hà Nội này còn đáng gì là thủ đô. Nhưng thằng Tân quá nhiều tham vọng để chỉ dừng ở một thằng nói phét. Cái xe bò đời bố nó kéo biến thành cây thập tự trên vai nó. Nó lê bước, nó rỏ máu đều đặn hàng tháng như đàn bà hành kinh, nó yêu cầu nước mắt não nùng của đám đông. Nhưng đám đông của chúng ta đã quen không nghe thấy gì hết, không nhìn thấy gì hết, không biết gì hết. Cho nên khinh đám đông như ruồi, nó chết một cái chết élite, rồi nó hồi sinh, và bây giờ, khủng khỉnh nhíu mày nhếch mép, tóc bay trong gió, nó phán xét, bằng một thứ tiếng Việt hồ đồ trộn với một thứ tiếng Pháp ham hố, về khổ đau và sự vô nghĩa của khổ đau. Xem ra nó đã chán ngấy trò maso và đang luyện trò sado (hai từ này trước đây được giới trí thức thượng lưu Hà Nội dùng trộm, bây giờ dùng loạn, nên tôi cũng mạo muội dùng thử). Mọi so sánh tóm lại đều chênh vênh nhưng tôi cho rằng bạn đọc hoàn toàn có quyền xem cậu ấm này tiêu dùng cái gia tài khổ đau đồ sộ của ông bố như chơi điếm kinh niên, có nghiện mà không có lòng, vừa bùm vừa tởm, sướng xong thì chối ngay tại chỗ và càng ngày càng bệnh hoạn hơn. Hai cậu ấm của chúng ta nổi loạn. Làm cách mạng. Vượt qua những ông bố. Vượt qua cách man rợ bạo liệt của thằng Đủ. Vượt qua cách khổ đau rỗng tuếch như thằng Tân. Mà thế nào đó cả bố lẫn con đều chung một quỹ đạo. Vẫn là câu chuyện ngàn năm của nông thôn cùng khổ mê cuồng, vùng lên cho một vài tíc tắc của lịch sử, rồi gục xuống, nhẫn nhục, ngoan lành, rồi lại vùng lên, phủi đít quần ngồi tót ghế trên sỗ sàng, giương luật làng thành luật nước, rồi lại gục xuống… Vẫn là câu chuyện truyền kiếp của sĩ phu vật vã lực bất tòng tâm, lúc áo gấm xênh xang, lúc nhiệt thành kiến nghị, lúc thơ ở ẩn, lúc cáo bình Ngô, lúc tru di tam tộc, và lúc nào cũng vùng vằng trong những bi kịch chính thống… Cứ theo thiển ý tôi thì khủng hoảng thế hệ của chúng ta có chăng như sấm đầu hè, ai đó gào lên một tiếng, ngắn thôi, không rền rĩ, rồi mưa trời ào xuống hả hê vài tiếng đồng hồ, và nắng lại bừng lên, như không xảy ra chuyện gì hết. Hai cậu quý tử ấy họp nhau lại, sự chán chường huỷ diệt của thằng Tân trong sức vóc điên rồ của thằng Đủ, nỗi căm hờn thiêu đốt của thằng Đủ trong bộ dạng khủng khỉnh triết gia của thằng Tân. Ôi, chúng ta đã yêu đương đàn bà thế nào, đã ăn uống và hít thở thế nào, đã ăn uống và hít thở thế nào, đã bí mật mơ những giấc mơ gì mà sinh ra lũ quái thai khiếp đảm này? Cho nên tôi lại phải quay về câu đố tên là Marie Sến. Em là ai, phù thuỷ hay nàng tiên, em có tuổi hay không có tuổi, mái tóc em là chông hay suối, thịt da em là sắt hay bông? Em là ai mà em yêu chúng và chúng yêu em? Vợ tôi về đúng lúc Sến bước ra. Chúng tôi đứng tay bốn trong khoảnh hành lang một chiều hai mét chiều kia một mét, thằng Đủ tựa cửa bên kia, tôi tựa cửa bên này, hai người đàn bà giáp mặt nhau ở giữa. Mỗi khi vợ tôi kinh ngạc, trông cô ấy méo xệch như vỏ Coca Cola bị đập. Thằng Đủ vẫn chào ha nô. Sến chào chị, chào anh, rồi guốc bảy phân thoăn thoắt đi xuống. Như không xảy ra chuyện gì hết. Đêm ấy tôi trút vào chiếc vỏ Coca Cola tội nghiệp không ngớt hỏi “thế là thế nào hở anh” của tôi bao nhiêu là tình thương. Trong một căn hộ mười bốn mét, tường tự tiện nghiêng, quạt tầng dưới rung nền và nước thải tầng trên vẽ lên trần những đám mây ố vàng lãng đãng, bao nhiêu tình thương cũng là không đủ.