Khi những ngón tay thoăn thoắt đếm tiền của con bé giúp việc ở cửa hàng khựng lại nửa chừng, linh tính chẳng lành khiến tim Thanh thót lên một cái.
Chị cố giữ vẻ điềm nhiên nhìn nó rút tờ giấy bạc một trăm ngàn ra khỏi xấp, nhanh nhảu đến hỏi ý cô chủ của mình. Chủ tiệm là người quen biết lâu năm của chị, cô ta cầm lấy nó và chỉ liếc qua rồi cười tươi như hoa, nhỏ nhẹ: "Chị đổi cho em tờ bạc này". "Sao vậy?", Thanh lúng túng thật sự. "Tiền giả", cô ta đáp gọn lỏn, ánh nhìn đầy ngụ ý.
"Trời đất!" - Thanh là người biết chế ngự cảm xúc của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể như thế này thì cần phải tỏ ra cảm thán nhiều hơn nữa. Tiền giả, cô chỉ nghe nói nghe đồn chứ chưa cầm phải bao giờ! Cô sửng sốt đón tờ giấy bạc đó lên săm soi. Nó quả là nhẹ, mỏng hơn bình thường một chút nhưng cái vẻ nhàu nhò dơ bẩn như đã từng truân chuyên lưu lạc qua nhiều đời đã đánh lừa cái cảm giác ban đầu về một sự giả tạo. Rồi Thanh ngượng ngùng đưa nó lên cao soi về hướng sáng theo cái cách mà người ta hay bày - không có cái hình chìm hình nổi nào hiện ra cả, chỉ toàn là những đường lằn và những vết xếp ngang dọc cẩu thả.
"Xin lỗi, chị không biết, không nhớ ai đã đưa cho chị tờ này", Thanh lúng túng vét túi, số tiền còn lại không đủ để bù vào chỗ đó. "Chị cứ để hôm khác lấy hàng rồi đưa cho em cũng được", cô chủ hàng lại đon đả, tay chuyển kiện hàng đã đóng gói xong đưa ra cho chị. "Ừ, cho chị thiếu vậy, chị chỉ mang đúng chừng đó tiền để lấy hàng". Thanh chào đi ra, lưng cổ nhột nhạt ngứa ngáy. Chị cố đi chậm rãi, dắt xe thật từ tốn và nhẹ nhàng nổ máy vô số lướt đi. Chắc mấy con bé ấy đang hả hê vì ngăn chặn được một âm mưu phát tán tiền giả. Chắc nó nghĩ đã bắt quả tang được một con mẹ lừa đảo. Chắc nó nghĩ, ai mà ngờ được chỗ quen biết hiền lành như vậy lại đi tráo trở nhau. Thanh khổ sở đưa tay sờ lên mặt mình, may mà nó chỉ nóng lên chứ không tái xanh, nếu không thì trông mình cũng giống thế thật.
Đường phố tấp nập xe cộ khiến Thanh tĩnh trí lại ngay. Bao nhiêu là người vèo vèo lướt qua mắt cô. Ai là người trong số đó đã đưa cho cô đồng bạc quái quỷ này nhỉ? Vào lúc nào mà nó lại chui vào cái ngân sách eo hẹp của cô?
Thanh chỉ có một sạp hàng bán tạp hóa nhỏ ngoài chợ, một mình cô phải cáng đáng đủ thứ từ việc ngồi bán cho tới chạy hàng giao hàng, thu tiền các đầu mối. Doanh thu mỗi ngày của sạp hàng vào lúc ế ẩm có khi chỉ đôi ba trăm, có nghĩa là tần số xuất hiện của những tờ bạc 100 ngàn như thế là không nhiều. Thanh căng óc suy nghĩ. Nó nằm trong số tiền cô thu được trong năm ngày trở lại đây mà thôi. Khách mua hàng cô đều nhớ mặt, chỉ qua lần thứ hai là thành quen. Chợ nhỏ nên hầu như mọi người đều biết nhau.
