Chúng tôi gồm có năm người, một ngày nọ chúng tôi đi ra từ một ngôi nhà, người nọ theo sau người kia, đứa đầu tiên bước ra, tự đặt mình đứng trước cổng nhà, rồi lại đến đứa thứ hai bước ra, đúng hơn là nó lọt qua cổng như một giọt thuỷ ngân, đứng kề ngay đứa thứ nhất, và cứ thế, đến lượt đứa thứ ba, thứ tư, thứ năm. Cuối cùng tất cả bọn tôi xếp thành một hàng. Thiên hạ bắt đầu chú ý đến bọn tôi, người ta chỉ trỏ bọn tôi và nói: năm thằng kia đi từ cái nhà đó mà ra đấy. Kể từ ấy chúng tôi sống cùng với nhau; đó sẽ là cuộc sống bình yên nếu như không có một thằng thứ sáu cứ liên tục muốn xen vào.Hắn chẳng gây hại gì cho chúng tôi cả, nhưng hắn quấy rầy bọn tôi, thế cũng đã là tai hại rồi; sao hắn lại muốn xông vào nơi mà chẳng ai mời hắn đến cơ chứ? Chúng tôi không biết hắn và không muốn hắn nhập bọn. Tất nhiên, cũng có thời năm đứa chúng tôi chẳng thằng nào biết thằng nào và cho đến bây giờ, cũng có thể nói chúng tôi vẫn không biết nhau thế nhưng điều gì là khả dĩ và có thể khoan dung được đối với năm đứa bọn tôi thì lại không thể xem là khả dĩ và có thể khoan dung được đối với trường hợp của thằng thứ sáu ấy. Dù thế nào đi nữa thì chúng tôi là nhóm năm người, chúng tôi không muốn trở thành sáu. Vậy thì việc cứ tiếp tục sống bên nhau như thế có ý nghĩa gì? Thật ra năm đứa bọn tôi cũng chẳng tìm thấy ý nghĩa gì nhưng bây giờ chúng tôi đang sống cùng nhau và sẽ tiếp tục sống cùng nhau; một sự kết hợp mới bất luận ra sao chúng tôi cũng không muốn, lý do của việc này hoàn toàn xuất phát từ kinh nghiệm của chúng tôi thế thôi. Nhưng làm sao có thể để thằng thứ sáu hiểu được điều đó? Những lời lẽ giải thích dài dòng rốt cuộc sẽ đi đến chỗ buộc phải đồng ý cho hắn nhập bọn mà thôi, thế nên tốt hơn là chúng tôi không giải thích và không chấp nhận hắn. Dù hắn có dẩu môi khó chịu thế nào thì chúng tôi vẫn cứ lấy khuỷu tay đẩy hắn đi nhưng bao nhiêu lần chúng tôi đẩy hắn đi là bấy nhiêu lần hắn lại trở về.
Dịch từ bản Anh ngữ: “Fellowship” (do Tania và James Stern chuyển ngữ),
trong Franz Kafka: Collected Stories, Gabriel Josipovici biên tập và giới thiệu
(Everyman’s Library,1993).