Gần như một nghi thức để bắt đầu một ngày, con chim trong lồng hót ba hồi thánh thót. Ông Thăng thức dậy. Có khi ông thức trước rồi, nghe chim hót ông mới dậy. Từ trong buồng tắm ông nghe chim hót thêm ba tràng líu lo nữa. Sau đó ông bước ra hàng hiên, đỡ chiếc lồng tre treo trên cao xuống, dọn phân chim, thay nước uống và đút chim ăn. Dạo mới chơi chim, ông làm cái việc chăm sóc chim trước, rồi mới tới chuyện vệ sinh cá nhân mình. Một hôm ông phải chạy gấp vào buồng tắm khi mới thức dậy, và từ trong đó ông phát hiện ra tiếng chim hót nghe tha thiết hơn. Con chim không chỉ hót ba hồi thánh thót rồi thôi, mà cứ hót từng tràng, càng lúc càng nhặt, càng lúc càng hay. Cho đến khi ông ra đỡ cái chuồng xuống và cho nó ăn. Bấy giờ ông ngộ ra rằng con chim ấy hót vì đói, hay ít ra thì hót cũng là một phản xạ kèm theo thực tế sẽ được cho ăn mà ông đã vô tình tập cho con chim từ thuở mới đem nó về nhà. Hay có thể đó là bài học mà thằng cha huấn luyện chim nói là đã dạy nó trước khi bán nó cho ông. Dù sao thì ông cũng đã kiểm tra lại nhiều lần và lần nào cũng nghiệm đúng. Ông dứ dứ con cào cào non trước mỏ chim, nó há mỏ hoài mà không được ăn, bèn hót lên một hồi lảnh lót, xong há mỏ ra chờ. Nếu ông đút mồi vô miệng nó thì nó nuốt rồi im. Nếu ông cứ tiếp tục dứ dứ thì nó lại hót thánh thót vài tràng nữa. Từ đó ông thương con chim. Từ đó ông thôi triết lý vặt về tiếng kêu của cái bao tử bé nhỏ.
Con chim nhảy nhót trong lồng, không ra vẻ sợ hãi bàn tay to tướng của ông thò vào thế giới của nó dọn dẹp và sắp đặt cuộc đời nó. Đôi khi cửa lồng để mở trong khi ông đang loay hoay rửa chung nước hay ngắt giò mấy con cào cào, con chim chỉ nhảy nhót trong lồng chứ không hề bay ra. Một hôm ông bắt con chim thả xuống sân để tổng vệ sinh cái chuồng. ý của ông muốn thử xem chim có bay đi không. Nó bay loanh quanh chứ không bay xa. Đến khi ông cầm con cào cào dứ gọi nó thì nó bay về, ngoan ngoãn chui vào lồng.
Vợ ông nói: Con chim này khôn ghê.
Ông nói: Ngu thì có.
Vợ ông không triển khai tiếp đề tài này. Bà đã coi bói rồi, thầy nói vợ chồng khắc khẩu, bà nhịn thì lợi cho bà. Với lại sống với ông ba mươi năm, bà còn lạ gì con người mạn ngạo ấy. ờ, thiên hạ có ngu hết, kể cả bà, thì ông mới được nhàn hạ ngày ngày chơi chim. Mỗi sáng chủ nhật ông đem lồng chim ra vườn Tao Đàn. ở đó có một khoảnh cây cao bóng cả mà những người chơi chim thường tụ tập để cho chim thi hót. Mỗi người có một kiểu huấn luyện chim. Người thì bịt kín cái lồng bằng vải, đến lúc thi hót mới đột ngột giở tấm vải đen ra, ánh sáng bỗng chói loà làm con chim choáng váng hót lên réo rắt. Có người treo lồng chim trống cạnh lồng chim mái, hai con cứ xáp vô mà cứ vướng những thanh tre ngăn cách, chúng đành hót lên, nỉ non thánh thót. Như ông thì chỉ đơn giản bỏ đói con chim buổi sáng đó, rồi tới lúc đem chim ra thi, ông cứ dứ cào cào non trước mỏ nó là nó hót, lảnh lót thiết tha. Tuy con chim của ông chưa bao giờ đoạt giải khuyến khích nào, nhưng ông cũng được một niềm an ủi: Những người chơi chim khác đều nói con chim của ông hay. Ông chỉ không biết nên hiểu chữ hay theo nghĩa nào. Có người hỏi ông cách dạy chim. Đó cũng là một lý do để những người yêu thích thú chơi chim tìm đến đây: Gặp người để trao đổi kinh nghiệm.
Ông nói: Tôi cứ dụ nó ăn là nó hót thôi.