Hay là của bà Năm Ù chuyên mua rồi bán lại cho người ta trả góp? Bà này thuộc loại có số trong giới võ lâm, chị em bán hàng ít ai mà bán quá giá cho bà được tới 200 đồng lẻ. Chắt bóp ki bo mãi mà bà ta cũng sắm được cho mình một cái nhà hai tầng ngay mặt đường. Mỗi cái đức ông chồng là tậu hoài mà cũng trật vuột. Năm lần bảy lượt bà ta cũng kiếm được người về nâng khăn sửa túi, nhưng chỉ thoáng qua vèo một cái là mất dạng, lại thấy bà lủi thủi nặng nề đi về một mình. Thiên hạ ác miệng, dè bỉu cái thân thể đồ sộ một mét bảy, nặng gần tạ của bà phải được đóng thùng xuất khẩu. Mỗi ngày, bà gom không dưới trăm đầu hụi chết, tiền bạc qua tay rồi phát tán đi lung tung biết đâu mà lần. Cách đây hai hôm, bà ghé hàng Thanh lấy thùng xà bông, trả hơn ba trăm ngàn tiền gối đầu cũ, chắc chắn là phải có loại giấy bạc 100 ngàn trong đó. Nhưng cái cách đếm tiền của bà chắc khó mà qua mặt lắm bởi từng tờ một đều được rút ra thận trọng, lật qua lật lại cả hai mặt và được dí tận mắt xem xét. Trừ đàn ông ra, chứ còn tiền vô tay bà thì làm sao mà nhầm lẫn được nhỉ?
Hay là của thằng cha rảnh miệng đi chiếc Attila màu mận? Dám lắm, lần nào ra mua hàng cũng tán tỉnh cọ quẹt từ đầu chợ tới cuối chợ, từ chị bán mắm cà tới bà bán bánh chuối. Hôm đó, hắn hỏi mua lố dao cạo râu, lựa chọn mãi trong cái bóp mới móc ra tờ bạc 100 ngàn đưa cho Thanh, còn đưa đãi là vì anh ghé hàng em đầu tiên lấy hên mau mắn ngọt ngào nên không có tiền lẻ, em thối cho anh đi chợ mua thức ăn, hôm nay bà xã anh đi làm cả ngày bỏ anh bơ vơ... Nhạt phèo! Làm như Thanh không biết bà xã của chả là ai. Quanh năm suốt tháng chị ta tất tả đi đánh ghen, săn tìm hang ổ tình địch. Nhưng tình địch của chị lại được thay đổi xoành xoạch, chưa kịp nhớ mặt thì đã lỗi thời thì làm sao mà tìm ra nơi ẩn náu? Hừm, thứ người lừa tình được thì lừa tiền được. Nhưng sao khi đó mình cũng mê muội mà nhận tờ giấy bạc tội nợ này từ tay chả? Ồ mà chắc không phải đâu, có đời nào mình thèm ngó thẳng vào mặt chả để có thể lơ là quên nhìn tờ giấy bạc?
Thôi chết, chắc rơi trúng vào cái ngày chủ nhật toàn thành phố cúp điện, gặp trời mưa dầm cả chợ tối om om. Thế nào kẻ gian cũng nhân cơ hội mà hành sự. Hôm đó, sạp hải sản khô bị rinh mất một rổ mực, sạp áo quần bị tuột mất mấy cái áo pull chỉ còn trơ móc áo, hàng bánh tráng bị mất nguyên một chồng... Mình đã cười mấy bà mấy chị mất cảnh giác. Phải rồi, hôm đó có một con bé trên cả tuyệt vời với đôi chân dài và nửa cái bụng trắng nõn phơi cả rún ra ghé mua hàng mình. Ai cũng trầm trồ khen nó đẹp còn hơn cả người mẫu. Nó độ chừng mười tám đôi mươi là cùng, đôi gò má non tơ mịn màng còn cả lông măng, cả cái giọng nói cũng ngây thơ ngọt lịm len lỏi vào tận tâm can người nghe. Nó hỏi mua chai xịt phòng giá ba mươi hai ngàn, không trả giá, còn nhẹ nhàng khen chị bán rẻ rồi rút ra một cái ví căng phồng lấy tiền đưa cho Thanh. Thanh còn nhớ cái cảm giác thán phục của mình khi đó, người đâu mà vừa trẻ đẹp vừa sang trọng, chắc hẳn Việt kiều về nước. Ấy thế mà khi nó vừa quay lưng đi đã có mấy chị bạn hàng chạy sồng sộc tới, tranh nhau kể. Con đó là ca-ve lừng lẫy, Tây ta xếp hàng dài gục đổ như rạ, nó là ổ “si-đa”, là ma cà rồng hút máu người... Thanh nghe mà cứ như bị ai tạt cho một gáo nước lạnh vào mặt. Cô cứ quen mang trong đầu ấn tượng cổ lỗ sĩ về những người đàn bà làm nghề bán thân phải trầy trụa nhếch nhác và tô trát son phấn với mùi nước hoa rẻ tiền nồng nặc. Hừ, vậy nó cũng là nghi can số một trong cái vụ án tiền giả này. Chứ còn sao nữa? Những người trao tiền vô tay nó đa phần không quang minh chính đại, tội vạ gì mà họ không lập lờ đánh tráo trong cái mối quan hệ như vậy?
