Trong một thành phố khá rộng lớn, hai người đàn ông sống ở hai ngôi nhà kề bên nhau. Một người ghét người kia thậm tệ đến nỗi người bị ghen ghét quyết định đổi chỗ ở, đi xa hẳn nơi khác vì tin chắc là chỉ riêng việc ở tách xa nhau ra thôi cũng đỡ chuốc sự thù ghét của người hàng xóm. Vì mặc dù đã giúp đỡ anh ta nhiều việc tốt mà ông vẫn không làm giảm được sự ghét ghen của anh ta. Thế là ông bán rẻ bán tháo ngôi nhà đang ở và với một chút vốn liếng nhỏ bé ông ta rút vào thành phố của một xứ sở không xa đấy lắm. Ông ta mua một khoảnh đất nhỏ cách xa thành phố độ nửa dặm đường. Ở đó có một căn nhà khá tiện nghi, một mảnh vườn đẹp và một cái sân rộng trong đó có một cái giếng cạn đã lâu ngày không dùng tới. Con người tốt bụng đó sau khi đã đến nơi ở mới, đã mặc áo thầy tu để sống một cuộc đời ẩn dật. Ông ta còn cho xây nhiều phòng tu trong nhà và chẳng bao lâu sau tổ chức thành một cộng đồng tu sĩ. Đức độ của ông chẳng bao lâu đã vang xa, thu hút khá đông người mộ đạo, cả dân thường và cả các quan chức thành phố. Mọi người đều kính trọng và rất yêu mến ông. Từ nơi rất xa cũng có người tới xin ông cầu nguyện cho và tất cả những người được gặp ông khi trở về đều ban bố lại những lời ban phước mà họ tin là đã nhận được từ đấng tối cao qua ông làm trung gian. Danh tiếng của ông lan truyền về tới thành phố cũ mà từ đó ông đã ra đi. Kẻ ghen ghét ông càng buồn rầu tức tối đến mức bỏ cả nhà cửa, bỏ cả công việc, quyết tâm tìm cách giết hại ông bằng được. Với mục đích đó, y tìm đến tu viện mới của các tu sĩ mà viện trưởng là láng giềng của y trước đây. Viện trưởng tiếp y rất thân tình. Kẻ ghen ghét nói là y cố tình tới để thông báo cho ông biết một việc quan trọng mà cần phải trao đổi riêng. Y nói thêm: - Để cho không ai nghe được câu chuyện riêng đó, tôi đề nghị chúng ta cùng đi dạo trong sân, và vì trời cũng đã tối, ông nên cho các tu sĩ về các phòng tu của họ. Viện trưởng làm theo lời y. Khi kẻ hay ghen ghét thấy chỉ còn mình với người láng giềng tốt bụng này, y bắt đầu nói hết chuyện nọ sang chuyện kia và đi sát cạnh nhau trong sân, cho đến lúc đi gần tới bờ giếng, y đẩy mạnh ông ta ngã xuống đấy, chẳng có người nào chứng kiến hành động tội ác đó. Xong việc, y mau chóng rời đi, qua cổng tu viện không có người nào nhìn thấy và trở về nhà, rất hài lòng về chuyến đi và chắc mẩm là đối tượng mà y ghen ghét chẳng còn có ở trên đời nữa. Nhưng y đã nhầm to.” Scheherazade không thể nói tiếp được nữa vì bình minh đã ló rạng. Hoàng đế rất bất bình vì tính cách gian ác quỉ quái của kê hay ganh ghét. “Ta rất mong - ông nhủ thầm - là không có gì xấu xảy ra cho người tu sĩ tốt bụng đó. Hy vọng là ta sẽ thấy vào đêm mai là trời không bỏ ông ta trong trường hợp đó. - Chị ơi, nếu chị không ngủ - Dinarzade thức giấc gọi chị - thì xin chị cho em biết là ông tu sĩ tất bụng đó có được an toàn ra khỏi cái giếng đó không. - Được an toàn em ạ - Scheherazade đáp - Và người tu sĩ đạo Hồi thứ hai tiếp tục chuyện của anh ta: “Cái giếng cổ rất sâu đó - anh nói - vốn là chỗ ở của các vị thần tiên, vừa đúng lúc để các vị cứu được tu viện trưởng. Các vị đã đỡ lấy ông, nhẹ nhàng đặt xuống đáy giếng không làm ông xây xát tí nào. Ông thấy rõ ràng có một điều gì khác lạ xảy ra trong cái rơi ngã mà ông chắc chắn là sẽ mất mạng đó. Nhưng ông chẳng nhìn thấy gì và cũng chẳng cảm thấy gì cả. Rồi ông bỗng nghe thấy một tiếng nói: “Các bạn có biết người mà chúng ta vừa đón đỡ đó là ai không?”. Nhiều tiếng khác đáp là không biết ai cả. Tiếng nói đầu tiên bảo: “Tôi sẽ nói cho các bạn rõ. Người này, với một tấm lòng nhân hậu nhất thế gian, đã rời thành phố đang sinh sống để tới đây ở với mong muốn là sửa chữa cho một trong các láng giềng của ông ta khỏi cái tật xấu là ganh ghét hận thù ông. Ở đây, ông được toàn thể mọi người kính trọng làm cho kẻ ganh ghét tức tối, không chịu nổi y liền tìm đến tận đây để tìm cách mưu hại ông. Y đã thực hiện ý đồ và nếu không có chúng ta cứu giúp thì ông đã bị hại rồi. Danh tiếng của ông lừng vang khiến cho hoàng đế đang ngự ở thành phố bên cạnh đây, ngày mai sẽ tới đây thăm để nhờ ông cầu nguyện cho công chúa”. Một tiếng nói khác cất lên hỏi vì sao mà công chúa lại phải nhờ cậy đến tu sĩ cầu nguyện cho. Tiếng nói đầu tiên lại đáp: “Thế ra các bạn không biết là công chúa bị thần Maimoun, con trai thần Đimdim, phải lòng nàng và ám nàng ư” Tôi biết