Thằng Hải cố sửa tướng nghiêm chỉnh lại, nó nheo mắt: - Dạo này thấy Sở Khanh nhà mình hay thẫn thờ, còn làm thơ vu vơ nữa. Chắc mới bị tiếng sét ái tình đánh trúng... hộc máu phải hông mậy? Thằng Sinh khoái chí bồi thêm: - Nó còn đặc biệt khoái gặm cẳng bò hơn chả giò nữa mày ạ. - Hai thằng quỷ chết tiệt. Tôi rượt 2 đứa nó chạy lòng vòng đến khi 3 đứa mệt lã nằm sóng soài dưới đất. Thằng Hải khều tôi: - Giận làm chi mày ơi, tao yêu ẻm "gấu mẹ vĩ đại" tao còn dám công bố. Huống hồ chi nhỏ Thảo Nguyên đâu có tệ. Tôi đỏ mặt: - Ai nói với tụi mày là tao yêu nhỏ sư tử đó. Chẳng lẽ tao không sợ nó lên cơn cào cấu cắn xé tao sao. Thằng Sinh cười hì hì: - Mày không yêu sao tự nhiên tập làm thơ từ lúc đi học nhóm với nó? Xưa nay mày ghét thơ lắm kia mà. Thằng Hải mơ màng nhìn lên trần nhà: - Nhưng mà từ dạo mày đi học chung với Thảo Nguyên. Thơ văn mày tiến bộ hẳn đó Khanh. Đâu như tao, càng ngày càng vũ nữ khi gần em Hà. Hồn thơ sao sắp ngủm củ tỏi rồi nè. Tôi bâng khuâng khi nghe 2 đứa nó nhắc tới Thảo Nguyên. Đúng là từ lúc đi học chung với nó, tôi đỡ bị cô Khuê đem ra làm trò cười cho lớp thật. Những bài thơ vu vơ không làm tôi bứt tóc muốn... trọc như ngày xưa. Không biết ở đâu mà hồn thơ tôi lai láng, chẳng lẽ nào tôi đã... Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi đưa bài thơ "Lần Đầu Gặp Em" của tôi cho nó. Thảo Nguyên đã cười tôi cả buổi làm tôi quê không tả được. Lần đầu gặp em nơi quán kem Nhìn em sao anh chợt thấy thèm Da em nhìn giống ly kem sữa Càng nhìn càng muốn xực em thêm Thảo Nguyên nói tôi có tâm hồn ăn uống thiệt không sai. Thơ tôi lúc nào cũng làm tôi... chảy nước miếng (không biết Thảo Nguyên có bị giống tôi không). Nhưng có một điều, thơ Thảo Nguyên rất có thể làm người ta chảy... nước mắt. Không phải thế sao nó làm trái tim Sở Khanh của tôi đập loạn nhịp được. Bất chợt một đoạn trong bài thơ "Có những mùa hè" của Thảo Nguyện hiện ra trong đầu tôi, tôi khẽ lẩm bẩm: Có những mùa hè Đi qua cùng bao tà áo trắng Em nhớ gì không? Bên kia đường còn vệt nắng Khao khát được nhìn chiếc bóng của em - Sinh ơi, thằng Khanh bị nặng quá rồi mày ạ. Tiếng cười của thằng Hải cắt đứt ngang dòng suy tưởng của tôi. Tôi xoay qua ngượng ngùng khi thấy 2 đứa nó đang chăm chăm nhìn tôi cười đầy ngụ ý. Thằng Sinh dựng tôi dậy: - Đi mày. Tôi ngớ ngẩn hỏi nó: - Đi đâu bây giờ? Thằng Sinh tuyên bố xanh rờn: - Đem trầu cau tới nhà Thảo Nguyên. Dẹp đi mày. Tôi choáng váng khi nghe nó đùa. Cái thằng vô duyên. Không những không giúp tôi giải tỏa bầu tâm sự nặng nề làm tôi mang... muốn xỉu mà còn chơi tôi nữa. Tôi quay qua nhìn thằng Hải cầu cứu, nó ngó tôi: - Mày không tranh thủ cơ hội tống tình thì coi chừng ẻm bị người ta cướp mất đó nghe mậy. Lúc đó đừng có rên "mai em theo chồng