... Tất cả những việc đó bắt đầu một cách thật bất ngờ. Dạo ấy tôi ở bộ đội về. Tôi ở một đơn vị cơ giới hoá, trước đây đã học hết lớp mười và cũng đã từng lái xe. Tôi là một đứa trẻ mồ côi được nuôi trong cô nhi viện. Bạn tôi là Alibêk Gianturin phục viên trước tôi một năm, cậu ấy làm trạm xe hơi Rưbatsiê. Ấy, cho nên tôi cũng về đấy luôn thể. Hai đứa chúng tôi xưa nay vẫn mơ ước được đến vùng Thiên Sơn hay vùng Pamir. Anh em đón tiếp tôi rất ân cần. Họ thu xếp cho tôi ở trong nhà tập thể. Họ lại giao cho tôi một chiếc ZIL gần mới toanh không có lấy một chỗ móp... Cần phải nói rằng tôi yêu quý chiếc xe của tôi như yêu quý người thân. Tôi nâng niu nó. Chiếc xe thuộc một đợt sản xuất rất cừ. Máy khoẻ lắm. Quả tình cũng chưa bao giờ phải chở hết trọng tải cả. Anh cũng biết đường sá ở đây thế nào: đường Thiên Sơn là một trong những con đường ô tô cao và hiểm trở nhất thế giới, vượt bao nhiêu là đỉnh núi, vực thẳm, đèo cao. Nước trong núi thì tha hồ, nhưng cũng phải mang sẵn theo luôn. Chắc có khi agai cũng thường để ý thấy cái săm đựng đầy nước treo lủng lẳng trên giá gỗ đóng phía trước thùng xe; vì trên những đoạn đường uốn chữ chi máy nóng lên rất dữ. Mà hàng chở thì chẳng nặng mấy. Lúc đầu tôi cũng suy tính mãi, cố bới óc nghĩ cách làm thế nào chở được nhiều hơn. Nhưng rồi cũng thấy hình như không có cách nào thay đổi cải tiến gì hết. Đường núi vẫn là đường núi, chịu thôi. Tôi rất bằng lòng với công việc. Vùng này tôi cũng rất thích. Trạm xe hơi đặt ở sát bờ hồ Ixứckun. Những khi có khách du lịch ngoại quốc đều đứng ngẩn người ra ngắm cảnh hồ, tôi thấy tự hào quá; đấy, các ông xem hồ Ixứckun của chúng tôi thế nào! Cứ thử tìm cho ra một nơi nào đẹp như thế xem... Những ngày đầu chỉ có một điều khiến tôi bực mình. Hồi ấy vào mùa xuân, việc thì cứ bấn lên, sau Hội nghị toàn thể của Trung ương vào tháng Chín, các nông trang đang vươn lên. Họ bắt tay vào làm rất hăng, mà máy móc lại ít. Trạm chúng tôi thường cử một số xe đến giúp các nông trang. Nhất là những tay mới vào làm việc thì cứ phải xuống nông trang mãi, tôi cũng thế. Vừa mới quen quen những chuyến đi ngoại vận một cái, là lại bị điều về các thôn xóm. Tôi cũng hiểu đây là một việc quan trọng, không làm không được, nhưng dù sao vẫn là thợ lái xe, tôi thương xe lắm, tôi sốt ruột như thể không phải xe mà chính tôi phải lăn lóc nghiêng ngả trên các ổ gà và ngập ngụa trong lớp bùn ở các nẻo đường làng lầy lội. Đường quỷ quái thế kia thì nằm chiêm bao cũng chẳng thấy... Ấy thế, có lần tôi về nông trang chở ngói đá đen lớp một chuồng bò đang xây dựng. Làng này nằm ven chân núi, đường vào làng đi qua một cánh thảo nguyên. Công việc trôi chảy cả, đường đã khô khô, chỉ còn một quãng nữa là vào đến làng, ấy thế mà đi qua một con mương dẫn nước, xe bỗng lún bánh xuống. Đường ở quãng này bị các thứ xe xéo nát ra từ đầu mùa xuân đến nay, đến nỗi một con lạc đà có sa xuống đây