Năm Châu 18 tuổi, bà dì ở một thành phố mới giải phóng ở phía Nam gửi cho một chiếc áo dài. Trong một buổi gặp gỡ có tính hội hè vui vẻ rất hiếm ở thập kỷ 80, lần đầu tiên Châu mặc chiếc áo dài có những bông hoa trắng càng xuống vạt càng nhỏ đi tạo cái dáng áo cao lên.
Châu cảm giác cái áo mặc vào ngày hôm nay có một tính chất khác thường, nó sẽ cho cô những may mắn gì đấy mà khó gặp vào lúc khác. Linh cảm về cái gì đó chờ đợi mình khiến đôi mắt Châu mở lớn, trống ngực đập như tiếng búa đập đá. Bước đi giữa các bàn như nữ hoàng bước giữa hai hàng lính danh dự. Biết rằng có nhiều cặp mắt dõi theo… May mắn thay khi người ta ở vào tuổi 18
… Châu cố gắng thờ ơ, phong thái cố tỏ vẻ chững chạc, chẳng cần ai. Bọn thanh niên choai choai búng ngón tay chong chóc, hê lô hê la từ các xó xỉnh, Châu chẳng quay nhìn. Cái áo dài tuyệt đẹp giúp người ta lớn, không dễ bắt nạt. Châu chán ngắt cái bọn mặt búng ra sữa, chả có ai ra hồn. Dù vậy nếu chúng nó chẳng búng tay, chẳng hê lô, chắc chiếc áo dài này sẽ cứng như làm bằng đá!
Từ cuối dãy bàn kê sát tường, một người đàn ông không trẻ, không già, chống tay lên cằm cũng đang thờ ơ nhìn cảnh và người. Chả hiểu sao Châu có cảm giác anh ta đang chán ngắt mọi sự. Y như mình. Có điều anh ấy có vẻ chân thật còn mình, thực ra mình có chán đâu. Mình làm ra vẻ thôi. Ở tuổi này, mình còn khối thì giờ để chán. Châu tiến lại phía anh ta. Những đầu mẩu thuốc lá chất đầy cái gạt tàn trước mặt người đàn ông. Anh ta ngồi đây lâu rồi, chẳng để ý đến ai, cũng chẳng bắt chuyện với ai. Châu ngồi cạnh anh. Lúc này người đàn ông mới nhìn sang. Hai người gật đầu chào nhau. Cùng quay đi rồi cùng bất chợt nhìn nhau. Tiếng sét nổ giữa khoảng cách mong manh. Người đàn ông càng lúc càng có cái nhìn chăm chú: cô gái ơi, cô ở đâu ra?
Thực ra anh ta cũng không có nhiều hấp dẫn. Người cao lòng khòng, tóc đã hơi hói, hay lạnh co ro giữa đêm mùa thu mùi hoa sữa làm không khí trong veo như không hề có tạp bụi. Những buổi đêm ở chỗ Châu về, bao giờ Châu cũng quấn hai lần khăn len lên cổ anh. Vừa quấn những vòng khăn, nước mắt Châu vừa trào ra với bao nhiêu trìu mến. Khổ lắm thôi, cố quàng khăn đi không lại ốm, em chịu không được đâu!
