Đáng lẽ những người dôn dốt như tôi không nên theo cái mốt bây giờ là chơi chứng khoán. "Dôn dốt" có hai nghĩa : trái với khôn ngoan thông minh và không tới nỗi "đặc cán mai", còn theo năm tháng cây trái, đời người thì nó chỉ vừa ươm ươm, hườm hườm, chưa chín hẳn. Cả hai áp dụng cho tôi đều đúng cả, bởi vậy chẳng nên dính vào cái gọi là chứng khoán làm gì. Ấy vậy mà lại dính! Chừng này vài năm trước, có bao giờ thấy các web site quảng cáo về bourse trên đường hay trên truyền thanh truyền hình đâu, mà bây giờ thì đầy ra. Đối với tôi, hồi giờ chứng khoán là cái gì xa lạ lắm, có phần nào bí hiểm khó hiểu nữa. Nghe người nào chơi bourse, tôi nhìn họ với con mắt kính nhi viễn chi, bụng bảo dạ hẳn họ biết tính toán thần sầu, và bụng cũng khe khẽ bảo dạ dính vào mấy món ấy làm chi, ít nhiều cũng như cờ bạc. Bỗng nhiên dạo sau này cứ nghe bạn bè chung quanh chơi bourse, và còn trách tôi dại, để tiền nằm chết nhà băng làm gì, như thể tôi có tiền rừng bạc bể! Lại có thằng cháu học marketing, ý đồ học xong sẽ về Việt Nam mở hội xã làm web site. Muốn mọi việc khả quan, nó phải có tay chân khắp nơi, bên Mỹ có các em con cô, bên Đức có các anh chị con cậu, còn bên Pháp thì ngần ngại gì không tôi luyện cho bà cô "huờm huờm" dẫu rất thông minh nhưng luôn luôn... chậm hiểu? Thế là nó nhồi sọ tôi bằng cách rao giảng những bài học về marketing, về bourse, như cha đạo rao giảng Thánh kinh cho dân bản xứ thời đại đồ đồng. Nó dí vào mũi bắt tôi đọc các báo Business week, Marketing magazine và giải thích khi nào nên mua, khi nào nên bán, nên mua cái gì, nên tránh cái gì, như Moise chăm chút Mười điều răn. Tôi nghe, ư hử, như gặp một anh chàng tán vụng, và đọc, ậm ừ, như đọc quyển tiểu thuyết viết tồi. Thế rồi một ngày nắng đẹp, trong tôi ý muốn "cờ bạc" háo hức đâm chồi. Tôi phôn cho bạn Quỳnh, để nhờ phu quân Quỳnh dẫn dắt trên bourse lộ. Qua điện thoại, anh giải thích thế nào là cách thanh toán tức thì, thanh toán vào cuối tháng, và nhiều thứ lỉnh kỉnh khác... Kể cho anh nghe thằng cháu tiên tri là tôi chơi bourse được vì về mục tiền bạc, tính tôi cool. Và để cho anh an lòng chỉ giáo, tôi xác định là được hay thua gì cũng không khổ sở đâu bởi vì "không có máu cờ bạc". Nghe vậy, anh hỏi: toa biết chơi cờ bạc gì? Tôi mau mắn trả lời "xì lát, cát tê", tức thì nghe tiếng cười bên kia đầu giây có phần nào... khinh bỉ. Tôi bắt đầu mở công trên internet. Khi nhận giấy tờ đầy đủ, một hôm sau giờ làm việc, tôi tới nhà thọ giáo phu quân Quỳnh mà từ đây tôi tôn vinh làm sư phụ. Sư phụ hỏi : - Chị biết gì về bourse? - Khi nào xuống thì mua, lên thì bán. Sư phụ cười, lại cũng có phần... khinh bỉ: - Xuống mua lên bán là tự nhiên rồi, nhưng cái đó chỉ là mua bán. Còn cái mà tôi hỏi là cái culture của chị về bourse kià. - Tui hổng có cun-tua nào cả. Và tội nghiệp, sư phụ lại bắt đầu chăm chỉ nhét vào não tôi thế nào là cách thanh toán tức thì hay cuối tháng... Tôi ngắt lời: - Xin lỗi anh Dũng nghe, tui nói cái này không quên mất. Quỳnh ơi, lan á mà, muốn cho nó sống lâu thì mỗi tuần phải ngâm trong nước rồi rút ra, chớ không phải xịt nước sơ sơ như Quỳnh làm đâu... Ơ`, cây đó cũng vậy.... Ơ, nếu