"Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều." Ngày xưa khi đọc câu ca dao ở trên, lúc vẫn còn quanh quẩn ở mảnh đất chôn nhau cắt rún, mảnh đất được gọi là quê hương và vẫn còn có mẹ hiền bên cạnh, hiểu thì có hiểu, nhưng tôi đã không cảm được hết tất cả ý nghĩa và cảm xúc của tác giả khuyết danh nào đó, đã gởi gắm tâm tư của mình trong hai câu ca dao lục bát này. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đây là tâm sự của một cô gái lấy chồng xa và nhớ quê nhà... Ngày lễ hiền mẫu vừa qua, được người bạn mời đến nhà chơi. Nhìn những tấm thiệp nhỏ vẽ nguệch ngoạc những hình ảnh và chữ, gởi mẹ, gởi bà của những đứa con bạn, bên cạnh những nụ hồng đỏ rạng rỡ. Nhìn người bạn và những đứa con loay hoay sắp xếp những dĩa đồ ăn vừa được nhà hàng đem đến, chuẩn bị cho buổi cơm gia đình. Mừng cho hạnh phúc của bạn mình, gia đình êm ấm và đặc biệt còn có Mẹ để thương yêu, phụng dưỡng nơi xứ lạ quê người. Chợt nghe thèm điếu thuốc lá, tôi mở cửa bước ra ngoài, nhìn khói thuốc tan loãng vào không gian, ngước lên cao nhìn mây trôi lững lờ. Mây trôi về đâu? Một luồng gió bất chợt thổi ngang, đưa ngược khói thuốc vương vào mắt. Dường như mắt hơi cay! Mẹ và quê hương, tôi đã mất tất cả. Chiều nay bên hiên nhà người Nhớ về đất tổ. Mẹ ơi!.... ngậm ngùi. Ngược dòng ký ức, mẹ tôi, một người phụ nữ nhỏ nhắn, mãnh khảnh, dịu dàng và hiền hòa. Trên đôi vai gầy guộc, mẹ đã bền bĩ, cưu mang những gánh nặng chất chồng của gia đình, của đời sống mang lại và đã vượt qua tất cả. Ba tôi thì cũng thương mẹ và rất lo lắng cho gia đình, nhưng có lẽ do ảnh hưởng của truyền thống phong kiến ngày xưa, Ba tôi ít khi dịu dàng săn sóc hay tiếp tay với mẹ với những công việc lặt vặt trong nhà. Với ba tôi, thì có lẽ vợ là một người thân cận nhất, một nội tướng của ông, và có bổn phận phải lo mọi chuyện trong gia đình. Còn ông thì chỉ lo lắng đến những công việc "lớn". Theo tôi, thì đây là một sự phân công và sắp xếp rất là bất công cho phụ nữ, nhưng trong suốt những năm tháng sống gần gũi với Mẹ, tôi không hề nghe Mẹ than vãn gì về việc này. Có lẽ vì đã lớn lên và được giáo dục trong bối cảnh của thời đại "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu" nên mẹ xem đây là bổn phận của mẹ, của một người vợ. Tôi có cảm giác như săn sóc, lo lắng cho ba tôi không phải là một gánh nặng mà là một niềm hạnh phúc của mẹ. Đối với con cái, thì tình thương và tấm lòng của mẹ tôi thiệt đúng như câu "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...". Kể làm sao cho hết những nỗi nhọc nhằn, chịu đựng và hy sinh của mẹ tôi cho gia đình, cho con cái qua những đoạn đường thăng trầm của cuộc sống. Con cái thì nhiều và mỗi người một cá tánh khác biệt. Hình như là mẹ tôi biết cách thương mỗi đứa con tùy thời điểm và đúng mức. Nếu căn cứ vào lý lẻ thì nhiều khi thấy không công bằng, nhưng con tim của mẹ chắc có lý lẻ riêng của nó. Và sự thật thì tôi thấy đúng, ít nhất là về mặt tinh thần, như tục ngữ đã nói "mất mẹ liếm lá đầu đường", nếu không có mẹ thì những khác biệt về tính tình, anh