rõ là ông tu viện trưởng nhân hậu này có thể chữa khỏi cho công chúa. Công việc thật dễ dàng, tôi sẽ nói các bạn nghe. Số là trong tu viện của ông có một con mèo đen, chót đuôi nó có một chấm trắng. Chỉ cần nhổ bảy chiếc lông trong cái chấm trắng đó, đốt và xông khói lên đầu công chúa. Ngay tức thì nàng sẽ khỏi bệnh, tiễu trừ được sự ám ảnh của Mamoun, con trai Đimdim và không bao giờ tên này còn dám lăm le đến gần công chúa lần thứ hai nữa. Trưởng các tu sĩ nghe không thiếu một lời nào trong cuộc trao đổi của các vị thần và các tiên. Họ hoàn toàn im lặng suốt đêm đó sau khi đã thốt lên những câu nói trên. Ngày hôm sau, trời rạng sáng tới lúc ông phân biệt rõ mọi vật thấy là cái giếng có nhiều chỗ lở lói, ông đã tìm cách trèo lên không mất công nhiều. Các tu sĩ đang toả đi tìm, rất sung sướng thấy ông trở về. Bằng một vài câu vắn tắt ông kể cho họ nghe âm mưu độc ác của người khách mà ông tiếp đón thân tình hôm trước rồi lui vào phòng riêng. Chú mèo đen mà ông nghe thấy đêm qua trong cuộc trao đổi giữa các thần và tiên nhắc đến đã tới với ông để được vuốt ve như mọi khi. Ông bèn nhổ bảy sợi lông ở cái chấm trắng chót đuôi con mèo và để riêng ra một nơi phòng khi dùng đến. Mặt trời lên cao chưa được bao lâu thì hoàng đế chẳng muốn đà đận chút nào trong việc chữa mau cho công chúa dứt bệnh, tới trước cổng tu viện. Ông lệnh cho đám cận vệ dừng lại ở đó rồi cùng với các cận thần tuỳ giá bước vào. Các tu sĩ kính trọng nghênh đón nhà vua. Hoàng đế kéo ông trưởng các tu sĩ ra chỗ riêng bảo: - Ông tu viện trưởng, chắc ông đã rõ vì sao trẫm tới đây chứ? - Tâu bệ hạ - Người trưởng tu sĩ từ tốn đáp - Nếu thần không nhầm thì bệnh trạng của công chúa đã đưa đến cho thần vinh dự lớn này mà thần thật chưa xứng đáng. - Đúng như vậy đó - Hoàng đế nói - Ông sẽ làm cho ta như được phục sinh nếu những lời cầu nguyện của ông làm cho con gái ta lành bệnh. - Tâu bệ hạ - Con người nhân hậu nói - Nếu Người vui lòng rước công chúa tới đây, mong rằng với sự cứu giúp và ân sủng của Thượng đế, công chúa hoàn toàn sẽ khỏi bệnh trở về. Nhà vua, hết sức hân hoan, lập tức cho tìm công chúa và chẳng bao lâu nàng xuất hiện với đông đảo mệnh phụ và các thị nữ hộ giá, mặt che mạng để không ai nhìn thấy. Tu viện trưởng cho đặt một bếp lò trên đầu công chúa và chỉ vừa đưa bảy sợi lông, mà ông vừa cho mang lại, vào đám than hồng trong bếp lò, con quái Maimoun, con trai của Đimdim đã thét to lên một tiếng, chẳng ai nhìn thấy hình bóng hắn, chạy biến đi thoát khỏi người công chúa. Trước tiên nàng đặt tay lên mạng che mặt vén lên hỏi: “Ta ở đâu thế này? Ai đã đưa ta đến đây?”. Nghe công chúa hỏi, hoàng đế không sao giấu được niềm vui dâng trào, ôm lấy con gái và hôn lên đôi mắt nàng. Ông cũng hôn bàn tay tu viện trưởng và bảo các cận thần tuỳ giá: “Các ngươi hãy nói đi. Phần thưởng như thế nào cho xứng đáng với người đã chữa khỏi bệnh cho con gái ta đây?” Tất cả các cận thần đều đáp người đó đáng được kết hôn cùng công chúa. “Đó là điều mà ta đã nghĩ - Nhà vua nói - Và ngay từ lúc này, ta nhận người này làm phò mã”. Một thời gian ngắn sau, tể tướng tạ thế. Hoàng đế bổ nhiệm tu viện trưởng vào chỗ đó. Rồi hoàng đế cũng thăng hà mà không có hoàng tử để nối ngôi. Những chức sắc tôn giáo cùng quân đội họp lại nhất trí tôn phò mã kiêm tân tể tướng lên nối ngôi vua.” Trời sáng buộc Scheherazade ngừng lời. Schahriar thấy viên tu viện trưởng lên ngôi vua là xứng đáng nhưng ông còn băn khoăn vì thấy cái tên hay ganh ghét đó chưa chết vì tức bực sầu não. Ông đứng lên thầm nhủ đêm hôm sau sẽ rõ chuyện này. Dinarzade khi tới giờ như thường lệ nói với hoàng hậu như thế này: - Chị thân yêu của em ơi! Nếu chị không ngủ thì xin kể nốt cho em nghe chuyện kẻ hay ganh ghét và người bị ganh ghét đi? - Chị xin vui lòng – Scheherazade đáp - Sau đây là những gì mà người tu sĩ thứ hai kể tiếp: "Người tu sĩ tốt bụng - Anh ta kể - như vậy là lên ngôi báu của bố vợ. Một hôm, cùng với cả triều đình ngự giá, ông nhìn thấy người hay ganh ghét đi lẫn trong đám đông trên đường đi. Ông gọi một viên quan cận thần tới gần khẽ bảo: “Nhà ngươi hãy đi đến chỗ người kia và dẫn đến đây cho ta. Đừng làm cho ông ta sợ hãi. Viên quan này tuân lệnh và khi con người hay ganh ghét đó đứng trước mặt nhà vua, nhà vua bảo: Anh bạn, gặp anh,ta rất vui - Rồi lệnh cho một viên quan - Hãy đếm ngay cho ông ta một ngàn đồng