Anh quay người, cất tiếng chào rõ to, thậm chí cố gắng đặt những bước chân quả quyết trên nền đất trước hiên, còn ngoái lại nói vọng vào nhà những câu dặn dò nghiêm túc, đủ cho mọi căn phòng của khu tập thể giáo viên hiểu rằng anh đã về. Nhưng lúc vừa cất bước ra khỏi cổng, khuất lấp bởi rặng tràm hoa vàng, thì anh liền dừng lại. Vờ vạch quần làm một động tác đi giải, anh vừa lặng lẽ quan sát vẻ động tĩnh của ngôi nhà. Và khi khẳng định mọi cái trở nên yên ắng, an toàn, và căn phòng cô nàng tắt điện, lòng anh nhói lên, hồi hộp quay lại. Mười đầu ngón chân của một thời là lính trinh sát đặt nhẹ và êm, nương theo bóng tối nhạt nhoà của giậu mướp đắng. Giây sau, anh đã như một chiếc lá rơi nghiêng lên mặt thềm, vừa đưa tay ẩy nhẹ cánh cửa khép hờ. Cánh cửa âm thầm chốt lại sau lưng khi bóng anh chỉ như một ngọn gió thoảng mỏng lách vào phòng. Run rẩy và cẩn trọng, anh cố giữ bình tĩnh mọi thao tác trong bóng tối.Và khi vắt vội bộ quần áo vừa cởi lên thành ghế tựa như mọi lần, anh đã cảm thấy những hơi thở nóng hổi nồng nàn phả vào bả vai. Anh quay lại, và trong bóng tối đen đặc, quờ tay gặp thân thể không dính một mảnh vải của cô nàng đợi sẵn. Hai người xoắn riết lấy nhau. Lát sau, anh bế cái thân hình múp máp, mềm nhũn như đã chết đặt nhẹ lên giường, nơi hình như cô nàng có vẩy ít nước hoa…Những cuộc tình vụng trộm thế này, từ lâu với anh không còn lạ nữa; nó chẳng phải là nhu cầu của một tình yêu đắm đuối, say mê và hạnh phúc, đó chỉ là thói quen xác thịt xuất phát từ một nhu cầu vị kỷ của sự trả thù, của nỗi hận đời, một mối hận sâu kín, lặng câm và nặng nề đeo đẳng mãi không thôi…Bây giờ, thằng con của anh, đúng hơn là thằng con của vợ anh, càng ngày càng lộ rõ dấu vết hình hài của ông ấy, đến nỗi không tài chị chịu được.Có phải cuộc đời vốn kỳ cục, kênh kiệu, và vô lý vậy không. Đến nỗi, đôi khi, anh nghĩ mình như một thứ đồ chơi trong tay kẻ khác. Khi anh từ mặt trận về, còn tươi nguyên những dự định, những ước ao của người vừa học xong đại học, ông Phán đã giội ngay những gáo nước lạnh lẽo lên đầu, lúc anh cầm quyết định về Trường sư phạm của ông công tác. “Hừm”! cụt tay cụt chân cũng không, mắt mũi đui mù cũng không…”, cái nhìn của ông bằng đôi mắt săm soi qua khe hẹp giữa vầng trán rướn nhăn xếp lớp với cái kính lão già nua, gãy gọng một bên được thay bằng sợi chỉ buộc vòng qua tai trễ xuống tận sống mũi, cứ lướt trên người anh từ đầu đến chân, rồi từ chân lên đầu ngầm bảo “Không đui què mẻ sứt gì, sao gọi là thương binh? Hừm, hẳn là một gã “cu chuồn” được ai che chở đây!”, ánh mắt nghi hoặc, cẩn trọng của ông căn ke trên từng dòng hồ sơ của anh, lại nói thế.Cuối cùng, sau khi đã cật vấn xét nét anh trên mọi phương diện, ông Phán cất giọng khàn khàn, khẽ đặc xái thuốc:- Hèm! Bây giờ tôi tạm bố trí anh về chỗ tổ giáo viên toán. Anh phải cố gắng đi dự giờ, rút kinh nghiệm một thời gian.Lúc đó, anh hoàn toàn không lường hết được cái nội dung thực chất hàm chứa trong quyết định này của ông Phán. Cũng phải thôi. Anh, một sinh viên vừa buông bút sau bài thi tốt nghiệp cuối cùng, đã khoác vội áo lính đi thẳng vào chiến trường. Và sau vài lần sốt điêu đứng và dự dăm ba trận đánh chưa rõ mặt địch, đã bị thương. Người ta lôi anh từ dưới hố B52 bầm dập và tứa máu: vội chuyển anh ra Bắc.Và lần đầu tiên trong đời, hăm hở cầm quyết định bước vào nghề dạy học, nghề mà anh say mê, quý trọng và được đào tạo đến nơi đến chốn. Bởi thế, lúc đó với nghề, anh là tên lính mới tò te, nào đã biết mô tê chi các ngóc ngách của đời sống nhà trường, mà hiểu nổi dụng tâm của ông Phán? Mãi ba năm ròng rã, anh mới thấm thía sự ngu ngơ của mình trong việc chấp hành quyết định “đi dự giờ, rút kinh nghiệm một thời gian” đó của ông. Nghĩa là, trong ba năm đó, trừ những lúc sốt lăn sốt lóc, người ta coi anh như là người chưa có việc làm, đúng hơn là một thứ nhân lực dự phòng cho mọi thứ công việc đột xuất thường xảy ra không tên không tuổi ở một nhà trường. Xếp hàng mua gạo, thịt, bổ củi tập đoàn, dọn phòng thí nghiệm, đánh kẻng báo giờ… vân vân và vân vân.Cho đến lúc, trong anh kỳ hết mọi ước mơ, mọi ý nguyện trở thành giáo viên giỏi mà anh hằng ngưỡng vọng, ôm ấp từ ngày làm đơn thi vào ngành; đến nỗi, những trang tích luỹ dày công, những đề cương nghiên cứu lâu dài, trước kia anh quý như vàng, giờ đây đã trở nên vô vị, vô nghĩa hết sức, nằm đóng bụi nhện chăng ở xó góc, chỉ còn mỗi tác dụng duy nhất là giúp anh nhóm lên ngọn lửa đủ luộc chín hai phần lon gạo cho hai bữa ăn của người độc thân trong mỗi ngày chủ nhật không có tập đoàn.Thế mà sự cay cực vẫn chưa buông tha. Có một lần, có lẽ do thiếu người, người ta cho anh đi coi thi, một kỳ thi có giá trị nội bộ. Lúc đó trường còn ở nơi sơ tán của mười năm trước, trên một vùng đồi hoang dại đầy sim mua và lá đuôi chồn. Trước ốc vẫn là những dãy nhà tranh, bàn ghế là những thân cây đẽo bằng rựa rìu nham nhở vội vàng. Hẳn nhiên, không đủ bàn ghế cho giáo viên; trong vòng năm mươi phút của một tiết giảng, giáo viên phải đứng. Nhưng anh, con người chưa được một giờ đứng lớp, không thể có thói quen đứng liền ba giờ của mỗi buổi thi. Anh mệt rã rời, chân nặng trĩu, cột sống cứng đờ, buộc phải tìm chỗ gập người một tí. Và anh bẻ một nắm sim ngay cửa lớp, lót lên mặt luỹ chắn bom xưa kia, tựa người nửa ngồi nửa đứng lên đấy.Bây giờ thì anh tin rằng, trong những tháng năm đó, dù ở xó xỉnh nào, đôi mắt ông Phán vẫn theo dõi anh. Đúng cái thời khắc con người đỡ mỏi đôi chút do thay đổi tư thế, thì ông Phán đi ngang, đôi mắt sâu ẩn dưới hai vệt lông mày rậm và thô trên khuôn mặt xương sạm, khắc khổ đã như một tia chớp liếc xéo qua người anh.Buổi trưa, anh được lệnh đến phòng hiệu trưởng. Vừa thấy bóng anh ở ngưỡng cửa, ông đã “phang” té tát: Rằng đồ tư tưởng tiểu tư sản, không chịu rèn luyện gian khổ, rằng hành động của anh là cố ý bôi nhọ chế độ, nhà trường, rằng đất nước còn nghèo, vừa ra khỏi chiến tranh, chuyện không có bàn ghế là thường tình, sao hàng bao nhiêu con người không ai bẻ lá xuống đất như anh? Rằng các anh bây giờ được thế này là sướng nhất hạng, chứ hồi tôi đi dân công chống Pháp, phải hái lá rừng làm bát, bẻ cây rừng làm đũa, đêm xúm quanh mo cơm không đèn đóm, có khi gắp thức ăn mà gắp phải đất sỏi, nào ai kêu ca chi mô? Vừa nói, một bàn tay của ông ngửa ra, khum lại làm bát và bàn tay kia đưa ra hai ngón tay tượng trưng cho đôi đũa, rồi và không khí vào miệng để mô tả cho bữa cơm giữa rừng đêm cách đây ba mươi năm. Lúc đó, anh thấy đôi mắt ông như bốc lửa, khuôn mặt sắt lại, tái nhợt và thấy rõ cả những chiếc răng giả, rung rung như chực văng ra khỏi miệng cùng những tia nước bọt.Thế là, từ đó ước muốn được làm một giáo viên đứng lớp bình thường cũng trở nên xa vời, trở nên tăm tối và vô vọng, nói chi đến chuyện trở thành giáo viên giỏi? Bất kỳ cuộc họp lớn nhỏ nào, anh cũng được ông Phán nhắc ra như một kẻ chậm tiến, một gã cá biệt, đến nỗi chính anh cũng nghi ngờ lẫn mình và bỗng thấy mình là gánh nặng đến mệt mỏi của cái tập thể này.Không ai lường được mọi chuyện xảy ra sau này. Chính ông Phán đã dụng tâm đẩy anh vào ngõ cụt, giết chết mọi ước mơ, lại cũng chính ông Phán, bất ngờ chìa bàn tay ân nhân mở cho anh một đại lộ, tâng bốc anh tận mây xanh, khoác lên người anh những hào quang loá mắt…Cơn sốt rừng trở lại với anh dày hơn, thậm chí có quãng nó đến hàng ngày như cơm bữa. Những lúc như thế, bạn bè phải đắp chồng lên người anh hai ba lớp chăn bông, và một thanh niên to khoẻ nữa nằm sấp, đè chẹn lên mình anh cho đến khi cơn sốt dịu xuống.Thảo là người phụ nữ hiếm hoi của tổ anh, nàng trầm lặng dịu dàng và dễ mến. Nàng không rực rỡ, hấp dẫn người ta ngay lập tức, nhưng lại ẩn giấu một vẻ đẹp khoẻ khoắn, thâm trầm. Với làn da nâu sáng, mịn bóng và thân hình thon rỏi, mọi công việc vào tay nàng trôi chảy như không. Trên gương mặt mỏng manh nhẹ nhõm thường biểu lọ những nét gắng gượng của sự khuôn phép gương mẫu trong lối sống của mình. Anh cho rằng đó là do cương vị mới của Thảo, người đảng viên duy nhất của tổ, vừa mới được kết nạp tháng trước, có bổn phận coi sóc dìu dắt phần hồn của mấy anh chàng lông bông này.Bây giờ nhớ lại, anh thấy đó là một buổi chiều đáng nguyền rủa, một buổi chiều chó chết, đã âm thầm đẩy cuộc đời anh vào cảnh “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt!”