Ngoài cửa sổ có cành cây thưa lá đong đưa, tựa tay dong vẫy chào. Dường như gió luôn lùa qua và mặt trời thì vẫn dấu mặt từ hai hôm nay. Những tảng xi măng xám chận bít tầm nhìn, dãy nhà bên kia đường buồn câm như thứ sắc màu của một trần mây thấp, nặng trĩu nước? Khuất lấp từ đâu đó, có tiếng rì rầm cùa từng chuyến tàu điện băng ngang; tiếng kêu nghe bất thường cùa đàn quạ đen luôn khuấy động vào trí óc những điều không mấy vui. Hơi thảng thốt.
- Dậy sớm thế? Bên chỗ ông ở giờ này mới có hai giờ sáng.
Gia chủ mặc pyjama xộc xệch, vừa đi ngang và chấm dứt câu nói bằng cách đóng lại cánh cửa phòng vệ sinh. Những con quạ vẫn còn khản tiếng, như bài kinh cầu đọc chưa xong, trượt xuống từ những mái ngói đầy rêu xanh. Hai giờ sáng? Ở bên ấy hắn không nghe quạ kêu. Métro thì hoàn toàn di chuyển êm thắm dưới lòng đất chứ không trồi đầu lộ thiên như ở đây và người ta sẽ chẳng thể đứng dòm trời ngó đất giữa canh khuya được. Nằm trên giường, vùi mặt vào chăn gối, đợi bình minh gọi bằng thứ ánh sáng gắt gao của một ngày hè. Và ngày hè thì rỗi việc đến độ bần thần. Hắn muốn đánh đổi, muốn làm khác đi nên đã tom góp được ít tiền và chiếc vé máy bay British Airways khứ hồi làm hắn chóng mặt. Đang cao điểm, mùa du lịch. Bạn chẳng thể mua ở đâu với giá rẻ hơn. Người ta nói thế. Hỏi có - Ô kê-?không? Hắn - đắc co- và giờ này hắn đứng đây nghe quạ kêu giữa bầu trời xám đặc màu chì, nơi mà thời gian chạy trước chốn vừa rời đi những năm giờ sai biệt. - Mặt trời không bao giờ tắt trên đất nước Anh!. Câu nói thật quyền hành, thật cha chú. Sương mù sẽ chẳng tan trong đầu óc của những tên địa chủ.
- Muốn đi thăm thú mọi nơi ông phải ở đây khoảng một tuần.
Gia chủ đi ra, tiếng nước trong bồn cầu còn chảy xuống, rầm rộ đuổi theo sau lưng. Đầu bù tóc rối, những chữ ấy không chỉ nhắm vào thành phần năng nổ lao động. Bạn hắn vừa thức giấc sau giấc ngủ và dẫu có mộng lành, người nằm trên giường thường không ngồi dậy với một đầu tóc ngó thẳng thớm. Có thể hắn góp phần làm nguyên nhân tạo cho mái tóc ấy rối thành một ổ quạ? Hắn đã từ xa tới dừng chân xin trú ngụ, làm xáo trộn sự bình thường mà người ta cất công tạo ổn định từ nhiều năm.
- Ông sang đây bao lâu rồi? Hắn hỏi.
- Hơn mười năm. Cho là vậy đi, tôi ngờ vực trí nhớ mình lắm. Tôi ngại sự hồi tưởng.
- Tôi cũng thế. Tuy vậy tôi còn nhớ một điều:
Chúng ta xa nhau đã hai mươi năm!
- Dữ vậy à? Đời sống là cái quái quỉ gì vậy? Hai mươi năm, nếu nghịch sớm, giờ này đã có cháu nội cháu ngoại đầy đàn rồi!
Gia chủ tóc đã điểm sợi bạc. Bụng đã lớn và có điều gì đó cướp mất sự linh hoạt nơi điệu bộ. Người Tàu họ thật hồ đồ trong những ví von, định nghĩa. Tri thiên mệnh là cái khỉ mốc gì? What the Hell...
- Ngọc ra sao? Bạn hắn lên tiếng khi xây lưng pha chế cà phê.
