I
"Phố bỗng là dòng sông uốn quanh" câu hát của Trịnh Công Sơn thi vị hóa phố xá Sài Gòn lênh láng nước mỗi khi mưa về. Không biết nhạc sĩ có đi thực tế xuống miền Tây chưa, không cần thi vị nữa mà đó là việc thật.
Thành phố nhỏ bé bên bờ sông Hậu mỗi năm mùa nước lên, con sông không bờ, băng băng chảy lên đường, đám con nít đeo phao tập lội, xuồng bán bông súng, bông điên điển bơi đến sát thềm nhà. Nhờ công của ông N., những mùa nước lãng mạn ấy chấm dứt, các ngả đường đã được nâng cao. Nhưng bây giờ lúc 5 giờ chiều. Giấc tan sở, tan học, người và xe cộ nhập lại thành dòng nước chảy đi đâu, trôi về đâu. Sự lãng mạn trước đây giờ hóa ra sự thỏa hiệp với đời sống, mỗi chiều ra đường tôi thì thầm câu hát của Trịnh để tâm hồn được nhẹ nhàng. Hơi sức nào đi câu mâu khi đường hóa thành sông thì mấy quán nhậu bình dân dọc theo hè phố là những bến đậu cho bèo, lục bình. Bèo rẽ theo lối bèo. Những ông khách thợ thầy quần áo dính đầy dầu mỡ, vữa hồ thích ngồi ngoài vỉa hè trên những bàn ghế thấp nhấp nhô tràn xuống lòng đường. Buộc lòng xe phải né người. Trong nhà, bàn ghế cao ra vẻ đàng hoàng, là nhóm làm việc cho nhà nước. Những X, Y, Z người ở phòng tiếp dân, phòng địa chính, thuế vụ, bảo vệ tài nguyên môi trường đủ cả. Lê la quán xá riết rồi tôi quen mặt. Ngồi trong nhà thấy lịch sự, thật ra giá cả quán xá ngày nay muốn bán được phải bình dân, một cái lẩu vài chục ngàn cho năm sáu tên, người bán lấy công, lấy số đông làm lời. Hẳn là dân mua bán cũng biết đám làm việc cho nhà nước lĩnh lương cơ bản chém làm gì, trừ mấy cha ăn hối lộ. Đem lương cơ bản ấy thử chia đều ra, mỗi ngày lương ấy tính ra còn thua đám lao động ngồi ngoài vỉa hè. Mấy năm nay được mùa khắp nơi đâu cũng là công trường. Nhưng tôi không nói về chuyện này, cảm giác về cuộc sống có nẻo rẽ khác, lôi cuốn người cùng với đam mê đưa chân người đi.
II
Thử thả mình làm lục bình trôi bềnh bồng mới biết lục bình rõ ràng vui nhờ vô tư. Mọi thứ rồi sẽ trôi qua. Trong khi mọi thứ, bến bờ nào rồi cũng trở nên quen thuộc đến độ nhàm chán. Những câu chuyện đâu đâu theo tranh cãi mãi, sao không thử cãi với chính mình, chiến thắng mình khó khăn bực nào. Không tranh cãi thì làm thầy bàn, gặp nhau cứ bàn tới lui, bàn ngược xuôi, đâu thấy ý kiến gì mới. Có mới thì tôi cũng ngợp thở trong biển thông tin chẳng biết dùng để làm gì, ngoài việc xài nó cho biết những buổi chiều xế muộn. Thí dụ mới xảy ra chuyện các cô người mẫu cởi truồng trên mạng. Xung quanh tôi là một thế giới thực, sôi nổi mà như là thế giới ảo. Như trường hợp của anh Mịch. Bao giờ có mặt anh Mịch, anh cũng cố lái mọi người sang việc đất đai, nhà cửa. Giá cả thị trường ngày một tăng, có