6
Tổ chức thi đua

Đây là một trong những điều vô lý mà giai cấp tư sản thích tung ra để vu khống chủ nghĩa xã hội: chúng bảo rằng những người xã hội chủ nghĩa phủ nhận ý nghĩa của thi đua. Nhưng thật ra thì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới lần đầu tiên mở đường - nhờ đã xóa bỏ được các giai cấp và, do đó xóa bỏ được sự nô dịch quần chúng - cho một cuộc thi đua thật sự có tính chất quần chúng. Và chính tổ chức xô-viết, trong khi chuyển từ nền dân chủ hình thức của chính thể cộng hòa tư sản sang việc quần chúng lao động thực sự tham gia công tác quản lý, lần đầu tiên đã tổ chức phong trào thi đua một cách rộng rãi. Trong lĩnh vực chính trị, thi đua dễ thực hiện hơn rất nhiều so với trong lĩnh vực kinh tế, song muốn cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi, thì chính thi đua trong lĩnh vực kinh tế là quan trọng.
Chúng ta hãy lấy một phương pháp tổ chức thi đua mà nói, chẳng hạn như chế độ công bố công khai. Chế độ cộng hòa tư sản chỉ đảm bảo việc công bố đó về mặt hình thức, còn trong thực tế, nó làm cho báo chí phải lệ thuộc vào tư bản, nó dùng những câu chuyện chính trị vụn vặt lý thú để mua vui "đám dân đen" và che giấu những việc xảy ra trong các công xưởng, trong quá trình giao dịch buôn bán, trong khi giao hàng hóa, v.v., bằng bức màn "bí mật thương mại", tức là cái bí mật dùng để bảo vệ "quyền tư hữu thiêng liêng". Chính quyền xô-viết đã xóa bỏ cái bí mật thương mại ấy70, và đã đi vào một con đường mới, nhưng chúng ta hầu như chưa làm được gì cả để sử dụng chế độ công bố công khai nhằm phục vụ việc thi đua kinh tế. Chúng ta phải cố gắng một cách có hệ thống để có thể vừa thẳng tay đả phá báo chí tư sản hoàn toàn giả dối và chuyên vu khống vô liêm sỉ, vừa cố gắng tạo ra một thứ báo chí không giúp vui và không lừa bịp quần chúng bằng những câu chuyện lý thú và vụn vặt về chính trị, mà sẽ đưa ra cho quần chúng xem xét chính những vấn đề kinh tế hàng ngày và giúp họ nghiên cứu một cách nghiêm túc những vấn đề ấy. Mỗi công xưởng, mỗi làng là một công xã sản xuất và tiêu dùng, công xã này có quyền và có nghĩa vụ phải áp dụng, theo cách thức riêng của mình, những luật lệ xô-viết chung ("theo cách thức riêng của mình" không có nghĩa là vi phạm những luật lệ đó, mà có nghĩa là áp dụng những luật lệ đó bằng nhiều hình thức khác nhau), phải giải quyết, theo cách thức riêng cửa mình, vấn đề kiểm kê sản xuất và phân phối sản phẩm. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đó là "công việc riêng" của từng tên tư bản, từng tên địa chủ, từng tên cu-lắc. Dưới Chính quyền xô- viết đó không còn là công việc riêng nữa, mà là một công việc nhà nước có ý nghĩa quan trọng bậc nhất.
