Ông đại tá cho gọi viên sĩ quan cận vệ của mình lên. − Báo cáo thượng cấp. Tôi đại úy Trịnh Duy Khiêm, có mặt theo lệnh gọi. − Được! - Ông ta khoát tay ra hiệu - Ngồi xuống đó đi! − Thưa đại tá, chắc là ông có chuyện chi cần dạy bảo... - Đại úy Khiêm rụt rè hỏi. Gạt tập hồ sơ sang một bên, đại tá Đinh nhìn cấp dưới bằng ánh mắt thân thiện. − Chỉ thuần túy là chuyện gia đình thôi. Tôi muốn vợ chồng anh dọn về ở cùng với chúng tôi. 'Chúng tối ở đây gồm ông đại tá và đứa con trai độc nhất của ông cùng bà vú nuôi. Vợ Ông ta đã chết cách đây không lâu vì một chứng bệnh ngặt nghèo. − Thưa đại tá, tôi chỉ sợ làm phiền... vì chúng tôi có các cháu nhỏ. − Không hề gì! Ông ta xua tay lắc đầu – Càng vui vì lũ trẻ sẽ có bạn bè để chơi đùa. Không tiện từ chối, và cũng khó mà từ chối trước một đề nghị đầy ân huệ như thế, vợ chồng viên sĩ quan cận vệ đã dọn về ở chung với cấp trên của mình. Ai cũng nghĩ rằng, đại úy Khiêm phen này sẽ lên như diều gặp gió, bởi có mấy ai được chiếu cố một cách đặc biệt như vậy. Quả đúng như lời người ta đoán. Chẳng mấy chốc mà chàng đại úy đã súng sính trong bộ quân phục mới với chiếc lon thiếu tá trên vai áo. − Xin đa tạ Ông... tôi sẽ hết lòng phục vụ... - Trong buổi tiệc rửa lon thiếu ta Khiêm đã hoan hỉ nói với ân nhân của mình như thế. − Có gì đâu! Nếu muốn, anh còn có thể tiến nhanh hơn nữa - Giọng nói của ngài đại tá đầy ngụ ý. − Tôi tài hèn sức mọn, nếu không được thượng cấp nâng đỡ thì làm gì có được ngày này! Nếu đại tá cần, tôi sẵn sàng xả thân. − Anh đừng quá khiêm nhường. Công lao duy nhất của tôi là đã phát hiện ra anh. Còn cân nhắc là việc của cấp trên. Họ làm việc rất tâm đầu ý hợp. Ít lâu sau, ông đại tá chợt phát hiện ra người hậu cần của mình còn có một khả năng tiềm tàng khác hơn là khả năng làm một người cận vệ. Cầm quyết định thuyên chuyển trong tay, thiếu tá Khiêm rưng rưng bảo cấp trên: − Tôi không muốn thuyên chuyển sang đơn vị tác chiến... xin đại tá can thiệp giùm. Đại tá Đinh vui vẻ vỗ vai cấp dưới: − Anh đừng lo! Tư lệnh mặt trận là bạn thân của tôi. Ở bên đó, anh cũng sẽ được nâng đỡ. − Nhưng... chiến cuộc đang hồi ác liệt. Tôi sợ... chuyện đạn bom, ai mà biết trước được... chỉ lo cho nhà tôi và các cháu còn nhỏ dại. − Anh yên tâm! Tôi hứa sẽ lo chu toàn. Biết đâu sang bên ấy rồi chẳng mấy lúc chúng ta là đồng cấp của nhau. Được trấn an bằng bao nhiêu lời lẽ đáng tin cậy nên thiếu tá Khiêm đành phải ra đi! − Em cứ ở đây! - Khiêm bảo vợ - Thời buội loạn lạc này biết đâu mà lường. Thân đàn bà con gái ở một mình không xong đâu. − Nhưng... không có anh, em ở đây... kỳ lắm! − Không sao đâu! Còn vú nuôi của thằng Dân đó chi? Với lại đại tá Đinh là người đàng hoàng xưa nay. Em đừng ngờ mà có lỗi với người ơn của mình. − Thôi thì sao cũng được! Em chỉ sợ anh ra ngoài ấy... chuyện rủi may không biết lúc nào. Anh mà có bề gì, chắc em không sống nổi? Nhìn người vợ trẻ giọt ngắn giọt dài, thiếu tá Khiêm cũng thấy bùi ngùi. Ông ôm nàng vào lòng: − Yến nhi này! Em cứ vững lòng... Không nguy hiểm như em vẫn tưởng đâu! Với lại, thượng cấp mới của anh là bạn thân của ông đại tá. Yến Nhi úp mặt vào ngực chồng thổn thức. − Không có anh em biết sống làm sao đây? Một thân, một mình... Ôi khủng khiếp quá! Họ đã có 15 năm chung sống, nhưng giây phút đó, tưởng vẫn như lần đầu... người lính sắp ra trận trút