Chùa kia có một thầy, một trò độ tuổi khu ô Sadi, nói là thầy trò vì tu trước với tu sau nên phân biệt, chứ thầy lớn hơn trò độ non chục tuổi. Mang tiếng chùa Miền Tây, nhưng ở tận bưng biền, chẳng phải miệt vườn, đồ chúng tín cúng đã ít ỏi mà cây nhà lá vườn cũng không có gì, quanh năm tương rau qua bữa, cóc ổi gọi là tráng miệng, do đó khi có trái cây ngon thầy thường để hơi bị lâu. Ông lại có Phật sự đi miết, bao công chuyện từ quét sân đến tưới rau, làm bạn với Táo quân cho chí phụng sự chư Phật nơi Bảo điện, hết thảy đều do trò đảm trách. Lúc thầy về thì trò ở ngoài luống rau hay ngoài ruộng, do đó lắm khi thầy hạ trái cây xuống, hoặc trái cây đi đám mang về không có người chia xẻ, thầy luôn luôn… quên để dành chú nhỏ. Chuyện thì quá tải, sư phụ lại chẳng mấy khi quan tâm, từ việc làm đến việc ăn, học, tụng kinh bái sám v.v…chú nhỏ tự biên tự diễn. Bởi thế, thuở mới cạo tóc, chú điệu…ngoan lắm. Thoáng chốc, ăn hết một hủ tương chùa rồi tánh ý liền đổi. Xưa quét rác thì cứ như là bắt gián, ngóc ngách nào cũng moi, nay thì đường trường đẩy thẳng tới. Trước lau bệ thờ, trái cây để cho chuột gặm chẳng rớ, thúi cũng không dám di sơ; nay cứ mỗi lần làm hương đăng là y như dĩa trái cây “bốc hơi” chút đỉnh, vài lần chút đỉnh là…trống trơn. Thầy đi về mệt bảo kiếm chút gì tráng miệng thì…hết rồi, ban đầu hỷ xả không nói, tuy cũng lấy làm lạ và hơi bực mình. Nhưng chú điệu cứ đà đó làm miết, phải nói, mà ăn uống vốn là chuyện tế nhị nói sao đây? Thầy muốn dạy trò nhưng ý tứ nên cố tránh từ “ăn trái cây”.Trò chạy tội nên từ “ăn trái cây” cũng không nhắc đến. Một hôm, khi dĩa trái cây đã…sạch sẽ, thầy bảo:
_Sao con không để chưng lâu lâu?
_Để lâu chuột gặm thầy ạ!
_Chuột tha cũng phải để.
_Chưng tàn cây nhang là đem xuống được rồi, bạch Thầy. Mình để lâu nó hư chứ làm gì mà để?_Trò càm ràm.
_Tui bảo để là để. Đừng có thấy là “lượm”. Để cho nó xôm!
Mấy hôm sau, thầy đem trái cây xuống để trên bàn. À, trái cây đã hạ xuống là “dùng” được rồi. Thế là chú điệu …giải quyết.
_Sao trái cây thầy để trên bàn, còn cái dĩa không vậy con?
_Dạ, con…thanh toán rồi.
_Chùa mà lỡ có khách, bàn nước trống trơn chẳng ra làm sao_Thầy phiền trách.
_Để trên bàn ruồi bu thầy ơi!
_Ruồi cũng để. Đừng có thấy là lượm. Để cho nó xôm.
Kinh nghiệm qua nhiều lần ông đệ tử “khéo dọn dẹp” ấy, khi hạ trái cây thầy thường đem luôn vào phòng cất. Hôm nọ dọn phòng thầy, thấy dĩa trái cây, bây giờ chắc là không phải để tiếp khách nữa rồi, tiện tay “nhón” vài trái. Thầy về hỏi:
_Con lấy bớt trái cây phải không?
_Dạ, cái đó đâu có để tiếp khách, phải không Thầy?
_Không tiếp cũng để. Trong phòng một vị trụ trì mà không có gì tẻ nhạt lắm. Đừng có thấy là lượm. Để cho nó xôm.
Thời gian sau, không muốn nói hoài. Thầy có đi đám về, để trái cây luôn trong giỏ. Chú điệu lại một lần nữa “xớ rớ”.
_Điệu! Con lục giỏ phải không?
_Dạ, con lấy đồ ra đặng giặt giỏ.
_Lấy cái gì ra? Đâu hết rồi?
_Dạ…có mấy trái cây, con sợ hôi ê nên con… tẩy rồi.
_Ê cái gì mà ê. Muốn mang cái giỏ cho nặng nặng, lỡ gặp con nít lối xóm còn có chút ít tạo nhân duyên với nó. Từ rày cái gì tui để đâu là phải để nguyên ở đó. Đừng có thấy là lượm. Để cho nó xôm.
Bẵng một thời gian sau.
Hôm nọ, đi đám về, mưa dầm, đất rắn, đường trơn. Trò buộc áo ngang lưng, đưa tay níu cây bên đường đi thuận tiện hơn, thầy mang đãy trái cây, bánh bao v.v…vì ngại trò sẽ “tém” bớt, nên có phần khá vất vả. Đường trơn quá, đi không còn khó, đi có nhiều thứ kình rình thì chuyện đương nhiên xảy ra là…trợt…té!!! Và thầy…huỵch…một con ếch! Quần áo lấm mem, trái cây văng lổn ngổn. Trò đứng bất động, chờ thầy đi tiếp. Sư phụ cũng chẳng cần, gượng đứng dậy rồi hỏi nhẹ:
_Sao không nhặt trái cây lên?
_Dạ…đừng có thấy là lượm. Để cho nó xôm!.
_……!!!
Nghe nói sau này còn nhiều tình huống trò để cho “xôm” kiểu đó, một lần nọ, bực quá, thầy gắt:
_Xôm gì? Nói như vậy để cho con đừng có một mình “ních” hết đó, ngu ơi là ngu!
_Dạ, con đâu có “quằm” hết, chỉ “cháp cháp” chút đỉnh thôi mà.
_“Luộc” sạch sành sanh mà nói chút đỉnh!
_Trời ơi, tại chùa mình nghèo, lâu lâu mới “rửa” một lần mà thầy.
_Nhưng con đừng có “quất” sạch chớ!
_Nói con “làm láng”, chứ mấy lúc không có con, thầy cũng “độ” trọn vậy.
_Ừ, thầy cũng hay… quên. Thôi mai mốt con đừng tự ý “sực” hết, thầy cũng không “nhấm nháp” một mình. Chùa có hai người, ai tự “lo liệu” nấy, không nên. Có gì thầy trò mình “cưa” vậy.
Nếu chưa đi đến giải pháp “cưa”, chúng ta thử giúp thầy trò họ thêm một số từ “ý tứ” để thay thế chữ “ăn” xem được bi nhiêu?!!!.