cũng đố ai tìm cho ra được. Tôi cho xe thụt lui, thụt tới, xoay xở đủ cách vẫn chả ăn thua gì. Đất như hút chặt chiếc xe xuống, bám riết lấy nó như đôi gọng kìm. Tệ hơn nữa, trong khi bực mình tôi đã vặn vôlăng quá đà bị mắc kẹt không sao trả lại được nữa, đành phải bò xuống gầm xe mà chữa... Tôi nằm ngửa dưới gầm xe, bùn lấm bê bết, mồ hôi đầm đìa, không ngớt mồm nguyền rủa đoạn đường khốn nạn. Chợt nghe có tiếng ai bước lại. Ở dưới gầm xe tôi chỉ trông thấy một đôi ủng cao su. Đôi ủng bước lại gần, dừng lại trước xe và đứng yên. Tôi cáu tiết lên: quỷ quái ở đâu đến đây, đứng nhìn cái gì thế không biết, tưởng đây là trò xiếc chắc? - Này đi đi, đừng có đứng ám người ta! - tôi nằm dưới gầm xe quát lên. Tôi thoáng trông thấy một vạt áo váy hơi cũ, lấm bùn. Chắc hẳn một bà già nào đang đợi tôi chữa xong để xin đi nhờ về làng. - Thôi đi đi, bà cụ ơi! - tôi lại nói - Còn lâu mới chữa xong, không đợi được đâu... Người kia đáp: - Nhưng tôi không phải là bà cụ. Giọng nói ngập ngừng, nghe như cố nhịn cười. - Thế thì là ai? - tôi lấy làm lạ. - Một người con gái. - Con gái? - tôi liếc nhìn đôi ủng, rồi hỏi thâm để trêu chơi - Thế có đẹp không đấy? Đôi ủng dẫm mấy cái tại chỗ rồi bước sang một bên, định bỏ đi. Tôi liền vội vã bò từ gầm xe ra. Quả nhiên đó là một cô gái mảnh dẻ, đôi mày nhíu lại một cách nghiêm nghị, đầu trùm khăn đỏ, vai khoác chiếc áo véttông rất rộng, chắc của ông bố. Cô ta im lặng nhìn tôi. Tôi cũng quên mất là mình đang ngồi giữa đất, người bê bết bùn. - Ồ cũng không đến nỗi! Đẹp đấy - tôi cười xoà. Quả cô ta đẹp thật - Duy có điều là giá đi giày cao gót thì hơn! - tôi vừa đứng dậy vừa nói đùa. Người con gái bỗng quay gót đi thẳng, chân bước thoăn thoắt trên đường cái, không ngoảnh lại. Cô ta làm sao thế nhỉ? Giận chắc? Tôi thấy nôn nao cả người lên. Trấn tĩnh lại, tôi toan đuổi theo, nhưng rồi lại quay lại, hối hả thu vén dụng cụ và nhảy lên buồng lái. Chiếc xe chồm lên, khi nhích tới trước, khi tụt lại sau. Phải đuổi cho kịp! Tôi không còn nghĩ đến việc gì khác nữa. Máy rú lên, chiếc xe rung chuyển, lắc lư bên này bên nọ, nhưng không tiến lên được một tấc nào. Trong khi đó, người con gái đi mỗi lúc một xa. Tôi bỗng quát vọng xuống bốn bánh xe đang trượt trên bùn, chẳng biết quát ai nữa: - Buông ra! Buông ra nào. Nghe chưa? Tôi ra sức dận ga. Chiếc xe trườn lên, vừa trườn lên vừa rên rỉ, và bỗng vượt ra khỏi vũng lầy một cách thần kỳ, chẳng hiểu bằng cách nào nữa. Tôi mừng quá thể! Xe đã bon trên đường, tôi lấy khăn lau bùn trên mặt, vuốt lại mái tóc. Đến ngang tầm người con gái, tôi hãm xe lại và không hiểu tôi lấy đâu ra cái lối tài tử ấy, ngả hẳn người sang bên phải, với tay mở rộng cửa xe: - Xin mời cô! - đoạn tôi chìa tay mời cô lên buồng lái. Người con gái không dừng lại, cứ đi thẳng. Biết tay chưa! Cái dáng bộ hiên ngang của tôi vụt biến mất. Tôi lại đánh xe đuổi theo kịp người con gái. Lần này tôi xin