hết nỗi niềm trong lần ân ái tiễn biệt. Một năm sau, thiếu tá Khiêm có mặt trong đoàn quân đánh thuê bị đày đi biệt xứ. Đó là cuối năm 1937, chiến tranh thế giới đã có mòi rục rịch. Tin nhà nhắn sang 'mẹ con Yến Nhi đã dọn sang nhà mới do ông đại tá cấp chó Thôi thì như vậy cũng được. Miễn sao nàng và các con được bảo bọc vuông tròn. Nghe đâu hai nhà vẫn ở cạnh nhau. Hơn năm sau, Khiêm bị thương nặng trong một trận chiến ở Ai Cập. Tưởng mình khó sống, ông không báo tin cho vợ con ở quê nhà. Một sự may mắn đã cứu sống viên sĩ quan. Chỉ sáu tháng sau, thiếu tá Khiêm đã trốn xuống con tàu, tìm đường trở về. Con tàu mang quốc kỳ Pháp cập bến cảng quê hương của Khiêm lúc nửa đêm. Một người bạn bảo Khiêm: − Cứ ngủ cho khoẻ rồi sáng mai hãy lên bờ. − Một giây nữa thôi, cũng không thể được! Tôi đi ngay bây giờ đây. Phố xá vắng hoe không một bóng người. Anh chồng nhớ vợ, người cha thương con bươn bả đi trong cái tĩnh lặng của Sài Gòn thời đó. Anh sung sướng đến lịm người khi nghĩ đến cảnh chỉ một lát nữa thôi sẽ được ôm nàng vào lòng. Hẳn nàng và các con sẽ ngạc nhiên lắm? Không sao đâu! Điều đó chỉ càng làm cho hạnh phúc thêm say đắm, nồng nàn. Theo lời chỉ dẩn của mấy người bạn, thiếu tá Khiêm đã nhận ra ngay ngôi nhà 'của mình'. Nó nằm kế bên ngôi biệt thự lộng lẫy của ông đại tá, trông có vẻ nhỏ bé, nương dựa... − Đúng đấy! Ông cứ gọi cửa. Một anh xe kéo đang ngồi ngủ bên vệ đường trả lời bằng giọng ngái ngủ nhưng rất nhiệt tình. Không gian yên ắng, tĩnh lặng quá! Người chồng vừa cầm chiếc dùi sắt định đập vào cánh cổng, bỗng bần thần hạ tay xuống. Ông sợ mình sẽ làm kinh động giấc ngủ của vợ con. − Ủa! Sao ông không đập cửa đi? – Anh kéo xe ngạc nhiên hỏi. − Tôi đã có cách... Thế là ông ta đu người lên cánh cổng sắt, thoát một cái đã lọt vào bên trong. Ngôi nhà không chỉ như bên ngoài ông đã nhìn thấy. Một lối đi rộng dẫn vào nhà. Dưới bóng tối lờ mờ ông đã không giấu được vẻ ngạc nhiên. Hẳn Yến Nhi phải mất nhiều công sức để chăm sóc những chậu hoa, những thảm cỏ này. Tội nghiệp nàng quá... À có một mùi hương gì thật quen thuộc thoang thoảng đâu đây. Phải rồi... đó là mùi hoa ngọc lan bên kia nhà ông đại tá... Nó giống như ơn huệ mà ông đã ban ra, thấm dần sang cả bên này. Giờ thì ông ta sẽ gọi cửa. Chắc hẳn chỉ một phút sau, thiên thần của ông sẽ xuất hiện. Nàng mặc một chiếc áo ngủ bằng voan trắng mỏng manh như da thịt nàng... và giá như không có các con, ông sẽ cùng nàng tận hưởng ngay những giây phút thần tiên sau bao ngày xa cách, tận hưởng ngay giây phút đầu tiên gặp lại. Chỉ nghỉ đến vậy thôi, người đàn ông dã ba năm vắng vợ, xa con bỗng nghe râm ran từng thớ thịt. Ông tựa người vào cánh cửa khoan khoái mỉm cười. Chợt như có phép lạ. Thà là người ta đừng quá tin tưởng đến độ mù quáng... Và thà kẻ ra đi đừng bao giờ trở lại... thì kết cục đã không thảm như thế... ... Bao giờ cũng vậy, cứ hễ nghe đến đây thì đứa con, giờ đã trở thành một người cha, lại phải nhỏ mấy giọt nước thuốc trợ tim vào chiếc ly để sẳn một bên. − Ba uống đi... và hãy nghỉ ngơi một chút... xúc động quá sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe... − Không sao đâu con! - Ba quen rồi. Người cha khẽ lắc đầu. Có lẽ ông đã quen thật rồi..bởi nếu không như vậy thì chẳng ai lại có đủ can đảm để làm cái việc tự mình cầm dao cứa vào da thịt mình!