Tuổi thơ của chị không được vô tư như những đứa trẻ khác. Chị sinh ra đã bị người đời coi là “đứa trẻ không cha”. Chị không lấy điều đó làm tủi nhục. Qua lời của mẹ, chị thấy mình tự hào là giọt máu của một một người lính biết xả thân vì Tổ quốc.
Chị đang bị một căn bệnh quái ác hành hạ. Khi lên cơn đau, chị không hề kêu than như những người khác. Chị cắn răng chịu đau một cách nhẫn nhịn. Tôi thương chị vô cùng. Tôi tự hỏi rằng tại sao ông trời lại không công bằng, một con người quá bất hạnh như vậy rồi mà còn tiếp tục bị hành hạ.
Chị sinh ra ở một làng quê, nơi có những ngọn đồi và hàng cây rợp bóng. Hồi nhỏ chị thường cùng đám bạn học hái những bông hoa mua cánh màu tim tím về ép vào trang vở để chuyền tay nhau chép từng dòng lưu bút thân thương.
Đêm trăng non. Một thứ ánh sáng của trời đất chỉ đủ nhìn thấy mặt nhau khi đến gần. Làng quê đang chìm dần vào giấc ngủ. Ngọn đồi đang ướp lên mình một thứ hương hoa nồng nàn. Đó là hoa dạ hương. Người con gái đang nhặt từng cánh hoa xếp ngay ngắn vào chiếc khăn để tặng người yêu. Ngày mai anh lên đường ra mặt trận. Người con trai đang cài những cánh hoa trắng trắng, xinh xinh lên mái tóc đen huyền của người con gái. Cuộc chiến đấu còn ác liệt. Đất nước đang cần những người trai tráng như anh lên đường để bảo vệ Tổ quốc. Giờ phút chia tay, họ quyến luyến, những lời nói yêu thương ngọt ngào, êm ái, những cử chỉ âu yếm, vuốt ve... Rồi cảm xúc trào dâng, họ đã hòa quyện vào nhau giữa đất trời yên ả, thanh bình.
Sau cái đêm trăng non thấm đẫm hương hoa ấy, mẹ chị mang thai. Nhưng ngày chị được sinh ra cũng là ngày người cha ngã xuống trong một trận đánh. Núi rừng Tây Bắc đã ru người cha của chị vào giấc ngủ vĩnh hằng. Mẹ chị chịu bao điều tai tiếng khi ở vậy nuôi chị khôn lớn. Tuổi thơ của chị không được vô tư như những đứa trẻ khác. Chị sinh ra đã bị người đời coi là “đứa trẻ không cha”. Chị không lấy điều đó làm tủi nhục. Qua lời của mẹ chị thấy mình tự hào là giọt máu của một một người lính biết xả thân vì Tổ quốc. Hình tượng về người bố luôn luôn đẹp và đáng trân trọng trong chị. Vì thế chị muốn mình sau này cũng làm vợ của một người lính và có những đứa con với một người lính.
Lại một đêm trăng non. Cũng tại chính ngọn đồi xưa của mẹ, chị gục đầu vào anh và khóc. Nước mắt làm khuôn mặt chị lang láng sáng dưới ánh trăng. Anh ôm chặt chị trong tay để cố gắng truyền hết hơi ấm của mình. Anh muốn chị luôn cảm nhận được hơi ấm của mình kể cả khi anh đã đi xa. Cuộc chiến tranh ở miền Nam đang đi vào giai đoạn khốc liệt. Ngày mai anh lên đường cùng đoàn quân chi viện cho chiến trường miền Nam. Chị buồn. Có cuộc chia ly nào mà không buồn.
- Em chờ anh về nhé?
- Em sẽ chờ anh về. Cho dù vạn vật có thay đổi nhưng lòng em không bao giờ đổi.
- Nếu chẳng may anh không bao giờ về với em nữa thì sao nhỉ?
- Anh đừng có nói gở. Em muốn đám cưới của mình phải tổ chức thật to để mẹ vui lòng! Mẹ đã khổ cả đời rồi.
- Anh đồng ý. Hôm đó anh sẽ bảo mẹ anh mang sang nhà em “Một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm...”!
- Người đâu chỉ thích đùa...