tiền vàng trong ngân khố hoàng gia. Thêm vào đó là hai mươi kiện hàng loại quý hiếm trong kho tàng của ta đem tặng và cho một đội bảo vệ đầy đủ áp tải đến tận nhà ông ta”. Sau khi trao cho viên quan sứ mệnh đó, nhà vua chào từ giã người hay ganh ghét rồi tiếp tục cuộc ngự giá. Khi kể hết câu chuyện này cho tên hung thần đã giết hại công chúa quốc đảo Gỗ Mun nghe rồi tôi liên hệ và bảo hắn: - Hỡi thần linh? Ngài thấy đấy. Ông vua hiền đức này không những là quên đi chuyện cái người hay ganh ghét này đã suýt giết chết ông mà lại còn hậu đãi thật là hào phóng như tôi vừa kể với ngài đó. Rồi tôi trổ tài hùng biện thuyết phục hắn nên làm theo gương tốt đẹp đó mà buông tha cho tôi. Nhưng hắn vẫn chẳng siêu lòng. Hắn bảo tôi: - Tất cả những gì ta có thể làm cho mi là để cho mi sống, nhưng chớ vội mừng là ta sẽ để cho mi an toàn nguyên vẹn. Cần phải cho mi biết ta có thể làm gì với pháp thuật của ta. Nói đoạn hắn tóm lấy tôi, bay vút qua mái lâu đài dưới đất lúc đó mở rộng cho hắn qua, đưa tối lên tít trên cao, trông xuống dưới chỉ thấy toàn là mây trắng. Từ trên độ cao đó, hắn lao xuống mặt đất nhanh như chớp, đặt chân lên đỉnh một quả núi. Ở đó, hắn vơ một nắm đất đưa lên gần miệng đọc hay đúng hơn là lẩm bẩm câu gì đó tôi không hiểu rồi ném vào tôi và hô to: “Biến, biến mau thành khỉ!”. Rồi hắn mất tăm, tôi còn lại một mình, thành khỉ, lòng đau đớn vô hạn trong một đất nước xa lạ, không rõ là gần hay xa vương quốc của nhà vua cha tôi. Tôi xuống núi, đi vào một xứ sở đất đai bằng phẳng, tới địa đầu mất vừa tròn một tháng và cũng là đến được bờ biển. Bể yên sóng lặng, ngoài xa cảch khoảng nửa dặm đất liền tôi nhìn thấy một hạm tàu. Để không bỏ lỡ một cơ hội tốt hiếm có, tôi bẻ một cành cây lớn, kéo xuống biển, cưỡi lên trên, hai tay hai cành nhỏ làm bơl chèo. Cứ thế tôi bơi đến chiếc tàu. Khi đã khá gần mọi người có thể nhận ra tôi thì cả hành khách và thuỷ thủ tập trung trên mạn tàu đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Tất cả đổ dồn lại nhìn tôi đầy khâm phục. Lúc đó tôi đã tới sát mạn tàu và nắm lấy một sợi dây thừng, tôi leo lên sàn tàu. Nhưng vì không nói được nên tôi hết sức lúng túng. Tuy nhiên hiểm nguy lúc này làm sao mà so sánh được với khi tôi còn ở trong tay lão hung thần. Những thương gia trên tàu vốn mê tín và thận trọng quá đáng cho là tôi sẽ mang tai hoạ đến cho họ nếu để tôi trên tàu. Vì thế nên một người bảo: “Tôi sẽ đập cho nó một vồ” Một người khác: “Tôi muốn bắn một mũi tên xuyên qua người nó”. Lại một người khác nữa: “Phải ném nó xuống biển thôi?” Chắc chắn là một người nào đó sẽ thực hiện điều y nói nếu tôi không vội nép vào bên cạnh thuyền trưởng, không quỳ xuống chân ông ta. Tôi nắm lấy áo ông với dáng điệu van xin làm ông ta có vẻ xúc động, lại thấy nước mắt tôi ròng ròng chảy, ông ôm lấy tôi che chở, vuốt ve và đe doạ kẻ nào cố ý hại tôi thì sẽ phải hối hận. Về phía mình, dù không nói được, tôi cố gắng làm mọi cử chỉ biểu hiện lòng biết ơn. Sau đợt biển lặng, gió nổi lên tuy không mạnh nhưng kéo dài. Suốt năm chục ngày gió thổi một chiều và chúng tôi bình yên cặp bến một thành phố tráng lệ rất đông dân cư và buôn bán sầm uất. Chúng tôi thả neo ở đây. Thành phố này càng thêm quan trọng vì đó là kinh đô của một quốc gia hùng mạnh. Hạm tàu của chúng tôi mau chóng bị vô số những tàu nhỏ vây quanh, chở đầy người tới để hoặc là đón mừng bạn trở về, hoặc hỏi han xem có những gì hay lạ ở các xứ sở đã qua, hoặc chỉ đơn thuần là tò mò muốn tham quan một hạm tàu lớn từ xa tới. Trong số những người đó, có vài vị quan của triều đình nhân danh nhà vua muốn trao đổi với các thương gia trên tàu. Các thương gia tới trình diện và một vị quan nói với họ: “Hoàng đế của chúng tôi giao cho chúng tôi nhiệm vụ hoan hỉ chào đón các vị tới vương quốc và có yêu cầu là mọi người viết cho vài dòng chữ vào cuộn giấy này. Để các vị hiểu ý của hoàng thượng, tôi xin nói thêm là vị tể tướng của chúng tôi là một vị quan vừa có năng lực điều hành công việc vừa có chữ viết đẹp một cách hoàn hảo. Nhưng chẳng may ngài đã tạ thế cách đây ít hôm. Hơàng đế rất mực buồn rầu và không sao có thể quên được những nét chữ của tể tướng. Người đã long trọng thề là sẽ chỉ trao quyền tể tướng cho người nào viết được chữ đẹp như tể tướng đã quá cố. Rất nhiều người đã tới để dâng chữ viết của mình nhưng cho đến nay chưa chọn được ai trong toàn