Nhưng chúng ta hầu như chưa bắt tay vào công tác to lớn, khó khăn nhưng cao cả này: tổ chức thi đua giữa các công xã, áp dụng chế độ kế toán và công bố công khai trong việc sản xuất lúa mì, quần áo, v.v.; biến những bản báo cáo có tính chất quan liêu, khô khan và không sinh khí thành những tấm gương sinh động - những tấm gương đó hoặc là làm cho người ta tránh xa hoặc là hấp dẫn người ta. Trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tác dụng của một tấm gương riêng lẻ, chẳng hạn như của một ác-ten sản xuất nào đấy, tất nhiên là bị hạn chế hết sức, và chỉ có những người mang những ảo tưởng tiểu tư sản mới có thể mơ tưởng rằng bằng ảnh hưởng của tấm gương của các tổ chức từ thiện sẽ "sửa chữa" được chủ nghĩa tư bản. Sau khi chính quyền đã chuyển sang tay giai cấp vô sản, sau khi đã tước quyền sở hữu của bọn đi tước đoạt thì tình hình thay đổi một cách căn bản, và - như những nhà xã hội chủ nghĩa có tiếng tăm nhất đã nhiều lần nêu rõ - lần đầu tiên sức mạnh của tấm gương đã có khả năng phát huy tác dụng rộng rãi của nó. Những công xã gương mẫu phải và sẽ đóng vai trò giáo dục, hướng dẫn và thúc đẩy các công xã lạc hậu. Báo chí phải làm công cụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội, báo chí phải giới thiệu hết sức tỉ mỉ những thành công của các công xã kiểu mẫu, phải nghiên cứu những nguyên nhân thành công, những phương pháp làm việc và quản lý của các công xã đó; mặt khác, báo chí sẽ đưa lên "bảng đen" những công xã nào cứ khư khư giữ những "truyền thống của chủ nghĩa tư bản", nghĩa là những truyền thống vô chính phủ, lười biếng, vô trật tự, đầu cơ. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, công tác thống kê là công việc của riêng "những nhân viên nhà nưở cơ sở" hay của một số ít chuyên gia. Còn chúng ta, chúng ta phải giao công tác thống kê đó cho quần chúng, phải đại chúng hóa nó đi, để cho bản thân những người lao động dần dần học, rồi tự mình hiểu và thấy được phải lao động như thế nào và lao động đến mức nào, có thể nghỉ ngơi như thế nào và đến mức nào; - để cho sự so sánh những kết quả thiết thực của việc quản lý kinh tế trong các công xã khác nhau trở thành đối tượng được tất cả mọi người chú ý và nghiên cứu, để cho những công xã xuất sắc nhất được đền đáp ngay lập tức (giảm ngắn ngày lao động trong một thời gian nào đó, tăng tiền công, được sử dụng một số lượng nhiều hơn về của cải và vật phẩm văn hóa hay mỹ thuật, v.v...).
Sự xuất hiện của một giai cấp mới trên vũ đài lịch sử, với tư cách là người lãnh tụ và người lãnh đạo xã hội, không bao giờ diễn ra mà lại không có một thời kỳ "tròng trành" hết sức dữ dội, một thời kỳ chấn động, đấu tranh và bão táp, đó là một mặt; mặt khác, không bao giờ diễn ra mà không có một thời kỳ mò mẫm, thí nghiệm, do dự, ngả nghiêng trong việc lựa chọn những phương pháp mới đáp ứng đúng với tình thế khách quan mới. Bọn quý tộc phong kiến suy tàn trả thù lại giai cấp tư sản, là kẻ đã chiến thắng chúng và hất cẳng chúng, trả thù không những bằng những âm mưu, những mưu mô nổi loạn và phục hồi lại địa vị của mình, mà còn bằng cách tuôn ra hàng tràng những lời chế nhạo về sự khờ khạo, vụng về và sai lầm của "những kẻ mới phất", "những kẻ liều lĩnh" đã cả gan chiếm đoạt "tay lái thiêng liêng" của nhà nước mà chưa được rèn luyện lâu đời để làm việc đó, như các công tước, tử tước, các nhà quý tộc và thế phiệt, - hệt như bọn Coóc-ni-lốp và Kê-ren-xki, bọn Gô-txơ và bọn Mác-tốp (nghĩa là tất cả cái bọn anh hùng của giai cấp tư sản hoạt đầu hoặc hoài nghi chủ nghĩa) ngày nay đang trả thù giai cấp công nhân Nga, vì giai cấp này đã "cả gan" mưu toan cướp lấy chính quyền.
