Những vườn đá nổi tiếng của Kyoto tọa lạc tại chùa Rêu, lầu Bạc, và thiền viện Ryoanji. Vườn đá tại Ryoanji rất đẹp và được coi như tượng trưng cho mỹ thuật thiền. Otoko biết hết những vườn đá đó. Khi mùa mưa dứt, nàng hay đến vẽ tại vườn đá chùa Rêu. Nàng không chủ tâm vẽ, mà chỉ muốn ngắm vườn để hấp thụ chút khí lực tỏa ra từ đá. Nàng nghĩ vườn đá này cổ nhất và có khí lực nhất trong các vườn đá trong vùng. Otoko chỉ muốn tới tĩnh tọa. Sợ du khách qua lại sẽ tò mò vì nàng ngồi một chỗ quá lâu, nàng làm bộ vẽ để được tự nhiên. Chùa Rêu được thiền sư Muso trùng tu năm 1339. Thiền sư cho sửa sang những phòng ốc cũ, đào cảnh ao, giữa ao lại cho đắp hòn đảo nhỏ. Tục truyền rằng thiền sư hay dẫn khách ra một chiếc lầu trên đỉnh đồi để ngắm cảnh Kyoto. Những lầu những gác ấy đã không còn dấu tích. Chùa chắc đã làm lại nhiều lần sau những trận lụt lớn hay những thiên tai khác. Có lẽ chỉ có vườn đá là ít thay đổi. Otoko không bận tâm đến lai lịch khu vườn. Nàng tới vì vườn đá đẹp. Keiko cũng tới mỗi khi Otoko tới, theo cô giáo như bóng với hình. Một hôm Keiko nhận xét: «Những cảnh dựng bằng đá đều như có gì trừu tượng, mơ hồ, bí ẩn ấy, cô nhỉ. Em cảm thấy vườn ăm ắp một khí lực siêu hình... Em nghĩ đến tranh Cezanne vẽ bờ biển L’estaque lởm chởm đá. «Em thấy tranh đó rồi hả? Nhưng tranh vẽ cảnh thiên nhiên có sẵn...» «Otoko, nếu em vẽ vườn đá này, nó sẽ trở thành trừu tượng. Em không thể nào vẽ nó theo lối hiện thực được.» «Có thể em nói đúng. Nhưng cô thì chịu thua.» «Cô có muốn em phác họa thử không?» «Nên lắm. Cô rất thích Đồi chè của em. Cái thần bức tranh rất trẻ, thật là trẻ. Tấm đó em cũng mang cho ông Oki phải không?» «Dạ. Nhưng giờ này chắc vợ ông ấy đã xé nó ra thành giẻ vụn... Cô biết không, em ngủ một đêm với ông ấy trong khách sạn gần Enoshima. Ông già mắc dịch một cách dễ sợ. Nhưng lúc ông đang say máu, em gọi tên cô làm ông ấy tức thì cụt hứng. Ông ấy vẫn còn yêu cô, và gần em, ông ấy bị lương tâm cắn rứt. Chừng ấy cũng đủ làm cho em ghen.» «Trời ơi, em mưu toan cái gì?» «Em muốn phá gia cang nhà ông ta. Để trả thù cho cô.» «Lại trả thù.» «Em không chịu nổi ông ta. Dù bị bội bạc bao nhiêu, dù khổ sở bao nhiêu, cô vẫn còn yêu ông ấy. Chỉ đàn bà là dại, thật là đáng thương.» Dừng lại một giây, Keiko nói tiếp: «Em ghen là cô vẫn còn yêu ông ấy.» «Em ghen thật ấy ư?» «Tất nhiên là thật.» «Em ghen mà đi khách sạn ngủ đêm với ông ấy. Nếu cô còn yêu ông như em nói, chính cô mới là người đáng ghen.» «Nhưng cô có ghen không?» Otoko không trả lời. Cây cọ trong tay thoăn thoắt trên vải, Keiko nói tiếp: «Em sẽ rất mừng nếu cô ghen. Đêm