chết tui đền. Xong rồi anh Dũng, mua thì nên trả cuối tháng phải không? Khổ công giảng giải xong, sư phụ cho thực tập trực tiếp trên máy để nhìn cho quen từng mục, từng khung, từng chữ họ dùng, cách ra lịnh mua, ra lịnh bán... Sư phụ mở cho tôi xem trong công mình, sư phụ mua 100 cổ phần Cap Gimini, mỗi cái hơn bạc trăm. Và dĩ nhiên sư phụ không quên nhắc đi nhắc lại là bourse luôn luôn tính bằng Euro, không phải đồng quan Pháp. Sau đó sư phụ còn cho báo và sách về bourse cho học trò tiện bề tìm hiểu mở mang kiến thức. Tối cơm nước xong, tôi bắt đầu nghiên cứu. Có những công ty thấy đồ biểu chỉ đi xuống với lời khuyên "nên tránh", tôi chép miệng: - Tội nghiệp, mấy cái này nên mua cho nó có tiền mà ngóc đầu lên chớ sao lại khuyên phải tránh. Thằng cháu cười, chẳng cần trí tuệ siêu việt cũng thấy trước là chi nhánh nó bên Pháp có cơ sụp đổ, bèn thuyết pháp: - Bourse là chỉ có tiền, không có tình, nhất là thứ tình trắc ẩn dấm dớ. Động lòng thương người sa cơ thất thế mà cho là dấm dớ, cái bọn trẻ mới vô tâm làm sao! Chiều hôm sau ở sở, tôi mở bourse trên internet ra rình. Nhớ lời sư phụ dặn: trong ngày, nếu xuống giá thì khoảng gần năm rưởi tức giờ đóng cửa là hạ giá nhất. Xem ATOS, là một cổ phần về các hoạt động kỹ thuật, giá giờ mở cửa là +3, mà tới năm giờ chiều xuống -4, ai mà mở hàng nặng viá ác nhơn! Gượm đã, chưa vội. Tới năm giờ hai mươi hạ xuống -4,7. Không mua thì chờ đến bao giờ? Người tôi nóng ran, tẩu hoả nhập ma, bắt tay vào trò đen đỏ - một trò đen đỏ có tính toán, có giấy tờ hợp pháp, có cun-tua. Y chang sư phụ, tôi mua 100 cổ phần, lẩm nhẩm trong bụng: chỉ mới xài 1 phần 5 số tiền mình có, bèn ra lịnh mua 50 cổ phần ALCATEL, là cổ phần về phương tiện truyền thông của Pháp. Nhưng nhờ máu cờ bạc tới kịp lúc, tôi cho giá thấp quá, chưa mua được. Qúy vị ạ, chiều tối tình cờ bạn thằng cháu phôn tới nhà, cậu này người Nhật, có biệt danh "gác dan triệu phú", chuyên môn chơi bourse mua một ăn trăm. Tôi hỏi nên mua cái gì, bởi vì "tôi còn tiền". Cậu ấy tính ra và nói vous chẳng còn gì cả, vì bourse tính bằng Euro, 100 ATOS là đã quá số tiền vous có. Cậu ấy tuy không có ý hù doạ, mà vì không tâm lý nên thòng một câu rất trung ngôn nghịch nhĩ: - Nếu vous mua trả ngay thì máy đã từ chối rồi. Mà nó không từ chối tức là vous mua kiểu trả cuối tháng. Nhưng vous coi chừng, mai là huýt-ken đóng cửa, vous chỉ còn thứ hai và thứ ba để thanh toán, không thì coi như fichu! Trời ạ, fichu là tiêu tùng, là đi đong! Lúc đó tôi mới thấm thía thế nào là tá hoả tam tinh, bởi vì khi mua, những điều nhồi sọ của thằng cháu, những lời vàng ngọc của sư phụ dẫn nhau tung tăng ngoài phố: trong đầu tôi chỉ có đồng quan nên đã tiêu gần gấp bảy số tiền tôi tưởng ! Vội vàng phôn cho Quỳnh, sư phụ chưa về, tôi phôn lần hai, sư phụ cũng chưa về, Quỳnh an ủi: - Thôi không sao đâu, chắc nó không enregistrer cho chị đâu, vì nó tưởng chị điên. Chỉ có người điên mới chơi như vậy chớ người bình thường đâu có làm kỳ cục vậy. Dĩ nhiên chẳng ai thích mình bị coi là điên cả. Nhưng trong đời, đó là lần đầu tiên tôi ao ước được người ta cho mình điên, muốn quá đỗi, muốn sốt cả ruột là sao xe cứu