Chiều rồi. Bóng tối ẩn nấp ở sau những xó xỉnh của căn phòng bắt đầu trườn ra ngoài. Chúng tham quan phòng bếp trước rồi mới từ từ đặt chân vào phòng khách, chỗ người đàn bà đang ngồi, trên một cái ghê bành bọc da mềm màu nâu đất, trước một bình hoa cắm sâu nhái và cúc kim nở trái mùa. Căn phòng thơm mùi cỏ dại. Mùi nến. Mùi thức ăn. Mùi da thuộc oi oi. Các con chị, một đứa gái và một đứa trai, luôn dị ứng với thứ mùi tổng hợp như vậy. Nhưng chị đã quen, thậm chí nó trở nên quá thân thuộc và đáng yêu. Chị đứa tay lên day day hai cánh mũi, nghĩ thầm, nếu không vì nó, chắc mình đã từ bỏ căn nhà này từ lâu rồi. Chị nhìn ra cửa sổ. Không có gió nhưng hai cánh rèm vải hoa vàng lay động. Ngoài cửa kính tuyết bay nhẹ từng đợt bông nhỏ trắng muốt. Trong tích tắc, chúng bám thành một lớp dày trên bậu cửa. Những nóc nhà bằng gỗ sơn nâu, những thân cây khẳng khiu trụi lá, con đường nhỏ dẫn đến bãi đậu xe với những hàng xe xếp thẳng tăm tắp cũng phủ đầy tuyết. Bầu trời xanh xám chuyển dần sang màu chì rồi đột ngột đen thẩm nhưng vẫn còn thấy rõ màu trắng nhạt của những đụn tuyết nhỏ ở gần. Không có cảm giác lạnh giá khi nhìn ra ngàoi trời đầy tuyết mặc dù tuyết đã đóng thành những tảng băng lớn trên cây. Một con chim sẻ từ đâu bay lại, đậu trên bậu cửa. Nó mổ tóc tóc cái mỏ nhỏ xíu vào cửa kính, tò mò nhìn vào trong nhà. Người đàn bà đứng dậy, cũng chống tay vào nạnh tò mò nhìn lại nó, miệng mĩm nụ cười thân thiện. Nhưng khi chị tiến lại gần, con sẻ hốt hoảng bay đi mất, để lại những dấu chân mờ mờ như hình chiếc lá ba cánh. Người đàn bà quay vào bật đèn và nhìn lên chiếc đồng hồ gỗ treo trên cửa ra vào. Dưới ánh đèn vàng, mặt đồng hồ có vẻ cũ kĩ hơn với hai cây kim bạc. Cây ngắn và cây dài chỉ cùng vào con số năm. Chị bước vào phòng bếp. Việc đầu tiên là chị mở tủ lạnh, lấy đồ ăn bày lên bàn. Hơi từ tủ lạnh bốc ra làm tay chị lạnh cóng và mặt có cảm giác tê tệ Miếng sườn heo bị bọc một lớp tuyết dày, phả ra những đám khói mỏng. Chị lầm bầm, chẳng biết mình có may mắn không nữa. Chứ thử giờ này ở ngoài đường xem. Lại chẳng như miếng sườn kia ấy à. Chị cho tay vào găng. Trong khi chờ thi rã đá, chị nhặt rau muống cho vào nồi luộc và bày bánh tráng cuốn chả giò. Chị làm cặm cụi nhưng không thấy hứng thú. Bởi vì chị biết rằng dù cố gắng thế nào chị cũng không thể tìm được hương vị thật sự của nó. Cũng giống như khi chị đi vào các tiêm ăn Việt Nam. Ở đó họ bày bán không thiếu món ăn Việt Nam nào nhưng tất cả đều nhạt nhẽo. Vả lại chị đã lớn tuổi, chuyện ăn uống không còn quan trọng nữa. Chị làm mọi thứ chỉ để cho chồng và con. Chị vớt rau muống ra đĩa. Chả giò gói xong chị cho vào lò vi ba, nhấn nút rồi quay sang ướp sườn bỏ vào lò nướng. Pha xong nước mắm thì tất cả đã chín. Chị xếp chúng trong những chiếc đĩa tráng men xanh, bốn phía vẽ bốn con rồng nhỏ màu vàng và đặt lên bàn cùng với bốn cái chén sứ cũng tráng men xanh, bốn ly uống rượu vang bằng thủy tinh đỏ. Phía cuối bàn chị đặt thêm một lọ hoa cúc trắng, lá cỏ phủ lòa xòa xuống mặt bàn trải nylon trong