đó trong khách sạn, em thao thức cả đêm, còn ông ta thì nằm một lát là lăn ra ngủ ngon lành. Em không chịu nổi cái thứ đàn ông ngũ tuần.» Otoko phỏng ước trong đầu là phòng khách sạn kê giường đôi, để ghi nhận là nàng còn thắc mắc với những tiểu sự như vậy. Keiko lại nói: «Ông ta ngủ say. Thật là thú vị khi em nghĩ có thể thừa dịp bóp cổ cho ông ấy chết.» «Em là con người nguy hiểm.» «Em chẳng qua chỉ mới nghĩ chuyện bóp cổ thôi. Nhưng nghĩ không cũng đủ thích, làm em không ngủ được.» Tay cầm cọ run run, Otoko nói: «Vậy mà em bảo tất cả là chỉ vì cô. Cô không tin nổi.» «Tất nhiên là vì cô.» «Em làm ơn từ giờ trở đi đừng bước chân tới nhà người ta nữa. Em còn tới đó thì không biết chuyện bất hạnh nào sẽ xảy ra.» Keiko hỏi: «Khi nằm dưỡng trí viện, có bao giờ cô muốn giết ông ta không?» «Không bao giờ. Cô có thể mất trí, nhưng chuyện giết người...» «Cô không oán ông ta, cô yêu ông ta nhiều quá mất rồi.» «Em à, cô đã có đứa con với ông.» Keiko giọng nghẹn ngào, khó khăn lắm mới tìm ra lời: «Đứa con ấy ư? Cô, em có thể ăn trộm một đứa con của ông ta cho cô.» «Trời ơi, Keiko em nói gì vậy?» «Rồi em sẽ làm cho ông ta lụn bại, không ngóc đầu lên nổi.» Otoko nhìn trân trân cô gái. Cái miệng xinh như thế mà thốt ra những lời xấu xa hung ác như thế. Gắng bình tĩnh, nàng nói: «Cô nghĩ cô không cấm được em có con với ông Oki. Nhưng em có hiểu chuyện gì sẽ tiếp theo không? Nếu em có con với ông, cô sẽ không đùm bọc em nữa. Mà một khi làm mẹ, em sẽ không ăn nói như bây giờ. Tất cả sẽ thay đổi.» «Em sẽ không bao giờ thay đổi.» Otoko thắc mắc chuyện gì đã xảy ra cái đêm Keiko ngủ với Oki. Keiko đã không kể hết. Cô gái giấu gì đằng sau những ngôn từ hung bạo như ghen tuông và trả thù. Otoko tự vấn tâm xem nàng còn có thể ghen vì Oki không. Nhắm mắt lại, nàng chỉ thấy dư ảnh của khu vườn đá. «Cô ơi, cô có làm sao không? Cô xanh quá.» Keiko ôm vội lấy cô giáo. Như sợ nàng bất tỉnh, Keiko béo nàng vào chỗ da non dưới nách. «Đau, Keiko.» Otoko lảo đảo. Cô gái ôm lấy Otoko, đỡ cho nàng khỏi ngã. Keiko lại nói: «Otoko, trên đời em chỉ muốn có cô, một mình cô.» Otoko yên lặng đưa tay lau mồ hôi lạnh đóng hạt trên trán. Nàng nói: «Cứ đà này, em sẽ khốn khổ suốt đời.» «Em không sợ khổ.» «Tại bây giờ em còn trẻ đẹp, em có thể nói như vậy.» «Còn được ở bên cô bao lâu, em còn hạnh phúc bấy lâu.» «Cảm ơn em. Nhưng dù sao cô cũng chỉ là đàn bà.» «Em ghét đàn ông.» Otoko buồn bã nói: «Như vậy không đúng. Nếu quả thật như vậy, chúng ta ở chung với nhau càng lâu thì càng không nên... Vả lại thẩm mỹ của em với cô thật ra khác nhau nhiều lắm...» «Em thì ngược