Trời mưa vào giữa buổi chiều, cơn mưa được chuẩn bị từ nhiều ngày nên muốn trút xuống một lần khối nước to lớn từ trên bầu trời đầy mây đen kịt. Tôi may mắn kịp tấp vào một mái hiên trước một cửa hàng Internet, sự tình cờ thú vị để có cớ khỏi trở về nhà, ngôi nhà to lớn sang trọng nhưng buồn tẻ, không có hơi ấm của sự sống. Tôi là đứa không thích đổ thừa cho số phận, điều đó mơ hồ và thật bất công khi số phận không thể lên tiếng để biện minh cho sự vô tội của mình.
Phía sau cánh cửa kính kẻ chữ đầy màu sắc là không gian khá yên tĩnh đủ để nghe tiếng lách cách của những con chữ trên bàn phím. Tôi chọn cái bàn trống cạnh cửa ra vào và trong khi đợi máy khởi động tôi vươn vai nhìn quanh mình. Hai dãy bàn đặt máy hầu như đã có người, toàn những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi. Lần đầu tiên tôi vào đây, chọn cách đuổi thời gian bằng trò chơi lang thang trên mạng. Tiếng mưa cách một cách cửa kính nên chỉ còn nghe lao xao như ở xa lắm. Tôi rê con chuột trên màn hình và nhìn theo những cái tên dần dần hiện ra. Đã có người gọi đó là thế giới ảo bởi vì những cái tên trong đó đọc ra nghe như ở trên trời - Người cô đơn. Hoàng tử bé. Cô gái có đôi mắt buồn… có cả Batman, Robin, Công chúa ngủ trong rừng. Tôi phì cười trước sự phân vân của mình và cuối cùng nhấp chuột vào cái tên khá đơn giản - Số một, những dòng chữ nhanh chóng hiện ra:
- "Tôi là Đông Ạ Xin lỗi bạn là nam hay nữ".
- "Xin chào. Tôi là Số một. Không cần biết tôi là trai hay gái vì mình có gặp nhau đâu!".
- "Vậy bạn vào đây để làm gì?".
- “Tôi đang buồn. Chắc bạn cũng thế phải không?”.
Thế giới vẫn đang diễn ra, ngoài kia vẫn xao động, cơn mưa lớn không ngăn được những chiếc xe máy chạy lên xuống ngoài đường vậy mà cũng có người cảm thấy buồn như tôi. Nỗi buồn thì phải được chia sẻ, tôi thật thà:
- "Hình nhự Thế vào đến đây có hết buồn không?”.
- “Tôi không biết. Lần đầu tiên tôi vào đây".
Tôi hình dung ra nỗi buồn của người đang nói chuyện với mình, bố mẹ của anh ta hoặc cô ta có cãi nhau không? Ngôi nhà nào đó có vắng vẻ như chùa Bà Đanh giống nhà tôi không? Lâu rồi tôi chưa ăn bữa cơm nào đủ mặt gia đình, mà có phải nhiều người gì cho cam, chỉ có bố mẹ và tôi với bé Út. Giờ này chắc con bé em tôi còn ngồi trong lớp học, thật may mắn nếu nó đừng có những giây phút muốn nổi loạn như tôi. Người - Ở - bên - kia nhắc nhở:
- "Sao bạn lại im lặng. Hỏi hay nói gì đi chứ!".
- "Tôi không thể nói chuyện khi không có một thông tin cụ thể nào về bạn".
- "Buồn cười nhỉ. Chỉ là để qua thời gian thôi mà".
- "Mình thử thật thà một lần đi, dẫu sao chúng ta cũng có gặp nhau đâu”.