ru kỷ niệm vào dĩ vãng, hôn lên tóc xù mà lòng anh nát như tương". Tôi chột dạ nhớ tới thằng Khương của trường bên kia. Đúng rồi, nó thường hay đợi Thảo Nguyên mỗi khi tan trường. Nghĩ tới khuôn mặt Trư Bát Giới của nó là tôi lên tăng xông. Tôi ỉu xìu chép miệng: - Tao biết làm sao giờ, chẳng lẽ chạy đi nói với Thảo Nguyên là tao... khoái gặm cẳng bò? Thằng Sinh cười rú lên: - Trời ơi sao dạo này mày ngu như... bò vậy Khanh? Chắc tại gặm cẳng bò hoài mà. Em khoái thơ, mà mày thì cũng biết làm thơ con cóc đó. Còn chờ gì không mau ghi một lá thơ tống tình đi. Cái thằng mắc dịch mà. Hễ có cơ hội là nó chà đạp tôi không thương tiếc. Nhưng mà nó nói cũng đúng, còn gì lãng mạn hơn tỏ tình bằng thơ. Rồi em sẽ xúc động chảy nước miếng nước mũi. Ngã vào lòng tôi thì thầm "Sở Khanh ơi, anh đúng là nhà thơ lớn. Em thương anh quá". Nghĩ tới đó là tôi thấy tôi đang ở 9 tầng mây, tôi vỗ vai thằng Sinh khen: - Công nhận lâu lâu mày thông minh đột xuất mặc dù ngu thường trực, tao sẽ "thức trắng đêm nay" để viết thơ cho nàng. Nhưng mà đứa nào hy sinh đi gởi? Thằng Hải khoát tay: - Hai đứa mày sao thích đi đường vòng, hay là ghi đại một lá thư tình đi. Ghi vầy nè: "Cẳng Bò yêu dấu của lòng anh! Qua bao đêm trằn trọc suy tư vì... muỗi cắn anh không ngủ được. Anh mới nằm thẳng cẳng viết lá thư này cho em. Em biết không, anh nhớ em như bò nhớ cỏ, như má nhớ con, như bù lon nhớ con tán. Ngay cả lúc đi cầu anh ngồi nhìn mấy con cá tra bơi lội anh cũng nhớ em luôn". Tôi co chân đạp thằng Hải một cái thiệt mạnh trước khi nó đọc tiếp. Đúng là một lá thư tình sặc mùi... cá tra. Nhỏ Thảo Nguyên mà đọc chắc nó cầm dao đi xin tôi tí huyết quá. Mặc kệ thằng Hải nằm lăn lộn dưới sàn nhà mà cười, tôi kéo thằng Sinh: - Mày sẽ là người đưa thư cho tao, còn bây giờ thì tao đãi mày ăn chè. Thằng Hải vội vàng chồm dậy: - Ê, chờ tao với, 2 đứa mày có chè quên bạn hả? Ba đứa tôi lại vui vẻ lên đường tới quán chè. Tôi tạm bỏ quên nhỏ Thảo Nguyên qua một bên. Tình yêu đâu thể nào ngọt hơn chè. Thôi xực cái đã rồi tính sau. Đêm đó tôi gần thức trắng thật. Nhưng không phải vì muỗi cắn như thằng chết tiệt Hải nói mà là vì muốn nếm thử vị tương tư đầu đời. Tôi ngồi lặng lẽ mường tượng nhỏ Thảo Nguyên vất vã phụ mẹ buôn bán gánh hàng rong. Đôi gánh nặng trĩu trên đôi vai thon gầy của nhỏ. Ánh mắt nụ cười tưởng như vô tư kia có lúc lại quá xa xôi. Cái nhìn ngạo mạn kia không phải chỉ vì bướng bỉnh mà là còn pha chút chán chường trong đó. So với nhỏ, tôi sướng hơn nhiều. Mười tám tuổi đầu, lại là con trai một. Gia đình không gọi là khá giả nhưng có ba mẹ lo. Tôi không thiếu gì cả. Tôi chưa từng phải làm bất cứ một cái gì nặng nề. Thở dài một mình. Tôi chợt thấy thèm... biết hút thuốc. Nếu biết, tôi sẽ nhìn từng vòng khói đêm