lại. Em rất ghét nếu cô giáo em mà vẽ một điệu như em.» Otoko bình tĩnh trở lại, ôn tồn nói: «Em ghét nhiều thứ quá, Keiko ạ. Mà nhân nói chuyện vẽ, em đưa vở tập cho cô xem được không?» Keiko đưa tấm phác họa cho Otoko. «Em vẽ cái gì thế này?» «Cô đừng khó tính. Tất nhiên em vẽ vườn đá. Cô coi kỹ xem. Em nghĩ em vừa vẽ được một cái gì mà em đã không ngờ vẽ được.» Otoko xem tranh, nét mặt từ từ thay đổi. Thoáng nhìn nàng không hiểu bức phác họa mực tầu này muốn vẽ gì, nhưng một đời sống huyền bí hiển hiện trong tranh. Nét tài năng này chưa bao giờ thấy nơi Keiko. Run run, Otoko nói: «Thế là đã có chuyện giữa em và ông Oki trong đêm ở khách sạn phải không.» «Không có đâu cô.» «Em chưa bao giờ vẽ như thế này.» «Cô Otoko, em phải nói thật với cô. Ông ta không còn đủ hơi để hôn một cái hôn hơi dài một chút, nói gì đến...» Otoko lặng yên. Keiko hỏi: «Đàn ông nào cũng vậy sao cô? Đây là lần đầu tiên em gần đàn ông.» Otoko không biết nên hiểu chữ lần đầu tiên, chữ gần của Keiko như thế nào. Nàng làm bộ tiếp tục xem tranh. Sau cùng nàng nói: «Cô chỉ muốn hóa thành hòn đá trong vườn đá này.» Vườn đá của thiền sư Muso dãi dầu mưa nắng, cổ kính như hiện hữu tự bao giờ. Nhưng hình dạng và cách sắp đặt thì rõ ràng là nhân tạo. Chưa bao giờ Otoko thấy được cái khí lực của vườn như hôm nay. Nàng nghe như có khối tâm linh đè nặng lên ngực. Nàng nói: «Chúng ta về đi. Đá bắt đầu làm cô sợ.» «Đồng ý.» Otoko lảo đảo đứng dậy. Nàng nói: «Vườn đá này, cô chịu thua. Trừu tượng quá. Nhưng trong bản phác, hình như em đã bắt được một cái gì độc đáo.» Keiko nắm tay Otoko: «Cô à, về nhà cô với em ta chơi trò cá heo nhé.» «Trò cá heo là cái gì. Lại chuyện gì nữa đây?» Keiko cười ranh mãnh, đi về hướng lùm tre thường thấy trong ảnh chụp phong cảnh chùa. Otoko nét ưu tư hơn là buồn. Keiko vỗ nhẹ lên vai cô giáo: «Cô. Hôm nay đá nó thu mất hồn cô rồi phải không?» «Không đâu. Cô chỉ muốn cả ngày ngồi ngắm đá mà không cần vẽ.» «Chẳng qua là mấy hòn đá mà cô. Cô nhìn đá như thể cô thấy chuyện gì linh thiêng thần bí... «Em nhớ có đọc bài tùy bút của một nhà thơ hài cú, đại để là phải ra ngắm biển ngày này qua ngày khác rồi về lại Kyoto mới khám phá ra ý nghĩa của vườn đá.» «Ông ta thấy biển trong vườn đá sao? Tuy nhiên, cô nghĩ cô không vẽ nổi vườn đá này.» «Nhưng vườn đá chẳng qua là do người ta dựng lên, dựng theo lối trừu tượng. Em nghĩ em có thể vẽ được nó, theo kiểu của em, muốn dùng màu gì thì dùng.» Lát sau Keiko hỏi: «Người ta bắt đầu làm vườn đá từ bao giờ cô nhỉ?» «Cô không biết đích xác. Có lẽ không trước thế kỷ mười bốn.» «Còn đá thì có từ bao giờ nhỉ?» «Cô