suốt. Một bữa ăn đầm ấm và hoàn hảo, chị lùi lại ngắm nghía, mĩm miệng cười.Một thứ tình cảm gần như là niềm hạnh phúc tràn ngập trong trái tim chị. Chị nghĩ, chỉ nữa tiếng nữa thôi, chồng chị sẽ đầy cửa bước vào nhà, mang theo hơi giá lạnh của tuyết và gió. Vài phút sau, hai đứa con chị cũng về nhà. Hôm nay chúng biết chị ngày mai đi xa, hẳn chúng sẽ về sớm hơn thường lệ. Mọi người sẽ kéo ghế ngồi vào bàn và cụng ly chúc chị một chuyến đi bình an và may mắn. Chị quay lại phòng khách. Tiếng băng cassette chạy rọt rẹt. Một giọng nữ cất lên cao vút "... Gió rằng gió lạnh có đêm đông trường... Nửa chăn nửa chiếu nữa giường chờ ai... Ngắt rằng ngắt nhụy cánh bông huê nhài... ". Chị lục hộc tủ lôi ra một điếu thuốc lá cán xanh và châm lửa. Khói bay ra thành những vòng tròn nhỏ màu xám khen khét mùi thuốc pháo. Mùi khói làm chị cảm thấy dễ chịu. Chị tắt đèn, ra đứng bên cửa sổ. Trăng lên một mảnh bé như vảy trấu, nhưng vẫn tỏa ra một thứ ánh sáng xanh mờ. Trời sâu thẳm. Những vì sao rạch vào trời những tia sáng nhọn và sắc như những mảnh thủy tinh vỡ. Tuyết đã ngừng rơi. rên mặt đường, tuyết trông mịn màng hơn nhưng cũng lạnh lẽo hơn. Cuối cùng thì chồng chị cũng đã về. Nghe tiếng mở khóa lách cách, chị vội dụi mẩu thuốc vào gạt tàn, mở đèn. Chị vuốt lại những nếp áo bị nhăn, khum tay lên miệng, hà một hơi thật mạnh để làm nhạt bớt mùi khói thuốc. Chồng chị bước vào, đưa nhanh mắt nhìn chị từ đầu đến chân và hỏi, honey, hôm nay em ở nhà thế nào? Có vui không? Không đợi chị trả lời, anh cúi xuống hôn lên môi chị, như thói quen anh hay làm khi đi đâu về. Ngay lập tức anh lùi phắt lại, mắt mở to sau cặp kiếng trắng, hai nếp nhăn bên cánh mũi gồ lên, miệng hơi mở ra để lộ hàm răng nhỏ trắng đều, em lại hút thuốc phải không? Chị ngượng nghịu bảo, ở nhà một mình buồn quá. Mà em chỉ hút có một điếu thôi. Anh không trả lời, vẫn giữ nguyên vẻ mặt ấy, anh đi vào phòng ngủ. Chị cảm thấy trong người bức bối với ý nghĩ là mình có tội nặng. Giá như anh nói thêm một vài câu thì chị đã thấy nhẹ nhõm. Đằng này... Chị đứng tựa vào cánh cửa nhìn anh thay đồ, bảo, em xin lỗi, em sẽ không bao giờ làm như thế nữa. Nhưng quả thật hôm nay em thấy rất buồn. Anh đưa bộ quần áo cho chị, xát mạnh hai tay lên mắt, chỉ bảo, anh mệt quá. Anh muốn nghỉ một chút. Anh nằm xoay tấm lưng to bè ra ngoài, chân quặp chặt chiếc gối ôm, thở đều đặn vẻ như đã ngủ saỵ Chị đứng nhìn anh một lát rồi bỏ đi, trong bụng tự nhiên thắc mắc, sao dạo này anh phát tướng ghê thế. Lúc đi ngang qua bàn ăn chị sờ vào thấy thức ăn đã nguội ngắt. Mùi thức ăn cũng không còn sực nức lên nữa. Có tiếng chuông điện thoại reng, liu riu như tiếng dế. Chị luôn vặn nhỏ volume như thế để khỏi giật mình và để khỏi làm mất giấc ngủ của cả nhà. Chị nhấc ống nghe. Có tiếng ho, tiếng lào xào. Chị hỏi, Tommy à. Đầu dây bên kia trả lời, Mom à? Là Tommy đây. Con đang ở đâu thế, chị hỏi, tối nay có về sớm được không? Con trai chị ấp úng, không đâu Mom à, tối nay công ty có việc phải giải quyết gấp, con không về được đâu. Ngày mai