quốc gia rộng lớn này xứng đáng giữ cương vị tể tướng”. Các thương gia trên tàu, những người nào tự xét thấy lạ có thể nhòm ngó được địa vị cao sang đó, đều lần lượt viết lên cuộn giấy những gì họ muốn nói. Khi họ viết xong, tôi tiến đến, cầm lấy cuộn giấy trong tay người đang giữ. Tất cả mọi người, đặc biệt là những thương gia vừa trình bày chữ viết của mình tưởng là tôi muốn xé hoặc ném cuộn giấy xuống biển, nên thét lên nhưng họ yên tâm ngay khi thấy tôi cầm cuộn giấy một cách thận trọng và tỏ ý đến lượt mình cũng muốn viết. Từ lo ngài họ chuyển sang khâm phục. Tuy nhiên vì họ chưa bao giờ trông thấy một con khỉ biết viết và không tin là tôi có thể khéo léo hơn những con khỉ khác nên họ muốn giằng lại cuộn giấy trong tay tôi. Nhưng thuyền trưởng lại một lần nữa bênh vực. Ông bảo: “Để yên cho nó viết xem nào. Nếu nó chỉ biết bôi bẩn ra giấy thôi thì tôi hứa là sẽ trừng phạt nó ngay tức thì. Nếu, trái lại, nó viết đẹp như tôi hằng tin tưởng vì trong đời tôi chưa từng thấy một chú khỉ nào thông minh và tháo vát cũng như am hiểu việc đời như nó, tôi tuyên bố là sẽ nhận nó làm con nuôi. Tôi cũng đã có một Đứa con trai nhưng nói thực không được thông minh bằng nó”. Thấy không còn ai phản đối nữa, tôi cầm lấy bút và chỉ buông xuống sau khi đã viết đủ sáu loại chữ thông dụng của người Ả- rập. Mỗi loại chữ viết thử đó là một bài thơ hai câu hoặc bốn câu ngẫu hứng ca ngợi hoàng đế. Chữ viết của tôi không những làm lu mờ chữ viết của tất cả các thương gia mà tôi còn có thể nói là đẹp nhất từ trước đến nay ở cái quốc gia này. Khi tôi viết xong, các vị quan cầm lấy cuộn giấy đem về dâng lên hoàng đế”. Scheherazade kể đến đây chợt thấy trời đã rạng sáng, nàng nói với Schahriar: Nếu còn thời gian thì thiếp sẽ kể cho hoàng thượng nghe những chi tiết còn kỳ là hơn những gì vừa kể. Hoàng đế, tự nhủ là sẽ phải nghe câu chuyện này đến đầu đến đũa nên đứng lên chẳng nói năng gì. Đêm hôm sau, Dinarzade thức giấc trước lúc trời sáng gọi hoàng hậu dậy và nói: - Chị của em, nếu chị không còn ngủ nữa thì chị cho em biết về số phận của chú khỉ ra sao. Em nghĩ là hoàng đế, lãnh chúa của chúng mình cũng muốn nghe tiếp chuyện đó như em. - Lãnh chúa của chúng ta và em sẽ được thoả mãn ngay đây - Scheherazade nói - Và để vào ngay câu chuyện, người tu sĩ khổ hạnh đạo Hồi thứ hai tiếp tục câu chuyện của anh ta như sau: “ Quốc vương chẳng để ý gì đến những chữ viết khác mà chỉ chăm chú ngắm nhìn chữ viết của tôi đã làm cho ông đặc biệt hài lòng. Ông bảo viên quan cận thần: “Hãy vào chuồng ngựa của ta, chọn một con đẹp nhất, thắng yên cương thật sang và lấy ra đây một chiếc áo gấm quý đem mặc cho người có sáu loại chữ viết này, bảo người đó lên ngựa và dẫn về đây cho ta”. Nghe nhà vua ra lệnh như thế, các quan đều bật cười. Tức giận về sự táo gan mạn thượng của họ, nhà vua vừa định ra tay trừng phạt thì họ vội tâu: - Xin hoàng thượng tha tội cho chúng thần. Những chữ viết này không phải là do một con người mà lại là của một chú khỉ. - Các ngươi nói sao? - Quốc vương kêu lên - Những nét chữ như rồng bay phượng múa này lại không phải là từ bàn tay một con người ư? - Tâu bệ hạ, không phảl là từ bàn tay của người. Một trong các vị quan nói - Thần xin khẳng định với bệ hạ đúng là từ tay một chú khỉ. Chính nó đã tự tay viết trước mặt chúng thần. Vị quốc vương này thấy sự việc thật quá lạ lùng nên muốn được tự mình mục kích. Ông bảo các quan: - Hãy làm theo lệnh ta. Đưa ngay chú khỉ hiếm có ấy về đây. Các đại thần trở lại hạm tàu đưa lệnh của nhà vua tới thuyền trưởng. Ông này lập tức tuân lệnh. Thế là họ khoác vào người tôi chiếc áo gấm lộng lẫy, đắt tôi lên đất liền, đặt tôi lên mình ngựa. Nhà vua cùng với cả triều thần đông đảo còn đang chờ tiếp đón tôi tại cung điện của Người. Cuộc đi bắt đầu. Hải cảng, các đường phố, các công trường, các cửa sổ, các sân thượng lâu đài và nhà cửa đều chật ních người dù già trẻ trai gái... từ khắp mọi nơi trong thành phố kéo tới để nhìn xem tôi vì nghe được tin đồn bay đi rất nhanh là quốc vương vừa chọn một con khỉ làm tể tướng. Sau khi hiến cho đám dân chúng hò hét vang trời này một cảnh tượng chưa từng thấy bao giờ, tôi đã tới hoàng cung. Tôi thấy vị quốc vương này chễm chệ trên ngai giữa những ông quan đại thần của triều đình. Tôi vái dài ba lần, và lần thứ ba, tôi quỳ xuống hôn mặt đất trước mặt ông. Rồi sau đó tôi ngồi bệt