nào có biết.» «Cô có muốn tranh cô bền hơn là đá không cô?» Otoko bối rối: «Cô không bao giờ mơ chuyện ấy. Nhưng mà vườn đá này, hay cả vườn đá trong lâu đài Katsura cũng phải thay đổi với thời gian. Cây mọc lên rồi cỗi, bão tố thiên tai tàn phá... Tuy nhiên cách đá được bày chắc ít thay đổi hơn.» Keiko nói lớn: «Cô ơi, thật ra nếu vạn sự có thay đổi và hủy diệt thì lại càng tốt. Giờ này chắc đồi chè của em đã biến thành giẻ vụn vì cái đêm ngủ khách sạn tại Enoshima.» «Tiếc quá, bức tranh rất đẹp.» «Tranh đẹp thật hả cô?» «Keiko, em định lần hồi mang tặng ông Oki tất cả tranh đẹp của em sao?» «Dạ. Cho đến khi em trả thù xong...» «Cô đã bảo em là cô không muốn nghe chuyện trả thù nữa.» Keiko vui vẻ: «Em hiểu cô. Nhưng em không hiểu tại sao em thù hận. Vì ghen tuông hay vì tự ái đàn bà cô nhỉ?» Otoko nắm ngón tay cô gái. Hạ thấp giọng, nàng nói: «Em muốn nói chuyện ghen?» «Thâm sâu trong lòng cô, cô vẫn yêu ông ta. Còn ông ta, ông cũng giấu cô sâu kín trong tim ông. Em đã thấy rõ ràng ngay từ hôm Tết.» Otoko yên lặng. «Em nghĩ khi đàn bà chúng mình thù ghét, thì cái thù ghét ấy cũng có thể là một dạng thức của cái yêu.» «Keiko, sao em có thể nói những điều như vậy, tại một chỗ như chỗ này.» Keiko đổi đề tài: «Em nghĩ vườn đá tượng trưng những cảm nghĩ rất mạnh của người tạo ra nó. Nhưng em vẫn không hình dung trong tâm họ có cái gì.» Keiko lại hỏi: «Phải nhiều thế kỷ qua rồi, đá mới lên nước như vậy, nhưng khi mới hình thành thì cái vườn đá trông nó như thế nào cô nhỉ?» «Cô nghĩ bây giờ nếu được thấy vườn đá khi mới bày xong chắc em sẽ thất vọng.» «Nếu em vẽ, em sẽ dùng bất cứ màu nào và hình thể nào mà em thích, và em sẽ gắng vẽ vườn đá như khi mới dựng.» «Có thể như vậy, em sẽ vẽ nổi đấy.» «Cô Otoko, cái vườn đá này sẽ tồn tại rất lâu, lâu hơn cô và em rất nhiều.» «Tất nhiên.» Otoko rùng mình. Nàng nói tiếp: «Nhưng dù sao nó cũng không tồn tại mãi mãi.» Keiko nói: «Nếu được sống bên cô, em bất cần dù tranh em được tồn tại mãi mãi hay bị hủy hoại tức thì.» «Em bất cần vì em còn trẻ.» «Thật ra nếu bà Oki xé tranh em ra, em càng mừng. Chuyện ấy sẽ chứng tỏ là tranh em tạo được xúc động nơi bà.» Ngưng một giây, Keiko lại nói: «Em biết thực ra tranh em chẳng đáng được quan trọng hóa như vậy.» «Em lầm rồi.» «Em không có thực tài, và em không muốn để lại gì cho hậu thế. Em chỉ muốn sống bên cô. Được quét nhà thổi cơm cho cô, em cũng vui rồi. Ấy là chưa kể cô còn dạy em vẽ tranh.» Otoko ngả người sang cô gái: «Em nghĩ vậy thực sao?» «Thực tận đáy lòng em.» «Nhưng em có tài, Keiko. Tranh em đã làm cô ngạc nhiên nhiều lần.» «Như tranh trẻ con phải không? Hồi đi học, em luôn luôn được cô giáo đem tranh treo trong lớp.» «Em có tài sáng tạo hơn cô, nhiều khi làm cô phải thèm. Từ giờ, em đừng có khiêm nhường vô lý nữa.» «Em sẽ nghe lời cô. Cô còn cho em ở với cô, chuyện gì em cũng sẽ gắng hết sức. Thôi ta nói chuyện khác đi.» «Em đã hiểu cô muốn nói gì với em rồi phải không?» Keiko gật đầu. Cô gái nói: «Em hiểu... nếu cô không bỏ em.» «Làm sao cô bỏ em được? Nhưng mà...» «Nhưng mà sao hở cô?» «Đàn bà thì phải có chồng con...» Keiko cười thành tiếng: «Ô việc đó mà lo gì. Em không lấy chồng mà cũng không đẻ con.» «Lỗi tại cô, cô xin lỗi em...» Lòng nặng chình chịch, Otoko quay mặt đi, tay bứt chiếc lá. Nàng yên lặng bước. Keiko nói: «Cô Otoko, đàn bà đúng là tội nghiệp cô nhỉ. Thanh niên trẻ không không bao giờ đi yêu một bà già, nhưng một cô gái nhỏ chỉ mười mấy có khi đi yêu ông cụ năm sáu mươi. Yêu mà không toan tính lợi lộc gì... Phải không cô?» Otoko không trả lời. Keiko nói: «Thực tình, ông Oki là một trường hợp vô vọng. Vậy mà ông ta dám nghĩ em là một đứa con gái đĩ thõa hư đốn...» Otoko nhợt nhạt. Keiko vẫn nói: «Rồi đến lúc gây cấn nhất, nghe em gọi tên cô, ông ta liệt luôn... Tựa hồ như vì cô, ông ta ruồng bỏ em.» Otoko bủn rủn. Sau cùng nàng hỏi: «Chuyện xảy ra ở Enoshima?» «Dạ.» Otoko như tê bại. Xe taxi đã tới nhà. Hai người vào phòng vẽ. Keiko nói: «Cô, có thể nói là tiết hạnh của em được nguyên vẹn là nhờ đã gọi tên cô.» Đỏ mặt, cô gái nói tiếp: «Cô có muốn em mang bầu giùm cô không?» Otoko thẳng tay tát mạnh cô gái. Nước mắt tràn mi, Keiko nói: «Chao ôi, em sướng quá. Cô đánh em nữa đi.» Otoko run lên vì giận. Keiko giục: «Cô đánh em nữa đi cô.» Otoko hét lên: «Keiko.» «Em sẽ không giữ đứa con. Em muốn nó là con cô. Em sẽ mang nó trong dạ. Sinh nó ra em sẽ tặng nó cho cô. Em muốn ăn trộm của ông Oki đứa con cho cô....» Otoko lại thẳng tay tát cô gái. Keiko khóc nức nở. Cô gái mếu máo: «Otoko, dù cô có yêu ông ấy đến đâu, cô đâu còn sinh nở được nữa. Cô hết sinh nở được rồi. Còn em, em có thể mang bầu hộ cho cô mà không cần yêu đương hay cảm xúc gì với đứa con hay với ông ấy. Y hệt như chính cô đã mang nặng đẻ đau nó.» «Keiko, có im đi không.» Otoko bỏ ra ngoài hiên, tiện chân đá cái lồng đom đóm ra vườn. Cô thấy tất cả đom đóm trong lồng sáng lên một lượt, và cái lồng bay ra sân vẽ một vòng sáng trong không. Ngày hè đang tàn và sương chiều đã buông xuống ngọn cây, nhưng trời chưa tối. Otoko ghi nhận đom đóm không thể sáng như vậy, chính thần trí nàng căng thẳng đã sinh ra ảo ảnh. Nàng như mất hồn, đứng nhìn cái lồng đom đóm nằm trên sân rêu. Keiko đã