Sáng chủ nhật tôi cho phép mình ngủ trễ hơn mọi ngày, vậy mà khi tiếng chuông buổi lễ muộn của ngôi nhà thờ bên kia đường đổ gióng giã tôi không thể nào mở được đôi mắt còn cay cứng. Tối qua tôi với Hằng dọn dẹp căn phòng tới khuya mới tạm ổn, đây là lần dọn nhà thứ hai trong năm học. Hồi chưa phải ở trọ đi học tôi cứ tưởng những mẩu chuyện về đời sinh viên đăng trên báo chỉ là những điều hư cấu, thậm xưng một chút cho vui. Chừng vào cuộc rồi mới cảm thấy đắng caỵ Lúc đầu đến hỏi thăm thuê nhà bà chủ trọ tỏ ra là người vui vẻ, nhân hậu rát rất quan tâm đến bọn trẻ phải xa gia đình đi học. Ở chừng vài tháng lỡ chậm tiền nhà là bị nói xa nói gần, đùng một cái bà chủ tuyên bố phải lấy lại nhà để sửa. Nhỏ Hằng có nhiều kinh nghiệm dọn nhà hơn tôi nên vẫn thản nhiên như không, chỉ có tôi lo lắng đến mất ngủ.Tìm kiếm rồi lựa chọn cuối cùng chúng tôi cũng thuê được nhà mới. Đó là căn phòng tương đối tươm tất và đối với bọn sinh viên như tôi thì có vẻ sang trọng. Bà chủ nhà mới cũng tiếp đón niềm nở, ân cần nhưng nhỏ Hằng không còn xúc động trước lòng tốt đó nữa. Nhỏ Hằng tuyên bố: "Thức đêm mới biết đêm dài". Hai đứa tôi bỏ cả ngày thứ bảy dể dọn nhà, thường ngày lúc nào cũng than vãn thiếu thốn, cái gì cũng không có để xài, mở miệng ra đứa nào cũng nói một cách tiếc rẻ: "Phải chi ở nhà thì... ". Đến chừng phải di chuyển thì hỡi ôi cả trăm thứ phải đóng gói, hai đứa phải chặn bà mua ve chai để mua mấy cái thùng giấy mà khi ở nhà nếu có cũng liệng lăn lóc.
Mấy đứa bạn cảm thương nên chở dùm mấy cái thùng vậy mà vẫn dư ra cái giỏ đựng lỉnh kỉnh bao nhiêu là thứ tế nhuyễn. Bạn về rồi chỉ còn hai đứa tôi. Đứng giữa đống thùng ngổn ngang, nhìn nhau mà xuống tinh thần. Lạy trời, sau cùng thì mọi việc cũng trôi chảy, công việc cuối là xếp những chiếc thùng giấy gọn ghẽ vào một góc trần nhà phòng lúc phải dọn nhà lần nữa.
Căn phòng mới có một cánh cửa mở ra một cái lan can nhỏ, ở đó có được khoảng trời xanh mà khu nhà cũ không bao giờ có được. Mỗi lần nhắc đến căn phòng cũ là tôi nhớ đến khoảng không gian mười mấy mấy mét vuông kín bưng không có cửa sổ. Nhỏ Hằng lại cười: "May mà bị đuổi nhà mình mới tìm được chỗ thoải mái hơn, ở đây không khí trong lành biết đâu sẽ được trắng da dài tóc".
Buổi sáng tôi thường dậy sớm ra ngoài lan can tập thể dục. Phía xa một chút là tháp chuông nhọn của một ngôi nhà thờ có mái ngói màu hồng trông thanh thoát nhẹ nhàng giữa những khối nhà bê tông đồ sộ. Tôi hít vào muốn căng lồng ngực chút không khí trong lành ban mai. Người thành phố có thói quen dậy muộn. Nắng lên cao mà mấy cửa hiệu nhỏ dưới đường chưa muốn mở cửa. Chủ các sạp hàng của ngôi chợ bên kia chậm chạp bưng dọn làm như còn lâu lắm mới bắt đầu buổi chợ.