Châu ở ký túc xá một trường đại học. Ký túc xá cố gắng tạo cho sinh viên chỗ ở độc lập, nên một phòng 12 người thành ra thành sáu phòng nhỏ. Mỗi phòng hai người. Châu may mắn ở với một chị có nhà ngoài phố. Thi thoảng mưa rét hay bài vở nhiều, chị ở lại ký túc xá. Còn Châu được làm chủ năm cái mét vuông chung quanh là cót ép. Những phòng bên cạnh bằng cách này hay cách kia, mỗi người đều có những giây phút riêng. Mùi xào nấu, tiếng mỡ rán, tiếng những chiếc giường gỗ tạp cọt kẹt, tiếng khóc vì hờn giận, tiếng xoa dịu của những người đàn ông… Chẳng ai giấu ai cái gì và thật may mắn không ai nhìn thấy ai. Những người đàn ông đến với các nữ sinh viên đều ý tứ không gặp nhau…
Anh đã có vợ. Người vợ cưới ở quê như trăm phần trăm các công chức tuổi anh lúc này ở thành phố. Năm chiến tranh, trước khi ra trận, những người già cố gán một cô nào đó với người lính. Cưới vội, nén vội lại cái mầm sống của mình rồi ra đi. Hết chiến tranh, còn sống trở về tới thành phố làm việc. Lúc này mới nhìn kỹ người vợ cưới vội, trăm bề chẳng hợp nhau. Con cái có rồi mà những năm ấy cô ta chăm sóc ruộng vườn, cha mẹ già… Tường cũng vậy. Bỏ không được. Lại rơi vào trường hợp hãn hữu, cô vợ Tường, sinh ra ở một thị trấn nhỏ. Nửa tỉnh nửa quê nên các thói đời rất rành rẽ. Chị ta có tính kích động thái quá, tức giận là sẵn sàng lao mình xuống từ gác năm. Đã mấy lần chị uống thuốc ngủ. Mấy lần dọa lao mình. Tường chẳng phải gan góc gì, cũng là tình nghĩa… Nên những đêm ở lại giữa năm cái mét vuông cót ép của đời sinh viên, anh thường phải dối vợ là đi công tác. Chiều thứ bảy là chiều lý tưởng. Trường vắng teo. Những phòng bên cạnh đều của các cô ưa thói chơi thành thị: đi picnic. Tường lọc cọc cái xe đạp từ nhà xuống, đèo theo vài củ xu hào, quả tim lợn hoặc tý thịt bò. Trong khi Châu hí húi xào nấu bằng cái bếp dầu. Tường sửa lại cái chốt giường, đóng lại vài cái đinh. Vừa làm vừa hát, ở nhà không lúc nào anh hát nổi trước khuôn mặt giận dữ và tuyệt vọng bất tận của cô vợ đòi hỏi mọi thứ đều cao. Hai người chụm đầu ăn uống. Cô yêu Tường, thương anh đến thổn thức và tất cả những lần trong bóng đêm của căn phòng sinh viên thưng cót ép, nước mắt Châu đều tràn ngập như lụt. Khoảng gần nửa đêm, Tường khoác lên mình cái áo. Châu ôm cổ anh, quàng khăn cho anh, đêm mùa hè cũng vậy, đường xa nhỡ đau ốm thì tội …Những giọt nước mắt lại rơi.
Hôm đầu tiên của tháng đầu tiên, của năm đầu tiên yêu nhau, Tường hôn nhẹ lên má người yêu thầm thì:
- Thôi anh về nhé.
Hai năm sau yêu nhau, anh vẫn có động tác ấy, lời thầm thì ấy:
- Thôi anh về!
Hôm đầu tiên, Châu choáng người khi chỉ còn lại một mình. “Thôi anh về”. Thế là anh về. Dù thế nào thì anh cũng có một gia đình và anh phải về. Những đứa con của anh còn nhỏ, anh phải kiểm tra bài vở cho chúng, anh phải về thì đúng rồi còn gì. Người vợ suốt đời mang bộ mặt sầu não tuyệt vọng của anh nhất định phải cho cái bàn là nóng vào chăn cho ấm. Anh phải về! Điều đúng quá là anh phải về. Nhưng giá như anh nghĩ rằng có một con bé yêu anh tan nát trái tim đang chẳng biết về đâu.
