Khánh Chi, một nhà báo nữ ngỏ ý muốn tôi đưa về thăm đình làng Bính, nghe nói là một kiệt tác về kiến trúc được xây dựng cách đây gần ba trăm năm, và ngày xưa rất thiêng. Kiến trúc, tôi không sành, nghe nói là kiệt tác thì biết vậy, còn ngày xưa rất thiêng, tốt nhất hãy kể cho cô nghe ít chuyện trước khi cùng về. Đúng là hồi bé, tôi cũng nghe nói đình làng tôi rất thiêng, nhưng hình như chỉ toàn trẻ con nói với nhau thôi, chẳng bao giờ hỏi lại người lớn xem thực hư thế nào. Những chuyện Tây đầm về thăm đình, chạm vào đồ thờ, đều như bị điện giật, ngã lăn quay, cười nói xì xồ bị méo mồm, dòm ngó vào hậu cung bị lác mắt, mấy con đầm mặc váy ngắn quá vừa bước qua cửa võng đã bị đau bụng quằn quại nôn thốc, nôn tháo, rồi chụp ảnh, ảnh bao giờ cũng đen kịt, hoặc trắng xóa không có hình v.v... Tất cả đều do kẻ gác đình là con chó đá đã thành tinh. Vì thành tinh nên nó có thể biến thành người. Đêm không trăng sao, nó hiện thành cụ già râu tóc bạc phơ lúc ẩn, lúc hiện. Đêm mưa nó biến thành một bà già đội nón rách, mặc áo tơi như một bà già hành khất. Đêm trăng suông, nó biến thành một cô gái trần truồng tóc xõa, da trơn như da lươn, tắm xùm xùm, ngụp lặn ở cầu ao Đình. Có đêm nó lại hiện thành một con chó bông màu trắng, đôi khi kèm theo cả một đàn bốn năm con chó con, cùng nhau đùa giỡn dưới ánh trăng. Người ta còn đồn nếu đào nó lên, phía dưới thế nào cũng có máu tươi, máu những nạn nhân của nó. Tôi là đứa trẻ táo tợn, hơn nữa ông cha vốn ghét những thói mê tín dị đoan nhảm nhí, vậy mà cũng rợn, tuy luôn muốn thoát khỏi nỗi rợn đó. Rất nhiều lần, tôi tự thách đố mình nhất định đêm nay, mười hai giờ khuya, sẽ qua đầu đình bên kia, nơi trồng chó đá, xem có thấy gì không, nhưng vẫn không đủ sức vượt qua nỗi rợn, lần nào đi gần đến nơi cũng lạnh hết sống lưng, vội rảo bước quay lại, bỏ cuộc. Nghĩ lại những chuyện về chó đá, tôi chỉ thương cho anh Nguyên. Anh người huyện khác, là người ở giúp việc cha tôi. Mẹ tôi bị bệnh đã mất, cha tôi bận việc buôn bán vắng nhà luôn, nhà đôi khi chỉ còn trơ lại tôi với anh, anh lại là người hiền lành, thật thà, nên tình cảm giữa chúng tôi gắn bó như anh em ruột thịt. Lúc đó tôi khoảng mười hai tuổi, đang học lớp nhì tiểu học. Gọi là giúp việc, nhưng thật ra chẳng có việc gì ngoài việc trông nom tôi, cơm nước, giặt giũ, quét dọn nhà cửa. Nhà, sân rộng mệnh mông, nên càng vắng vẻ, đôi lúc buồn tình, anh lại nghêu ngao cất lên mấy câu vọng cổ: "Than ôi, thành trì sụp đổ, từ nay thôi hết mộng vương hầu..." hoặc "Quý nương ơi, quý nương ơi, sao quý nương vẫn lạnh lùng, hờ hững vò xé tâm can kẻ si tình...". Anh kể cho tôi nghe, mười lăm tuổi đã lang thang phiêu bạt vào Nam, từ Tua-ran (Đà Nẵng), qua Phan Thiết, đến Sài Gòn rồi tới tận Cần Thơ, khi làm thợ, thợ nhuộm, thợ mũ, thợ guốc, khi đi ở, khi