Nhưng mà, chị hoài công lục lọi những khuôn mặt người như thế để làm gì nhỉ? Giả dụ như biết đích xác ai đã đưa tờ bạc giả thì chị có dám tìm người ta căn vặn để đổi trả khi mà đã qua mấy ngày rồi không? Thanh lùng bùng quá. Cả đời chị thua thiệt cũng vì nhút nhát và rụt rè, ít khi nào dám tra hỏi cặn kẽ ai điều gì đừng nói là lừa người khác. 100 ngàn bỗng chốc hóa tờ giấy lộn, lẽ nào Thanh phải lãnh lấy hậu quả này?
Lẽ ra Thanh đã có một buổi chiều cuối tuần vui vẻ với bạn bè trong quán cà phê hay trong một buổi dã ngoại nào đó vừa với mức sinh hoạt phí ít ỏi của mình. Hoặc cô có thể mua cuốn sách mà mình ao ước, một cái áo khoác nhẹ cho mùa đông, một hộp thuốc bổ... chỉ với số tiền đó. Nhưng thôi, không có cũng được. Vấn đề ở chỗ, chẳng lẽ mình là một nạn nhân ngoan ngoãn buông tay quy hàng của trò tráo đổi thật giả này? Biết trách ai đây hở trời? Thanh dừng lại, cô lôi tờ giấy bạc đó ra ngắm nghía, thật ra với thị lực 6/10 như cô thì không thể nhận ra nó khác chỗ nào nếu chỉ cầm lên tay và nhìn lướt qua. Nhưng chắc gì nó là tiền giả như lời con bé ấy nói? May lỡ chỉ là một sự nhầm lẫn chủ quan của nó hay là lỗi kỹ thuật của máy in thì sao? Có thể lắm, ban nãy vì mình bối rối quá nên mới tin lời nó, chứ cái gì cũ mà lại chẳng mòn bớt đi nói gì cái hình in trên giấy? Thôi chắc đúng rồi, cái con bé ấy tệ thật, thế này mà nó dám bảo là tiền giả báo hại mình tiếc của nãy giờ.
Trên đường về, Thanh tạt vào sạp báo quen lấy một tạp chí thời trang, giá mười ba ngàn. Tờ giấy bạc 100 ngàn đang bắt đầu cựa quậy trong túi Thanh, cô đã đưa tay chạm vào nó. Có thêm một người khách bước vô mua báo đứng cạnh cô. Chỉ có vậy mà Thanh chột dạ, cô rút tờ 20 ngàn ra trả, quay đi mà lòng tràn ngập thất vọng và tiếc nuối. Sao mình lại không dám chống trả cái sự phi lý mà bỗng dưng rơi trúng vào đầu mình?
Không thể ném tờ bạc này vào chỗ người lạ được. Nếu phát hiện ra nó thực sự là thứ giả người ta sẽ lập tức nghi ngờ chị là kẻ gian và lắm điều phiền toái dẫn theo ngay. Họ có thể làm ầm lên, có thể sỉ nhục chị, có thể áp giải chị tới nhà chức trách. Ở chỗ quen thì khác, người ta có thể châm chước vì nhân thân của chị tốt không tiền án tiền sự, chị có thể chống chế và rút lui an toàn mà còn nhận được sự thông cảm của họ.
