Cũng chỉ 2 năm mắc nghiện, hắn đã biến ngôi nhà hạnh phúc ngày nào giờ thành cái địa ngục. Hai đứa con đẹp như tranh giờ đây trông không khác những đứa trẻ ăn mày. Thằng anh 9 tuổi mà chưa được cắp sách đến trường. Thằng em 6 tuổi rồi mà teo tóp, ngơ ngác như đứa trẻ lên bốn, lên năm… Cơn nghiện lại bắt đầu trỗi dậy. Hắn đảo mắt nhìn quanh nhà. Không còn thứ đồ đạc nào bán nổi hai chục ngàn đồng để hắn mua một “tép đểu” (thứ hêrôin chứa nhiều tạp chất) hít cho đỡ thèm. Hắn ngồi tựa cửa. Trên cái thân hình teo tóp, bệ rạc và có vẻ nhu nhược của hắn là những ý nghĩ “bốc lửa”: làm cách nào để kiếm ra tiền. Hắn không thể xin tiền của người vợ dễ bảo nữa. Tuần trước hắn đã đánh vợ thâm tím mình mẩy và cô ấy đã đem hai đứa con về ở với ông bà ngoại ở làng bên. Nguyên nhân của vụ đánh vợ chỉ đơn giản là vì cô ấy ngăn không cho hắn bán chiếc tủ thờ tổ tiên ông bà. Tiền bán chiếc tủ thờ chỉ đủ cho hắn ăn và hít dè sẻn đến chiều hôm qua. Hắn cũng không còn dám đợi đêm đến sẽ lang thang trong làng, ngoài xã, trộm con gà, con chó, “thó” cái chảo, cái xoong mang đến tiệm cầm đồ của mụ Tư Rỗ trên chợ huyện. Tháng trước, hắn mới luồn được tay vào lườn con gà mái đang ấp trứng của bà Lức xóm trên, đã bị hai thằng con trai lớn của bà ấy vác gậy phang cho một trận suýt chết. Ngồi nghĩ mãi cuối cùng hắn cũng nảy ra ý định bán một ít đất vườn quanh nhà. Đằng nào thì vợ con hắn cũng đã sang ở bên ngoại rồi. Hắn tự nhủ: không có đất, chẳng chết, chứ không có thuốc, cơn nghiện nó vật khéo chết toi. Trong khi hắn đang bám riết lấy kế hoạch bán đất thì hai đứa con hắn thập thò ở đầu ngõ. Thằng cu lớn xách một cái nồi đất, thằng cu bé xách một cái lồng chim. Con chim sáo trong lồng do chính tay hắn bắt trên cây đa đầu làng hồi chưa nghiện. Hai đứa trẻ chăm con sáo lắm, chúng còn dạy con sáo nói được đôi câu. Nhìn thấy cái lồng sáo, trong đầu hắn lại lóe lên một tia hy vọng khác. Hắn bước ra đầu ngõ, cất giọng mà như trong dân gian thường nói: “Nói hay như thằng nghiện”: - Cu lớn, cu con về nhà mà sao không vào. Sợ bố à? Hổ dữ cũng không ăn thịt con bao giờ. Huống hồ bố đã dứt ruột đẻ ra các con. Mấy ngày qua, bố nhớ các con lắm. Bố tự trách mình và nghĩ rằng phải quyết tâm cai. Chết cũng phải cai bằng được! Nghe bố nói hay như tiếng sáo hót, hai đứa trẻ đã bớt sợ. Chúng theo chân bố vào trong nhà. Thằng cu lớn nói: - Mẹ lo bố đói, sai chúng con mang cho bố ít cơm. Hắn mở nồi. Cơm niêu đất vùi trấu. Lại có mấy miếng cá kho ở trên. Đến lúc ấy hắn như sực tỉnh. Từ chiều hôm qua đến giờ hắn chưa ăn uống gì. Thằng cu con vào chạn bát lục được cái thìa gãy cán đưa cho bố. Nhưng trong lúc cơn nghiện đang hành, miếng cơm nuốt vào trong cổ họng chỉ càng thêm đắng. Hắn buông thìa, ngồi thừ ra một lúc rồi nói: - Cu lớn, ở lại trông nhà. Cu con xách lồng chim đi theo bố. Hai đứa trẻ ngơ ngác. Thằng cu lớn nghi hoặc hỏi: - Sao phải xách lồng