Tạp chí Deutsche Jahrbücher số 160 Ngày 7/7/1842
Sự vận động tư tưởng mạnh mẽ, mà Khuê-ních-xbéc dùng để cố sức làm cho mình trở thành trung tâm phát triển chính trị của nước Đức, càng làm phấn chấn lòng người bao nhiêu, dư luận xã hội ở đây càng tỏ ra tự do hơn và rõ rệt hơn bao nhiêu, thì việc cái nhóm kiểu juste-milieu đang tìm cách củng cố địa vị của mình trong lĩnh vực triết học chính tại đây, nơi nhóm này rõ ràng phải mâu thuẫn với đa số công chúng địa phương, lại càng làm cho người ta kinh ngạc bấy nhiêu, và nếu như Rô-den-cran-txơ còn có một số nét nào đó khiến cho người ta phải tôn trọng, mặc dù ông ta không đủ can đảm làm một phần tử triệt để, thì thông qua ông A-lếch-xan-đơ I-ung, tất cả sự bất lực và nhỏ nhen của phái juste-milieu triết học cũng đang được phơi trần ra.
Trong bất cứ phong trào nào, trong bất cứ cuộc đấu tranh tư tưởng nào, cũng có một loại đầu óc rối rắm nhất định chỉ cảm thấy mình khoan khoái trong nước đục mà thôi. Chừng nào bản thân nguyên tắc còn chưa kết tinh lại, thì người ta còn chịu đựng được những hạng người như thế; khi mà mỗi một người đang còn ra sức tìm hiểu, thì không dễ gì nhận ra được cái tính chất không rõ ràng đã định hình dứt khoát của hạng người đó. Nhưng khi các thành phần đã tách nhau ra, khi nguyên tắc đối lập với nguyên tắc, thì đã đến lúc phải từ biệt những con người vô dụng ấy và tách hẳn với họ, bởi vì khi đó sự rỗng tuếch của họ bộc lộ ra một cách đáng sợ.
ông A-lếch-xan-đơ I-ung cũng thuộc vào hạng người như thế. Đối với cuốn sách nói trên của ông ta, thì đừng nên đếm xỉa tới là tốt hơn hết; nhưng vì ông ta, ngoài ra, còn xuất bản tờ "Konigsberger Literatur-Blatt", và trong tờ báo đó tuần nào ông ta cũng hiến cho công chúng cái món chủ nghĩa thực chứng buồn tẻ của ông ta, cho nên nếu tôi nêu ông ta ra và nhận xét ông ta một cách tỉ mỉ hơn một chút, thì chắc hẳn độc giả của "Jahrbucher" cũng sẽ lượng thứ cho tôi.
Hồi còn mồ ma "Nước Đức trẻ", ông ta đã viết nhiều thư từ nói về văn học hiện đại. ông ta đã tham gia vào trào lưu mới nhất này, và ngoài ý muốn của ông ta, hồi bấy giờ ông ta đã cùng với phái này rơi vào phe đối lập. Đối với con người dung hòa của chúng ta tình hình là như thế đấy! ông A-lếch-xan-đơ I-ung đang đứng ở phía cực tả! Cũng dễ hình dung ông ta cảm thấy khó chịu như thế nào trong tình hình đó, ông ta không ngớt tuôn ra hàng tràng những lời cam đoan như thế nào để làm yên lòng người. Vì rằng ông ta vẫn đặc biệt có thiện cảm với ông Gút-xcốp lúc bấy giờ nổi tiếng là một kẻ tà đạo cố tật. ông ta rất muốn thổ lộ cái tâm tình nặng trĩu của mình, nhưng ông ta lại sợ hãi, ông ta không muốn xúc phạm đến ai cả. Vậy thì làm thế nào để tìm ra lối thoát? ông ta bèn dùng một thủ đoạn thảm hại hoàn toàn xứng đáng với ông ta. ông ta đã viết một bài tán dương Gút-xcốp, nhưng lại tránh không nêu tên tác giả này, rồi sau đó đặt cho một nhan đề: "Một vài mẩu chuyện về con người không nêu tên". Xin tùy ý ngài, ngài A-lếch-xan-đơ I-ung ạ, nhưng đó là một điều hèn nhát!
Tạp chí Deutsche Jahrbücher số 161 Ngày 8/7/1842
Về sau, I-ung lại viết một cuốn sách dung hòa và rối rắm: "Khuê-ních-xbéc ở Phổ và những cực đoan của chủ nghĩa kiền thành địa phương". Riêng một nhan đề thôi thì có đáng gì! Bản thân chủ nghĩa kiền thành thì ông chấp nhận, nhưng theo ông ta thì cần phải chống những cực đoan của chủ nghĩa kiền thành, cũng giống hệt như là hiện nay trên tờ "Konigsberger Literatur-Blatt" người ta đang đấu tranh chống những cực đoan của phái Hê-ghen trẻ. Vì tất cả mọi cực đoan đều là ma quái cả, và chỉ có sự dung hòa thân yêu và đạo trung dung mới đáng giá một cái gì đó mà thôi! Làm như thể cực đoan không phải là triệt để! Vả lại, cuốn sách này hồi đó cũng đã bị lên án trên tờ "Hallische Jahrbucher" rồi.
Bây giờ ông lại bê cuốn sách nói trên ra và dội lên chúng ta cả một thùng những lời khẳng định không rõ ràng, không phê phán, những suy luận rối rắm, những câu nói trống rỗng và những quan điểm thiển cận đến nực cười. Người ta có thể nghĩ rằng ông ta đã ngủ sau khi viết "Những thư từ" của mình. Rien appris, rien oublié! "Nước Đức trẻ" đã trôi về dĩ vãng; trường phái Hê-ghen trẻ, Stơ-rau-xơ, Phoi-ơ-bắc, Bau-ơ xuất hiện; "Jahrbucher" được mọi người chú ý tới, cuộc đấu tranh giữa các nguyên tắc đang ở giai đoạn cao nhất, cuộc đấu tranh đang diễn ra một mất một còn, đạo Cơ Đốc được đưa ra đánh cuộc, cuộc vận động chính trị tràn ngập khắp mọi mặt, còn ông I-ung tốt bụng thì vẫn còn tin tưởng một cách ngây thơ rằng ở "dân tộc" chẳng có việc gì khác, ngoài việc nóng lòng chờ đợi vở kịch mới của Gút-xcốp, cuốn tiểu thuyết đã hứa hẹn của Mun-tơ, những sự kỳ lạ tiếp theo của Lau-bơ. Trong khi khắp cả nước Đức đang vang lên những lời kêu gọi chiến đấu, trong khi những nguyên tắc mới đang được thảo luận ngay bên cạnh lỗ tai ông ta, thì ông I-ung lại ngồi trong căn phòng nhỏ của mình, gậm quản bút và nghiền ngẫm cái khái niệm "hiện đại". ông ta chẳng nghe gì cả, chẳng thấy gì cả, bởi vì ông ta cứ vùi đầu trong đống sách mà hiện nay chẳng ai thèm để ý đến nữa, và ra sức quy một cách rất chính xác và cẩn thận những sự vật riêng lẻ vào các phạm trù của Hê-ghen.