một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, đó là giấc mơ. Mà tôi không thể can thiệp vào giấc mơ, cho nên anh Mịch như thành tật, anh lải nhải về ngôi nhà sắp cất, mà chẳng biết bao giờ bắt tay thực hiện. Qua thu nhập của anh em, cố gắng dành dụm đôi ba trăm triệu mua được căn nhà đầy đủ tiện nghi phải mất thời gian một trăm năm chục năm. Năm sáu anh em ngồi chung bàn, gọi là tập thể được chăng. Nó giống như loại ghe chở cát đá, nhờ để trống khoang giữa nên chở bao nhiêu cũng không sợ chìm, nó có sức chịu đựng hết. Mỗi người một tật, chẳng ai giống ai. Tới lượt anh Sáu, ai nói anh không quan tâm, anh ngồi yên đưa mắt nhìn đường phố. Bất ngờ anh Sáu giống con chim bói cá, chim thằng chài rình mồi. Chờ cho trong bàn dứt câu chuyện, anh Sáu tẹt vô phát biểu một suy nghĩ gì đó. Tôi đang chờ đợi có điều gì mới. Lắm khi cuộc sống phát ra những tín hiệu mà mình lơ mơ không nhìn thấy. Bất ngờ, thay vì khái quát giùm cho tôi hàm thụ ở cuộc sống, anh Sáu lại đọc thơ của mình. Anh sáng tác từ lúc nào, hay mới làm tại chỗ tôi không biết, vần điệu tréo ngoe. Vần ôn, cỏ bồn bồn,... bắt qua vần ông. Tôi không thể can dự vào giấc mơ. Ở đây với anh Sáu, thế giới thơ thẩn của anh tôi càng không xác định được cõi thực, cõi ảo ranh giới ở đâu. Góp ý như thế nào. Góp ý cho người cụt hứng là có tội.
III
Anh Mịch tính sòng phẳng. Anh Sáu lại rất dễ thương, thức khuya làm được bài thơ nào, lập tức sáng kéo tôi ra quán cà phê ăn sáng rồi biến tôi thành độc giả đầu tiên, anh trả tiền. Xung quanh tôi, nhất là những ông bạn gặp nhau mỗi chiều, tính cách họ sao mà giống nhau. Thể hiện trước hết sự giống nhau là quần áo đang mặc, xe cộ, điện thoại di động kiểu dáng tương tự, giàu hay nghèo khó phân biệt. Ngại nhứt là lúc rượu vào lời ra hay đem chuyện xã hội, cơ quan ra bàn. Trước kia không có, sao giờ tự nhiên họ đâm ra lắm chuyện như vậy. Mà thật ra, lắng nghe tôi mới biết quan tâm thật sự của họ chính là có xe, có nhà, có điện thoại di động, sắp tới có gì nữa đây. Bàn bạc cho sướng miệng, trong thâm tâm việc đời để cho đời lo. Ra đường gặp nhiều kẻ giống nhau tôi ngại ngại, mất hứng thú. Có lẽ vì thế các siêu sao, người mẫu, người giàu có nhiều tiền cố tìm mọi cách khác người, kéo nhau qua Campuchia đánh bài xem cởi truồng, vậy mới là kẻ biết xài tiền. Đi chơi đầu óc, tai mắt phải rã ra từng bộ phận. Đôi mắt nhìn theo cô gái mặc áo hở lưng, tai lắng nghe bạn bè nói, ai nói gì miệng cũng ừ, ừ phụ họa. Khi trở về nhà trong yên lặng tôi mới ráp lại các món, xem nó vẫn còn đó hay mất rớt đâu đó. Đi chơi mệt lắm chẳng sung sướng, vậy mà ai rủ đi đâu cũng đi. Giá như được ông trời mời cụng ly cũng đâu ngán. Nhưng hình như tôi mâu thuẫn.