xuống đất theo kiểu ngồi của loài khỉ. Cả cử toạ đều tỏ vẻ khâm phục không hiểu vì sao mà một chú khỉ lại am hiểu lễ tiết đối với một quốc vương như vậy và hoàng đế lại càng ngạc nhiên hơn ai hết. Cuộc triều kiến đáng lẽ sẽ được trọn vẹn hơn nếu kèm với cử chỉ tôi còn sử dụng được cả ngôn ngữ của mình nhưng loài khỉ thì có bao giờ nói được và ưu thế đã được làm con người của tôi cũng chẳng cho tôi được cái ơn huệ đó. Hoàng đế truyền cho bãi triều và ở lại cùng ông chỉ còn viên tổng thái giám, một nô lệ nhỏ rất trẻ và tôi. Ông chuyển từ điện thiết triều sang hậu cung và truyền dọn ăn. Ngồi vào bàn, ông ra hiệu cho tôi tới gần và bảo cùng ngồi ăn với ông. Để tỏ lòng tôn kính, tôi hôn mặt đất, đứng dậy và ngồi vào bàn ăn. Tôi ăn rất lễ phép, khiêm tốn và đè đặt. Trước khi người ta thu dọn bàn ăn đi, tôi chợt trông thấy một cái bàn viết, tôi ra hiệu bảo mang lại và tôi cầm bút viết những câu thơ ca ngợi hoàng đế lên một quả đào to và đưa dâng Người. Ông đọc và càng ngạc nhiên vô cùng. Bàn ăn dọn đi rồi, một thức uống đặc biệt được đưa tới, nhà vua đưa tôi một cốc. Tôi uống và lại viết lên thành chiếc cốc những vần thơ mới nói lên tình trạng tôi lúc đó vì đã trải qua biết bao nỗi khổ đau. Hoàng đế cũng lại đọc và nói: “Một con người có được khả năng tới mức này thì có thể vượt lên trên cả những vĩ nhân lớn nhất”. Vị quốc vương này cho đem bàn cờ tới và ra hiệu hỏi tôi có biết chơi không và có muốn chơi với ông không. Tôi hôn mặt đất và đặt tay lên đầu để nói là tôi sẵn sàng nhận cái vinh dự đó. Ông thắng tôi ván đầu, nhưng tôi thắng lại ván thứ hai và thắng luôn ván thứ ba. Nhận thấy ông có vẻ khó chịu, tôi liền ứng tác một bài thơ tứ tuyệt đưa ông đọc để ông xuôi xuôi. Trong bài thơ đó, tôi tả hai đội quân hùng mạnh giao chiến rất hăng với nhau cả ngày, nhưng đến chiều tối thì giảng hoà và cùng nhau qua đêm một cách yên tĩnh ngay trên bãi chiến trường. Quốc vương đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về trí thông minh và sự khéo léo của một con khỉ và ông chẳng muốn một mình chứng kiến tất cả sự kỳ diệu ấy. Ông có một cô con gái có tên Diễm Kiều, một công chúa sắc nước hương trời. Ông bảo tổng thái giám có mặt tại đó và là thầy học của công chúa: "Nhà ngươi về đưa học trò của ngươi tới đây, ta muốn nó chia sẻ cùng ta sự vui thích này”. Viên Tổng thái giám tuân lệnh và chẳng mấy chốc đưa công chúa tôi. Nàng để hở mặt, nhưng mới bước vào phòng nàng vội vàng đưa tay kéo mạng che xuống, nói với nhà vua: - Tâu phụ vương, Người đã quên rồi ư? Con vô cùng ngạc nhiên là Người lại để con xuất hiện trước mặt một người đàn ông. - Con bảo sao - Hoàng đế đáp - Con không nghĩ là chính con đã nhầm rồi sao? Ở đây chỉ có một tiểu nô lệ, tổng thái giám thầy dạy con và cha. Chúng ta đều được tự do nhìn thấy mặt con kìa mà. Thế mà con đã hạ mạng che xuống và kết tội cha là đã cho vời con tới đây. - Tâu phụ vương - Công chúa nói - Rồi Người sẽ thấy con không nhầm. Con khỉ kia dù là mang hình dáng khỉ, nhưng đó lại là một hoàng tử trẻ, con trai một quốc vương hùng mạnh. Chàng bị phù phép yêu ma nên biến thành khỉ mà thôi. Một hung thần, cháu ngoại nữ thần Eblis đã làm cho chàng như thế sau khi đã giết hại một cách dã man công chúa đảo Gỗ Mun, con gái quốc vương Epitimarus. Hoàng đế nghe con gái nói, kinh ngạc ngoảnh về phía tôi, không ra hiệu nữa mà hỏi tôi là điều công chúa vừa nói có đúng như vậy không. Vì không nói được nên tôi đặt tay lên đầu để tỏ là công chúa đã nói thật. - Con gái của cha - Hoàng đế hỏi con - Làm sao mà con biết được là vị hoàng tử này bị phép yêu làm cho biến thành khỉ? - Tâu phụ vương - Công chúa Diễm Kiều nói - Người có nhớ rằng khi con trở thành thiếu nữ, thì có một bà già chăm sóc con. Đó là một pháp sư rất giỏi. Bà ấy đã truyền cho con sáu mươi phép biến hoá. Vì thế chỉ một chớp mắt là con có thể chuyển dịch kinh đô của cha ra giữa đại dương, phía bên kia rặng Caucase. Với bản lĩnh đó con có thể biết tất cả những người bị phù phép mà chỉ cần thoáng trông thôi, con biết họ là ai và bị kẻ nào phù phép. Vì vậy xin phụ vương cũng đừng lấy làm lạ là con đã phát hiện ngay ra vị hoàng tử qua cái lốt khỉ mà không sao có thể trình diện phụ vương với con người thực của mình. - Con gái của cha- Hoàng đế bảo- Thật không ngờ là con lại tài giỏi thế. - Tâu phụ vương, đó là những điều bí hiểm cũng cần phải biết, nhưng hình