Bao nhiêu năm là bấy nhiêu người được tặng đào, họ ngỡ ngàng và chỉ nghĩ rằng mình đã gặp được một ông già lẩn thẩn nhưng tốt bụng, vậy thôi! Họ đâu biết nguồn gốc cây đào và nguồn vui của người trồng đào ấy. Và họ cũng nào hay, từng cánh đào đỏ tươi mỏng manh kia là hóa thân của dòng máu ông. Phố hoa, cuối chiều ba mươi tết. Người mua, kẻ bán vãn dần. Cành đào, khóm quất nào còn đẹp, vừa tiền mau chóng được ngã giá, rời đi. Đã đến lúc mấy bác thợ hoa lọc riêng ra những cây tươi, suê quả còn ươm lại được vào góc trong, những cây rụng nhiều trái, rũ nhiều hoa gạt ra góc ngoài để sẩm tối xe của Công ty Đô thị đến hốt đi. Cụ già ấy vẫn bình thản đứng sau cây đào ngắm người qua lại. Mái tóc bạc trắng, gương mặt hồng hào, đôi mắt hiền hậu nhưng hai khóe đã nhíu chùm chân chim. Nhìn cụ ai cũng biết cụ đã qua tuần thượng thọ. Cụ ăn mặc khá sang trọng, lịch sự. Bộ quần áo đều là loại tơ tằm màu hoàng yến, chiếc khăn đội đầu và áo màu mận chín trông thật hài hòa. Trước mặt cụ là một cây đào thật đẹp trồng trong chiếc chậu lục lăng, cả chậu và cây chỉ cao ngang thắt lưng. Gốc đào ngắn chưa đầy gang to bằng ngón chân cái, mười cành nhỏ như mười ngón tay khum lại, chính giữa một cành thẳng vút nhô cao. Trên các mắt cành lấm tấm những búp hoa nhỏ xanh biếc như hạt trân châu. Điểm xuyết đó đây dăm bảy nụ hoa đã xòe cánh, bảy cánh hoa đỏ tươi sắc máu như bảy cánh bướm xinh chụm quanh chiếc nhị tròn màu hoàng kim. Cây đào đẹp vậy mà tới giờ này chưa có ai mua. Hay cụ già đòi giá cao (nhưng nhìn cụ đâu phải người quá đáng) hay cụ chỉ đứng trông cho con cháu vào chợ tết, hoặc giả chúng sắm quá nhiều, hoặc giả chúng gặp bạn, mải nâng ly cụng chén quên phắt cụ già chăng? Người qua đường thì lạ, chứ người bán hoa đã luống tuổi kia không lạ. Mấy cái ba mươi tết rồi, ông ta vẫn thấy cụ già ấy, mang cây đào đẹp như vậy, bày đúng chỗ mọi khi. Ai hỏi mua vẫn nhận được câu trả lời nhũn nhặn: “Của người ta gửi đó mà!”, kèm theo một nụ cười rất hiền. Rồi… thốt nhiên cụ gọi một người nào đó không quen biết, rất lịch sự tặng cây đào nọ. Để rồi trên con đường nhỏ dần ra ngoại ô, bóng cụ thong thả nhòa vào sương chiều trước con mắt tròn xoe chưa hết ngạc nhiên của người được tặng. Chiều nay, chắc chưa gặp người có duyên, cụ già với cây đào đẹp vẫn thản nhiên đứng đó. Chiều xuống nhanh, không gian sẫm lại, heo may mạnh hơn, từng cơn gió lạnh thấm vào da thịt. Một bé gái đã đôi ba lần lượn qua, lượn lại chợ hoa. Đôi mắt tròn đen của bé chú mục vào những cành đào. Bé đứng lâu hơn trước những cành đào loại, ánh mắt tiếc rẻ nhìn xuống lại nhìn lên, mái tóc đen mượt lúc lắc hai vai, nhịp thở từ khuôn ngực nhu nhú ấy mãi phập phồng dưới lần áo mỏng. Thỉnh thoảng mắt bé lướt nhanh về phía cây đào đẹp. - Này cháu! Bé gái ngẩng đầu nhìn về phía cụ già đang vẫy tay, nó khép nép bước lại gần. Ông thợ hoa luống tuổi lẩm nhẩm: “Cụ già đã tìm được người cho rồi đấy!”