đi theo gánh thuốc, mãi võ, cáo chết ba năm quay đầu về núi, thà trở về đi ở, làm thuê trên đất Bắc quê hương. Vì đã phiêu bạt ở những nơi đô hội, nên anh ra dáng dân thành thị hơn là vẻ chân chất quê mùa, mặc dầu ra khỏi cổng, anh phải đeo ngay đôi kính râm để che đi đôi mắt nhập nhèm lông quặm. Một hôm anh kéo tôi đến ngồi vào bàn giấy của cha tôi, lấy ra một tờ giấy trắng có lẽ mua ở chợ và bảo tôi: - Viết hộ anh bức thư. Tôi ngoan ngoãn ngồi viết ngay theo lời anh đọc, không hề hỏi thư gửi cho ai: Thưa quý nương. Kể từ hôm xem tuồng ở hội đình, được gặp gỡ, chuyện trò cùng quý nương đến nay đã hơn nửa tháng trời, tôi ngày đêm mong nhớ, ăn không biết ngon, ngủ chỉ mơ màng, không lúc nào nguôi, chỉ mong chóng được gặp lại quý nương để giãi bày tâm sự... Giấy vắn tình dài, mong quý nương lượng thứ. Ba ngày hội đình, mặc dầu tế lễ linh đình, khói hương nghi ngút gấp bội ngày thường, nhưng không khí tháo khoán phá lệ bao trùm lên tất cả. Tất cả trẻ con, người lớn, trai gái, thanh niên đều như bị cuốn vào các trò vui: đập nồi, cờ tướng, chọi gà, đấu vật, xúc xắc thò lò, cua cá..., trút bỏ tất cả, quên đi tất cả, nhất là đám thanh niên trai gái. Trai gái các làng bên cũng đổ tới xem rất đông, chủ yếu là để xem tuồng, nhất là tuồng đêm. Sân khấu tuồng được dựng trên sân đình, ngay trước cửa võng. Cửa võng là chỗ ngồi xem của các chức sắc, quan viên. Hai bên cửa võng, trên các bậc thềm, bậc cửa sân đình, hai bên cánh gà để trống, trai gái đứng xem lẫn lộn, chen lấn, cố ý đụng chạm nhau, lả lơi, cợt ghẹo, tán tỉnh nhau nhiều hơn là để xem tuồng. Chỗ nào, xó nào cũng thấm đậm màu trần tục. Tôi còn nhỏ, không phải là không biết gì, đôi khi vô tình, cũng có khi tò mò nghe được khối chuyện nhảm nhí của lứa tuổi đàn anh. Họ tụ hội, kể lại, khoe nhau đã tán cô này, gạ cô khác, rủ đi đâu, ra điếm, ra đồng. Đến nay tôi vẫn còn nhớ có anh khoe đã ghì một cô tựa lưng vào con chó đá để hôn cô. Cho nên việc anh Nguyên qua hội đình đã ve vãn được ai đó đối với tôi chẳng có gì lạ. Tôi không nhớ đã viết hộ anh bao nhiêu bức thư, sáu bảy gì đó, thư nào cũng vẫn "quý nương", sặc mùi vọng cổ, tuy thư sau có vẻ đằm thắm hơn và đã có những lời lẽ hẹn hò. Anh cẩn thận dặn tôi đừng để lộ với cha tôi, dĩ nhiên anh không cần phải dặn, không đời nào tôi lại để cha tôi biết. Rồi một hôm, gần trưa thì phải, mọi người đổ xô ra ao đình xem có người chết đuối. Xác chết là một cô gái mười chín, đôi mươi, chỉ mặc mỗi chiếc quần cộc là quần dài cắt ngắn. Chị là chị Tơ, quê tận Gia Lâm là người ở cho nhà ông Cửu Trịnh. Có những lời xì xào đồn đại liên quan đến anh Nguyên. Mấy hôm sau, cha tôi gọi anh lên nhà khách, mắng: - Mày có biết, người ta đang đồn gì về mày không? - Người ta đồn oan cho cháu. - Oan ư? Sao người ta lại tìm thấy thư mày gửi cho nó? - Thư