Đó là vào năm 1924. Phải, đúng vào năm ấy… Nơi hiện nay là nông trường chúng ta, bấy giờ là một thôn nhỏ của dân nghèo định cư. Lúc ấy tôi mười bốn tuổi và sống ở nhà ông chú họ. Cha mẹ tôi đều đã qua đời. Mùa thu năm ấy, chẳng bao lâu sau khi những nhà có máu mặt đã dời vào núi để trú qua mùa đông, có một thanh niên lạ mặt chiếc áo choàng bộ đội về làng. Tôi còn nhớ chiếc áo choàng, vì không hiểu sao nó lại bằng dạ đen. Đối với thôn chúng tôi, một thôn hẻo lánh nép vào chân núi cách xa đường cái, sự xuất hiện của con người mặc áo nhà nước này là một sự việc quan trọng. Lúc đầu người ta bảo rằng đó là một cấp chỉ huy trong bộ đội cho nên về làng cũng sẽ làm trưởng thôn, sau hoá ra anh ta chẳng phải là cấp chỉ huy gì cả, mà chính là con ông lão Tatanbek đã bỏ làng đi làm đường sắt từ dạo đói bao nhiêu năm trước đây và từ đấy biệt hẳn tăm tích. Còn anh này là Đuysen, con ông ta, hình như được cử về làng để mở trường dạy trẻ. Thời bấy giờ những thứ như “nhà trường”, “học tập” hãy còn là những danh từ mới mẻ, chẳng mấy ai hiểu rõ cho lắm. Người thì tin những tiếng đồn đại, người thì cho đây là những chuyện đàn bà bàn tán nhảm và có lẽ họ đã quên mất cái trường ấy, nếu mấy hôm sau không có lệnh gọi dân làng đi họp. Chú tôi càu nhàu mãi: “Lại họp hành gì nữa, cứ làm người ta bỏ công việc mãi vì những chuyện vớ vẫn”, nhưng sau ông ta cũng thắng ngựa và đi họp như mọi người đàn ông khác biết tự trọng. Tôi cũng chạy theo chú tôi cùng với lũ trẻ con hàng xóm. Lúc chúng tôi thở hổn hển chạy lên gò chỗ dùng làm nơi hội họp thì chính anh thanh niên xanh xao mặc áo khoác đen ấy đang phát biểu trước đám người đi bộ và cưỡi ngựa tập hợp xung quanh. Chúng tôi không nghe rõ lời anh nói nên định nhích lại gần, nhưng bỗng một cụ già mặc chiếc áo lông rách như vừa sực tỉnh, vội vã ngắt lời anh: - Này cháu ơi, - ông cụ bắt đầu lắp bắp nói, - trước kia thì các pháp sư dạy trẻ con, mà bố cháu thì chúng ta biết rõ lắm, cũng khố rách áo ôm như chúng ta đây thôi. Cháu thử nói xem cháu đã thành pháp sư tự bao giờ? - Cháu không phải là pháp sư, cụ ạ, cháu là thanh niên Komxômôn, – Đuysen đáp nhanh. – Mà bây giờ thì không phải pháp sư dạy trẻ con đâu, mà là các thầy giáo. Cháu đã được học chữ ở bộ đội và trước đó cũng võ vẽ ít nhiều. Đấy cụ xem cháu là thứ pháp sư gì. - A, ra thế… - Khá đấy! – Có những tiếng reo cổ vũ. - Như vậy là đoàn Komxômôn cử tôi về đây dạy con trẻ bà con. Nhưng muốn dạy thì phải có chỗ mà dạy. Tôi định làm nhà trường, cố nhiên là với sự giúp đỡ của bà con, ở chỗ chuồng ngựa cũ trên đồi kia. Bà con nghĩ sao? Mọi người im lặng như thể đang cân nhắc trong óc: cái anh chàng lạ mặt này muốn gì nhỉ? Ông Xatumkun vừa nheo mắt như nhắm bắn vừa thốt lên. – Tốt hơn hết là cậu hãy nói xem là chúng ta cần cái trường ấy để làm gì? - Sao lại để làm gì? – Đuysen ngỡ ngàng hỏi. - Đúng đấy! – có ai trong nhóm đông phụ hoạ theo. Và mọi người bỗng cùng nhốn nháo, ồn ào cả lên. - Từ thượng cổ đến nay người ta chỉ sống bằng nghề