Trước khi bước vào các bài giảng của mình, ông ta đem con ngáo ộp "hiện đại" ra làm tên gác cửa. "Hiện đại" là cái gì? ông I-ung nói rằng để định nghĩa khái niệm ấy ông ta lấy Bay-rơn và Gioóc-giơ Xăng làm điểm xuất phát, rằng cơ sở có tính chất nguyên tắc gần nhất của thời đại mới của thế giới đối với nước Đức là Hê-ghen và những tác giả của cái gọi là "văn học trẻ". - Có cái gì mà lại không nhét cho Hê-ghen đáng thương! Chủ nghĩa vô thần, tính vạn năng của tự ý thức, học thuyết cách mạng về nhà nước và ngoài ra lại còn có cả "Nước Đức trẻ" nữa. Nhưng gắn Hê-ghen vào với tập đoàn ấy thì thật là nực cười. Chẳng lẽ ông I-ung không biết rằng Gút-xcốp đã luận chiến từ lâu với triết học Hê-ghen, rằng Mun-tơ và Quy-nơ đều không hề hiểu gì về vấn đề này, rằng đặc biệt là Mun-tơ đã phát biểu trong "Đức mẹ" và trong một số tác phẩm khác những điều hết sức vô nghĩa, những điều cực kỳ nhảm nhí về Hê-ghen và hiện nay đang là kẻ thù công khai của học thuyết Hê-ghen hay sao? Chẳng lẽ ông ta lại không biết rằng Vin-bác cũng phát biểu chống Hê-ghen như vậy, còn Lau-bơ thì trong lịch sử văn học của ông ta, luôn luôn vận dụng không đúng những phạm trù của Hê-ghen, hay sao?
Sau đó, ông I-ung lại bàn sang khái niệm "hiện đại" và loay hoay với nó trên sáu trang giấy, nhưng không giải quyết được gì cả. Và đó cũng là điều tất nhiên thôi. Làm như thể là cái "hiện đại" trong một lúc nào đó có thể "đề lên thành khái niệm" được! Làm như thể là cái thuật ngữ mơ hồ, không có nội dung, mập mờ như thế, được những đầu óc hời hợt nêu lên một cách đặc biệt bí ẩn ở khắp mọi nơi, một lúc nào đó có thể trở thành một phạm trù triết học! Khoảng cách giữa cái "hiện đại" của Hen-rích Lau-bơ toát ra từ các xa-lông quý tộc và chỉ thể hiện trong hình tượng của một cậu công tử bột nào đó, với cái "khoa học hiện đại" trong nhan đề cuốn sách "Giáo lý" của Stơ-rau-xơ, quả là cả một trời một vực! Mặc dù tất cả những điều đó, ông A.I-ung vẫn coi cái tên sách ấy là một bằng chứng nói lên rằng Stơ-rau-xơ thừa nhận quyền lực của cái "hiện đại", cụ thể là cái "hiện đại" của nhóm "Nước Đức trẻ", đối với ông ta, thế là ông I-ung liền nhập cục Stơ-rau-xơ và nhóm "văn học trẻ" làm một. Cuối cùng ông ta quy định khái niệm "hiện đại" là tính độc lập của chủ thể đối với bất cứ quyền uy thuần túy bề ngoài nào. Chúng ta đã biết từ lâu rằng cái nguyện vọng muốn đi tới đó là nhân tố cơ bản của sự vận động hiện nay, và không ai phủ nhận rằng những tín đồ của cái "hiện đại" cũng đang tham gia vào sự vận động đó; nhưng ở đây sự vô lý của những cố gắng của ông I-ung nhất định làm cho bộ phận trở thành tổng thể, coi thời kỳ quá độ đã qua như là thời kỳ phồn thịnh, - sự vô lý của những cố gắng ấy lại thể hiện ra hết sức nổi bật. Các bạn thấy không, bằng bất cứ giá nào cũng cần phải làm cho "Nước Đức trẻ" trở thành đại biểu của toàn bộ tinh thần thời đại, và nhân thể cũng dành cho Hê-ghen một chỗ đứng thích đáng. Chúng ta thấy rằng, ông I-ung cho đến nay vẫn ở trong trạng thái phân đôi: bên góc này, trái tim ông ta ôm ấp Hê-ghen; bên góc kia, trái tim ông ta ôm ấp "Nước Đức trẻ". Bây giờ, khi biên soạn những bài giảng này, ông ta buộc lòng phải nối liền cả hai. Một nhiệm vụ khó thay! Tay trái vỗ về triết học, tay phải quay lại vỗ về cái phi triết học nông cạn, hào nhoáng bề ngoài, và quả thật như đạo Cơ Đốc nói, tay trái làm gì, tay phải cũng không biết. Làm thế nào thoát ra khỏi tình trạng đó? Lẽ ra phải thành thật từ bỏ một trong hai khuynh hướng không thể dung hòa với nhau, thì ông ta đã quay phắt trở lại rút ra cái phi triết học từ trong triết học.
Nhằm mục đích ấy, ba mươi trang giấy được dành để nói về Hê-ghen đáng thương hại. ông ta đã tuôn ra hàng tràng những lời mơ hồ có tính chất hoa mỹ, khoa trương, lên trên nấm mồ của con người vĩ đại ấy; sau đó ông I-ung cố sức chứng minh rằng đặc điểm cơ bản của hệ thống Hê-ghen là sự khẳng định của chủ thể tự do đối lập với tha luật của tính khách quan cố thủ. Nhưng chẳng cần phải là một người đặc biệt am hiểu Hê-ghen cũng có thể biết rằng Hê-ghen còn đứng ở một mức cao hơn rất nhiều, khi đi theo cái quan điểm về sự dung hòa của chủ thể với những lực lượng khách quan, rằng Hê-ghen hết sức coi trọng tính khách quan, đặt hiện thực, cái đang tồn tại, cao hơn rất nhiều so với lý tính chủ quan của cá nhân, và chính ông đã đòi cá nhân phải thừa nhận hiện thực khách quan là hợp lý. Hê-ghen không phải là một nhà tiên tri về tự luật chủ quan như ông I-ung tưởng, một thứ tự luật chủ quan biểu hiện ra dưới hình thức sự tùy tiện ở phái "Nước Đức trẻ". Nguyên tắc của Hê-ghen cũng là tha luật, cũng là chủ thể phục tùng lý tính phổ biến, và đôi khi thậm chí còn phục tùng cả phi lý tính phổ biến nữa, như trong triết học tôn giáo chẳng hạn. Cái mà Hê-ghen coi khinh nhất là lý trí, mà lý trí thì chẳng qua cũng chỉ là lý tính cố định lại trong tính chủ quan và tính cá thể của mình. Về điểm này, chắc có lẽ ông I-ung sẽ phản đối tôi và nói rằng người ta đã không hiểu ý của ông ta, rằng ông ta chỉ nói đến quyền uy thuần túy bên ngoài, và ông ta cũng chỉ muốn nhận thấy ở Hê-ghen sự dung hòa cả hai mặt, và cá thể "hiện đại", theo ông ta, chỉ mong muốn thấy mình bị quy định bởi "sự thâm nhập bản thân vào tính hợp lý của khách thể" mà thôi; - nhưng như thế thì tôi xin ông đừng nhập cục Hê-ghen và phái Hê-ghen trẻ làm một, vì thực chất của phái Hê-ghen trẻ chính là sự tùy tiện chủ quan, là ý ngông, là sự kỳ dị, còn "cá thể hiện đại" sẽ chỉ là một cách nói khác để chỉ phần tử phái Hê-ghen mà thôi. Với sự rối rắm vô cùng tận như vậy, ông I-ung nhất định sẽ tìm cái "hiện đại" ngay trong lòng trường phái Hê-ghen, và khi đó chắc chắn sẽ thấy rằng phái tả của trường phái Hê-ghen tốt hơn cả là kết nghĩa với phái Hê-ghen trẻ.
