Bồi hồi, Lam đã đứng lại ở trước cửa nhà mình và lần này thì chị phải đưa tay đỡ bầu ngực bên trái mình. Tim chị đập rộn ràng, trĩu nặng. Một cây đào trồng trong một cái chậu sứ men màu mận ai đã đặt trịnh trọng trước cửa nhà Lam? Cứ tưởng cái tết sẽ nhẩn nha, đủng đỉnh đến như một kẻ nhàn rỗi dong chơi. Nào ngờ, sau chủ nhật ấy, chẳng khác một đoàn tàu tốc hành, cái tết ập đến; ập ngay đến đường đột như khách lạ tới gõ cửa một sớm mai. Ấy là vì hoa. Hoa chẳng chờ đợi ai. Và buổi sáng ấy, trên ôtô buýt đến cơ quan làm việc, qua ô cửa kính bám đầy hơi nước, Lam đã thấy suốt hai bên dệ đường từ rạp xiếc Trung ương tới đầu hồ Thiền Quang, đã bừng bừng sắc hồng của hoa đào và vàng ối đến chói mắt những chậu quất tết. Tất cả những người ngồi trên xe, lúc ấy cùng đều như giật mình, ngỡ ngàng: cái tết đã lấp ló ở kia rồi! Lại nhớ đến cái hồi còn bao cấp, đời sống còn khó khăn. Dấu hiệu báo tết đến chẳng bằng hoa, mà bằng việc các cửa hàng mậu dịch quốc doanh đồng loạt treo băng rôn đỏ dán hàng chữ vàng: “Quầy bán hàng tết”. Và mẹ thì tíu tít sấp ngửa đi sớm về tối, hết xếp hàng mua lá dong lại xếp sổ mua thịt tiêu chuẩn về gói bánh và cả chục thứ phụ tùng khác cho bữa ăn ngày tết! Nghĩ giờ còn thương. Giờ thì từ thịt, gạo, đỗ xanh gói bánh, đến hồ tiêu, măng, miến cho mâm cỗ tết chả còn phải lo, chẳng còn phải để tâm đến rồi. Giờ thì là hoa chăng? Ông Tín mới chuyển công tác đến cơ quan hai tháng trước tết. Trao phong bì tiền thưởng hai trăm nghìn đồng cho ông, anh Khánh giám đốc nói: “Có câu thơ: Đón tết quất một chậu. Đón tết đào một cành. Bác mới đến làm việc, chỉ dám xin biếu bác một cành đào tết thôi ạ!”. Hoa! Không có hoa thì có gì là tết! Phụ nữ không có nhan sắc sao gọi là phụ nữ! - Chị Lam đã sửa soạn được gì cho tết nhất chưa? Chân giò hôm nay lên trăm hai rồi đấy. - Tao thì có gì mà sửa với soạn. Một thân một mình. Chồng con không có. Mèo chó cũng không. Bánh chưng, hành muối, su hào ngâm, thịt đông cho đến nem cuốn, một buổi ra chợ, vào siêu thị là xong hết! Lam vừa nói vừa nhăm nhăm vào cái máy tính. Cũng chẳng hiểu mình đang trả lời ai. Cơ quan toàn đàn bà con gái: Chị Chắt, chị Hoài, cô Nga, cô Tuyết, cô Nghi... Toàn những kẻ nhạy cảm với cái tết hơn ai hết. Hăm nhăm tết rồi, nhoáng cái vừa thấy mặt đã lại tót đi rồi, trên bàn làm việc còn lại độc cái túi công tác, chẳng biết lúc này có mặt ở trong phòng là những ai. Nhưng mà Lam thì không thể như thế. Tết nhất là thời điểm rảnh rang của thiên hạ, chứ còn Lam, kế toán trưởng là lúc bù đầu, tối mắt, tối mũi. Quyết toán cuối năm, nộp thuế. Nộp lãi ngân sách lên cấp trên. Tổng kết dự toán xây dựng bảo tàng, dự án xuất bản cuốn lịch sử sáu mươi năm của ngành. Thanh lý tài sản trung tâm X vừa giải thể. Hoàn thành hồ sơ xin dự án hai tỉ cho năm tới. Rồi còn tiền lương tháng mười ba. Rồi