Thật ra tôi thích sự yên tĩnh, ngôi nhà không có tiếng động, có máy hát đĩa thỉnh thoảng tôi mới mở nghe lại Duy Trác, lâu ngày đĩa hát hư, cầm đĩa trên tay xót xa chắc lưỡi hít hà. Nhưng để có sự yên tĩnh, ngày nay nó như là món hàng hiếm, khó khăn xiết bao. Tiếng loa phóng thanh đầu hẻm, tiếng karaoke bốn bên hàng xóm mở hết volume, hòa thành tiếng động hỗn tạp, điếc lỗ tai mà chẳng nghe gì. Lại thêm ngày nay, mọi thứ phiền phức tìm đến tấn công ngay tại nhà. Vợ chồng đang êm ấm, bạn bè tìm đến kể lể chuyện gì đó, bỗng dưng hai người chia ra thành hai phe. Và tôi cũng từng chứng kiến thời đại bước vào những ngày vui vẻ. Buổi trưa hai vợ chồng đi làm về, mở cửa thấy những gói quà tiếp thị, xấp giấy quảng cáo được ai đó quăng vô nhà. Vợ lượm lên thỏ thẻ đòi mua gì đó. Chồng nói không, thứ gì bà cũng sắm. Ông coi kỹ, tui sắm sửa gì đâu, có món nào bằng chị em. Chị vợ cố cãi rồi tự nhiên nổi cơn tam bành lục tặc - còn ông đem tiền bo cho gái. Lý do không đâu mà hai vợ chồng vẫn cãi nhau được, rồi dẫn nhau ra tòa xin ly dị, quẻ lãng (bây giờ mới có quẻ này, kinh dịch không có).
Gia đình tôi. Bao giờ Hiền, vợ tôi cũng chờ tôi về để hâm nóng thức ăn. Hai đứa có vẻ lạnh lẽo dọn thức ăn ra bàn. Sau vài câu mang tính chất thông báo thường là giá cả thị trường. Rồi thôi... Bữa cơm trôi qua trong lặng lẽ thanh thản, vừa ăn vừa xem ti vi. Những ngày đầu Hiền như không quen, có vẻ như tôi chẳng quan tâm gì. Nhiều người xúm nhau quan tâm, thêm mình nữa cũng chẳng giải quyết được gì, còn hóa ra rắc rối thêm, có phải vậy không. Sự quan tâm đôi lúc trở thành lắm chuyện. Dần dần Hiền nhận ra, đời sống tạo ra nhiều áp lực, nhất là giới sống nhờ đồng lương cố định, chỉ có việc im lặng chịu đựng, mọi thứ rồi sẽ qua. Người ta mua được hạnh phúc bằng giá thật cao. Hai đứa sống đầm ấm mà giá rất rẻ. Nhà tôi đồ vật cũ kỹ miễn còn xài được. Những món cà tím nướng, đậu bắp chấm tương chao, rau muống xào tỏi thơm lừng xanh mướt dưới bàn tay nghệ thuật của Hiền là một bằng chứng. Và tôi còn cố tình nhai chậm rãi, kéo dài buổi cơm.
