Cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản diễn ra dưới nhiều hình thức. Nhìn lại sự phát triển về lý luận của chủ nghĩa xã hội trong 150 năm qua, chúng ta có thể quy sự phản đối mang tính xã hội chủ nghĩa đối với chủ nghĩa tư bản thành bốn loại. Loại thứ nhất, bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx, cho rằng các hình thức của đời sống kinh tế và xã hội chỉ mang tính lịch sử và do đó chủ nghĩa xã hội là kết quả tất yếu của những quy luật không thể đảo ngược. Những người theo quan điểm này không bận tâm nhiều lắm với vấn đề tính toán. Trật tự tư bản chủ nghĩa sẽ để lại một thế giới sung túc nên thế giới xã hội chủ nghĩa mới trong tương lai không cần tới lý thuyết kinh tế vì lúc ấy không còn sự khan hiếm. [11] Thực vậy, những cư dân của nó thậm chí sẽ không còn lòng ham muốn vô hạn độ nữa vì đó chỉ là một đặc tính riêng có của con người tư bản chủ nghĩa. Đặc điểm này của con người được coi là chỉ mang tính tạm thời trong một giai đoạn lịch sử nhất định, chứ không phải là một chân lý phổ biến đối với loài người. Phê phán mang tính xã hội chủ nghĩa thứ hai về chủ nghĩa tư bản thực chất là sự triển khai khía cạnh vừa nhắc đến trên kia của chủ nghĩa xã hội lịch sử. Theo quan điểm này, người tiêu dùng không phải là những tác nhân chủ động tự do quyết định nhu cầu của họ, trái lại, họ là những nạn nhân "tự nguyện" của hệ thống sản xuất, cái quyết định nhu cầu của họ. Tự do xã hội chủ nghĩa thực thụ chỉ tồn tại khi con người thoát khỏi những ham muốn có tính chất tự huỷ hoại chính bản thân họ. Quan điểm này thể hiện rõ trong cuộc tấn công của Galbraith [12] vào vai trò của những nhà quảng cáo và các tập đoàn "vô trách nhiệm". Điều này được thể hiện dưới một hình thức cuồng loạn (hysterical) hơn trong những tác phẩm của Marcuse [13]. Một lần nữa, người ta cho rằng không có vấn đề tính toán nghiêm trọng nào cần phải giải quyết bởi vì một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có thể dễ dàng tạo ra một năng lực sản xuất đủ để thoả mãn mọi nhu cầu chủ động thực sự. Nhưng ngay cả ở đây, sự thoả mãn những nhu cầu thiết yếu nhất cũng đòi hỏi một số kỹ thuật sản xuất hợp lý nào đó; một điểm được nhấn mạnh trong các phê phán của chủ nghĩa xã hội. Phê phán mang tính xã hội chủ nghĩa thứ ba ít chú trọng hơn đến những tính toán siêu hình trên và tập trung nhiều hơn đến sự phân phối thu nhập và của cải bất công hiển hiện trong xã hội vận hành theo thị trường tư bản chủ nghĩa. Học thuyết này liên hệ đến những khái niệm quen thuộc về công bằng và bình đẳng xã hội, và đề cao điều này như là những tiêu chí đạo đức ngoại biên (external) để đánh giá sự vận hành của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Hiển nhiên là ở đây tồn tại vấn đề tính toán, bởi vì nếu nhu cầu được coi là chủ động và mục tiêu của hoạt động kinh tế là làm thoả mãn những nhu cầu đó, thì vẫn tồn tại một vấn đề cực kỳ hệ trọng, đó là liệu chủ nghĩa bình quân có thể không mang tính phá hoại to lớn đối với năng lực sản xuất của một nền kinh tế, mà những thành quả của nó đòi hòi sự mất mát ròng trong việc thoả mãn nhu cầu thậm chí của cả những người đã bị làm cho