chị em của chúng tôi có lẽ đã bị rã đám. Mẹ tôi đã như là chất keo gắn liền mọi người lại với nhau. Tình thương của mẹ cho những đứa con thầm lặng và kín đáo, không ồn ào, và đôi khi phải nhìn và nghe bằng con mắt và lỗ tai vô hình. Nói một cách khác, là dùng trái tim để nhìn và nghe, mới có thể cảm nhận được tình thương từ trái tim của mẹ. Phần của tôi, nếu không có tình thương và "những giọt lệ âm thầm" của mẹ cảm hóa thì chắc tôi cũng không được như ngày nay. Là con trai duy nhất trong gia đình, được cưng chiều từ lúc nhỏ. muốn gì thì gần như được nấy.Có lẽ một phần là vì vậy nên tôi đã ỷ lại, xem trời đất bằng cái nắp vung, lêu lỏng, ham chơi, bỏ bê, không xem việc học hành là cần thiết cho tương lai. Ba tôi thì rất là nghiêm khắc, nhưng đòn roi và sự cứng rắn của ông, đã không làm cho tôi thực sự "hiểu" sự quan trọng của học vấn đối với tương lai, để chuyên tâm đến việc học hành hơn. Tôi cũng đến trường, nhưng chỉ cho có lệ và mỗi lần ba tôi liên lạc với trường là mỗi lần tôi bị rầy la, bị phạt đòn. Những lỗi lầm, sai trái của tôi lại cũng rơi trên đôi vai của mẹ. Gia đình, họ hàng, người quen biết ai cũng "đổ lỗi" cho mẹ, là sự thương yêu và chìu chuộng của mẹ dành cho tôi là nguyên nhân chính làm cho tôi bê tha, hư hỏng. Nhưng dù vậy, tình thương của mẹ dành cho tôi hình như chỉ thêm chứ không bớt. Có một lần tôi bị phạt đòn khá nặng, mẹ tôi hình như đau lòng lắm, nhưng không dám "can" ba tôi. Tối đó, nửa đêm, tôi giật mình thức giấc thì thấy mẹ tôi đang xoa dầu trên những vết roi. Mẹ không nói gì nhiều và chỉ hỏi: "Có còn đau lắm không?". Nhìn đôi mắt của mẹ, tôi biết mẹ đã khóc trong âm thầm. Suốt đời tôi vẫn nhớ mãi ánh mắt thương yêu, khổ tâm, còn ươn ướt với những giọt lệ âm thầm rơi của mẹ trong đêm đó và tôi tự hứa với bản thân là sẽ làm cho mẹ tôi vui. Năm tôi đậu Tú Tài 2, được nhận vào đại học, mẹ tôi đã tổ chức buổi tiệc ăn mừng. Nhìn mẹ thắp hương tạ ơn tổ tiên, và hãnh diện "khoe" với bà con, cậu Tú "tiểu tặc lì" của mẹ. Cũng với đôi mắt ươn ướt, như đêm tôi bị đòn đau, nhưng lần này thì với lệ mừng, tôi thấy như cả đại dương của tình thương thu gọn lại trong ánh mắt của người mẹ hiền. Mẹ tôi và tình thương của mẹ dành cho tôi nói riêng, của những người mẹ và tình thương của họ dành cho con cái nói chung, được diễn tả một cách không cầu kỳ, bình dị, gần gũi và đúng mức như trong hai câu ca dao. "Mẹ già như chuối ba hương. Như xôi nếp một, như đường mía lau". Vâng, mẹ và tình mẹ có thể so sánh một cách cụ thể với hương vị ngọt,thơm, ngạt ngào của chuối ba hương. Dẻo, mềm, ngon của xôi nếp một đầu mùa. Đậm đà, ngọt dịu như đường của mía lau. Mẹ, tượng trưng cho những gì chín nhất, ngọt nhất và quý nhất. Có lẽ cưu mang và dưỡng nuôi là hai đặc tính thiên phú của phái nữ, cho nên dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình thương người mẹ dành cho con cái cũng không bao giờ cạn và chảy bất tận như nước trong nguồn. Những ai may mắn, được sống và lớn lên, trong vòng tay bảo bọc và che chở của mẹ. Hình ảnh của người mẹ sẽ mãi mãi