còn khoản tiền mua sắm, quét vôi lại cơ quan. Và còn gì nữa? Còn, còn trang trí lại phòng khách đón tết. Năm nay, cơ quan ăn nên làm ra, anh Khánh giám đốc bảo: Đặt một cây đào thế rồng bay ở Nhật Tân, cho sang, cho tương xứng! Ấy thế, vừa nói đến hoa, đã nghe thấy tiếng còi ôtô ngoài sân. Ngoảnh ra, chưa kịp hỏi, đã thấy Nghi phòng kế hoạch, áo lông xám trắng, mũ da thỏ bước vào chạy tới đẩy mạnh hai cánh cửa sổ, reo to: “Hoa đào Nhật Tân về rồi. Chà! Đúng là thế rồng Thăng Long cất cánh đẹp tuyệt!”. Ngoài sân, lâm thâm mấy hạt mưa cuối đông. Mưa làm duyên, mưa ấm, mưa xôn xao lòng người. Bốn năm người đang xúm vào khiêng chậu hoa đào cỡ đại, men trắng điểm hoa văn xanh lên phòng khách. Chỉ kịp dừng tay bút, nhìn thấy có vậy thôi, Lam đã vội quay phắt lại, đột ngột kêu to: - Lại còn cái gì thế này? Giấy mời đi họp! Tao đang tối tăm mặt mũi thế này, mày đã không thương thì thôi, lại hành hạ tao thêm nữa, hả Nghi? Nghi, mặt trái soan, tóc xoăn, hơi cúi xuống: - Anh Thắng bảo: Chị là chủ tịch công đoàn chị đi cuộc họp này. Tổng công ty họ yêu cầu thế. - Tao bất biết. Tao là chủ tịch, tao chỉ định mày là phó chủ tịch đi thay. - Ôi, chị Lam của em. Em đang bấn xúc xích rối tinh măng miến lên đây này. Chị có biết không? Là cái quán cà phê mới khai trương của em ấy. Con “Ôsin” nó tót về quê ăn tết rồi. Chị giúp em đi! Cả việc viết giấy mời cho cuộc họp ngày mồng mười tết nữa, em cũng nhờ chị với cái Thao luôn đấy. - Thôi, tao biết rồi! Chúng mày cho tao là bà già rồi, chẳng còn cần tết nhất nữa chứ gì! - Chết! Ai dám nói chị già. Chị đừng đổ oan cho chúng em nhé. Nghi giật lùi ra xa, rồi bỗng hơi cúi xuống, hạ giọng thầm thì: “Chà, bốn mươi mà ăn đứt bọn đầu hai chúng em đấy chị ơi. Mà bà chị yêu quý của em ơi, đừng có hòng giấu bọn em nhé. Em biết hết rồi đấy!”. Lam ngẩng dậy, mặt bỗng dưng ưng ửng và lòng như trùng xuống, ắng lặng xốn xang đến mấy giây. Rồi ngẩng lên, chị khe khẽ: - Biết cái gì! Thôi đi đi cho khuất mắt tao. Mà này Nghi! Mày tranh thủ nghỉ hôm nay, ngày mai thôi. Ngày kia hăm tám đến đây cùng chị viết giấy mời nhé! Một mình chị làm sao xuể. ° Hăm tám tết, đúng như Lam dự tính, cơ quan vắng như chùa Bà Đanh. Thật ra, vẫn đang là ngày làm việc. Và công việc đột xuất là viết ba trăm tờ giấy mời gửi trước tết cho kịp cuộc họp khách hàng vào ngày mồng mười sau tết phải được sự tham gia của cả phòng hành chính, kế toán, cuối cùng chỉ có Nghi và Lam - chủ tịch và phó chủ tịch công đoàn phải gương mẫu - nhưng rốt cuộc chỉ có độc mình Lam cặm cụi trong văn phòng trống tuênh. Ngoài trời, mưa bụi bay đầy. Xa xa từ các đường phố lớn vọng về tiếng người xe ầm ì như tiếng sóng bể Tận hai giờ chiều, thế có tệ không, Nghi mới tới. Mà tới, đã không biết tội, lại còn reo to từ ngoài cửa: “Hoan hô chị Lam! Em biết ngay là chị sẽ giúp em mà!”