thương có còi hụ chưa tới chở mình đi an dưỡng viện tâm thần? Lần thứ ba phôn thì sư phụ đã về, đã nghe Quỳnh kể lại, đã xì-nẹc la vợ, rằng xúi tôi chơi bourse làm chi, rằng tôi cứ tưng tửng, đang nghe giảng giải về bourse lại bày cách tưới lan... thêm nữa hôm đó sư phụ có tin tức chính trị không vui (chính trị thì làm sao vui được!), mà sư phụ lại là người ôm lo chuyện quốc gia đại sự... tóm lại, tôi quýnh thêm. Mà không dám thổ lộ với nhà tôi, bởi nhà tôi luôn luôn chủ trương như John Steinbeck là không giỡn mặt với mấy thằng nhà băng được vì chúng là những con qủy khát máu. Trong trí tưởng tượng rất marketing, tôi thấy nhà tù ngay trước cổng, tiếng còng số tám và chià khóa nhà lao leng keng, và hình ảnh tôi yểu điệu thục nữ xênh xang giữa hai ông gác ngục sẽ làm nhà tôi vốn gầy sẽ còn trơ xương thêm nữa! (Trong lúc sợ như gặp ma với hình ảnh ấy, kỳ cục, tôi chợt nhớ tới câu thơ Nguyễn Hồi Thủ: Em bước đi gío thổi áo bên đường, sợi tóc nhỏ một mình còn ngoảnh lại... Nhưng chắc chắn chẳng một sợi tóc nào của tôi ngoảnh lại cả, vì chúng mải dựng ngược hết rồi!). Nhưng tạ ơn trời, tôi có thằng cháu bằng vàng y (hay chí ít thì cũng mạ vàng), vừa về nghe cô thầm thì kể, nó cười an ủi: Thì có gì đâu mà lo, ngày mai Năm cứ gửi chéque thêm vô công là xong chuyện chứ gì! (Nói thì tỉnh queo vậy chứ trong thâm tâm, chẳng cần xem quẻ hay ông tiên nào báo mộng, nó cũng thấy là hội xã của nó sẽ không có chi nhánh bên Pháp nữa, và đem câu chuyện này kể cho bạn bè nghe cho tiếng cười đám trẻ thêm rôm rả. Đến nỗi mà thỉnh thoảng phôn gặp tôi, bạn nó thường hỏi cô độ này ra sao cô, ăn thua cô? Bố, vô tình tôi thành dân đỏ đen may rủi! Và từ đó thằng cháu cũng thôi không harceler tôi bằng những tài liệu về marketing và bourse nữa! Ouf!. Về phần tôi thì dù cháu an ủi gọn trơn vậy chớ chắc gì, nó có bao giờ chơi bourse đâu, chỉ lý thuyết sách vở. Những người thực hành như sư phụ tôi và bạn gác dan triệu phú của nó còn ngại kia mà! Thế là trong bóng đêm, cái bóng đêm luôn luôn quái ác đen tối, cái bóng đêm luôn luôn đưa ma dắt qủy về trần, cái bóng đêm chứa chấp những con mắt rình mò gài bẫy, cái bóng đêm làm đầu óc con người u ám hơn, rối loạn hơn, nó khiến tôi nhớ tới mọi điều... Từ em trai một chị bạn bên Mỹ, chơi bourse làm sao mà cuối cùng tiền bạc xách bóp đi ra, xe hơi lộng lẫy ba chiếc chạy ra, nhà cửa to như lâu đài xích ra, cô vợ nhỏ nhắn xinh tươi cũng hân hoan ra nốt. Bù lại những khoảng trống kinh hoàng đó là bịnh gan, bịnh bao tử và bịnh thận hăm hở đi vào. Tới một cô bạn đi Mỹ về, kể là tới thăm gia đình bạn như lời hẹn trước, nhằm ngày húy kỵ, bạn hổn hển mắt không rời máy : - Tuyết ơi, xin lỗi nghe, cả gia tài mình chỉ có bữa nay, nếu không thì mình sạt nghiệp... Tuyết ngồi chơi, anh rót nước cho Tuyết... Anh ơi cái này bán không... Không hả?... Đói bụng hả con, có cheese trong tủ lạnh... Chuyện gì? Tự lo lấy, đừng gọi mẹ nữa... Trời ơi anh không cho em bán, mất ba ngàn đô của em rồi... Cái gi, đau bụng hả? Thì thuốc trong tủ... Anh ơi còn cái này bán được chưa?... Còn cái này nữa... Trời ơi, hụt rồi... Ư ` Tuyết à, phải theo dõi từng phút vậy đó... Chết em rồi anh