Lớn lên và đặc biệt khi được vào Trường Mỹ thuật, hình ảnh người cha luôn luôn ám ảnh Huệ. Mặc dù vẽ hàng ngàn bức chân dung mẹ, nhưng Huệ vẫn thường mơ ước đến một thời điểm nào đó sẽ vẽ chân dung người cha của mình. ..."Xin thưa các quý vị và bạn bè thân mến. Đây là mẹ tôi. Người đã đem lại nguồn cảm xúc bất tận cho tôi để hoàn thành hàng chục tác phẩm về người mẹ trong cuộc triển lãm này"... Tiếng vỗ tay cùng những tiếng chúc tụng vang lên làm hai mẹ con Kim Huệ mừng rỡ ôm lấy nhau trong niềm hân hoan vô bờ bến. Kết thúc phần khai mạc, mọi người tản ra xem các bức tranh được treo rải rác khắp bốn bức tường. Nhiều tiếng ồn ào bàn tán khi đứng trước các bức vẽ chân dung mẹ của họa sĩ trẻ Kim Huệ. Quả đây là một cuộc triển lãm độc đáo. Bởi lẽ lần đầu tiên một họa sĩ trẻ thâm canh một đề tài duy nhất. Đó là người Mẹ. Tên của cuộc triển lãm này cũng thể hiện sự độc đáo: Mẹ tôi. Có người xem suýt bật khóc vì như vừa được gặp những nếp nhăn hằn sâu như vết dao khía trên vầng trán đầy ưu tư của chính mẹ mình qua tác phẩm của Kim Huệ. Lại có người ồ lên vì hình ảnh người mẹ dang tay đón con ở cổng trường với nụ cười sung sướng. Hơn ba chục tác phẩm được treo với nhiều góc độ và những tình cảm hết sức đa dạng. Khi là người mẹ đọc sách bên ngọn đèn được che khuất cho con gái ngủ. Cạnh đó là hình ảnh mẹ đang ngồi đan chiếc mũ len màu hồng cùng với con búpbê nom thật ngộ nghĩnh và cả chân dung mẹ đang khóc thầm vì nỗi nhớ mong trong sự cô đơn… Tất cả chỉ một gương mặt mẹ ở vào cái lứa tuổi khác nhau, từ trẻ đến già với các tiêu đề thật độc đáo: Mẹ và cún; Mẹ buồn; Mẹ đọc sách; Mẹ vui; Mẹ và hoa… Bất ngờ có tiếng xì xào ở cuối phòng. Một số người đang bàn tán về một bức tranh lạ khổ lớn được đặt trịnh trọng trên một giá gỗ để ngay dưới chân tường. Huệ chủ ý không treo lên tường có lẽ trước hết bởi bức tranh khá nặng và cũng bởi muốn làm mọi người phải bất ngờ. Vì đây là bức chân dung một người đàn ông duy nhất được bày vào một góc khuất khiêm tốn nhất. Một người đàn ông toát lên nỗi buồn thật cô độc. Khóe mắt như gửi gắm mọi người sự khắc khoải về những mất mát trong cuộc đời. Hai bên bờ vai nhô lên gầy guộc thật tội nghiệp, còn hai bàn tay ôm lấy ngực như cố nén một tiếng thở dài… Nhiều người dừng lại, ồn ào một lúc, rồi ngay sau đó tất cả đều im lặng như cũng muốn nén tiếng thở dài của chính mình trước bức chân dung người đàn ông. Bức tranh không có tên. Lúc này Kim Huệ đứng thu mình ở góc căn phòng để quan sát mọi người. Cô muốn đo lại những cảm giác được bật ra từ ánh mắt người xem. Đột nhiên bà mẹ bước đến cầm tay Huệ. Chợt thấy những ngấn lệ còn vương trên mắt mẹ, Huệ hỏi: - Mẹ thấy thế nào? - Thật khó tả, con ạ, nhưng tại sao con lại treo chân dung bố ở đây. Ông ta có đáng để con vẽ sau gần ba chục năm bỏ lại hai mẹ con mình sống lận đận với bao nhiêu cực nhọc. Huệ im lặng một lát, rồi nghẹn ngào nói: - Con muốn gặp lại bố con, mẹ ạ. Có lẽ bố con cũng tội nghiệp như nhiều người đàn ông khác khi phải chia lìa những người thân yêu nhất. Một số người bước tới chúc mừng Kim Huệ về những chân dung người mẹ. Tất nhiên cũng khá nhiều người khen bức tranh không tên về người đàn ông cô độc kia. Hai mẹ con Huệ ríu rít cám ơn những người đến dự. Và thật bất ngờ, ngay trong cuộc khai mạc này có hai người đặt mua liền bốn tác phẩm về chân dung người mẹ. Huệ mừng quá ôm chầm lấy mẹ và nói: - Đó là phần thưởng của mẹ dành cho con đó. Xin cám ơn mẹ. Huệ vừa chợp mắt được một lúc thì có tiếng chuông điện thoại reo lên. Huệ định không nhấc máy và không muốn nói chuyện với bất kể ai nữa, nhưng chỉ một lát sau tiếng chuông lại reo lên và lần này kéo dài. Huệ đành cầm lấy ống nghe: - Alô! Huệ đây! Tiếng nói ở đầu dây bên kia thật vội vã: - Này, cô họa sĩ trẻ. Bức chân dung người đàn ông định giá bao nhiêu đấy? Có người đàn ông giống hình trong bức tranh lắm. Ông ta vừa hỏi cô nhưng lại đi rồi. Và có để lại bức thư - Huệ đã nhận ra tiếng người quản phòng triển lãm. Huệ bật ngay dậy nói: - Sao không gọi tôi ngay? Huệ vội mặc quần áo và chạy ra khỏi nhà Huệ run hết cả chân tay khi đọc lá thư với những dòng chữ ngoằn ngoèo hơi khó nhìn: Kính gửi họa sĩ Kim Huệ Tình cờ theo dõi truyền hình tôi được biết đến phòng triển lãm tranh “Mẹ tôi” của cô. Thật đặc biệt, cả phòng tranh cô chỉ vẽ có một người mẹ. Tôi xin hỏi có phải đó là những bức chân dung bà Thuận không? Và bức tranh người đàn ông duy nhất trong phòng ấy đã được họa sĩ vẽ trong hoàn cảnh nào. Tôi rất mong muốn có dịp gặp họa sĩ trong thời gian gần đây. Xin kính chúc họa sĩ khỏe và sáng tác được nhiều hơn nữa. Kính thư Mạnh Dư Một linh cảm lạ lùng ập đến trong tâm hồn Huệ. Cô đoán chắc rằng người cha của cô đang tìm đến. Người cha mà hơn hai chục năm nay cô hằng khao khát gặp mặt. Huệ không cầm được nước mắt, vội chạy lên phòng khách của trung tâm triển lãm. Huệ chợt nhớ lại từ khi bắt đầu cầm bút vẽ. Những bài tập đầu tiên và trong suốt quãng đời thơ dại ấy là những nét chân dung mẹ. Hàng trăm bản thảo ấy dần dần lớn lên trong tâm hồn của một họa sĩ tí hon. Hình ảnh người cha thật xa lạ với Huệ. Chưa bao giờ bé Huệ tưởng tượng ra mặt người cha của mình. Đến khi học lớp 1, Huệ mới nhận ra rằng vì sao các bạn có cha đến đón mà mình thì chưa bao giờ được như thế. Nhìn các bạn hồ hởi ríu rít chào bố mà Huệ thẫn thờ ngơ ngác không hiểu vì sao. Lớn lên và đặc biệt khi được vào Trường Mỹ thuật, hình ảnh người cha luôn luôn ám ảnh Huệ. Mặc dù vẽ hàng ngàn bức chân dung mẹ, nhưng Huệ vẫn thường mơ ước đến một thời điểm nào đó sẽ vẽ chân dung người cha của mình. Nhiều người có nhận xét Huệ không giống mẹ mấy. Có chăng chỉ có mái tóc dài và vẻ người đậm chắc, còn đôi mắt, cái miệng thì lại thật khác xa. Từ đó Huệ luôn chú ý tới gương mặt mẹ và tự soi gương để phát hiện những nét giống cha của mình. Cứ thế Huệ lấy chính gương mặt mình để tưởng tượng ra hình ảnh của người cha. Ngày ngày, ngoài những bức vẽ khi đi thực tế, bao giờ Huệ cũng ngồi trong phòng phác họa chân dung người cha mà mình hằng mong mỏi gặp mặt bấy lâu nay. Từ đó không ngày nào Huệ không có mặt tại phòng tranh từ sáng đến khi đóng cửa. Huệ hồi hộp chờ đợi người đàn ông ấy đến. Niềm hy vọng được gặp lại cha của mình đang trào dâng. Nhất là sau khi cho mẹ xem lá thư bất thường gửi cho mình, Huệ đã đọc được nét thảng thốt trong ánh mắt buồn của mẹ. Sau khi đọc lá thư, bà Thuận chỉ ôm con gái vào lòng như ngày thơ dại. Hình như bà muốn khóc mà không thể khóc. Nước mắt đã lặn trong con tim bấy nhiêu năm, bà chỉ nấc khẽ như cố nén xúc động đang làm nghẹt thở tâm hồn. Đêm ấy, bà kể hết về mối tình đau khổ giữa bà với ông Dư và những cuộc oán hận, chạy trốn của hai mẹ con để thoát khỏi những dư luận không hay về câu chuyện người đàn bà chửa hoang. Từ đó hai mẹ con cứ lang thang nay đây mai đó mãi mới định cư được ở thành phố nhỏ bé này. °