- Tôi không biết rõ, bởi vậy tôi sẽ đi thăm cô ấy.
- Thì ít ra ông cũng nắm bắt được một vài điều chứ? Về gia cảnh cô ta chẳng hạn.
- Ngọc đã ly dị, đang ở với một đứa con.
Cà phê giọt ngắn giọt dài chảy xuống từ phin lọc. Muỗng, đường, sữa... mọi thứ đều nằm sẵn ở bàn. Chiếc bàn rộng, còn bày ở đấy hai ba lon trà Đài- loan, quà hắn mang sang. Những cuốn sách, đa phần đã cũ, nằm xa tầm tay với. - Luân đôn- không hề có một hiệu sách của người Việt. Và người ta hãnh diện đó là thành phố mà bạn không tài nào nhìn ra một sợi giây điện giăng ngang. Mọi thứ đều được cất dấu vén khéo dưới lòng đất. Tựa con đường hầm băng qua eo biển mà hắn sẽ chui đi thăm Ngọc, qua tuốt bên Paris.
Hắn ngồi xuống ghế, ánh sáng ngoài cửa luôn yếu đuối vậy mà hắn thấy rõ một hàng chữ in trên gáy sách:
La porte étroite. - Bạn hãy mạnh dạn đi vào khung cửa hẹp... André Gide nói nhiều điều thú vị, nhưng chẳng phải là tác giả câu:
- Hành lý nặng nhất của kẻ lữ hành chính là cái ví không tiền. Nặng, nặng lắm. Hắn đã mỏi nhừ đôi chân.
- Dạo đó, vì cớ gì ông và Ngọc phải chia tay?
Cà phê thơm tho xộc vào mũi. Chẳng có mùi gì thích hợp cho một đầu ngày bằng hương cà phê cả. Hắn gầm đầu vào tách nước đen sóng sánh. Ngọc cũng có một mùi hương tiềm ẩn nơi da thịt, nhưng đó gần là thứ hương dạ lý. Mùi của đêm hôm, của bóng tối. Có Ngọc kề cận, đêm sẽ ngạt ngào hơn, đằm thắm hơn; bóng tối sẽ dịu dàng hơn, huyền hoặc hơn, ngất ngây hơn.
- Dạo ấy tôi tập tành viết văn, có thể đó là nguyên cớ khiến gia đình Ngọc lãnh đạm ra mặt. Tôi thích nhất câu nói tát nước của ông bố Ngọc:
- Bố mẹ mày, đồ bán trời không văn tự. Thứ nghèo đói mà luôn lếu láo.
- Ồng chết rồi phải không?
- Tôi không biết. Có lẽ vậy. Người ta chẳng thể sống lâu với sự bẳn gắt đeo bên lưng gần như thường trực.
- Ông ta sẽ khác đi nếu có một thằng rể là bác sĩ kỹ sư.
- Tôi hy vọng thế.
- Chồng cũ của Ngọc làm gì?
- Nha sĩ.
- Vậy thì ít ra khi về già, ông bố của Ngọc sẽ có một hàm răng giả được tặng không, miễn phí.
Gia chủ nói, có vẻ mỉa mai, có vẻ so sánh. Làm như một thằng văn sĩ sẽ không giúp ích được cho một ai, suốt cả cuộc đời. Hắn nhấm nháp cà phê, nghĩ tới câu khôi hài từng đăng trên báo:
- Đừng dại uống cà phê-?ở London. Bạn không thấy sao, nếu ngon, dân Anh đã không nghiện trà?!
- Mấy giờ ông phải đến hãng?
- Tôi khai bệnh. Tôi không đành lòng để cho ông phải chịu vất vưởng một mình ở xứ lạ.
- Nghe như ông đang trò chuyện với một con ma. Như tôi là một oan hồn chưa siêu thoát.
- Tôi nói điều này ông đừng ái ngại.
- Về Ngọc? Hay một nhận xét về con người tôi?
- Về nhiều thứ... Ông tin chuyện ma không? Trong đời ông từng thấy qua người của cõi âm chưa?