. Thường thì chủ nhật nào chí ít cũng có vài anh chàng ở lại. Quái quỷ xui khiến thế nào, hôm ấy chỉ còn lại mỗi mình anh và Thảo. Bởi chỉ còn hai người nên Thảo nhận việc thổi cơm luôn giúp anh. Rủi là anh lên cơn sốt ngay tại phòng nàng, trong khi ngồi đợi cơm, tò mò ngắm gian phòng con gái bày biện ngăn nắp, đẹp đẽ với tấm ri đô hoa nền nã che chỗ ngủ với bàn làm việc bên ngoài, và mặt tường dán đầy ảnh những cô bé, cậu bé khôi ngô, bụ bẫm cắt từ hoạ báo nào đó ra. Thảo không còn cách nào khác là dìu anh lên giường, đắp cho anh tấm chăn bông và úp mình đè ghì lên người anh, như mọi lần thấy các anh chàng trong tổ vẫn làm, để vật lộn cùng cơn sốt đang nghiêng ngửa đất trời.Cho đến bây giờ, anh không biết gì cụ thể, không nhớ gì cụ thể nữa. Phải! Hình như không có cái ranh giới ấy, cái ranh giới giữa cơn sốt điên đảo với cơn cuồng nhiệt bạo liệt sau đó. Bởi chúng chỉ cách nhau có một lần chăn bông! Mà thực ra, cái chăn bông ấy cũng tuột đi đâu từ lúc nào. Anh chỉ còn nhớ mang máng là lúc đó, bàn tay thô ráp, tái xạm của anh nắm phải bàn tay mảnh dẻ, mềm mại của nàng, đôi môi khô khát nứt nẻ của anh bắt gặp đôi môi đẫm ướt, dịu ngọt của nàng; và cả thân hình hạn hán, háo nước của anh tan biến trong cái bao la mát mẻ và thanh xuân của nàng… Ngoài ra, anh không còn biết một cái gì khác, kể cả việc ông Phán đẩy cửa bước vào lúc nào. Anh chỉ thực sự tỉnh lại nhờ một linh tính nào đó lay thức. Khi đó, trên bộ mặt khắc khổ, thiểu não của ông Phán có những nét rất khó tả, vừa giễu mỉa, tinh ranh ác độc, vừa thoáng một nét cười thoả mãn của kẻ vừa lập được “chiến tích”. Nghe nói ông là chúa trong việc rình bắt các vụ hủ hoá và nhận định bọn học sinh gái có thai.Lúc đó, hai người chỉ kịp kéo hai góc cái chăn bông bấy giờ bị lăn xuống đất, che lên nửa mình. Anh thì hết sức hốt hoảng, lo lắng cho Thảo. Nhưng anh thấy rõ là nàng ngồi im, đầu cúi xuống, mái tóc dày và dài thường đánh thành hai lọn buông trước ngực, giờ sổ tung, tựa hồ có một chiếc khăn đen phủ lên người khiến anh không nhìn rõ được sắc mặt của nàng.Ông Phán lạnh lùng chìa cho anh tờ biên bản, mà giờ nhớ lại, hình như nó đã được đánh máy sẵn theo mẫu, chỉ việc điền tên đương sự là xong. Anh ký vào chỗ của mình như một cái máy và ngơ ngác không biết nên xử sự thế nào. Cho đến khi ông Phán sắp bước ra, anh bỗng líu giọng, lắp bắp van xin:- Chúng tôi… yêu nhau. Tôi… yêu cô ấy… lâu rồi. Anh thông cảm… bỏ qua cho…Ông Phán nhìn lên mái nhà, nháy nháy đôi mắt sâu hoắm và cười rung cả những chiếc răng giả, tưởng như ông rất thông cảm cho sự lầm lỡ, vụng dại do bồng bột của hai con người tuổi trẻ yêu nhau.Ông Phán đi khuất rồi, quay lại anh nhận ra Thảo khóc. Nàng khóc tức tưởi, đôi vai trần khẽ rung lên từng đợt nhỏ. Nàng khóc như thế rất lâu, khiến anh bồn chồn xót xa. Lúc đó anh ngỡ mình hiểu được những giọt nước mắt khổ tâm ấy.Và anh chợt thấy mình thô bỉ, đểu cáng hết sức, nhơ nhuốc hết sức. Anh vò đầu, bứt tai tự phỉ nhổ mình, đay nghiến nhiếc móc mình đã đẩy nàng vào chỗ mất mát, đẩy một cô gái, một đảng viên trong trắng vào chỗ hoen ố. Anh bỗng thấy thương nàng, một tình thương của kẻ “trót nhúng chàm”, và sẵn lòng làm hết thẩy để phẩm chất chính trị của nàng được toàn vẹn.Nhưng sau này, khi mọi sự trong anh vỡ lẽ, anh lờ mờ nhận ra rằng, Thảo khóc không phải vì thế. Có lẽ nàng khóc vì sự đồng bóng, sự vô nghĩa của những ảo vọng mà nàng bị huyễn hoặc và phải đổi bằng sự trinh trắng con gái để vươn tới, nhưng khi đạt được rồi, chợt thấy thần tượng