Tôi kể mấy dòng về mình. Tôi, một đứa con trai hai mươi tuổi, đang học năm thứ hai ở một trường đại học, dân thành phố một trăm phần trăm. Tôi tự hỏi rằng có nên thật thà quá như thế không nhưng tin đã gửi đi rồi. Tôi ngồi dựa người ra ghế, đặt hai tay sau gáy nhìn lên trần nhà. Ngoài kia trời vẫn còn mưa, con bé Út chắc đã về đến nhà, không biết nó có mang theo áo mưa không hay lại đội mưa về nhà, rồi lại bệnh thì khổ. Có ai đủ thời giờ để săn sóc nó đâu! Tôi nhắm mắt lại mà vẫn nhìn thấy nỗi hiu quạnh trong ngôi nhà của mình, chắc là phải về để con bé Út khỏi mong nhưng dòng chữ trên màn hình lại giữ chân tôi:
- “Gọi tôi bằng chị đi. Tôi hơn bạn hai tuổi, đang học năm thứ tư, tôi chỉ là khách ở thành phố của bạn thôi".
Những dòng chữ nối tiếp nhau, tôi chăm chú lên bàn phím mà không nhìn lên màn hình. Tôi cũng không nhớ mình đã viết những gì, chỉ cố tưởng tượng ra gương mặt của cô gái nào đó ở-bên-kia. Cách nói chuyện như thế thì cô ta cũng không phải là ngổ ngáo, chỉ tinh nghịch một chút. Dẫu sao tôi cũng lấp được một buổi chiều trống trải khi cô ta “nói” lời tạm biệt. Lúc đó buổi chiều đã tắt trên vòm sao đen, con đường về nhà đã quen thuộc đến nỗi tôi nhớ nằm lòng mỗi gốc cây ở hai bên đường. Nghe nói người ta đang quy hoạch lại con đường, một trong hai hàng sao sẽ bị đốn bỏ. Lúc đó tôi sẽ tìm buổi chiều ở đâu trên khoảng không gian chỉ còn những hàng dây điện chằng chịt?
Tôi có vô số những buổi chiều như thế, nghĩa là không muốn trở về nhà. Bố tôi là bác sĩ, lúc nào cũng bận rộn với cái phòng mạch luôn luôn đông đúc bệnh nhân, có hôm đến hai ba ngày liên tiếp tôi không gặp ông ở nhà. Còn mẹ tôi không rời được cửa hàng bán quần áo ở chợ của bà, khi mẹ tôi về nhà con bé Út còn ở trong lớp học thêm. Gia đình tôi hầu như không bao giờ gặp nhau đủ bốn người, không bữa nào có thể gọi là bữa cơm đúng nghĩa. Chuyện ba tôi có bồ ở ngoài đến tai tôi như một chuyện tất yếu mà mẹ tôi cũng không có phản ứng gì. Tôi không chịu nổi không khí trong nhà của mình cứ âm âm, u u, không ai nói với ai những suy nghĩ của mình. Thà cứ bùng nổ ra một lần còn hơn là cứ nhìn ba tôi lúc nào cũng điềm đạm, mẫu mực và mẹ tôi cứ thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra. Ngôi nhà tôi yên tĩnh một cách bất thường đến nỗi con bé Út không dám tỏ ra nhõng nhẽo như hồi còn nhỏ.
Khi đã khá thân với Số một mới có dịp nói hết sự bức xúc trong lòng của mình. Nói với một người không gặp mặt hình như dễ dàng hơn, tôi không đi tìm sự cảm thông mà chỉ muốn nói ra cho nhẹ lòng. Dạo này tôi thường lên mạng trò chuyện với Số một, không phải ở gian hàng nào mà ở ngay trong căn phòng của mình. Mẹ tỏ vẻ ngạc nhiên và mừng rỡ vì tôi có mặt thường xuyên ở nhà vào buổi tối, dù chỉ là ở trong phòng riêng. Thế giới của tôi là căn phòng rộng hai mươi mét vuông, có đủ thứ tiện nghi so với một người đang còn ngồi ở ghế nhà trường. Ở đây, tôi hoàn toàn tự do, ba mẹ tôi hầu như không quan tâm đến, tôi nói với Số một về nỗi cô đơn của mình thì cô ấy trả lời:
- "Người ta thường không bằng lòng với những cái đang có, nhiều người muốn có một nửa như bạn mà không được. Sao không thử so sánh để cảm thấy mình vẫn hạnh phúc".