mẹ về Việt Nam rồi, chị nhắc lại, con có nhớ không. Con nhớ chứ, nhưng thực sự là không về được, con trai chị bảo, vả lại Mom chỉ đi có một tháng thôi mà. Chị buột miệng bảo, giờ này ở Việt Nam đang là hai mươi tám Tết. Ai còn làm việc vào giờ này. Con trai chị cười ngất, nhưng đây là ở Mỹ mà Mom. Không làm nó cho nghỉ việc chứ chẳng chơi. Thế Mom đã soạn đồ xong hết chưa? Có gì đâu, chị trả lời, giọng hơi nghẹn lại, đồ đạc của mẹ ít nên soạn nhanh lắm. Thế thôi nhé. Con nhớ giữ gìn sức khỏe. Chị kéo lê chiếc vali giữa nhà, đồ đạc, dồn thành một đống trên nền thảm. Chị bắt đầu hì hụi xếp đồ vào vali nhưng khi đóng lại nắp vali cứ chực bung ra vì quá đầy. Sau mấy lần cố gắng hết sức, chị phải lôi bớt đồ ra để sắp lại. Vừa làm nước mắt chị vừa nhảy ra dàn dụa. Chị lầm bầm, chồng với con, ôi sao tệ hại thế này. Không kìm được, chị Òa lên khóc. Tiếng khóc cứ nghẹn tắc lại. Chồng chị đã đến sau lưng chị lúc nào. anh vuốt nhẹ tóc chị, hỏi, honey, chuyện gì thế em. Chị bảo, Tommy không về được tối naỵ Anh cười, em làm sao thế. Từ trước đến giờ nó vẫn như vậy mà. Chị nói, nhưng mà ngày mai... Nhưng anh đã cắt ngang lời chị bằng một giọng hồ hởi như con nít, chúng mình đi ăn cơm thôi em. Trời ơi anh đói quá đi mất. Trong lúc chị hâm lại đồ ăn, anh bảo, đồ đạc của em đây à? Sao nhìu thế. Mặt chi lại xị ra muốn khóc. anh bảo, thôi nào honey, để đó anh tính cho. Giữa bữa ăn con gái chị về. Nó ngồi vào bàn ăn, lều quều mấy hạt cơm rồi đứng dậy. Chị nghe tiếng nó hỉ mũi ở trong phòng tắm, tiếng cánh cửa phòng nó dập rất mạnh. Chị hỏi vọng vào, có chuyện gì xảy ra vậy con. Tiếng con bé lùng bùng như quấn ở trong chăn, không có chuyện gì đâu. Mom đừng lọ Chồng chị cũng bảo, em đừng lọ Con lớn rồi, nó biết nó sẽ phải làm gì. Câu nói làm chị thấy bối rối. Chị nhớ ngày xưa, thậm chí đến bây giờ, chị vẫn luôn có nhu cầu được tâm sự và được người khác quan tâm. Hai vợ chồng chị soạn đồ đạc cho đến tận bốn giờ rưỡi sáng. Sáu mươi lăm kí hành lý đối với chị là quá ít. Chị không biết nên bớt thứ nào để lại. Cái gì cũng làm chị tiếc rẻ. Anh bảo, em tham quá. Xách tay ít thôi, đi cho nó nhẹ nhõm. Chị cười, hơn mười năm rồi em chưa về. Bao nhiêu là bà con hàng xóm ở Việt Nam, chừng này cũng không đủ được. Cực một chút nhưng lại vui mà. Anh không nói gì, mắt lại trợn tròn sau cặp mắt kiếng, hai nếp nhăn bên cánh mũi gồ lên, miệng hơi há ra để lộ hàm răng nhỏ xíu đều đặn. Nhưng lần này chị giả như không thấy. Chị tìm mọi cách nhét hết những món đồ mà anh quẳng lại vào xách tay mới thôi. Năm giờ sáng, anh đã ngủ rất saỵ Còn chị không sao ngủ được. Chị nghĩ đến bữa tiệc giao thừa với mọi người ở nhà. Những đứa trẻ nít chạy lăng xăng trong xóm. Những ông bà già ngồi chĩnh chện trên những chiếc ghế gỗ chờ con cháu xúm xít đến chúc tết. Mọi người sẽ bổ dưa hấu, cắt bánh chưng trong mùi nhang khói ngào ngạt. Sau giao thừa, đám trẻ sẽ đi hái lộc ở chùa. Chị thì sao nhỉ, sẽ ở lại nhà ôn chuyện với các ông bà già hay theo chân mấy đứa trẻ ra đường? Nhưng chắc chắn là đêm giao thừ đầu