Treo trên vách là bức ảnh đen trắng đóng khung một khuôn mặt phụ nữ. Người ấy đã thật sự khiếm diện, đã về với đất lạnh; đã làm căn nhà này trở nên quạnh quẽ toàn phần. Hắn nhìn lên, cảm nhận một nỗi buồn lẫn khuất.
- Tin. Tuyệt đối tin. Ngày mai tôi đi Paris rồi, cho tôi giữ kỷ niệm đẹp về ông, chớ kể những điều chẳng mấy vui.
- Nhát gan! Sao yếu bóng viá thế? Vợ tôi luôn là người không bao giờ làm phật lòng một ai. Đêm qua ông ngủ ngon, có phải thế không?
- Không.
- Vì sao?
- Giờ giấc thay đổi. Lạ chỗ nằm. Những chuyện xưa cũ liên quan tới ông bỗng chốc ùa về và nhất là nghe được giọng Ngọc trong điện thoại. Tôi trằn trọc, tôi nhớ những thứ vụn vặt về Ngọc. Chưa bao giờ trí nhớ tôi trở nên minh mẫn đến dường ấy.
- Tôi nghe phong thanh những điều không mấy hay về Ngọc. Cô ta sống có vẻ buông thả.
- Vậy sao?
- Sau khi vợ tôi mất, nhiều người có ý muốn giới thiệu cho tôi một vài cô bạn gái. Ai tốt ai xấu, cô này ra sao bà kia thế nào, họ biết rành rọt hết ráo. Người mình quả thật kỳ lạ. Thảy một phường công an! Trong cái danh sách bá tánh thập phương ấy có ai loáng thoáng nhắc tới Ngọc. Ông hiểu không?
Hắn thắp một điếu thuốc, thở khói xuống mặt bàn. Ngọc cũng hút thuốc, một đôi khi. Điều đó có phải làm xấu đi, bôi mờ cái hạnh kiểm của một người đàn bà?
- Ông có vẻ đăm chiêu? Chắc tôi chớ nên rườm lời. Ông sẽ gặp Ngọc, trực giác của một nhà văn sẽ bày ra cho ông một nhận xét đúng đắn nhất.
- Cám ơn ông. Tôi cũng không tò mò để hỏi rằng, ông đã có một cô bạn mới chưa?
- Mệt mỏi. Tôi chỉ biết trả lời có vậy thôi. Ở Soho, trên khu phố Tàu có những ổ nhện. Nếu cần, tôi lên đó chọn lựa và trả tiền sòng phẳng chuyện mua bán xác thịt. Thật khỏe trí. Nghĩ tới hò hẹn, đấu láo, diễn kịch, giả dối và thề nguyền. Của cải và sự chia chác phân công tiền chợ tiền nhà... Mọi thứ đó làm tôi sợ hãi. Một cái định nghĩa có thể chấp nhận được:
Càng về già người ta càng giống như trẻ thơ.
- Trẻ thơ là hạng tuổi chúa đòi hỏi, chưa kể đó là thành phần ưa táy máy tay chân. Ngồi một chỗ không yên, sờ cái này, thử bóp cái kia, ưa thọc tay vào những hang ổ; lỗ cắm điện chẳng hạn.
- Đấy, tôi sợ phỏng tay, sợ điện giật lắm rồi. Cho tôi xin hai chữ bình an!
- Tôi lại nghĩ khác, người ta đâm khó tính khi về già. Ưa bình phẩm, ưa bắt bẻ. Họ luôn để ý tới những tiểu tiết. Họ chẳng thể có được sự hồn nhiên như mấy đứa trẻ. Họ giống như những tờ giấy đã trải qua nhiều lần tái sinh.
- Ông ăn gì không? Bánh mì với trứng gà...
- Tôi không dùng điểm tâm, một tách cà phê và đôi ba điếu thuốc là đủ. Cầm cự cho tới trưa.
