Giai cấp tư sản đã bị đánh bại ở nước ta, nhưng nó vẫn chưa bị diệt trừ tận gốc, chưa hoàn toàn bị tiêu diệt mà thậm chí cũng chưa hoàn toàn bị đánh tan. Do đó, một hình thức mới và cao của cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản đang được đề ra trước mắt, đó là việc chuyển từ nhiệm vụ giản đơn nhất, tức là tiếp tục tước quyền sở hữu của bọn tư bản, sang một nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều và khó khăn hơn nhiều, tức là tạo ra những điều kiện khiến cho giai cấp tư sản không tồn tại được, mà cũng không thể tái sinh được nữa. Hiển nhiên là nhiệm vụ ấy vô cùng cao hơn và chừng nào mà nó chưa được hoàn thành, thì vẫn chưa có chủ nghĩa xã hội. Nếu lấy những cuộc cách mạng ở Tây âu làm tiêu chuẩn thì chúng ta hiện nay đang ở vào một trình độ gần như những năm 1793 và 1871 đã đạt được. Chúng ta có quyền tự hào chính đáng là chúng ta đã vươn lên đến trình độ ấy và chắc chắn là chúng ta đã vượt qua trình độ ấy chút ít, về một phương diện, tức là: chúng ta đã chính thức tuyên bố và thành lập được trong toàn nước Nga một kiểu nhà nước cao nhất, - đó là Chính quyền xô-viết. Nhưng chúng ta tuyệt đối không thể tự mãn với những thành quả đã đạt được, vì chúng ta chỉ mới bắt đầu chuyển lên chủ nghĩa xã hội; và về phương diện đó, điều quyết định vẫn chưa được thực hiện. Điều quyết định là: tổ chức cho toàn dân kiểm kê và kiểm soát một cách hết sức chặt chẽ sự sản xuất và phân phối sản phẩm. Thế nhưng chúng ta vẫn chưa tổ chức được việc kiểm kê và kiểm soát trong những xí nghiệp, trong các ngành kinh tế, các lĩnh vực kinh tế mà chúng ta đã giành lại được từ tay giai cấp tư sản; mà không làm được việc đó thì không thể nào nói đến điều kiện vật chất thứ hai cũng không kém phần quan trọng để đảm bảo việc thiết lập chủ nghĩa xã hội, tức là: nâng cao năng suất lao động trong phạm vi cả nước. Do đó, người ta không thể xác định nhiệm vụ hiện nay bằng cái công thức giản đơn là: tiếp tục tấn công vào tư bản. Tuy rằng hiển nhiên là chúng ta chưa đánh tư bản chết hẳn, và tuyệt đối cần phải tiếp tục tấn công vào kẻ thù ấy của những người lao động, nhưng một sự nhận định như thế sẽ không chính xác, không cụ thể, vì nó không tính đến tính chất đặc thù của tình hình hiện tại, là lúc mà muốn bảo đảm thắng lợi cho cuộc tấn công sau này, thì bây giờ phải "tạm ngừng" cuộc tấn công. Có thể giải thích điều đó bằng cách ví tình hình của chúng ta trong cuộc chiến tranh chống tư bản với tình hình của một đội quân chiến thắng buộc phải tạm ngừng cuộc tấn công của mình, sau khi đã chiếm được, chẳng hạn, một nửa hoặc hai phần ba lãnh thổ của kẻ thù, để tập hợp lực lượng, tăng thêm dự trữ về các phương tiện chiến đấu, sửa chữa và củng cố các đường giao thông, xây dựng thêm những kho tàng mới, đưa quân dự trữ tới, v.v... Trong những điều kiện ấy, việc đội quân chiến thắng đó tạm ngừng cuộc tấn công lại là cần thiết, chính là để có thể chiếm nốt phần lãnh thổ còn lại của kẻ thù, nghĩa là chiến thắng hoàn toàn. Người nào không hiểu được tính chất đó của việc "tạm ngừng" cuộc tấn công - do tình hình khách quan hiện nay buộc chúng ta làm thế - vào bọn tư