tiên ở quê hương, chị sẽ không ngủ được, như đêm naỵ Khi ngoài trời đã sáng rõ, chị mới thiếp đi được một lát. Anh đưa chị ra sân baỵ Tuyết vẫn rơi và gió thổi lạnh buốt. Chị co ro trong chiếc áo khoác dạ, mĩm cười nghĩ, vừa xuống sân bay là mình sẽ lột áo ra từ từ, giống như lột một cái bắp cải. Chị Hai sẽ chạy tới bảo, hồi nãy mặc đồ tưởng em mập lắm. Hóa ra vẫn mi nhon như dạo nào. Ở Mỹ mà giữ được như vầy là giỏi lắm. Chị ấy lúc nào cũng nghĩ ở Mỹ mọi người đều to béo như trong film vậy. Người đàn bà tóc vàng đứng sau quầy check-in giương cặp mắt xanh màu trời chiều nhìn chị kinh ngạc, thông báo bằng giọng đều đều, chị đã đến muộn rồi. Chuyến bay của chị đã rời đường bay cách đây năm phút. Chị ngơ ngác. Anh sợ chị không hiểu nên dịch lại, em đã trễ chuyến bay rồi. Chị thẫn thờ hỏi, tại sao? Anh bảo, họ nói rằng cứ ba mươi ngày họ lại đổi giờ bay một lần. Đáng nhẽ ngày hôm qua nên phải kiểm tra trước với họ. Họ bảo chỉ còn chuyến bay vào sáng mai. Chị tuyệt vọng nói với người đàn bà, tôi muốn được đón giao thừa ở Việt Nam. Tối mai là giao thừa của chúng tôi. Người đàn bà nhã nhặn đáp, chúng tôi rất tiếc... Chị nhìn chằm chằm cặp môi mỏng tô son đỏ cánh sen của người đàn bà liên tục khép mở nhưng không hiểu bà muốn nói gì. Tai chị lùng bùng. Một ý nghĩ duy nhất bay qua đầu chị, vô ích. Họ chẳng thể nào hiểu được đêm giao thừa thiêng liêng như thế nào đối với mình. Nên khi anh kéo tay chị đi, nữa đùa nữa thật, đằng nào thì cũng lỡ rồi. hay em trả vé ở lại với anh và con. Một tháng coi bộ cũng dài lắm thì chị nhìn anh như nhìn người lạ. Như nhìn người đàn bà đứng đằng sau quầy check-in. Sáu giờ rưỡi chiều, chị tới Hồng Kông. Sân bay Chek Lap Kok mênh mông và lấp lánh ánh đèn. Những hột nước bám trên cửa kính máy bay chảy xuống ngoằn nghèo. Chị nghĩ, chúng giống hệt như nước mắt vậy và chậm chạp thu gom hành lý rời khỏi chỗ ngồi. Điểm dừng cuối cùng của hầu hết hành khách trên máy bay là Hồng Kông. Giờ này họ đang vội vã ra làm thủ tục nhập cảnh để trở về nhà. Chỉ còn chị và một vài người nữa trên sân bay vắng người. Gần mười lăm tiếng ngồi trên máy bay, thêm chiếc vali xách tay căng phồng đồ đạc làm chị mệt mỏi. Mong ước duy nhất lúc này của chị là được ngả lưng và nhắm mắt ngủ một lát. Chị ngồi xuống một chiếc ghê nhựa dài màu xanh, kê chiếc ba lô dưới đầu và nằm xuống, hai chân phải hơi co lại vì thiếu chỗ và vì lạnh. Chị ngủ được khoảng hơn hai tiếng thì thức dậy vì tiếng nói chuyện. Một ông già và một bà già. Họ nói với nhau bằng tiếng Việt nên lúc đầu chị nghĩ mình đang nằm ở nhà chị Hai. Nhưng khi mở mắt ra chị mới biết là mình nhầm. Chị ngồi dậy, vuốt lại tóc. Hai ông bà già quay sang nhìn chị. Chị hỏi, hai bác cũng về Việt Nam ạ? Trong mắt hai ông bà chị thấy ánh lên những tia sáng mừng rỡ. Họ bảo, vâng. Chúng tôi về Việt Nam ăn Tết. Ông già bực bội gỡ chiếc nón két ra khỏi đầu, nhưng chẳng hiều bọn chúng nó làm ăn ra sao, lại đặt vé cho chúng tôi đúng vào ngày này. Cô thấy đấy, chúng tôi già rồi có biết cái gì đâu, bà già bối rối vò chiếc khăn lụa trong tay, chúng nó thì bận tối tăm mặt mũi. Chúng nó cứ bảo cho mẹ chuẩn bị sẵn đồ đạc đi, đến ngày con lấy vé thì ra sân bay luôn. Nên chẳng kịp xoay trở gì cả. Bà liếc sang ông già, ông nhà tôi cứ cáu giận suốt. Năm mới mà cứ thế thì có xúi quẩy cả năm không. Bà chậm khăn lên mắt, thế cô sao lại ở đây giờ này? Cháu lỡ chuyến bay, chị trả lời, chứ đáng lẽ giờ này cháu đã ở Việt Nam rồi. bà già đứng dậy bảo, ông ngồi đây nhé. Tôi đi vệ sinh một chút. Đi đi, đi đi. Ông già xua taỵ Tôi chỉ có ngồi đây chứ biết đi đâu mà bà cứ dặn với dò. Bà già đi khuất vào phòng vệ sinh. Ông già nhìn theo, thì thào, bà nhà tôi nó vô tâm. Chứ tôi thì đâu lắm, hai bàn tay ấp trên mũ của ông run run, cái cảnh này nó phản ánh đúng tình trạng của chúng ta cô ạ. Chúng ta là những kẻ tha hương. Chúng ta không phải là công dân Việt Nam nữa nhưng nước Mỹ cũng không bao giờ là quê hương của chúng ta được. Nếu cô vào quốc tịch Mỹ rồi cô sẽ hiểu điều tôi nói. Chị cúi đầu, nói khẽ, cách đây năm năm, cháu đã nhập quốc tịch. Mà nếu chưa nhập cháu cũng có thể hiểu điều bác nói. Ông già buồn bã bảo, chúng nó mất gốc rồi. Chúng nó không hiểu tôi. Vì thế tôi thấy mình lạc lõng. Im lặng một lát chị nói, dù sao cũng được an ủi chúng ta là những người khách đầu tiên xông đất Việt Nam. Ông già lắc đầu, cay đắng bảo, thì cũng chỉ là những người khách thôi, cô ạ. Bà già đã quay lại. Bà lục giỏ ra lấy khăn giấy hỉ mũi rọt rẹt. Ông già khuyên, lấy dầu mà bôi vào, coi chừng bệnh đấy. Chị cười, hai bác quan tâm đến nhau quá. Cháu nhìn mà thèm. Ông già nhăn nhó, chúng tôi không quan tâm đến nhau thì còn ai quan tâm cho nữa. Bà nhà tôi coi vậy mà ốm yếu lắm. Mùa đông ở Mỹ là cả một cực hình đối với bả. Họ nói chuyện với nhau một lúc thì chị nhìn đồng hồ, bảo, còn mười lặm phút nữa đến giao thừa ở nhà mình. Hai bác đợi cháu một chút nhé. Chị đứng dậy đi về phía các quầy hàng. Tất cả các cửa hàng đã đóng cửa. Chỉ còn duy nhất một quầy rượu còn mở. Nhưng khi chị vừa bước đến cánh cửa cũng sập xuống. Người đàn ông nhìn chị lưỡng lự rồi mở khóa, lấy cho chị một chai rượu vang nhỏ, ba chiếc ly giấy và một ít đồ nguội. Chị bảo, cảm ơn ông. Ông thật lịch sự. Người đàn ông nói bằng thứ tiếng Anh ngọng nghịu. Bởi vì tôi trông thấy cô mệt mỏi lắm rồi và cười. Chị và hai ông bà già ngồi hẳn xuống sàn trải thảm, bày đồ nguội trên miếng nylon. Bà già lôi trong iỏ ra hai ổ bánh mì ỉu xìu và hai cây nem chua, mua ở tiệm Ba Lẹ, theo như lời bà già giới thiệu. Chị mở nút chai, rót chất rượu thơm phức vào ba chiếc lỵ Chị tiếc rẻ, uổng quá, cháu không kiếm được ba chiếc ly bằng thủy tinh. Không thì sẽ có vẻ là tiệc tùng hơn. Bà già thẫn mặt ra một lúc rồi lầm bầm, chẳng hiểu bâyy giờ chúng nó đang làm gì ở nhà. Bà lại lấy khăn chậm mắt, sao mà tôi nhớ chúng nó quá. Ông già lườm bà một cái rồi nâng ly lên cao, rượu sánh vài giọt đỏ óng ra ngoài. Ông e hèm giọng, trịnh trọng "Chúng mừng năm mới hạnh phúc". Chị lập lại, chúc mừng năm mới hạnh phúc. Hạnh phúc. Lòng tự nhiên thấy thật dịu dàng và ấm áp.
Hết