như con đã quá khoe khoang rồi đấy. - Nếu vậy - Hoàng đế nói - thì con cũng rất có thể gíảI bùa ma cho hoàng tử chứ? - Dạ, thưa phụ vương, con có thể trả lại cho chàng hình hài trước đây. - Con hãy trả lại cho anh ta hình hài ban đầu đi. Con không biết là cha sẽ vui thích tới mức nào, vì cha muốn phong cho anh ta làm tể tướng đầu triều và sẽ cưới con, làm con rể cha, phò mã của vương quốc. - Tâu phụ vương, con xin tuân lệnh. Scheherazade kể đến câu cuối này thì trời vừa sáng nên đành bỏ dở câu chuyện về người tu sĩ khổ hạnh đạo Hồi thứ hai. Schahriar, nhận định là đoạn tiếp theo có thể sẽ chẳng kém phần hấp dẫn như đoạn nghe nên quyết định sẽ nghe tiếp vào hôm sau. Dinariade như thường lệ gọi hoàng hậu và bảo: - Chị của em, nếu không còn ngủ nữa thì xin chị cho biết công chúa Diễm Kiều làm cách nào mà tu sĩ thứ hai trở về được hình thể cũ. - Rồi em sẽ biết thôi mà - Scheherazade đáp - Tu sĩ khổ hạnh thứ hai tiếp tục câu chuyện về mình như sau: “ Công chúa Diễm Kiều đi về phòng riêng lấy ra một thanh đao mà ở lưỡi đao có khắc những chữ Do Thái cổ.Nàng đưa chúng tôi: hoàng đế, viên tổng thái giám, chú nhỏ nô lệ và tôi tới một khoảnh sân kín trong hoàng cung và để chúng tôi đứng quanh sân, còn nàng thì tiến ra giữa sân vạch một vòng tròn to và vẽ vào đấy nhiều chữ Ả Rập cổ và những chữ khác mà người ta gọi là chữ của Cléopatre. Khi đã làm xong việc chuẩn bị cho cái vòng tròn vừa ý mình rồi, nàng đứng dừng lại chính giữa vòng, niệm chú và đọc kinh Coran. Không gian dần dần tối sầm lại dường như bộ máy tạo hoá sắp đi đến chỗ tan tành. Chúng tôi sợ hãi tột độ và càng hoảng hốt khi thấy hung thần, cháu ngoại Eblis xuất hiện, dưới hình dáng của một con sư tử khổng lồ. Ngay lúc công chúa nhìn thấy con quái vật, nàng quát: - Giống chó kia, đáng lẽ phải quỳ mọp trước mặt ta thì mi lại muốn hù doạ ta bằng cái lốt con vật gớm ghiếc ấy chăng! - Thế còn mi - Con sư tử rống lên - Mi không sợ làm trái lời cam kết mà chúng ta đã long trọng thề là sẽ không ai làm hại ai sao? - A! Quân chết tiệt - Công chúa phản bác - Chính ta, ta phải hỏi mi cái đó mới đúng chứ. - Mi sẽ phải - Con sư tử đột ngột cắt ngang - trả giá cho việc đã làm phiền ta phải tới đây. Nói xong, con sư tử há rộng mõm tiến lại phía công chúa như muốn nuốt sống nàng, nhưng đã đề phòng từ trước, nàng nhảy lùi về phía sau và kịp thời nhổ một sợi tóc, niệm chú biến thành một lưỡi gươm sắc bén và bằng một nhát chém vào giữa sống lưng chặt con sư tử ra làm hai. Hai nửa con sư tử biến mất chỉ còn lại cái đầu biến thành một con bọ cạp. Ngay tức thì, công chúa hoá thành một con rắn xông vào đánh bọ cạp. Thấy yếu thế, bọ cạp biến thành con đại bàng bay đi. Con rắn cuộn mình lại cũng biến thành một con đại bàng đen to khoẻ hơn bay đuổi theo. Cả hai con chim đều bay khuất tầm mắt của chúng tôi. Một lát sau, mặt đất bỗng nhiên nứt ra trước mặt chúng tôi và một con mèo đen đốm trắng chồi lên, lông lá dựng ngược và gào lên thật man rợ. Một con sói đen cũng xuất hiện xông vào con mèo. Mèo vội vã biến thành một con sâu, thấy một quả lựu rụng bên cạnh một mương nước hẹp nhưng khá sâu bèn đục nhanh một lỗ và chui vào. Quả lựu tức thì to phình lên bằng một quả bí đỏ bay lên nóc hành lang lăn mấy vòng rồi rơi bịch xuống sàn vỡ tan tành. Con sói lúc đó biến thành một con gà trống, nhảy vội đến mổ ăn những hạt lựu hết hạt này đến hạt kia. Khi không thấy còn hạt nào nữa, nó chạy đến chỗ chúng tôi, giương đôi cánh ra vỗ như vẻ hỏi chúng tôi xem còn hạt nào không. Còn một hạt lăn lóc bên bờ mương, nó quay lại chạy đến chưa kịp mổ thì cái hạt đó lăn xuống mương nước và biến ngay thành một con cá nhỏ...” - Nhưng, tâu bệ hạ - Scheherazade nói - kìa trời đã sáng mất rồi. Thiếp có thể đoán chắc là nếu ánh bình minh chưa lên thì Người sẽ rất vui thích khi nghe thiếp kể đoạn tiếp sau đó.