bản, thì người đó không hiểu tí gì về giai đoạn chính trị mà chúng ta hiện đang trải qua. Dĩ nhiên, người ta chỉ có thể nói đến việc "tạm ngừng" cuộc tấn công vào bọn tư bản bằng cách đặt danh từ đó giữa hai ngoặc kép, nghĩa là chỉ dùng nó như một lối nói bóng bẩy. Trong một cuộc chiến tranh thông thường, người ta có thể ra một mệnh lệnh chung ngừng tấn công; trên thực tế, người ta có thể ngừng cuộc tiến quân lại được. Trong cuộc chiến tranh chống tư bản, thì không thể ngừng cuộc tiến quân lại được, và đối với chúng ta, không thể nào nói đến việc từ bỏ không tiếp tục tước quyền sở hữu của bọn tư bản được. Vấn đề là thay đổi trọng tâm của công tác kinh tế và chính trị của chúng ta. Cho đến nay, những biện pháp trực tiếp tước đoạt những kẻ đi tước đoạt đã được đề lên hàng đầu. Bây giờ, cái được đề lên hàng đầu lại là tổ chức việc kiểm kê và kiểm soát trong các cơ sở kinh doanh đã tước đoạt được của bọn tư bản, cũng như trong mọi cơ sở kinh doanh khác. Nếu hiện nay, chúng ta muốn tiếp tục tước quyền sở hữu của bọn tư bản cũng với một nhịp độ như trước kia, thì chắc hẳn là chúng ta sẽ thất bại, vì bất cứ một người nào biết suy nghĩ cũng đều thấy rõ rằng công tác của chúng ta nhằm tổ chức cho giai cấp vô sản kiêm kê và kiểm soát, hiển nhiên là còn lạc hậu so với công tác trực tiếp "tước đoạt những kẻ đi tước đoạt". Nếu giờ đây, chúng ta dốc toàn lực vào công tác tổ chức việc kiểm kê và kiểm soát, thì chúng ta sẽ có thể giải quyết được nhiệm vụ ấy, sẽ gỡ lại được cái đã bị bỏ lỡ, sẽ giành được thắng lợi trong toàn bộ "chiến dịch" của chúng ta chống tư bản. Song, thú nhận rằng chúng ta phải gỡ lại cái bị bỏ lỡ, phải chăng cũng là thú nhận chúng ta đã phạm một sai lầm nào rồi? Hoàn toàn không phải như vậy. Chúng ta hãy lấy một ví dụ nữa về quân sự. Nếu chỉ dùng khinh kỵ binh mà có thể đánh bại và đẩy lùi được quân thù, thì nên làm như vậy. Nhưng nếu làm thế mà chỉ có thể thắng lợi đến một mức độ nào đó thôi, thì hoàn toàn rõ ràng là muốn đạt được một thắng lợi hơn thế, thì cần phải đưa trọng pháo đến. Khi thừa nhận rằng ngày nay, chúng ta phải gỡ lại cái đã bị bỏ lỡ, nghĩa là đưa trọng pháo đến để sử dụng, thì tuyệt nhiên không phải như thế là chúng ta thừa nhận rằng cuộc tấn công thắng lợi bằng đội kỵ binh là một sai lầm. Bọn đầy tớ của giai cấp tư sản thường trách chúng ta là đã dùng lối đánh "xích vệ" để chống tư bản. Đó là một lời trách móc vô lý, và chỉ có bọn làm đầy tớ cho túi tiền mới mở miệng như thế. Vì lúc bấy giờ nhiều hoàn cảnh đã bắt buộc chúng ta nhất thiết phải dùng lối đánh "xích vệ" để chống tư bản: một là, lúc ấy bọn tư bản đã phản kháng lại bằng quân sự, mà đại diện của bọn tư bản là Kê-ren-xki và Cra-xnốp, Xa-vin-cốp và Gô-txơ (cho đến ngày nay Ghê-ghê-tsơ-cô-ri vẫn phản kháng như vậy), Đu-tốp và Bô-ga-ép-xki. Chỉ có dùng những phương tiện quân sự mới đập tan được sự phản kháng bằng quân sự, và đội xích vệ đã hoàn thành được một sự nghiệp lịch sử vĩ đại và cao quý nhất khi giải phóng những người lao động và bị bóc lột khỏi ách của bọn bóc lột. Hai là, lúc bấy giờ chúng ta không thể đặt những phương pháp quản lý lên hàng đầu thay