Thanh đi chậm lại trước một nhà thuốc tây, mấy năm trước chị là thân chủ ruột của nó. Người đàn ông chủ tiệm này là một lang băm thứ thiệt mà có lần chị suýt thiệt mạng vì bị sốc với thứ thuốc kháng sinh mà ông ta dứt khoát là cần thiết đối với chứng bệnh của chị. Lần ấy, chị bỏ qua vì nghĩ mình cũng có lỗi, nhưng sau nghe quá nhiều chuyện không hay về tài thăm khám cho thuốc của ông ta thì chị thôi hẳn không ghé lại tiệm thuốc của ông ta nữa. "A, chào người đẹp. Anh cứ tưởng em du lịch xuất cảnh đâu mất rồi, sao lại gặp nhau đây?". Thanh cười gượng "Cho em lọ vitamine E". "Có ngay, E thiên nhiên đây em ạ, đẹp da chống lão hóa. Chỉ có năm mươi hai ngàn uống một tháng". Thanh cắn răng rút tờ 100 ra, "Vâng, em gửi tiền". Gã cười cười vỗ nhẹ lên bàn tay Thanh, "Trông em xanh xao quá, coi chừng mất ngủ thiếu máu, phải lấy thêm thuốc uống bổ sung đó nghe!". Thanh cố mỉm cười, mắt không rời nhìn theo tay gã đang giữ tờ giấy bạc của cô. Gã nhìn nó, rõ ràng là có nhìn nó trong hai giây rồi ném tọt nó vô cái ngăn kéo đầy ắp những tờ giấy bạc đủ loại, nhoay nhoáy đếm tiền thối. Một cảm giác tội lỗi nhói lên trong Thanh nhưng cô kịp thời giữ nó lại. "Cám ơn anh, chào anh ạ!" - Rồi cô thong thả quay đi.
Thế là xong, Thanh đã cất được cái gánh nặng chình chịch u ám từ sáng tới giờ. Cô cảm thấy lòng mình trống rỗng không vui không buồn, không ân hận áy náy cũng chẳng hoan hỉ thắng lợi. Tờ bạc phiền toái đó đã đổi chủ. Nếu đúng là giả, người ta sẽ lại phát hiện ra nó, và cũng như Thanh, họ sẽ mau chóng tìm cách tống khứ nó đi càng sớm càng tốt. Chỉ có điều Thanh biết chắc chắn, nó vẫn sẽ lưu hành ngang nhiên với cái giá trị mà nó đang mang trên mình, bất kể mọi sự nghi ngờ giả thật. Trừ phi một kẻ lơ mơ nào đó mang nó đi nộp vào Ngân hàng Nhà nước, khi đó thân phận nó sẽ bị bại lộ, và khổ chủ cuối cùng này mới là người ôm mối hận tiền mà không biết than thở chia sẻ cùng ai.
Thanh về nhà. Cô sà vào bếp kể cho mẹ và lũ em nghe là mình vừa bị dính một tờ 100 ngàn tiền giả. Mọi người tròn mắt ngạc nhiên và giận dữ xúm nhau hỏi han, hối thúc cô lấy ra cho họ xem. Thanh thủng thẳng, "Xài lại rồi!". Ai nấy ồ ra cười, xôn xao, tranh nhau bình luận. "Thì phải vậy thôi, chẳng lẽ lại bỏ đi!". "Thôi chết, từ giờ phải cẩn thận hơn mới được". Thanh không nói gì thêm, lẳng lặng bỏ lên phòng mình.
Tối hôm sau đi chơi với người yêu Thanh ngại ngần không muốn nói ra, dù từ trước tới nay anh là người duy nhất cô chẳng hề giấu giếm điều gì. Mãi, khi anh gửi cho cô ba tờ giấy bạc một trăm ngàn nhờ mua giùm mấy ký mực khô để gửi về quê làm quà cho gia đình, Thanh mới đắn đo dặn dò anh, từ nay nhận mấy tờ giấy bạc lớn phải lưu ý nhìn cho kỹ để khỏi bị lừa, rằng tiền giả thì giấy mỏng hơn, hình nhòe hơn, không có hình chìm, không có sớ giấy, vân vân và vân vân. Bắt gặp vẻ dò hỏi giễu cợt trong mắt anh, Thanh chữa thẹn bằng cách vờ trịnh trọng cầm ngay mấy tờ bạc anh đưa soi lên bóng đèn. Chứ còn sao nữa, thật giả lẫn lộn sờ sờ bên cạnh ai mà biết được!

Xem Tiếp: ----