nay mà nghĩ đến nụ cười răng khểnh bất cần đời của em, nhỏ ạ. Nắn nót từng chữ trên trang giấy, tôi ghi thơ cho em như viết bằng lời nói của trái tim mình: Này cô bé mang ánh mắt xa xôi Em là ai? Sao đi vào đời tôi mà không nói? Nụ cười lạnh lùng.. huyền bí như màn đêm tối Cái nheo mắt hững hờ xao xuyến trái tim tôi... Chiếc giỏ xe em chở gì Có phải chở hồn tôi? Hay chỉ những cánh phượng rơi giờ ra chơi em nhặt Tôi mong cánh hoa hóa thành con bướm thật Bay đậu tóc mềm... mang tặng khối tình tôi Tôi muốn làm ông nha sĩ ( một lần thôi) Thèm nhổ cái răng cười trêu tôi mãi Em đừng giận hờn không cho tôi gần lại Viên kẹo ái tình nè sẽ xoa dịu cơn đau! Tôi mơ màng ngồi ngó bài thơ. Biết đặt tựa gì đây nhỉ? Đúng rồi, tôi sẽ đem tặng Thảo Nguyên và nhờ nhỏ đặt tên giùm luôn. Ý nghĩ phải đối diện nhỏ làm tôi chột dạ. Không biết tôi có giống thằng Hải lần trước hẹn hò với nhỏ Hà, lắp ba lắp bắp mãi rồi không đi đến đâu. Chỉ đi tới thăm mấy con cá tra. Nhờ thằng Sinh đưa thì tôi nghi quá, không biết nó sẽ vẽ rồng vẽ rắn gì thêm nữa. Thôi đành gồng một lần. Sở Khanh ơi xưa nay mày trăm trận trăm thắng có lý gì hôm nay chưa ra trận đã rút đầu như... rùa. A Di Đà Lạt, nếu lần này toàn mạng trở về nhất định tôi sẽ đi chùa cúng nguyên nãi chuối đàng hoàng chứ không thèm giành ăn với Phật nữa. Trời đã sắp bình minh, giờ hành quyết sao tới lẹ quá. Tôi uể oải đứng lên vươn vai ngáp dài. Phải đi trang điểm lại dung nhan mùa hạ của tôi chứ. Để như vầy ẻm tưởng tôi mới vượt ngục ra thì chết dịch. Hôm nay sao tôi thấy thời gian đi nhanh quá. Ngồi trong lớp mà tôi cứ nhấp nhỏm như bị kiến cắn. Đôi lúc lại dòm trừng trừng phía sau ót nhỏ Thảo Nguyên như bị thôi miên. Thằng Hải ngồi bên cạnh cứ rờ trán tôi hoài (chắc nó tưởng tôi mới lên đồng hôm qua, hôm nay còn tưng tửng). Thằng Sinh thì thông cảm cho tâm trạng của kẻ sắp lên đoạn đầu đài như tôi nên lâu lâu nó ném cho tôi một nụ cười đầy ngụ ý rồi thở dài bâng quơ... thò tay móc mũi ngâm nga "đa tình tự cổ leo cây mận, cẩn thận nha Khanh kẻo... tuột quần"!!!. Hôm nay may mắn cho nó là tôi đang lo lắng nên không thèm phang lại nó. Ghi sổ nợ tính sau, mày hên đó nhe thằng quỷ. Sau mấy tiếng đồng hồ chờ đợi cuối cùng rồi giờ phút quan trọng cũng đã đến. Hai đứa nó chúc tôi may mắn rồi chuồn mất. Tôi đạp xe tới nhà Thảo Nguyên mà hồn cứ lơ lơ lững lững đâu đâu. Con đường quen thuộc hôm nay sao ngắn quá. Không biết con đường này có dẫn tôi tới khung thành... trái tim nàng hay là dẫn tôi đi ngược về đội nhà sút banh trái tim tôi. Giàn hoa giấy hiện trong ra tầm mắt. Nhỏ Thảo Nguyên mới về trước tôi chút xíu. Nó đang loay hoay với cái xe đạp phía trước, không biết lại bị gì đây. - Thảo Nguyên! Thảo Nguyên giật mình ngẩng đầu lên ngó tôi, nó cười tươi như hoa: - Ủa Khanh, sao hôm nay đến sớm dzậy. Mà càng tốt, xe tui lại sút sên. Có ông ở đây khỏi mắc công tui dơ tay. Trời, hễ mỗi lần tôi gặp nhỏ này là xe đạp nó sút sên. Nhưng lần này tôi không tức tối như lần trước mà thầm cám ơn chiếc xe đạp mắc toi của nó. Dù sao có chuyện làm còn đỡ hơn để hai tay thừa thãi tôi không biết làm gì. Cứ gãi tùm lum thì coi kỳ lắm. Tôi nhanh nhảu: - Thảo Nguyên để đó tôi sửa cho. - Ờ, dzậy tui đi thay đồ nha. Nó xong, nó bỏ vô nhà một cách tự nhiên. Còn tôi lại hì hục làm tên... thợ sửa xe bất đắc dĩ lần thứ hai. ..... Buổi trưa hôm nay yên tịnh lạ. Tôi không nghe tiếng bọn con nít nhà bên ồn ào như mấy bữa. Thảo Nguyên và tôi cũng im lặng. Nó lơ đãng ngó những cụm mây trắng trên trời. Còn tôi thì đang moi móc tìm tòi trong cái đầu óc... Sở Khanh của tôi một câu nói có duyên để phá tan sự im lặng đáng sợ này. Chưa kịp mở miệng, nhỏ Thảo Nguyên đã hỏi trước: - Tui có cái này tò mò lâu lắm rồi nè ông Khanh. Tại sao ông được gọi là Sở Khanh vậy. Bộ ông hay đi dụ dỗ con người ta rồi... chuồn ngõ sau hả? Tôi hốt hoảng xua tay lia lịa: - Trời, không phải. Sao Thảo Nguyên nghĩ tui xấu quá dzị? Nó nheo mắt: - Tui đâu biết, tui đoán đại thôi. Hỏng trúng hả, hỏng trúng thì thôi. Tôi gãi đầu ấp úng: - Ba đứa Hải, Sinh và Khanh học chung từ lớp 9. Năm đó là bắt đầu học Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trong đó có 3 nhân vật Mã Giám Sinh, Sở Khanh và Từ Hải. Nhằm lúc bọn Khanh lại trùng tên. Cho nên bị đổi tên cúng cơm từ lúc đó tới giờ luôn. (Chứ ba tui còn không dám đi dụ dỗ... má tui thời xưa huống hồ tui chỉ là Sở Khanh... con). Tôi nghĩ thầm nhưng không dám nói. Nhỏ Thảo Nguyên bật cười: - Tui nói chơi thôi, chứ mặt ông nhìn nhát như cáy mà dám đi dụ ai. Có chăng là chờ người ta dụ. Nó lại bôi bác tôi. Lần nào nói chuyện với nó tôi cũng dở khóc dở cười. Thấy tôi đứng đực mặt ra, Thảo Nguyên níu tay tôi: - Thôi đi mà, chọc chút xíu đừng có nhăn nhó nha Khanh. Mình vào nhà học bài đi. Mới đánh đó rồi xoa. Sư tử răng khểnh, em lợi hại thiệt. Nhưng mà lúc này không thừa cơ hội tống tình thì chờ lúc nào nữa. Bây giờ thiên thời địa lợi nhân hòa đều có cả. Hôm nay thời tiết tự nhiên man mát, không có nóng như mấy bữa. Có thể làm con người ta khoan khoái dễ chịu, biết đâu lại vui vẻ nhận tình... yêu của tôi. Hơn nữa không gian lại yên tịnh, phù hợp cho tỏ tình biết bao. Em còn đang định xoa dịu vết thương... lòng heo của tôi vì em mới chê tôi thê thảm. Thu hết can đảm, tôi nắm tay Thảo Nguyên: - Tui... uh... Khanh có cái này muốn cho Thảo Nguyên coi. Thảo Nguyên ngạc nhiên ngó tôi: - Có cái gì, đồ ăn hả? Còn không mau cống nộp lẹ lên? Trời, tình yêu của tôi mà nó làm như quà bánh vậy. Chưa đưa đã đòi... xực. Tôi mà trao trái tim bé bỏng trong trắng