Ngôi nhà được chia làm nhiều phòng cũng đều cho bọn sinh viên như tôi thuê ở, gần một tháng qua rồi mà chưa ai biết mặt biết tên nhau. Bà chủ nhà cũng chẳng quan tâm đến việc giới thiệu những người trong nhà với nhau. Tôi chỉ biết mang mán là có mấy đứa con gái, trai tuổi bọn tôi đang ở tầng trên. Nhỏ Hằng thường nói thầm vào tai tôi: "Tầng trên có một đứa đẹp lắm, như người mẫu". Tôi trêu nó: "Chắc cũng không đẹp bằng nhà ngươi đâu. Yên tâm đi". Nhỏ nguýt tôi không nói nhưng tôi biết chắc trong lòng nó thích tôi nói như thế lắm.
Một bữa tôi đụng đầu một đứa ở ngay chân cầu thang, lúc đó tôi đang vội vàng chạy xuống vì sợ trễ học. Nhỏ lách mình qua một bên chừa lối cho tôi đi trước, tôi quay lại cảm ơn và kịp nhìn thấy một đôi mắt tròn đen lay láy. Chắc đó là "nhỏ đẹp đẹp" của Hằng. Chiều đó đi học về tôi mới biết tên của nhỏ là Thi khi có một anh chàng đứng trước nhà nhờ tôi nhắn gặp. Chúng tôi thường gặp nhau hơn nhưng cũng chỉ đủ để cười một cái chào nhau. Nhỏ Hằng hay nói: "Tụi mình khó có bạn mới vì không biết cách làm quen". Tôi cũng đồng ý với Hằng, tôi với nó có một tỉ điều khác biệt nhau nhưng thỉnh thoảng cũng có lúc hợp nhau. Có lẽ vì vậy mà nó chọn tôi ở chung sau khi mấy đứa khác dọn đi. Mẹ tôi dạy rằng: "ở đời không có ai toàn bích và không thể chọn một người hoàn toàn hợp ý mình. Người trong gia đình còn có lúc mâu thuẫn nhau huống gì chỉ là bạn bè. Muốn ở được với nhau người này phải chấp nhận cá tính của người kia và biết nhường nhịn nhau". Tôi là đứa con biết nghe lời mẹ nên tránh được những lúc cãi nhau với Hằng. Không biết Hằng có hiểu như vậy không mà nó cũng tỏ ra nhường tôi nhiều chuyện, chúng tôi sống với nhau khá hoà thuận.Tháng đầu trả tiền nhà, tiền điện nước xong, tôi với Hằng giật mình vì túi tiền còn quá ít. Còn một tháng dài phía trước với trăm điều phải lo: tiền gạo, tiền mắm, lại còn tiền giấy với màu để làm bài cho mỗi tháng. Hằng vốn vô tư nên nó quên rất nhanh, nó lạc quan rằng sẽ nghĩ ra cách để đủ tiền sống trong tháng. Tôi nghĩ ngay đến vẻ lo lắng của mẹ và mái tóc bắt đầu bạc rất nhanh của ba khi tôi giải trình về chi tiêu khi đến nhà mới. Căn phòng tươm tất hơn mà chỉ có hai đứa ở tất nhiên là phải trả nhiều tiền hơn. Tôi rủ Hằng đi kiếm việc làm, nhưng ở giữa thành phố đông đúc nhộn nhịp này thì một công việc cho tôi làm cũng không dễ dàng gì.
Bề ngoài Hằng có vẻ mạnh mẽ hơn tôi nhưng thật ra nó cũng nhát như thỏ. Đến chỗ nào xin việc nó cũng đẩy tôi vô trước rồi cuối cùng hai đứa về không. Hôm nào đi học về sớm là tôi với Hằng rủ nhau đi kiếm việc làm nhưng cả tuần trôi quạ Vẫn không có gì khả quan hơn. Thứ bảy, chủ nhật tôi vẫn còn rỗi rãnh ra ngồi ngoài lan can nhìn qua cái tháp chuông của ngôi nhà thờ đằng xa nhưng lòng lại rối bời. Lạ một điều là tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để ngắm nhìn những tàng cây cao tựa vào nhau làm thành nhưng vòm lá xanh rậm rì và phát hiện ra mình yêu thành phố này biết mấy. Cảm giác ấy có từ lúc nào tôi không biết.