của mình sụp đổ như một thứ bong bóng xà phòng? Cũng có thể nàng khóc vì thương hại anh, thương hại một anh chàng tốt bụng, ngu ngơ và dại dột trước cạm bẫy của trò đời? Hay nàng khóc vì quá vui sướng khi biết chắc mình tai qua nạn khỏi; đó là nước mắt của kẻ chết đuối vớ được cọc?Sớm hôm sau, anh được mời lên phòng hiệu trưởng. Khác với một trận sấm sét bổ xuống đầu và một kỷ luật nghiệt ngã buộc anh thôi việc, đồng thời Thảo bị khai trừ ra khỏi Đảng như anh tưởng tượng, ông Phán nhũn nhặn mời anh ngồi, rót nước mời anh uống, rồi đưa giấy bút cho anh, bảo thuật lại “quá trình yêu nhau” của hai người. Anh cảm động và bốc lên phóng to những cảm mến thường ngày của mình với Thảo, khao khát mong sao nhờ nó mà giảm nhẹ kỷ luật cho nàng.Khi đã khoá chắc chắn tờ “kiểm điểm” có tính tự thuật của anh vào tủ hồ sơ bằng sắt, ông Phán hạ giọng:- Tôi là tôi tâm lý lắm. Trai chưa vợ, gái chưa chồng yêu nhau, tìm hiểu nhau, cái “sự ấy” đôi khi xảy ra là thường tình, có gì mà kỷ luật với kỷ liếc!Ông dừng lại cười hà hà, khuôn mặt dúm dó như khóc, những chiếc răng giả rung rung, như sắp rơi ra. Cuối cùng, giọng ông hạ thêm nữa:- Miễn là… anh chị cưới nhau.- Dạ, chúng em đội ơn anh suốt đời ạ!Anh nói nhanh, sung sướng nhiệt thành đến suýt nữa hôn lên bàn tay gầy gò đen đúa, vàng xỉn khói thuốc của ông khi ông đưa tay cho anh bắt lần cuối. Và khi sắp bước đi, anh còn bị ông kéo lại, đặt tay lên vai và thì thầm vào tai rất thân tình:- Này, “lấy vợ thì cưới liền tay”, ông bà xưa chẳng bảo thế là gì? Hả? Ha ha ha… Cưới đi! Mai cả hai lên đây, tôi cho giấy mà đi đăng ký, nghe? Ha ha ha…Ông nói, cười và bỗ bã vỗ lên vai anh cái vỗ đầy yêu thương, sắp xếp lo toan của bậc cha chú trước tương lai con cháu, khiến anh mừng hú, chân bước trên đường bằng mà cứ lâng lâng như bay trên mây…Đám cưới đầm ấm và tưng bừng. Những anh chàng “đực rựa” của tổ anh cứ nhẩy lên như con choi choi, nhường hết tiêu chuẩn trà thuốc cung cấp cả quý cho đám cưới của anh. Thuở ấy không có “cuốc lủi” đâu, nhà nước cấm tiệt, chỉ có rượu dâu, rượu sim của nhà máy rượu Bồng Lai sơ tán, cất ủ trong những cái chum sành to tướng, sóng sánh màu hổ phách, uống vào tiếng cười nào, ánh mắt nào cũng chung chiêng, lung liêng… ông Phán vui vẻ hơn cả, uống hàng bát “bê năm hai”, miệng luôn khen ngợi anh và Thảo hết sức đẹp đôi, rằng anh rất tốt số.Đúng là anh tốt số. Sau ngày cưới, anh không những không bị kỷ luật thôi việc, hay đầy đi làm tạp vụ như anh lo sợ, mà ngược lại, anh được bố trí giảng dạy ngay, điều mà anh mong ước đến cháy bỏng ruột gan hàng chục năm nay. Thảo cũng vậy, nàng chẳng bị ai cật vấn, xét nét gì.Anh hoàn toàn mãn nguyện, hạnh phúc khi thấy Thảo sắm sửa, lo xa những thứ cần thiết cho phụ nữ sinh nở. Có lẽ nàng cũng thế. Chỉ nỗi là, đôi khi anh bắt gặp nàng có vẻ như sực tỉnh bàng hoàng, thảng thốt một nỗi buồn lặng lẽ. Và điều đó càng khiến anh tỏ rõ sự âu yếm chiều chuộng nàng hơn nữa, mong thời gian bù đắp phần thiếu hụt tình yêu chưa có trước đây của hai người. Đã không ít cặp thành vợ thành chồng rồi mới thành tình yêu đôi lứa đó sao?Nhưng anh không ngờ chính thời gian đã phản bội anh, chính thời gian đã làm cho cái hạnh phúc non nớt mà anh vun vén, chăm chút đã tan vỡ không phương cứu chữa. Bởi thời gian không mang trong nó trái tim người. Thời gian lạnh lùng, vô tâm và nghiệt ngã. Thời gian phũ phàng, tàn nhẫn, cứ ngày, giờ, phút, giây, năm tháng răm rắp biến hoa thành quả, không xê dịch.Phải. Bất chấp cả sự lo lắng kín đáo của nàng, thời gian đã làm một quả bom nổ không thành tiếng, và cuối cùng, găm một mảnh vỡ không cách chi mổ phẫu được, lặn đâu đó trong ngực trái anh.Một đêm, đang khuya, anh chợt nghe mơ hồ trong giấc ngủ tiếng Thảo rên nhè nhẹ. Anh mở mắt và bắt gặp nàng đang ôm bụng co quắp, mồ hôi vã ra. Anh và bạn bè vội võng nàng lên trạm xá trường cấp cứu, ai cũng nghĩ đến nàng bị động thai. Nhưng ông y sĩ trạm trưởng, to lớn và thô giáp