Có những ngày như thế. Cuối xuân. Cây đã xanh. Khắp nơi, trong vườn, ngoài đồng, trên những bồn gỗ đặt dọc phố..., hoa nở tung tóe. Narzissen. Iris. Tulpen. Forthisien... Rồi đột nhiên trở trời. Người và vật muốn co rút lại vì những cơn gió lạnh buốt thổi ào ạt trên thành phố, trên những tháp cổ, trên những giáo đường, trên dòng sông đã trở lại dịu dàng sau những ngày tan băng. Bầu trời như tự kéo rộng mình ra trong một màu xám bạc bình thản, trang trọng. Chính màu xám ấy đã mang lại cho các loài hoa rực rỡ một vẻ duyên dáng khó tả mà chúng không thể nào có được trong những ngày nắng. Narzissen vàng kiêu hãnh, Tulpen đen pha sắc tím cao sang. Iris xanh màu da trời diệu vợi. Rồi Hyazinthen. Rồi Gerbra... Chúng như thu ánh sáng vào trong cánh. Hầu hết những loài hoa ấy đều không thơm. Cả hoa hồng. Nhưng điều ấy không đáng tiếc. Nó làm cho cảm giác thiếu quê hương ở mỗi người trở nên đậm đặc hơn. Và cảm giác ấy vừa làm anh hoang mang vừa làm anh yên tâm, sống dễ hơn nơi xứ lạ.Trong một ngày như thế anh dạt tới Limburg. Thành phố nhỏ và chẳng có gì đáng hãnh diện. Ngoài Dom. Nhà thờ Katholich này có ở đấy đã bảy trăm năm, trấn ngự như một pháo đài ở tả ngạn sông Lahn. Tuy nhiên, anh không thích vẻ đường bệ chỉn chu của nó. Nó chứng tỏ quyền lực của một thời đã cũ. Anh là người ghét quyền lực. Người ta thường ghét cái người ta không thể nào có được như thế. Ngoài ra, vẻ chỉn chu của những kiến trúc nhà thờ cổ còn chứng tỏ khả năng làm tiền của nó bây giờ. Điều ấy thật chẳng thích hợp chút nào với sự trang nghiêm thoát tục mà lẽ ra mọi tôn giáo đều phải có. Và nói chung anh cũng không chú ý nhiều đến cảnh sắc thành phố. Anh tới Limburg để tìm việc theo lời rủ rê của một thằng em. Thằng em làm chui ở một quán Tàu tại đây và phải tới mười một giờ đêm mới nghỉ. Trong khoảng thời gian từ lúc xuống tàu đến đó, anh sẽ phải lang thang trên đường phố. Sẽ không thể dạt vào một quán nào ngồi. Cái ví hiện tại của anh không cho phép anh xa xỉ tới bực ấy. Cũng may trời trở lạnh. Khí trời, sắc trời này dễ làm chùng lòng người một cách dễ chịu và cũng làm người ta không mệt mỏi như những ngày nắng mới. Giống như những hôm gió mùa đông bắc ở quê nhà. Những cơn gió khô lạnh quét sạch phố phường và làm người ta rùng mình bất chợt vì một cảmgiác rất khó gọi tên, cảm giác về xa xôi...Bất chợt anh nghe tiếng phong cầm. Rạo rực. Réo rắt. Giai điệu đã theo anh suốt một thời đi học. "Đào vừa ra hoa cành theo gió đưa vờn trăng tà...ngoài dòng sông..." Cachiusa (1). Không khó khăn gì anh tìm được tới ngay chỗ ấy. Đoạn cuối con đường lớn dành cho người đi bộ ở trung tâm thành phố. Hai người trẻ tuổi đang hát. Dáng vẻ đặc Nga. Nga ngố. Như bọn anh vẫn thường trêu nhau thời còn là sinh viên ở Len (2). Chàng trai tóc hoe, mắt xanh lơ, cao lớn, nụ cười rất hiền. Cô gái tóc nâu, mắt nâu, dáng mảnh khảnh nhưng gương mặt đầy đặn và môi mọng. Đúng mẫu đàn bà Nga một thủa anh đã mê. Trên tay cô là một tấm khăn và cô đang nhảy múa như giữa một ngày hội. Trong trang phục truyền thống áo cánh trắng vai bồng, xaraphan (3) thêu hình kỷ hà đỏ rực như váy, trông cô giống như một bông hoa khổng lồ, kỳ cục giữa cái nơi người đi vô cảm thế này. Bàn tay chàng trai đã dừng trên phím phong cầm. Giai điệu "đào vừa ra hoa" chấm dứt. Mấy đứa nhỏ co kéo mẹ đứng xem lần lượt tản đi. Anh tiến lại. Rồi đột ngột dừng. Không thể đến