- Ở đây không bằng Paris, nói riêng về khoản ăn uống. Sang đó rồi, Ngọc sẽ tẩm bổ cho ông. Khi được tẩm bổ, được chìu chuộng, người ta sẽ bớt rắc rối khi nhìn ngó cuộc đời. Có đúng không? Hắn nhìn vào mặt bạn, chẳng đọc được điều gì lạ. Vẫn khuôn mặt xanh tái chứa nhiều nếp nhăn, những chân râu mọc tùy tiện. Đã hai ngày, hắn chưa ngó ra sự thư giãn có trên đó. Một gương mặt không hề thay đổi kể cả lúc bỡn cợt.
- Ông còn nhớ thằng Trí không?
- Trí nào?
- Lý ra ông phải biết nó hơn ai hết. Trí mà hồi xưa từng có chân trong đội bóng của Tổng cục Hoá chất đó.
- Trí nhớ tôi đã suy. Chịu! Tôi chỉ biết Cảng, biết Tổng cục đường sắt, biết đội tuyển Công an Hà nội...
- Đám tang vợ tôi có mặt Trí. Nó hiện ở Bỉ. Có dạo nó đi Paris về, mặc trên người chiếc áo T shirt và ưỡn ngực ra khoe:
Qùa của Ngọc đấy... Ông ưa nghe kể tiếp không?
Hắn uống hết những giọt đắng cuối. Lạnh, lợn cợn xác cà phê nhám hột trên đầu lưỡi. Bao thuốc Lucky chỉ còn một điếu.
- Tại sao không?
- Chiếc áo trắng, in công phu tựa hồ một bức tranh thuỷ mạc mà Ngọc cất công lựa mua ở trong một thương xá trên Avenue des Champs Élysées.
- Rồi sao nữa?
- Áo in nhạt hình thiếu nữ khỏa thân, một bên có hàng chữ Tàu viết thật bay bướm mà Trí thắc mắc không tài nào hiểu lấy nội dung.
- Ông thì sao? Ông đọc có được thông?
- Dĩ nhiên. Đó là câu nói nổi tiếng của vua Hán Vũ Đế:
- Năng tam nhật bất thực, bất năng nhất nhật vô phụ nhân. Nghĩa là:
có thể nhịn ăn trong ba bữa chứ không thể thiếu đàn bà trong một hôm. Trí nghe cắt nghĩa xong nó cười ré lên:
Ôi! Ngọc quả là người duy nhất đã hiểu thấu suốt tâm cang ta vậy!
Cánh cửa gương không đón nhận thêm ánh sáng, thủy chung vẫn là thứ màu nhợt nhạt, tựa hoàng hôn đang rơi. Tựa điềm báo một cơn mưa sẽ đổ ập xuống. Ngọn đèn vàng được bật lên, nó chiếm ngự mau cái không gian vuông vắn ẩm lạnh. Ánh sáng, tự nó như biết reo vui; hay tại mắt mình nhảy múa nhìn ra hết mọi sự vật đang ẩn náu?
Hắn đứng lên, cầm bật lửa đi lần ra cửa chính. Nơi đó, khuất sau một bức vách có dựng cái bàn thờ người vắn số. Thiếu phụ trong ảnh nhìn hắn bằng một nhãn tuyến long lanh, ngầm nói thật nhiều điều. Đôi mắt ấy đã nhắm lại khi tròn bốn mươi. Chịu hưởng dương mà không muốn hưởng thọ. Hắn thắp hương, cúi đầu. Tai nghe tiếng những con quạ còn xớn xác ở sân sau, như chúng muốn điểm danh sĩ số hiện diện. Hắn thực sự chưa già, chưa đi xong hạng tuổi tri thiên mệnh, nhưng khi cắm hương lên bàn thờ bằng những ngón run, hắn chợt hiểu một điều:
Giờ này quanh hắn, bạn bè chẳng còn ai đông vui. Thưa dần, hao hụt, khuất lấp, đổi thay. Phải thế không Ngọc? Hẹn gặp ở ga Paris Nord, lần cuối trong đời.
Hồ Đình Nghiêm - London, 20/7/02

Hết


Xem Tiếp: ----