cho những phương pháp trấn áp đó cũng vì không phải bẩm sinh ra là người ta đã có được nghệ thuật quản lý rồi, mà phải trải qua kinh nghiệm mới có được. Lúc bấy giờ, chúng ta chưa có kinh nghiệm đó. Hiện nay thì chúng ta đã có. Ba là, lúc bấy giờ, chúng ta chưa có được những chuyên gia thuộc các ngành khoa học và kỹ thuật, vì hoặc là họ còn chiến đấu trong hàng ngũ của bọn Bô-ga-ép-xki, hoặc là họ còn có khả năng dùng hành động lãn công để tiêu cực chống lại chúng ta một cách có hệ thống và quyết liệt. Nhưng ngày nay chúng ta đã đập tan được âm mưu lãn công đó rồi. Cuộc tấn công kiểu "xích vệ" chống tư bản đã thành công, đã thắng, vì chúng ta đã đánh bại được sự kháng cự bằng quân sự cũng như sự phản kháng bằng hành động lãn công của tư bản. Nói như thế có phải là bất cứ lúc nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, lối tiến công kiểu "xích vệ" chống tư bản cũng là thích hợp chăng? Chúng ta không có những phương pháp nào khác để chống tư bản chăng? Nghĩ như vậy thì thật là trẻ con. Chúng ta đã chiến thắng nhờ đội khinh kỵ binh, nhưng chúng ta cũng có cả trọng pháo nữa. Chúng ta đã từng chiến thắng bằng những phương pháp trấn áp, rồi đây chúng ta cũng sẽ biết chiến thắng bằng phương pháp quản lý. Phải biết tùy theo hoàn cảnh mà thay đổi phương pháp đấu tranh chống quân thù. Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ những phương pháp "xích vệ" để trấn áp các ngài Xa-vin-cốp và Ghê-ghê-tsơ-cô-ri, cũng như tất cả những phần tử phản cách mạng khác trong bọn địa chủ và tư sản. Nhưng chúng ta sẽ không khờ dại đến nỗi lại đặt những phương pháp "xích vệ" lên hàng đầu khi mà thời kỳ cần phải dùng đến những cuộc tấn công như thế về cơ bản đã chấm dứt rồi (và chấm dứt một cách thắng lợi), và khi chúng ta đang bước vào thời kỳ mà chính quyền nhà nước của giai cấp vô sản sẽ phải sử dụng các chuyên gia tư sản để cày xới đất đai sao cho không bao giờ còn có một giai cấp tư sản nào có thể mọc lên được trên đất đai ấy cả. Đó là một thời kỳ, hay nói cho đúng hơn, một giai đoạn phát triển đặc thù, và để chiến thắng tư bản một cách triệt để, thì phải biết vận dụng những hình thức đấu tranh của chúng ta cho thích hợp với những điều kiện đặc thù của giai đoạn ấy. Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm, thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được, vì chủ nghĩa xã hội đòi hỏi một bước tiến có ý thức và có tính chất quần chúng để đi tới một năng suất lao động cao hơn năng suất của chủ nghĩa tư bản dựa trên cơ sở những kết quả mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được. Chủ nghĩa xã hội phải thực hiện bước tiến ấy theo phương thức riêng của mình, bằng những phương pháp riêng của mình, nói một cách cụ thể hơn: bằng những phương pháp xô-viết. Nhưng đại đa số các chuyên gia đều mang tính chất tư sản, do tất cả những điều kiện sống của cái xã hội đã tạo họ thành chuyên gia. Nếu sau khi nắm được chính quyền, giai cấp vô sản ở nước ta giải quyết được nhanh chóng nhiệm vụ kiểm kê, kiểm soát và tổ chức trong phạm vi toàn dân - (điều này, trước đây không thể nào làm được do chiến tranh và do tình trạng lạc hậu