. Lam ngẩng lên mặt xụng xịu, hất hàm: - Đúng là đồ mồm miệng đỡ chân tay nhé! Mà Nghi này, mày là đứa đại ích kỷ, chỉ biết sướng một thân một mình mày thôi Nghi ạ. Nghi nghiêng đầu, cúi xuống cái túi nilông to nặng trĩu vừa đặt xuống toe toét: - Đâu có! Em lấy lộc cho chị đây này. - Lộc! - Thơm thảo bà lão ăn thừa, nào xem mày cho tao lộc gì nào! A, khế! Một cành khế lúc lỉu ba bốn quả xanh bóng như ngọc rung rinh trên tay. Nghi hớn hở như khoe, đang đưa tay vuốt nhẹ búp tóc mới uốn xòa trên trán. Hai con mắt Lam lướt nhẹ một cái nhìn trìu mến qua mặt Nghi. - Sướng nhỉ? Làm mặt, làm đầu như ca sĩ. Đi siêu thị. Mua lì xì. Lại còn vào chùa xin thẻ nữa. Còn gì nữa chưa làm nào? Buông tay, Nghi cười ngỏn nghẻn: - Chị thông cảm cho em nhé. Em đóng cửa quán cà phê rồi. Nhưng còn thằng chồng em. Nó đang ở trong quá trình hư hỏng. Nó đang thoái hóa. Biến chất. Thối rữa ra thật đấy. Em phải đi lễ chùa, xin thẻ, yểm bùa nó. - Thôi đi! Mồm với miệng cứ như tép nhảy. - Em nói dối chị làm gì. Chị ơi, chị lấy chồng đi, rồi chị sẽ biết đàn ông chỉ là lũ cả thèm chóng chán thôi. Có một định nghĩa rất hay thế này: Đàn ông chỉ là một sinh vật hai chân vô ơn. Chị có tin không? - Tao chả tin. - Ôi giời! Chưa qua cầu có khác. - Vớ vẩn! Thôi, tán nhảm mãi thôi. Ngồi xuống, viết đi! Nghi ngồi vào bàn, kéo xấp giấy mời hý hoáy viết. Ngoài sân lộp độp tiếng mưa nặng hạt. - Tết năm nay đúng tao đúng tiết, chị Lam nhỉ? - Tao cũng chẳng để ý. - Thế chị đã sửa soạn xong hết chưa? - Có gì mà sửa soạn nhiêu khê. Chậc! Đến hôm nay có lẽ chỉ còn thiếu mỗi hoa. - Thế bánh chưng, giò lụa... - Có người cho một cái phiếu bốn cái bánh, một cân giò. Sáng mai 29 tết đến hiệu Cơm Tám phố Huế đưa phiếu, nhận hàng. - Hay nhỉ. - Sao mà hay! - Em biết ai tặng phiếu ấy cho chị rồi! Tình yêu đàn ông muôn năm. - Chỉ ăn ốc nói mò. - Trời! Chị Lam. Buông bút, Nghi nhảy bổ sang Lam, choàng hai tay ôm choàng lấy chị mà rung lắc một hồi. Và Lam có cảm tưởng lúc này đây như một đứa em gái khát khao một tình yêu trìu mến, êm đềm. Một tình yêu trìu mến êm đềm và thầm kín. Một tình yêu chị đang được hưởng từ một người đàn ông. Một tình yêu muôn phần éo le vì họ đã yêu nhau từ những ngày rất xa, khi cả hai còn đang tuổi học đường. Rồi do chiến tranh, mỗi người mỗi ngả, để khi gặp lại nhau, thì chị đã ở tuổi bốn mươi, đã ở bên kia dốc cuộc đời. Còn anh thì đã có một gia đình, hai đứa con nhỏ và một bà vợ đã mắc chứng xuất huyết đa ổ, liệt nửa người. Và cuộc sống thì mỗi ngày một trở nên nặng nề. Vì người đàn bà thì càng lúc càng trở nên khó tính, đuổi hết người giúp việc này đến “Ôsin” khác. Để toàn bộ gánh nặng trút lên vai người đàn ông. Để người đàn ông, sau chức trách nặng nề ở cơ quan, về đến nhà là xoay trần ra cơm nước, giặt giũ, quét dọn, dạy dỗ hai đứa con và chăm sóc thuốc thang, tắm rửa