Cuối cùng, ông bàn sang văn học "hiện đại" và bắt đầu hết lời ca tụng và tâng bốc. ở đây không một ai là không làm ra được một điều hay ho nào đó, không một ai là không đại biểu cho một sự kiệt xuất nào đó, không một ai là không đem lại cho nền văn học một thành tựu nào đó. Những lời khen ngợi vô cùng tận này, những cố gắng vô ích có tính chất dung hòa này, sự say mê đóng vai mối lái và con buôn văn học, khiến cho người ta không thể chịu đựng nổi. Một tác giả nào đó có một chút tài năng, đôi khi cũng sáng tác ra một tác phẩm nhỏ mọn nào đó, thì điều đó có liên quan gì tới văn học, nếu như nói chung anh ta là một người vô dụng, nếu như toàn bộ khuynh hướng của anh ta, diện mạo văn học của anh ta, toàn bộ sáng tác của anh ta đều chẳng đáng giá gì cả? Trong văn học, giá trị của bất kỳ một người nào cũng không phải ở tự bản thân họ, mà chỉ ở trong mối quan hệ qua lại giữa họ với toàn thể. Nếu như tôi theo cái phương pháp phê bình như thế, thì tôi sẽ phải có một thái độ rộng lượng hơn đối với bản thân ông I-ung, bởi vì có thể là trong cuốn sách đó có dăm trang viết không tồi lắm và có bộc lộ một tài năng nào đó. - Với một sự dễ dãi hết sức, thậm chí với một vẻ quan trọng nào đó, ông I-ung thốt ra một đống suy luận kỳ cục. Chẳng hạn, khi dẫn những lời phê phán gay gắt đối với Puých-clơ, ông ta tỏ ra rất thích thú về chỗ sự phê phán ấy " phán quyết mà không cần để ý đến con người và chức tước. Điều đó thật sự chứng tỏ tính độc lập bên trong rất cao của sự phê phán ở nước Đức". Coi đó là một công lao vĩ đại như thế của dân tộc Đức, thì ông I-ung coi khinh dân tộc Đức biết bao nhiêu! Làm như thể là phải có một sự dũng cảm phi thường thì mới có thể phê phán tác phẩm của một vị vương công nào đó!
Chúng ta sẽ không bàn đến câu chuyện nhảm nhí ấy nữa, cái câu chuyện nhảm nhí đang có tham vọng trở thành lịch sử văn học, và ngoài sự rỗng tuếch và thiếu mạch lạc bên trong, còn đầy rẫy những lỗ hổng to tướng; ví dụ, trong đó không nói đến những nhà thơ trữ tình như: Gruyn, Le-nau, Phrai-li-grát, Héc-vếch; không nói đến những nhà soạn kịch như: Mô-den và Clai-nơ v.v.. Cuối cùng, tác giả lại quay về chính cái chủ đề đã lôi cuốn ông ta ngay từ đầu, tức là quay về nhóm "Nước Đức trẻ" được tôn thờ của ông ta, đối với ông nó là một biểu hiện hoàn chỉnh của cái "hiện đại". ông ta bắt đầu từ Bớc-nơ. Thực ra thì ảnh hưởng của Bớc-nơ đối với nhóm "Nước Đức trẻ" không lớn đến như thế, Mun-tơ và Quy-nơ gọi Bớc-nơ là thằng điên, đối với Lau-bơ thì Bớc-nơ quá dân chủ, quá kiên quyết, chỉ đối với Gút-xcốp và Vin-bác thì Bớc-nơ mới có ảnh hưởng lâu hơn. Đặc biệt là Gút-xcốp nhờ Bớc-nơ rất nhiều. ảnh hưởng lớn nhất của Bớc-nơ chính là ở sự tác động không trông thấy của ông đối với dân tộc, một dân tộc đã gìn giữ tác phẩm của ông như là vật thánh và đã tìm được trong đó sức mạnh và sự ủng hộ trong thời kỳ tối tăm 1832-1840, khi mà những đứa con chân chính của tác giả "Những bức thư gửi từ Pa-ri" 134 chưa ra đời, mà đại diện là phái tự do mới, triết học. Nếu như không có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của Bớc-nơ thì khuynh hướng tự do, bắt nguồn từ trường phái Hê-ghen, sẽ được hình thành khó hơn nhiều lắm. Nhưng bây giờ tất cả chỉ quy lại là dọn sạch những con đường tư tưởng đầy rác rưởi giữa Hê-ghen và Bớc-nơ, mà việc đó thì cũng chẳng khó khăn gì cho lắm. Hai người này đứng gần nhau hơn là người ta tưởng. Tính chất tự nhiên, quan điểm lành mạnh của Bớc-nơ là mặt thực tiễn của những gì mà Hê-ghen muốn nói đến, ít ra cũng là về mặt lý luận. Cố nhiên, ông I-ung cũng không thấy được điều đó. Thực ra, đối với ông ta, Bớc-nơ ở một mức độ nào đó là một nhân vật đáng tôn kính, thậm chí là một nhân vật có cá tính là cái rất quý trong những trường hợp nhất định, ông ta có những công lao không thể nào chối cãi được, đại loại cũng giống như những công lao của Vác-ha-ghen và Puých-clơ, đặc biệt là ông đã viết những bài phê bình kịch rất hay, nhưng ông ta là một con người cuồng nhiệt và là một kẻ theo chủ nghĩa khủng bố, mà đối với một con người như thế thì lạy Chúa, hãy cứu chúng con khỏi con người đó! Thật nhục nhã thay cho cái quan niệm vô vị, tầm thường như thế về một