nín, nằm nghiêng trên chiếu nhìn lưng cô giáo. Otoko thân hình cũng như tâm thần cứng nhắc vì căng thẳng. Bà vú bước vào thưa, nước tắm đã pha xong. «Cảm ơn vú,» giọng Otoko còn vỡ. Mồ hôi láp nháp dưới áo, nàng nói: «Trời ẩm quá vú nhỉ. Chắc tại vẫn còn mùa mưa... Vú cho tắm thật là đúng lúc.» Omiyo làm vú già cho chủ ngôi đền này đã sáu năm. Vú được giao cho việc trông coi khu hộ Otoko thuê. Siêng năng, vú làm hết mọi chuyện, từ lau nhà, giặt giũ, rửa bát, cho đến thỉnh thoảng nấu ăn. Otoko tuy thích nấu và nấu ngon, nhưng nhiều khi bận vẽ không nấu được. Keiko cũng thạo mấy món đặc biệt của cố đô, nhưng nấu không đều tay. Hai người thường ăn tạm những món tầm thường vú biết làm. Trong đền còn hai người nội trợ khác là mẹ và vợ chủ đền, nên Omiyo có thể dành phần lớn thì giờ chăm lo cho Otoko. Vú mới ngoài năm mươi, thấp, có da có thịt, tay chân mũm mĩm có ngấn. Thấy cái lồng đom đóm ngoài sân, vú mau mắn nói: «Cô Ueno, cô cho chúng nó ra uống sương phải không?» Vú ra sân dựng lại chiếc lồng đổ lăn, như thể Otoko đã chủ tâm mang nó ra đấy để. Lúc vú đứng lên nhìn lại hiên, Otoko đã trở vào nhà tắm. Thấy Keiko mắt ướt và một bên má đỏ rực, vú nhìn đi chỗ khác và hỏi chuyện gì xảy ra. Keiko không trả lời. Cô gái đứng dậy, sắc diện không thay đổi. Nghe nước chảy trong phòng tắm, Keiko nghĩ Otoko pha thêm nước lạnh vào bồn cho vừa. Đứng trước gương trong xưởng vẽ, Keiko mở ví trang điểm lại khuôn mặt, rồi chải lại mái tóc. Phòng tắm có gương lớn và bàn phấn, nhưng Keiko không muốn vào vì biết Otoko đang ở trong ấy. Keiko thay đồ lót, với tay lấy chiếc kimono mỏng mặc vào. Nhưng cô gái lúng túng không xỏ được tay vào áo. Thấy những hoa văn Otoko vẽ trên áo, cô gái buột miệng gọi tên cô giáo. Hoa giống hoa bìm, nhưng thật ra là những hoa hư cấu, màu sắc hợp thời trang, mát mắt và rất trẻ. Hình như Otoko đã vẽ chiếc áo này hồi hai người bắt đầu thân nhau. Vú Omiyo từ phòng bên nói vọng sang: «Cô Sakami, cô ra phố đấy hả?» Nghĩ Omiyo thấy mình lúng túng với cái thắt lưng, Keiko nói: «Vú đứng đấy mà nhìn cái gì. Có vào giúp em đi không?» Omiyo hỏi lại: «Cô ra phố phải không?» Keiko nói: «Không, em không đi đâu cả.» Xách quần áo ra phòng trang điểm, Keiko bảo u già: «Vú cho em đôi tất mới đi.» Otoko nghe tiếng chân bước, nghĩ Keiko sắp vào bồn tắm với mình. Nàng gọi: «Nước vừa tắm, em vào đi.» Nhưng Keiko vẫn đứng trước gương, loay hoay buộc thắt lưng. Cô gái cột chặt đến nỗi dây lưng lún vào thịt. Omiyo đưa tất mới cho Keiko rồi trở ra. «Vào tắm đi em.» Otoko lại gọi. Ngồi trong bồn nước ngập đến ngực, nàng nhìn cánh cửa gỗ tùng mở thông