của nước Nga) - thì sau khi đập tan được sự phá hoại ngầm, chúng ta sẽ có thể nhờ tiến hành được rộng khắp việc kiểm kê và kiểm soát mà hoàn toàn thu phục được các chuyên gia tư sản. Do chúng ta đã "chậm trễ" nhiều trong công tác kiểm kê và kiểm soát nói chung, cho nên dù đã đánh bại được sự phá hoại ngầm rồi, chúng ta vẫn chưa tạo ra được những điều kiện giúp chúng ta thu phục được các chuyên gia tư sản. Đại đa số bọn lãn công đều "nhận phục vụ", song nhà nước có thể sử dụng những người có tài tổ chức nhất và những chuyên gia giỏi nhất bằng hai cách: hoặc là theo phương thức cũ, phương thức tư sản (nghĩa là trả lương cao) hoặc theo phương thức mới, phương thức vô sản (nghĩa là thiết lập những điều kiện kiểm kê và kiểm soát do toàn dân thực hiện từ dưới lên, những điều kiện này tự nó nhất định sẽ giúp chúng ta thu phục được các chuyên gia, lôi kéo họ về với chúng ta). Giờ đây, chúng ta buộc phải dùng đến phương pháp cũ, phương pháp tư sản và bằng lòng trả một giá rất cao về "công phục vụ" của những chuyên gia tư sản giàu kinh nghiệm nhất. Tất cả những ai am hiểu tình hình đều thấy như thế, nhưng không phải ai cũng tìm hiểu sâu xem nhà nước vô sản áp dụng một biện pháp như thế, là có ý nghĩa gì. Rõ ràng, biện pháp đó là một sự thỏa hiệp, một sự xa rời những nguyên tắc của Công xã Pa-ri và của mọi chính quyền vô sản, tức là những nguyên tắc đòi hỏi phải rút tiền lương xuống ngang mức tiền công của người công nhân trung bình, đòi hỏi phải đả phá tư tưởng thăng quan phát tài bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Hơn thế nữa. Rõ ràng biện pháp ấy không phải chỉ là một sự tạm ngừng - trong một lĩnh vực nào đó và trong một mức độ nào đó - cuộc tấn công vào tư bản (vì tư bản không phải là một tổng số tiền, mà là một quan hệ xã hội nhất định), mà nó còn là một bước lùi của Chính quyền xã hội chủ nghĩa xô-viết của chúng ta nữa, chính quyền này, ngay từ lúc đầu, đã công bố và áp dụng một chính sách nhằm hạ những mức tiền lương cao xuống ngang với mức tiền công của người công nhân trung bình64. Dĩ nhiên, việc chúng ta thú nhận đã lùi một bước như vậy, sẽ làm cho bọn đầy tớ của giai cấp tư sản, nhất là bọn tiểu nhân: bọn men-sê-vích, phái "Đời sống mới", bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng cánh hữu, cười nhạo chúng ta. Nhưng chúng ta chẳng cần quan tâm đến những tiếng cười nhạo ấy làm gì. Chúng ta cần nghiên cứu những đặc điểm của đoạn đường mới vô cùng gay go đang dẫn tới chủ nghĩa xã hội, không nên giấu giếm những sai lầm và nhược điểm của chúng ta, mà phải cố gắng kịp thời làm nốt những cái chúng ta chưa làm xong. Che giấu không cho quần chúng biết rằng việc thu hút các chuyên gia tư sản bằng cách cho họ hưởng tiền lương rất cao là sự rời bỏ những nguyên tắc của Công xã Pa-ri, thì chẳng khác nào đã hạ mình xuống ngang hàng với bọn hoạt đầu chính trị tư sản và đánh lừa quần chúng. Giải thích công khai cho quần chúng biết tại sao chúng ta phải lùi bước và đã lùi bước như thế nào, rồi sau đó, công khai thảo luận xem dùng phương pháp nào để gỡ lại cái bị bỏ lỡ, - làm như thế là giáo dục quần chúng và cùng với quần chúng