con người đã trở thành kẻ đại diện cho tinh thần của thời đại mình, chỉ nhờ riêng có niềm tin của mình! Cái ông I-ung muốn dùng khái niệm tuyệt đối để tạo ra "Nước Đức trẻ" và thậm chí cả cá tính của Gút-xcốp nữa, thì không thể nào hiểu nổi một tính cách đơn giản như Bớc-nơ; ông ta không thấy rằng ngay cả những suy luận cực đoan nhất, cấp tiến nhất, cũng toát ra một cách tất yếu, một cách nhất quán, từ bản chất sâu kín nhất của Bớc-nơ, rằng theo bản tính của mình Bớc-nơ là một người thuộc phái cộng hòa và đối với một người cộng hòa thì "Những bức thư từ Pa-ri" được viết quả thật không phải là quá gay gắt. Hay là ông I-ung chưa bao giờ nghe thấy người Thụy Sĩ hoặc người Bắc Mỹ nói về nhà nước quân chủ? Có ai chê trách ông Bớc-nơ rằng ông "chỉ xem xét cuộc sống dưới giác độ chính trị"? Phải chăng Hê-ghen cũng không làm như thế? Phải chăng đối với Hê-ghen khi chuyển qua lĩnh vực lịch sử thế giới, do đó trong chính sách đối nội và đối ngoại, nhà nước lại không phải là hiện thực cụ thể của tinh thần tuyệt đối? Và với cái quan điểm tự nhiên, ngây thơ đó của Bớc-nơ - quan điểm được bổ sung bằng những quan điểm rộng rãi hơn của Hê-ghen và thường thường nhất trí một cách hết sức kỳ lạ với những quan điểm này - ông I-ung, thật là nực cười, cứ vẫn cho rằng Bớc-nơ dường như đã "phác họa cho mình một hệ thống chính trị và hạnh phúc của các dân tộc", một bức tranh hão huyền trừu tượng, nói lên tính phiến diện và tính cực đoan của ông ta mà thôi! ông I-ung chẳng hiểu gì cả về tác dụng của Bớc-nơ, về tính cách cứng rắn, bất khuất của ông, về sức mạnh ý chí đáng khâm phục của ông: và sở dĩ như vậy là vì bản thân ông I-ung là một con người nhỏ nhen, mềm yếu, không tự chủ, xu phụ. ông ta không biết rằng với tư cách là một con người, về mặt nào đó, Bớc-nơ là một hiện tượng có một không hai trong lịch sử nước Đức; ông ta không biết rằng Bớc-nơ là người giương cao ngọn cờ tự do của Đức, là một bậc trượng phu duy nhất ở nước Đức hồi bấy giờ; ông ta không hình dung được rằng vùng lên chống lại bốn mươi triệu người Đức và trịnh trọng tuyên tố vương quốc ý niệm là có ý nghĩa như thế nào; ông ta không hiểu rằng Bớc-nơ là Giăng Ba-ti-xtơ của thời đại mới đang thuyết giáo cho những người Đức tự mãn về việc sám hối và báo cho họ biết rằng búa đang vung lên trên rễ cây và một người hết sức hùng mạnh sắp xuất hiện, người ấy sẽ rửa tội bằng lửa và sẽ quét sạch mọi thứ cỏ dại một cách không thương xót. Cũng cần phải liệt ông I-ung vào những thứ cỏ dại ấy. Cuối cùng, ông I-ung cũng ngoi được tới nhóm "Nước Đức trẻ" thân thiết của mình, và để mở đầu ông ta đưa ra những lời bình phẩm khả dĩ chịu được, nhưng quá tỉ mỉ, về Hai-nơ. Sau đó, lần lượt đến những người khác: trước tiên là Lau-bơ, Mun-tơ, Quy-nơ rồi đến Vin-bác là người được đánh giá theo đúng công lao và cuối cùng, dành gần năm mươi trang giấy để nói về Gút-xcốp. Đối với ba người đầu, thì vẫn ca tụng như thường lệ theo lối juste-milieu, hoan nghênh rất nhiều và chỉ trích rất vừa phải; đối với Vin-bác thì thích thú ra mặt, nhưng cũng chỉ dành cho ông này có bốn trang giấy, và cuối cùng, với một thái độ xu phụ vô sỉ, đề cao Gút-xcốp thành người đại diện của cái "hiện đại", hình tượng của tác giả này được cấu tạo theo sơ đồ khái niệm của Hê-ghen, và ông ta được đánh giá như là một nhân vật hạng nhất.
Nếu như một tác giả trẻ vừa mới bước vào văn đàn mà phát biểu những suy luận như vậy thì còn có thể chịu được. Bởi vì có kẻ nào đó, trong một khoảng thời gian nào đó, đã gửi gắm niềm hy vọng vào nhóm "văn học trẻ" và vì tính đến tương lai mà đã đánh giá tác phẩm của nhóm đó một cách rộng lượng hơn so với việc đánh giá trong những trường hợp khác theo đúng niềm tin nội tâm của mình. Đặc biệt là kẻ nào, trong ý thức của chính mình, đã mô tả lại những giai đoạn phát triển gần đây của tinh thần Giéc-manh, thì trong một lúc nào đó, chắc cũng đã có thiện cảm đặc biệt đối với những tác phẩm của Mun-tơ, của Lau-bơ hay của Gút-xcốp. Nhưng kể từ khi phong trào văn học đã kiên quyết tiến lên phía trước, khiến môn phái này rớt lại đằng sau rất xa, thì sự rỗng tuếch của phần đông những phần tử "Nước Đức trẻ" lại bộc lộ ra rõ rệt đến kinh khủng.