IV
Anh Sáu bắt đầu mê làm thơ từ bao giờ. Không lẽ máu thơ thẩn được di truyền... Một lần tôi được nghe kể về ba của anh. Chú là một nông dân nuôi vịt chạy đồng. Thuở nhỏ anh được theo chú lang thang cùng nắng gió, ngủ ở lều vịt, giữa khuya sợ ma thức dậy ngồi ca chơi vơi trấn áp nỗi sợ. Tài nghệ của chú, chẳng mấy ai bắt chước được. Tay cầm chiếc roi tre, thật nhanh lẹ chú gạt vịt ra từng nhóm, vịt chạy tới chạy lui, vậy mà đếm không sót một con. Cái đầu, đôi mắt lanh như sao xẹt lại chỉ cho phép chú đọc tới phần vần xuôi, bước qua phần vần ngược bắt đầu lộn xộn quên hết, phải học lại từ đầu. Đi học bốn năm năm mà chú vẫn dốt, chẳng đọc được mà cũng chẳng biết viết. Có người viết được lại không đọc được, những trường hợp lạ lùng. Vậy mà trong túi lúc nào cũng có cuốn sổ tay ghi tiền mua thức ăn, ghi ngày vịt đẻ, tiền bán trứng, không ai biết đây là người dốt. Trong cuốn sổ ghi toàn ký hiệu, những gạch ngang rồi gạch đứng chắc là tượng trưng cho số lẻ, số chục. Sổ còn ghi hình vẽ. Vẽ trăng lưỡi liềm, trăng tròn có mấy dấu chấm, có lẽ đó là những ký hiệu chỉ ngày tháng vịt đẻ. Người ngoài mà lượm được cuốn sổ giở ra thấy lăng quăng giống như bùa chú. Vậy mà chú ghi nhớ vịt đẻ bao nhiêu trứng, ai mua thiếu đủ bao nhiêu chính xác, cáng đáng gia đình trong ngoài. Tới đời con, anh Sáu thay vì cố gắng học hành cho đổi đời, tự nhiên nhảy ra làm quan. Leo lên chức trưởng phòng anh đứng giậm chân một chỗ. Anh bắt qua tập tành làm thơ, tréo ngoe. Hay là thuở nhỏ đi lùa vịt, nắng gió đồng nội có chất thơ thấm đẫm truyền cho anh, thiên nhiên thật là kỳ diệu.
So với anh Mịch, giấc mơ nhà cửa của anh nghe hợp lý hơn. Tôi cũng nghe anh hay nhắc về tuổi thơ khó khăn. Ba của anh suốt đời không có nhà. Biên giới An Giang xã Khánh Bình, nơi đó đến nay nhiều chỗ tôi biết vẫn còn heo hút đìu hiu, xa xa một mái nhà, người vẫn chưa có hộ khẩu, muốn mang quốc tịch nào cũng được. Miền đất dữ, lớp Miên, lớp giáo phái. Bảy Đởm, đảng cua vàng dậy lên như giặc chòm. Nhưng lại là vùng đất tôm cá tràn đồng, mua bán dễ dàng, nhất là nghề mua bán trâu bò (nghề này gốc có từ việc cầm nhầm, ăn cướp ngày xưa, trâu bò lùa qua lùa lại giữa hai biên giới, đóng cho cái dấu đỏ trên lưng chẳng ai dám nhìn). Do sinh sống được, có loạn lạc dân chúng không bỏ đi mà chạy loanh quanh rạch này sang qua rạch kia, đồng lau sậy phất phơ, rừng tràm mịt mùng đâu cũng là nhà. Bao thanh niên lớn lên tham gia du kích, trong số ấy có anh Mịch. Chiến tranh chẳng ai nghĩ việc riêng tư. Hòa bình lập lại, nỗi niềm không nhà không cửa bấy lâu chợt bừng dậy. Anh sực nhớ ra, mấy anh em sinh ra tuy ở Khánh Bình nhưng người ở đầu xẻo, đứa cuối xẻo rạch. Nhiều nơi ở quá, anh vẫn không rõ ngôi nhà chính thức của mình ở đâu. Đến đây anh than, dường như giày dép còn có số, ba của anh không nhà, giờ đến lượt con cái...
