Cuộc sống nhiều khi không cần phải có sự thay đổi, như con nước cứ đều đặn lên xuống mỗi ngày, như dòng sông cứ mải miết trôi về phía biển. Bao nhiêu năm nay Trầm đã quen với việc trong nhà mình chỉ có ba người phụ nữ: bà ngoại, mẹ và Trầm. Ba người ba tính cách khác nhau cùng bổ sung, nâng đỡ cho nhau. Bà ngoại là người luôn luôn đưa ra những quyết định sau cùng cho mọi việc, nhưng đó là lúc ngoại còn trẻ. Bây giờ ngoại đã già, người già thường trái tính, trái nết nên ngoại lại là người được chiều chuộng, nâng niu nhất. Người chịu trách nhiệm về mọi việc lại là mẹ, bây giờ mẹ là người có những quyết định sau cùng.Nghĩ về mẹ, bao giờ trong lòng Trầm cũng dào dạt một tình yêu thương nồng nàn. Trầm thương mẹ, điều đó là tất nhiên, nhưng hình như còn hơn như thế. Trầm chưa bao giờ đo đếm rằng mình yêu mẹ như thế nào, chỉ biết là không bao giờ Trầm nỡ làm cho mẹ phải buồn. Từ khi lớn lên, hiểu biết nhiều điều khác hơn những câu chuyện cổ tích, từ khi biết thắc mắc với mẹ: "Sao nhà mình không có bả", từ khi mẹ trả lời rằng: "Ba đã có một ngôi nhà khác", Trầm đã hiểu rằng mình phải yêu mẹ nhiều lần hơn những đứa trẻ khác yêu thương mẹ của họ.Mẹ của Trầm vừa là người kiên cường và mẹ cũng lại là người thật yếu đuối,Trầm tự hào mình là người hiểu mẹ trong từng ý nghĩ của bà. Mọi việc trong nhà một tay mẹ lo lắng, từ những bữa cơm với những món ăn hợp khẩu vị cho từng người đến những công việc đáng lẽ chỉ dành cho người đàn ông, mẹ đều làm thật tốt như nhau. Chưa có ai phục mẹ mình như Trầm, mấy cái ghế trong nhà bị long chân là mẹ tay búa tay đinh, đóng lại rành rẽ như một người thợ mộc chánh hiệu. Cũng đôi bàn tay ấy mẹ có thể may một cái áo hoặc thêu một tấm khăn bàn thật đẹp. Mỗi khi trong nhà có sự cố, tiếng đầu tiền Trầm gọi là: "Mẹ Ơi" - Mẹ Ơi, bóng đèn bếp cháy rồi. Mẹ Ơi, sao bàn ủi không nóng nữa. Mẹ lại lặng lẽ tháo ráp, bóng đèn lại sáng, bàn ủi lại nóng. Có người khen mẹ đảm đang, mẹ chỉ cười bảo: "Nhà không có đàn ông, mình phải làm thôi".Nhà không có đàn ông, bao nhiêu năm rồi, ngày qua ngày, năm qua năm, thời gian cứ trôi và Trầm lớn lên. Trầm hỏi: "Vì sao ba với mẹ chia tay nhau". Lý do của mẹ thật đơn giản: "Vì mẹ không thể xa bà ngoại". Câu trả lời của mẹ không thuyết phục được Trầm và càng làm cho Trầm không có một ấn tượng sâu sắc nào về bạ Dằng dặc gần 20 năm không có lấy một lá thư, một lời nhắn nào chứng tỏ rằng ông vẫn nhớ mình còn có một đứa con gái. Nhìn bạn bè mình có một người cha để được nâng niu, chiều chuộng, để thỉnh thoảng tự hào khoe khoang, Trầm thật tủi thân. Có thể mẹ cũng hiểu nên có lần mẹ nói với Trầm: "Đừng trách ai, mỗi người có một nỗi khổ riêng". Lâu dần rồi Trầm cũng quên là mình