III

"Để dọn đường cho việc giải quyết vấn đề xã hội, Đảng công nhân Đức yêu cầu thành lập những hội sản xuất, với sự giúp đỡ của nhà nước, dưới sự kiểm soát dân chủ của nhân dân lao động. Đối với công nghiệp và nông nghiệp, các hội sản xuất cần được tổ chức với một khối lượng khiến cho việc tổ chức toàn bộ lao động theo kiểu xã hội chủ nghĩa sẽ xuất hiện từ những hội sản xuất ấy".
Tiếp sau cái "quy luật sắt về tiền công" của Lassalle, là liều thuốc vạn ứng của nhà tiên tri! Người ta "dọn đường" tài thật! Đáng lẽ phải nói đến cuộc đấu tranh giai cấp hiện đang diễn ra, người ta lại đưa ra một công thức kiểu nhà báo là "vấn đề xã hội", và người ta "dọn đường" cho "việc giải quyết" vấn đề xã hội ấy. "Việc tổ chức toàn bộ lao động theo kiểu xã hội chủ nghĩa" đáng lẽ phải "xuất hiện" từ quá trình cải biến cách mạng đối với xã hội thì nó lại là kết quả của "sự giúp đỡ của nhà nước", sự giúp đỡ mà nhà nước, chứ không phải người lao động, "tổ chức" ra. Tưởng rằng người ta có thể xây dựng một xã hội mới bằng những khoản tiền giúp đỡ của nhà nước cũng dễ dàng như xây dựng một con đường sắt mới thì đó quả là một điều xứng đáng với sự tưởng tượng của Lassalle!
Do còn một chút liêm sỉ, nên người ta đặt "sự giúp đỡ của nhà nước"... "dưới sự kiểm soát dân chủ của nhân dân lao động".
Một là "nhân dân lao động" ở Đức gồm đại đa số là nông dân, chứ không phải những người vô sản.
Hai là từ "dân chủ" nếu chuyển sang tiếng Đức thì có nghĩa là "nhân dân nắm chính quyền". Thế thì "sự kiểm soát kiểu nhân dân nắm chính quyền của nhân dân lao động" nghĩa là gì? Hơn nữa, đó lại là nói về sự kiểm soát của một nhân dân lao động mà khi đưa ra những yêu cầu nhưu vậy đối với nhà nước, đã hoàn toàn thừa nhận rằng họ không nắm chính quyền và cũng chưa trưởng thành để nắm chính quyền!
Còn cái phương thuốc mà Buchez, dưới thời Louis - Philippe, đã đưa ra để đối lập lại với những người xã hội chủ nghĩa Pháp và sau đó lại được những công nhân phản động của tạp chí "Atelier" đem ra dùng, thì ở đây, có phê phán cũng là thừa. ĐIều tai hại chủ yếu cũng không phải ở chỗ là phương thuốc đặc biệt kỳ diệu ấy được ghi trên cương lĩnh, mà là ở chỗ nói chung, từ bỏ quan điểm phong trào giai cấp, người ta lại quay lại quan điểm phong trào môn phái.
Nói rằng công nhân muốn tạo ra những điều kiện sản xuất tập thể, trên quy mô toàn xã hội, và trước tiên là ở trong nước mình, do đó [trên] quy mô quốc gia của họ thì điều đó chỉ có nghĩa là họ hoạt động để lật đổ những điều kiện sản xuất hiện nay, và việc này không dính gì tới việc thành lập những hội hợp tác với sự giúp đỡ của nhà nước! Còn nói về những hội hợp tác hiện nay thì những hội đó chỉ có giá trị chừng nào chúng do công nhân sáng lập ra một cách độc lập, không chịu sự bảo trợ của các chính phủ cũng như của bọn tư sản.