nông, cái cuốc nuôi ta sống. Và con cái chúng ta cũng sẽ sống như thế thôi, học hành làm quỷ gì. Làm chỉ huy thì mới cần chữ nghĩa, chúng ta chỉ là dân thường thôi. Đừng tán chuyện vớ vẩn nữa! Những tiếng xôn xao lặng đi một lát. - Chẳng lẽ bà con lại phản đối việc cho con em đi học sao? – Đuysen ngơ ngác hỏi, nhìn chằm chặp vào mặt những người đứng quanh anh. - Thế nếu phản đối thì sao, dễ anh bắt buộc được chúng tôi à? Thời buổi ấy đã qua rồi. Nhân dân chúng tôi bây giờ tự do, chúng tôi muốn sống ra sao thì sống! Mặt Đuysen nhợt hẳn đi. Anh run run đưa tay lên tháo móc gài áo khoác ra, móc túi áo trong lấy ra một tờ giấy gấp tư và vội vã mở ra, giơ cao lên quá đầu. - Nghĩa là các người chống lại tờ giấy này, tờ giấy nói về việc học hành của trẻ em, có đóng dấu của chính quyền Xô-viết. Thế ai cho các người đất cày, nước tưới? Ai mang lại tự do cho các người? Nào, ai chống lại luật lệ của chính quyền Xô-viết, ai? Nói đi! Anh thét lên hai tiếng “nói đi” bằng một giọng giận dữ rung lên sang sảng, nghe hùng dũng như một viên đạn xé tan cảnh ấm cúng của bầu không khí tĩnh mịch trời thu và như một tiếng nổ, giọng anh vang dội thành một tiếng vọng ngắn trong vách núi. Không ai thốt ra lời nào. Mọi người im lặng, đầu cúi gầm. - Chúng ta là những kẻ nghèo khó, – Đuysen nói, giọng đã khẽ hơn – Suốt đời chúng ta đã bị chà đạp nhục nhã. Chúng ta đã phải sống trong cảnh tăm tối. Giờ đây chính quyền Xô-viết muốn cho chúng ta trông thấy ánh sáng, muốn cho chúng ta biết đọc biết viết. Muốn thế thì phải dạy trẻ em học… Đuysen ngừng lời chờ đợi. Và lúc đó chính ông cụ mặc chiếc áo lông rách đã hỏi anh làm thế nào mà lại thành pháp sư, lẩm bẩm bằng một giọng làm lành: - Thôi được, anh đã muốn thì cứ dạy đi, còn chúng tôi đây thì…Chúng tôi không chống lại luật pháp. - Nhưng tôi xin bà con giúp đỡ tôi. Chúng ta phải chữa lại cái chuồng ngựa của phú nông trên đồi kia, phải làm cầu qua sông, nhà trường cần có củi… - Này hượm đã, chàng gighit ơi, nhanh nhảu quá đấy! – Lão Xatưmkun - hay cãi ngắt lời Đuysen. Lão xì nước bọt qua kẽ răng, rồi lại nheo mắt như nhắm bắn: - Anh hét ầm cả làng là “Tôi sẽ mở trường!”. Nhưng thử xem anh kìa: trên người chiếc áo lông chẳng có, dưới chân thì con ngựa cũng không, đến mảnh đất cày bằng bàn tay thôi cũng không có nốt, chẳng có được mống súc vật nào trong sân! Vậy thì anh định sinh sống ra sao, anh bạn thân mến? Hoạ chăng có đi chăn súc vật cho người khác… Nhưng khốn nỗi chúng tôi không có súc vật cho anh chăn đâu. Những kẻ có thì đã lên núi rồi. Đuysen muốn trả lời một câu gì cho thật xẵng, nhưng rồi nén giận nói khẽ: - Tôi sẽ có cách sống. Tôi sẽ có lương. - A, cứ nói ngay thế có phải hơn không! – Và Xatưmkun hể hả ngồi thẳng người lên lưng ngựa, vẻ đắc thắng rõ rệt. – Bây giờ thì mọi sự đã rõ. Anh bạn trẻ ơi, việc anh thì anh cứ làm lấy, cứ lĩnh lương mà dạy trẻ. Nhà nước thiếu gì tiền. Còn chúng tôi thì anh cứ để chúng tôi yên thân, nhờ trời công việc của chúng tôi cũng ngập đến cổ rồi… Nói đoạn Xatưmkun quay ngựa đi về nhà. Những người khác cũng theo lão kéo nhau về. Chỉ còn Đuysen vẫn đứng trơ lại tay cầm tờ giấy. Tội nghiệp anh không biết đi đâu bây giờ nữa… Tôi thấy ái ngại cho Đuysen. Tôi cứ đứng nhìn anh không rời mắt cho đến khi chú tôi cưỡi ngựa đi qua quát gọi: - Cái con đầu bù kia, làm gì mà đứng há hốc mồm ra đấy, có chạy mau về nhà không? – Tôi đành cắm đầu đuổi theo các bạn. – Chà, cái con này, thứ chúng nó mà cũng đã tấp tểnh đi họp rồi kia đấy! Ngày hôm sau, bọn con gái chúng tôi đang đi lấy nước thì gặp Đuysen ở bờ sông. Anh đang lội sang bờ bên kia, tay cầm xẻng, cuốc, rìu và một chiếc thùng cũ. Từ hôm ấy sáng nào cũng thấy Đuysen mặc chiếc áo đen lủi thủi theo con đường mòn leo lên đồi tới chỗ chuồng ngựa bỏ hoang. Và đến tối mịt mới trở xuống về làng. Chúng tôi thường thấy anh mang một bó củi hay một bó rạ khô lớn trên lưng. Trông thấy anh từ xa, ai nấy đều rướn người trên bàn đạp và che mắt nhìn, ngạc nhiên bàn tán: - Này, hình như thầy giáo Đuysen đang cõng củi kia phải không? - Chính anh ta rồi. - Chà, tội nghiệp. Nghề thầy giáo xem ra cũng chẳng nhẹ nhàng gì. - Thế anh tưởng thế nào. Cứ xem anh ta cõng lấy bao nhiêu kia, chẳng kém gì thằng ở nhà phú nông cả. - Thế mà nghe anh ta diễn thuyết thì ra phết lắm. - Ấy, là vì anh có tờ giấy đóng dấu, bao nhiêu sức mạnh ở đấy hết. Có lần, mang những túi đựng đầy kigiăc nhặt ở chân núi mé trên làng trở về, chúng tôi vòng vào trường: xem thử thầy giáo đang làm gì ở đấy cũng hay. Căn nhà kho cũ bằng đất nện này trước kia vốn là chuồng ngựa của phú nông. Trước kia, vào mùa đông, người ta thường nhốt những con ngựa cái đẻ con trong những ngày giá rét ở đây. Sau khi chính quyền Xô-viết lên, tên phú nông bỏ đi đâu mất và chuồng ngựa vẫn còn lại đó. Không ai bước chân đến đây và chung quanh gai góc mọc lên rậm rạp. Bây giờ những cây cỏ dại đã bị phạt đến tận rễ xếp thành đống nằm gọn một bên, cái sân đã được dọn sạch. Những bức vách xiêu vẹo dãi dầu mưa nắng đã được trát đất lại; cánh cửa ọp ẹp, trước đây chỉ còn bám lủng lẳng vào mỗi một chiếc bản lề, nay cũng được sửa lại và lắp vào cẩn thận. Lúc chúng tôi đặt các bao kigiăc xuống đất để nghỉ một lát, Đuysen từ trong cửa bước ra, người bê bết đất. Trông thấy chúng tôi, anh ngẩn người ra một lát, nhưng rồi lại mỉm cười niềm nở, lấy tay quệt mồ hôi trên mặt. - Đi đâu về thế các em gái? Chúng tôi ngồi cạnh những bao kigiăc thẹn thò nhìn nhau, Đuysen hiểu rằng chúng tôi im lặng vì bẽn lẽn nên nháy mắt động viên: - Những cái bao kia to hơn cả người các em đấy. Các em ghé vào đây xem là hay lắm, các em chả sẽ học tập ở đây là gì? Còn trường của các em thì có thể nói là đã xong đến nơi rồi. Ta vừa đắp một thứ lò sưởi ở góc nhà và bắc cả ống khói trên mái, các em thử nhìn xem! Giờ chỉ còn phải trữ sẵn củi để sưởi trong mùa đông nữa thôi, nhưng không sao, chung quanh thiếu gì củi khô. Dưới nền nhà ta sẽ trải rơm thật nhiều, thế là có bắt đầu học được rồi. Thế nào, các em thích học