của tôi cho nó, có khi nào nó xào ăn luôn khi đói không. Mặc kệ, tôi vẫn yêu em, người tình sư tử của tôi ạ. Tôi dúi bài thơ vào tay Thảo Nguyên rồi lùi lại vịn giàn hoa giấy. Tôi sợ tôi có thể xỉu bất cứ lúc nào. Không để ý tới cái tướng khó coi của tôi, Thảo Nguyên giở ra lẩm bẩm đọc: "Này cô bé mang cái nhìn xa xôi Em là ai? Sao đi vào đời tôi mà không nói... ..... ....." Sau một thế kỷ trôi qua, Thảo Nguyên ngẩng lên ngó tôi: - Khanh làm hả? Tôi bối rối gật đầu: - Phải, dở lắm hả Thảo Nguyên? - Không, hay lắm. Nó lại nheo mắt nhìn tôi cười cợt: - Mà ghi cho ai đó. Tôi đứng tim. Trời, nó còn đùa giỡn với tôi chi giờ này chứ. Lá thơ của tôi chỉ thiếu hàng chữ tổ bố là "tôi thương Thảo Nguyên", chứ nội dung thì diễn tả rõ ràng quá rồi. Trán tôi chỉ không khắc chữ "Khoái Gặm Cẳng Bò" thôi chứ khuôn mặt đờ đẫn của tôi đã nói rõ quá rồi. Tôi méo mặt: - Thảo Nguyên còn hỏi? Vậy chứ Nguyên có cảm giác gì khi đọc bài thơ này... và... Nguyên nghĩ là ghi cho ai? Thảo Nguyên cười vô tư rồi đâm từng nhát dao vào trái tim... 18 của tôi: - Cảm giác huh, tui nghĩ người con gái nào mà nhận được bài thơ này thì xui chết. Vừa bị ông hỏi "em là ai" chứng tỏ ông hỏng biết nhỏ đó là người... hay là con gì rồi. Rồi còn đòi nhổ răng con người ta. Tui mà là nhỏ đó, tui... nhổ răng ông trước. Ối giời ơi, bình thường nhỏ này thông minh cực kỳ. Nhất là về thơ văn. Mà bây giờ nó phân tích bài thơ tôi cả đêm thức trắng ghi cho nó vậy đó. Tôi bỗng thấy giận nó và giận cả tôi vô cùng. Sở Khanh ơi mày đã lầm khi lê thân qua đây, để bây giờ nát bét tim rồi. Thở dài não nuột. Tôi quay lưng bỏ đi không nói tiếng nào. Còn gì để mà nói đây. Nhất định đêm nay tôi sẽ làm... Lý Bạch một đêm. Thức trắng nhìn trăng, uống rượu mà thổn thức một mình. Bàn tay mềm mại đặt nhẹ lên vai tôi kéo lại, giọng Thảo Nguyên như gió thoảng: - Khanh không phải muốn biết người ta có cảm giác gì khi đọc bài thơ này sao? Thảo Nguyên nghĩ người con gái đó nhất định rất xúc động và sẽ... sẽ... Nó quay lưng chạy mất vào nhà. Tiếng cửa đóng lại sao tôi nghe như tiếng pháo giao thừa đêm 30 tết, rộn ràng và hạnh phúc. Tôi muốn hét lên thật lớn vì sung sướng (nhưng tôi sợ bà con chung quanh tưởng tôi bị gì rồi gọi cảnh sát đưa tôi vô Biên Hòa thì tàn đời trai tôi, bỏ lại Thảo Nguyên cho ai). Tôi đứng trước cửa thì thầm: - Ngày mai Khanh đến học nhóm, được không Thảo Nguyên. Bên trong chỉ có im lặng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy trân trọng sự im lặng bằng lúc này. Cần chi phải nói, bởi vì trái tim của hai đứa tôi đang nói chuyện đó thôi. Thắm thoát thôi đã gần kết thúc năm học. Bọn tôi bận như điên. Đứa nào cũng sợ thi rớt kỳ này phải về quê cắm câu ca bài "cá gô bỏ trông gỗ kêu gột gột" cho nên không ai dám lơ là. Dĩ nhiên là tôi không có ngoại lệ. Những buổi chiều thong thả đạp xe bên cạnh Thảo Nguyên không còn nữa. Những lần đuổi nhau vòng quanh những gốc cây thông cũng bị lãng quên. Cả hai tuần nay tôi chẳng rảnh để đi gặp Thảo Nguyên. Nhỏ cũng vậy. Hai đứa tôi miệt mài như những đứa học trò ngoan thứ thiệt. Năm nay tôi quyết định đi Văn Khoa. Cô Khuê mừng lắm. Cô thật sự không ngờ cái thằng "văn chương sặc mùi đồ ăn" như tôi cuối cùng lại trở thành thi sĩ... quèn. Cô đâu biết là nhờ gặm Cẳng Bò hồn thơ tôi mới được sáng suốt ra. Chứ không thôi thiên tài nằm trong lá ủ như tôi chỉ chờ mục nát, không có cơ hội được... phát triển. Gạo bài hai tuần. Tôi phát hiện ra mình sắp... mọc râu. Soi gương mém bể kiếng. Không biết nhỏ Thảo Nguyên ra sao rồi. Hình như hai ngày rồi nhỏ không đến lớp. Tôi lơ là quá. Nghĩ tới đó tôi lật đật mặc đồ đàng hoàng vào rồi đạp xe tới nhà Thảo Nguyên. Con đường tới nhà nhỏ mùa này thật thơ mộng. Hoa phượng bắt đầu rơi lát đát. Tôi nhớ những lần cùng Thảo Nguyên lang thang chỗ này. Hai đứa đi im lặng bên nhau không nói gì. Nhưng cảm giác thật vui. Bất giác tôi khẽ mỉm cười bâng quơ. Dựng xe trước giàn hoa giấy quen thuộc, tôi rón rén đi vào. Căn nhà trống rỗng. Lạ chưa, Thảo Nguyên đi đâu kìa? Chồng chén chưa rửa nằm chơ vơ ngoài hiên. Tôi bất chợt hốt hoảng. Thảo Nguyên xưa nay rất sạch sẽ, không khi nào để nhà như vầy. Tôi lên xe đạp một mạch tới nhà nhỏ Hà. - Hà, Hà ơi! Nhìn thấy tôi chạy xồng xộc vô, nhỏ Hà bỏ thùng tưới nước xuống, nhìn tôi ngạc nhiên: - Í chà, mấy thưở chuột viếng nhà mèo... tới nộp mạng cho tui hả? Hôm nay chắc trời đổ mưa quá. Không để ý đến vẻ mặt châm chọc của nó, tôi vừa thở vừa nói: - Hà, sao mấy ngày nay không thấy Thảo Nguyên. - Ạ, cuối cùng rồi cũng nói ra ý đồ đen tối, tui biết ông làm gì có lòng tốt tới thăm tui. Nghiêm sắc mặt lại, nhỏ Hà thở ra: - Má của Thảo Nguyên bệnh cả tuần nay, hôm kia mới trở nặng. Vào bệnh viện rồi. Nhỏ Hà tiếp với giọng buồn buồn: - Có lẽ Thảo Nguyên không tiếp tục học được... Trời, tin động trời vậy mà sao tôi không biết gì cả. Tôi biết là xưa nay mẹ Thảo Nguyên ốm yếu và hay bệnh... nhưng không ngờ. Vò đầu bứt tóc một cách khổ sở tự trách, tôi hỏi Hà: - Mẹ của Thảo Nguyên nằm ở bệnh viện nào vậy Hà, cho Khanh biết được không? Nhỏ Hà đưa địa chỉ cho tôi. Tôi hối hả đạp xe tới. Đầu óc rối loạn. - Thảo Nguyên! Thảo Nguyên giật mình ngẩng lên. Tôi xót xa khi nhìn thấy khuôn mặt nhỏ hốc hác và có vẻ gầy hơn trước. Thảo Nguyên bật dậy nhào vào ôm tôi khóc nức nở. Tôi lặng lẽ vuốt tóc nhỏ, không biết phải làm gì. Tôi thì thầm: - Bác ra sao rồi Nguyên? Tiếng Thảo Nguyên đẫm nước mắt: - Mẹ của Nguyên xưa nay sức khỏe kém, lại dãi nắng dầm mưa quá nhiều. Cho nên bây giờ đã trở nặng. Tôi thở dài bàng hoàng: - Rồi