lỗi: - Thôi, xin cô đừng giận! Tôi chỉ... thế thôi... Cô ngồi lên! Nhưng người con gái cứ lặng thinh không đáp. Tôi liền cho xe vượt lên và quay xe chắn ngang đường. Tôi nhảy xuống đất, chạy vòng từ bên phải, mở cửa xe ra và cứ đứng cạnh, tay không buông nắm cửa. Người con gái lại gần, lo sợ nhìn tôi, như đang tự nhủ: “Thằng cha này gan lì thật!” Tôi cứ làm thinh chờ đợi. Không biết vì cô thấy thương hại tôi hay vì cái gì khác nữa, chỉ thấy cô lắc đầu và lặng lẽ ngồi lên buồng lái. Xe chuyển bánh. Tôi không biết nên bắt chuyện với cô ra sao. Đây không phải là lần đầu tôi làm quen với một cô gái, nhưng lúc này không hiểu sao tôi đâm rụt rè. Biết bắt chuyện như thế nào bây giờ? Tôi vặn vôlăng, thỉnh thoảng liếc mắt sang nhìn trộm. Trên gáy cô ta loà xoà những món tóc quăn đen nhánh, mịn màng, chiếc áo véttông quàng trên vai cứ tụt xuống. Cô ta lấy khuỷu tay giữ lại ngồi nhích ra một bên, sợ chạm phải tôi. Đôi mắt nhìn có vẻ nghiêm nghị, nhưng cứ trông dáng dấp có thể đoán tính cô ta vốn dịu dàng. Gương mặt thanh thoát cởi mở, vầng trán cứ muốn cau lại, nhưng nó không chịu cau cho. Cuối cùng cô ta cũng rụt rè nhìn sang phía tôi. Mắt chúng tôi gặp nhau. Cô mỉm cười. Lúc ấy tôi mới đánh bạo nói: - Lúc nãy cô đến đứng bên xe làm gì thế? - Tôi định giúp anh một tay - người con gái đáp. - Giúp à? - tôi cười lớn - Ồ mà quả cô đã giúp tôi thật! Không có cô thì chắc hẳn đến tối cũng chưa đi được... Thế cô vẫn qua lại con đường này à? - Vâng. Tôi làm việc trong ấp. - Tốt lắm! - tôi mừng rỡ nói, nhưng chợt nhớ ra, tôi nói chữa - Đường này tốt lắm! - tôi vừa nói xong thì bánh xe sụt xuống một ổ gà, xe lắc mạnh đến nỗi vai chúng tôi va phải nhau. Tôi lầu bầu mấy tiếng, đỏ bừng mặt lên, không biết nhìn đi đâu cho đỡ ngượng nữa. Còn cô ta thì cười phá lên. Tôi không nén được cũng cất tiếng cười theo. - Thế mà trước đây tôi không chịu về nông trang đấy! - tôi vừa cười vừa nói - Giá biết trước là sẽ gặp một người giúp sức như vậy, tôi đã chẳng làm toáng lên với đồng chí điều vận... Ái chà! Ilyax, Ilyax! - tôi tự trách móc rồi giải thích luôn - Ấy, tên tôi thế đấy. - Còn tôi tên là Axen. Xe chúng tôi đã vào gần đến làng. Đường ở đoạn này bằng phẳng hơn. Gió lùa vào cửa xe, thổi tung chiếc khăn trùm của Axen, làm tóc cô xoã xuống. Chúng tôi im lặng. Chúng tôi thấy thích lắm. Thế mới biết nhiều khi có một người ngồi bên cạnh, vai gần kề vai, mới cách đây một giờ hãy chưa hề hay biết gì về người ấy, mà nay lại chỉ muốn nghĩ đến người ấy thôi, những khi ấy lòng cứ nhẹ lâng lâng và vui sướng lạ lùng... Tôi không biết trong lòng Axen ra sao, nhưng đôi mắt nàng mỉm cười. Giá có thể đi mãi, đi mãi như thế này, để đừng bao giờ phải chia tay nữa... Nhưng xe đã rẽ vào đường làng. Bỗng Axen như chợt tỉnh, hoảng hốt lên: - Dừng lại anh, tôi xuống đây! Tôi hãm xe lại: - Cô ở đây à? - Không - chẳng hiểu tại sao cô có vẻ bối rối, lo sợ - nhưng để tôi xuống