học tập qua kinh nghiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong lịch sử, vị tất đã có một cuộc tiến quân thắng lợi nào mà kẻ chiến thắng lại không phạm sai lầm nào đó, lại không phải chịu đựng những thất bại cục bộ, lại không phải tạm thời lùi bước ở điểm này hay điểm khác, ở chỗ nọ hay chỗ kia. Huống chi "cuộc tiến quân" mà chúng ta tiến hành chống chủ nghĩa tư bản lại khó khăn hơn gấp triệu lần cuộc tiến quân khó khăn nhất, và nếu vì một sự lùi bước bộ phận và cục bộ mà đâm ra nản lòng, thì thật là ngu ngốc và nhục nhã. Chúng ta hãy nhận định vấn đề ấy về mặt thực tiễn. Giả sử rằng nước Cộng hòa xô-viết Nga cần có 1000 nhà bác học và chuyên gia hạng nhất trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn, để chỉ đạo lao động của nhân dân nhằm đẩy mạnh hết sức nhanh nền kinh tế trong nước. Giả sử rằng phải trả cho mỗi "ngôi sao bậc nhất" ấy - mà đa số họ thường thích la ó rằng công nhân là đồi bại, khi chính bản thân họ lại bị những tập quán tư sản làm cho đồi bại nhiều hơn - một năm là 25.000 rúp. Giả sử như phải tăng số tiền đó (25 triệu rúp) lên gấp đôi (tính cả những tiền thưởng cho việc hoàn thành đặc biệt nhanh chóng và có kết quả những nhiệm vụ kỹ thuật và tổ chức quan trọng nhất), thậm chí gấp bốn (tính cả mấy trăm chuyên gia nước ngoài khó tính hơn mà chúng ta tuyển dụng). Thử hỏi, một món chi tiêu hàng năm là năm chục hoặc một trăm triệu rúp vào việc cải tổ lao động của nhân dân theo thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật, như vậy liệu có thể coi là quá đáng hoặc quá sức đối với nước Cộng hòa xô-viết không? Cố nhiên là không. Tuyệt đại đa số công nhân và nông dân giác ngộ đều sẽ tán thành khoản chi như thế; qua cuộc sống thực tiễn, họ đều biết rằng tình trạng lạc hậu của chúng ta làm cho chúng ta tổn thất hàng tỷ rúp, rằng chúng ta chưa có được một trình độ tổ chức, kiểm kê và kiểm soát khiến cho toàn thể những "ngôi sao" trí thức tư sản tự nguyện tham gia công tác của chúng ta. Cố nhiên, vấn đề còn có một mặt khác nữa. Người ta không thể nào không thừa nhận rằng những món lương cao có ảnh hưởng đồi bại đến cả Chính quyền xô-viết (nhất là trong điều kiện cách mạng thành công rất nhanh chóng, thì một số bọn phiêu lưu và bịp bợm nào đấy không thể không bám vào chính quyền này; cùng với những kẻ bất tài hoặc vô lương tâm trong số các thủ trưởng, chúng không phải không mong muốn trở thành những "ngôi sao"... trong nghề ăn cắp của công) lẫn đến quần chúng công nhân. Nhưng tất cả những phần tử trung thực và biết suy nghĩ trong công nhân và nông dân nghèo đều sẽ đồng ý với chúng ta mà thừa nhận rằng chúng ta không đủ sức thoát khỏi ngay lập tức cái di sản xấu do chủ nghĩa tư bản để lại; rằng muốn làm cho nước Cộng hòa xô-viết khỏi phải chịu "cống vật" từ 50 đến 100 triệu rúp (khoản tiền cống mà chúng ta phải nộp vì tình trạng lạc hậu của chúng ta trong việc tổ chức sự kiểm kê và kiểm soát do toàn dân thực hiện từ dưới lên) thì chỉ có cách là tổ chức nhau lại, tăng cường kỷ luật trong bản thân chúng ta, quét sạch ra khỏi hàng ngũ chúng ta tất cả những kẻ nào còn "giữ di sản của chủ nghĩa tư bản", còn "tuân theo truyền thống của chủ nghĩa tư bản", nghĩa là những bọn lười biếng, ăn bám, ăn cắp của công (ngày nay, tất cả đất đai, công xưởng, đường sắt họp thành "của công" của nước Cộng hòa xô-viết). Nếu trong khoảng một năm, những người tiên tiến và giác ngộ trong công nhân và nông dân nghèo, với sự giúp đỡ của các cơ quan xô-viết, mà thành công trong việc tự tổ chức nhau lại, tự đặt mình vào kỷ luật và nỗ lực tạo nên một kỷ luật lao động chặt chẽ, thì một năm sau, chúng ta sẽ trút bỏ được "cống vật" ấy, khoản tiền cống mà chúng ta sẽ có thể giảm bớt được thậm chí sớm hơn nữa... tùy theo mức độ tiến bộ về kỷ luật lao động và về tính tổ chức của công nhân và nông dân nước ta. Bản thân công nhân và nông dân chúng ta mà càng nhanh chóng học tập được cách tạo ra kỷ luật lao động tốt hơn và kỹ thuật lao động cao, bằng cách sử dụng các chuyên gia tư sản để học lấy môn khoa học ấy, thì chúng ta sẽ càng sớm thoát khỏi mọi "khoản tiền cống" cho các chuyên gia đó. Công tác tổ chức của chúng ta nhằm thiết lập chế độ toàn dân kiểm kê và kiểm soát sự sản xuất và phân phối sản phẩm, - công tác mà chúng ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản - đang còn chậm trễ hơn nhiều so với công tác trực tiếp tước đoạt những kẻ đi tước đoạt. Chính đó là điều căn bản mà chúng ta phải biết để hiểu được những đặc điểm của thời kỳ hiện nay và những nhiệm vụ mà thời kỳ đó đề ra cho Chính quyền xô-viết. Trọng tâm của cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản đang chuyển sang công tác tổ chức việc kiểm kê và kiểm soát đó. Chỉ có xuất phát từ chỗ đó, mới có thể xác định được đúng đắn những nhiệm vụ trước mắt của chính sách kinh tế và tài chính trong việc quốc hữu hóa các ngân hàng, trong việc chiếm độc quyền ngoại thương, trong việc nhà nước kiểm soát sự lưu thông tiền tệ, trong việc thiết lập một thứ thuế thỏa đáng, theo quan điểm của giai cấp vô sản, là đánh vào tài sản và mức thu nhập, trong việc áp dụng một chế độ nghĩa vụ lao động. Chúng ta hết sức chậm chạp thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa trong các lĩnh vực ấy (mà những lĩnh vực này lại rất, rất quan trọng), và sở dĩ chúng ta hết sức chậm chạp như thế, chính là vì, nói chung, công tác kiểm kê và kiểm soát chưa được tổ chức đầy đủ. Cố nhiên, nhiệm vụ đó là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất, và vì nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, cho nên phải một thời gian lâu dài mới giải quyết được nhiệm vụ đó; nhưng không nên quên rằng chính đó là chỗ mà giai cấp tư sản - nhất là giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản nông đân đông đảo - chống lại chúng ta quyết liệt nhất, bằng cách phá hoại công tác kiểm soát mà chúng ta đang tổ chức, chẳng hạn như phá hoại chế độ độc quyền lúa mì, và tìm cách chiếm lĩnh trận địa cho việc đầu cơ và buôn bán đầu cơ. Những sắc lệnh mà chúng ta đã ban hành thì chúng ta thi hành còn rất chưa đầy đủ, cho nên nhiệm vụ chủ yếu trước mắt, chính là tập trung mọi cố gắng của chúng ta để thực hiện, một cách thực tế thiết thực nền tảng của những cải tạo đã trở thành sắc luật (nhưng chưa thành sự