có một người cha.Vậy mà người ấy lại xuất hiện, chiều hôm qua nhà Trầm có khách. Đi học về, Trầm thấy một người đàn ông và một đứa con trai ngồi trong phòng khách, Trầm gật đầu chào và bỏ vào phòng riêng thì mẹ gọi lại. Mẹ nói với Trầm thật bình thường: "Có ba con ghé thăm". Câu nói của mẹ chỉ như một lời thông báo nhưng nó đã làm con tim của Trầm nhói đau. Trầm nhìn sững ông ấy một lát rồi cố lại gật đầu chào và bỏ vào trong nhà. Trầm mở toang cánh cửa sổ, cơn gió đột ngột ùa vào làm cho cô rùng mình nhưng Trầm vẫn cảm thấy đôi má nóng bừng. Điều gì làm cho ông ấy chợt nhớ đến mẹ con Trầm mà tìm đến thăm? Trầm thật cố gắng vẫn không sao xua đi cảm giác căm phẫn trong lòng. Trầm nhìn ra vườn, nơi cây hoa ngọc lan đang tỏa hương thơm ngát, mẹ bảo: "Hãy như đóa hoa kia lặng lẽ tỏa hương mà không biết mình đang làm cho đời đẹp hơn, người ta yêu hoa vì thế". Trầm cứ ngồi yên trong phòng mặc cho mẹ gọi mấy lần. Đến khi mẹ mở cửa bước vào, Trầm mới hay trời đã chập choạng tối.Bữa cơm tối lặng lẽ hơn mọi ngày. Trầm không huyên thuyên kể chuyện trường lớp mà cứ cúi mặt trên chén cơm, đôi đũa cứ xới mãi như muốn tìm một thứ gì dưới những hạt cơm trắng. Ngoại là người đầu tiên lên tiếng:- Thằng Vĩnh tới đây làm gì?- Ảnh dẫn con trai đi thi, luôn tiện ghé thăm con Trầm.- Bao nhiêu năm rồi không thấy sao giờ còn bày đặt tới thăm?- Ảnh nói cho chị em nó biết nhau.Bà ngoại hứ một tiếng lớn rồi bỏ đũa xuống bàn:- Có quan hệ gì mà đòi biết nhau.Khi chỉ còn hai mẹ con trong bếp, mẹ nói với Trầm:- Chuyện cũ rồi, con đâu cần tỏ thái độ như thế. Ông ấy nghĩ cũng đúng, chị em phải biết nhau.Trầm nói nhanh: "Con không cần".Buổi tối, Trầm ngồi vào bàn mà không hiểu một điều gì trong trang sách. Bảo với mẹ rằng mình không cần nhưng Trầm không thể đừng nghĩ đến cuộc viếng thăm hồi chiều. Trầm không thấy xúc động như mình vẫn tưởng tượng, cũng không có gì bi thương như trong tiểu thuyết diễn tả. Chỉ thấy trong lòng xót xa khi nghĩ đến sự vắng mặt của ba từ 20 năm naỵ Lúc sổ mũi, ốm đau, khi gặp những khó khăn chỉ có mẹ khổ sở, lo lắng. Bao giờ cũng chỉ là hai mẹ con, ngày mưa và ngày nắng, tháng này rồi năm khác đã trôi quạ Bây giờ, ba xuất hiện cùng với đứa con trai, phải là thương yêu chiều chuộng lắm nên ông mới đưa nó đi thị Nó là con trai, còn Trầm là con gái, từ nhỏ Trầm đã phải tự lo mọi thứ, mẹ vất vả với chuyện áo cơm đâu thể quản thêm mọi việc cho Trầm. Ngay cả chuyện vào Đại học của Trầm, giấc mơ được đến một thành phố lớn, thi vào Đại học Y, Trầm cũng đành gác lại vì không muốn mẹ vất vả hơn. Trầm thi vào Cao đẳng ở quê mình. Mẹ hiểu như vậy nhưng cũng chỉ biết động viên con gái vài lời, những lúc ấy ba ở đâu?Ba và con trai lại