Nguyên định làm sao? Khanh giúp được gì không? Tôi hỏi nhỏ mà thừa biết câu trả lời. Tôi giúp được gì đây? Một thằng học sinh chưa ra đời, hai bàn tay trắng. Tôi có cái gì mà giúp em đây chứ. Thảo Nguyên quay nhìn phía khác, ánh mắt nhỏ xa xôi: - Một mình Nguyên thì lo cho mẹ không nổi... Nguyên phải... Nhỏ bỏ lững câu nói. Nhìn tôi thật buồn: - Mà thôi đi, bây giờ Nguyên sợ phải nhắc tới chuyện này. Có gì Nguyên cho Khanh biết sau nha. Tôi lặng lẽ nhìn nhỏ. Tiếng đồng hồ tích tắc trên tường và bầu không khí tỉnh mịch trong bệnh viện càng làm tâm thần tôi bất an thêm. Tôi thầm ước mong có một phép lạ xảy ra làm mọi chuyện lại đâu vào đấy. Mẹ Thảo Nguyên sẽ khỏe lại, nhỏ sẽ đi học bình thường và trên môi Thảo Nguyên sẽ không bao giờ có chữ "có lẽ" nữa... Nhưng phép lạ không hề tồn tại trong cuộc đời phũ phàng này nên ngoài kia nắng chợt buồn. Em Còn Nhớ Mùa Thu?Em đi rồi, chắc chẳng nhớ mùa thu Đồi thông vi vu khóc than giùm tôi đó Chiếc lá buồn thương dưới gót hài trăn trở Nỗi sầu... lắng đọng cả không gian Em đi rồi... thu rơi lang thang Tôi với mình tôi đạp xe vòng quanh phố Qua một góc quen... tôi thẫn thờ đứng ngó Rồi lại đi tìm một thoáng hương xưa Em đi rồi Tôi từ bỏ cuộc chơi Cuộn mình trong góc đời nằm im đó Nỗi sầu của tôi hóa thành lớp vỏ Cho tôi rút vào ẩn trốn mùa đông Em đi rồi Em có nhớ gì không? Ở tận trái tim tôi vẫn thầm hay gọi Mùa thu không tên ơi... xin đừng qua vội Chiếc giỏ xe ngày nào... xin còn chở tình tôi Ở nơi nào, em có biết rằng tôi Khắc khoải từng đêm tập làm thi sĩ Dòng thơ cô đơn nặng oằn bao suy nghĩ Vẫn cứ thầm thì "em còn nhớ mùa thu"? Tôi ngơ ngẩn nhìn quanh đồi thông hôm nào tôi đã quen Thảo Nguyên. Những chiếc lá vàng tả tơi trong gió cuốn. Những trái thông nằm lăn lóc trên đồi. Cô đơn và buồn như tôi. Thế là nhỏ đã bỏ đi. Không kịp kết thúc năm học, không một lời từ giã với tôi. Nhỏ vứt bỏ thời aó trắng sau lưng để... khoác áo hồng chỉ vì hoàn cảnh. Tôi nghe trái tim tôi thổn thức. Tôi cảm thấy mình thật bất lực, không giữ nổi tình yêu đầu tiên của chính bản thân mình. Không làm sao tranh thủ hạnh phúc của chính mình. Lời nhỏ Hà xa xôi đâu đó: - Thảo Nguyên không có từ giã Khanh là vì nó không biết nói làm sao, một mình Nguyên không thể lo nổi cho mẹ. Cho nên nó đã trở về Sài Gòn sống chung với bà con xa. Và rất có thể sẽ... lấy chồng. Vì sao Khanh biết mà, Nguyên đâu còn chọn lựa khác. Anh Tùng là một người có khả năng lo cho Nguyên, anh ấy thương nó từ khi nó 16 kìa. Khi nghe chuyện của má Nguyên, Tùng lập tức chạy lên. Thảo Nguyên còn biết làm gì hơn nữa. Nó cần một chỗ nương tựa, Khanh ạ. Hà biết là Nguyên và Khanh thương nhau. Nhưng cả hai người còn quá nhỏ, không làm được gì cả. Khanh hãy coi Nguyên như là một kỷ niệm đẹp trong đời, để