không, các em sẽ đi học chứ? Tôi hơn các bạn gái khác nên đánh bạo trả lời: - Nếu thím em cho đi thì em sẽ đi. - Sao thím em lại không cho, thế nào cũng cho chứ. Vậy tên em là gì? - Antưnai. – Tôi vừa đáp vừa lấy tay che chỗ gấu váy thủng để hở một mảng đầu gối. - Antưnai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không? –Đuysen mỉm cười hiền từ khiến tôi thấy lòng ấm hẳn lại. - Thế em con ai? Tôi lặng thinh; tôi vốn không thích có ai thương hại tôi. - Chị ấy mồ côi ạ, chị ấy ở với ông chú, - mấy đứa bạn tôi đỡ lời. - Thế này nhé, - Đuysen mỉm cười nói với tôi, - Antưnai ạ, em sẽ dẫn các em khác đi học được chứ? - Thưa chú được ạ. - Các em cứ gọi ta là thầy. Các em có muốn xem trường không? Vào đây, các em đừng ngại gì cả. - Không, chúng em phải về nhà đây, – chúng tôi rụt rè nói. - Thôi được, các em chạy về nhà đi. Khi nào đến học các em sẽ xem sau vậy. Giờ chưa tối, thầy đi lấy rạ khô lần nữa đã. Cầm lấy chiếc liềm và sợi dây, Đuysen bước ra đồng. Chúng tôi cũng đứng dậy cõng những bao kigiăc lên lưng và rảo bước về làng. Tôi chợt nảy ra một ý nghĩ bất ngờ. - Này các cậu ơi, - tôi gọi các bạn – Ta đổ kigiăc vào trong trường đi, đến mùa đông sẽ có được nhiều cái đốt sưởi hơn. - Thế về nhà tay không à? Chà, khôn đấy nhỉ! - Nhưng ta sẽ quay lại nhặt thêm nữa. - Thôi muộn mất, về nhà lại bị mắng đấy. Và bọn con gái không chờ tôi, cứ rảo cẳng về nhà. Cho đến nay tôi vẫn không hiểu hôm ấy cái gì xui khiến tôi dám làm một việc như thế. Không biết vì tôi giận các bạn đã không nghe tôi nên cứ muốn làm theo ý mình, hay từ thuở bé mọi ước nguyện, mọi ý muốn của tôi đều bị chôn vùi dưới những lời mắng chửi, những cái bạt tai của những con người phũ phàng, chỉ biết là tôi vẫn thấy muốn làm việc gì để cảm ơn con người thật ra không quen biết ấy, để đền đáp lại nụ cười đã sưởi ấm lòng tôi, đền đáp lòng tin cậy của người ấy đối với tôi, đền đáp mấy câu nói nhân từ ấy. Và giờ đây tôi biết rất rõ, tôi tin chắc rằng cuộc đời thật sự của tôi tất cả cuộc sống với mọi niềm vui nỗi khổ của tôi đã bắt đầu chính từ ngày hôm đó, chính từ bao kigiăc ấy. Tôi nói như vậy bởi vì chính hôm đó, lần đầu tiên trong đời tôi đã không đắn đo, không sợ bị phạt, đã quyết định và làm điều tôi cho là cần thiết. Khi các bạn bỏ tôi lại, tôi chạy trở về trường Đuysen, trút bao kigiăc xuống dưới cửa và cắm đầu chạy men theo các khe rãnh, các hẻm đá ở chân núi nhặt kigiăc. Tôi cứ chạy mãi, không còn biết mình đi đâu nữa, như thể vì quá dư sức mà tim tôi sung sướng đập rộn rã trong lồng ngực, tựa hồ như tôi đã làm nên công trạng vì vô cùng to lớn. Và cả mặt trời cũng như biết rõ vì đâu tôi sung sướng đến thế. Phải, tôi tin rằng mặt trời cũng biết vì đâu tôi lại chạy tung tăng nhẹ nhàng như thế. Bởi vì tôi đã làm được một việc nhỏ hữu ích. Mặt trời đã xế bóng ngang các sườn đồi, nhưng tôi cảm thấy dường như còn chần chừ không muốn lặn, còn muốn nhìn tôi. Ánh mặt trời tô điểm con đường tôi đi: mặt đất rắn mùa thu trải qua dưới chân tôi nhuộm thành màu đỏ, màu hồng, màu tím. Từng cụm bông lau khô vun vút bay hai bên như những tia lửa lập loè. Mặt trời rọi lửa lên những chiếc cúc mạ bạc trên tấm áo đầy mụn vá tôi mặc. Và tôi cứ chạy đi, trong lòng hoan hỉ nói với đất trời, với gió mâ: “Hãy nhìn tôi đây! Hãy nhìn xem tôi đang kiêu hãnh chừng nào! Tôi sẽ học hành, tôi sẽ đến trường và sẽ dẫn các bạn khác đến!