- “Không ai hiểu được hết hoàn cảnh của người khác. Hãy nói chuyện của bạn thì hơn".
- "Tôi bình thường. Không có gì đáng nói".
- "Bạn còn buồn không?".
- "Thỉnh thoảng. Khi buồn, khi vui, cũng bình thường thôi".
Bẵng đi một dạo tôi không gặp Số một, cứ thấy như thiếu vắng đi một điều gì, tôi muốn đi tìm nhưng chẳng biết về cô ấy nhiều hơn cái địa chỉ trên mạng, vậy mà tôi lại gặp cô tình cờ đến ngạc nhiên. Hôm ấy tôi vào trường một người bạn để chơi bóng, chỉ là một trận đấu giao hữu mà người xem cũng đông vui, có đủ cờ trống, có cả mấy cây kèn thổi inh ỏi, mỗi khi có một bàn thắng. Sau trận đấu tôi ngồi lại ở một góc khán đài, nhìn xuống sân bóng mới đây nhộn nhịp hai mươi mấy con người hăng hái thi đấu theo tiếng hò reo sôi nổi. Trong lúc tôi tưởng là không còn ai ở lại như mình để lắng nghe xem sau những giây phút ồn ào người ta sẽ cảm thấy gì thì tôi nghe được câu chuyện của hai người phía sau:
- Về thôi, Phiến.
- Ngồi lại chút nữa đi, còn sớm mà.
- Ngồi đây làm gì, ta đói bụng rồi.
- Về nhà cũng chẳng làm gì, ngồi đây một chút nữa rồi đi ăn cơm luôn.
Giọng nói kia càu nhàu nhưng lại nghe như mắng yêu:
- Lại cơm bụi, không chán hả Phiến? Về nhà nấu cơm ăn.
- Không, mình chẳng muốn làm gì cả.
Im lặng rồi lại nghe giọng thứ nhất:
- Tối lên mạng không Phiến?
- Không.
- Dạo này sao bồ lười thế. Lâu rồi không gặp Đông A, tối nay lên xem hắn ra sao rồi.
Tôi giật mình, xém chút nữa là xoay cả người lại, trái đất này quả chật hẹp nên thành phố này xem ra cũng nhỏ bé quá. Số một là có thật và cô ấy đang ở đằng sau tôi. Sau phút chột dạ tôi bỗng nhớ là Số một đâu biết mình là ai nên quay đầu lại thật nhanh, chắc là duyên chưa đến nên tôi chỉ thấy phía sau của hai cô gái.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng gặp nhau. Đó là một buổi chiều, cũng sau một trận đấu, tôi trở lại chỗ ngồi lần trước và ngồi ở phía sau hai cô gái hôm nào. Tôi nhận ra hai người nhờ một chiếc ba lô màu đen có treo một chú bé bằng vải ngộ nghĩnh, chú bé có mái tóc dài màu vàng và một bên mắt nheo lại, mới nhìn đã muốn cười. Tôi gọi đại: “Số một”, chính cô gái đeo chiếc ba lô quay lại, cô mở to đôi mắt nâu, tia nhìn đầu tiên của cô làm cháy lòng tôi. Tôi cố giữ bình tĩnh lên tiếng trước:
- Tôi là Đông Ạ Xin chào bạn.
Chúng tôi thật sự trở thành bạn của nhau, nhưng cũng chỉ là những lần gặp nhau trên mạng, có điều những câu chuyện đã trở nên gần gũi hơn. Hôm nào tôi cũng trò chuyện mê mải và nhận được lời chúc ngủ ngon của Số một thì đã quá nửa đêm. Số một trở thành một người không thể thiếu trong đời sống của tôi, hôm nào không nói chuyện với cô ấy là tôi thao thức. Thật không thể nào giải thích được tình cảm của con người, lâu nay tôi quên mất tất cả chuyện trong nhà của mình, chỉ quan tâm đến Số một. Nhưng cô ấy quá kín miệng tôi chẳng biết thêm gì về cô ấy. Tối nay, sau những câu chuyện vẩn vơ, tôi viết cho Số một:
- "Có một quán cà phê mới mở, dễ thương lắm, chiều mai mình mời Phiến, đừng từ chối nhé!".