Nhóm "Nước Đức trẻ" đã dứt ra khỏi cái trạng thái không rõ ràng của thời kỳ sóng gió này, nhưng bản thân nó vẫn bị cầm tù trong trạng thái không rõ ràng đó. Những tư tưởng, lúc bấy giờ lởn vởn trong đầu óc con người ta dưới một hình thức lờ mờ và chưa phát triển và sau này chỉ nhờ triết học mới có thể nhận thức được, đã bị nhóm "Nước Đức trẻ" dùng làm trò chơi của trí tưởng tượng. Điều đó giải thích tính chất không rõ ràng, rối rắm của những khái niệm chiếm ưu thế ngay trong bản thân nhóm "Nước Đức trẻ". Gút-xcốp và Vin-bác biết rõ hơn những người khác là họ muốn gì, Lau-bơ thì biết ít hơn cả. Mun-tơ đuổi theo những ảo tưởng xã hội; Quy-nơ - còn để lộ một cái gì đó của Hê-ghen - thì vạch sơ đồ và phân loại. Nhưng với tình trạng tư tưởng mơ hồ phổ biến như vậy thì không thể nào có được một cái gì nên thân cả. Tư tưởng về quyền hạn đầy đủ của cơ sở cảm tính được hiểu, theo gương của Hai-nơ, một cách thô lỗ và nhạt nhẽo; những nguyên tắc chính trị tự do chủ nghĩa thì ở mỗi người một khác, và địa vị của phụ nữ đã cung cấp cái cớ cho những cuộc tranh cãi vô bổ nhất và rối rắm nhất. Không ai biết mình mong đợi ở người khác những gì. Cần phải coi những biện pháp mà các chính phủ đã dùng để đối phó với những người ấy, cũng là một hiện tượng lộn xộn phổ biến của thời kỳ đó. Cái hình thức kỳ quái mà những quan điểm ấy được truyền bá, chỉ có thể góp phần làm tăng thêm tình trạng lộn xộn ấy. Do sự hào nhoáng bề ngoài của những tác phẩm của mình, do văn phong sắc sảo, hấp dẫn và sinh động, do cái vẻ thần bí huyền ảo phủ lên những khẩu hiệu chủ yếu, cũng như do việc khôi phục phê bình và do sự sinh động trở lại của các tạp chí văn học dưới ảnh hưởng của họ, nên chẳng bao lâu những phần tử "Nước Đức trẻ" đã lôi cuốn được rất đông nhà văn trẻ, và qua một thời gian ngắn, mỗi người trong bọn họ, trừ Vin-bác, đều đã hình thành nên đội tùy tòng của mình. Nền văn học tầm thường, già cỗi, đã phải rút lui trước sự tấn công của những lực lượng trẻ, và cánh "văn học trẻ" đã chiếm lĩnh địa bàn giành được và phân chia với nhau địa bàn ấy, - và đã tan rã trong khi phân chia địa bàn ấy. Tính chất vô căn cứ của nguyên tắc đã bộc lộ ra như vậy đó. Té ra là tất cả mọi người đều đã hiểu lầm nhau. Các nguyên tắc biến mất đi, toàn bộ vấn đề chỉ quy lại thành vấn đề cá nhân, Gút-xcốp hay là Mun-tơ - vấn đề đặt ra là như thế. Các tạp chí bắt đầu đầy rẫy những lời dèm pha của các phe cánh, những vụ tính sổ lẫn nhau và những cuộc tranh cãi trống rỗng.
Thắng lợi dễ dàng đã khiến cho những người trẻ tuổi trở nên kiêu căng và hiếu danh. Họ tự coi mình là những nhân vật tiêu biểu của lịch sử toàn thế giới. Hễ nơi nào xuất hiện một nhà văn mới, thì bọn họ lập tức chĩa súng vào ngực người đó và đòi phải khuất phục vô điều kiện. Mỗi người đều có tham vọng đóng vai trò một vị thần độc nhất về văn học. Ngoài ta ra, không được có vị thần nào khác, nghe chưa! Chỉ cần không tán thành một chút là có thể gây nên một mối hằn thù không đội trời chung. Như vậy, phái này đã mất hết mọi nội dung tư tưởng mà một dạo nào đó nó còn có và suy sụp tới mức chỉ còn toàn là những chuyện cãi vã, những chuyện cãi vã đó lên tới tột đỉnh trong cuốn sách của Hai-nơ viết về Bớc-nơ 135 và đi tới chỗ dung tục phát ngấy. Người cao thượng nhất trong một số cá biệt, không còn nghi ngờ gì nữa, là Vin-bác, - một con người trọn vẹn, kiên cường, tựa như một bức tượng đúc bằng một khối kim loại sáng loáng không một chút han rỉ nào. Gút-xcốp là một người sáng suốt nhất, thông minh nhất; ông viết nhiều hơn hết và, bên cạnh Vin-bác, đã biểu lộ những bằng chứng rõ ràng nhất về phương thức tư tưởng của mình. Song, nếu như ông muốn cứ vẫn tiếp tục hoạt động sáng tác kịch, thì ông ta vẫn phải chăm lo đến việc lựa chọn tài liệu tư tưởng tốt hơn và phong phú hơn so với trước kia, và xuất phát không phải từ cái "hiện đại", mà từ tinh thần chân chính của thời đại chúng ta. Chúng ta đòi hỏi một nội dung tư tưởng lớn hơn so với nội dung tư tưởng mà người ta có thể tìm thấy trong những câu nói mang màu sắc tự do chủ nghĩa của Pát-cun hoặc trong tính nhạy cảm dịu dàng của Véc-ne 136. Tài năng lớn của Gút-xcốp là gì? - Là viết văn chính luận; ông là một nhà báo bẩm sinh; nhưng ông chỉ có thể đứng vững trên vị trí đó bằng một phương tiện: nếu ông nắm vững được những quan điểm triết học mới nhất về tôn giáo và nhà nước, và đem tạp chí "Telegraph" của mình - mà theo người ta nói thì ông định phục hồi lại - hoàn toàn phục vụ cho sự vận động vĩ đại của thời đại. Còn nếu ông cứ để cho những bài tập văn học có tính chất đáng nghi chiếm một vị trí ưu thế trong tạp chí, thì số phận của tạp chí ấy sẽ giống như những tạp chí văn học mà người ta có thể nói là những tạp chí chẳng ra đầu cua tai nheo gì cả, chỉ toàn đăng những chuyện nhạt nhẽo vô vị, họa hoằn mới có người lật ra xem, và nói chung về nội dung - cũng như trước mắt công chúng - thì sa sút hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây. Thời đại của những tạp chí ấy đã qua rồi, chúng đang dần dần bị nuốt chửng bởi những tờ báo chính trị, những tờ báo hoàn toàn có thể địch được với một số ít báo chí đang xuất hiện trong lĩnh vực văn học.