đây thì hơn. - Tại sao thế? Để tôi đưa thẳng cô về nhà! - tôi không cho cô cãi, cứ lái xe đi thẳng. - Đây rồi - Axen khẩn khoản - Cám ơn anh! - Có gì đâu! - tôi lúng búng, đoạn nói thêm, nửa đùa nửa thật, nhưng có lẽ phần thật nhiều hơn - Thế nếu mai tôi lại bị sa lầy thì cô sẽ giúp chứ? Axen không kịp trả lời. Một cánh cổng mở rộng ra, và một người đàn bà đứng tuổi chạy ra đường, vẻ lo lắng hoảng hốt. - Axen! - bà ta gọi - Mày đi đâu mất mặt thế, con trời đánh? Nhanh lên, vào thay áo quần đi, các ông mối vừa đến đấy! - bà lấy tay che miệng nói thêm, giọng thầm thì. Axen luống cuống đánh rơi chiếc áo véttông, vội cúi xuống nhặt và ngoan ngoãn đi theo mẹ. Đến cổng cô quay lại nhìn, nhưng cánh cổng lập tức đóng sập lại. Mãi đến lúc ấy tôi mới để ý thấy mấy con ngựa thắng đủ yên cương buộc ở cái cọc bên lề đường, mình ướt đẫm mồ hôi, rõ là đi từ xa đến. Tôi nhổm người lên sau chiếc vôlăng, nhìn qua bức tường dài. Trong sân có mấy người đàn bà đi lại lăng xăng bên bếp lửa. Một chiếc ấm xamôvar lớn bằng đồng đang bốc khói. Dưới mái hiên hai người đàn ông đang lột da một con cừu. Phải, ở đây người ta đang đón tiếp các ông mối theo đúng tục lệ cũ. Tôi không có việc gì phải ở đây nữa. Phải đi mà dỡ hàng. Đến chiều tôi về trạm xe. Lau rửa xe xong, tôi đánh xe vào gara. Tôi hì hục mãi cố kiếm ra việc để làm thêm. Tôi không hiểu nổi tại sao mình lại quá quan tâm đến cuộc gặp gỡ vừa qua đến thế. Suốt dọc đường về, tôi cứ tự sỉ vả: “Mày muốn gì nào? Mày ngốc đến thế kia ư? Xét cho cùng thì cô ấy là cái gì của mày? Người yêu chắc? Em gái chắc? Thử nghĩ xem, tình cờ gặp giữa đường, cho đi nhờ xe về nhà, mới có thế mà đã cuống lên như thể đã tình tự hẳn hoi rồi. Có thể người ta cũng chẳng thèm nghĩ đến mày nữa. Người ta cần đến mày lắm đấy! Người ta có chồng chưa cưới chính thức hẳn hoi, còn mày là cái thá gì? Chỉ là một thằng lái xe gặp giữa đường, của ấy có đến hàng trăm, hơi đâu nhớ hết mặt... Mà mày có quyền gì để mong ước này nọ: người ta đang dạm hỏi nhau, chí ít nữa là cưới, việc gì đến mày? Thôi đi. Cứ yên phận mà vặn tay lái, thế là xong!...” Nhưng khốn nỗi dù tôi có tự nhủ lòng thế này thế nọ đủ cách mà vẫn không tài nào quên được Axen. Ở chiếc xe không còn việc gì để làm nữa. Lẽ ra tôi phải về nhà tập thể: nhà chúng tôi vui lắm; lúc nào cũng ồn ào rộn rịp, lại có cả Góc Đỏ, nhưng tôi không về. Tôi cứ muốn ngồi một mình. Tôi ngả người lên cánh chắn bùn, hai tay lót dưới gáy. Cách đấy một quãng, Giantai đang loay hoay chữa gì dưới gầm xe. Đó cũng là một tay lái xe ở trạm chúng tôi. Hắn thò đầu ra, cười khẩy: - Mơ mộng gì đây, chàng gighit? - Mơ tiền! - tôi hằn học trả lời. Tôi không ưa hắn. Một tay bủn xỉn đệ nhất hạng. Gian xảo, lại hay ganh tị. Hắn không ở tập thể như mọi người, mà lại ở trọ nhà một bà chủ nào đấy. Nghe nói hắn đã hứa hôn với bà ta; dù sao hắn cũng sẽ được một ngôi nhà. Tôi quay mặt đi. Trong sân trạm, bên