nào ạ? Cháu có biết chữ đâu mà thư từ. - Thôi đừng cãi, không mày thì người khác, ai lại gọi là "quý nương"?... Có điều mày ở với tao ngoan ngoãn thật thà, quý em, tao cũng tiếc, nhưng mày làm tao mang tiếng. Cha tôi thanh toán tiền công và đuổi anh. Người ta đồn anh làm chị có thai, nên chị nhảy xuống ao tự tử. Nhưng tại sao lại chỉ mặc mỗi chiếc quần cộc, áo chị ta đâu? Không phải thế, anh ả đang hú hí với nhau trong bụi duối ở sau đình, con chó bông bỗng ở đâu xồ đến đớp luôn chiếc áo của cô ả tha đi. Mất áo, không dám ở trần về nhà, cô ả ôm ngực chạy ra đâm đầu xuống ao tự tử. Không phải, chị ta vừa cởi áo liền bị chó bông đớp vào cổ, khi vớt xác, cổ vẫn còn hai vết răng nanh của chó. Cũng không phải, cứ mươi năm chó đá lại đòi xác người, mà phải là con gái chưa chồng, cách đây chục năm chả có một cô treo cổ ở cây đa là gì, không hiểu tại sao mấy tháng sau cây đa bị sét đánh chết. Sao sét không đánh chó đá, lại đánh vào cây đa? Biết đâu lần này không đến lượt chó đá... Đều là những chuyện trẻ con nghe lỏm rồi kể lại cho nhau nghe, kể cả khi anh Nguyên đã khăn gói sụt sùi ra đi. Tôi thương anh, nhớ anh. Cha tôi chưa tìm được người khác, mà người khác sao có thể được như anh, nên tôi càng buồn và càng nhớ. Buồn nhớ bao nhiêu tôi càng giận lây con chó đá bấy nhiêu, mặc dầu tôi vẫn bán tín, bán nghi về những lời đồn đại, và không phải không ngại nó. Nhưng tao chỉ sợ mày vào ban đêm, ban ngày tao không sợ, tao sẽ lừa lúc vắng người, hỏi tội mày, xem có đúng mày hại anh Nguyên, chị Tơ không. Tôi đã hỏi, đã tát, đã nhổ vào mặt nó. Tôi chờ đợi nó vật tôi. Nhưng tôi không sao, không sốt, không đau mắt, không đau bụng, không thổ máu. Rồi mọi chuyện cũng qua đi, cha tôi mượn được người làm khác, anh Lân, rồi anh May, tôi lên lớp nhì năm thứ hai (thời Pháp thuộc có hai lớp nhì), rồi lớp nhất, rồi thi đậu vào trung học ở Hà Nội, rồi kháng chiến toàn quốc, ra đi kháng chiến, chả mấy khi nghĩ tới chuyện cũ nữa. Mấy chục năm sau, một bữa trong lúc chuyện phiếm với nhau về văn hóa đình chùa vùng quê tôi không xa Hà Nội mấy, một người lên tiếng hỏi thành hoàng một số làng ở vùng này rất lạ, nơi là một ông phó cối, nơi lại là một anh đánh giậm, một gã chết trôi, tôi cũng họa theo, nêu một ví dụ thành hoàng làng Hạ cạnh làng tôi là một người mù. Nào tôi có biết đâu, tay giáo viên dạy Sử ngồi đấy chính người làng Hạ, hắn bật lên đốp lại tôi ngay: "Còn làng ông, làng Bính ấy, ông có biết hội đình, đồ cúng là một đôi lợn cạo, một đực một cái đặt nằm úp vào nhau như đang làm tình không?". Tôi lặng người vì quả thật đây là lần đầu tiên nghe thấy chuyện ấy, giá như hắn ít tuổi hơn tôi lại là chuyện khác, tôi có thể cho là hắn nghe hơi nói mò, nhưng hắn lại hơn tôi tới dăm tuổi, và sống quanh quẩn trong vùng nhiều hơn tôi, hơn nữa mặt hắn, giọng