Trời đất như đang chảy tan ra dưới chân, họ thấy như đang bồng bềnh trôi đi. Trôi đến bến bờ của hạnh phúc.
Những ngày đầu chị còn nhận được những dòng thư tràn đầy cảm xúc yêu thương và nhớ nhung của anh trên đường hành quân nhưng khi anh vào đến chiến trường thì chị không còn nhận được tin tức, thư từ của anh nữa. Linh cảm thấy điều chẳng lành xảy ra đối với anh. Chị đem chuyện nói với mẹ. Mẹ chỉ biết động viên chị rằng thằng Tính sẽ về với con. Đời mẹ đã mất đi người đàn ông yêu thương. Ông trời không nỡ lấy đi người đàn ông của con nữa đâu!
Chiến tranh kết thúc. Chị mỏi mòn chờ anh nhưng vẫn bặt tin. Mẹ mong chị có một mái ấm gia đình như bao người khác. Mẹ muốn chị không còn phải sống đơn chiếc như mình. Chị cần phải được hạnh phúc. Trong làng có người đàn ông đến hỏi chị về làm vợ. Mẹ khuyên chị nên nhận lời. Mẹ nói: Con đã chờ thằng Tính ngần ấy năm. Chờ suốt những ngày chiến tranh. Chờ cả những ngày hòa bình. Những người chờ nhau ở cái làng này đều đã trở về, đều đã có hạnh phúc... Có lẽ thằng Tính cố tình tránh con vì đã có người khác rồi...
Lúc đầu chị không nghe mà còn giận mẹ mấy ngày. Chị cho rằng mẹ nghĩ không đúng về anh, về người lính có một phẩm chất lạ lùng mà chỉ chị mới hiểu nổi. Nhưng rồi xuân qua, hạ tới, thu đến, đông về vẫn không có tin anh. Và như thế chị không thể kiếm cớ cãi lại mẹ được nữa. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, mẹ chỉ muốn chị hạnh phúc. Mẹ không muốn người ta chê cười ngôi nhà có hai người đàn bà cô quả. Và trong một khoảnh khắc nao núng chị đã nhận lời mẹ để làm vợ người ta
Một đám cưới đã được chuẩn bị khá chu đáo. Nhưng chị không vui. Đôi mắt chị lúc nào cũng buồn. Chẳng ai hiểu chị đang nghĩ gì. Trước hôm cưới chị đã ra ngọn đồi ngày trước ngồi suốt đêm. Chị muốn tìm lại những kỷ niệm, những hơi ấm của anh. Chị muốn sống cùng anh một đêm cuối cùng trước khi về với người khác.
Rồi đám cưới cũng đã diễn ra. Từ cổng làng người ta đã có thể nghe rất rõ tiếng pháo nổ khi nhà chồng đến rước dâu... Cũng lúc ấy, trên con đường về làng có một người thương binh tập tễnh bước bên một bà cụ già. Đến gần cổng làng, bước chân người mẹ bỗng chậm lại. Bà ngước nhìn con và nói:
- Thế này có đường đột quá không con? Ngần ấy năm trời liệu người ta có còn chờ?
- Con tin cô ấy vẫn chờ!
- Sao không viết thư cho người ta...?
- Thưa mẹ! Con cũng muốn viết thư lắm. Nhưng nhiệm vụ của người chiến sĩ hoạt động trong lòng địch đâu dám... Còn khi có được cơ hội viết thư thì con lại sợ điều khác...
- Con sợ gì nào? Người phụ nữ yêu bằng trái tim chứ không yêu bằng cái đầu như đàn ông.
- Con không muốn vì thương tật của con mà Hạ lại chịu khổ. Mẹ của Hạ cũng đã chịu khổ suốt đời cũng vì yêu một người lính.
- Thôi, đã sang đến đây rồi thì đừng nghĩ ngợi lung tung nữa.
Trong lúc mẹ con đang trò chuyện thì có mấy đứa trẻ trong làng hớn hở chạy ra. Mồm miệng đứa nào cũng phì phèo thuốc lá. Chúng bô bô bàn chuyện về cái đám cưới đang diễn ra trong làng.
- Chú rể giàu có, nhưng hơi già mà lại còn xấu trai...