vòi nước rửa xe, các tướng nhà ta đang bày trò đùa nghịch. Có cậu nào đã leo lên nóc cabin bơm cầm vòi phun nước vào những cậu khác đang đứng chờ đến lượt xe mình rửa. Khắp trạm vang tiếng cười ha hả. Luồng nước mạnh đến nỗi trúng phải ai là người ấy loạng choạng đứng không vững nữa. Anh em muốn lôi cậu kia từ trên nóc cabin xuóng, nhưng cậu ta cứ nhảy nhót tại chỗ, cầm vòi nước như cầm tiểu liên lia vào lưng, vào đầu cho mũ lưỡi trai bắt tung ra. Mọi người chạy tán loạn. Đột nhiên tia nước chĩa thẳng lên trời, vẽ thành một đường vòng cung ánh lên trong nắng trông như cái cầu vồng. Tôi nhìn theo hướng tia nước: ở phía tia nước vọt lên tôi trông thấy Kađitsa, cô phụ trách điều vận của trạm chúng tôi. Cô này thì không chạy đâu. Cô ta biết xử sự chững chạc, không dễ gì mà nhờn với cô ấy được. Bây giờ cũng thế, cô đứng yên, vẻ điềm tĩnh, không chút sợ sệt, như muốn nói: liệu hồn đấy, cứ thử chơi vào! Chân đi ủng ghếch chéo sang một bên, Kađitsa đang cài lại mớ tóc, miệng tươi cười ngậm mấy chiếc cặp tóc. Những hạt nước nhỏ lăn tăn, óng ánh như bạc rải xuống đầu cô gái. Cả lũ cười lớn, xúi giục anh chàng đứng trên nóc cabin: - Cho cái “thùng xe” của cô nàng ướt một mẻ! - Đánh vào đi! - Coi chừng đấy, Kađitsa! Nhưng anh chàng kia không dám phun nước vào Kađitsa, chỉ cho tia nước vờn quanh cô gái. Giá phải tay tôi, tôi sẽ cho Kađitsa một chầu ướt từ đầu đến chân, và chắc hẳn cô sẽ không hé miệng nói gì, chỉ cười là hết. Tôi vẫn nhận thấy Kađitsa đối xử với tôi không như với các cậu khác. Đối với tôi, cô ngoan hơn, lại có chiều nũng nịu. Những khi tôi vuốt tóc Kađitsa để đùa cho vui, cô rất thích. Có một điều làm cho tôi hài lòng, là bao giờ Kađitsa cũng cãi lại tôi rất to tiếng, nhưng chẳng mấy chốc đã nhượng bộ ngay, dù khi tôi sai cũng thế. Thỉnh thoảng tôi mời cô đi xem chiếu bóng, rồi đưa về nhà: nhà Kađitsa ở trên đường về nhà tập thể. Mỗi khi đến phòng điều vận tôi cứ vào thẳng phòng cô, trong khi những người khác chỉ được phép đứng ngoài cửa ghisê. Nhưng bây giờ tôi còn đầu óc đâu nghĩ đến cô. Thôi cứ để mặc họ đùa nghịch với nhau. Kađitsa đã cặp tóc xong- Thôi, chơi thế là đủ rồi! - cô ra lệnh. - Xin tuân lệnh đồng chí phụ trách điều vận! - anh chàng trên nóc cabin đứng nghiêm, đưa tay lên vành mũ lưỡi trai chào theo kiểu nhà binh. Các bạn vừa cười vừa lôi anh ta xuống. Kađitsa đi về phía gara chúng tôi. Cô dừng chân bên cạnh xe của Giantai, vẻ như đang muốn tìm ai. Cô chưa trông thấy tôi ngay vì giữa gara có tấm lưới ngăn ra thành các gian. Giantai ở dưới hầm ló đầu lên, nói giọng ngọt xớt: - Chào giai nhân! - À, Giantai... Hắn thèm thuồng nhìn đôi chân Kađitsa. Cô so vai, vẻ phật ý: - Này, nhìn gì mà nhìn lắm thế? - đoạn cô lấy mũi giầy khẽ hích vào cằm Giantai. Giá là người khác thì chắc hẳn phải giận lắm, nhưng Giantai thì không. Mặt hắn tươi rói lên như vừa được hôn, và hắn lại rúc xuống hầm. Kađitsa đã trông thấy