Cứ thế đều đặn, hai năm sau yêu nhau anh vẫn hôn nhẹ lên má cô, thì thầm: thôi anh về nhé. Những năm Châu học đại học, năm cái mét vuông cót ép tràn ngập yêu đương và cũng đầy những lời chào thầm thì: thôi anh về! Châu sợ người yêu, tôn thờ từng bước chân anh đi. Những chiếc may ô của anh để dưới gối, đêm đêm Châu vẫn ôm nó vào khuôn mặt đẫm nước. Đó là thời kỳ áo may ô có lúc vá từng miếng to, có hôm cô hôn hai bàn tay anh, thấy đầy mùi mỡ thực vật Na Uy, cái thứ mỡ viện trợ rửa bao nhiêu cũng không hết mùi. Anh bảo: anh từ cơ quan phải về nhà nấu cơm rồi mới đi. Vợ anh lại ốm! Xào khoai tây với mỡ Na Uy, cho trẻ nó ăn lấy chất. Cô yêu cái mùi mỡ khó rửa sạch nơi tay anh. Cô vá những chiếc may ô. Thuốc đánh răng bằng bột được phân phối ở trường, cô gói vào túi nilon cho anh đi công tác. Cô dành dụm những hạt mì chính cho vào cái lọ con: đi ăn phở, anh chấm thêm cho ngọt!
Ấy vậy mà ra khỏi chăn của cô, anh cứ vô tâm:
- Thôi ngủ đi anh về nhé!
Châu làm sao ngủ được khi cái cảnh anh về với gia đình cứ dày vò giấc ngủ của cô. Một lần hiếm hoi, cô sợ sệt bảo anh: anh đừng nói là anh về, anh nói kiểu khác đi.
Anh ngỡ ngàng nhìn cô, cười xòa: chuyện vặt. Thói quen thôi mà… Châu sắp tốt nghiệp đại học, anh vẫn vô tâm: thôi anh về.
Những năm sau chiến tranh với vô vàn thứ khan hiếm đi qua. Thập kỷ 90 bắt đầu với đèn màu ngoài phố, cửa hàng có đủ thứ để mua. Châu tốt nghiệp đại học giữa lúc khan hiếm việc làm. Tường không phải là người tình thoáng qua khi vui vẻ. Anh thực sự như là người thân thiết của Châu. Anh tìm việc làm cho Châu: ở cơ quan thằng bạn thời đánh nhau. Châu về làm ở phòng hành chính, bằng lòng với công việc đánh máy công văn, rửa ấm chén, nghe điện thoại… Một người bạn nữa của Tường đi kiếm ăn tận trời Âu, Tường giữ nhà cho bạn, nửa căn hộ trên gác năm ở khu tập thể lắp ghép. Châu dọn tới với cái va li nhỏ, bếp dầu, những chiếc chai. Và những chiếu thứ bảy êm đềm trong chăn ấm. Ở đây khi ra về, Tường nhón chân cho nửa căn hộ bên trong không nghe tiếng. Châu lại quàng cổ anh, ôm lấy thổn thức: ấm rồi, anh phải cố giữ cái phổi. Tường hôn Châu, tiếng thầm thì hơn cả thời ở ký túc xá:
- Thôi anh về nhé!
Anh về, anh về. Châu buồn. Rồi thấy hậm hực. Chả nhẽ anh không chào nổi một câu khác. Sao Châu khổ thế. Anh ấy yêu Châu. Đã hẳn. Nhưng tương lai của Châu thì sao đây? Rồi sẽ tới đâu? Hai người đã bàn chuyện lo cho đứa con đầu của anh vào đại học. Châu đùa: nó thế chân em! Trong nửa căn hộ ám khói ở tầng năm này, lại những buổi chiều anh tạt qua. Thịt giờ đã mua tự do. Nhà hàng đã có nhiều món ăn khá, ăn lạ. Nhưng cái bếp dầu vẫn làm phận sự của nó. Cái chăn trong mùa đông. Cái quạt điện mùa hè. Và anh lại thường về vào lúc mười giờ tối. Vợ anh hay ốm, cô ấy thích thấy anh ở nhà. Thôi anh về nhé!
