Trong lúc ngủ mê mệt chàng lẩm nhẩm tên La tinh của cây thuốc vừa phát hiện được, xen lẫn tiếng Tày, tiếng Nùng, đều là tên cây mà đồng bào địa phương quen gọi. Thanh minh mãi không được. Họ vẫn khăng khăng: “Vô lý lại xổ ra một tràng tiếng Pháp (!)”. Phải nâng cao cảnh giác, đề phòng những phần tử phản động chui sâu, leo cao.
Ngày ấy, tốt nghiệp dược sĩ Đông Dương chàng mới 28 tuổi. Hai năm sau thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chàng vét đến những viên Dagenan cuối cùng gói gém lại theo Việt Minh lên vùng tự do. Rừng thiêng nước độc trở thành thân thuộc, đầy sức quyến rũ. Cái danh hiệu “bà hàng lá tân thời” mà đồng nghiệp gán cho chàng chẳng những không làm chàng xấu hổ mà giờ đây có phần tự hào. Đóng quân ở đâu chàng cũng lân la làm quen với các ông lang, bà mế, thầy cúng, thầy mo để học lỏm những bài thuốc dân gian rồi lần mò vào rừng sâu tìm cây con làm thuốc.
Cuộc kháng chiến trường kỳ là cơ hội cho chàng đi điều tra cây thuốc dài ngày. Cơm nắm đường rừng, chàng vừa đi vừa tâm niệm những lời vàng ngọc của danh y Tuệ Tĩnh: “Tôi tiên sinh học đạo tiên sinh, thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt!” Cây thuốc tràn trên mặt đất, ngập trong rừng sâu, dày đặc mỗi bước chân đi. Kiến thức Đông y như vốn sống nhân gian, mỗi bài thuốc như một câu ca dao tục ngữ, một làn điệu dân ca lưu truyền đời đời, song nó tản mát và cũng rất dễ bị thất truyền, cần được gom lại.
Chàng gấp tờ giấy đang cứng ráp màu nâu nhạt, nhấm nước bọt kéo lên môi, đoạn xé thành từng mảnh vừa túi áo để tiện ghi chép và lưu giữ dọc đường hành quân. Hôm đó chàng mừng rỡ được thầy mo tiết lộ một cây thuốc chuyên trị sốt cao nhưng lại có thể đắp ngoài để sát trùng cầm máu rất tốt. Phải báo ngay cho bác sĩ Ngạn mới được. Trăng hạ tuần đã quá đỉnh đầu chàng mới lần về đến nhà. Vai áo đẫm sương đêm. Người gác hỏi trống không: “Sao giờ này mới về?”. Sáng ra mọi người thì thầm to nhỏ, nhìn chàng tỏ ý nghi ngờ.
Niềm say mê khiến chàng vô tư, quên cả những người xung quanh đang nhìn mình bằng ánh mắt khác lạ. Ngày ấy những trí thức đi theo cách mạng như chàng ắt không phải thành phần cốt cán. Họ bị liệt vào loại “tạch tạch xè” (T.T.S: tiểu tư sản) với lập trường bấp bênh, không triệt để cách mạng, dễ hoang mang dao động. Thế nên quan hệ với thầy mo thầy cúng là điều không thể bỏ qua. Ngày đó có ba điều đáng sợ, có khi làm khổ người ta suốt đời, như một cái án treo: “chính trị bất minh”, “kinh tế bất minh”, “quan hệ bất minh”. Chàng theo cách mạng là vì màu cờ sắc áo, còn về vật chất là trở thành “bần cố nông”. Lẽ ra họ phải biết quý trọng chàng hơn?
Một lãnh đạo nhìn mắt chàng, hỏi:
- Đêm qua anh nói những gì?
- Tôi chẳng nói gì cả. Tôi đi tìm cây thuốc.
- Không, gần sáng trong lúc ngủ kia!
Về sau chàng mới hay, thì ra trong lúc ngủ mê mệt chàng lẩm nhẩm tên La tinh của cây thuốc vừa phát hiện được, xen lẫn tiếng Tày, tiếng Nùng, đều là tên cây mà đồng bào địa phương quen gọi. Chàng thanh minh mãi không được. Họ vẫn khăng khăng: “Vô lý lại xổ ra một tràng tiếng Pháp (!)”. Phải nâng cao cảnh giác, đề phòng những phần tử phản động chui sâu, leo cao. Chết thật, theo Cách mạnh chàng đâu sợ khổ, nhưng hình như họ vẫn chưa tin, “kính nhi viễn chi”, coi mình là khách của cách mạng.