Có thể nói rằng, với tất cả những nhược điểm của mình, ông Lau-bơ tuy vậy vẫn còn lôi cuốn được độc giả trên một chừng mực nào đó, nhưng lối viết lách lộn xộn vô nguyên tắc của ông - nay viết tiểu thuyết, mai viết lịch sử văn học, ngày kia viết phê bình, kịch bản v.v., - tính hiếu danh và sự dung tục của ông làm cho ông không thể tiến lên được. Tinh thần tự do ở ông ta cũng ít ỏi như là ở Quy-nơ. "Những khuynh hướng" của nhóm "văn học trẻ" quá cố đã bị quên mất từ lâu, hai ông này hoàn toàn bị say đắm trong những hứng thú văn học trống rỗng, trừu tượng. Trái lại, ở Hai-nơ và Mun-tơ thì sự bàng quan đã trở thành sự phản bội công khai. Cuốn sách của Hai-nơ viết về Bớc-nơ là một cuốn sách không xứng đáng nhất khi nào đấy được viết bằng tiếng Đức; những trước tác gần đây nhất của Mun-tơ trong "Pilot" đang xóa sạch những dấu vết tôn kính cuối cùng trong con mắt của dân tộc đối với tác giả cuốn "Đức mẹ". ở đây, tại Béc-lin, người ta hiểu quá rõ rằng Mun-tơ muốn đạt tới điều gì với cái giá tự làm nhục mình như vậy: đó là cái chức giáo sư; cái lòng trung với vua bỗng dưng tràn ngập tâm hồn ông Mun-tơ ấy khiến cho người ta càng thêm ghê tởm. Mặc cho ông Mun-tơ và cả người kỵ sĩ theo hầu ông ta là Ph.Ra-đơ-ven cứ tiếp tục tuyên bố nền triết học mới nhất là đáng nghi ngờ, cứ tiếp tục bám rịt lấy cái phương sách cuối cùng là sự mặc khải của Sê-linh và cứ tiếp tục đem mình ra làm trò cười cho cả nước bằng những ý đồ vô nghĩa muốn tạo ra một thứ triết học riêng. Triết học tự do có thể cứ bình thản nhìn sự ra đời của những tác phẩm triết học có tính chất học trò của họ, mà chẳng phê phán gì những tác phẩm đó, - bởi vì bản thân họ đang rạn nứt tứ tung. Tất cả những gì mang tên ông Mun-tơ, cũng giống như những tác phẩm của Lê-ô, đều được đóng cái dấu của sự phản bội. Có thể là Mun-tơ chẳng bao lâu nữa sẽ kiếm được một kẻ bầy tôi mới là ông I-ung; ông I-ung sẵn sàng làm việc đó, như chúng ta đã thấy và chúng ta sẽ còn thấy về sau này.
Tạp chí Deutsche Jahrbücher số 162 Ngày 9/7/1842
Sau khi giải quyết được mục đích thực sự đã đề ra trong các bài giảng của mình, cuối cùng ông I-ung có một nguyện vọng không sao kìm hãm được là muốn lại trở thành cái trò cười cho cả nước. Từ Gút-xcốp ông ta bình luận sang Đa-vít Stơ-rau-xơ và gán cho ông này một công lao xuất sắc, công lao ấy dường như ở chỗ ông này đã kết hợp trong con người của ông ta "những kết luận của Hê-ghen và của Slai-ơ-ma-khơ với phong cách hiện đại" ( đó chẳng phải là mẫu mực của phong cách hiện đại sao?), nhưng đồng thời ông I-ung cũng xót xa than vãn về sự phủ định kinh khủng, vĩnh viễn. Đâu đâu cũng là phủ định và phủ định! Những nhà thực chứng luận đáng thương hại và những kỵ sĩ juste-milieu nhìn thấy làn sóng phủ định mỗi ngày một dâng cao; họ bám chặt vào nhau và kêu gọi một sự khẳng định nào đó. Vậy là một vị A-lếch-xan-đơ I-ung nào đó tỏ ra đau buồn về sự vận động vĩnh cửu của lịch sử thế giới, gọi tiến bộ là phủ định và cuối cùng ông đã biến thành một nhà tiên tri giả, báo tin "sự ra đời vĩ đại của cái thực chứng"; được miêu tả trước bằng những lời lẽ khoa trương nhất, sự ra đời ấy phải trở thành lưỡi kiếm thần đâm chết Stơ-rau-xơ, Phoi-ơ-bắc và đồng đảng của họ. Trong "Literatur-Blatt" của mình, ông cũng báo trước là vị chúa cứu thế "thực chứng" mới sắp xuống trần. Liệu còn có thể có cái gì phi triết học hơn là sự bất bình lộ liễu như thế, sự bất mãn công khai như thế đối với cái hiện tồn hay không? Liệu còn có thể tỏ ra nhu nhược hơn và bất lực hơn là ông I-ung hay không? Liệu còn có thể tưởng tượng ra điều gì hoang đường hơn - trừ triết học kinh viện Sê-linh mới - so với cái lòng tin ngoan đạo ấy về "đấng cứu thế thực chứng", hay không? Liệu có khi nào có một sự rối rắm lớn hơn, và tiếc thay, lan tràn hơn, so với cái tình trạng rối rắm hiện đang thống trị đối với những khái niệm "khẳng định và phủ định", hay không? Chỉ cần chịu khó xem xét kỹ càng hơn một chút sự phủ định đang bị bôi nhọ thậm tệ, cũng thấy rõ rằng sự phủ định ấy về thực chất là hoàn toàn tích cực. Cố nhiên, đối với những ai tuyên bố cái lý tính, tức tư tưởng, không phải là cái khẳng định, bởi vì tư tưởng không đứng yên một chỗ mà đang vận động, đối với những ai mà tinh thần yếu đuối, tựa như cây dây leo bò trên một đám đổ nát lâu đời, cần phải có sự thực thì mới có thể đứng vững được, - đối với những người như vậy, cố nhiên bất cứ sự tiến bộ nào cũng đều là phủ định cả. Còn trên thực tế thì trong sự phát triển của nó, tư tưởng là cái duy nhất vĩnh cửu và khẳng định, còn mặt thực tế, bề ngoài, của cái đang diễn ra chính là cái phủ định, cái đang mất đi và cần phải phê phán.
"Ai sẽ ban cho chúng ta cái kho tàng vô tận đang ẩn giấu ngay bên cạnh chúng ta ấy?" - ông I-ung tiếp tục nói với một sự cảm hứng ngày càng cao. Phải, ai sẽ là chúa cứu thế có thể dẫn dắt những linh hồn yếu đuối ngả nghiêng ra khỏi vực thẳm của phủ định, ra khỏi đêm tối mịt mù của tuyệt vọng, đến một đất nước tràn trề sữa và mật ong?
"Chẳng phải là Sê-linh đó sao?... Chúng ta gửi gắm những niềm hy vọng vĩ đại thiêng liêng vào Sê-linh, vì ông đã sống cô đơn lâu như vậy, chính vì ông đã phát hiện ra cái ngai vàng của sự yên tĩnh ở ngọn nguồn của tư duy và của sáng tạo, cái ngai vàng vạn năng làm cho thời gian không còn là thời gian nữa" v.v..
Môn đồ này của Hê-ghen nói như vậy đó! Tiếp nữa ("Konigsberger Literatur-Blatt", số 4):
"Chúng ta trông mong ở Sê-linh hết sức nhiều. Chúng ta hy vọng rằng Sê-linh sẽ đi qua lịch sử với cái bó đuốc soi rọi ánh sáng mới, chưa từng thấy, mà trước kia ông đã cầm để đi qua giới tự nhiên" v.v..