như một gã lực điền, xem qua và lạnh lùng bảo: “Phải chuyển lên tuyến trên gấp, ở đây không có phương tiện”. Khi đó anh em ai cũng hoảng hốt vì nghĩ đến một căn bệnh hiểm nghèo nào đó, vội ba chân bốn cẳng thay nhau võng nàng vượt mấy quả đồi đất sỏi và mấy quãng khe lầy lội sau mùa mưa, kịp đến bệnh viện khi gà vừa gáy sáng.Người ta đưa nàng vào phòng sản phụ. Và lát sau, cùng với mặt trời đỏ ối, như một cái mâm lửa, đội rặng cát nhô lên từ phía biển, hắt những tia vàng chói rực rỡ đầu tiên lên hành lang và những bức tường trắng, là tiếng oa oa non nớt của mầm sống chào đời. Cô y tá trực đêm ló khuôn mặt tái nhợt, đôi mắt thâm quầng sáng lên, nói hớn hở cái điều mà cô nghĩ là anh hẳn sướng phát điên lên: “Con trai! Con trai” rồi biến mất, để lại anh hoá đá… Mấy thằng bạn vô tư vô tâm, quên hết mệt nhọc, cứ ôm lấy anh mà lay mà đấm, mà thụi, mà nhảy tưng bừng, mà cười ha hả, mắng yêu: “Thằng khỉ, tẩm ngẩm mà đấm chết voi! Chúng ông chịu mày đấy”. Anh cười mếu máo, nắm miến cưỡng những bàn tay chúc mừng của họ trong sự ngọt ngào của quả bồ hòn chẹn ngang họng: Vợ anh đã sinh con chưa đầy năm tháng, tính cả cái buổi chiều “chết tiệt” ấy.Một cuộc chiến tranh lạnh không tuyên bố và không hạn định đã xảy ra giữa hai người. Nói của đáng tội, giai đoạn đầu, khi Thảo còn trong kỳ “nằm bếp”, anh đã cố xử sự để nàng hoàn toàn yên tâm. Bởi sâu xa, anh sợ một cơn hậu sản có thể gây nguy hại đến tính mạng nàng. Anh vồn vã, chầm vập cả mẹ lẫn con như không hề có chuyện gì xảy ra.Nhưng, một lần, có lẽ chính sự chăm sóc vồ vập ấy khiến Thảo nhạy cảm được ý nghĩ của anh, hay chính nàng thấy kéo dài việc xưng tội với anh là có lỗi lớn trước con người độ lượng quá đỗi, đã khẽ khàng nói trong nước mắt và hoảng hốt nhìn đứa con đỏ hỏn như sợ nó nghe thấy: “Xin anh tha tội… Em có lỗi lớn với anh… Nhưng mà… em thương anh, em yêu anh!…”. Anh nhìn sắc mặt tái nhợt vì mất máu khi sinh nở, vẻ yếu đuối dại khờ khi van xin của nàng, và nhìn cái thân thể trứng nước, tím tái như con chuột con của thằng bé, nói át đi. “Bậy nào! Cá ai vào ao ta là cá ta, phải không cún con?”. Anh nói nựng và áp môi vờ hôn lên vừng trán nhỏ xíu đầy lông tơ của thằng bé, để tâm nàng dịu lại. Lúc đó anh hoàn toàn không ngờ rằng nó là “tác phẩm” của ông ấy…Song, mọi gắng gượng, mọi bù đắp âm thầm của Thảo đều trở nên vô hiệu, vô nghĩa. Nàng thực sự yêu anh, thương con, nhưng không sao gắn bó được hai người. Và đặc biệt không sao tẩy rửa được ám ảnh khủng khiếp vì nỗi dại dột đem sự trinh trắng thiêng liêng của thân con gái dâng cho quỷ ác, để đổi lấy danh vọng hão huyền.Con anh, từ khi lấy vợ, đúng hơn là từ cái buổi sáng tờ “kiểm điểm” của anh được khoá vào tủ sắt, được ông Phán đối xử như người tâm phúc, ông biểu dương, ca ngợi anh mọi nơi mọi lúc, như một điển hình mẫu mực về “chí tiến thủ cách mạng”. Rồi anh nhanh chóng được cử làm tổ trưởng chuyên môn, được đề nghị cho đi học một lớp chính trị dài hạn, chuẩn bị cho đội ngũ “kế cận”… và được bao nhiêu thứ khác. Đến nỗi anh ngỡ đấy là sự thật, là chính sức vóc của anh. Và anh thầm cám ơn người ân nhân già nọ đã có lúc phát hiện ra đúng tài năng của con người anh. Có lẽ vinh quang đạt được không chút mồ hôi và mang nặng hàm ơn ấy, đã khiến anh tự nhu nhược mình, mềm yếu để ém giữ tình yêu và hạnh phúc mong manh ấy.Anh và Thảo, cả hai tiếp tục tự dối mình và cùng dối mọi người trước tình yêu và hạnh phúc gia đình, để rồi suốt mười lăm năm trời cùng nhau sống cô độc dưới một mái nhà, trên một cái giường chật hẹp. Cuộc hôn nhân đã trở nên một cuộc góp gạo thổi cơm chung lâu dài và tẻ nhạt. Đêm đêm, anh chủ động quay mặt đi một hướng khác, và thức đến khuya một mình. Thực ra, mọi chuyện hoàn toàn không hẳn như thế. Anh thừa biết sau này, nghĩa là sau ngày có nhau, Thảo rất yêu anh. Nhưng anh, với mặc cảm của kẻ bị lừa gạt, bị đánh bẫy, anh sẵn lòng dang tay trừng phạt. Đêm, nàng thở dài âm thầm, và nén khóc. Đôi