Khâm đọc tin nhắn. Em yêu, sáu giờ chiều nay đợi anh chỗ cũ nhé. Bây giờ là bảy giờ sáng. Cất cái điện thoại vào túi, Khâm biết rằng chiều nay, ở chỗ cũ sẽ chẳng có em yêu nào đợi anh cả. Sư Phụ hỏi mọi người đã đến đủ chưa, điểm danh rồi khởi hành. Cả bọn dắt xe ra, Sư Phụ bảo hai người một xe cho gọn, dặn dò nếu trên đường đi mà có lạc thì chờ nhau ở chặng đó, chặng đó. Bốn xe đủ cặp, dư Khâm. Sư Phụ ngoắc lại, bảo Khâm leo lên xe mình.Bắt đầu cuộc hành trình. Đưa túi đây, Sư Phụ nói, đeo chi cho cực. Khâm gỡ cái túi xách to đùng ra khỏi cổ đưa cho Sư Phụ mắc vào đầu xe. Chà, coi bộ dữ dằn ghê, Sư Phụ kêu lên, đem theo những gì mà dễ sợ vậy? Có gì đâu, thì cũng chỉ một wide, một tele thôi, nhưng tại cái 80-200 nặng quá. Khâm ngượng ngùng nhìn những cái túi máy gọn tưng đeo bên hông của Sư Phụ và của tất cả những người khác, phân trần không tìm đâu ra cái túi giống như thế này. Có người nói, làm sao tìm được, hàng khuyến mãi đặc biệt mà. Người khác góp ý, đặt may đi, chịu mắc một chút. Khâm gật. Dạ, chắc phải vậy.Suýt nữa thì kẹt xe. Luồn lách một hồi cũng ra được khỏi thành phố. Sư Phụ bảo chú ý nhìn hai bên đường xem có gì không. Khâm mở to hai con mắt láo liên nhìn, còn hai tai thì dỏng lên, gắng nghe và nhớ cho hết những lời vàng ngọc của Sư Phụ. Nào là chủ đề thuận sáng và ngược sáng thì khẩu độ thường chênh lệch nhau bao nhiêu, nào là phong cách bố cục truyền thống và hiện đại khác nhau như thế nào, nào là chất thơ trong một tác phẩm ảnh nghệ thuật... Ôi, ngàn lẻ một thứ vân vân cần biết, cần học, và cần nhớ.Sư Phụ dừng xe lại, cả bọn ngừng theo, ngơ ngác. Khâm vẫn mở hai con mắt to, vẫn chỉ thấy toàn xe với cộ ngược xuôi, tấp nập. Sư Phụ hất mặt lên trời. Mây đẹp đó, chụp đi, để dành nhiều lúc cần đến. A, giờ này là tám giờ, giờ của những làn mây giăng giăng nhẹ nhàng, mỏng mảnh như thể vừa mới đây thôi, có bầy tiên nga bay qua ngang trời, dáng tiên đã khuất nhưng còn vương vất mấy dải dây lưng mềm mại, tha thướt. Eo ơi, Khâm thở dài, mắt nào nhìn đường, mắt nào nhìn cảnh, mắt nào nhìn mây, phải bao nhiêu mắt mới đủ, hở giời?Người qua lại trông thấy bên đường một bọn đứng lố nhố, tò mò ngước mắt nhìn theo hướng những ống kính đang đồng loạt chĩa lên trên cao, ngạc nhiên thấy bầu trời vẫn trong sáng như thường, chẳng có gì quái dị lạ lùng, chả hiểu bọn người ấy đang làm cái trò gì?Lại leo lên xe. Lại đi. Miệt mài. Nắng chói dần lên.Ôi, nhìn kìa. Khâm thốt lên. Một toán người đang lom khom nhổ mạ. Những bó mạ xanh. Những vạt lúa xanh. Những cái lưng cắm cúi chẳng hề ngẩng lên nhìn bọn người tò mò. Mặt ruộng đầy nắng óng ánh như giấy trang kim. Hàng cây thưa hậu cảnh cũng xanh xanh mờ mờ. Chao ơi, màu xanh. Khâm run lên, lắp bắp. Màu lúa non, màu lá mạ phải là màu tươi tắn nhất trên đời. Sư Phụ gật đầu. Ừ, thích thì cứ chụp. Cả bọn lại nhảy xuống, chạy tới chạy lui, tìm góc độ, bấm máy. Khâm rút khăn lau mồ hôi. Nắng dần trưa, gay gắt. Sư Phụ hỏi mệt rồi hả. Khâm lắc đầu, có mệt gì