thật). Để tiếp tục quốc hữu hóa các ngân hàng và không ngừng cải biến ngân hàng thành những đầu mối kế toán công cộng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, thì trước hết và trên hết phải đạt được những thành tựu thực tế trong việc tăng thêm số chi nhánh và chi điếm của Ngân hàng nhân dân; trong việc vận động gửi tiền vào ngân hàng, trong việc tạo điều kiện cho công chúng bỏ tiền vào và rút tiền ra được dễ dàng, trong việc trừ bỏ hiện tượng đứng "nối đuôi", trong việc bắt và xử bắn bọn ăn hối lộ và bọn bịp bợm, v.v... Trước hết, phải thực hiện thiết thực những điều đơn giản nhất, phải tổ chức cho tốt những cái đã có rồi, tiếp đó mới chuẩn bị làm những cái phức tạp hơn. Củng cố và chỉnh đốn những tổ chức độc quyền nhà nước đã được thiết lập (về lúa mì, da thuộc, v.v.) và do đó chuẩn bị cho nhà nước nắm lấy độc quyền ngoại thương, không nắm được độc quyền đó, chúng ta sẽ không thể nào "thoát khỏi được" sự chi phối của tư bản nước ngoài bằng cách nộp "cống vật" cho chúng65. Nhưng toàn bộ khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội lại phụ thuộc vào điều sau đây: trong một thời kỳ quá độ, liệu chúng ta có thể dùng cách nộp một khoản cống vật nào đó cho tư bản nước ngoài để bảo vệ nền độc lập kinh tế trong nước chúng ta hay không. Về công tác thu các thứ thuế nói chung, và nhất là thuế đánh vào tài sản và thuế thu nhập, chúng ta cũng còn làm rất chậm chạp. Việc bắt giai cấp tư sản phải đóng đảm phụ - biện pháp này, về nguyên tắc, hoàn toàn có thể chấp nhận được và đáng được giai cấp vô sản tán thành - chứng tỏ rằng, về lĩnh vực đó, chúng ta vẫn còn nặng về những phương pháp nhằm giành lấy (nước Nga từ tay bọn nhà giàu để giao lại cho những người nghèo), mà nhẹ về những phương pháp quản lý. Nhưng muốn trở thành mạnh mẽ hơn và muốn đứng vững hơn, chúng ta phải chuyển sang dùng những phương pháp quản lý, phải thay những đảm phụ mà giai cấp tư sản buộc phải đóng góp bằng một thứ thuế đánh vào tài sản và thu nhập, thu đúng mức và đều đặn; thuế này sẽ đem lại cho nhà nước vô sản nhiều hơn và đòi hỏi chính bản thân chúng ta phải có nhiều tính tổ chức hơn, phải tổ chức việc kiểm kê và kiểm soát hoàn hảo hơn66. Sự chậm trễ của chúng ta trong việc áp dụng chế độ nghĩa vụ lao động lại một lần nữa chứng tỏ rằng chính công tác chuẩn bị và tổ chức hiện nay là công tác cấp thiết. Một mặt, công tác đó có nhiệm vụ phải củng cố được vĩnh viễn những thành quả đã giành được; mặt khác, nó là công tác cần thiết để chuẩn bị một cuộc "bao vây" tư bản, buộc tư bản phải "đầu hàng". Chúng ta phải áp dụng ngay lập tức chế độ nghĩa vụ lao động ấy, nhưng phải áp dụng một cách hết sức thận trọng và từng bước một, bằng cách dùng kinh nghiệm thực tiễn để kiểm nghiệm mỗi bước đi và, cố nhiên, là bằng cách bắt đầu áp dụng chế độ đó trước tiên đối với những ẻé giàu có. Việc áp dụng một cuốn sổ lao động, sổ tiêu dùng - thu chi đối với mọi tên tư sản, kể cả tư sản nông thôn, sẽ là một bước tiến đáng kể trên con đường đi đến "bao vây" hoàn toàn kẻ thù và đi đến tổ chức việc kiểm kê và kiểm soát thật sự của toàn dân đối với việc sản xuất và phân phối các sản phẩm.