chim đi hở bố? Hắn xoa đầu con, giọng thánh thót: - Bố có ông bạn ở làng bên nuôi một lũ sáo sậu. Hôm trước bố sang chơi có kể với ông ấy rằng nhà mình có con sáo đực biết hót. Ông ấy nhắn nhe xin giống. Chỗ bạn bè, hôm nay bố con mình mang con sáo đực này sang cho đàn sáo cái nhà bác í tí giống. Sau này, sáo nhà bác í đẻ, thể nào bố con mình chả được vài con nữa.. Cu con nghe bố nói thế thì thích lắm. Riêng cu lớn, mặt ỉu xìu. Nhưng nó sợ những trận đòn của bố nó trước đây nên không dám nói gì. Cu con phải chạy gằn mới kịp bước hắn. Không phải là làng bên mà bố nó đưa lên tận chợ huyện. Cu con hỏi bố: - Sao bố bảo nhà bác nuôi chim ở làng bên, giờ lại lên chợ huyện? Hắn xoa đầu con: - Bố sực nhớ ra hôm nay là ngày chợ phiên, bác ấy lên đây bán chim. Đến gần cửa chợ, hắn kéo cu con vào một quán bánh đúc và nói: - Cu con ngồi đây ăn tạm cái bánh đúc. Lát nữa có tiền bố cho đi ăn phở. Cu con cắt cái bánh đúc thành hai phần không bằng nhau. Nó ăn nửa bé. Bà chủ hỏi, nó nói, nửa còn lại sẽ gói về cho anh nó. Nó còn khoe với bà chủ quán: tí nữa sẽ được bố dẫn đi ăn phở… Từ bé đến giờ, chắc đây là lần thứ hai nó được đi ăn phở. Lần trước cách đây hơn một năm, anh em nó được mẹ cho đi chợ Tết. Sau khi bán được đôi gà và một thúng quả quất, mẹ mua cho mỗi đứa một bát phở. Cho đến bây giờ, mùi vị của bát phở ấy vẫn váng vất quanh môi nó. Chỉ cần nhắc đến từ phở là nó đã ứa nước miếng. Cu con ăn xong phần bánh đúc thì cũng là lúc bố nó trở ra. Thấy bố đi tay không, nó hỏi: - Ơ bố, chiếc lồng chim đâu rồi ạ? Bố nó lại cất giọng dẻo như sáo hót: - Chợ đông, lũ sáo nó sợ. Bố đành để con sáo nhà mình lại cho bác ấy mượn. Chiều mai bác ấy mang trả. Cu con mếu máo: - Ứ phải, bố nói dối. Chắc bố bán mất rồi. - Bậy nào, bố chỉ cho bác ấy mượn. Mà con biết không, con sáo nhà mình khôn nhà dại chợ, ở nhà thì nó líu lo. Thế mà lên đến đây lại câm bặt. Thành ra bác ấy chỉ cho dăm chục ngàn. Bác í bảo, nó mà biết nói thì ba trăm ngàn bác í cũng không tiếc. Cu con: - Để con ra xem sao. Con mà cho ăn, thể nào nó cũng nói. Nghe thằng con nói vậy, trong đầu hắn lại lóe lên niềm hy vọng. Ba trăm ngàn có thể ăn và hít được một tuần, đủ thời gian để hắn gọi bán mảnh vườn. Hắn kéo cu con đi về phía góc chợ, nơi hắn vừa bán con sáo cho cửa hàng mua bán chim cảnh. Nhìn thấy cu con, con sáo bỗng tươi tỉnh hẳn lên. Nó vừa nhảy vừa vỗ cánh, đòi cậu chủ cho ăn. Cu con cũng mừng ra mặt. Nó đến bên lồng chim, véo một mẩu bánh đúc phần cho cu lớn, vê thành con sâu bé xíu dứ trước mỏ con sáo. Con sáo nhảy nhót một hồi rồi cất tiếng người khá sõi: - Mẹ ơi con chết đói đến nơi rồi. Cu con cho nó thêm miếng bánh đúc. Nó gật gù một lúc rồi lại cất lời: - Bố ơi, đi cai nghiện đi. Bố ơi, đi cai nghiện đi… Cứ mỗi lần cu con cho con sáo ăn một con sâu bánh đúc, nó lại cất tiếng. Tiếng của nó mỗi lúc một thêm não ruột. Con sáo đã bắt chước tiếng của vợ hắn, tiếng của hai đứa con hắn mỗi ngày. Mọi người xung quanh nghe tiếng con sáo nói như khóc, vừa sợ vừa buồn. Ông chủ cửa hàng gỡ cái lồng chim đặt vào tay cu con và nói: - Bác trả lại con sáo cho cháu. Mang về dạy nó nói câu khác đi. Rồi ông ta quay sang người bố: - Con sáo này quý lắm. Nó có thể giúp anh cai nghiện được đấy. Coi như tôi cho anh 50 ngàn đồng để nó nhắc anh mỗi ngày. Cu con không hiểu ý ông chủ. Nó cám ơn ông ta rồi lẫm lũi xách cái lồng chim bước nhanh ra cổng chợ. Hắn lặng lẽ bước theo thằng con. Đến bây giờ hắn mới để ý đến đứa con mà một thời hắn quen gọi là “cục cưng”, là “cục vàng”. Ngày ấy, mỗi chiều thấy bóng hắn về đến đầu ngõ, thằng bé lũn cũn chạy ra khoanh tay trước ngực chào rồi đòi bằng được bố công kênh trên vai chạy quanh sân vài vòng. Trong khi đợi vợ nấu cơm chiều, ba bố con hắn kéo nhau ra cầu ao tắm táp. Hai đứa con hắn cách nhau ba tuổi, đứa nào cũng mũm mĩm, khỏe mạnh như ngan, như ngỗng. Mỗi lần được bố kỳ lưng, kỳ nách cũng kêu nhột, kêu buồn rồi phá lên cười nắc nẻ. Khi ấy căn nhà nho nhỏ xinh xinh của vợ chồng hắn luôn đầy ắp tiếng cười, đầy ắp niềm vui. Nhưng giá như ngày ấy hắn chịu nghe lời khuyên của vợ đừng theo chúng bạn lên rừng tìm vàng. Quả thật, bãi đào đãi vàng là cơ hội đổi đời cho một vài kẻ gặp may nhưng cũng khiến cho vô số người trở thành mạt vận như hắn. Sau gần năm tháng hùng hục làm lụng ở chốn thâm sơn cùng cốc, trở về làng, hắn trở thành một con nghiện có hạng. Và cũng chỉ 2 năm mắc nghiện, hắn đã biến ngôi nhà hạnh phúc ngày trước thành cái địa ngục đày đọa vợ con. Hai đứa con đẹp như tranh ngày nào giờ đây trông không khác những đứa trẻ ăn mày. Thằng anh 9 tuổi mà chưa được cắp sách đến trường. Thằng em 6 tuổi rồi mà teo tóp, ngơ ngác như đứa trẻ lên bốn, lên năm… Nhìn những đứa trẻ con thiên hạ như hoa, như ngọc được bố mẹ dắt tay ríu rít đòi sà vào hàng này, quán nọ hắn bỗng thấy chạnh lòng… Bên tai hắn vẫn văng vẳng tiếng con sáo hót mà như khóc. Đi qua một hàng bán đồ sắt, hắn bỗng nhớ lời người bố dặn lúc lâm chung: “Từ cổ chí kim, không có thứ thuốc cai nghiện nào đặc hiệu đâu. Nếu không cai được bằng ý chí thì lấy cái xích tự xích mình vào may ra thoát nạn”... Sau khi bố hắn mất, người trong làng đồn rằng: “Ông ấy không chết vì bệnh mà chết vì có thằng con nghiện”. Thiên hạ đã nói đúng, từ khi hắn ở bãi vàng về, bố hắn mới suy sụp, mới đổ bệnh… Và nếu hắn vẫn nghiện ngập thì rồi đây đến lượt vợ con hắn cũng hết đường sống… Nghĩ vậy hắn bảo thằng con dừng lại chờ. Lát sau từ cửa hàng quay ra, trong tay hắn cầm sợi xích sắt và một cái khóa thật to. Cu con băn khoăn: - Bố mua những thứ này làm gì? Hắn ứa nước mắt mà nói với con: - Mấy năm nay mắc nghiện, bố thật không bằng loài vật. Bố mua những thứ này là để tự giam mình. Bố sẽ nghe theo lời ông nội con, nghe lời của mẹ con con và cả lời con sáo. Bố sẽ cố làm người… Nguyễn Xuân Hải