để nhìn vào hộp đàn họ mở nắp đặt trên mặt đường. Hẳn trong ấy chẳng có gì đáng kể. Chàng trai đã trao đàn cho cô gái và lấy ra một cây sacxophon. Một giai điệu khác cất lên: "Bạn ơi đi với tôi lên đỉnh núi khi trời chiều... Đỉnh non của Lê - nin lòng chan chứa tình yêu... Bạn ơi ta ngó sang thành Mạc - tư - khoa kia tuyệt vời..." (4) Bóng tối đã trùm lên thành phố. Các cửa hiệu sáng trưng quyến rũ khách qua đường. Gió thổi buốt lạnh. Anh thọc sâu tay vào túi quần cố tìhơi ấm ở hai đùi. Lắng nghe. Chàng trai vào bè trầm rất ngọt. Giọng cô gái trong như tiếng bạc. Đi bè kiểu này là khiếu trời cho dân Nga. Có vẻ không nghiệp dư chút nào. Tiếng phong cầm ào ạt mời gọi. Bài hát này chính anh đã hát bao năm. Từ thời học ở trường ngoại ngữ Thanh Xuân. Từ thời sinh viên ở Nga. Có lẽ còn sớm hơn thế. Thời cấp ba. Khi mà đi Nga học là cái đích dĩ nhiên phải tới của những học sinh giỏi và lý lịch không đến nỗi nào như anh. Anh đã học ở đó sáu năm. Đã thân và đã yêu. Một cô gái Nga cùng lớp. Một cô gái cũng giống cô gái Nga đang chơi phong cầm. Dáng mảnh khảnh, mắt nâu, tóc nâu, môi mọng, hồn hậu. Anh đã nghe cùng cô bao giai điệu Nga. ở trường. ở quê cô, nơi những cây miên liễu rủ xuống làm tối hẳn khúc sông nhỏ chảy qua làng.Những giai điệu Nga... Thiết tha. Hùng tráng. Sâu lắng. Đam mê... Nhưng trong đó bao giờ cũng ẩn chứa một nỗi buồn. Phải với nỗi buồn ấy thì những giai điệu kia mới có thể âm vang trên đất nước Nga vĩ đại? Mới có thể xô đi và láy lại cùng gió trên những cánh đồng mênh mông thơm tư lự mùi cỏ héo? Mới có thể len vào những rừng bạch dương thân trắng lao xao lá và run rẩy trong đó thành những tiếng vọng kì diệu? Mới có thể bay dọc những đại lộ thênh thang dường như đặc biệt thích hợp cho việc diễu binh?Chính là nỗi buồn Nga ấy đã giúp anh sống bao năm ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp trở về. Anh lấy vợ, có con, làm việc ở một viện, không bao giờ viết thư cho cô gái Nga xưa. Đôi lần trở lại nước Nga công tác, anh cũng không một lần tìm gặp lại cô. Anh yên tâm về hạnh phúc của mình. Những giai điệu Nga đủ để lấp đầy những hụt hẫng trong đời anh. Những hụt hẫng vì đã có vợ, có con, có một cuộc sống đầy đặn và ít nhiều cũng đáng mơ ước như thế; những hụt hẫng vì đã có một thời sinh viên tuyệt diệu như thế.Sẽ là như thế nếu không có chuyện xóa bao cấp. Thôi những chuyến đi nước ngoài, dầu chỉ là đi Nga một đôi tháng trong năm. Hết nồi áp suất, bàn là hoa dâu, chậu nhôm... cho vợ bán lấy tiền chi tiêu suốt năm và chạy cho chồng những chuyến đi khác. Anh lao sang Nga, đi làm phó tiến, cũng là đi buôn. Buôn đủ thứ. Nước Nga thời Yeltsin là cái chợ Giời khổng lồ. Nhưng chẳng phải ai cũng là người trúng mánh. Từ Nga anh sang Ba lan. Rồi sang Đức. Những lá thư đi về. Vợ anh từ chối đưa con sang theo anh. Tương lai tỵ nạn mù mịt quá. Anh đọc, hiểu, đắng lòng không muốn nghĩ tới thêm một sự thật khác.Còn hai thằng con đó, anh phải gắng "cày". Thằng lớn đã mười sáu. Sang năm là thi đại học. Đích của chúng nó giờ cũng khác thời anh. Chuyện biên chế cứ như đã thuộc về một thời không sao hiểu nổi. Và vì thế mà chúng nó học đủ thứ. Anh đã ngoài bốn mươi. Tuổi chưa già. Cũng không còn trẻ. Anh phải gắng. Để nuôi con ăn học. Để một tháng đôi lần vào "động". Bao giờ đến chốn ấy anh cũng chọn gái Nga. Sau đó thường anh đau đớn đến không thể nào khóc nổi. Vì cảm