- Chỉ được cái món thuốc lá và kẹo bánh là xông xênh. Tao kiếm dễ đã được năm, sáu điếu có cán hẳn hoi...
- Trông cô Hạ trang điểm đẹp ơi là đẹp, nhưng mặt ỉu xìu như bánh đa nhúng nước.
- Mẹ tao bảo lỡ thì như cô ấy có người rước đi cho là may...
- Bố tao bảo cô ấy lỡ là vì đợi người yêu đi vào Nam chiến đấu mà không có tin tức...
Lời bọn trẻ như những mũi kim đâm vào tim anh. Anh hỏi một trong những đứa trẻ kia:
- Cháu ơi, hôm nay làng mình có đám cưới của ai đấy?
- Của cô Hạ nhà bà Lương ở xóm giữa ạ!
- Có phải cô Hạ tóc dài, da trắng, mắt to, có một nốt ruồi nhỏ ở má trái...?
- Đúng ạ! Nhưng sao chú biết cô Hạ rõ thế?
- Chú là… chú là… à, lúc nào gặp cô Hạ, cháu cứ nói là có anh thương binh ở làng bên gửi lời chúc cô hạnh phúc.
Hai mẹ con người thương binh im lặng nhìn nhau, nhìn về phía lúc nãy có tiếng pháo nổ, phía tiếng người xôn xao rồi lặng lẽ quay gót.
Quãng đường về lại làng mình không xa mà sao hai mẹ con thấy nó dằng dặc và chống chếnh quá chừng. Đôi bàn chân mang đầy thương tật của anh càng thêm trĩu nặng. Cũng đôi chân đó anh đã từng vượt qua bao ghềnh thác cheo leo, trèo đèo, lội suối cả ngàn cây số nhưng đâu có thấy mệt mỏi. Vậy mà quãng đường từ làng của Hạ trở về sao mà xa xôi, diệu vợi.
Tối, khi tiệc cưới đã tàn, một thằng bé tìm gặp chị kể rằng hồi chiều có một chú thương binh và một cụ già ở làng bên hỏi thăm chị và chúc chị hạnh phúc. Đêm đó chị đã khóc. Chị biết chắc đó là anh. Anh đã về. Chị trách anh sao không về với chị trước một ngày. Chị trách ông trời sao nỡ gây trái ngang, lỡ làng cho chị.
Chị lấy chồng, nhưng bị chứng vô sinh. Tuy đã chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Sống với nhau được 5 năm thì người ta bỏ chị. Chị không lấy điều đó làm buồn. Bởi chị sống với người ấy đâu có hạnh phúc. Chị cũng đang muốn giải thoát cho người đàn ông đó. Về ở với mẹ, chị thấy lòng thanh thản. Suốt ngần ấy năm trời chị chẳng được gì, cũng chẳng mất gì.
Vào một buổi chiều, khi chị đang nằm trên giường bệnh bỗng một người thương binh tìm đến.
- Làm ơn cho tôi hỏi ở buồng số 8 có chị Hạ không ạ?
- Dạ! Có đấy anh ạ!
Người thương binh lặng lẽ ngồi xuống giường chị như thể đã quen thân từ lâu lắm rồi. Chị nhỏm dậy nhìn anh đăm đăm. Hai đôi mắt ngày xưa tìm lại nhau. Sau giây phút ngỡ ngàng họ ôm chầm lấy nhau. Những giọt nước mắt buồn tủi lẫn hạnh phúc lăn dài trên khuôn mặt héo khô của chị. đôi bàn tay nhỏ nhắn của chị vuốt ve lên những vết thương đeo bám thân thể anh suốt ngần ấy năm trời như muốn xoa dịu nỗi đau của cả hai người.
Thì ra, sau khi được tin chị lấy chồng, anh đã xin gia đình quay lại trại điều dưỡng. Lần này, được tin chị bệnh nặng anh đã đi mấy ngày đường để mong được gặp chị. Cũng lúc họ đang quyến luyến bên nhau thì chị bác sĩ vào thông báo bệnh của chị đã có thuốc đặc trị. Ngày mai họ sẽ điều trị cho chị theo một phác đồ mới.
Ngày mai là mười sáu. Trăng non đã qua

Xem Tiếp: ----