khi trong khuya vắng, nàng cũng kín đáo, vờ ngủ say vô tình xoay người quàng tay qua ngực anh, ôm lấy người anh như là mê ngủ. Anh đã tỉnh táo, tôn trọng cơn “mê ngủ” ấy của nàng, khẽ khàng lần gỡ cánh tay đang ôm ấp ngực mình và lặng lẽ dịch người ra một chút. Người ta mời Thảo báo cáo ở các hội nghị điển hình về sinh đẻ có kế hoạch khi con nàng năm tuổi, mười tuổi, rồi mười lăm tuổi…Có lẽ, lỗi ở bà mụ. Bà mụ vô tâm cho ra đời một thằng bé không đủ tháng, rồi chính mụ cố tình nặn thân hình có những nét mà thoáng nhìn cũng đủ cho anh ngứa mắt. Khuôn mặt choắt đau khổ với đôi mắt sâu và hàng mày rậm, cộng với màu da mai mái, xin xỉn, từ thủa chập chững biết đi, đã không để lòng anh yên. Đôi khi anh bàng hoàng ngơ ngác không sao cắt nghĩa được vì đâu Thảo không lầm lỡ với một gã cha căng chú kiết nào đó, lại lầm lỡ với ông Phán, mà giờ đây, dưới mắt anh là một lão già hom hem và quỷ quyệt? Và điều này khiến anh âm thầm một nỗi đắng cay xót buốt không thôi khi nghĩ rằng mình chẳng khác con chim cà cưỡng ngu ngơ để suốt đời nuôi nấng con cho một lão tu hú xảo trá. Thằng bé càng lớn, anh càng đau khổ. Bởi trước mắt anh, càng ngày nó càng phô ra cái thân thể xương xẩu khô khan của ông Phán. Từ cái dáng nó ngồi học bài chồm hỗm bên bàn như ông Phán ngồi ở phòng làm việc, đến lời ăn, tiếng nói, dáng đi… Tất tật như hiện diện một ông Phán hàng ngày ở trong nhà. Vẫn biết thằng bé hoàn toàn không có chút tội tình chi, nhưng không hiểu sao anh bực bõ đến mức sẵn sàng đá đít, bạt tai khi kiếm được cớ.Thằng bé hình như vừa lọt lòng đã hiểu được thân phận mình, nó sống lặng lẽ và khép nép, tuồng như nó cố thu nhỏ mình lại, cố như không có mặt nó trong ngôi nhà đã vắng lặng này. Bây giờ, thằng bé đã mười lăm tuổi, khoẻ mạnh và rắn rỏi lên đôi chút. Và hình như nó học được ít nhiều tâm tính anh, nhất là khả năng miệt mài đèn sách đêm đêm. Điều anh không ngờ được là giờ đây, khi nó đã ý thức được nhiều điều, thì trong mắt nó, anh là người cha đáng kính và mẫu mực, là thần tượng mà nó vươn tới bởi tài cao học rộng. Đôi khi chỉ một mình Thảo, nó khoe: “Mẹ ơi, cha bảo con phải giải hết các bài toán này” hoặc: “Mẹ ơi, cha bảo học xong con thi vào ngành vật lý”… Hẳn nhiên, những lúc như thế, nàng chỉ nhìn con, buồn im lặng. Dẫu thế, với anh, nó vẫn là một lão Phán con, vẫn là một ung nhọt ở nơi sâu kín không ai hay biết, suốt đời mưng mủ nhức nhối mà không sao bung vỡ được; vẫn là một mảnh đạn nằm sâu trong đáy ngực, mà mỗi lời bóng gió xa xôi hay vô tình của người đời, là như một lần trở trời, vết thương lại sưng tấy âm ỉ buốt nhói. Có lẽ tận chót đời, tận ngày xuống lỗ, nỗi đau nhức ấy, mối hận đời ấy sẽ vẫn không buông rời anh, không tha anh…Anh đã đối diện tháng ngày với chính mình, với nỗi ê chề đau đớn của mình, với những gì huyễn hoặc của mình, với vết thương không có miệng của mình. Và, không hiểu sao lại sinh cái sự đốn mạt ấy. Hay là sự thèm khát xác thịt mà bao năm ức chế khi đêm đêm nằm bên vợ, để bây giờ cần được giải thoát?Hay chính vì cô ta? Cô ta đọc được nỗi cô đơn trường cửu trong anh và sẵn lòng sẻ chia? Cũng có thể cô ta chỉ là ngọn gió phóng túng, thổi vô tình ngang qua cuộc đời nhiều uẩn khúc của anh, thắp bùng lên trong anh quyết tâm “trả món nợ đời” đeo đẳng bao năm? Không biết nữa. Có điều chắc chắn là, nhờ cô ả mà anh hiểu rằng, đàn bà có lẽ có nhiều loại, có người sinh ra để làm vợ, nhưng có kẻ sinh ra chỉ giỏi làm nhân tình. Cô ta là giáo viên trường anh. Chồng cô ta ở xa, một năm mười lăm ngày phép và vài ba lần tranh thủ, còn thì cô nàng là của anh. Nhưng giữa anh và cô nàng, dẫu thế, cũng không được bừa bãi. Hai người tuân thủ một quy ước nghiêm ngặt: Mỗi lần cô vào văn phòng, thoáng qua chỗ làm việc của anh, mang theo trên lọn tóc buộc cao để hở cả cổ và gáy làn da trẵng nõn, một dải vải đỏ tươi màu hoa mười giờ, ấy là lời nhắn mời, lời thông báo, rằng đêm ấy chồng cô không về và trời cũng không có