nhớ và để... đau đi. Bài thơ Nguyên gởi lại cho Khanh nè. Sẽ không như là tia nắng Vì bình minh tắt tự giờ Chúng mình sẽ thôi mơ nắng Mà mưa ướt đẫm giòng thơ Em không còn yêu thu nữa (Bởi thu chia cách nhau rồi) Em không còn yêu anh nữa (Bởi vì đâu thể chung đôi) Nụ duyên đầu mong manh quá Đời cay đắng đến không ngờ Một mai trở thành người lạ Anh đừng tìm đến trả thơ Tôi cảm thấy vết thương đầu đời của tôi nhức nhối quá. Làm sao có thể chữa lành. Tôi ráng thi vào đại học Văn Khoa không phải vì tôi, mà là vì Thảo Nguyên. Bây giờ có còn gì đâu. Nghe kết quả khả quan đáng lẽ tôi rất mừng, nhưng không còn người để chia xẻ nữa. Có gì đáng vui đâu chứ. Thảo Nguyên đã bỏ đi cả tháng rồi. Thở dài thườn thượt, tôi dẫn xe lang thang như một thằng khùng, nghêu ngao: ... Ở nơi nào, em có biết rằng tôi Khắc khoải từng đêm tập làm thi sĩ Dòng thơ cô đơn nặng oằn bao suy nghĩ Vẫn cứ thầm thì "em còn nhớ mùa thu"?... - Thôi đừng ở đó nhớ mùa thu, xe tui sút sên nè. Lại sửa giùm đi ông kia. Thời gian như ngưng đọng lại, tôi đứng sững ngỡ mình đang nằm mơ. Giọng nói này, không thể nào. Chắc tôi sảng rồi. Tôi từ từ quay lại. Chiếc xe đạp đỏ, mái tóc ngắn, đôi mắt sáng tinh nghịch và chiếc răng khểnh với nụ cười bất cần quen thuộc. - Thảo Nguyên! Đôi mắt sáng nheo lại, cười cợt: - Còn không mau lại sửa xe cho tui, con trai nhà nào mà không ga lăng gì cả. Tôi quăng chiếc xe đạp lao tới ôm chầm lấy Thảo Nguyên. Giọng nhỏ theo cơn gió thoảng bên tai tôi: - Phép lạ cũng đôi khi xảy ra phải không Khanh. Siết chặt Thảo Nguyên như sợ nhỏ chấp cánh bay ra khỏi giấc mơ của tôi, tôi thì thầm: - Khanh tưởng là không bao giờ gặp lại Nguyên nữa. Không ngờ... Thảo Nguyên đẩy tôi ra, nhìn sâu vào mắt tôi, chiếc răng khểnh dễ thương lại lấp ló bên khóe môi: - Anh Tùng đã giúp đỡ Nguyên rất nhiều. Nhờ anh ấy Nguyên đã kiếm được việc làm tạm trong 3 tháng hè này. Rồi Nguyên sẽ đi học lại. Cũng nhờ anh ấy cho mượn tiền Nguyên mới có thể chữa lành bệnh cho mẹ. Tôi vừa vui mừng vừa bàng hoàng lo sợ nhìn Thảo Nguyên: - Có nghĩa là Nguyên sẽ... kết hôn với anh ấy. Thảo Nguyên nắm tay tôi, nói thật chậm: - Nếu Nguyên kết hôn với anh ấy, thì đâu còn là phép lạ nữa. Mặc dù Nguyên mang ơn anh Tùng rất nhiều, nhưng anh ấy không bao giờ ép Nguyên phải làm gì Nguyên không thích đâu. Và quan trọng là "em vẫn nhớ mùa thu". Câu cuối Thảo Nguyên nói thật nhỏ nhưng tôi lại nghe câu đó rõ ràng nhất. Tôi sung sướng hét lên: - AAAAAAAAAA, Khanh thật là vui quá đi. Thì ra Nguyên vẫn còn nhớ mùa thu. Thì ra đời vẫn có lúc thật đẹp. Hai đứa tôi lặng lẽ nhìn nhau trong nỗi vui mừng không lời. Trời Đà Lạt buổi chiều mùa thu thật tuyệt vời. Tuyệt vời như giấc mơ tôi đang có trong tay. Và chưa bao giờ, tôi thấy mình yêu mùa thu như lúc đó.