đâu.Qua khỏi ruộng đồng xanh mướt lại đến phố xá, nhà cửa lô nhộ Xe bon lên cầu. Sư phụ rà xe từ từ, nhìn xuống dòng sông. Sông dài ngút mắt. Xuồng máy kêu tành tạch, xé đôi dòng nước lướt tới. Xuồng chèo thong thả bơi chầm chậm. Mặt trời thả xuống mặt sông những ngôi sao vàng lấp lánh, nổi trôi theo cơn sóng bập bồng. Chụp đi, Sư Phụ bảo, xuồng chèo bây giờ ít hơn ngày xưa nhiều lắm. Chụp đi, giữ lấy làm tư liệu, biết đâu chừng vài năm nữa, đi đâu chắc cũng chỉ thấy toàn xuồng máy. Đáp lại nỗi lo của Sư Phụ, xa xa cuối dòng sông thơ bỗng hiện lên một bóng áo bà ba nón lá đang mải miết đẩy tay chèo. Khâm lôi máy ra. Sư Phụ bảo, wide, đừng tele, lấy toàn cảnh, ngược sáng coi chừng tối, chỉnh khẩu độ. Hình như có tiếng chuông điện thoại. Khâm loay hoay thay ống kính. Nhanh tay lên, Sư Phụ bảo, khoảnh khắc đẹp qua rồi khó thấy lại lần thứ hai. Khắp nơi lại vang lên xạch xạch xạch tiếng bấm máy.Khâm đọc tin nhắn. Sao gọi hoài không được? Em đang ở đâu, bận làm gì? Chiều nay nhé, anh đưa em đến quán mới, cà phê ngon, nhạc Trịnh.Thôi, đủ rồi, đi. Sư Phụ giục. Ừ, đủ rồi, đi thôi. Em đang ở đâu ư? Ở rất xa, ngoài tầm với tay anh. Chiều nay, anh cứ đến quán mới, một mình, anh nhé. Đến đấy một mình, ngồi một mình và đếm xem anh đợi em được bao lâu. Có lâu như em đã từng vò võ một mình, mòn mỏi ngắm đến sợ từng giọt đen rơi, rơi đắng cả lòng và, anh không đến.Anh bận. Em biết, lời giải thích bao giờ cũng chỉ vẻn vẹn có thế.Hãy đến một mình, ngồi nghe một mình, anh nhé. Để ngẫm nghĩ và hiểu em ghét cà phê nhường nào, ghét nhạc Trịnh nhường nào. Nhạc gì mà cứ hát lên là buồn nhớ da diết, tủi thân thê thiết, không khóc không được. Giờ thì em ghét, ghét tất cả những gì em đã từng thích hay đã từng yêu. Em ghét anh.Đoàn người lầm lũi đi. Nắng thế này khó chụp lắm, ảnh sẽ lì, hoặc rất chát. Mà đi mãi cũng chẳng thấy có gì, đến điểm hẹn, cả bọn vào quán nước. Lại ngồi và đợi. Sư Phụ rót nước vào ly bảo Khâm uống. Ly nước Sư Phụ đưa ngọt như có đường.Từ xa, xuất hiện một thể hình hùng dũng như một con sư tử với râu bờm trắng phau. Một màn giới thiệu long trọng xác định người dẫn đường chính là Thổ Địa. Khâm lúng túng bắt chước mọi người gọi Thổ Địa bằng "anh". Thổ Địa xòe bàn tay to lớn nuốt chửng tay Khâm, hai con mắt sáng rực nhìn Khâm chằm chằm. Sư Phụ bảo Khâm đoán xem ông ta bao nhiêu tuổi? Khâm ngập ngừng, rất thiếu tự tin đưa ra lời giải đáp, chắc chừng... năm mươi! Thổ Địa bỗng hóa thành thằng bé láu lỉnh, ngoác miệng ha ha cười rồi nức nở khen Khâm giỏi quá, đoán hay.Gút lại lộ trình, cả bọn đi tiếp. Thổ Địa nhảy ào lên xe, vun vút lao đi. Sư Phụ lắc đầu, sáu bảy chục tuổi mà còn sung vậy đó. Tất cả hối hả rượt theo, trực chỉ rừng tràm.Rừng tràm bạt ngàn. Bóng rừng, bóng mây in xuống mặt nước. Đáy nước trong leo lẻo, lồ lộ những đám rong vàng, những cụm rong xanh, xõa dài uốn éo theo dòng chảy, mượt mà như tóc con gái. Nước trong con cá lội, trên bờ anh ngẩn ngợ Cả lũ ngẩn ra một lúc rồi thi nhau lôi máy