Yasunari Kawabata sinh năm 1899 và mất năm 1972. Ông sinh vào một gia đình sung túc có truyền thống văn hóa cao. Cuộc đời ông nhiều tang tóc, sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Lên bảy, ông mất bà nội. Người chị độc nhất cũng qua đời khi ông mới lên chín. Tang tóc làm tuổi thơ ông bất thường, và phải chăng đã tạo ra nét mất mát bơ vơ trong văn chương ông.Lấy vợ năm 32 tuổi, Kawabata cư ngụ tại Kamakura, một thành phố phía bắc Tokyo có nhiều di tích lịch sử liên hệ đến giới quý tộc Nhật bản. Ông không tham dự thế chiến thứ II, mà cũng không phê phán chính sách xâm lăng bành trướng của nước ông bấy giờ. Thời gian đó, ông bỏ sang Mãn Châu du lịch cũng như nghiên cứu cổ văn. Thái độ «dấn thân» của ông bắt đầu khoảng 1960. Ông du hành Mỹ quốc, thuyết trình tại các đại học. Tại quốc nội, ông giúp những chính khách bảo thủ tranh cử. Cùng với Yukio Mishima và nhiều nhà văn khác, ông ký tuyên ngôn lên án cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông tại Trung quốc. Ông nhận làm chủ tịch Văn Bút Nhật, và để tâm nâng đỡ các nhà văn trẻ.Học trình ông xuất sắc. Xong trung học sớm, ông đỗ vào khoa văn của Tô Đai (Đông Kinh Đế Quốc Đại Học), một trong những trường lớn và nổi tiếng nhất của Nhật.Tốt nghiệp năm 1924, ông cùng nhóm bạn cùng chí hướng cho ra tờ Bungei Jidai (Văn Học Hiện Đại), chủ trương thoát ly ra khỏi lối viết cổ điển bấy giờ còn thịnh hành tại Nhật. Văn ông phản ánh rõ rệt sự tiếp thu ảnh hưởng của văn học cấp tiến Âu châu cùng thời. Truyện đầu tay xuất bản 1925 là một tự truyện về lòng si mê một vũ sinh trẻ mới 14 tuổi có cặp giò tuyệt vời. Đàn bà trẻ (trẻ như con nít) xuất hiện nhiều trong tác phẩm ông, như trong truyện Đẹp và Buồn này. Ngoài những tác phẩm lớn, ông thích viết những truyện thật ngắn chỉ hai ba trang (vừa lòng bàn tay), và ông đã viết cả thảy hơn ngàn truyện như vậy.Trong bài diễn văn đọc khi nhận giải Nobel văn chương, ông lên án truyền thống tự vẫn, cách sống hay đúng hơn cách chết rất Nhật đã cướp đi nhiều bạn văn thân mến của ông. Tuy nhiên, như những nhân vật của truyện ông với những u uẩn trăn trở và mâu thuẫn của họ, chính ông lại tự vẫn bằng hơi độc tại Zushi ngày 16 tháng 4 năm 1972. Ông chết bốn năm sau giải Nobel, và ba năm sau khi người bạn vong niên Mishima mổ bụng tự sát. Ông hưởng thọ 73 tuổi. Ông ra đi trong lúc sức khỏe đã suy sụp, và không để lại thư tuyệt mệnh.Truyện ông thường không mở đầu, không kết luận. Những sự cố không bắt đầu bằng chương một, mà cũng không giải quyết bằng chương cuối. Vạn sự vô thủy vô chung, và không chỉ vì nhà văn cầm bút viết mà cuộc đời trở nên giới hạn trong một tác phẩm. Ông không phê phán cái xấu mà cũng không suy tôn cái tốt. Với ông xấu tốt có trong mọi cuộc sống, mà có khi thật ra cũng không phân biệt rõ ràng với nhau. Quan niệm tiểu thuyết như vậy làm ta nhớ tới Anton Chekhov. Thật ra ta nhớ đến Thiền, cái tôn giáo hay triết lý vì gốc Á đông tất nhiên ảnh hưởng đến cách nhìn cuộc sống cũng như cách nhìn thế gian của những nhà văn lớn Á đông, ít nhất những nhà văn biết thưởng lãm tiếng chuông chùa cuối năm ông ghi lại trong Đẹp và Buồn...Ông xuất bản Đẹp và Buồn năm 1965. Như Tiếng núi (Yama No Oto, 1954, tác phẩm được coi là thượng đỉnh của văn nghiệp Kawabata), tác phẩm phản ánh sự quan tâm truyền thống của người Nhật và của chính ông, với liên hệ giữa người và người, giữa người và thiên nhiên... Đây quả là một hòa tấu tuyệt vời của thơ, của tình dục thường và bất thường, của tình yêu thường và bất thường, của thiên nhiên, của người, của cảnh, của mộng và ác mộng...