Một giọng hát cất lên giữa rừng chiều: “Hà Nội ơi! Hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi. Hà Nội ơi! Dáng huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê, biết đâu ngày ấy anh về…”. Giọng ca mỗi lúc một tha thiết, đắm say khiến lòng càng day dứt. Chàng nhớ cô hàng xén Hàng Đào với quan niệm: “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Dược sĩ tân khoa chưa kịp hỏi đã khoác balô lên đường. Vận nước đến, khi trong đầu ngự trị hai tiếng “Tổ quốc” thiêng liêng, con người ta trở nên cao thượng và lãng mạn vô cùng. Vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho cách mạng với lời thoái vị nổi tiếng: “Trẫm thà làm dân của một nước độc lập còn hơn làm vua của một nước nô lệ!”. Và cô hàng xén Hàng Đào suốt ngày ngồi nhặt nhạnh từng xu tháo đôi hoa tai thả vào đỉnh đồng quyên góp trong “Tuần lễ vàng”. Thiếu đôi hoa tai mà hình như lại đẹp ra. Ai cũng đẹp khi biết hy sinh cho Tổ quốc.
Nàng như đang đứng trước mặt chàng, thật gần. Siết xanh-tuya Nhật bó lấy hai vạt áo veston rồi đứng đuỗn ra như cây chuối hột nhìn nàng. Nàng lóng ngóng gấp ve áo vào trong cho chàng, cài kim băng, bẻ phần cổ trên dựng lên, đính thêm hai cầu vai cho ra vẻ Vệ quốc đoàn. Ghé môi cắn chỉ, nàng liếc chàng mắt sắc như dao. Hơi thở ấm phả lên cổ chàng. Chàng vẫn ngây như cây gỗ, chỉ một vòng tay thôi, nhưng chàng không làm được. Cả khi nàng giơ hai cánh tay trắng ngần sửa lại mũ calô màu kaki, chàng vẫn không nhúc nhích. Cuối cùng, nàng thở dài khoanh tay dưới khuôn ngực tròn đầy nõn nà ngắm chàng: “Ra dáng anh “Vệ túm” lắm rồi!”. Chàng đưa nắm tay ngang thái dương hô to: “Hẹn ngày độc lập!”. Thế là chàng từ biệt nàng, bỏ lại Pharmacie (hiệu thuốc) trống rỗng giữa trung tâm Hà Nội, ngay bờ hồ Hoàn Kiếm
Ở chiến khu các đồng nghiệp thường tìm đến nhau. Chàng định giới thiệu một cây thuốc cầm máu thì bác sĩ Ngạn mặt buồn rười rượi:
- Họ nghi tôi là Việt gian…
Chàng ái ngại nhìn ông:
- Ông nói thật đi, có phải họ vẫn cho ông dùng cưa gỗ để cưa xương thương binh là cố tình gây tử vong?
- Đó là cách tốt nhất trong trường hợp bất khả kháng của tôi.
- Thì đã đành…
Hai người đứng dưới bụi mai bên suối, chợt bác sĩ Ngạn nhìn trước nhìn sau, hạ giọng:
- Anh thông cảm cho tôi… Thôi đành giữa đường đứt gánh…
Những lời cuối cùng như tắc nghẹn trong cổ họng. Chưa dứt câu, Ngạn quay đi. Chiếc mũ lá tụt xuống lưng làm cho cái quai bằng dây gai lẵng nhẵng cứa ngang cổ. Bác sĩ cứ để yên như thế khuất sau bụi mai. Hình ảnh cuối cùng của người đồng nghiệp còn in trong mắt chàng.
Không ngờ bác sĩ Ngạn “dinh tê” thật.
“Dinh tê” là bỏ vùng tự do về vùng giặc tạm chiếm. Như thế là đào ngũ, là phản bội. Hai tiếng “phản bội” làm chàng rùng mình xấu hổ. Nhớ lần ở Việt Bắc, Cụ Hồ hỏi bác sĩ Tôn Thất Tùng:
- Không có bác sĩ Tùng, nhân dân có sống được không?
- Được ạ, thưa Bác – Tùng trả lời.
- Thế bác sĩ Tùng không có dân có sống được không?
- …!