nghèo đi, hay không. [14] Trên thực tế, theo quan điểm này, không có một lý thuyết sản xuất nghiêm túc nào cả. Sự chống đối mang tính xã hội chủ nghĩa thứ tư tập trung mạnh mẽ vào vấn đề hiệu quả nằm ẩn sau những phê phán trên. Một lần nữa, nhu cầu của người tiêu dùng được xem như những nhân tố quyết định đầu ra, nhưng vấn đề là liệu các hệ thống tư bản chủ nghĩa truyền thống, với những đặc tính như độc quyền, hiệu suất tăng theo quy mô và các hình thức "quyền lực" thị trường khác, có thể gặt hái được những mục tiêu đã được thiết lập một cách nội sinh hay không? Nói cách khác, người ta cho rằng một hệ thống sản xuất kế hoạch hoá tập trung (và thuộc sở hữu công), có thể đem lại những cải thiện về tính hiệu quả, và loại trừ những mất mát phúc lợi bắt nguồn từ những khuyết điểm nêu trên của các hệ thống thị trường hiện thời, đồng thời vẫn duy trì được sự lựa chọn của cá nhân trong tiêu dùng và chiếm hữu. Quan điểm trên chính là quan điểm về chủ nghĩa tân cổ điển chính thống của các nhà xã hội chủ nghĩa "thị trường" được đề cập trên kia, những người xây dựng hệ thống của họ từ lý thuyết cân bằng tổng quát. Tuy nhiên, phần nhiều cảm hứng của các lý thuyết gia kinh tế của chủ nghĩa xã hội, như Lange, Lerner, Taylor và Dickinson [15], bắt nguồn từ niềm tin của họ, rằng sự bất bình đẳng về của cải và sự phân định nguồn lực là những sai sót vốn có và có khả năng chỉnh sửa mà không phá hoại những đặc điểm về tính hiệu quả của một hệ thống kinh tế. Những "bất công" này không bị chống đối xét theo bất cứ một nghĩa triết học sâu xa nào: giả định ẩn ở đây là những bất công ấy chỉ đơn thuần là sự tuỳ tiện (arbitrary). Do đó, có một sợi chỉ xuyên suốt không thể tiệt trừ được của chủ nghĩa duy lý trong lý thuyết kinh tế của chủ nghĩa xã hội, dẫn tới một giả định không được đưa ra luận bàn, là quyền sở hữu có thể được tráo đi đổi lại một cách vô hạn và vì thế tạo nên một điểm tối ưu mong muốn nào đó. Chính loại phê phán cuối cùng này trong bốn loại phê phán trên có liên quan nhiều nhất đến cuộc tranh luận về tính khả thi của một xã hội xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cả ba quan điểm trước cũng sẽ vẫn được xem xét ở một mức độ nhất định trong những lý giải của tôi về cuộc tranh luận cũng như cách tôi suy diễn những gì sẽ diễn ra sau đó. Cuộc tranh luận về tính toán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử tư tưởng kinh tế và xã hội vì trong cuộc tranh luận đó, những người tham chiến chính dường như cùng thao tác trên những khái niệm quen thuộc về tính duy lý, về "con người cá thể" (‘person’), và về bản chất của vấn đề kinh tế. Vào năm 1920, Mises đã thiết lập cương giới cho cuộc tranh luận khi nói rằng việc chạy trốn sang lĩnh vực siêu hình học, tại đó các vấn đề về sự tồn tại tối hậu được đặt lên trên vấn đề phân bổ nguồn lực khan hiếm, là không thể được. Như Hayek đã viết một cách súc tích khi nhìn nhận lại Cuộc tranh luận: "Do đó, vấn đề kinh tế phát sinh ngay khi những mục đích khác nhau phải cạnh tranh với nhau vì các nguồn lực hiện có." [16] Vì vậy, không có một mục đích nào được phép có vị thế siêu hình học cao hơn các mục đích khác.