mang phim ra đốt. Sư Phụ hỏi quanh đây có nhà cửa gì không? Thổ Địa gật đầu rồi hăng hái chạy trước.Hít thêm một quãng bụi mù, Thổ Địa đột ngột ngừng lại. Đây rồi, ở bên kia bờ kênh. Khâm sợ hãi. Cầu khỉ, trời ơi, làm sao đây? Thổ Địa trấn an đừng lo, có xuồng, rồi hú gọi om sòm. Chân cầu bên kia, một bé con nhanh nhẹn tót xuống, chèo xuồng qua đón. Ngập ngừng mãi, Khâm mới dám dấn bước, ngồi phệt ngay đằng mũi, buông túi máy để rảnh tay nắm chặt hai be xuồng. Tim trong lồng ngực cũng đong đưa theo nhịp lắc lư không sao kìm được. Sư Phụ vỗ vai Khâm, nhát như cáy làm sao trở thành dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp được. Khâm nín thinh, chấp nhận, lòng đầy băn khoăn về lời nhận xét.Qua bờ bên kia, an toàn rồi mới vững tâm đi tìm cảnh đẹp. Sư Phụ xăng xái đi trước, Khâm lẽo đẽo theo sau, bước qua cửa nhà tranh vách lá. Cả nhà đang ngồi ăn cơm.Khủng khiếp. Trong ánh sáng lờ mờ, một cái mùi có lẽ tổng hợp của rất nhiều mùi, lưu cữu đã rất nhiều ngày, tỏa ra từ mọi ngóc ngách. Mồ hôi, quần áo cũ, cá mắm, đất ẩm, phân xanh, củi mục và gì nữa không biết, tất cả sực lên, bấu chặt lấy mũi của con người thành thị chỉ quen với những hương thơm tinh túy chiết xuất từ hoa, đẩy bật hắn dội trở ra ngoài... Khâm xấu hổ nhìn vào trong nhà, Sư Phụ và Thổ Địa vẫn bình chân như vại, đi ra đi vào vừa vui vẻ hỏi thăm chuyện mùa màng, giống má vừa tranh thủ lia ống kính. Khi Thổ Địa bước ra cửa ngắm ngắm, Khâm rụt rè hỏi, người quen của... anh à? Ông lắc đầu khiến Khâm chưng hửng. Quen biết gì đâu, cứ ào vô đại, mà nè, có người mẫu xịn lắm.Người mẫu chừng mười bảy, mười tám, tóc dài, da trắng như tiểu thư, và đôi mắt... Khâm chợt nhận ra ở đây người ta không nuôi bò. Không thấy một con bò nào. Nhưng đôi mắt của Em, cô Tấm lam lũ ở vùng quê nghèo đất phèn, có lẽ mắt của nàng Hélène trong thần thoại Hy Lạp cũng chỉ đẹp đến thế thôi. Có lẽ Hélène là người đẹp duy nhất của thế gian đồng ý để cho người đời xưng tụng là người đẹp có đôi mắt bò cái. Và cái người cất lên lời ngợi ca kia ắt hẳn phải có con mắt tinh tường của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, cho nên mới cảm nhận được bao nhiêu là độ lượng, bao dung trong ánh mắt cực kỳ êm dịu của loài gia súc hiền hòa, luôn mang trên vai sứ mạng chia sẻ số phận cùng những con người cả đời gắn bó với đất đai, với bao nhiêu mưa nắng, ấm lạnh của cuộc đời.Chẳng biết Em có giận không nếu biết tôi miêu tả Em với một hình ảnh quá đỗi bình thường? Cũng như Em đang mắc cỡ thầm thì năn nỉ mọi người hãy gọi Em bằng tên thứ, chứ đừng gọi cái tên xấu xí cha mẹ đặt chọ Em ơi, Em nhầm rồi, tên gọi của Em, vẻ đẹp của Em mộc mạc biết chừng nào. Ai cũng xuýt xoa, ngay cả ông già Thổ Địa cũng mong sao Em thoát khỏi đôi mắt cú của những kẻ đi săn người.Chiều theo yêu cầu của đoàn người săn ảnh, Em quàng khăn, cắp rổ, không nề hà, nhẫn nại bước đi, qua bên kia rồi trở lại bên này. Khâm chẳng biết ngón tay mình đã nhấn xuống bao nhiêu lần, giữ lại được