. - Bà cho gọi cháu ạ! - Bé gái lễ phép đứng trước mặt cụ. - Ừ! Cháu muốn mua đào phải không? - Vâng ạ! Nhưng… - Bà biết rồi! Không có tiền chứ gì? - Dạ cháu có! Cháu có đây! - Nó luồn nhanh tay vào túi rồi giơ ra. Bà cụ nhìn vào, trong tay bé gái là một nắm tiền đủ loại: Hai trăm, năm trăm, một ngàn cả giấy, cả cạch. Bé lại hạ tay xuống - Chỉ có hơn chục ngàn chẳng đủ đâu bà nhỉ? - Bà có bán đâu mà đủ với không đủ hả cháu. Mà này, bố mẹ đâu không đi sắm tết cho cháu vậy? - Cháu chỉ có mẹ, còn… - Đôi mắt đen của bé chớp chớp nhìn lảng đi chỗ khác. Nếu không ốm mẹ cháu chả cho cháu đi chợ đâu! Đồ tết thì đã tạm đủ, chỉ còn cành đào, tết nào mẹ cháu cũng sắm đào bà ạ! Nhưng tết này… - Được rồi! Nhà cháu ở đâu? Bé gái mau mắn: - Ở ngay nhà chung cư sau chợ này thôi, bà vào chơi với mẹ con cháu, bà nhé! - Ừ được! Cháu bưng được cây đào chứ! - Được ạ! Chắc nhẹ thôi phải không bà? Một cụ già, một bé gái líu ríu bước đi. Phố hoa, chợ tết vợi hẳn. Trên chiếc giường đơn sơ trong căn phòng nhỏ gác bốn, bà cụ ngồi trò chuyện với hai mẹ con cô bé. Bé gái tên Hà. Mẹ Hà tên Ngọc, còn rất trẻ. Tên hai mẹ con ghép lại thành tên quê hoa Ngọc Hà của mẹ. Được hỏi về nguyên cớ lưu lạc lên đất này, đôi mắt đen mệt mỏi của mẹ Ngọc nhìn Hà: - Cũng tại muốn có được cháu thôi bà ơi! Nghĩ, lại con chẳng thấy ân hận gì! Câu chuyện của cụ già tặng hoa như một cái lễ tất niên chiều ba mươi tết của những thân phận rất khác nhau lại không hề quen biết, bỗng xích lại gần nhau Đó là một ngày ảm đạm giữa mùa đông năm Quý Mùi 1943. Dạo ấy ông bà chưa làm bạn với nhau. Bà là con sen, ông là thợ trồng vườn cho chủ đồn điền Cự Phú. Chiều xuống đã một lúc lâu, ông vẫn đứng im xuôi tay nhìn những cây đào. Thân hình vạm vỡ của chàng trai đôi mươi ấy như sụm xuống, hết sinh lực. Mọi cái lá trên cây đào tơ cao ngang đầu người trước mặt chàng kia, đều héo rũ! Hai tuần trước, cây đào được bốn người thay nhau khiêng từ vườn quan tri châu Tả Xào Lìn về đây. Quan bảo phải khiêng vai, không được dùng trâu bò kéo, xe cộ chuyển để rễ không động, bầu không vỡ. Đây là giống đào tiên của đảo Hải Nam, quả to, sắc hồng, hương thơm, vị ngọt… rất quý. Là người làm vườn cha truyền con nối trên đất hoa Ngọc Hà, kỹ thuật chăm bón một cây đào quá đơn giản, có gì phải đáng ngại nhỉ! Sương muối, gió bấc chưa về, mái che kín đáo cẩn thận, nước gạo nếp ngâm qua đêm, ông vẫn nhẹ nhàng rưới quanh gốc, cớ sao cây lại thế này? Bà dừng tay giặt, đưa mắt ái ngại nhìn về phía ông. Có tiếng cổng sắt kèn kẹt, chiếc xe Ford đen của ông chủ rú còi bon vào đại sảnh. Cửa xe mở, ông Cự Phú cao, to nặng nề bước xuống, trên gương mặt vốn chẳng mấy trắng trẻo ấy phủ một màn sương xám. Dạo này ông hay cáu bẳn, mắng chửi, đánh đập người làm. Có phải vì thất bại trong kỳ đấu xảo ở Hà Nội vừa qua, lại thêm người Nhật lăm le hất cẳng người Pháp làm cho ông bực bội. Ông Cự Phú nặng nề bước đến bên ông, chợt thấy cây đào ủ rũ, ông ta rít lên: - Thế này là thế nào, Thân? - Dạ, con vẫn chăm bón đúng như ông dặn đấy ạ! - Đúng hả? Mày lấy nước giải đặc tưới cho nó chết chứ gì! Đồ đểu! Đồ dối trá! Cũng lại một giuộc như thằng cha mày! - Không ạ! Con vẫn dùng nước gạo nếp đấy chứ! - Mày còn cãi này - Cùng với tiếng “này”, chiếc mai xỉa đất (không biết lão đã cầm lên tự lúc nào) bập mạnh xuống bàn chân phải của ông. Ông hét lên ngã vật ra, nửa bàn chân đứt lìa, máu chảy xối xả. Lão Cự Phú vứt mai, quay gót bước nhanh lên xe, giục tài xế cho xe nổ máy. Chiếc Ford đen chũi hướng về Hà Nội lao vút đi. Không đợi cho xe chủ vượt ra khỏi cổng, bà đã ba chân bốn cẳng chạy tới dùng dây lưng buộc chặt lấy bàn chân ông rồi vực vào nhà bếp. Cũng may bà vốn là con một bà lang người dân tộc, lại ở sát rừng, cây lá dấu vừa tốt vừa sẵn, việc cầm máu và chạy chữa cho ông cũng chẳng đến nỗi khó khăn. Hai tuần sau vết xỉa đứt đã lên da non, nhưng từ đó suốt đời ông phải bước đi khập khiễng. Sau này bà mới rõ nguyên nhân, không chỉ tiếc cây đào quý, không chỉ bực bội đắn đo nên sang Pháp hay ở lại khi Nhật nắm chính quyền, không chỉ tiếc những đồn điền trù mật trên vùng trung du này… nhát xỉa thú vật ấy chính là lòng hận thù nung nấu bấy nay từ chuyện hai mươi năm trước cụ cố bà đã thoái hôn lão để đi theo cụ cố ông… trút lên người con tội nghiệp ấy. Những lúc vui chuyện, ông cứ hì hì cười: “Hận thì vẫn hận, nhưng cũng phải cảm ơn lão ấy đấy! Chẳng có nhát mai đòn thù kia thì ai người ta đã thèm thương đến mình đây?”. Bà cũng cười cười đối lại: “Này này, có tiếc thì cứ ra gốc đào kia moi lấy nửa bàn chân lắp vào để chạy cho nhanh, kiếm lấy một cô thật ghét, mà lấy nhé!”. Hai hôm sau cây đào tươi trở lại, có điều năm sau rồi năm sau nữa, ông bà ra sức chăm bón, cây đào cũng không bao giờ đậu quả. Ngược lại, vụ nào nó cũng cho nhiều cành đẹp, nhiều hoa đẹp. Có phải đào đã uống máu từ bàn chân ông mà mỗi bông hoa đều có bảy cánh mỏng tang đỏ tươi một màu máu thắm. Cách mạng Tháng Tám thành công. Biệt thự Cự Phú trở thành trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính huyện. Vườn tược, nhà dưới, nhà bếp được chia cho những người làm công như ông bà… Tất nhiên ông bà xin nhận phần vườn có gốc đào và ngày nay chính là khu vườn của ông bà. Riêng lão Cự Phú từ cái buổi chiều mùa đông ảm đạm ấy biệt tăm luôn. Ông để nhiều công sức chăm bón cho cây đào, đặc biệt cẩn thận hơn đối với những cành có dáng “ngũ phúc”, “tam đa”, “phật thủ”… Tết đến cứ chiều ba mươi, ông chọn một cành đào chiết đẹp nhất trồng trong một chiếc chậu sứ nhỏ mang ra chợ đứng chờ thấy ai hợp mắt thì gọi đến biếu luôn. Cụ bảo đó là “cây đào phúc lộc chia vui cho mọi người”. Bao nhiêu năm là bấy nhiêu người được tặng đào, họ ngỡ ngàng và chỉ nghĩ rằng mình đã gặp được một ông già lẩn thẩn nhưng tốt bụng, vậy thôi! Họ đâu biết nguồn gốc cây đào và nguồn vui của người trồng đào ấy. Và họ cũng nào hay, từng cánh đào đỏ tươi mỏng manh kia là hóa thân của dòng máu ông. Trước khi về với tiên tổ, ông nắm chặt bàn tay bà, nhỏ nhẹ: “Bà còn thì tiếp tục biếu đào, bà theo tôi thì nằm cạnh gốc đào kia nhưng vẫn phải dặn dò con cháu tiếp tục công việc ấy nhé!”. Trong căn phòng đơn sơ của mẹ con bé Hà, giọng bà cụ vẫn đều đều hồn hậu, không gợn chút buồn thương. Ánh mắt ấy bình thản nhìn qua khung cửa sổ. Thành phố lên đèn, cả không gian hòa ánh sáng