Hóa ra những ngày đầu giải phóng, khu cư xá cán bộ chế độ cũ khang trang loại nhất nhì, anh thấy một số gia đình bỏ đi, vội vàng chiếm lấy một căn. Sau đó cán bộ tỉnh cấp đất, cấp vật liệu xây nhà khang trang hơn. Thành ra những kẻ lẹ tay đi trước lại hóa ra thiệt thòi, lương bổng cũng thiệt thòi. Khu cư xá dần xuống cấp, muốn sửa sang cho vừa bụng cũng khó, còn có các hộ lân cận. Cuộc sống trong cư xá cũng phiền phức hơn ở ngoài. Chẳng những anh xin thêm không được, mà có sang căn hộ cũng không đủ tiền mua cho mình một cơ ngơi vừa ý. Khi đứa con thứ hai tròn thôi nôi, tôi đến chơi, anh bắt đầu ca cẩm. Tôi lúc đó cũng như mọi người cười vui, thôi đi ông ơi. Thằng con lớn học lớp năm, thằng nhỏ đang ăn thôi nôi, vụt anh nặn đồng hồ, chuyện tương lai thành chuyện hiện tại, mới đó hai đứa con anh đã có vợ sinh con. Chuyện ngày mai có ngày mai lo, anh nhảy vọt một bước thật xa. Chắc gì sắp nhỏ chịu sống chung với gia đình. Lúc đầu bạn bè không để ý, dần dần thấy anh mê nhà cửa như thành bệnh. Khách đến nhà giây lát, anh quẹo sang nói về chuyện đất đai, nhà cửa. Tôi không ngờ anh mê đến độ, vừa nghĩ ra, vừa sưu tầm, anh vẽ lại tập hồ sơ cả trăm kiểu nhà giống chuyên gia xây dựng. Rồi anh nhờ người góp ý, mà không biết bao giờ anh mới khởi công. Thôi thì đó là niềm đam mê, dự định của mỗi người. Nhưng tôi chỉ bực dọc ở chỗ, anh lại lấy tôi làm đối tượng phê phán - cái thằng này sung sướng, không lo lắng gì hết. Chưa hết, những khi đến nhà tôi chơi, anh còn góp ý tôi nên sửa chỗ này, sửa chỗ kia. Vợ tôi tuy trả lời - từ từ hả anh - trong thâm tâm không biết có nghe anh, bực mình không. Lắm khi tôi muốn cự nự. Con chuột có hang, con I'homme (con người) có nhà phấn đấu một đời rồi cũng chui ra, chui vô. Nhưng lại thấy khó vì biết anh Mịch đã sinh tật. Lại muốn đem quan điểm, nếp sống bình yên, thanh thản trước cái ăn, cái ở của tôi ra nói cũng khó, vì anh Mịch lớn tuổi hơn, hẳn là anh có suy nghĩ điều này.
V
Có mấy ông bạn, gặp nhau lại chỏi bản lề, tôi vốn tánh ít nói cũng chỏi bản lề, mặc dù xa nhau lại nhớ. Người khá giả, kẻ nghèo dù sao ai cũng có nỗi niềm riêng tư, ước mơ giống như chiếc gối dựa đầu êm ái để ngủ, không thể thiếu. Tôi cố dò lên tận ngọn nguồn sinh ra mơ ước. Nhưng rồi, tới đây tôi không biết mình đang viết gì. Từ ước mơ tôi lẫn lộn sang giấc mơ có lẽ do dính chữ mơ. Lẫn lộn thời gian ban ngày với ban đêm. Giấc mơ ban ngày vẫn sáng sủa hơn, ban đêm không có đèn, tối tăm. Không biết đang viết gì, vẫn cố tiếp tục viết cho hết câu chuyện muốn kể. Anh Sáu gởi thư đăng báo nhưng giấu diếm xung quanh. Tôi đọc báo, mục đọc trước hết là mục hộp thư. Với báo KTNN, mục này giống như nghĩa địa ghi tên tuổi khắp mọi miền đất nước (nó là nghĩa địa nhưng ai được ghi tên vô đây lại là những người còn sống). Ngồi chung một bàn, chung ly rượu chuyền nhau, mấy anh em lại chia làm ba phe. Phe của anh Mịch