là một hình ảnh cao quí, thân thương, gần gũi, in sâu, khắc đậm và trường cửu trong tiềm thức của mỗi chúng ta dù cho vật đổi, sao dời. Tình mẹ có thể nói là điểm phát sinh và là gốc của mọi tình cảm thương yêu của một con người. Ngay từ lúc còn bé, chúng ta vừa cất tiếng khóc thì người mẹ đã chạy đến bên cạnh nâng niu, vỗ về. Mẹ như một bà tiên dịu hiền hiện đến để xoa dịu, chăm sóc, làm tiêu tan những lo âu, sợ hãi của chúng ta. Từ lúc chào đời, như một đứa bé, chúng ta chẳng có chút khái niệm gì về tình thương, về phương diện này, thì có thể nói người mẹ cũng là một người thầy đầu tiên dạy chúng ta về thương yêu. Trong trường hợp của tôi, nhờ có mẹ, tôi đã hiểu thế nào là thương yêu, mẹ tôi đã khơi dậy ngọn lửa tình cảm trong tôi, đã khiến tôi làm những việc, mà lúc đó, tôi cũng chưa hiểu là cần thiết cho tương lai của tôi. Như việc cố gắng học để làm cho mẹ tôi vui lòng là một thí dụ. Tôi chĩ nghĩ là cố gắng học để cho mẹ tôi vui. Tôi cố gắng học vì tình thương của mẹ dành cho, và vì tôi thương mẹ tôi. Chứ việc cố gắng học để cho bản thân tôi có một tương lai tốt thì rất là xa vời và mù mờ trong trí óc tôi lúc đó. Có thể nói, những kiến thức và khả năng tôi có được ngày hôm nay, để sinh sống, để đóng góp như một phần tử hữu dụng của xã hội, đều bắt nguồn từ những "giọt lệ âm thầm" của mẹ tôi. Mẹ là tặng phẩm lớn nhất mà cuộc đời đã cho tôi. "Ví dầu cầu ván đóng đinh.Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.Khó đi mẹ dắt con đi..." Những giọt lệ âm thầm của mẹ, vị nóng, mùi nồng của dầu cù là, và bàn tay dịu dàng êm ái của mẹ trên những vết roi đã xoa dịu cơn đau thể xác, đã dập tắt sự chống đối và nổi dậy ngông cuồng không phân biệt đúng sai của tuổi trẻ, đã dẫn dắt tôi qua những đoạn đường gập ghềnh nhất của cuộc đời. Ở một nơi nào đó, xin mẹ hãy yên lòng, đứa con trai duy nhất của mẹ đã nên người. Điều tiếc nuối nhất trong đời, là ngày tôi có điều kiện và khả năng để đền đáp lại chút đỉnh nghĩa ân trời biển của mẹ, thì mẹ và con đã âm dương ngăn cách. Nhìn cảnh gia đình ấm cúng của bạn, vui mừng cho bạn, xót xa cho mình và chợt nghe thèm quá tiếng gọi: Mẹ ơi! Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thì hình như tình mẹ cũng đưọc vinh danh, người Âu Mỹ đặt ra ngày Hiền Mẫu để vinh danh tình mẹ. Nhưng có lẽ đúng như nhà văn Trà Lũ đã nhận xét trong cuốn Đất Thiên Đàng: "Ở đây, mỗi năm một lần, con cái mới nhớ tới cha mẹ, mới mua quà, mới mua thiệp, mới mời đi ăn tiệm. Việt Nam mình hơn hẳn họ mặt này. Chúng ta yêu mẹ quanh năm. Từ bé cho đến trưởng thành, chúng ta quấn quýt bên mẹ". Đời sống của các xứ kỹ nghệ quá tất bật và bận rộn. Người già ở những xứ này, nếu không còn đủ linh hoạt để thích ứng với cuộc sống, thì hình như không được coi trọng lắm như ở quê hương mình và thường bị con cháu bỏ quên. Trường hợp như gia đình của người bạn là một trong những gia đình may mắn, vợ chồng thuận thảo, kính mẹ, yêu cha và có đủ điều kiện để lo lắng. Một số gia đình khác thì kém may mắn hơn, mà nguyên nhân thì có thể do điều kiện kinh tế, hoặc