Sau đó, trong số 7, lại ca ngợi vị thần lạ Sê-linh. Triết học của thần thoại và khải thị được xây dựng như là một cái gì tất yếu, và ông I-ung cảm thấy rất sung sướng trong việc ý thức rằng, ngay từ xa ông đã có thể nhìn bằng con mắt phấn khởi con đường tư tưởng của Sê-linh, của Sê-linh vĩ đại. Cái ông I-ung này quả là không có cá tính về mặt tinh thần và luôn luôn bị lôi cuốn theo một kẻ nào đó, đến nỗi chỉ thỏa mãn trong việc mù quáng sùng bái một người khác nào đó, trong việc phục tùng quyền uy của người khác. ở ông ta, ngay đến một chút tính độc lập cũng không có; chỉ cần lấy đi của ông cái chỗ dựa mà ông đang bám vào, là ông sẽ ngã lòng và tuôn những dòng lệ đau buồn. Ngay cả trước cái mà ông chưa biết, ông cũng rạp mình quỳ lạy nó, và mặc dù đã có những tài liệu khá chính xác về triết học của Sê-linh và về nội dung đặc thù của những bài giảng của Sê-linh ngay trước khi ông này trình bày ở Béc-lin, nhưng ông I-ung vẫn cảm thấy không còn gì sung sướng hơn là ngồi lạy dưới chân Sê-linh. ông không biết Sê-linh đã bình luận về Hê-ghen ra sao trong lời tựa viết cho cuốn sách của Cu-danh 137, hay nói cho đúng hơn, ông biết rất rõ điều đó, nhưng là một phần tử Hê-ghen, ông ta vẫn cả gan sùng bái Sê-linh, ông vẫn dám nhắc đến tên của Hê-ghen sau khi có những hành vi như vậy và viện dẫn Hê-ghen chống lại những quan điểm mới nhất! Và để hoàn thành sự tự làm nhục mình, trong số 13, ông lại một lần nữa thành kính rạp mình trước mặt Sê-linh, tán tụng hết lời bằng một giọng hân hoan và kính phục vô hạn bài giảng thứ nhất của Sê-linh. Quả vậy, ông coi đây là một khẳng định cho tất cả những gì về Sê-linh mà ông
"không những giả định, mà còn biết rõ - tức là sự thấu hiểu, khi thì mới lạ một cách kỳ diệu, khi thì hoàn thiện về mặt hình thức, tất cả những yếu tố khoa học, nghệ thuật và luân lý, một sự thấu hiểu có thể, trong sự kết hợp thế giới cổ đại và thế giới Cơ Đốc như vậy, nâng con người rất nổi tiếng ấy lên cái chức vị đạo sĩ tối cao và khải thị khắc hẳn của ông, mà đạo sĩ cấp dưới và người phàm tục không sao hình dung được ". Cố nhiên, có một số người hư hỏng tới mức "do ghen ghét mà thậm chí phủ nhận cả sự vĩ đại biểu lộ ra ở đây trước tất cả mọi người dưới một hình thức thuần túy và rõ ràng như ánh sáng mặt trời". "Tất cả sự vĩ đại của Sê-linh, sự hơn hẳn của ông so với tất cả những gì chỉ là tinh hoa của những học thuyết phiến diện, đang sáng chói trước mắt chúng ta trong bài giảng đầu tiên này"... "Ai có thể bắt đầu như thế, thì người đó phải tiếp tục một cách mạnh mẽ, phải hoàn thành như một kẻ chiến thắng, và nếu tất cả những người ấy chỉ thấy mệt mỏi, rút lui, không quen bay lên như vậy, và không ai còn có thể theo dõi và hiểu rõ điều mà ông - một người đã cảm hứng từ xa xưa - nói, thì ông nên biết rằng, u hồn của một kẻ ngang vai vế với ông, một kẻ trung thành nhất, ưu tú nhất trong số bầu bạn của ông, đang lắng nghe ông: u hồn của cụ già Hê-ghen đang lắng nghe ông! "
ông I-ung muốn nói gì khi chuyển lên giấy sự nhiệt tình trừu tượng này, những lời mê sảng lãng mạn này! Vị "đạo sĩ" khiêm tốn của chúng ta cũng chẳng ngờ đến điều mà ít ra ở đây, tại Béc-lin, ai ai cũng đã biết trước rồi hoặc đã có thể giả định một cách chắc chắn. "Khải thị" mà vị "đạo sĩ tối cao" ấy thuyết giáo cho chúng ta là thuộc loại nào, "sự vĩ đại", "sứ mệnh phát hiện cái cao nhất cho nhân loại" và "sự bay lên mạnh mẽ" là gì. "Sê-linh hoàn thành với tư cách là một kẻ chiến thắng" ra sao, - về những điều đó thì hiện nay cả thế giới đều biết cả rồi. Trong cuốn sách nhỏ "Sê-linh và khải thị" 138 - ở đây tôi tự nhận là tác giả cuốn sách đó, - tôi đã trình bày một cách hoàn toàn khách quan nội dung của khải thị mới đó. Mong ông I-ung hãy căn cứ vào tài liệu của cuốn sách nhỏ đó mà chứng minh rằng những hy vọng của ông ta đã được thực hiện rồi, hay ít ra, mong ông hãy biểu lộ sự chân thành và lòng dũng cảm, bằng cách thừa nhận sự lầm lạc xuất sắc của mình đi.