đến. "Họ" ngồi nói chuyện với mẹ Ở phòng khách, Trầm lánh mặt và lần này mẹ không ép. Họ về rồi mẹ chỉ nói với Trầm một câu: "Lá rụng về cội, muốn hay không thì ông ấy cũng là cha của con". Câu trả lời của Trầm ở ngoài suy nghĩ của cô: "Con đâu phải là chiếc lá".Lần sau ba đến khi Trầm có một mình ở nhà, ngoại sang nhà dì Năm, mẹ đi làm chưa về. Ba tự nhiên ngồi ở chiếc ghế ông đã ngồi lần trước, nhẹ nhàng gọi Trầm: "Con ngồi xuống đi. Sao con tránh mặt bả". Trầm đan hai tay đặt trên gối, cúi mặt nhìn chằm chằm lọ hoa trên bàn, đóa hoa cầm chướng sắp úa màu vì mấy ngày rồi không được thay nước. Ba hỏi mấy câu, Trầm cố tình không nghe và không trả lời tiếng nào. Hai cha con ngồi im lặng, Trầm nghe tiếng thở dài của bạ Lạ thay Trầm không thấy hả lòng dù biết rằng mình đã tỏ được thái độ chống đối ba.- Ba không biết phải nói gì, đúng là ba có lỗi với con. Ba không biện minh cho mình, cũng không có ý bảo con đừng giận ba, ba chỉ muốn được đối diện cùng con và con nhận ba là ba của con.Sự ngoan cố của Trầm có hiệu quả, ba bất lực nhìn đứa con của mình nhất định không nói lời nào. Nếu mẹ về chậm một chút nữa thì Trầm cũng không có đủ can đảm để ngồi lại cùng bạ Đêm về, mẹ sang ngồi với Trầm, lùa cả hai bàn tay vào mái tóc dày, mượt mà của con gái, mẹ nói:- Mẹ hiểu phản ứng của con, nhưng phải biết mở lòng mình ra Trầm ạ! Ba không có lỗi gì trong chuyện chia tay với mẹ. Ngày ấy mẹ còn quá trẻ không hiểu hết là làm vợ phải như thế nào. Mẹ không phải hoàn toàn không có lỗi.- Nhưng con cũng đâu có lỗi, sao cứ như một đứa con mồ côi.- Con còn có mẹ mà.- Thì đó, con chỉ có mẹ thôi.- Đừng nên như vậy con. Ông ấy cũng khổ tâm, khi có tuổi rồi người ta hay nhìn lại mình. Có lẽ ba của con đang ân hận vì đã vô tâm với con.Mẹ thở dài. Ông ấy cũng thở dài. Trầm hỏi:- Vậy mẹ có buồn không?Mẹ không trả lời.Bao giờ cũng vậy, mẹ kín đáo đến mức không ai hiểu được rằng bên trong sự cương nghị, cứng rắn là một tâm hồn yếu đuối. Trầm dựa cằm trên vai mẹ:- Mẹ lấy chồng đi mẹ, sống cô đơn buồn lắm mẹ ạ!- Hôm nay sao lại hỏi như thế nhỉ? Con lớn rồi hả Trầm?Bàn tay mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc Trầm, hai mẹ con ngồi yên thật lâu, Trầm tựa cằm trên vai mẹ, nghĩ đến ba lòng rưng rưng muốn khóc.Hắn tìm đến ngoài dự kiến của Trầm, lúc Trầm dắt xe ra khỏi cổng trường, hắn bất ngờ đứng trước mặt Trầm - "Chị Trầm". Không hiểu sao Trầm lại chịu nghe lời đi theo hắn vào quán nước dọc bờ biển. Hắn chọn cái bàn sát với bãi cát, đàng hoàng kéo ghế cho Trầm rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Đôi mắt hắn dài và đen y như đôi mắt của ông ấy.