bao nhiêu phần chất ca dao của đồng quê muôn thưở. Khóm tre xanh, con thuyền hình chiếc lá, thiếu nữ chân quê với cây cầu lắt lẻo rồi sẽ mất dần đi theo những bản đồ quy hoạch.Lại dò dẫm xuống thuyền. Lại hồi hộp, run rẩy qua sông. Em gái cười e thẹn khi nghe người ta khen mình, hứa hẹn tặng hình khi trở lại.Chuông lại reo. Dòng chữ âm thầm hiện lên trên màn hình. Anh quên không nói em biết, anh đã mua được cho em “Điên cuồng như... ”.Chuyện gì vậy? Cả đoàn như đang điên lên. Ô, thì ra là vì áo dài trắng. Áo trắng như bươm bướm. Bướm ở đâu bay về? Từ những đám mây bay xuống hay dưới dòng sông trắng bay lên? Không biết nữa, chỉ thấy mặt trời cũng đứng sựng trên vòm cây trố mắt nhìn. Bướm bay phơi phới trên đường. Bướm đậu trên xe đạp. Bánh xe quay quaỵ Mạnh ai nấy bấm máy. Nghênh ngang tràn ra đứng giữa đường. Đàn bướm rẽ đôi, những vành nón lá nghiêng nghiêng, ngoảnh lại, lộ ra những đôi mắt đen tròn. Ríu rít như có bầy chim đang hót trên cao.Thổ Địa kêu Khâm, Khâm. Khâm quay lại. Một cô bé gần như hoảng hốt vì bỗng nhiên bị một đám đông vây quanh, người nào cũng lăm lăm trong tay máy ảnh, lao nhao. Bé ơi, khoan đi đã, chịu khó quay lại, trở lại đây cho bọn anh chụp tấm hình. Cô bé tần ngần, lưỡng lự. Lại lao nhao, nài nỉ. Làm ơn đi mà, tóc dài ơi. Làm ơn đi, nón lá ơi. Áo dài đành xiêu lòng, nón lá nghiêng xuống vai nhỏ, guốc mộc luống cuống đi đến đầu đường rồi quay lại cuối đường. Ngược xuôi, xuôi ngược, theo lời ỉ ôi của đám người quái lạ. Đến bây giờ mới thấy được cảnh thợ Chiều em đi trong nắng trời tây, bóng đổ lênh đênh bóng đổ gầy... Đến bây giờ mới hiểu được ý thợ Chiều em đi bước ngại bước ngùng, như sợ làm đau ngọn cỏ nhung, như sợ bay lên từng đóa bụi, sao khách tài hoa nát cả lòng.Tóc dài mỏi chân, ngập ngừng bước. Một anh lại ra lệnh. Em đứng nghiêng qua bên này một chút, nghiêng nón lá một chút đi em, hơi ngước mặt lên, ờ, đúng rồi đó, đứng yên nghe, trời, đẹp quá. Có bao nhiêu từ để diễn tả cái đẹp? Hình như dân nhiếp ảnh không biết, hoàn toàn không biết nói thế nào bằng lời, chỉ có ngón tay liên tục bấm và bấm.Sư Phụ hỏi đã mỏi tay chưa? Khâm mỉm cười đáp chưa. Thổ Địa xen vào chưa đâu, còn một chỗ nữa.Lại luồn lách. Lại tống bụi vào đầy phổi. Bụi bám đầy quần áo, tóc tai đỏ lựng. Thổ Địa biến vào một ngách nhỏ rồi thình lình hiện ra giữa đám lá, lôi tuột cả đoàn vào trong.Trong nhà, một rổ khoai bốc khói trên bàn, những đứa trẻ xúm quanh ghế ông bà, tò mò giương mắt nhìn khách lạ. Thổ Địa lại ồn ào thăm hỏi với cường độ âm thanh cao hơn vì những cái tai già nua, nghễnh ngãng hơn. Cuối cùng đạt hiệu quả dựng được ông lão chín mươi tuổi, râu tóc bạc phơ như cước đứng dậy, bước ra ngoài sân. Ngoài sân nắng chiếu xiên xiên. Ông lão ngồi vuốt râu, tóc và râu đều lên ven sáng, mắt ánh ngời, nụ cười móm mém. Sư Phụ nhắc bài, để ý những nếp nhăn bàn chân bàn taỵ Ơ, đúng là chân tay lão nông. Đen đúa, nhăn nheo, bè bè, gân guốc, hai ngón chân cái sau nhiều năm bấu chặt xuống đất