trăng. Phải là đêm không trăng, bởi cái khu tập thể đông đúc và trống trải ấy, nếu sáng trăng, anh không thể quay lại lần thứ hai mà không bị phát giác.Bao giờ cũng thế, anh đi một vòng, ghé thăm chỗ này chỗ kia, nói dăm ba câu chuyện phiếm giết thời gian, cho đến khi xung quanh lác đác tắt điện, anh mới ghé vào chỗ cô nàng. Anh nhắc cô về tình hình của lớp, về những học sinh cá biệt, và cuối cùng, vấp phải cái đuôi mắt đen láy, đẫm ướt cái nhìn đắm đuối của cô nàng nháy lên, như một tia chớp chém qua người anh, thì anh làm bộ ngáp dài, chào ra về, để ít phút sau đó, nhẹ nhàng và kín đáo quay trở lại, lách qua cánh cửa khép hờ như một làn gió…Ra khỏi khu tập thể giáo viên trời đã khuya, mọi ngả đường tĩnh mịch và hoe hoắt. Anh bước đi trong làn gió đêm mơn man dịu nhẹ, phảng phất đâu đó nơi môi, nơi mắt, nơi tóc và cả hai bàn tay mùi da thịt cô nàng lưu luyến. Anh rẽ vào lối ngõ tối om, hun hút quanh co với những thân cây xoan, mít và vú sữa sù sì mọc lồi lõm mà do thói quen nhận ra nhiều hơn là nhìn thấy chúng; cố đi thật chậm để lấy lại nhịp thở bình thường trước khi vào nhà. Dẫu sao, anh vẫn có chút gì đó áy náy về hành vi vụng trộm nhẫn tâm của mình trước người vợ bị anh cầm tù bao năm.Ngôi nhà của anh cuối chót con hẻm, lọt thỏm trong một xó vườn cây cối um tùm, còn le lói ánh đèn. Hẳn là thằng bé chưa ngủ, thường sau học nhóm về, nó còn đọc sách đến khuya. Còn vài chục bước chân, anh lấy lại vẻ xốc vác, vội vã như thể mình vì lỡ câu chuyện phải về muộn.Nhưng khi vào đến khoảnh sân bé nhỏ, lạo sạo đất sỏi, anh linh cảm có cái gì không bình thường, bởi các cửa sổ đều đóng kín, và từ trong nhà vọng ra những mẩu đối thoại ngắn ngủn và nén nấc với nhiều cung bậc lạ tai mà anh nghe không rõ. Anh dừng lại, và bước nhẹ trên mười đầu ngón chân của lính trinh sát, đến áp nhẹ vào liếp lâu ngày bị nắng kéo thưa nhiều chỗ. Và anh chết lặng…Trên chiếc ghế băng đặt quay mặt vào, hai bóng người đang ngồi run rẩy, đầu cúi gằm như đang sám hối. Người thứ nhất anh sớm nhận ra là Thảo, trong bộ váy ngắn nàng thường mặc ngủ, để hở cả ngực, vai và hai cánh tay trần. Cái cơ thể ấy anh đã từng hoan hỉ ôm ấp trong suốt cả tuần trăng mật cách đây mười lăm năm. Dẫu thời gian dài đã đi qua, nàng có già đi đôi chút, trên gương mặt và dọc hai mu bàn tay rám nắng nổi gân, nhưng toàn bộ một cơ thể đàn bà không bị nhọc nhằn bởi sinh nở và nuôi con dại nhiều lần, đã giúp cho nàng giữ được vẻ đầy đặn khả dĩ, nếu không muốn nói là gần như nguyên xưa. Còn người kia, mãi giờ căng óc anh mới lờ mờ nhận ra dáng hình ông Phán, với quần cụt áo may ô, đang lẩy bẩy tội nghiệp trong mớ cơ bắp teo tóp, nhão nhoét, gân guốc và tối mò. Trước mắt hai người, bên cạnh chiếc bàn làm việc của anh, thằng con anh, mặt rắn đanh căng thẳng, mắt trợn trừng, một tay vo tròn mớ quần áo (hẳn là của ông Phán), tay kia đang cầm bút ghi chép, như là lấy khẩu cung, hay định ghi biên bản. Anh cố nén một cái gì đó dâng lên trong ngực, như là sự lẫn lộn của ghen tuông và tức giận.- Các người… Các người sống như vậy mà được à? -Thằng bé rít qua kẽ răng như một ông già - Cha tôi miệt mài ngày đêm với công việc, để cho các người…- Mẹ van con! Mẹ xin con!… Người đàn bà ngẩng mặt lên, nghẹn ngào giơ hai bàn tay với những ngón dài run run van xin về phía thằng bé - Mẹ xin lỗi con. Không phải vậy đâu. Mẹ khổ lắm. Mẹ khổ trăm đường. Con chưa hiểu được đâu…Thằng bé nghiêng mặt đi, vẻ chịu đựng đau khổ để tránh cái nhìn van lơn của mẹ nó, ông Phán lợi dụng dịp đó, định chộp gói quần áo trong tay thằng bé.- Không được! Muốn phi tang chứng cứ hả? Các người chờ đây, cha tôi về hẵng liệu! Thằng bé hét lên, nhưng là tiếng thét của một đứa con trai sắp vỡ giọng và cố nén để bốn bề không ai nghe thấy, thành ra nghe the thé rất buồn cười.Ông Phán giật thót mình trước tiếng thét của thằng bé, đến ngồi lại tư thế cũ. Còn Thảo, sau lần muốn giãi bày cùng con, giờ bộ mặt nàng dửng dưng, tuồng như đầu óc nàng còn để đâu đâu, khiến anh nén tức lộn ruột.- Té ra, các người toàn sống giả dối.Thằng bé bắt đầu cuộc giáo huấn ấp úng của trẻ con cố rặn cho giống người lớn. Nhưng, không hiểu sao, cả ông Phán, vợ anh và cả anh ở ngoài này nữa, đều giật thót, hoảng hốt và co rúm lại. Đến lúc đó, anh chợt nhận ra chính anh, tự lúc nào đã quỳ mọp xuống trên hai đầu gối. Và, cũng không hiểu sao, anh không thể đứng dậy, không dám đưng dậy, lòng mềm đi bởi một nhu cầu sám hối trước vị quan toà là lẽ phải và sự trong trắng con trẻ của đời…- Có phải ông… Không biết thằng bé định nói tiếp câu gì, nhưng ông Phán đã nhanh nhảu đỡ lời:- Phải, phải! Bác là hiệu trưởng. Chính bác đã bồi dưỡng và giới thiệu mẹ cháu, chính bác đã nâng nhấc ba cháu. Và cháu chính là… ông Phán chợt hạ giọng rất thấp, xun xoe. Cháu ngoan lắm; cho bác mang lại cái quần. Hì hì…- Không được!Hình như, đến lúc đó, ông Phán sực nhớ là phải bất khuất trước kẻ thù, liền gầm lên, bắn ra cả tràng nước bọt lẫn hàm răng giả:- Mày không được làm nhục tao, làm nhục một thầy giáo… mày… mày…Ông vừa nói vừa lắp bắp đưa lòng bàn tay ấn lại hàm răng giả vào miệng. Thằng bé trố mắt nhìn, rồi cười khẩy:- Không có thầy giáo như ông!Chao ôi, thằng quỷ! Anh thầm thét lên, và chồm dậy giật tung cánh cửa. Thằng bé vừa thoáng thấy anh, như bất ngờ trông thấy hung thần, nó ngây đực, há hốc miệng một giây, bọc quần áo ông Phán rơi xuống bàn. Nó khép nép lùi vào xó góc, lấm lét nhìn anh, ấp úng:- Con xin lỗi cha. Con thấy… Con nghĩ…Anh bước vào nhà, liếc xéo qua hai con người, và đi thẳng vào buồng trong. Không hiểu sao cơn ghen tuông và tức giận đã không cho anh nghĩ ra được một lời nào. Ông Phán lợi dụng dịp đó, quăng mình ra cửa, biến mất. Còn vợ anh, gần như không một ý thức nào, trơ lì như một bức tượng bán thân, thậm chí trên nét mặt nàng ánh lên sự đắc thắng. Suýt nữa anh hét lên: “Đồ đĩ!”.Khi anh trở ra, thằng con trai đã đi ngủ, Thảo vẫn ngồi đấy, lặng im, mái tóc dầy phủ cả bờ vai, nhưng khuôn mặt nhiều nét đau khổ của nàng rắn rỏi nhìn anh trong một cái nhìn giải bày rất lạ. Lần đầu tiên sau mười lăm năm chung sống, anh mới bắt gặp ở nàng cái nhìn ấy. Nó không chút nhẫn nhục, chịu luỵ âm thầm bao năm, mà tuồng như đau đáu một nỗi niềm trách móc hờn giận, rằng anh là con người độc ác, ích kỷ và cố chấp, anh đã giam hãm, cầm tù một cơ thể đang thì xuân sắc trẻ trung nhất đời một người đàn bà trong hàng chục năm trời ròng rã, trong khi mình, như một tín đồ, hành hương trên bao mối tình vụng trộm, rằng anh chẳng biết gì cả, nàng yêu anh không gì sánh được, muốn hiến dâng cuộc đời và tình yêu duy nhất cho anh dù bị anh đối xử tàn tệ, rằng với ông Phán, đó là sự lầm lỡ, dại dột của nàng thời con gái xa xôi… Và rằng, giờ đây, nàng không muốn anh trượt dài thêm nữa trên con đường đi tìm lạc thú để trả thù nàng, trả thù cuộc hôn nhân với nàng. Và nàng đã quyết định đánh thức trái tim anh, đánh thức tình yêu trong anh bằng việc nhử ông Phán vào một màn kịch do nàng sắp sẵn, chỉ mình nàng biết, cốt để anh chứng kiến. Nhưng rủi thay, anh chậm chân hơn thằng con trai…Tự nhiên, anh chết đứng trước cái nhìn đau đáu ấy của nàng, và chợt thấy mình dơ dáy, sống sượng và tàn nhẫn, thiếu nhân cách vị tha của người lính.Và, lần đầu tiên anh nhận thấy thương mình, thương vợ và bao sinh linh lầm lạc tội nghiệp. Rồi, như một cử chỉ nhận lỗi, anh đặt tay lên vai Thảo. Thật lạ lùng, từ khối tượng bằng thịt phụ nữ ấy, chợt rung lên và bật tiếng khóc thút thít. Anh khẽ đỡ nàng đứng dậy, và nàng liền gục đầu vào ngực anh, oà khóc nức nở…Anh dìu Thảo ra giếng, tự tay giội từ từ từng gàu nước mát lạnh lên cái thân thể còn khá đầy đặn của nàng. Nàng cười. Lần đầu tiên sau quãng đời chung sống, nàng vừa vuốt nước trên mặt vừa cười rúc rích như trẻ con. Đấy là một đêm mùa hạ, trời không trăng, nhưng đẫm mướt những vì sao chín mọng treo lúc lỉu khắp vòm trời thẳm sâu, thoáng đãng và mượt như nhung…