Nhỏ Thi gõ cửa phòng tôi vào một buổi tối khi tôi ngồi một mình học bài. Hằng đi chơi với bạn chưa về, tôi mời Thi ngồi xuống sàn gạch hoa mà không tiện hỏi Thi tìm tôi để làm gì. Thi quì trên sàn, hai tay chống lên gối, nó nhìn quanh bằng đôi mắt thú vị: "Phòng của bạn đẹp quá, trông thật nghệ sĩ". Tôi không nhìn cũng biết Thi đang ngắm mấy bức tranh treo trên tường. Đó là bài tập của tôi làm ở trường, không có chỗ cất bọn tôi treo lên vừa để trang hoàng căn phòng cho vui mắt. Thi cầm khung ảnh tôi để trên kệ sách lên ngắm nghía: "Bạn trai của Hiên phải không, đẹp nhỉ?". Tôi hơi khó chịu trước vẻ tự nhiên của Thi nên làm thinh. Tôi rót một ly nước lọc cho Thi và hỏi: "Thi xuống chơi có việc gì không?". Thi đặt khung ảnh xuống quay lại cười: "Tưởng Hiên không thèm hỏi chứ". Tôi cũng cười: "Là mình nghĩ Thi ghé chơi thôi".
Thi hỏi tôi: "Hiên đang kiếm việc làm phải không?"
"Sao Thi biết?"
"Mình có vài việc chỉ cho Hiên với Hằng, hai người thích làm không?"
Bọn tôi trở thành bạn với nhau như thế. Hằng được giới thiệu bán đĩa CD ở một cửa hàng còn tôi thì đi dạy vẽ ở một lớp năng khiếu của nhà Thiếu nhi Thành phố. Lần lãnh lương đầu tiên hai đứa tôi nấu một nồi bò kho, đó là một công trình mà tôi phải vận dụng hết thông minh để nhớ lại những lần xem mẹ làm bếp. Chúng tôi mời Thi và các bạn cùng phòng của nó xuống "dự tiệc" như là một cách cảm ơn. Thi rất chu đáo, nó gợi ý mời cả cô chủ nhà lên cùng ăn. Bữa ăn thành công về mọi mặt, nhất là về ngoại giao - nhỏ Hằng nói như vậy khi sau này cô chủ nhà tỏ ra vui vẻ mở cửa nếu tôi nào nó về trễ.
Việc học, việc làm tuy có căng thẳng nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng có lúc ghé qua phòng thăm nhau. ấn tượng về nhà thuê cũng dần phai nhạt đi, nhất là từ hôm tôi đột ngột ngã bệnh khi Hằng phải về thăm mẹ. Tường bận đi thực tế không ghé qua nên không biết, chỉ có cô chủ nhà và Thi lăng xăng cạo gió, nấu cháo cho tôi. Khoẻ lại rồi tôi chỉ biết nói lời cảm ơn dù thật lòng tôi thấy chừng đó chưa đủ.
Mùa hè đến, chúng tôi về thăm nhà. Cô chủ nhà hứa sẽ trông coi phòng chờ chúng tôi vào năm học mới, cô còn chu đáo gởi mỗi đứa một túi xoài Hoà Lộc mang về biếu mẹ. Tôi về nhà, lòng ấm áp trong sự chìu chuộng của mẹ, tha hồ vòi vĩnh với ba, có lúc không còn muốn xa nhà. Nhưng cũng có khi lòng mang mang nhớ khoảng trời xanh trên phần lan can nhỏ và cái cầu thang hẹp cong cong. Nhớ cái tháp chuông màu trắng thấp thoáng sau vòm lá xanh cùng tiếng chuông ngân mỗi chiều mà lòng bâng khuâng. Tôi hay kể cho mẹ nghe về những người bạn ở cùng nhà, nhắc hoài chắc bọn nó hắt hơi thường xuyên. Và hình như, có lúc lại mong cho mùa hè chóng qua...
Lưu Cẩm Vân, tháng 3/2002

Hết


Xem Tiếp: ----