Dĩ nhiên, không phải chỉ cần mất hàng tuần mà phải mất hàng bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm, thì một giai cấp mới trong xã hội, hơn nữa một giai cấp trước kia bị áp bức, bị đày đọa trong cảnh khốn cùng và dốt nát, mới có thể làm quen với tình hình mới của mình, mới nhìn nhận kỹ lưỡng mọi vật xung quanh được, mới tổ chức tốt công tác của mình, mới đào tạo được những cán bộ tổ chức của mình. Cố nhiên, đảng lãnh đạo của giai cấp vô sản cách mạng chưa thể có được kinh nghiệm và thói quen trong việc thi hành những biện pháp tổ chức đại quy mô cho hàng triệu và hàng chục triệu công dân; đảng ấy phải mất rất nhiều thời gian mới thay đổi được những thói quen cũ, thói quen hầu như chỉ biết làm cổ động. Nhưng trong việc đó không có cái gì là không thể thực hiện được, và một khi chúng ta đã có nhận thức rõ ràng là cần phải thay đổi những thói quen ấy, một khi chúng ta đã có một sự quyết tâm vững chắc để thực hiện sự thay đổi đó, một khi chúng ta kiên trì theo đuổi mục tiêu vĩ đại và khó khăn ấy, thì chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu ấy. Trong "nhân dân", nghĩa là trong công nhân và những nông dân không bóc lột lao động của người khác, có rất nhiều nhà tổ chức có tài. Chính tư bản đã vùi dập, đã bóp chết, vứt bỏ hàng nghìn những nhà tổ chức như thế. Chúng ta vẫn chưa biết phát hiện, khuyến khích, nâng đỡ, đề bạt họ. Nhưng chúng ta sẽ học tập được cách làm công tác đó, nếu chúng ta bắt tay vào việc học cách làm công tác đó với tất cả nhiệt tình cách mạng, vì thiếu nhiệt tình này thì cách mạng sẽ không thể nào thắng lợi được.
Trong lịch sử, không có một phong trào nhân dân sâu sắc và mạnh mẽ nào diễn ra mà lại không có một thứ bọt bẩn - những phần tử phiêu lưu và bịp bợm, những bọn khoe khoang và những kẻ hay lớn tiếng ba hoa - chui luồn vào hàng ngũ những nhà cách tân thiếu kinh nghiệm; mà lại không có tình trạng hỗn loạn huyên náo vô lý, tình trạng lộn xộn, sự bận rộn vô bổ; mà lại không có một số "lãnh tụ" nào đó bắt tay vào làm 20 việc cùng một lúc mà chẳng việc nào làm đến nơi đến chốn cả. Mặc cho những con chó ghẻ của xã hội tư sản, từ bọn Bê-lô-rút-xốp cho đến bọn Mác-tốp cứ kêu ăng ẳng và sủa lên, mỗi lần có một mảnh gỗ rơi xuống trong lúc người ta phát chặt một khu rừng già to lớn. Chúng sủa con voi vô sản, chính vì chúng là những con chó ghẻ. Cứ để mặc cho chúng sủa. Chúng ta cứ đi con đường của chúng ta, và chú ý tìm cho ra và thử thách một cách hết sức nhẫn nại, hết sức thận trọng những người thực sự có tài tổ chức, những người có bộ óc sáng suốt và có bản lĩnh tháo vát trong thực tiễn, những người vừa trưng thành với chủ nghĩa xã hội lại vừa có năng lực lặng lẽ (bất chấp sự hỗn loạn và ồn ào) tổ chức công tác chung vững chắc và nhịp nhàng của một khối người to lớn trong phạm vi tổ chức xô-viết. Chỉ có những người như thế, chúng ta mới đề bạt lên những chức vụ lãnh đạo lao động của nhân dân, lên những chức vụ lãnh đạo quản lý, sau khi đã thử thách họ hàng chục lần bằng cách cho họ đảm nhận từ những nhiệm vụ đơn giản nhất đến những nhiệm vụ khó khăn nhất. Chúng ta chưa biết làm việc đó. Chúng ta sẽ học tập được cách làm việc đó.