Châu mặc váy, hai cái chân dài trong tất đen có điểm những bông hoa lốm đốm. Thủ trưởng của Châu hấp háy đôi mắt sau cặp kính. Khổ lắm, nhưng cũng vợ con hàng tá rồi.
Tường bắt đầu sợ sệt, rúm ró. Người ta đã cho anh một chức vụ tương đối sau hàng chục năm lận đận. Anh nên cẩn thận với những chuyện tình tang vì cái đó ảnh hưởng rất lớn đến con đường trước mắt. Anh hấp tấp quay đi khi bất chợt gặp Châu ngoài đường. Anh tránh đôi mắt nhìn thẳng thách thức của Châu. Anh thường chờ trời tối mịt mới dám lò mò lên gác năm. Thì thầm hơn cả trước kia: lão ở cuối hành lang kia là người trên bộ đấy, nhỡ lão biết chuyện của mình thì phiền. Thôi anh về nhé!
Châu nhìn theo cái bóng lòng khòng của người yêu đi không một tiếng động. Đôi vai mỏng mảnh của anh giờ gánh hai chỗ nợ: sợ cấp trên và sợ vợ. Anh làm sao thu xếp được cho ổn? Cô thổn thức vì thương anh.
Một hôm có người đàn ông theo cô vào hiệu sách. Làm quen rồi rủ đi uống cà phê. Người đàn ông có giọng nói ân cần trong máy điện thoại làm cô sững sờ: sao lại có cái giọng êm ái như đếm vậy? Cô thấy mình cũng phải sống. Cô lơ đãng đón Tường, lơ đãng thổi nấu và lành lạnh trong chăn. Tường hốt hoảng có chuyện gì thế? Anh gặng hỏi, gặng hôn cô lần nữa. Nhưng rồi vẫn vô tâm:
- Thôi anh về nhé!
Châu đi uống cà phê với người đàn ông có giọng nói êm ái. Châu cũng theo đến cổng nhà anh. Hóa ra anh ta cũng chỉ đi uống cà phê, trò chuyện qua điện thoại. Và cô vợ thì chẳng phải tay vừa. Châu hốt hoảng thấy chung quanh mình toàn kẻ chán vợ… Một vài cuộc gặp gỡ với một vài người đàn ông có vợ nữa. Một buổi trò chuyện với một gã người Ấn Độ. Một buổi nữa với một ông Philippin đen cháy. Tất cả họ thích cô vì đôi chân dài. Thế thôi. Nghĩ cho cùng chẳng ai yêu cô thành thật như Tường. Anh chẳng yêu đôi chân dài của cô. Anh yêu cô.
Cái tình yêu như mê đắm, như anh em, như cha con, tất cả cô được hưởng của anh trọn vẹn. Nghĩ cho cùng cũng chẳng có ai lo lắng đến anh như cô.
Nhưng anh vẫn vô tâm:
- Thôi em ngủ đi, anh về nhé!
Anh đã lên được một chức cao hơn. Và Châu đã ở tuổi 27. Gần mười năm, vẫn một tiếng ấy:
- Thôi anh về!
Vào năm Châu 28 tuổi, anh cố gom góp tiền của hai người, mua hẳn nửa căn hộ của người bạn. Và chỉ trong một năm có những cơ may bất ngờ, một loáng anh làm được nhà cho vợ con anh, anh mua luôn nửa căn hộ kia cho Châu, sửa sang lại, đồ gỗ đồ điện mới tinh làm căn phòng sáng lên như có phép lạ. Giờ đây không có cái ông ở cùng căn hộ, và các nhà cũng bỏ thói quen dòm dỏ nhau như trước, anh vẫn thầm thào: đóng cửa lại đi em!
Rồi khi bước ra, anh cũng nói nhỏ không thể nghe nếu không hiểu: Thôi anh về!
Một chàng trai mới lớn bước vượt lên gọi Châu: Em bé ơi chờ một chút. Nhưng khi Châu quay lại, cậu lúng túng: em xin lỗi nhầm người quen!