hay bàn việc thời sự, nhà cửa đất đai, giá cả thị trường. Tôi lẻ loi thực hành bài học im lặng ở bất cứ đâu, nói ra mình cũng chẳng giàu hơn lên. Không nói cũng không mất đi cái vốn có của mình. Anh Mịch cũng một mình với thói quen thơ thẩn nhìn ra đường. "Phố bỗng là dòng sông uốn quanh" không có gì mới. Bỗng anh quay sang, "Này, sáng mai đi uống cà phê, ăn sáng với tao nghe, chắc là mày phải chịu cái tứ độc đáo vừa nghĩ ra. Nghe này, nước xuôi ra biển, gió bay lên trời. Người đi về đâu. Đêm nay tao về làm bài thơ hay cho mày coi". Từ lâu anh mê nàng thơ nhưng coi bộ nàng đỏng đảnh kiêu kỳ nhìn sang hướng khác. Thường thì tôi ít khi góp ý. Lần này tôi có phần ngạc nhiên, có lẽ lần này thơ đã mơ thấy anh. Mặc dù mới chỉ nghĩ ra cái tứ, có cái tứ, trước hay sau con đò cũng cập bến. Một buổi chiều đầy thú vị, tôi ngồi yên với đôi tai chia làm hai. Một bên nghe anh Sáu bàn về thơ, một bên là anh Mịch đang say sưa đề tài phong thủy, đất đai, nhà cửa. Phong thủy, đề tài này mới tôi chưa biết.
Có lẽ vì thấy không khí trong bàn không được tập trung, một phần trong người đã thấm chất men - anh Mịch đang say sưa, anh Sáu chen ngang vô đọc thơ - anh Mịch như cụt hứng.
- Làm thơ thì về nhà mà làm. Ai mà đi ra quán thơ thẩn, đọc oang oang lên.
Không ngờ anh Mịch lại nói như vậy, nên anh Sáu phản ứng.
- Nhà cửa, đất đai cũng âm thầm về nhà tính toán với vợ con. Nghèo mạt rệp không có triệu nào cũng theo bàn việc nhà cửa.
- Tui vậy đó. Khoe tâm hồn giàu có, khoe thơ, có bài thơ nào đăng báo, đưa coi. Ăn cơm dưới đất nói chuyện trên mây.
Anh Sáu bị chạm nọc trợn mắt đứng dậy. Anh Mịch phùng mang. Thật nhanh, tôi phải đứng lên can cả hai. Bàn tiệc thật là ồn ào bát nháo, mọi người ngồi trong quán quay đầu lại nhìn như chờ đợi một trò hề sắp diễn ra vì lý do không đâu. Nhưng tôi, tôi hiểu. Những lý do không đâu kia lại gắn kết những số phận với nhau. Chẳng phải lần đầu tiên tôi nhìn thấy những chuyện thế này ở quán xá, mà còn ở những nơi khác... Để rồi lục bình rẽ theo lục bình. Bèo rẽ theo lối bèo. Tôi đạt tới trình độ trước đời, tôi chẳng buồn, cũng chẳng vui...
Anh Sáu đi chơi khi nào chán thường rủ tôi về. Khi nổi hứng, sợ uống say rồi quên tứ thơ giữa chừng, cũng rủ tôi về. Nhưng lần này tôi đưa anh Sáu về nhà. Tháng ngày trôi, nhưng mong đợi lại không đến. Tình cờ buổi chiều lại có nhiều cái ngẫu nhiên.
Khi về đến nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy không khí nhà tôi vắng vẻ sao. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm chung sống, Hiền không chờ tôi về. Em ăn cơm trước rồi bỏ lên gác nằm đọc sách, thảnh thơi. Theo thói quen, tôi cũng không hỏi, lẳng lặng tắm rửa, rồi dọn thức ăn lên bàn ngồi trong im lặng. Vẫn là ngôi nhà tĩnh mịch không có tiếng động. Nhưng lần này thật sự tôi mới có cảm giác về sự im lặng ở đâu đó ngay bên cạnh tôi.
Hình như tôi cũng đang mơ.
 

Xem Tiếp: ----