Chúng tôi có một buổi chiều khó quên, cô ấy không chỉ là một cái tên, cô ấy là một thiếu nữ duyên dáng, dễ thương. Nụ cười của cô thật đáng tin cậy để tôi dễ dàng kể chuyện của mình. Trước đây tôi chưa hề nói những điều thế này với ai. Số một chỉ ngồi cười nhẹ nhàng, cô ấy không biết nụ cười của cô đã làm tim tôi đập sai mấy nhịp. Ngày tháng trở nên thi vị hơn, tôi cảm thấy yêu đời hơn. Chính con bé Út cũng nhận ra, nó bảo: "Dạo này anh Hai lạ ghê! Hình như anh đang yêu ai phải không?". Bé Út làm tôi giật mình. Số một cũng bảo như vậy khi nhận một tấm thiệp tôi gửi cho cô ấy trên mạng, hình hai con gấu ngồi bên nhau trên nửa vầng trăng với lời nhạc "Everything I do, I do it for you". Tôi biết cô ấy cố tình không hiểu ý tôi. Và tôi quyết định nói lời yêu Phiến vào một hôm hai đứa đi uống cà phê với nhau, vẫn ở cái bàn vuông cạnh bụi hoa nguyệt quế. Cái không gian bàng bạc hương hoa và đôi mắt nâu của em đã giúp tôi thêm can đảm để nói với Phiến về tình yêu của mình. Không phải bằng nhạc, bằng thơ hay mượn lời người khác mà chính tôi, tôi nói với Phiến rằng tôi yêu cô ấy. Đôi mắt của Phiến làm cho tôi hối tiếc rằng mình đã nói ra sớm quá nỗi lòng của mình. Trong đôi mắt nâu ấy không hề có tôi và hình như những ngày vừa qua cũng chưa từng có. Phiến nói:
- Tôi lớn hơn Đông hai tuổi và quan trọng nhất là chúng ta chưa có gì chung với nhau.
Lời từ chối thẳng thắn ấy làm tôi hụt hẫng, tôi không tin là chúng tôi chia tay nhau dễ dàng như thế, tôi gửi thư cho Phiến liên tục nhưng những thông tin của tôi cứ như được phóng lên trời rồi mất hút. Tôi ngẩn ngơ một thời gian cho đến khi biết rằng Phiến đã có người yêu, họ vừa chia tay nhau, tôi thật không may khi làm người thế vai để lấp khoảng trống trong lòng Phiến lúc ấy. Nhưng tôi không thể nào trách móc Phiến về sự thẳng thắn của cô ấy, có lẽ là do tôi quá hời hợt, vội vàng.
Trên màn hình của chiếc máy vi tính không còn tên Số một và nhiều ngày sau đó khi tôi nhấp chuột vào địa chỉ trên mạng của Phiến tôi chỉ đọc được trên màn hình hàng chữ màu trắng vô cảm - "Địa chỉ này không còn tồn tại". Nhưng thật rõ ràng, hình ảnh Phiến vẫn tràn ngập trong trí nhớ của tôi. Dẫu là không gặp nhau, không biết gì về cô ấy nhưng tôi vẫn mong một ngày nào đó sẽ gặp lại Phiến, cùng ngồi với nhau ở cái bàn dưới gốc cây nguyệt quế, dù chỉ để nói với nhau những câu chuyện lan man cho qua những buổi chiều. Bây giờ, ở đâu đó, dẫu thế nào tôi cũng chúc cho Phiến đã làm lành với người yêu. Còn với tôi, cô ấy vẫn là Số một - cô ấy là kỷ niệm - kỷ niệm không bao giờ mất dần cho những buổi chiều đã trôi qua, trôi qua mãi mãi.

Hết


Xem Tiếp: ----