giác thỏa mãn. Vì cảm giác mình đang nhục mạ những yêu thương của chính mình.... Giai điệu Nga bay qua anh, lang thang trên vòm trời thành phố. Không ai dừng lại chỗ chàng trai cô gái Nga đang hát. Thỉnh thoảng lắm mới thấy một bà lão khó nhọc cúi xuống, cẩn trọng đặt vào hộp đàn của họ một chút gì. Anh đứng ở một góc phố, lặng lẽ nhìn. Trời tối hẳn. Nhưng anh biết rằng bàn tay người chơi đàn chắc đỏ bầm, khớp ngón cứng lại vì lạnh. Cô gái chắc còn bị lạnh hơn chàng trai. Màu đỏ cháy rực của bộ trang phục truyền thống cô đang mặc có thể mang lại cảm giác ấm áp cho người chiêm ngắm, nhưng không thể đủ cho cô chống chọi với những cơn gió lạnh buốt cứ thổi thông thống dọc phố.Họ là ai? Những nghệ sỹ không có tài năng lớn, không sống nổi bằng nghề trên đất nước Nga mênh mông? Những sinh viên tìm cách kiếm tiền trang trải cho đời sống nhân một chuyến đi xa?...Đột nhiên anh thắt lòng nhớ người bạn gái thủa xưa? Yêu nhau thời ấy là điều cấm kỵ với lưu học sinh. Nói gì yêu người nước ngoài. Cô đã bỏ đứa con đầu lòng để cứu anh không bị đưa về nước trước hạn. Cô đã cứu đời anh. Cái thai hai tháng. Chưa thể biết là trai hay gái. Mà thực ra lúc đó anh cũng không muốn biết. Anh phát cuồng vì thoát nạn, vì được ở lại học tiếp. ở đó. Thiên đường đối với bọn anh khi đó. Cảm giác đó còn mạnh hơn cả lòng biết ơn cô gái của anh. Mạnh hơn cả những khát khao yêu. Mạnh hơn cả những đam mê đàn ông sôi réo trong anh.Những hồi ức bất chợt sống dậy, đau đớn... Nếu như cô có thể giữ cái thai đó! Thì nghĩa là đứa con đầu của anh rất có thể giống chàng trai đang chơi sacxophon kia. Không, không mắt xanh tóc hoe mà sẽ là mắt nâu tóc nâu. Giống mẹ. Hay là giống anh tóc đen mắt đen. Có thể cũng cao lớn thế. Có thể cũng đang lang thang ở một thành phố nào như Limburg này, hát những bài hát Nga để sống, những bài hát mà anh và mẹ nó đã hát. Cuộc sống ơi ta mến yêu người. ánh trăng. Cachiusa. Cây thùy dương. Chiều Matxcơva...(5) Có thể! Nó phải thế! Vì nó không hề biết anh. Nó không có anh đang cố sống cho nó, như đang cố sống cho hai thằng con ở Việt Nam...Nhưng cũng có thể đứa con đầu lòng của anh là gái. Anh không dám nghĩ tiếp. Đột nhiên anh hiểu rằng không bao giờ anh còn đủ can đảm bước chân vào "động". Không bao giờ.Chàng trai và cô gái đã đóng nắp hộp đàn. Vẻ mặt họ hiền hiền, lành lành. "Ngố I - van". Giai điệu Nga sâu lắng, trong sáng, vời vợi một nỗi uhoài có lẽ chỉ có thể bắt đầu từ những tâm hồn như thế!Các cửa hàng đã sắp đóng cửa. Người thưa thớt rất nhanh. Anh nhìn họ lần cuối. Những ngón chân ngón tay đã cóng. Anh quay đi và không ngoái lại. Lòng tốt, niềm thông cảm khi không được bảo hiểm bằng tiền, ở Đức này là DM, thì không còn là lòng tốt nữa.Bốn tiếng nữa quán thằng em anh làm sẽ đóng cửa. Thằng em anh thực ra chỉ là một thằng bé sinh viên ở Tiệp chạy sang đây cùng người Hà Nội như anh. Nó chạy bàn và đã xin cho anh một chân rót nước.Ngày mai với anh sẽ khác. Lòng tốt của anh sẽ được bảo hiểm bằng tiền. Nhưng đôi trai gái Nga kia liệu có còn đứng hát đâu đó ở thành phố nhỏ này hay đã dạt đi nơi khác. Và anh, làm quán ít thời giờ rỗi lắm, liệu anh có còn gặp họ?Chú thích:1: Lời bài Cachiusa.2: Gọi tắt Lêningrad, nay là Xanh Petecbua.3: áo chẽn ngắn không tay của phụ nữ Nga4: Lời bài Chiều Matxcơva.5: Tên những bài hát Nga rất quen thuộc ở Việt Nam mấy thập kỷ qua.3. 1997Lê Minh Hà