cho người vợ gần đây lại thêm triệu chứng tâm thần. - Chị Lam này. - Nghi định nói gì? - Em nghĩ, một người đàn ông, ngoài vợ mình ra, vẫn có thể yêu chân thành... Câu nói của Nghi bị ngắt quãng dở chừng. Ngoài sân có tiếng còi rồi trong mưa bay hiện ra hình một ôtô. Thiêng thế, Nghi vừa nói vừa cười, vừa nhắc tới đã có mặt. Anh Khánh giám đốc mở cửa ôtô bước ra. Vóc cao ráo, gương mặt vuông vắn, nét vạc trên mép và những nếp nhăn dầy xít trên trán hằn thật sâu, vẻ khổ ải bị xoa mờ vì hai con mắt sáng lấp lánh, cởi mở. - Chà! Cám ơn Lam và cô Nghi. Anh Khánh nói, giọng hân hoan rạng rỡ: Nguyên việc hôm nay vẫn còn có mặt ở cơ quan làm việc là phải tuyên dương rồi. Thôi, mời Lam và cô Nghi lên xe. Chiều rồi, ta đi ăn cơm. Tôi chiêu đãi bữa tất niên này. ° Bữa cơm tất niên anh Khánh mời không thành. Tất cả các quán ăn, nhà hàng lớn ở đường Lý Thường Kiệt đều đóng cửa, nghỉ bán hàng. Dãy phố toàn hàng ăn Mai Hắc Đế vắng im ỉm. Cả những ngõ ẩm thực nổi tiếng cũng không một quán hàng mở cửa. Nghi kêu: “Biết ngay mà! Những người giúp việc biến về quê hết rồi! Lam nói: Hôm nay ngày cuối cùng một năm rồi. Ăn tạm bát phở rồi chia tay vậy”. - Tết, Lam có định đi đâu không? Ôtô đến đầu phố Nguyễn Khuyến, anh Khánh bỗng quay về phía sau hỏi. Lam đáp: Có lẽ ngày mồng ba tết em về quê thăm bà cô. Nghi láu táu: - Giao thừa chị Lam đến xông nhà em nhé. Cho bao nhiêu cái xấu xa tồi tệ nó biến hết đi! Anh Khánh cười: - Cô này chẳng biết phong tục gì cả. Ai lại mời đàn bà con gái xông nhà. Giao thừa năm nay tôi sẽ đi một vòng. Trước hết, xông nhà Lam rồi qua nhà Nghi. Anh mà xông nhà, chỉ có tốt trở lên thôi. Ôtô mở cửa. “Chào anh Khánh! Chào Nghi!”. Lam hơi cúi xuống, ghé mắt nhìn vào lòng xe. Rồi rẽ ngoặt vào con ngõ nhỏ ở cuối phố! Nhưng đi được mấy bước trong vùng âm âm tối của con ngõ, chị bỗng dừng lại, ngẩn ngơ đưa mắt nhìn quanh. Cái tết đang đến! Trong thăm thẳm của chờ mong có gì hứa hẹn mà lòng dạ bỗng bồn chồn rộn rực thế! Bồi hồi, Lam đã đứng lại ở trước cửa nhà mình và lần này thì chị phải đưa tay đỡ bầu ngực bên trái mình. Tim chị đập rộn ràng, trĩu nặng. Một cây đào trồng trong một cái chậu sứ men màu mận ai đã đặt trịnh trọng trước cửa nhà Lam? Ai đã đặt chậu hoa này trước cửa nhà Lam? Ai đã tặng Lam chậu hoa này? Điều đó lúc này chắc không phải là một câu hỏi Lam phải trả lời. Bởi vì, chính hoa lúc này mới là một thực thể ảo mộng đang cất tiếng nói. Những bông đào vừa mãn khai hồng thắm, chen lẫn những nụ đào mới hé và những búp non rung rinh nhỏ như chiếc cúc áo tỏa trong không gian hẹp một niềm vui ấm áp và nhìn nó bỗng thấy có gì đó thật thầm kín và thiêng liêng. Hoa, có gì thầm thì kín đáo tự giãi bày hơn hoa? Có gì gây niềm cảm mến và hạnh phúc thật sâu kín bằng hoa! Hoa lương thiện, hoa cao quý; Hoa, sứ giả của bao niềm thương nỗi nhớ