…” Không biết tôi chạy như thế bao lâu, nhưng tôi bỗng sực nhớ ra là phải nhặt kigiăc nữa. Thế nhưng lạ thay, suốt mùa hè ngần ấy súc vật thả ở đây và lúc nào cũng thấy nhan nhản bao nhiêu kigiăc, vậy mà giờ đây tựa hồ như đất đã ngốn hết mất cả. Hay chỉ vì tôi không chịu tìm? Tôi chạy hết chỗ này sang chỗ kia, càng đi xa kigiăc càng ít đi. Bấy giờ tôi mới nghĩ ra rằng từ giờ đến tối không thể kịp nhặt được đầy túi phân mất, tôi sợ hãi, chạy lung tung theo các bụi lau, ôi cuống cuồng vội vã. Cuối cùng tôi cũng nhặt được nửa bao. Lúc ấy mặt trời đã lặn hẳn, trong hẻm núi trời bắt đầu sẩm tối rất nhanh. Chưa bao giờ tôi ở ngoài đồng một mình muộn đến thế. Đêm đã buông cánh đen sẫm xuống những triền đồi yên lặng, không một bóng người. Sợ thất thần, tôi vác chiếc bao lên vai và cắm đầu chạy về làng. Tôi khiếp đảm và có lẽ tôi đã kêu lên, khóc lên, nếu không có một ý nghĩ, dù là lạ lùng, tự nhiên kìm tôi lại, là thầy Đuysen sẽ nói sao, nếu trông thấy tôi yếu đuối như thế này. Và tôi đã lấy lại can đảm, tự cấm mình không được ngoái nhìn lại nữa, như có thầy đang đứng một bên nhìn theo tôi vậy. Tôi chạy về đến nhà, thở hổn hển, người đầy bụi và mồ hôi. Tôi vừa thở vừa bước qua ngưỡng cửa. Thím tôi đang ngồi cạnh bếp, đứng lên đón tôi, vẻ doạ nạt. Thím tôi vốn là người độc ác thô bạo. - Mày đi đâu mất mặt thế? – Thím bước lại gần tôi và tôi chưa kịp thốt ra lời nào, thím đã giật lấy chiếc bao trên người tôi và lẳng sang một bên. – Suốt ngày mày lượm được từng này đây hở? Thì ra tụi bạn gái đã hớt lẻo với thím tôi rồi. - Con quỷ đen kia! – Đứa nào xúi mày ghé vào trường? Sao mày không chết rấp trên cái trường ấy đi cho rảnh. – Thím túm lấy vai tôi và bắt đầu đánh liên hồi vào đầu. – Quân không cha không mẹ! Chó sói có bao giờ lại thành chó nhà được. Con nhà người ta thì tha của về nhà, còn nó chỉ chực đem của nhà đi cho thiên hạ. Muốn xem trường thì rồi tao sẽ cho xem, mày cứ còn bén mảng đến gần đấy là tao đánh què cẳng đi. Tao sẽ cho mày nhớ đời cái trường ấy… Tôi nín lặng, chỉ muốn sao đừng thét lên. Nhưng sau đó, vừa ngồi đẩy bếp tôi vừa lặng lẽ khóc vụng, tay sẽ vuốt ve con mèo mướp, còn con mèo thì lúc nào tôi khóc nó cũng biết và nhảy lên đầu gối tôi. Tôi không khóc vì những đòn thím tôi đánh, không, vì tôi đã quen chịu đòn quá nhiều rồi, tôi khóc vì hiểu rằng thím tôi không đời nào chịu cho tôi đi học… Hai ngày sau, sáng sớm trong làng chó bỗng sủa ran lên và có những tiếng nói oang oang. Hoá ra là Đuysen đi từng nhà gọi trẻ em đến trường. Lúc bấy giờ trong làng còn chưa có ngõ lối gì cả, ai tiện đâu thì làm nhà đấy. Đuysen cùng bọn trẻ kéo theo sau thành một đám ồn ào đi hết nhà nọ sang nhà kia. Nhà tôi ở tận cuối làng. Giữa lúc ấy tôi đang cùng thím tôi giã kê trong chiếc cối gỗ, còn chú tôi thì đang đào chỗ thóc để dưới hố gần nhà chứa đồ để mang ra chợ bán. Tôi và thím tôi đang đứng giã, lần lượt giáng những chày nặng nề xuống cối, nhưng tôi vẫn kịp lén nhìn xem thầy giáo còn xa không. Tôi sợ thầy không đi đến tận nhà chúng tôi. Dẫu tôi biết thím tôi sẽ không cho đi học, tôi vẫn muốn Đuysen đến, dù chỉ để thầy biết tôi ở chỗ nào. Và tôi thầm van thầy đừng quay trở lại trước khi đến nhà tôi. - Chào bà chủ, cầu trời phù hộ cho bà! Mà trời không phù hộ thì cả bọn chúng tôi sẽ cùng ùa vào giúp một tay, bà xem chúng tôi có đông không này! – Đuysen chào thím tôi bằng một câu pha trò kéo theo sau lũ học trò tương lai. Thím tôi ậm ự trả lời, còn chú tôi thì ở dưới hố chôn thóc cũng chẳng thò đầu lên. Nhưng điều đó không làm Đuysen bối rối. Thầy ngồi xuống khúc gỗ nằm ở giữa sân, vẻ bận rộn, lấy bút chì và giấy ra. - Hôm nay chúng tôi bắt đầu dạy học ở trường. Con gái bà bao nhiêu tuổi? Thím tôi không đáp, giận dữ ném chày vào cối. Thím tôi rõ ràng không muốn tiếp chuyện. Người tôi như co rúm lại: rồi cơ sự sẽ ra sao đây? Đuysen nhìn tôi và mỉm cười. Và cũng như lần ấy, tôi thấy lòng ấm hẳn lại. - Antưnai, em bao nhiêu tuổi? – Thầy hỏi. Tôi không dám trả lời. - Việc gì mà anh phải biết nó bao nhiêu tuổi, anh là thứ thanh tra gì thế? – Thím tôi giận dữ nói. – Nó không học được đâu. Cái quân không cha không mẹ ấy thì học gì, đến những đứa có mẹ có cha hẳn hoi cũng còn không học nữa là. Anh cứ kéo cả lũ oắt kia đi mà dạy, không bận gì đến anh ở đây cà. Đuysen đứng phắt dậy. - Bà hãy nghĩ lại xem bà nói gì thế? Nó mồ côi thì có tội tình gì? Hay có luật lệ nào không cho các trẻ em mồ côi đi học? - Luật lệ của anh thì tôi cần gì! Tôi có luật lệ riêng của tôi, anh không cần phải dạy tôi. - Luật lệ là luật lệ chung. Và nếu bà không cần đến cháu gái, thì chúng tôi cần nó, chính quyền Xô-viết cần nó. Còn bà chống lại thì chúng tôi sẽ cho bà biết! - Ồ gớm nhỉ, anh là cái thá gì mà dám lên mặt với tôi! – Thím tôi đứng chống nạnh, vẻ khiêu khích. – Theo anh thì ai là người có quyền cai quản nó? Thử hỏi tôi nuôi nấng nó hay anh, cái thứ cầu bơ cầu bất hết đời cha sang đời con kia? Không biết rồi câu chuyện sẽ kết thúc ra sao, nếu lúc ấy chú tôi, mình trần trùng trục, không trèo lên khỏi hố thóc. Chú thường bực mình không sao chịu được khi thấy vợ cứ nhúng vào những công việc không phải của mình, quên mất rằng trong nhà thì người chồng làm chủ. Chú tôi thường đánh đập thím ấy tàn nhẫn vì những tội như vậy. Và lần này cũng có thể thấy rõ ràng chú đã điên tiết lắm rồi. - Thôi đi, đồ đàn bà! – Chú vừa quát tháo vừa leo lên. – Bà làm chủ trong nhà này từ bao giờ đấy, bà bắt đầu chỉ huy từ bao giờ thế hả? Bớt ba hoa đi mà làm nhiều vào. Còn con ông Tastanbek kia, anh cứ đưa con bé đi, muốn dạy nó học thì dạy, muốn làm gì nó thì làm. Thôi cút đi! - A, thế ra con bé sẽ đi lêu lổng ngoài trường học, còn công việc ở nhà thì ai làm cho? Để dồn cả tôi à? – Thím tôi vừa hé miệng, chú tôi đã chặn ngay: - Thôi, không lôi thôi gì nữa! Chẳng có việc gì mà lại không có một phần may. Chuyện tôi được đi học lần đầu là như thế đấy. Từ hôm đó sáng nào thầy Đuysen cũng đến từng nhà để gọi chúng tôi. Lần đầu tiên chúng tôi tới trường, thầy giáo sắp xếp cho chúng tôi ngồi trên các ổ rơm trải giữa sàn nhà rồi phát cho mỗi đứa một quyển vở nhỏ, một cái bút chì và một chiếc bảng con. - Các em tì bảng lên đầu gối mà viết cho dễ, - thầy Đuysen giảng giải. Rồi thầy chỉ lên bức chân dung của một người Nga dán trên vách nói: - Đây là Lênin! Suốt đời tôi vẫn nhớ bức chân dung ấy. Không hiểu tại sao về sao tôi không thấy nơi nào có bức đó nữa và trong thâm tâm tôi vẫn thầm gọi là bức chân dung Lênin “của Đuysen”. Lênin trên bức ảnh mặc chiếc áo dài quân nhân hơi rộng, má gầy hóp, bộ râu cằm lởm chởm. Cánh tay bị thương của Người treo băng trước ngực đầu đội mũ lưỡi trai hơi hất ra sau, đôi mắt chăm chú của người nhìn xuống một cách điềm đạm. Cái nhìn dịu dàng làm ấm lòng người dường như nói với chúng tôi: “Các cháu ơi, giá các cháu biết một tương lai đẹp đẽ đến nhường nào đang chờ các cháu!”. Trong phút yên lặng ấy tôi cảm thấy như Người quả đang nghĩ đến tương lai của tôi thật. Bức chân dung in trên loại giấy áp phích thường, những đường gấp đã sờn và mép giấy đã nát bươm, chứng tỏ rằng Đuysen giữ bức ảnh đã lâu. Nhưng ngoài tấm chân dung ấy ra, trên bốn bức vách của lớp học không còn gì nữa. Thầy Đuysen nói: - Thầy sẽ dạy các em biết đọc, biết đếm, hướng dẫn các em viết chữ cái, chữ số. Và quả nhiên thầy đã dạy chúng tôi tất cả những gì thầy biết và trong khi dạy bảo chúng tôi, thầy đã tỏ ra kiên nhẫn lạ thường. Cúi xuống sát từng học sinh một, thầy chỉ bảo từng cách cầm bút chì, rồi về sau lại say sưa giảng cho chúng tôi những chữ khó. Giờ đây nghĩ lại tôi không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: làm thế nào người thanh niên biết không được bao nhiêu chữ nghĩa, khi đọc còn phải đánh vần một cách chật vật, trong tay không có lấy một quyển sách giáo khoa, ngay đến cả sách vỡ lòng cũng không có, mà lại dám đảm nhận một công việc thật là to lớn như vậy? Dạy những đứa bé từ đời ông, đời cụ bảy tộc tổ tiên đều không biết lấy một chữ cắn đôi có phải chuyện đùa đâu! Và tất nhiên Đuysen cũng không hề có một khái niệm cỏn con nào về chương trình, về phương pháp giảng dạy. Nói cho đúng hơn, Đuysen cũng không hề ngờ rằng trên đời có những thứ đó. Đuysen đã đem hết năng lực dạy cho chúng tôi, biết được bao nhiêu, thầy dạy bấy nhiêu, dạy tất cả những gì thầy tự cho là cần thiết theo trực giác. Nhưng tôi tin chắc như đinh đóng cột rằng lòng nhiệt tình chân thành của thầy trong công việc dạy dỗ đã chẳng phí hoài. Thầy Đuysen đã lập một chiến công mà không hề biết. Thật vậy, đó là một chiến công, bởi vì chính hồi đó, dưới mái trường này, hay nói cho đúng hơn dưới mái nhà tranh vách đất hở hoác đến nỗi ngồi trong lớp lúc nào cũng nhìn thấy những đỉnh núi tuyết phủ, một thế giới mới, chưa bao giờ nghe nói đến, chưa bao giờ nhìn thấy, đã mở ra trước mắt chúng tôi, những đứa trẻ của xứ Kirghizi chưa hề bước chân ra khỏi làng. Chính khi ấy chúng tôi được biết là thành phố Matxcơva, nơi Lênin đang sống, lớn hơn Auliat rất nhiều, lớn hơn cả Tasken nữa và trên mặt đất còn có những biển cả rộng hơn cả bình nguyên Talax, trên mặt bể có những chiếc tàu thuỷ qua lại to như những quả núi. Chúng tôi còn được biết rằng dầu hoả mà người ta mua ở chợ về là phải lấy từ dưới đất lên. Và chúng tôi đã tin tưởng chắc chắn rằng sau này, khi dân ta đã giàu có hơn, trường chúng tôi sẽ được đặt trong một toà nhà lớn quét vôi trắng có những cửa sổ rộng và các em học sinh sẽ có bàn ngồi học. Chúng tôi mới biết qua loa vần chữ cái, còn chưa biết viết những chữ “mẹ”, “bố”, đã viết được chữ “Lênin” lên giấy. Vốn từ chính trị của chúng tôi gồm có những khái niệm như “phú nông”, “cố nông”, “Xô-viết”. Và, thầy Đuysen hứa một năm sau sẽ dạy chúng tôi viết từ “cách mạng”. Nghe thầy Đuysen kể chuyện, chúng tôi ngỡ như mình đang cùng thầy đánh đông dẹp bắc tiễu trừ quân bạch vệ. Còn khi kể về Lênin, thầy bồi hồi xúc động như thể chính mắt thầy đã được thấy Người. Bây giờ thì tôi đã hiểu rằng nhiều điều thầy kể lại là những chuyện truyền khẩu đã hình thành trong dân gian về vị lãnh tụ vĩ đại, nhưng đối với chúng tôi, những người học trò của thầy Đuysen hồi ấy, thì đó là những sự thật hiển nhiên, như thể sữa bao giờ cũng trắng. Có lần chúng tôi hỏi thầy một câu hoàn toàn không có ẩn gì bên trong cả: - Thưa thầy, thầy vẫn thường được bắt tay Lênin chứ ạ? Thầy buồn bã lắc đầu đáp: - Không, các em ạ, thầy chưa được nhìn thấy Lênin bao giờ cả. Thầy thở dài ân hận như người có lỗi – thầy thấy ngượng với chúng tôi. Cứ cuối mỗi tháng thầy Đuysen lại lên huyện có việc. Thầy đi bộ và thường hai ba ngày sau mới về. Trong những ngày đó, chúng tôi buồn lắm. Dù là anh ruột tôi, có lẽ tôi cũng chẳng nóng lòng mong ngóng như mong thầy Đuysen về trong những ngày ấy. Tôi lẻn trốn thím tôi chạy ra sau nhà và đứng hồi lâu nhìn về phía con đường cái chạy qua thảo nguyên: bao giờ bóng thầy Đuysen với chiếc dây vải sau lưng mới hiện ra, bao giờ tôi mới được nhìn thấy nụ cười ấm áp của thầy, bao giờ mới được nghe những lời lẽ vẫn đem lại cho chúng tôi những hiểu biết mới mẻ? Trong số học sinh của thầy tôi là đứa lớn nhất. Có lẽ vì thế nên tôi học khá hơn những học sinh khác, mặc dù tôi vẫn nghĩ đó không phải là những nguyên nhân duy nhất. Mỗi lời thầy giảng, mỗi chữ thầy viết – tất cả đối với tôi đều thiêng liêng. Và trên đời này tôi không hề có gì quan trọng hơn là hiểu cho được những điều thầy dạy. Tôi muốn gìn giữ quyển vở của thầy, cho nên tôi đã lấy mũi liềm tập viết những chữ cái ra đất, dùng than viết trên vách, lấy que viết trên mặt tuyết, trên bụi đường. Tôi cảm thấy trên đời này không có ai học rộng và thông minh hơn thầy Đuysen.