hắn đầy vẻ thách đố rằng tôi khó lòng bác bỏ. Cuối cùng tôi đành bấm bụng trả lời: "Được, để tôi về hỏi các cụ, mà nếu có đúng như thế chẳng qua cũng giống như việc các dân tộc Chăm, Lào, Thái... thờ các Linga, một quan niệm sơ khai tôn thờ sự phồn thực của cư dân tồn tại đã lâu đời, có thể tới hàng nghìn năm”. Tuy trả lời như vậy, và từ lâu đã không còn tin vào những chuyện nhảm nhí về chó đá, Tây đầm đau bụng, ngã lăn quay... nhưng vẫn cảm thấy như bị sốc, bị chạm đến niềm tự hào về truyền thống tự do, giao lưu mở cửa, văn hóa văn minh của làng tôi. Lẽ tất nhiên, ngay hôm sau tôi đạp xe về quê hỏi cha tôi. Khi đó tôi đã lớn tuổi, con lớn đã học cấp ba, chẳng còn bé bỏng gì nữa mà phải e ngại: - Có chuyện đó không thày? - Có! Không quay lại nhìn tôi, cha tôi hơi nhíu mày lại đáp gọn lỏn, coi như việc ấy đã xong. Thấy cha tôi không có ý muốn nhắc tới chuyện ấy nữa, nên tôi cũng chẳng tiện hỏi thêm xem tập tục ấy có từ khi nào, tồn tại đến bao giờ, khi tôi ra đời, khi tôi học xong tiểu học, tập tục ấy có còn không, hay vẫn có, mà trẻ con không biết. Liệu đấy có phải là hủ tục? Cho tới khi cha tôi mất, tôi vẫn chưa hỏi rõ ra được điều ấy. Chỉ mới tối hôm qua thôi, khi Khánh Chi ngỏ ý muốn tôi đưa nàng về thăm đình, vấn đề đó mới lại được đặt ra. Tôi quyết định gọi điện thoại hỏi người bạn cùng làng trạc tuổi tôi, cán bộ sở giáo dục về hưu tại Hà Nội. Anh vốn là dòng dõi của người đã bỏ tiền của, công sức ra xây dựng ngôi đình, may ra anh biết nhiều hơn. - A lô, Chiển à, mình đây, này tôi muốn hỏi ông một chuyện. - Chuyện gì? Tôi vào đề luôn: - Làng mình có thành hoàng không, ông ấy làm nghề gì? Anh lúng túng ờ, ờ một lúc rồi trả lời: - Có... có đấy, có điều chỉ là một ông thần trừu tượng, biểu tượng của sự sinh sôi, mấy làng bên ngày xưa họ giễu làng mình thờ dâm thần. Tự nhiên anh gần như nổi cáu, nói tiếp: - Mà dâm thì đã sao, ai chẳng phải dâm, không dâm lấy đâu ra con cháu, chả hơn thờ linh tinh, một gã lang thang, một anh chột mắt ư? Tôi kể việc cúng đôi lợn cạo và lời khẳng định của cha tôi. Anh đã dịu lại: - Cũng có đấy, nhưng là xếp song song, chứ không phải là úp vào nhau, úp vào nhau là thiên hạ họ bôi bác. - Thế tại sao lại không đôi lợn luộc. - À... thì giống như hội họa hay văn chương tả thực, ông là nhà văn, ông thừa hiểu. - Thế còn chuyện chó đá đầu đình. - Là để nó gác đình, giống như các cụ làm nhà chôn chó đá trước cổng để canh cổng... còn những chuyện nó thành tinh, hiện hình đều là chuyện của trẻ con, đâu phải của người lớn. Nghe xong chuyện, Khánh Chi thở dài bảo tôi: - Chuyện của anh Nguyên, chị Tơ thảm quá, chú có bao giờ gặp lại anh ấy không? Tôi gật đầu. Gặp nhau trong chiến dịch biên giới. Tôi đang công tác ở Liên hiệp thanh niên sinh viên, anh đi dân công chiến dịch. Gặp nhau hết sức tình cờ trong một quán bán bún riêu. Tôi ngờ ngợ nhận ra anh chính ở đôi kính râm anh vẫn không chịu "từ bỏ": - Anh Nguyên phải không, em là Cương đây. - Trời ơi cậu Cương, ra dáng thế này ư? Chúng tôi cùng đứng lên ôm chầm lấy nhau. Anh nói đã có vợ và hai con, tản cư ở phố Lò, làm nghề bán dép lốp. Tôi hỏi lại chuyện cũ. - Không phải như lời họ đồn đại đâu. Anh bác ngay. Rồi kể trước đó dăm hôm chị Tơ còn nổi cáu với anh. Chị bảo nhà gọi về định gả cho một thằng nửa ngô nửa ngọng, điên điên dở dở, mỗi khi nói lại trợn mắt ngửa cổ, mồm hấc hấc một thôi một hồi mới rặn ra nổi mấy tiếng... nhưng nhà nó giàu. "Có lấy không?". "Sao lại không, hỏi thế mà hỏi được à, lấy nó, thà đâm đầu xuống ao chết quách còn hơn!". Rồi chị ví: “Một đêm quân tử nằm kề, còn hơn thằng ngố vỗ về quanh năm". "Thế anh có đáng mặt quân tử không?". "Còn xem có nuôi nổi không đã". "Vào Nam sống với nhau". "Vào để cùng đi ở với nhau à?". Anh bảo không lo đâu, anh đã từng làm nhiều nghề, mà trong ấy dễ kiếm việc lắm. Chị bảo để chị nghĩ xem đã. - Người ta đồn anh chị đã... - Đồn bậy, đồn bạ, tối đó có hẹn hò gặp gỡ gì nhau đâu. - Thế thì vì sao... - Tôi định nói chị ấy lại tự tử nhưng không nỡ. - Vì sao lại chết đuối ư? Cậu không nhớ tối ấy trời rất oi bức ư? Chắc đợi khuya vắng người ra ao tắm... chứ bằng lòng vào Nam với tôi rồi kia mà. - Chị ấy có biết bơi không? - Biết bơi... mà bị Nam rút (°) thì cũng chết. - Thế quần áo đâu, tại sao lại mặc mỗi chiếc quần cộc? - Chắc quần áo thay để trên bờ, đêm đó trời nổi giông cuốn bay xuống nước, chứ ai người ta thèm lấy! Mấy lần tôi đã định lội xuống mò, nhưng sợ người ta nghi, sinh rắc rối lại thôi... Đêm khuya lại mò ra ao tắm, cứ như bị ma rủi ấy. Hay là chị ấy bị ma rủi thật, tôi bỗng nghĩ đến con chó đá thành tinh. Thì ra tôi vẫn chưa hết sợ nó. Năm ấy tôi đã mười chín tuổi, đã học xong trung học. Từ Hà Nội về làng Bính chưa đầy hai chục cây số, chín giờ sáng hôm sau, xe máy chúng tôi đã về tới sân đình. Đình vắng vẻ và yên tĩnh. Một cảm giác trái ngược xảy ra ở trong tôi, đình rộng lớn và mênh mông quá, càng xem lại, càng thấy tài hoa, càng trỗi dậy những kỷ niệm hội hè thế tục, trái lại con chó đá ngày xưa hình như nó cao ngang ngực tôi, gây cho bọn trẻ chúng tôi bao nỗi sợ hãi vu vơ, không ngờ bây giờ nó thấp bé đến thế, chưa tới thắt lưng tôi, già nua, cũ kỹ. Tôi vỗ vào đầu nó hỏi đùa: - Thế nào bác cún, đã phải đeo răng giả chưa? Khánh Chi hỏi tôi: - Liệu trẻ con bây giờ có sợ nó như ngày xưa không? - Chắc là không, đến thời chó đá hoàn chó đá rồi. Nói xong tôi bỗng nhớ tới câu thơ trong bài "Cái chết của con sói" của nhà thơ Pháp Alfred Vigny "Người ta vĩ đại bởi vì mi quỳ gối" (On est grand parce que tu te mets genoux).N.B (°) Ngày xưa nhiều người tin chết đuối là do bị con Nam (ma dưới nước) rút chân