sang phòng trang điểm. Nhưng Keiko không vào. Bên kia cửa hoàn toàn yên lặng, không có cả tiếng quần áo sột soạt. Sợ Keiko không tắm với mình, nàng vịn bồn đứng dậy bước xuống sàn. Otoko nghĩ phải chăng Keiko không muốn cho nàng thấy thân thể sau khi ngủ đêm với Oki. Chuyện đã hai tuần trước, và Keiko từ hôm ấy đã tắm chung với nàng nhiều lần mà không ngượng ngùng gì. Tuy nhiên mãi hôm nay lúc đi xem vườn đá Keiko mới thổ lộ sự việc. Nhưng lời thú nhận sao quá bất ngờ. Mấy năm nay, Otoko gần như hàng ngày khám phá ra những nết bất thường của cô gái. Không phải tất cả là tại nàng, nhưng phần nào, Otoko đã khuyến khích những nết bất thường này. Otoko đứng đợi Keiko trong phòng tắm, mồ hôi lạnh đọng thành giọt trên trán. Nàng lại gọi: «Keiko, em có vào tắm đi không?» «Không, em không tắm đâu.» «Em không tắm sao?» «Không.» «Cũng không lau mình nữa?» «Em không cần.» Ngưng một giây, Keiko nói vọng vào: «Cô ơi, em xin lỗi cô. Cô tha lỗi cho em nghe cô?» Otoko nói vọng ra: «Em tha lỗi cho cô thì có... Cô là người mới đáng trách. Cô xin lỗi em...» Keiko yên lặng. Otoko lại hỏi: «Em đứng làm gì ngoài đó?» «Em buộc thắt lưng.» «Buộc thắt lưng?» Otoko lau vội mình mẩy và ra phòng trang điểm. Thấy Keiko sạch trong sạch bóng trong chiếc kimono mới giặt, nàng nói: «Chà, em ra phố?» «Dạ.» «Mà em đi đâu?» «Em không biết,» Keiko nói, mắt buồn vời vợi. Otoko với chiếc áo choàng che mình, như ngượng ngùng vì khỏa thân trước mặt cô gái. «Cô đi với em nhé.» «Cô muốn đi với em thì cô đi.» «Em không phiền?» «Ô, em đâu dám.» Keiko quay đi, mặt nàng phản chiếu trong gương. Keiko nói tiếp: «Em đợi cô.» «Cô sửa soạn nhanh lắm. Tránh cho cô ra...» Otoko len qua Keiko vào bàn phấn ngồi. Nhìn Keiko qua gương, nàng nói: «Ta đi Kiyamachi nhé. Tiệm Ofusa ấy mà. Em gọi điện giữ bàn ngoài sân thượng đi. Hay lấy một phòng nhỏ trên gác, miễn nhìn ra sông là được... Còn không, ta tìm tiệm khác.» Keiko gật đầu, nói: «Để em kiếm cho cô ly nước đá lạnh đã.» «Trông cô nóng nực lắm sao?» «Dạ.» «Đừng lo... Cô nóng nực nhưng không nổi nóng đâu...» Otoko vừa nói vừa rắc nước hoa ra tay. Otoko nghe nước đá lạnh mát đến cổ. Keiko ra chánh điện gọi điện thoại. Khi cô gái trở về, Otoko đang mặc quần áo. «Ofusa bảo chúng ta có bàn nếu đến trước tám rưỡi.» «Tám rưỡi sao?» Otoko nhíu mày. «Thôi cũng được. Nếu đi ngay, chúng ta có thể nhẩn nha ăn tối.» Nhìn lại gương, Otoko ngắm tóc mình và nói: «Chắc cô cũng chẳng cần làm tóc lại đâu em nhỉ.» Keiko với tay ra sau Otoko và sửa lại lưng áo cho cô giáo. Nguồn: Dịch từ bản tiếng Pháp Tristesse et Beauté của Amina Okada, Albin Michel, 1961