tôi: - Ilyax, nằm nghỉ thế có thích không? - Như nằm nệm lông ấy! Kađitsa áp mặt vào lưới, nhìn tôi đăm đăm và nói khẽ: - Lên phòng điều vận tí đi. - Được thôi. Kađitsa ra ngoài. Tôi đứng dậy và đã toan đi, thì Giantai ở dưới hầm lại ngoi lên. Hắn nháy mắt nói: - Con bé kháu đấy chứ! - Nhưng chả đến phần mày đâu! - tôi cắt ngang. Tôi tưởng hẳn sẽ nổi khùng lên sinh sự đánh nhau. Tôi vốn không ưa gì cái trò ẩu đả, nhưng với Giantai thì tôi sẵn lòng: lúc ấy tôi đang buồn bực đến nỗi chẳng biết làm gì cho đỡ chồn chân chồn tay nữa. Nhưng Giantai cũng chẳng hề mếch lòng: - Không sao! - hắn lẩm bẩm - Để rồi mà xem, đời còn dài... Trong phòng điều vận không có ai cả. Quỷ quái gì thế này? Cô ta chuồn đi đâu? Tôi quay lại thì vừa đụng ngực vào Kađitsa. Kađitsa đứng tựa lưng vào cửa, đầu ngửa ra phía sau. Mắt cô sáng long lanh dưới hàng mi. Hơi thở nóng hổi của cô phả vào mặt tôi như thiêu như đốt. Tôi không tự chủ được nữa, sấn tới, nhưng rồi lập tức lùi trở lại. Kể cũng lạ thật, nhưng trong giây phút ấy tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng mình đang phản bội Axen. - Cô gọi tôi lên có việc gì? - tôi hỏi, giọng bất bình. Kađitsa vẫn im lặng nhìn tôi như lúc nãy. - Sao?... - tôi sốt ruột hỏi lại. - Trông anh sao khó đăm đăm thế? Chẳng vồn vã tí nào - Kađitsa nói, giọng có chiều hờn dỗi - Hay đã có cô nào lọt mắt xanh? Tôi đâm lúng túng. Sao Kađitsa lại trách tôi? Mà sao cô lại biết? Vừa lúc ấy cửa ghisê mở tung ra. Giantai thò đầu vào, một nụ cười khẩy thoáng hiện trên mặt: - Báo cáo đồng chí điều vận! - hắn đai giọng ra nói, vẻ mai mỉa, tay cầm một tờ giấy đưa cho Kađitsa. Kađitsa hằn học nhìn hắn. Cô tức giận ném vào mặt tôi một câu: - Thế công lệnh của anh thì ai nhận cho? Anh chờ có giấy mời riêng chắc? Đoạn Kađitsa lấy tay gạt tôi ra và đến ngồi vào bàn giấy. - Này, cầm lấy! - cô trao cho tôi tờ công lệnh. Tôi cầm lấy. Vẫn là công lệnh cử về nông trang ấy! Tim tôi bỗng lạnh toát ra: đi về đấy, trong khi đã biết rằng Axen... Mà không hiểu sao, người ta lại cứ bắt tôi về nông trang nhiều hơn ai hết? Tôi nổi khùng lên: - Lại về nông trang? Lại chở phân, chở gạch? Tôi không đi! - tôi ném tờ giấy lên bàn - Tôi lội bùn thế là đủ rồi, để người khác nếm mùi với chứ!... - Anh đừng quát tháo! Hết tuần này anh mới hết hạn! Nếu cần sẽ gia hạn thêm nữa - Kađitsa nổi giận. Tôi điềm tĩnh nói: - Tôi không đi. Và vẫn như mọi khi, Kađitsa đột nhiên nhượng bộ: - Thôi được. Tôi sẽ nói với ban chỉ huy. Cô nhặt lấy tờ giấy vứt trên bàn. “Thế nghĩa là ta sẽ không đi nữa - tôi thầm nghĩ - và sẽ không bao giờ còn gặp lại Axen.” Tôi càng khổ sở hơn. Tôi đã hiểu rất rõ rằng mình sẽ ân hận một đời. Ra sao thì ra, tôi sẽ đi!... - Thôi được, đưa giấy đây! - tôi giật phắt lấy tờ công lệnh. Giantai đứng ở ghisê phì cười: - Gửi lời chào bà nội tớ nhé! Tôi làm thinh. Muốn quai vào mõm hắn quá!... Tôi đóng sầm cửa và trở về nhà tập thể.