Không muốn nói đến việc phê phán Xin-xphin-đơ mà ông I-ung đưa ra để kết thúc cuốn sách của mình, bởi vì như thế tôi cũng đã đi khác xa khỏi lĩnh vực văn học rồi, - cuối cùng tôi còn muốn đề cập tới một vài đoạn trong tờ "Konigsberger Literatur-Blatt", để vạch ra, cũng ở đây, cái phong cách ủy mị và sự khoa trương vô vị của ông I-ung. Ngay trong số đầu ông ta đã nói đến - thực ra thì có mức độ - cuốn "Bản chất đạo Cơ Đốc" của Phoi-ơ-bắc; trong số 2 ông công kích, tuy vẫn còn kiêng nể, học thuyết phủ định của "Jahrbucher"; trong số 3 ông ca ngợi Héc-bác như trước kia đã ca ngợi Sê-linh; trong số 4 lại ca ngợi cả hai người đó và ngoài ra còn phản đối phái cấp tiến; trong số 8 bắt đầu phê bình dài dòng cuốn sách của Phoi-ơ-bắc, và phái juste-milieu nửa vời ra sức chứng minh rằng mình hơn hẳn phái cấp tiến triệt để. Những lý lẽ có sức thuyết phục nào được nêu ra ở đây? Phoi-ơ-bắc - ông I-ung nói - sẽ hoàn toàn đúng nếu trái đất là cả vũ trụ; xét theo quan điểm trái đất thì toàn bộ trước tác của ông rất hay, có sức thuyết phục, rất tuyệt vời, không thể bác bỏ; nhưng xét theo quan điểm vũ trụ, thế giới, thì trước tác ấy của ông ta chẳng đáng gì cả. Lý luận như thế đấy! Làm như thể là trên cung trăng hai lần hai là năm, làm như thể là trên sao Kim các hòn đá cũng chạy được như động vật, còn trên mặt trời thì cây cối cũng nói được! Làm như thể là ở ngoài giới hạn khí quyển của trái đất thì bắt đầu có một thứ lý tính đặc thù mới, và trí tuệ được đo bằng khoảng cách từ mặt trời! Làm như thể là tự ý thức mà trái đất đạt tới thông qua loài người, không trở thành ý thức thế giới trong cái khoảnh khắc mà nó nhận thức vị trí của mình với tư cách là một yếu tố của ý thức thế giới ấy! Làm như thể là sự bác bẻ ấy không phải chỉ là cái cớ để đẩy câu trả lời khó chịu đối với câu hỏi cũ kỹ, tới tính vô hạn xấu xa của không gian! Cái câu nói mà ông I-ung lén lút đưa vào trong những luận cứ chủ yếu của mình: "lý tính vượt khỏi giới hạn của mọi tính quy định thuần túy hình cầu", nghe chẳng ngây ngô hiếm có đó sao? Một khi ông đã thừa nhận theo quan điểm trái đất tính nhất quán và tính hợp lý của luận điểm đang tranh cãi, thì làm sao ông lại có thể phân biệt quan điểm trái đất ấy với quan điểm "vũ trụ"? Song, đối với một nhà ảo tưởng và một người mơ mộng như ông I-ung, mà lạc hướng trong cái tính vô hạn xấu xa ấy của bầu trời đầy sao, nghĩ ra đủ thứ giả thiết kỳ dị và đủ điều bịa đặt lạ lùng về những sinh vật biết suy nghĩ, biết yêu thương, biết ảo tưởng ở trên những thiên thể khác, thì quả hoàn toàn xứng đáng. Cũng đáng nực cười khi ông ta cảnh cáo người ta chớ có lên án một cách vô điều kiện và nông nổi Phoi-ơ-bắc và Stơ-rau-xơ là theo chủ nghĩa vô thần và phủ định tuyệt đối sự bất diệt. ông I-ung không thấy rằng những người đó không có tham vọng đứng trên một quan điểm nào khác cả. Tiếp nữa, trong số 12, ông I-ung đã đe dọa chúng ta bằng cách nổi giận, trong số 26 thì ca tụng Lê-ô, vì tài năng rõ ràng của ông này mà hoàn toàn quên mất phương thức tư tưởng của ông ta và tô điểm cho phương thức tư tưởng đó; và những điều nói về Ru-gơ cũng rõ ràng không đúng như khi nói về Lê-ô. Số 29 phụ họa theo sự phê phán rỗng tuếch của Hin-rích đối với "Tiếng kèn của ngày phán xét cuối cùng" trong "Niên giám Béc-lin" và phản đối phái tả kiên quyết hơn nữa; số 35 đăng toàn bộ một bài dài và kinh khủng nói về Ph.Ba-đơ, ngoài ra còn coi cái chủ nghĩa thần bí mộng du và phi triết học của ông ta là một công lao; cuối cùng, số 36 than phiền về "cuộc luận chiến bất hạnh", nói một cách khác, rõ ràng là than phiền về bài báo của ê.May-en trong tờ "Rheinische Zeitung", trong đó ông ta - kể cũng kỳ lạ - có một lần đã nói hết sự thật với ông I-ung. ông I-ung bị chìm đắm trong một đám sương mù, trong một cuộc sống hư ảo, đến mức ông ta tưởng rằng dường như ông ta là "bạn chiến đấu" của chúng tôi, là "người bảo vệ những tư tưởng giống nhau"; ông ta nghĩ rằng "mặc dù có sự bất đồng ý kiến" giữa ông ta và chúng tôi, nhưng "sự đồng nhất về nguyên tắc và mục đích vẫn không thể lay chuyển được". Cần hy vọng là bây giờ ông ta đã hiểu ra rằng chúng tôi không muốn và không thể kết nghĩa với ông ta được. Những động vật lưỡng thê đáng thương và những con người hai lòng ấy không dùng được cho cuộc đấu tranh mà người ta đã bắt đầu và chỉ có thể tiếp tục với những con người có tính tình kiên quyết. Cũng trong bài báo này, ông ta còn bôi nhọ mình ở chỗ ông ta dông dài nói một cách hết sức tầm thường về sự độc tài văn học của phái tự do và bảo vệ tự do của mình. Cứ để cho ông ta hưởng tự do ấy đi - có thể cứ bình thản để cho ông ta tán nhảm cho đến ngày tận thế. Nhưng xin ông cho phép chúng tôi tỏ lòng biết ơn ông về sự ủng hộ của ông, và cho phép chúng tôi nói với ông một cách thành thật và cởi mở rằng chúng tôi coi ông là hạng người như thế nào. Bằng không, ông sẽ là một tên độc tài văn học, mà muốn làm một tên độc tài văn học thì có lẽ ông ta lại quá mềm yếu. Cũng tờ báo ấy đã kết thúc một cách xứng đáng bằng lời kêu gào giúp đỡ ông ta chống lại "tiếng kêu ích kỷ, hư không của kẻ trong cơn điên cuồng của mình, muốn đề tự ý thức lên hàng thần thánh", - và tờ "Konigsberger Literatur-Blatt" thậm chí dám nhắc lại những lời kêu gọi kinh khủng ấy: "Đả đảo đạo Cơ Đốc, đả đảo sự bất diệt, đả đảo Thượng đế!!" Nhưng tờ báo lại tự an ủi mình về chỗ "những kẻ đào huyệt đã đứng sẵn bên cửa nhà để chực mang đi những cái thây ma im lìm của những kẻ hiện còn đang vui sướng một cách vô tư lự". Do đó, lại một lời kêu gọi bất lực nữa đối với tương lai!
Những số báo sau này của ông I-ung thì tôi còn chưa được thấy. Nhưng tôi thiết nghĩ, một số lý lẽ nêu lên trên đây cũng đủ để chứng giải việc đuổi ông I-ung ra khỏi doanh trại của những phần tử kiên quyết và của những phần tử "tự do"; bây giờ thì bản thân ông ta cũng có thể thấy ông ta đã bị buộc tội gì rồi. Tôi xin nêu thêm một nhận xét này nữa. Không nghi ngờ gì nữa, ông I-ung là một nhà văn ươn hèn nhất, bất lực nhất, rối rắm nhất của nước Đức. Do đâu mà có tất cả những điều đó, do đâu mà có cái hình thức giáo huấn đâu đâu cũng được ông ta đem ra phô trương? Có thể, điều đó gắn với việc ông I-ung trước kia đã được giáo huấn ex officio như người ta nói chăng?
--------------
Tác giả: Ph.Ăng-ghen 
Ngày viết: Vào khoảng 15 tháng Sáu 1842 
Xuất bản:
Ký tên: Phri-đrích ô-xvan-đơ

Xem Tiếp: ----