- Em tên Huy, Vĩnh Huy.Trầm khoáy nhẹ chiếc muổng trong ly nước, im lặng nhìn hắn. Hắn nói chuyện như đã quen Trầm từ lâu và không có ý định chờ đợi phản ứng của Trầm.- Em vừa thi xong môn cuối cùng chiều naỵ Ba bảo em về nhưng em muốn nói chuyện với chị trước khi về nhà. Con bé An dặn kỹ rằng em phải gặp được chị xem chị với nó ai đẹp hơn. Em gái út của chúng ta tên Vĩnh An. Nó giống mẹ em hơn, còn chị rất giống ba, chị có bao giờ soi gương và biết như thế không? Ba thường nói với em về má - bọn em gọi mẹ chị là má - ba bảo má rất hiền, lại xinh đẹp. Em vẫn hình dung chị cũng như má, hiền dịu và xinh đẹp. Nhưng chị làm em thất vọng, chị cứng rắn hơn em nghĩ, chứng kiến cảnh chị gặp lại ba mà em đau lòng. Sao chị lại nỡ đối với ba như thế, ba là ba của mình kia mà.Trầm ngạc nhiên mở to mắt nhìn thằng bé, nó mới 17, 18 tuổi gì đó mà lên tiếng dạy khôn Trầm như một ông già. Không hiểu sao Trầm không giận hắn, cô chỉ thấy buồn cười. Hắn nhìn Trầm như thăm dò và có lẽ hắn cũng bị hẫng trước thái độ của Trầm.- Ai bảo… nói với tôi như vậy?- Thì chị cứ gọi em là em không được sao? Em tự nghĩ ra những điều mình nói.Trầm nhìn ra phía biển, mặt biển chiều mùa hè chỉ lăn tăn vì không có gió. Biển xanh ngắt, chỉ có vài con sóng nhỏ sủi bọt trắng đuổi nhau chạy vào rồi lại ra khơi. Cô nói mà không nhìn hắn:- Em không hiểu đâu.- Có thể em không hiểu hết nhưng em biết chị đang ganh tị với em.Trầm lại nhìn hắn, cũng là lạ Trầm không thấy ghét hắn như mình nghĩ, nhất là khi hắn nói đúng ý nghĩ của mình.- Chị nghĩ lại đi, đừng đối với ba như vậy. Muốn hay không thì một nửa tên chị là tên của ba.Mọi chuyện như lại không có gì xảy ra, chuyện viếng thăm của ba không làm thay đổi gì trong căn nhà của ba người. Ngoại với mẹ không nhắc đến lần gặp ấy nữa chỉ có Trầm là vẫn nhớ lúc ba đến từ giã. Hôm ba và hắn đến chào, Trầm vờ như không nhìn hắn nhưng cô vẫn cảm nhận được đôi mắt trách móc của hắn. Trầm không thể ép lòng mình chiều theo thứ tình cảm mà cô không có. Dẫu sao cuối cùng cô cũng nói được một lời: "Dạ. Ba về".Nếu lớn hơn một chút hắn sẽ hiểu tình cảm không phải tự nhiên mà có, dẫu ấy là tình ruột thịt thiêng liêng. Do vậy Trầm cũng không muốn mình chỉ là chiếc lá đợi vàng rồi rụng. Trầm sẽ tìm về quê nội, thăm bà, thăm hắn và bé An để xem giữa Trầm và cô bé kia ai đẹp hơn. Trầm tự cười và cảm thấy lòng nhẹ nhàng, không còn cảm giác căm ghét ba hay ganh tị với hắn. Trầm không hiểu vì sao, có lẽ chính là vì sự ràng buộc thiêng liêng đó ư?Cuối cùng thì không có gì thay đổi, cuộc sống vẫn trôi qua theo ngày tháng cùng những buồn vui, cuộc sống vốn dĩ như thế. Lần nữa mẹ lại đúng khi nói rằng: "Hãy cứ là hoa cho hương bay đi", như cây hoa ngọc lan ở góc vườn vẫn lặng lẽ tỏa hương thơm ngát.(Nha Trang)
Hết