Thật ngắn gọn mà sâu sắc quá. Sự nghiệp nghiên cứu, sử dụng thuốc Nam của chàng càng không thể xa dân, nó là sự đúc kết của nhiều thế hệ. Chàng ngửa mặt nhìn núi rừng, tự nhiên lại thấy ánh mắt Cụ Hồ. Cụ ở đâu đó cùng Trung ương, Chính phủ giữa núi rừng chiến khu này. Cụ đến với mọi người trong những phút vui buồn và cảm thông tất cả. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn vang vọng: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Đúng, giành được nước rồi, nhất định không chịu nô lệ một lần nữa.
Khi cầm lá phiếu bầu cử Quốc hội lần đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chàng cũng đã thầm nghĩ như vậy. Chàng cúi xuống đất, hài lòng với đôi guốc mộc tự đẽo lấy của mình. Guốc gỗ vông đi sướng thật, vừa nhẹ, vừa bám đất, ít tiếng động, không sợ trơn trượt. Quai guốc cắt ra từ thắt lưng lính Nhật, sợi se, bền và thoáng. Hình như cái giản dị mộc mạc của Cụ Hồ lây sang người khác.
Trăng lên trong tiếng côn trùng ran ran bản hợp xướng bất tận. Sương đất lành lạnh dâng đầy. Suối róc rách chảy quanh. Chàng dừng lại dưới bụi mai xanh biếc giờ đen sẫm như mực, hướng về Việt Bắc, nơi có những đỉnh núi trập trùng im phăng phắc. Chàng nhìn không chớp. Núi cũng thôi miên lại. Hồn thiêng đất nước là đây. Khi tâm hồn tràn ngập một tình cảm lớn thì những ý nghĩ nhỏ nhặt, tầm thường tự nhiên biến mất. Chàng chắp hai tay lạy núi rừng, vái mấy vái, đoạn quay gót lại nhà, một túp lều tranh vách nứa.
Tại sao ta không có lời khuyên nào đối với bác sĩ Ngạn? “Tạch tạch xè” có cái dễ chịu của “tạch tạch xè”. Bí quyết của chàng là hãy coi những lời thì thào sau lưng như không có. Tiếc cho bác sĩ Ngạn. Chàng gấp tờ báo Cứu Quốc đặt lên chiếc chõng tre, ngồi vẽ mấy cây thuốc dưới ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn chai treo lơ lửng. Những mảnh giấy dang bằng bàn tay xếp dầy mãi lên, căng phồng túi áo ngực. Chàng gói thành từng gói, bọc lá chuối khô để trong chum như người ta thường tích trữ thuốc lào. Mấy người trong đơn vị càng nghi. Đêm đêm chàng gò lưng trên chõng tre bên ngọn lửa bếp bập bùng, nhập nhoạng, có lúc thiếp đi.
Chàng thấy mình đuổi theo bác sĩ Ngạn, vừa chạy vừa gọi. Chàng qua phà Trung Hà. Ba Vì hiện lên sừng sững. Từ đấy về Hà Nội chỉ còn 42 cây số nữa, đường nhựa phẳng lì, xe “Con Cóc” bon bon không đầy tiếng đồng hồ. Lại đôi mắt cô hàng xén! Rồi sấm chớp. Mưa. Mùi xăng ôtô. Đèn pha sáng lóa trong sương mù. Một tiếng hô lớn: “Giơ tay lên!” bằng tiếng Pháp. Chàng ôm chặt ngực áo căng phồng tập giấy ghi chép. Đoàng! Choàng tỉnh, hai tay chàng vẫn khư khư ôm lấy ngực. Người nằm cạnh giật mình ngồi phắt dậy. Chàng móc tập giấy trong túi áo, vuốt phẳng phiu: “Nếu tôi có mệnh hệ gì… hãy chuyển cái này cho bộ môn Dược Liệu Trường đại học Y Dược Hà Nội!”.
Nhưng trời phù hộ, sau chiến thắng Điện Biên, năm cửa ô đón chào chàng trở về. Những mảnh giấy bằng lòng bàn tay ấy trở thành cuốn sách nghìn trang: “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”. Một viên ngọc quý, cẩm nang, từ điển cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này. Chàng ôm cuốn sách trong tay như ôm cuộc đời mình.
Bao chàng trai theo nhà thơ đi tìm lá diêu bông mong đến với tình yêu đôi lứa. Còn chàng, theo Cụ Hồ tìm cây thuốc đã gặp một tình yêu lớn

Xem Tiếp: ----