- Nói xong, nàng im lặng. Hoàng đế đứng lên trong tâm trí tràn đầy những chi tiết thú vị của câu chuyện. Ông có một ý muốn mãnh liệt và nôn nóng cực kỳ là muốn nghe nốt câu chuyện kỳ thú này. Dinarzade, hôm sau, không sợ làm gián đoạn giấc ngủ của hoàng hậu, bảo nàng: - Chị ơi, nếu chị không còn ngủ nữa thì xin chị tiếp tục câu chuyện vô cùng kỳ thú bỏ dở hôm qua đang đến cái đoạn biến hoá hết cái nọ đến cái kia rồi. Scheherazade nhớ lại trong trí xem đã kể tới đâu rồi nói với hoàng đế. - Tâu chúa thượng, người tu sĩ thứ hai đã kể tiếp câu chuyện của anh ta như thế này: “Con gà trống nhảy xuống mương nước và biến thành một con cá chày bơi đuổi theo con cá nhỏ. Cả hai quần nhau ở dưới nước đến hai tiếng đồng hồ và tất cả chúng tôi đều không hiểu rõ kết cục ra sao thì bỗng nghe thấy những tiếng kêu khủng khiếp làm chúng tôi run bắn cả người. Một lát sau, chúng tôi nhìn thấy tên hung thần và cả công chúa lửa cháy đầy mình. Họ nhả lửa từ miệng ra đất cháy lẫn nhau và khi cả hai sáp gần lại thì lửa cháy càng dữ dội. Từng bụm khói dày và lửa bốc lên rất cao. Chúng tôi sợ rất có thể lửa sẽ làm cháy rụi cả hoàng cung, nhưng chúng tôi rụng rời khi tên hung thần rời xa công chúa, tiến về phía chúng tôi và há miệng phun từng khối lửa vào cả bọn. Nếu không có công chúa chạy đến kịp thời đánh đuổi hắn thì chúng tôi chắc hẳn chẳng còn ai sống sót. Thế nhưng, dù công chúa có đến cứu nhanh tới đâu thì hoàng đế cũng đã bị cháy râu và bỏng mặt, viên tổng thái giám bị chết ngạt và cháy thành than ngay tức thì. Còn tôi thì bị một tia lửa tạt ngay trúng mắt bên phải và thành chột. Giữa lúc đó thì chúng tôi nghe thấy tiếng kêu to: “Chiến thắng! Chiến thắng!” và nhìn thấy công chúa đã trở về nguyên dạng, còn tên hung thần thì chỉ còn là một đống tro dưới chân nàng. Công chúa đi tới gần chúng tôi và không để mất thời gian bảo tên tiểu nô lệ vẫn nguyên lành đi lấy một chén nước trong sạch. Nàng cầm lấy, đưa lên gần miệng đọc vài câu thần chú rồi vừa rảy lên người tôi vừa nói: - Nếu người bị phù phép mà hoá khỉ, thì hãy thay hình đổi dạng trở về thành người như cũ. Nàng vừa dứt lời thì tôi trở lại nguyên hình như trước khi bị phù phép, duy chỉ thiếu một con mắt. Tôi sửa sang tư thế để tạ ơn công chúa, nhưng nàng chẳng để tôi có thời gian làm việc đó nữa. Nàng quay lại nói với hoàng đế cha nàng: - Tâu phụ vương, con đã thắng lão hung thần như Người đã thấy đó. Nhưng thắng bằng một giá đắt. Con chẳng còn sống được mấy chốc nữa đâu và cha cũng chẳng còn được thấy con vui duyên cùng chàng hoàng tử mà cha đã dự định. Lửa đã thấu vào người con trong cuộc chiến đấu vừa rồi và từ từ đốt cháy cơ thể con. Tai hoạ này sẽ không xảy ra nếu con nhìn thấy ngay hạt lựu còn sót lại để mổ như những hạt khác khi con biến thành gà trống. Tên hung thần đã chui vào hạt này như một nơi trú ẩn cuối cùng để chống lại con. Sai sót này làm cho con phải cầu cứu tới lửa mà cha đã thấy con chiến đấu như thế nào giữa trời và đất trước mặt cha. Mặc dầu tên hung thần bản lĩnh cũng thật cao cường nhưng con vẫn mạnh hơn đã thắng nó và thiêu nó thành than. Nhưng con cũng chẳng tránh khỏi được cái chết đang tới gần.” Scheherazade kể tới đây thì dừng lại và nói với hoàng đế: - Tâu hoàng thượng, trời đã rạng báo cho thiếp là hãy ngừng lời. Nếu Người còn vui lòng để thiếp được sống đến ngày mai thì Người sẽ nghe thiếp kể đoạn cuối câu chuyện này. Schahriar bằng lòng và đứng lên như thường lệ để đi làm công việc của triều đình. Trước khi trời sáng ít lâu, Dinarzade thức giấc gọi hoàng hậu năn nỉ: - Chị thân yêu của em, nếu chị không còn muốn ngủ nữa thì xin chị hãy kể nốt cho em nghe chuyện của chàng tu sĩ thứ hai đi. Scheherazade tức thì cất tiếng và kể tiếp câu chuyện như sau: “ Tu sĩ khổ hạnh vẫn tiếp tục kể chuyện mình cho Zobéide nghe ông ta nói với nàng: - Thưa bà, hoàng đế lặng nghe công chúa Diễm Kiều kể chuyện chiến đấu của nàng và khi nàng nói xong ông nói với con gái bằng một giọng đau đớn và xúc động: - Con gái của ta, con thấy rõ tình cảnh của cha đây. Không hiểu vì sao mà ta lại còn sống! Tổng thái giám, thầy của con thì đã chết, hoàng tử mà con vừa giải thoát bùa phép cho thì đã mất một con mắt? Ông không nói thêm được nữa vì nước mắt, những tiếng nức nở làm ông nghẹn ngào. Chúng tôi cực kỳ xúc động về nỗi buồn khổ của ông, công chúa và tôi cũng khóc ròng cùng hoàng đế. Trong lúc mọi người đang vô cùng buồn khổ thì bỗng công chúa kêu to: “Tôi cháy đây này! Tôi cháy đây này!”