Và lặng lẽ nhếch mép cười khi những người khác phùng mang trợn mắt thuyết trình cái công phu họ đã bỏ ra để dạy chim hót. Người ta hay ở chỗ đó. “Bí quyết trở thành triệu phú” là tác phẩm của thằng cha mạt rệp chỉ còn nước viết sách độ nhật. Người không biết hót mà dạy chim hót! Dạy chó đánh hơi, dạy diều hâu săn mồi, dạy trâu kéo cày, dạy ngựa chạy đua, thì chỉ có con người mới tài lanh như vậy. Buổi sáng nay ông ràng lồng chim lên xe rồi bỗng mất hứng. Bình thường ông cũng không hứng lắm, nhưng hôm nay thì hoàn toàn không có hứng chút nào. Ông đang cái tuổi “gió heo may về”, có những buổi sáng thức dậy tự nhiên buồn nản, tự nhiên chán chường. Ông đọc sách, tự nghiên cứu các biến đổi thể chất và tâm lý của mình, rồi làm theo lời khuyên của vị bác sĩ chuyên cố vấn bệnh tật tuổi mới lớn đồng thời là tác giả quyển sách viết về tuổi chớm thu mà ông đang đọc, chọn một thú tiêu khiển. Ông đã chọn thú chơi chim, kể ra cũng hay vì từ đó ông ngộ ra được vài chân lý vào buổi sáng và kết thêm vài người bạn ở vườn Tao Đàn. Nhưng sáng nay ông bỗng thấy những chân lý đó, người của thời ăn lông ở lỗ hẳn đã biết rồi. Còn đám bạn ở vườn Tao Đàn thì gặp nhau tay bắt mặt mừng, vậy chớ ông mà nói mượn tiền thử coi, chắc gì thằng nào chịu móc túi đưa ra? Và chắc gì sau đó thấy ông, người ta lại tay bắt mặt mừng? Thì ông cũng như họ, ai cũng vậy thôi. Ông cho xe chạy khỏi nhà, nhưng ngang qua cổng vườn Tao Đàn ông vẫn cho xe chạy luôn. Ngày chủ nhật mà không khác ngày thường lắm, xe cộ vẫn đông đúc. Ông cứ cho xe chạy qua Thị Nghè, qua Hàng Xanh, chạy hoài cho đến khi ông thực sự nhìn thấy cánh đồng. Ông dừng xe, tháo lồng chim ra, xách xuống bờ ruộng ngồi. Đám cỏ bị động, vài ba con cào cào phóng ra rồi đáp xuống lá cỏ nào đó ẩn thân.
Ông nói với con chim: Mày có muốn tự do bay nhảy tự bắt cào cào ăn không? Chúng sống sít tươi ngon đấy, nhưng mà mày phải bắt được chúng. Vấn đề là mày bắt được hay không! Ông thả con chim ra đồng trống. Thời tiết lúc ấy không tệ, hơi nắng, có gió hiu hiu. Con chim bay nhảy loanh quanh, cào cào búng nhảy lung tung quanh nó, như thể chúng đùa chơi với nhau, chứ không phải con này săn bắt con kia. Ông cầm cái lồng săm soi. Ông có thể đạp dẹp nó trước khi quăng đi. Nếu không thì một thằng cha nào đó sẽ bắt được con chim rồi lại lượm được cái lồng, thì chỉ việc nhốt chim vào lồng, đâu lại vô đó. Nhưng nếu không có cái lồng thì khả năng con chim bị bắt lại vẫn rất cao: Nó quen ông rồi, nó dạn người rồi. Ông ngồi vơ vẩn với cái lồng trong tay một lát rồi đứng lên nổ máy xe, chạy về. Dọc đường ông muốn quay lại mấy lần. Ông chợt nghĩ một thằng nhóc nào đó bắt được con chim, nó không cần cái lồng, chỉ cần một nùi rơm và một mồi lửa đủ để nướng sống con chim. Ông muốn quay xe lại. Có khi thằng nhóc đó dùng ná thun bắn bể đầu chim trước khi con chim nhận ra người và chạy lại làm quen. Ông đã toan quay xe lại. Có khi con chim chết đói trước khi bị bắn hay bị bắt. Nó Không thể nào bắt được những con cào cào nhảy lóc chóc, nó chỉ biết hót trước những con cào cào đã bị vặt chân. Ông muốn quành xe lại lắm và đã toan quành lại mấy lần. Nhưng chiếc xe cứ chạy thẳng vào trung tâm thành phố. Ông treo cái lồng không có chim vào chỗ cũ chỉ vì không biết để nó ở chỗ nào khác. Vợ ông tán thành vì con chim khôn tất sẽ bay về lồng cũ. Ông không trông nó bay về. Hay là ông cũng có trông nó trở về? Có một buổi sáng ông chợt nghe một tràng líu lo tha thiết cái tiếng chim quen thuộc, ông thức dậy ra hàng hiên ngó cái lồng không chim. Thì ra ông chiêm bao, hay mơ tưởng tiếng chim đó mà. Như vậy là ông có mong nó trở về hay không? Ông đã quen tiếng chim, ông nhớ nó rồi. Ông mong nó về lại hót trong lồng, hay là ông mong nó tự do bay nhảy ngoài đồng, tự bắt cào cào ăn? Nó có tự bắt cào cào ăn rồi thôi hót? Hay nó hót rã họng rồi đói chết giữa đất rộng trời cao? Có thể tất cả đều xảy ra với nó: Hót, bắt cào cào, rồi bị mắc bẫy hay trúng đạn, hoặc đã trúng đạn hay mắc bẫy trước khi kịp làm hai điều trên. Thôi kệ, chỉ là một con chim nhỏ xíu trong trời đất bao la này. Ông sống tiếp cuộc đời của ông, tưởng không có gì để nói thêm. Chỉ có điều ngày này qua tháng nọ, dần dần, từ từ, từng chút một, trong chốn sâu thẳm của tâm hồn, ông nhận ra rằng, không phải tự do, không phải miếng ăn, không phải mạng sống của con chim làm ông đau âm ỉ mãi. Trái tim ông trở nên mong manh, có khi quặn thắt lại, có khi nghẹn ngào bâng khuâng, bởi vì sống gần xong cuộc đời, ông biết mình có yêu. Ông đã yêu một sinh vật nhỏ bé thuộc về một thế giới khác, với những phạm trù triết học khác, không có cái gì chung để chia sẻ với ông.

Xem Tiếp: ----