Châu cay đắng về nhà, đóng cửa lại ngồi thừ ra. Chiều hôm đó cô đón Tường nhạt nhẽo. Là người không mấy nhạy cảm nhưng hôm đó Tường thấy không ổn. Anh săm soi sửa mấy thứ lặt vặt, hát luôn miệng, mắt liếc nhìn Châu. Anh lo sợ. Anh chẳng có gì, chỉ còn Châu. Cái chức vụ kia là lẽ sống của anh. Nhưng là một mặt lẽ sống. Không ai thay nổi Châu.
- Thôi anh về nhé!
- Anh ở lại đã. Thôi anh về, anh về. Đã bao lần em van xin anh đừng nói câu ấy, anh cứ nói: thôi anh về. Thì ai chả biết anh về với vợ anh. Anh có đủ. Anh có tưởng tượng nổi cái câu ấy mười năm rồi làm em đau đớn như thế nào. Anh về. Thế còn em ở lại làm gì? Em là cái gì của anh? Sao anh cứ giữ rịt lấy em rồi lại chào em thôi anh về.
Tường co ro đứng ngoài cửa. Trời lạnh. Anh thấy mình chợt nhỏ đi khi chứng kiến cơn thịnh nộ của người tình. Châu nói như sảng, chẳng có nước mắt như trước kia. Tường chợt nhớ là thời gian gần đây khi quàng cổ cho anh Châu không còn thổn thức vì trìu mến nữa. Cô cũng không nói cái câu: giữ cái họng, cái phổi, ốm lại khổ em! Kèm theo đó là những tiếng thở dài.
Tường chợt thấy đời trống rỗng. Anh già rồi. Hai con vào đại học rồi. Bà vợ vẫn nuôi bộ mặt tuyệt vọng khi anh về tới nhà. Ngăn kéo bà chứa nhiều thuốc ngủ. Đầu tiên anh cố gắng vất đi nhưng rồi thấy chả có gì xảy ra, anh cứ để đống thuốc ngủ ở đấy. Ở cơ quan anh có lái xe riêng. Những trưởng phòng sáng thứ hai ngồi nghe anh giao ban. Ông bảo vệ sợ sệt khi anh đến mà ông không có mặt…Nói tóm lại mọi chuyện đều ổn. Chỉ còn Châu, cô không gọi điện cho anh suốt một tuần. Sự trống rỗng thiếu vắng làm anh già sọm. Anh đành đến với cô, cái căn phòng tràn ngập yêu đương trước kia giờ đây như rộng ra với anh. Hai người lao tới nhau, như đã hàng thế kỷ xa cách. Vẫn yêu nhau lắm cơ mà! Khi ra về, anh ý tứ:
- Thôi anh đi nhé!
Một vài hôm sau anh lại quen: thôi anh về. Có điều anh sững lại, cười xòa và chữa: thôi anh đi! Châu hờ hững thấy anh lúng túng. Châu chả vui mừng khi nghe anh ý tứ: thôi anh đi. Cô như người khao khát chạy tới biển. Giờ thì thấy rồi nhưng mệt mỏi quá, không thể vui mừng. Mặc kệ!
- Anh chả phải giữ gìn như thế anh ạ, em không cần nữa. Anh cứ nói như trước cũng được.
Nhưng Tường không thể chào Châu như trước. Đã thành quen rồi, bao giờ anh cũng: thôi em ngủ tiếp đi, anh đi đây!
Thôi anh đi đi. Em cũng phải lo cho đời em chứ. Lẽ nào suốt mười năm qua em đã tranh đấu, buồn khổ hồi hộp vì chờ đợi câu chào hôm nay của anh. Em còn trẻ mà. Thôi thì anh cứ về đi.
Châu khép cửa không nhìn theo người đàn ông. Cô liếc qua tờ lịch: Mùa xuân này mình mới có hai chín tuổi.
 

Xem Tiếp: ----