Đẹp và Buồn là câu chuyện cuối đời của một nhà văn nổi tiếng về thăm lại cố đô để nghe chuông giao thừa. Chuyến đi thơ mộng lẽ ra êm ả lại khơi lại một mối hận tình hai mươi năm trước. Cái mầm của bất an tiềm tàng hai thập niên bỗng trở thành một loài cây độc. Cây độc cho hoa độc, đem sự hôn mê đến đa mê tang tóc cho những nhân vật chính cũng như phụ.Quả thật chuyến đi lý là để nghe chuông, nhưng thâm sâu là mong gặp lại cố nhân của cuộc tình bất hạnh cũ. Cố nhân Otoko bấy giờ mới mười sáu, trong khi ông đã ba mươi mốt và có gia đình. Cuộc tình tan vỡ, và khi đứa con sanh thiếu tháng qua đời, cô gái đã toan tự vận. Mất trí một thời gian, sau cùng cô cũng bình phục, theo mẹ về Kyoto và biệt tăm cho đến gần đây. Oki ở lại Tokyo, tiếp tục sống với vợ con sau những sóng gió tất nhiên phải có. Ông trở thành nhà văn lớn, một phần nhờ tác phẩm Cô gái mười sáu kể lại mối tình bất hạnh với Otoko. Tác phẩm là niềm thống khổ cho vợ ông. Ngồi đánh máy bản thảo, Fumiko đã sảy thai trong một cơn xúc động mãnh liệt. Tác phẩm mang theo hồn ma hai đứa con của nhà văn, một với tình nhân, một với vợ. Oki cất bản thảo đi và không nhắc đến nó nữa. Phải nhờ Fumiko giục, ông mới cho xuất bản Cô gái mười sáu. Tác phẩm thành công tức thì, hai mươi năm sau vẫn còn tái bản, và trở thành một nguồn lợi nhuận lâu dài cho gia đình Oki.Phần Otoko, nàng theo mẹ về Kyoto, tốt nghiệp trung học chậm mất một năm, ghi tên vào trường mỹ thuật, và trở thành danh họa.Văn nghệ sĩ nổi danh là người của quần chúng, và dư luận tinh ranh sau cùng khám phá ra Otoko chính là cô gái 16 trong truyện. Khi cả hai nhân vật của cuộc tình cùng nổi tiếng, thì chuyện riêng tư khó giữ được riêng tư. Hơn 20 năm sau khi xa cách, Oki tìm lại được tung tích người xưa nhờ những báo chí về hội họa đăng tải hình ảnh cũng như đời sống của nữ nghệ nhân.Tới Kyoto, sau nhiều đắn đo, Oki sau cùng cũng đánh bạo gọi điện rủ Otoko nghe chuông chùa cuối năm với ông. Nàng nhận lời, đặt tiệc tại nhà hàng gần một tu viện để nghe chuông. Nhưng nàng cũng cho Keiko tham dự. Otoko lại thuê luôn hai cô ca kỹ để mua vui cho bữa tiệc nghe chuông. Keiko phụ trách đón ông ở khách sạn và đưa ông tại ga khi ông trở về Tokyo.Oki cho rằng cố nhân vẫn chưa quên ông. Tránh gặp ông một mình trong dịp tái ngộ, chẳng qua là nàng sợ không tự kiềm chế được khi tình xưa trở lại. Oki không ngờ là tuy không lấy chồng và không có bạn trai, Otoko đã chấp nhận mối tình đồng tính với cô học trò trẻ có sắc đẹp và cách sống bất thường.Hai người đàn bà khác nhau, một đam mê đến chỗ vô kỷ luật, một thùy mị dịu dàng và cung cách. Họ cũng giống nhau, ở chỗ cùng là họa sĩ, cùng yêu và bắt được cái đẹp, dù là cảnh mưa xuân trên núi, cảnh trăng rằm phản chiếu trong bát rượu hay trên mặt hồ, cảnh phong lưu khu trà đình tửu quán ven sông, cảnh nương chè, cảnh vườn đá...Sự cố phát xuất từ Keiko, cô học trò trẻ của Otoko. Người con gái này vô cùng xinh đẹp, đam mê, bướng bỉnh ngang ngược và nặng nết chiếm hữu. Thấy cuộc sống hạnh phúc với cô giáo bị đe dọa vì Oki trở lại, Keiko quyết tâm ra tay, và sóng gió vẫn xảy ra.Keiko thương yêu cô giáo, nên căm thù Oki đã bạc tình với Otoko. Cô gái lại ghen với mối tình xưa nghĩa cũ còn nặng trong tâm can cô giáo và người đàn ông. Và Keiko lập tâm hại Oki, dùng tất cả thủ đoạn để thi hành mưu lược, kể cả việc cùng một lúc chinh phục Oki và người con trai của ông... Lấy cớ mang tranh của mình cho Oki coi, Keiko đã thi hành bước đầu của kế hoạch bằng cách ngủ đêm với Oki tại khách sạn rồi kể cho cô giáo nghe cái suy nhược và hư hỏng của người đàn ông. Ra gì đâu cái thứ đàn ông 50 ngoài, thèm khát gái chanh cốm mà cái hôn dài một chút cũng không đủ hơi, Keiko nói với cô giáo.Sóng gió xảy ra trong liên hệ hai người đàn bà, nhưng Keiko tự tín, vẫn tiếp tục thi hành thủ đoạn. Vì tình yêu, Keiko mỗi ngày mỗi sa đọa sâu hơn vào tội lỗi và tội ác... Sự sa đọa này mang lại tai họa cho tất cả mọi người trong cái thế giới đẹp và buồn Kawabata dựng ra.