ruộng, ngoặt sang hai bên, đâu vào nhau, kiểu giao chỉ.Sư Phụ bảo mọi người cùng nghĩ cách đặc tả. Mỗi người thi nhau nhìn ngắm, tới lui, đặt tay lên rồi lại để chân xuống, dí máy vào gần rồi lại kéo ra xa, nhón cao, quỳ thấp mọi góc độ. Lão nông thản nhiên ngồi, mặc kệ cho người xoay trở, xếp đặt y như trái bầu, trái bí. Vuốt râu đi ông. Cười đi ông. Nhìn ra đằng kia kìa ông. Cho đến khi nắng gần tắt, mặt sân sẫm lại, bọn trẻ dãn dần ra, ông lão mới than mỏi cái lưng quá.Thổ Địa phán, sắp tối rồi, bây giờ về nhà tôi.Nhà của Thổ Địa nằm bên kia bờ sông. Ôi, lại những con sông, và những con thuyền. Chao đảo từ bờ này, bồng bềnh sang bến kia. Như con tim bất định. Đến chết chìm mất thôi. Con sông này rộng hơn con kênh trước. Trên sông, lác đác vài bóng ghe đang giăng câu hay thả lưới không biết. Thuyền nhỏ chòng chành theo từng đợt sóng dội từ thuyền lớn đang chạy tới. Vô cùng bất an. Khâm nhăn nhó, Sư Phụ nắm lấy vai bảo, sợ gì nào. Đoạn sông dài dằng dặc, đủ thời gian để Khâm hối hận, toan mở miệng cất tiếng xin thối lui thì vừa lúc mũi thuyền chạm vào bờ đất. Sư Phụ bước lên bờ, đưa tay kéo Khâm lên theo. Nắm tay ấm áp và chắc chắn.Bữa cơm tối toàn là cá. Những con cá ngon không còn tung tăng giữa dòng nước bạc. Này cá, ban trưa mày còn vùng vẫy lung tung sao bây giờ nằm im thin thít vậy? Thổ Địa nâng ly, chúc mừng chuyến đi tốt đẹp, nhiều hình ảnh đẹp và cả người đẹp nữa. Tất cả nâng ly chúc mừng Thổ Địa, người mê sục sạo, lục tung những xóm làng hẻo lánh và rủ rê người khác sục sạo theo mình. Khâm hớp những ngụm rượu đầu tiên trong đời. Khà, ly đắng đã uống, giờ đến lượt chén caỵ Sư Phụ bảo, không được thì thôi, không ép. Khâm bướng bỉnh, phải uống chứ, để chúc mừng mà.Chúc mừng thói tự tôn vô lý của đàn ông, cứ tưởng mình sẽ luôn ngự trị trong lòng người đàn bà dù có thế nào. Chúc mừng cho công việc, những lo toan tính toán là đà mặt đất.Chúc mừng nào, Khâm nâng lỵ Sư Phụ nhìn Khâm, mắt như rượu sóng sánh. Này, đó là kiểu nhìn khiến cho những nỗi ngổn ngang càng thêm bối rối. Nâng ly lên, chúc mừng những tâm hồn vốn dĩ phức tạp càng phức tạp hơn lên. Chúc mừng cho nước mắt long lanh, cho trái tim nhạy cảm, và những hão huyền bay bổng nơi chân mây cuối trời.Lại reo, cái điện thoại. Gặp một bữa anh đã mừng một bữa, gặp hai hôm... Những câu thơ cũ rích cái thời người ta mới yêu nhau, nhắc lại làm gì? Bây giờ, người ta không gặp nhau cả tháng, cả năm thậm chí cả đời cũng chả hề gì... Mấy giờ rồi nhỉ? Qúa nửa đêm rồi à? Ôi cái điện thoại này, có thấy không, trăng vẫn chong chong thao thức. Sư Phụ Ơi, sao ngồi đây hút thuốc một mình, em không mang theo chân máy, làm sao chụp được trăng đây? Thôi, chẳng sao đâu, hãy cứ ngồi xuống đây, đơn giản là chỉ ngắm. Này, ngắm trăng chứ, trăng cao cao tít mãi trên kia, sao mắt anh lại như sóng sánh... Bên kia sông, trăng vỡ tan rồi. Những mảnh trăng rơi tung tóe trên mặt nước. Thấp thoáng trên sông, lặng lẽ thuyền ai đang tung lưới đau khổ gom trăng về.
Hết