30-4
Anh, em bàng hoàng khi anh đứng trước em. Một giải phóng quân đột nhập vào nhà riêng của viên quận trưởng, thiếu tá quân lực cộng hòa. Anh mặc bộ đồ mà trong xứ Nam Bộ này chỉ dùng ở đám hạ tiện. Nhưng uy thế của anh thì là một Việt Cộng lừng lẫy. Anh nhìn em, một phút sững sờ rồi lịch thiệp nói:
- Thưa bà, ông nhà đâu? - Khẩu súng của anh nhăm nhăm chĩa thẳng vào ngực em!
Em nói:
- Chồng tôi ẩn ở phía dãy nhà phụ, ở giữa đám lái xe, vệ sĩ.
Anh quay ngoắt xuống dưới cầu thang... Em sững sờ! Sao lại có chàng trai xinh đến thế! Gọn ghẽ, thanh thoát. Trong phút cứng nhắc vẫn mềm mại, lịch thiệp. Em đứng trên gác hai nhìn xuống. Anh dẫn chồng em đi... Súng chĩa sau lưng, đầy khí thế. Như một người chiến binh kiêu hùng. Chồng em tóc rũ xuống! Còn anh kiêu hãnh...
Trời xanh ở phía anh. Em khóc. Lo sợ cả gia đình tan nát. Nhưng em lại thấy mây trắng trên sông đẹp lạ thường. Anh là giải phóng quân đến trong ngày vẻ vang nhất của đời chiến trận.
Em nhớ lắm. Anh đội mũ tai bèo, mặc chiếc áo lót cổ vuông của bộ đội cụ Hồ, quần dài, chân đất. Một chiếc khăn mặt trắng vắt ngang vai để các anh nhận ra nhau, và cũng để lau mồ hôi khi òa xuống mặt...
15-5
Em lên thị xã. Nơi cách biệt thự của em chừng 4 km. Bây giờ người bất ngờ không phải là em, lại chính là anh, chàng giải phóng quân đã bắt gọn tên thiếu tá quận trưởng một tỉnh đồng bằng mà không phải đụng độ. Em khóc hết nước mắt một tuần ròng. Chồng đã bị Cách mạng giữ rồi. Hai con còn nhỏ. Vườn rộng thênh thang. Ðám người giúp việc bỏ về gần hết. Chỉ còn một vài người... Em cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Bốn bề người ta vui tươi trong cảnh đoàn tụ, còn em là chia ly, tan tác và hụt hẫng. Nhưng em vẫn không quên được hình ảnh mát rượi như một tán lá cây trưa hè phủ xuống đầu em, một chàng giải phóng quân...
Em tìm người thân Cách mạng. Một ông anh con ông bác ruột, lớ ngớ, ngại ngùng. Em đã chọn bộ đồ kém nhất, mà vẫn khác lạ với những người ở tòa báo "Ðồng Khởi". Em lại sững người. Anh tươi cười, cởi mở, khuôn mặt không đằng đằng sát khí như bữa nọ. Anh vẫn nhận ra em. Anh gọi em bằng tên rất thân mật như thời sinh viên, bạn trai thân thương nhất... Em phải cố ghìm không để nước mắt lăn trên má, nhưng nước mắt vẫn ứa ra. Anh nhìn thẳng vào mắt em.
Lúc ấy nếu không có sự xa cách, ngại ngần về kẻ thắng trận và dân dã trong vùng thua trận, thì em đã ngã vào ngực anh rồi...
17-5
Em đã nhận ra người nhà. Anh họ em dù ngại ngần, song vẫn hiền như cũ. Các anh trong tòa báo "Ðồng Khởi" cũng chẳng ai giận em..., lại thích nói chuyện với em. Có thể là em xinh chăng... Cũng có người không thích em đánh móng tay và kẻ mi xanh trên mắt. Hình như họ không quen... Thứ ấy với trong này quá tầm thường, song có người nhột như chạm phải nước nóng... Em biết là sự xinh đẹp của mình đã dẹp được những thành kiến lớn hơn thế... Dù sao em chỉ thích gần anh... Anh ngồi ở trong phòng nhỏ, mắt mơ màng... Khi thấy em đi ngang, anh mỉm cười rồi lại cắm cúi viết. Mỗi cử chỉ của anh đều đem lại cho em một sự thân gần. Em biết rằng em đang bị quỷ ám.
22-5
Em vắng mặt mất năm hôm, bởi đắm đuối việc nhà. Em theo tin chồng xem bị giam ở đâu... Em chăm sóc mấy đứa nhỏ. Em săn tin bố chồng em di tản sang Hawai có trót lọt không, để còn lo nhờ cậy sau này. Em lân la hỏi dò, những người thân, xem thử rồi đây Cách mạng sẽ đối xử với gia đình mình như thế nào?... Nhưng em chỉ mong xong việc để đạp xe về với anh...
Anh vẫn đi đó đi đây. Có hôm em chờ cả nửa ngày, sốt ruột quá chừng mà anh thì thăm thẳm. Rồi anh cũng về, huýt sáo vang từ cửa mà vào, lật mũ một người quen, giơ tay vẫy một đứa bé răng sún... Anh không vẫy em. Em suýt khóc... Nguy hiểm quá, em yêu mất rồi...
 25-5
Và anh nói chuyện. Anh hỏi thăm gia đình em. Em nói thật với anh hết tất cả. Em yêu rồi. Em làm sao có thể giấu anh hết được. "Ra thế!" Ông già em cũng là một người trí thức có hạng, có quen ông Phạm Huy Thông, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát... Em từng cứu một chiến sĩ giải phóng quân ở trong nhà, và chính ông già em, một bác sĩ ngoại khoa đã chạy chữa cho anh ấy và thả về rừng! Em kể anh nghe, anh trân trọng lắm! Từ bữa đó, anh thân thiết hẳn... Ðến những bữa sau em lại kể tình duyên của em. Chồng em là một quận trưởng có thế lực. Anh ta thích binh nghiệp và cũng lăm le đeo lon tướng, nếu không có ngày 30 tháng 4 xảy ra... Anh ta cũng biết chiều em bởi em đẹp, và cũng biết xài đủ danh lợi trong cái vai quận trưởng. Anh nhún vai. Em ngại ngần không kể nữa, thì anh đưa bàn tay vỗ rất nhẹ vào vai em an ủi... Ðấy là bàn tay thần... Vai em bây giờ vẫn còn cảm giác run rẩy, khi bàn tay anh chạm tới! Lúc ấy phòng vắng lắm. Em chỉ muốn choàng lấy anh mà hôn. Vâng nếu được hôn lúc ấy, anh sẽ hiểu định nghĩa về cái hôn với đúng nghĩa được yêu của nó...
26-5
Chúng ta nói về thơ mới. Em hiểu thêm những điều trước đây người ta đã bóp méo khi hiểu về các anh. Anh nói rành mạch về Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông. Em càng lạ hơn anh thuộc thơ Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Hồ Dzếnh... Anh có một giọng nói chậm rãi. Anh có những nhận xét hóm hỉnh. Anh biết pha trò làm các câu chuyện đậm đà thêm. Anh thông minh và không hợm mình. Anh nói đến văn học Mỹ. Em bất ngờ anh lại yêu Faulkner, người khổng lồ của văn học Mỹ đầu thế kỷ, anh xếp ông ta trên Heminway và Steinberg. Anh cho thơ Whitman như những giọt sương lành ban mai, mãi mãi sáng trong bình minh nước Mỹ. Anh nói đến hội chứng Việt Nam của văn học Mỹ những năm sáu mươi, bảy mươi và anh tiên đoán nó còn bùng lên ở những năm tám mươi, sau đó mới chuyển động được... Em nghe, em nghe.
Anh đem đến cho em hết bất ngờ này, đến bất ngờ khác.
Em yêu anh... Em muốn gần anh, cả thân xác lẫn linh hồn. Anh mang đến cho em ngọn gió lành mà em khao khát. Dù chỉ một lần thổi qua mặt, cũng không thể nào quên.
5-6
Ngày nào em cũng đến với anh. Anh giữ một cự ly cần thiết. Em hiểu anh cũng rất mến em, thậm chí yêu em. Em đọc được những điều đó từ những phút bối rối của anh khi bất ngờ em xuất hiện. Qua những phút giây đi vào lối khuất em đi sát bên anh, anh vẫn chẳng phản ứng gì. Nhưng ở cơ quan Báo, anh luôn luôn nói năng đúng mức. Anh vẫn thân thiết nhưng không có ai có thể ngờ giữa anh và em đang có chuyện gì. Em biết anh đã có vợ. Vợ anh là một người đàn bà nhà quê rất hiền, chịu thương chịu khó. Nhưng anh vốn sống bằng nghĩa vụ. Anh đã yêu một lần thời học sinh. Người yêu anh để cho anh một nỗi buồn kéo dài không bao giờ dứt. Trước em, có lúc anh nhìn vào mắt em rất lâu đầy âu yếm, khi em lấy trộm được một cuốn sổ riêng ở trên bàn, em ngắm cô ta và thột mình, cô ấy có những nét giống em. Có điều cô ấy là sinh viên xã hội chủ nghĩa. Nét đẹp chất phác, sắc sảo... Còn em là vợ một sĩ quan thời ngụy ở Nam Bộ. Em hơi tự ái, ghen vớ vẩn. Ra anh từ người ấy đã có tình với em, chứ không phải yêu em.
Em hỏi anh:
- Nếu một người yêu anh ở đất này, anh có yêu không?
Anh nói:
- Yêu chứ!
Anh tự nhiên và thành thật. Bản lĩnh của anh thật lạ. Lúc nó hiện ra, lúc nó tiềm ẩn.
6-6
Em đọc thơ chưa in và những tập thơ đã xuất bản của anh. Thơ chưa in là thơ tình. Em hỏi:
- Anh yêu ai mà đau khổ vậy?
- Một tình yêu đã chết!
- Anh có định làm nó sống lại không?
Anh cười hóm hỉnh:
- Em giúp anh đi.
Và em mừng rỡ. Em đưa anh về dinh thự của em. Chàng Hoàng tử của em hôm ấy, một giải phóng quân tài hoa... Các con em bấu lấy anh. Anh hòa nhập với chúng rất nhanh về tài bắt chuyện. Chúng líu lo hỏi chuyện Hà Nội. Anh kể cho chúng nghe về những cái hồ đẹp của thủ đô, về những cái vườn trong thành phố. Chúng lặng đi nghe anh. Ðến em cũng lặng đi. Hà Nội là một điều gì riêng biệt của anh. Những câu thơ của anh, chỉ một lần đọc em đã thuộc:
Ðêm càng khuya, phố lặng như tờ.
Hàng cây đứng im thâm trầm
Theo anh chỉ là cái bóng
Dãy đèn đường vào khuya, sáng lắm
Ði loanh quanh chẳng muốn về nhà.
Ði, đi hoài để thấu hạt mưa khuya.
Cái buốt lạnh của trời đất buốt lạnh.
Chẳng có bên em, căn nhà trống lắm
Thà cứ dầm mưa như thế, đỡ buồn hơn...
Ðêm ấy anh không về. Anh ở nhà em. Chúng ta ngồi bên hàng dừa. Hai đứa trẻ đã ngủ. Người giúp việc của em cũng bỏ đi chơi. Chỉ còn anh và em. Em thì khát thèm còn anh thì đối phó, bâng khuâng, mơ mộng... Chàng giải phóng quân thiên thần! Em không kìm nổi. Em sà đến lòng anh. Anh đẩy em ra.
Một cảm giác miễn cưỡng. Rồi anh lại ôm em vào lòng, hôn em, lại nhìn thẳng vào mắt em. Em biết anh lại nhớ người cũ. Ghen và yêu. Anh hôn em... Giờ thì em là kẻ thắng trận. Cái hôn ấy dài, ba phần tư là của em, một phần tư là của người cũ.
Cái hiện tại nhàu nát của em bỗng tự phát sáng. Em nhìn anh. Ðêm ấy em và anh thức thâu đêm suốt sáng. Hoàng tử của em! Hoàng tử của em! Chẳng bao giờ em quên anh được.
27-7
Anh bỏ đi đột ngột sau cái đêm hôm ấy. Không để lại địa chỉ. Chỉ để lại chiếc hôn ba phần tư là của em, một phần tư là của người cũ, cái hôn đầu em nhận từ anh.
Em hụt hẫng không chừng. Cái phút thiên thần của em đã thành ác quỷ. Em tự nhiên hiểu anh thành một con người khác. Mắt em hoa lên. Em khóc. Ông anh họ của em cho biết anh đã lên Sài Gòn. Anh có để địa chỉ lại. Nhưng không có thư cho em. Chẳng lẽ anh đã quên đêm thần tiên của chúng ta, hỡi chàng Hoàng tử? Ðêm ấy anh đọc thơ Baudelaire, khi ngà ngà. Bài "Say đi". Em cũng thuộc nhiều bài của Baudelaire, nhưng em thích bài khác hơn, bởi vì em là con gái. "Một bài thơ xuôi viết cuối thế kỷ thứ 19, mà người cuối thế kỷ 20 vẫn tưởng viết cho mình!". Anh nói thế. Anh quả là sành thơ. Em cũng thích bài ấy. Anh đọc to trong phòng. Em cảm thấy muốn uống rượu, muốn hòa đồng vào vũ trụ. Anh hôn em. Hôn cho vũ trụ, hôn cho tình yêu đã mất tìm lại được.
Vậy là anh bỏ trốn ngay hôm sau. Em tức giận. Em nhìn anh lệch hẳn đi. Em trở về, em khóc, em không ăn uống gì hết, em lần mò vào với các con em. Em ôm chúng để hơi ấm của hai đứa trẻ bù cho những thiếu hụt... Em lại khóc. Em hờn oán anh... Em không tìm anh. Anh như ngọn gió mát thổi qua mặt một lần rồi mất hút...
Năm 198...
Mấy năm cực khổ, em chỉ muốn anh quay lại với em. Em đi tiếp tế cho chồng. Ông ta được tha về. Và chúng em có danh sách hàng đầu trong những người được chính phủ cho ra đi hợp pháp. Chồng em đã về. Một con người hận thù, nhìn cái gì cũng méo mó. Ông ta làm sao đắp bù được cho em. Những câu chửi tục, những cuộc chăn gối cuồng nhiệt để bù lại năm năm tù tội chẳng bù đắp được gì cho em... Tình yêu đến một lần với anh và tắt lụi. Nó lại bị những dòng nước nhớp nháp dội thêm để chẳng bao giờ bùng cháy lên được nữa. Em nhớ anh! Em nhớ anh đến thế! Thiên thần của em. Em mới biết cái đêm ấy em gặp anh, chẳng bao giờ gặp lại... Anh biền biệt chẳng quay về! Em hầu như tuyệt vọng.
Tháng 3 năm 198...
Chồng em ra đi trong trật tự. Sang Mỹ. Quận Cam bang California... Em thương con em. Chúng nó là nguồn an ủi của em, là máu thịt của em, là nỗi đắng cay và thất vọng. Em chỉ muốn có một đứa con với anh. Nếu có đứa con ấy, thì em sẽ trở thành một bà mẹ bất công... Ðúng là như thế. Nhưng làm sao có con được với một người tình rụt rè và luôn chạy trốn... Em nhớ anh mà anh vẫn bặt tăm. Anh càng khó hiểu thì em lại càng muốn tìm anh. Có đêm em thức trắng. Từ lúc nằm xuống giường cho đến lúc mệt mỏi lờ đờ đi trong ánh ngày mới dựng, em chỉ nghĩ đến anh, em thèm khát anh. Em muốn dâng trọn mình cho anh, dù chỉ là một phút, một giờ, một đêm... một tháng... Tất cả chỉ là ảo tưởng. Chồng em gửi thư về... Em phải lo toan để sang Mỹ cùng hai con nhỏ. Em bán nhà. Em được những cây, những chỉ và em muốn tặng cho anh một kỷ niệm. Em gặp anh họ em, khóc đẫy hàng tiếng và gửi cho anh một chiếc nhẫn mảnh mai nửa chỉ... em biết anh chỉ thích những thứ mảnh mai như tâm hồn anh, như thể xác anh mà đó lại chính là vàng ròng. Chắc gì anh đã nhận... Em lại khóc mất rồi!
Tháng 5 năm 198...
Anh đã đeo nhẫn vào tay chưa? Một cuộc hành trình dài ba mẹ con lôi thôi, lếch thếch... phút máy bay cất cánh sao buồn đến thế! Sài Gòn ở phía sau. Anh ở phía sau... Em lại phải lao về phía trước với chồng con, với miếng cơm, manh áo... Bao giờ em mới trở về được. Em phát ghét mình, chửi mình sao mà ngu thế! Sao chẳng lấy của anh một tấm hình để luôn mang theo mình, như một liều thuốc an thần, như một bùa hộ mệnh.
Chồng em ra đón. Nước Mỹ hiện ra ở dọc đường. Từ Sài Gòn qua Mỹ như bước vào một thế giới khác... Em lạ lẫm. Con người ra nước người hình như nhỏ nhoi đi, hèn hạ hơn. Nước Mỹ vẫn là của người Mỹ, của những người da trắng. Ai có tổ tiên là người Anh, người Tây Ban Nha, người Pháp, người Ðức sang từ thời Jefferson, Washington, Lincoln thì lại có giá hơn. Nước Mỹ không thuộc về người da mầu. Người Việt Nam thì cũng chẳng hơn gì những người da mầu khác. Ðặt chân lên nước Mỹ một hôm, em đã như hạt bụi cuốn vào dòng xoáy. Chồng em đặt ra một chương trình ăn ở, tìm việc để hòa nhập. May cho em biết tiếng Anh, tiếng Pháp, ở tuổi gần ba mươi nhưng vẫn chưa phải già, tô điểm vào trông vẫn ngon lắm...
Em phải đi làm cùng với chồng em... Em được nhận vào làm ở một tiệm ăn... Chồng em quen với đám tướng tá cũ, kinh doanh những gì không rõ chỉ biết đi về như điên. Anh ta vẫn còn chưa chán em... Vẫn quanh quẩn với em... Xem ra anh ta cũng kiếm được tiền và biết cách kiếm tiền... Em hòa nhập, hòa nhập, mệt mỏi rã rời... Thú thật không còn thì giờ để nhớ tới anh nữa...
Tháng 6 năm 198...
Em sinh hoạt đã khác nhiều với bên nhà. Sống ở nước Mỹ, khi làm việc như chiếc đồng hồ lúc nào giây cót cũng căng hết mức. Gồng người mà sống... Ca làm việc kết thúc thì người nhão ra... Kỹ thuật sử dụng người kiểu Mỹ đã biến con người thành máy, mặc dù trong người nó không có tí chút cơ khí, điện tử... Chất xám, cơ bắp, ngôn ngữ, hành động bị công việc điều khiển. Tất cả cộng lại để làm ra đồng tiền.
Khi guồng máy công việc vầy nhão mình ra rồi, mình lại rơi vào CHU KỲ ĂN CHƠI. Ở đấy tự xếp mình vào các hạng mục rất dài của xa hoa hoặc bần cùng... Cái bần cùng trong thế giới xa hoa, làm khổ người biết nghĩ. Em đã đi qua tuổi ham hố, tuổi chơi bời và đã bước vào tuổi lo toan. Em lại là người đàn bà sống chuẩn mực, ít thích phá phách, ưa trầm lặng hơn là ồn ào vui nhộn... Trầm lặng ở bên này cũng phải trả giá đắt. Muốn mua được trầm lặng phải ngồi ở trong nhà. Tức là phải có tiền thì mới ở nhà được. Mà tiêu xài ở bên này thì một cuốc taxi cũng vài ba chục đô... Ðồng đô-la lúc nào cũng khuấy động đầu óc con người, từ việc làm ăn nghiêm túc, kiếm sống khắc nghiệt, đến những trò chơi giải trí...
Tháng 7 năm 198...
Em gần chồng em để thành một thứ liên minh, không tìm được những chuyện gì hơn là nghĩa vụ. Em thương con, một phần nào cũng thương chồng. Nhưng khi anh ta thể hiện quyền lực của kẻ kiếm tiền, quyền lực của kẻ cho mình, có thể chi phối kiểu nào cũng được của một ông chủ, thì em không chịu nổi. Anh ta cho là em thả ra khó mà kiếm được tiền, khó hòa nhập, trừ phi vì sinh kế mà phải đem bán mình nuôi mình và nuôi con. Anh ta biết em còn xinh đẹp. Song máu lính tráng, máu sĩ quan "bạch vệ" của anh ta lại dẫn anh ta đi tìm khoái lạc trong đám thượng lưu của dân di tản... Anh ta có tiền gửi ngân hàng, lại nhờ họ hàng vốn sang đây hàng chục năm giúp đỡ. Việc em đi làm ở nhà hàng làm anh ta khó chịu, song em ở nhà thì buồn lắm. Em không muốn làm một thứ con sen, rồi năm tháng sẽ hạ mình xuống chức vú già... Và phần nào đó, em cũng muốn tự lăn mình vào để kiếm tiền nuôi con, như những năm tháng chồng em nằm ở trong trại cải tạo... Những đêm gã mê chơi không về, các con em ngủ mê mệt, em lại nhớ đến buổi đầu gặp anh, khi anh cầm súng chĩa vào gã quận trưởng, chồng em lúc ấy có thể đá băng cây súng của anh, nhưng hắn không làm nổi chỉ còn cách giơ tay lên đầu hàng... Thần chiến thắng của đất nước đã tạo cho cái phút hào hùng có một và phải làm một cách bất đắc dĩ, ở một anh nhà báo quân đội như anh, gặp lúc tình thế buộc phải trong tư thế người chiến sĩ... Cái phút ấy qua nhanh, nhưng em không sao quên nổi. Ngay lúc ấy, là một kẻ ở phía bại trận mà em vẫn thấy tự hào như anh đã tự hào... Em yêu anh ngay từ phút ấy, cái gương mặt học trò trắng trẻo, vầng trán thông minh, đôi mắt đen sáng thăm thẳm đầy chất hào hoa, thầm kín. Sau này gần gũi anh, những vẻ đẹp ban đầu ấy của anh chỉ ngày một tăng lên... càng làm em buồn và tiếc nuối vô hạn. Em thèm làm một cô gái bình dị để gặp anh từ thuở ban đầu, và em mãi mãi là vợ anh, sống cho anh, vì anh, nhận về những vẻ đẹp kín đáo chỉ anh mới có, mà em tìm suốt đời không thấy nổi... Em khóc mất rồi...
Tết Nguyên đán năm con rồng 198...
Mọi người đổ xô đi đón Tết. Chồng em không về. Gã đang cặp bồ với một thiếu phụ Mỹ gốc Hoa, chiêu đãi viên hàng không. Gã đi suốt ngày, đêm về như một con cáo rạc rày, nằm vắt trên đi văng, miệng nồng nặc hơi rượu mạnh. Gã kiếm được tiền. Gã vào một băng ma-fi-a buôn bạch phiến. Mặc gã... Gã có súng ngắn giắt trong người. Gã vẫn là một người hùng như năm tháng làm quận trưởng. Gã ném những tập đô-la cho em như ban phát cho một con điếm. Em nói không ngoa... Em thỉ thương những đứa con của em. Chúng còn nhỏ. Chúng cũng cần có tiền. Bố nó lo theo kiểu kẻ có tiền, làm ra tiền. Còn em lo cho chúng là người mẹ lo cho con. Nhiều lúc em sợ hãi, em cảm thấy có chỗ dựa mà cũng như không có... Em lại nghĩ về anh. Ðất khách quê người tình cảm lạ lắm... Em vẫn đi làm, và cũng kiếm được tiền. Em vẫn biết EM CÒN XINH ÐẸP. Ở bên này xinh đẹp với con gái cũng cần lắm. Những ông chủ Mỹ có thể nhận làm nhân viên ngay và ngay tối đầu tiên họ đã mời mình đi ăn tối... Em đã hiểu quá cái "lệ" Mỹ này... Và em giữ mình. Không hiểu làm sao em chỉ nghĩ tới anh, với một tấm lòng vô cùng thanh sáng...
Ngày... tháng... năm 198...
Nhà cửa tan hoang, chồng em đập phá. Ðó là cái cớ. Hắn bắt em ở nhà. Hắn ghen với một thằng Mỹ, Mai-cơn Ken-vin bám em tận nhà. Hắn tát em hai cái lằn năm ngón tay, cái thằng sĩ quan "bạch vệ" xưa ấy. Bây giờ hắn mới bộc lộ hết thói lính tráng con ông này cháu kia, lưu vong rồi vẫn thấy mình là quý tộc, ma-phi-a buôn lậu vẫn làm hoàng đế trong cái tổ ấm gia đình, vương quốc của hắn. Ở đó, hắn quyền sinh quyền sát, cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết. Em uất lên tận cổ, khóc, muốn chết quách cho rồi. Hai đứa con lẻn đến với em. Nếu không có chúng thì em ra ngay đường, em sẽ ngủ với bất cứ thằng Mỹ nào để trả thù hắn. Nhưng em không làm thế được. Bởi trong em vẫn còn có một tình yêu dai dẳng đối với anh. Lúc này sao em cần anh đến thế?
Em tìm tập thơ Baudelaire. Em đọc những bài thơ anh thích... Em dịu đi được một phần nào. Giờ đây anh ở đâu?
Tháng... năm 198...
Em nghĩ kỹ rồi, em phải tách biệt ra với hắn, con người thú ấy. Em còn hai đứa con. Tách khỏi hắn làm sao nuôi được cho chúng ăn học tử tế, cho hết bổn phận làm mẹ. Em đi làm, em dạy học thêm. Em sẽ tách dần ra khỏi hắn... Hắn cáu, rồi hắn cũng phải chấp nhận. Hắn đòi nuôi hai đứa con. Em không cho. Em muốn nuôi chúng dù chúng có khổ, nhưng thằng con trai quậy phá. Nó mười bốn tuổi rồi, nó muốn cuộc sống sung túc. Nó đi theo bố nó. Ði với em chỉ còn một đứa con gái. Cháu đã mười hai tuổi. Trời ơi, nếu không có nó em không biết có sống nổi không?... Nhiều lúc em nghĩ hay là viết thư rủ anh sang bên này, với sức học và tài năng của anh kiếm một công việc bình thường không khó. Em có anh và anh có em... Nhưng chắc gì anh sang... Cả một đời anh đi theo một lý tưởng, sống cho sự nghiệp văn chương, dễ gì anh chạy theo tình yêu... Mà anh đã hẳn yêu em đâu dù rằng anh hôn em, ba phần tư cái hôn ấy là của em còn một phần tư là của người khác... Nhưng nếu em ở bên anh, nhất định là em chiếm lĩnh được... Em có lúc lại có ý nghĩ điên rồ đó. Kiếm lấy ít tiền, rồi bay về nước, buôn bán kiếm sống đủ ăn, đủ nuôi con... Ðiều ấy với em không khó! Em về, thỉnh thoảng anh bay vào Sài Gòn sống với em. Em sẽ sống cho anh dù một tháng, một ngày, một năm... Dài hơn càng tốt.
Tháng... năm 198...
Em kiếm tiền không đến nỗi tồi. Làm cho một tiệm ăn một người ÚC mới sang.
Lão chủ mê em lắm! Mong anh đừng ghen! Em vẫn mãi là của anh. Lúc nào cũng thế. Nhưng xa đàn ông lắm lúc cũng không chịu nổi. Em gắng kiềm giữ mình. Những lúc ấy em đi đến một phòng tranh, dắt con vào những vườn thú, những cuộc chơi con trẻ... Con em thông minh lắm em biết n󠶦#7873; phe em gh鴠ba n󮮮 thằng chủ ڣ rất mê em... Muốn lấy em. Nó nhốt em vào trong phòng.
Nó cưỡng bức em. Em phải ưng cho nó làm gì thì làm. Khi tỉnh dậy, lúc nửa đêm em nghĩ đến anh, uất ức như một thiếu nữ bị mất trinh... Em giận mình, căm mình. Em uất hận. Mình đã giữ được hàng năm trời sao bây giờ buông tay ra... Buông thả rồi! Em mất anh thật rồi. Em không còn xứng đáng với anh nữa... Khi gặp một người Việt khăc tử tế, em bỏ thằng ڣ đii với anh ta.
Rồi em lại làm cùng với mấy thằng Mỹ khác nữa... Em thả trôi đời mình! Anh tha thứ cho em!
Tháng... năm 198...
Lăn lóc trên tình trường để kiếm tiền. Em nhầu nát đi rồi chán tất cả. Em tìm một chỗ làm của một hãng buôn lớn đứng đắn và xa lánh mọi thằng đàn ông kể cả Mỹ lẫn Việt Nam. Em chỉ bấn bíu về đứa con. Nó ở bên này học hành tốt hơn, tiếp xúc với khoa học tiên tiến hiện đại hơn. Nó thi toán đỗ hàng đầu quận và được học bổng. Con bé tính toán rành rẽ lắm. Nó cũng rất thương mẹ. Có hôm nó thầm thì hỏi:
- Sao dạo này mẹ buồn thế? Con lớn rồi. Mẹ nhớ ai vậy? Con có thể chia sẻ được với mẹ không, mẹ ơi!
- Thôi đi con, nói huyên thuyên...
- Mẹ vẫn thương "người ấy" ư? Người ta có viết cho mẹ một chữ nào đâu, mà mẹ viết cho họ đến hàng chục bức thư rồi!
Em cười nói với con:
- Những bức thư ấy đây này!
- Mẹ không gửi ư?
- Mẹ không muốn khuấy động một tâm hồn luôn luôn tự kìm giữ. "Người ấy" của mẹ còn khắc khổ bằng mấy mẹ. Gửi thư này chắc "người ấy" sẽ khổ thêm!
Và em khóc. Con em hỏi:
- Thế mẹ giữ những bức thư này làm gì?
Ðể thấy tình yêu của mình trong những năm tháng đã qua... Con này, có lẽ khi con học xong trung học, mẹ con mình sẽ về nước một lần đi!
- Mất nhiều tiền lắm! Mẹ đủ không?
- Không đủ thì đi vay!
- Và mẹ sẽ ra Hà Nội...
- Nhất định! Thế nào mẹ cũng phải gặp bằng được "người ấy".
Con gái em nói nhỏ:
- Con cũng thèm có một tình yêu như mẹ...
°
Cuốn nhật ký đến đây thì bỏ dở vì người đàn bà ốm. Chuyến đi về nước chỉ thực hiện được sau đó sáu năm. Một cô bé Việt kiều từ Mỹ về gặp tôi. Cô ngỡ ngàng mất một lúc rồi ôm mặt khóc. Tôi nhìn mặt thấy sửng sốt. Tôi hiểu ngay được, và lựa lời khẽ hỏi:
- Cháu hỏi tôi?
- Dạ... Bác là bác...
- Vâng, đúng vậy...
- Trời ơi, mẹ con... Mẹ con cho đến lúc chết vật mình mãi mà không chết nổi! Bác ác quá!...
- Sao vậy Cháu  À, Sao vậy... con...
Tôi nhìn cô bé thân thương quá, không thể không gọi là con được. Tôi cắn môi nói:
- Mẹ con trong suốt đời chỉ thương có bác, đến con cũng không ngờ.
- Thế ba con đâu?
- Ông ấy và má con bỏ nhau rồi!... Con sống nhờ học bổng. Sau ngày má con mất, ông có đến tìm con, cả anh trai con nữa. Ông có vẻ hối hận muốn đón con về. Ông ở New York... Nhưng con ở lại. Con học luật. Con đã học xong, đỗ cao và đã có việc làm... Con đi làm được một năm. Và hôm nay con về nước.
- Con ở đây với bác nhé!
- Bác ở một mình ư? Bác gái con đâu?
- Cũng mất rồi. Ðã mấy năm nay!
Cô bé thở dài, cắn môi:
- Vậy à, tiếc quá... Bác có nhận con là con gái nuôi không?
- Bác nghèo, nuôi sao nổi con... Mà con lại ở tận Mỹ, bác làm sao gả chồng cho con được!...
- Bác quả là hóm hỉnh và tình cảm... Mẹ con yêu bác cũng phải! Bây giờ con trao quà của mẹ con cho bác nhé! Nó nguyên xi đấy, tự tay mẹ con gói trước khi chết vài tháng, bảo rằng nếu con về nước sẽ trao tận tay cho bác.
- Cảm ơn con! Ở bên ấy có dễ chịu không? Mẹ con hẳn vui chứ?
- Mẹ con có bao giờ vui được. Bà chỉ muốn quay về. Bác cứ nhận tình cảm của mẹ con từ món quà kia sẽ biết...
Tôi đỡ lấy, bâng khuâng... Và món quà đó chính là những dòng nhật ký trên đây và những lá thư không gửi...
 

Xem Tiếp: ----