dâu hay rễ bất hòa với cha mẹ của đôi bên… Những bậc cha mẹ chẳng may lâm vào hoàn cảnh này thì thật là khổ tâm và đáng thương. Tưởng qua bên này, thì những tháng ngày lam lũ, nhọc nhằn sẽ là quá khứ. Nhưng thực tế thì khác hẳn với tưởng tượng. An nhàn chỉ là giấc mơ và nay lại gánh thêm nỗi buồn xa xứ. Một số những người mẹ, thay vì an hưởng cảnh thanh nhàn của bản thân, thì vì tình thương, vẫn tiếp tục đem thân xác già nua của họ dãi nắng dầm mưa, tiếp tục đổ từng giọt mồ hôi để kiếm thêm chút tiền. Tôi đã thấy những bà mẹ tóc bạc, chào mời khách mua giúp những bó rau, những củ khoai hay những giỏ trái cây trồng ở vườn sau, nhặt từng cái lon nhôm... chắt chiu gom góp từng đồng, để gởi về giúp đở, để san sẻ nỗi cơ cực lầm than của con cháu nơi quê nhà, bên kia bờ đại dương. Tình thương của những người mẹ VN này quả thật là vĩ đại. Bạn thân mến, Theo tục lệ Âu Mỹ thì trong "Ngày Hiền Mẫu", bông hồng trắng cho những đã mất mẹ và bông hồng đỏ cho những người còn mẹ. Nhân dịp này, dựa vào kinh nghiệm bản thân của một người đã mất mẹ, tôi không dám khuyên, chỉ xin nhắc với các bạn có được "bông hồng cài áo", là đừng quên: Mẹ là "chuối, là "xôi", là "đường", là "mật". Mẹ là những gì chín nhất, ngon nhất, ngọt nhất, tuyệt nhất và quý nhất. Hãy thương yêu kính trọng mẹ, hãy làm vui lòng mẹ với hết khả năng, để mai sau với bông bồng trắng cài trên áo, bạn sẽ vẫn nhớ thuơng và nghĩ đến mẹ, nhưng bạn sẽ không có gì để phải ăn năn hay nuối tiếc. Tôi đã mất mẹ, nên hiểu thế nào là nhớ thương, nuối tiếc và ray rứt với những ước muốn, là tôi đã có thể làm cho mẹ tôi được nhiều việc hơn tôi đã làm và tôi đã thương mẹ tôi nhiều hơn tôi đã thương... khi mẹ tôi còn sống. Lý Lạc Long (TTL/TCT/MAI/ 8/05/05) Ngày Giỗ Mẹ Ngày giỗ của mẹ Con thắp nén nhang thơm Con rót chung trà nóng Trên bàn có vài món mẹ thích Dâu của mẹ nấu đó Mời mẹ ăn! Con đã gởi tiền vàng bạc... và mọi thứ khác Như lời mẹ dặn lúc còn sống Để mẹ xài khi cần Chắc vài hôm nữa mẹ sẽ nhận được.Mẹ mất, Thắm thoát đã mười năm "Tiểu tặc lì" của mẹ, tóc cũng đã hai màu K.D., L.H. cũng đã lớn Chúng hay nhắc đến mẹ lắm Hôm nay Ly Hương hỏi: Sao không có trầu cau cho bà nội? Nội "ghiền" trầu mà Con nghe trong lòng xót xa Phải chi còn ở quê nhà Sẽ không thiếu cau trầu tươi ngày giỗ mẹ. Con biết, Mẹ không trách và sẽ nói: "Xứ người, như vậy cũng đủ quá rồi" Với con, mẹ như nước ngọt trong nguồn Cũng như lúc còn nhỏ Con làm việc sai trái Ba phạt roi xong, mẹ lấy dầu thoa Lau mặt, vuốt đầu Có đau lắm không? Đừng giận ba, con trai cưng của mẹ Ba thương con lắm đó Mẹ làm sao "cắt nghĩa" đây? Mẹ ơi! Chỉ nhỏng nhẽo với mẹ thôi Con đã hiểu từ lâu lắm rồi Ba nghiêm khắc vì muốn con nên người Công ơn ba lớn lắm Mẹ không cần phải "cắt nghĩa" đâu Không có ba, không có con ngày nay Những lời dạy bảo của ba Đã và sẽ theo con suốt đời Con trai của mẹ đã nên người Mẹ yên tâm đừng lo nữa Một đời mẹ đã nặng gánh Hãy để xuống Con mời mẹ ngồi Ăn một bửa cơm với con và gia đình. Lý Lạc Long (TTL/TRT/30/03/2003) (Kính dâng hương hồn Mẹ hiền)