ơi!... ). Sáng hôm sau chờ nhà tôi đi làm, tôi phôn nhà băng, lụp chụp tâm tình, rằng lần đầu tiên tôi "chơi" bourse, chẳng hiểu ất giáp gì, làm ơn coi dùm thử tôi có gì... không ổn không. Cô nhân viên cười, tiếng cười của dân nhà băng khi mình chưa sập tiệm nghe có vẻ ưu ái kể gì. Cô xem trong máy, xong vui vẻ trả lời là "không có vấn đề ", dĩ nhiên vẫn cứ phải là chỉ còn ít hôm để thanh toán, nếu không thì reporter cho tháng sau, và trả tiền lời. Trong buổi sáng đó, ATOS tăng giá mỗi cái 7 Euro, nếu khôn hồn bán ngay đi vài chục cái thì không những không nợ nần chi mà lại còn lời. Nhưng tôi đã dại hồn, chẳng vì hoàng tử nào cả mới buồn, lẳng lặng châm tiền vô nhà băng! (Khổ, đồ biểu chỉ có khi chuyện bán mua đã thành quá khứ, phải chi có đồ biểu tương lai thì dễ chịu xiết bao! A, phải chi mình theo thằng bé Martin trên chiéc xe thần sầu của Doc. đi ngược về quá khứ tìm mua quyển Almanach!). Hôm sau xoa đầu nhức cho tôi, thằng cháu hỏi: - Sao tóc hôm nay cứng dữ vầy Năm? - Ơ `, tóc nhuộm nó vậy. - Chớ không phải vì bourse sao? Hai cô cháu cười như pháo, tôi thủ thỉ: - Từ nay mua gì thì vài ba cái thôi há? Nó cười càng to không nói gì, tôi thêm: - Tại thấy thầy tao mua 100 cái, tao phải làm cho giống thầy chớ! Vậy, rồi ông Bush lên ngôi, kinh tế Mỹ xuống dốc. Chẳng biết tội lỗi do ông hay không, nhưng ai cũng nói tại ông Bush. Ông Gore thắng hay Bush thắng mặc kệ, Nissan bán cho Renault hay bán cho Peugeot mặc kệ, Chirac chơi xỏ Jospin hay Jospin chơi xỏ Chirac mặc kệ, nhưng mấy cái chứng khoán tôi mua phải vững như đồng chớ! Ấy vậy mà không. Tiếp theo vụ 11 tháng 9 năm 2001 làm cái gì cũng lăn lông lốc. Những đồng chứng khoán của tôi ê ẩm cả người vì mới he hé đầu lên là bị té sụp xuống, bầm dập. Chúng nó không có hình thù không có linh hồn, nhưng bà chủ nó, mỗi tuổi là một kí lô, bề thế nặng nhọc ra gì, nên nó càng tuột dốc thì bà chủ càng chóng mặt kinh người! Mỗi lần trong xe nghe tin tức tới chỗ nói về bourse là tôi tắt máy vì an toàn trên công lộ, bởi nghe giá chứng khoán thì xuống, mà cô xướng ngôn cứ hân hoan..." La bourse, nghỉ, avec, nghỉ, Jean-Pierre Gaillard... ard... ard... ard...". Chứng khoán, với J.P. Gaillard. Và vì Gaillard có nghĩa là vui, nên cô kéo dài giọng ra, nghe cô đang tủm tỉm thú vị lắm, như thể chơi bourse đi bà con, mại dô, hấp dẫn vô cùng, sắp thắng to... thì ai mà chẳng động lòng trần! Thằng cháu rể bên Mỹ làm lương rất khá, một hôm hồ hởi: - Chà, đời mình từ ngày qua Mỹ lên như diều. Có vợ, có job. Đời ai thay đổi mỗi nâm chớ đời mình thay đổi mỗi tuần! Đúng như rằng, tuần sau từ sở phôn về cho vợ: - Thy ơi, mất job rồi! Thằng cháu học marketing trở về Việt Nam mở công ty, và có bạn gái, nó viết thư: "đời con thay đổi mỗi ngày". Tôi trả lời: "còn đời Năm thì thay đổi mỗi phút!" Bởi vì giá bourse báo tin mỗi giờ 60 lần. Đó là hậu duệ phim Three seasons của em nuôi Tony Bùi. Tôi trở lại kính nhi viễn chi, cứ nhắm mắt dể đó chờ nó... ít nhứt là huề vốn thì bán ngay rồi ca bài Thôi, cao giọng. Người khôn thì vì lợi ích mười năm trồng cây, mình dôn dốt thì vì lợi tức hằng năm,... rình bourse! MIÊNG Paris, 10 Juil. 2000-18 Juillet 2002