. Nàng cảm thấy ngọn lửa âm ỉ trong người đã bùng lên toàn thân, làm nàng không ngừng kêu: “Tôi cháy đây” và cái chết cuối cùng đã chấm dứt sự đau đớn không sao chịu nổi của nàng. Ngọn lửa thật kỳ lạ, chỉ một lát cả cơ thể nàng chỉ còn là một đống tro tàn như lão hung thần vậy. Thưa bà, tôi không sao nói được trước cảnh tượng đó tôi đã xúc động tới mức nào. Thà là suốt đời tôi là kiếp khỉ hoặc kiếp chó còn hơn là thấy ân nhân của mình chết một cách thê thảm như vậy. Về phía hoàng đế, đau khổ ngoài sức tưởng tượng, vừa kêu la thảm thiết vừa lấy tay đấm mạnh vào đầu vào ngực cho tới lúc suy xụp trong thất vọng, ông ngất xỉu làm tôi lo Người có thể thăng hà. Nghe những tiếng than khóc kêu la của hoàng đế, những thái giám và các đại thần kéo tới và mất rất nhiều công sức để làm cho Người hồi tỉnh. Hoàng đế và tôi không phải mất công nhiều để giải thích cho họ hiểu nỗi đau lòng của mình. Hai đống tro của công chúa và của lão hung thần đã làm cho họ biết hết những gì xảy ra. Hoàng đế không còn sức đứng lên nữa mà phải dựa vào các thái giám để trở về hậu cung. Khi tiếng đồn về sự kiện vô cùng bi thảm đó được lan truyền trong hoàng cung và cả kinh thành, toàn thể thần dân đều thương tiếc cho công chúa Diễm Kiều gặp nỗi bất hạnh và thông cảm với nỗi đau buồn của quốc vương. Cả nước để tang trong bảy ngày và tổ chức nhiều buổi tế lễ long trọng. Tro của lão hung thần bị tung theo gió, còn tro của công chúa Diễm Kiều được thu vào một chiếc bình rất đẹp đặt trong một lăng nguy nga xây ngay tại nơi công chúa tử nạn. Nỗi đau của hoàng đế bị mất con gái yêu đã làm cho Người ốm liệt giường suốt một tháng trời. Chưa được bình phục hẳn, Người đã cho gọi tôi tới và bảo: - Hoàng tử, hãy nghe lệnh của ta đây. Nếu không tuân theo thì khó toàn tính mệnh đó. Tôi hứa với Người là nhất nhất sẽ vâng lời. Và Người tiếp tục nói: - Từ trước tới nay ta luôn sống trong hạnh phúc toàn vẹn, chưa bao giờ bị bất cứ một tai hoạ nào khuấy động. Nhưng nhà ngươi đến thì hạnh phúc mà ta vui hưởng bị tan vỡ: con gái ta chết, ông thầy của nó cũng không còn và chỉ nhờ có một phép mầu nào đó mà ta còn sống. Vậy đúng nhà ngươi là nguyên nhân của tất cả những bất hạnh đó mà ta không sao nguôi được. Vì vậy nhà ngươi hãy nên lặng lẽ rời khỏi nơi này, và đi ngay cho khuất mắt ta. Nếu nhà ngươi còn ở lại đây lâu hơn thì ta sẽ không sống nổi vì chắc chắn là sự có mặt của nhà ngươi sẽ chỉ mang lại bất hạnh mà thôi. Đó là tất cả những gì ta muốn nói. Đi đi! Và chớ có bao giờ xuất hiện trên đất nước của ta. Không có một sự trọng thị nào có thể ngăn ta làm cho nhà ngươi phải hối tiếc. Tôi muốn phân trần đôi câu, nhưng quốc vương đã chặn họng tôi lại bằng những lời lẽ chứa đầy căm giận nên tôi bắt buộc phải ra đi, đi xa vương quốc của Người. Bị mọi người ghét bỏ, xua đuổi và bỏ rơi không rõ rồi đây mình sẽ ra sao. Trước khi rời khỏi thành phố, tôi vào một nhà tắm, thuê cạo râu, tóc và lông mày, mặc vào một bộ y phục tu sĩ khổ hạnh. Tôi vừa bước đi vừa khóc, khóc cho sự khổ ải truân chuyên của tôi thì ít, nhưng khóc nhiều cho cái chết của những nàng công chúa kiều diễm mà tôi gây nên. Tôi đi qua nhiều xứ sở không để cho ai nhận được mặt, cuối cùng tôi quyết định tới thành phố Bagdad với hy vọng là được yết kiến đức thống lĩnh các tín đồ và gợi lên lòng thương cảm của Người đối với một câu chuyện quá đỗi lạ kỳ. Tôi mới tới đây chiều hôm nay và người đầu tiên tôi gặp là người tu sĩ đồng đạo vừa kể chuyện của mình trước tôi. Bà đã biết rõ đoạn còn lại, thưa bà, và vì sao tôi lại có vinh dự có mặt tại quý xá. Khi tu sĩ khổ hạnh thứ hai kể xong chuyện mình, Zobéide bảo anh: - Tốt lắm, anh hãy đi đi, rút khỏi đây và đi đâu tuỳ thích, tôi cho phép đấy. Nhưng đáng lẽ phải đi ra khỏi nhà, anh nằn nì xin thiếu phụ cho được ở lại như tu sĩ thứ nhất, và anh ta đến ngồi cạnh anh này...” - Nhưng, tâu hoàng thượng - Scheherazade nói - Kể đến đây thì trời sáng đã bắt thiếp phải ngừng. Thiếp mạo muội dám chắc là dù câu chuyện của tu sĩ thứ hai có hay tới đâu, thì câu chuyện của tu sĩ thứ ba cũng chẳng kém. Rồi hoàng thượng sẽ so sánh nếu Người kiên nhẫn chờ nghe. Hoàng đế tò mò muốn biết là câu chuyện sắp kể có thực sự hay như câu chuyện vừa kể không, nên ông đứng lên và quyết định kéo dài thêm sự sống của Scheherazade dù là thời hạn ông cho đã quá nhiều ngày rồi. Tàn đêm sau, Dinarzade nói với hoàng hậu: - Chị thân yêu của em, nếu chị không ngủ nữa thì em xin, để chờ trời sáng cũng chẳng còn mấy chốc nữa, kể cho em nghe một câu chuyện nào đó trong những chuyện hay mà chị biết. - Ta rất muốn nghe - Schahriar cũng bảo - Chuyện của tu sĩ thứ ba. - Tâu hoàng thượng - Scheherazade nói - thiếp xin tuân lệnh. Người tu sĩ thứ ba - Nàng nói thêm - thấy là đến lượt mình kể chuyện, bèn hướng về Zobéide bắt đầu câu chuyện của mình như sau: