Dạo hoa phượng còn đỏ rực trên cành, thằng bé bắt đầu bằng một nghề nhàn hạ một cách chân chính: bán trà đá. Mẹ nó sắm cho nó đủ bộ đồ nghề: Một thùng càrem bằng mốp cũ kỹ, sang lại của ông già Năm. Một cái ấm nhôm hơi cũ, nhưng được mẹ nó kỳ cọ bằng tro, chà đánh bằng xơ mướp nên sáng loáng lên, coi cũng vệ sinh lắm. Và hai cái ly thủy tinh.
Mỗi sáng, trước khi quảy gánh ve chai ra đi, mẹ nó nấu một nồi nước sôi, pha trà, đổ vô ấm nhôm. Nó mua ở tủ lạnh nhà bác Ba một chục đá cục bỏ vô thùng càrem, chèn bao nylon thật kỹ trước khi đập nắp thật kín. Nó quàng dây qua vai gầy, đeo thùng càrem ngang hông, thân hình bé nhỏ hơn vẹo đi một tí. Một tay xách ấm nước, một tay cầm hai cái ly, nó đi bộ hai cây số từ nhà đến bến xe Ký Thủ Ôn.
Bán trà đá tưởng như một nghề chơi chơi: mình chỉ việc xách ấm và ly đi đến một người khách và mời: " Trà đá, chú ", hay: " Trà đá Dì! ". Khách có thể hỏi: " Bao nhiêu một ly? ". Trả lời: " Một trăm đồng ". Khách gật đầu: " Cho một ly ". Mình chỉ việc bỏ cục đá vào ly, rót đầy nước trà vào. Ðá tan làm ly nước rịn mồ hôi. Nước trà màu nâu hổ phách trong veo, thoảng mùi thơm lá dứa. Khách cầm ly uống ừng ực, nước trà chảy qua cổ họng đang khác khô, tới bao tử, làm mát cả ruột gan. Khách đà khát, mặt mày tươi tỉnh lại, vui vẻ móc túi trả tiền. Thế là được một trăm đồng. Khỏe re. Vì vậy già trẻ bé lớn gì cũng có thể bán trà đá.
Nhưng bến bến xe Ký Thủ Ôn là một bến xe nhỏ, chỉ có mấy chiếc xe đò cà tàng, mỗi ngày vài chuyến, chạy đến những xứ sở buồn hiu như Cần Giuộc, Chợ Trạm, Cần Ðước, Gò Công. Người về xứ đó không nhiều, bến xe lưa thưa hành khách. Mỗi lượt tài mới có năm bảy khách mà đã tới cả chục người bán hàng rong vây quanh, ồn ào chào mời nhặng xị " Bánh tráng phồng đây ", " Cốm ngò đây ", " Kẹo dừa ", " Trà đá đây ", " Trà đá hông? " " Trá đá chú ", " Trà đá... ".
Thằng bé cũng lăn xả vô. Nhưng hoặc là nó không cạnh tranh lại đám trà đá " chuyên nghiệp " hơn, hoặc nếu hôm nào kiếm được mối thì sẽ bị tụi kia kiếm chuyện quần một trận cho " biết điều " hơn.
Cuối cùng thằng bé lủi thủi xách ấm nước và đeo thùng đá cục đi lang thang xuống phố. Xe cội đông đúc làm sao, người ta quan trọng làm sao, ngồi quán có nhạc đệm, dù che, uống nước cam tươi hay La hán quả. Nó đi mỏi rục giò mà chỉ bán được một ly trà đá cho chú xích lô, một ly cho chị bún riêu, một ly nửa cho ông già vé số. Hôm nào may lắm cũng có thể bán được chục ly. Có hôm mưa gió eo xèo, chẳng ai thèm uống trà đá. Mấy cục đá buổi sớm bự hơn nắm tay, đến chiều teo lại bằng ngón chân cái, đến tối thì tan biến luôn. Lỗ vốn!
Một hôm nó đang đi lững thững thì có người kêu trà đá! Ôi, trúng mánh! Hàng chục người đang làm việc ở một bãi đất ngổn ngang gạch đá vôi vữa xà bần tôn thép... Hẳn là họ làm việc nặng nhọc lắm, người nào người nấy mồ hôi mồ kê đầm đìa như tắm. Một người kêu trà đá, lập tức mấy người kia kêu theo. Chưa từng có bao giờ trà đá đắt như vậy. Thằng bé lăng xăng lít xít, tay chân lanh lẹ đập đá, rót trà, bưng ly, chạy lui chạy tới như một tay trà đá chuyên nghiệp. Mất người thấy thằng bé có vẻ tháo vát, tỏ ra thân mật và trêu chọc nó. Nó không thật sự hiểu hết những lời đùa cợt, nhưng vẫn toe toét cười, miệng rộng tới mang tai.
Vèo một cái, ấm trà hết veo. túi nó rủng rỉnh ngàn bạc. Mặt mày nó phớn phở, người nó thơ thới, lòng nó rộn ràng. Môi nó chỉ chực nở thành nụ cười và tai nó cũng vểnh lên để đón nghe mọi điều người ta nói. Một hồi nó tự thấy đã quen với mấy người lúc nãy là khách hàng của nó. Nó bạo dạn hỏi chuyện:
- Mấy anh làm gì ở chỗ này vậy?
Họ cười:
- Làm cu li chứ làm gì hả nhỏ?
- Là làm cái gì?
- Là đào đất, xúc xà bần, khiêng gạch, vác xi măng, là làm đủ thứ chuyện mà người ta sai biểu. Cu li là làm cực khổ như trâu bò mà mỗi ngày công được có năm sáu ngàn bạc.
Thằng bé tròn mắt kêu lên:
- Năm sáu ngàn lận?
Thật là một con số vĩ đại. Từ ngày đeo thùng đá và xách ấm trà đi bán dạo, nó đã biết đồng bạc khó kiếm như thế nào. Cả ngày trời lang thang dầm mưa, dãi nắng, có khi nó chỉ kiếm được vài trăm. Hôm nào trúng mánh như hôm nay cũng chỉ hơn ngàn bạc.
Nó lẩm nhẩm cộng tất cả tiền dành dụm từ hồi đi bán trà đá tới giờ vẫn chưa bằng được cái con số năm, sáu ngàn đó. Mà đó chỉ là tiền công một ngày làm mà thôi. Nó ngước nhìn những công nhân xây dựng một cách ngưỡng mộ và thật thà nói lên ước vọng của nó:
- Phải chi em được làm cu li.
Mọi người phá ra cười:
- Không chuyên gì mới làm cu li. Cực chết mẹ chứ chơi à?
Họ chỉ một người ăn mặc lịch sự, đang coi bản vẽ nói:
- Có ước mơ thì mơ thành kỹ sư như ông đó, vừa khỏe vừa có tiền. Nhưng mà phải học giỏi thiệt giỏi mới hòng! Mày có đi học không?
- Có, em học hết lớp năm rồi. Tựu trường này em lên lớp sáu. Mẹ nói lên cấp hai, muốn đi học tốn nhiều tiền lắm. Ðồng phục, sách vở, tiền bẩo trợ, tiều sửa chữa trường, đủ thứ hết. Mẹ sợ không đủ tiền đóng nên biểu em nghỉ hè đừng đi chơi, đi bán trà đá để dành tiền mai mốt phụ với mẹ đóng tiền học.
Mọi người nhìn thằng bé đen đủi còm nhom. Có thể nhận thấy qua ánh mắt vẻ mặt họ một niềm thương cảm. Nhưng chẳng ai nói gì cả. Mấy người lớn tuổi chắc cũng có con cái lớn cỡ nó, chắc họ cũng đang lo nghĩ về tiền học, tiền sách vở, áo quần và vân vân...
Với lại cũng hết giờ giải lao rồi. Họ lại làm việc quần quật, không hở tay, hở miệng, hở mắt ra mà ngó tới nó nửa.
Nhưng thằng bé vẫn đứng đó nhìn người ta làm việc. Nó thấy đẩy xe cút kít chở xà bần đi đổ không khó gì. Tưới nước cho ướt gạch, rồi tiếp gạch cho thợ xây thì nó nhắm nó cũng làm được. Ngay cả chuyện trộn hồ, nó đứng coi một hồi thì kết luận nó cũng... làm được, nếu nó cao vã to hơn chút nữa.
Tất nhiên là công việc đòi hỏi nhiều sức lực. Nhưng mà thằng bé cho rằng nó cũng dẻo dai lắm. Quả là cực nhọn thật. Nhưng đi bộ suốt ngày với thùng đá đeo bên hông và ấm nước gần bốn lít trong tay cũng không phải là việc nhẹ nhàng gì. Nó đâu có sợ cực. Vả lại, nó thấy người ta làm việc rất vui. Không khí lao động tất bật làm nó đứng coi mà cũng thấy hăng hái và táy máy tay chân.
Ấm trà đã hết rồi. Như mọi khi nó có thể đi lượm trái dầu quăng lên không trung để ngó chúng rơi xuống, xoay tít thật vui mắt. Nhưng bây giờ thằng bé không màng gì đến trò chơi đó. Nó lảng vảng ở công trường xây cất coi người ta làm, rồi động tay động chân phụ một người đang đẩy xe cút kít, gặp phải mô đất cao, xe không lên nổi. Thấy không ai kêu rằng mình vướng tay vướng chân họ, thằng bé bạo dạn hơn. Khi chú thợ xây kêu: " Gạch ", nó lập tức ba chân bốn cẳng phóng lại đống gạch, ôm một mớ chạy lại tiếp ngay. Rồi cứ chạy đi chạy lại tiếp gạch tiếp hồ suốt buổi đó.
Hôm sau, mới hưng hửng sáng thằng bé đã có mặt ở công trường, với thùng đá và ấm trà. Nhưng hôm đó ai cũng bận tối mặt. Cứ nghe cai với đội trưởng hò hét công nhân mà hãi hùng. Nào là xi măng phải dọn kho cất vô, nào là gạch đá về sân bãi đâu mà đổ. Bọn vật tư chết tiệt, khi cần thì không có, khi chưa cần thì đỗ tới ào ào, không nhận thì mai mốt không có dùng, nhận bây giờ thì nhét vô đâu. Mấy thằng kia ra dọn hết đống xà bần này coi! Thằng này nửa, vô kho xếp xi măng lại coi rộng được chỗ nào không! Còn thằng nào ra trộn hồ nè! Còn thằng nào nửa... Hết THẰNG rồi. Ai cũng bù đầu tối mặt, mà công việc thì cứ việc này đẻ ra việc kia.
Ông đội trưởng gào thét để chỉ huy một hồi khản cả tiếng. Bỗng ông thấy thằng bé. Hôm qua ông cũng thấy nó lăng xăng ôm gạch tiếp thợ hồ, ông chỉ mặt nó quát:
- Thằng này phụ hồ đươ(.c không?
- Dạ, được
Nó gật đầu lia lia. Ông đội trưởng phất tay, bố trí nó " công tác " chung với một ông thợ già. Thằng bé xông vô làm như chiến sĩ xông pha trận mạc.
Khi nó đeo thùng đá và xách ấm về, ông đôi trưởng xoa đầu nó nói:
- Còn bao nhiêu trà đá coi như ta uống hết. Chiều thứ bảy trả công luôn.
Bữa nay mới thứ năm. Thằng bé về nhà, thân thể ê ẩm suốt đêm, lòng thì hoang mang không biết mình có thể được lĩnh bao nhiêu tiền công, và liệu ông đội trưởng có quịt mình không? chú thợ già mà nó phụ hồ lúc trưa có nói nó nhỏ quá, làm toàn việc vặt, chắc được nửa tiền công thôi. Ba ngàn đối với nó cũng lớn lắm rồi. Nhưng nó siêng năng chịu khó như vậy, có thể được bốn ngàn. Ôi bốn ngàn! Nó quên được phần nào sự mệt mỏi thân xác và ngủ thiếp đi.
Hôm sau nữa mới chỉ là ngày thứ sáu. Thằng bé tới công trường khi ở đó co người bảo vệ và thủ kho. Nó lảng vảng quanh quẩn rồi đánh bạo hỏi anh bảo vệ:
- Bữa nay em có có được làm nửa hôn?
- Mầy ấy hả Công trường không bóc lột sức lao động trẻ em. Hôm qua kẹt quá, chứ bữa nay thì miễn.
Thằng bé khẩn khoản nói là nó thích làm cu li lắm và biết đâu bữa nay công trường cũng kẹt nửa. Anh bảo vệ nhún vai:
- Chờ ông đội trưởng tới coi! Mướn mày mang tiếng chứ ích gì?
Nó phập phồng chờ ông đội trưởng. Chờ hoài chờ hủy sao ổng lâu tới vậy. Cai đã thúc thợ bắt tay làm. Không ai kêu thằng bé làm gì cả. Nhưng nó không đợi kêu. Vừa thấy chú thợ già hôm qua chuẩn bị đồ nghề, nó lập tức đi ôm gạch lại chỗ ông, nhúng nước cho ướt gạch, súc hồ vô xô, xách tới để cạnh ông, rồi chăm chỉ tiếp gạch. Tuy nó nhỏ xíu chưa thạo việc lắm, nhưng tháo vát và dễ bảo nên ông thợ già chịu cho nó phụ. Cuối ngày hôm đó, ông đã khoái nó tới mức hứa hẹn sẽ truyền nghề cho nó nếu nó muốn.
Sáng thứ bảy nó đang làm thì ông đội trưởng xuất hiện. Ông chỉ mặt nó:
- Thằng này làm nổi hôn?
Nó vội vã gật đầu:
- Dạ nổi chứ! Con làm từ hôm kia, hôm qua lận mà!
Ông không nói gì thêm, bỏ đi.
Chiều thứ bảy. Thật là một buổi chiều trọng đại. Thầy thợ là xong việc không vội về như mọi khi. Họ thong thả rửa mặt mũi tay chân, ngồi hút thuốc lá và nói chuyện tầm phào chờ ông đội trưởng. Ông ta đã đi lên công ty lãnh tiền tạm ứng để trả lương công nhân. Mọi người tuy không tỏ ra sốt ruột, nhưng cũng ngong ngóng bóng hình ông đội trưởng. Cũng có khi công ty đang kẹt tiền, hay bản chiết tính của đội có trục trặc gì đó, thì sẽ không có tiền. Ông đội trưởng sẽ đến rất trễ để những công nhân không kiên nhẫn bỏ về bớt, và ông đeo một mặt bí sị khất nợ với những kẻ kiên trì đến thứ hai thứ ba...
Nghe tới tình huống này, tim thằng bé thắt lại. Chẳng lẽ nào? Bao nhiêu đơi chờ, bao nhiêu lo lắng của nó. Suốt ba ngày nay. Liệu nó có được trả lương không? Trả bao nhiêu? Trả mấy ngày công? Hôm thứ sáu ông đội trưởng không có mặt ở công trường, đâu có thấy nó làm việc. Hôm nay ổng cũng không nói rõ ràng là ổng chấm công nó. Tất cả lo lắng đó, nó chỉ còn cách nhẫn nại chờ ông đội trưởng tới phút phát lương mới biết. Nếu mà... Tim thằng bé suýt vỡ ra. Nó như ngồi trên lửa bỏng vạc dầu, nhấp nha nhấp nhổm ngóng ra đường.
- A! ông đội trưởng về!
Nó hét to lên, mừng vui đến nỗi những người khác phải phì cười.
Ông đội trưởng dựng xe, ôm cái túi da căng phồng vô lán bảo vệ. Ông giở sổ chấm công ra, dò theo danh sách, đếm ngày công của từng người, đếm tiền, rồi trao cho họ. Ông cứ theo thứ tự trong sổ chấm công mà phát. Cuối cùng, hết danh sách.
Thằng bé không có tên trong sổ chấm công! Nó đứng thậm thò nhìn ông đội trưởng, mặt tái đi, tay chân lạnh ngắt. Chờ cho người cu li cuối cùng ra về, ông mới làm như chợt nhớ thằng bé.
- Thằng kia, lại biểu.
Nó lật đật chạy lại, ngước đôi mắt trẻ thơ đầy lo âu nhìn ôn đội trưởng. Ông cầm một cọc tiền giấy một ngàn, hỏi:
- Mày làm mấy ngày?
- Dạ, ba ngày: thứ năm, thứ sáu với lại thứ bảy.
Ông đếm tiền, một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín.
Ông ngừng lại hỏi:
- Ba mày làm gì?
- Dạ, ba con chết hồi năm ngoái rồi.
Ông nhìn nó một chút, đếm tiếp mười, mười một, mười hai.
- Má mày làm gì?
- Dạ, má con mua bán ve chai.
- Mày có đi học không?
- Dạ có.
- Vậy ráng mà học. Chứ là cu li, biết cực chưa?
- Dạ, con chịu cực được mà.
Ông đếm tiếp: mười ba, mười bốn, mười lăm.
Ông toan đếm nửa nhưng đắn đo một chút, nói:
- Má mày có đánh đề, đánh bài không?
- Dạ, không.
Ông đếm nốt: mười sáu, mười bảy, mười tám. Ông đưa tiền cho thằng bé.
- Ðem về cho má mầy cất, đừng chơi điện tử hết nghe!
Xong, ông đứng dậy, đi về.
Thằng bé cầm mười tám tờ giấy bạc mà ngón tay nó run bần bật. Nó chưa từng cầm trong tay một món tiền lớn như vậy. Mà lại là tiền chính nó làm ra, bằng ba ngày quần quật ngoài trời nắng, bằng sự cố gắng vượt quá sức trẻ em.
Má nó cũng xúc động đến rơi nước mắt khi nó đưa tiền cho bà. Bà đếm đi đếm lại, lộn tới lộn lui, nó phải cầm từng tờ đếm cho má nó coi. Bà gói vô một tờ giấy dầu, đem đấu sau ảnh thờ của ba nó:
- Má cất ở đây cho con, để tựu trường có mà đi học với con người ta.
Ðêm đó thằng bé ngủ vùi trong tay má. Má nó bồi hồi thao thức mãi, thỉng thoảng bà lại vuốt mái tóc khét nắng của con.
Có thể nửa thế kỷ sau, có một tỷ phú hay một nhà bác học để lại tiểu sử như vầy: Mười hai tuổi, tôi đi làm cu li để có tiền ăn học... Nhưng hiện giờ, dưới một mái tranh ở vùng ven, có một đứa bé gầy gò, đen thui vì nắng gió, trong giấc ngủ say nhọc nhằn đang mơ rằng: ngày khai trường em sẽ đến lớp với đồng phục tươm tất như mọi học sinh, và không ngay ngáy lo lắng cô chủ nhiệm sẽ phiền trách vì không đóng nổi các thứ tiền tập vở, tiền thuê sách, tiền bảo trợ, tiền sửa trường ốc, tiền hội phụ huynh và đủ thứ tiền gì gì nữa...

Xem Tiếp: ----