Ông nội có ba người bạn chí cốt, gộp lại thành "Tứ Nhân Bang": Ông bác Nguyễn: Sáng lập viên trụ cột GĐPT ; ông bác Phan: Lý thuyết gia-sáng lập viên kiêm chủ nhiệm, chủ bút, bỉnh bút, trụ bút, cộng tác viên và nhiều "trọng trách linh tinh" khác của tờ PV - "cơ quan ngôn luận" của nhóm ĐM, trong đó có cụ cố Văn ; ông bác Trần: Sáng lập viên chủ nhiệm, chủ bút HV, tờ báo quay Ronéo đầu tiên trong cộng đồng người việt tỵ nạn tại Pháp, tác giả cuốn Thanh Niên, luận đề chính trị và ông nội: Long tong.
Trong "Tứ Nhân Bang" mỗi người có một biệt danh dí dõm chỉ dùng giữa họ với nhau:
1/ Cửu Chỉ Tuyệt Tình = Ông bác Phan, Vọng gọi bằng ông Phan. Cửu Chỉ vì ông Phan khuyết một ngón tay ; Tuyệt Tình vì ông Phan không chịu lấy vợ. Ông nội hay đùa «léng phéng Tuyệt Tình thành Tuyệt Tự», ông bác Trần tếu hơn «Thằng Lạc (ông nội) nói có lý vì thiếu một ngón mà thực sự không biết thiếu ngón nào».
2/ Ba Ái = Ông bác Nguyễn, Vọng gọi là ông Nguyễn. Ba vì ông Nguyễn quá khéo léo trong giao tế đến mức Ba Phải, ai nói gì cũng Oui cũng Yes ; Ái vì ông L cao to như ông bác Vũ.
3/ Thằng Công = Ông bác Trần, Vọng gọi là ông Trần. Trước kia biệt danh của ông Trần là Philoso-Fou ( cách chơi chữ của ông nội: Philosophe = triết gia, Fou = Điên/khùng ) sau thấy dài quá mới đổi thành Thằng Công. Công vì dáng cách và lối ăn mặc của ông Trần rất công tử nhưng đọc theo tiếng Pháp vẫn là thằng khùng (le con).
4/ Thằng Lạc = Ông nội. Lạc vì ông nội gốc bộ tộc Ba-Na (lạc loài, lạc vào sinh hoạt cộng đồng VN tỵ nạn), đọc trại theo tiếng Pháp thành l'art = nghệ thuật vì ông nội chỉ sinh hoạt văn nghệ thi phú, mù tịt lãnh vực chính trị. Nhập Pháp tịch cải biên Ba-Na thành Bernard. Người Ba-Na vốn chân chất, thẳng tánh. Thương ai có thể móc ruột cho người đó, ghét ai thì người đó có hấp hối trước mắt cũng quay lưng. Người Ba-Na hay nói " Gây niềm tin không khó, lấy lại niềm tin không dễ ". Lấy lại niềm tin nơi ông nội thì vô phương.
Mối thâm giao giữa "Tứ Nhân Bang" phải tràng giang đại hải may ra hết chuyện, ở đây Vọng chỉ trích lược vài nét về 3 người bạn qua lời kể của bà nội mà Vọng thích thôi:
1/ Ông bác Trần
Ông Trần là người Huế - Huế chay, Huế cả khi phát âm tiếng Pháp, tiếng Anh - cùng một tuổi với ông nội, sanh trước ông nội 4 tháng, du học tại Sorbonne-Paris từ 1973. Phải công tâm nhận là ông Trần rất đẹp trai, cao ráo (trên 1 thước 70), lịch sự, cọng một bồ triết lý Đông-Tây ngoài học vị chuyên môn. Ông nội gặp ông Trần từ 197... trong Nghị Hội Thanh Niên VN tại Âu Châu 1 ở Brunoy (nam Paris) do ông Trần làm trưởng ban tổ chức, kế đó cùng sinh hoạt GĐPT. Họ dính vào nhau nhân ông nội soạn tập nhạc sinh hoạt GĐPT lấy tựa là Sống. Ông Trần phụ ông nội cắt dán lên trang các bản nhạc do ông nội kẻ ký âm, đánh máy, bỏ dấu tay ; có ông bác An Bang lo phần cọ tên từng bản nhạc bằng Lettraset, ông bác Nguyễn Đức vẽ bià và phụ bản. Bốn tháng cu ki như thế, bản vỗ (morasse = bản in thử cuối cùng trước khi chính thức in hàng loạt = bon à tirer – BAT) tập nhạc được nhà in tây in ra được đâu chục bản. Chủ nhật tuần sau, lên sinh hoạt như thường lệ, có tiếng rầm rì về lời bạt do ông nội viết trong tập Sống, nội dung chính là để cảm ơn các ông bác nêu trên vậy thôi. Tiếng rầm rì là do ông nội đã ghi tên phương trượng chùa, người viết bài giới thiệu, ở sau cùng thay vì phải ghi tuốt lên trên tên các ông bác. "Đặc sứ" của GĐPT đề nghị ông nội lật ngược thứ tự trong bài bạt. Ông nội nói " thì ai góp công với tôi như thế nào tôi ghi vậy, phương trượng có dón tay làm gì đâu, vả lại anh cũng biết trong nghi thức xã giao, tiếp tân người đến sau cùng là người quan trọng nhất, trong bài bạt tôi viết rõ " đặc biệt ghi ân phương trượng đã...". Người kia cứ lải nhải nhưng-bởi-tại vì... lộ ý ép ông nội đảo ngược thứ tự để vừa lòng chứng minh sư. Ông nội lên hỏi thẳng sư trù trì, sư tinh tế trả lời " tùy số đông quyết định". Ông nội bỏ đi xuống, chẳng nói chẳng rằng xé ngay tờ bạt trước mặt các ông bác: Vậy thì tập nhạc không cần lời bạt!
Tập nhạc vẫn được in ra, GĐPT chỉ việc thu nhập. In bao nhiêu bản, tái bản bao nhiêu lần ông nội không màng hỏi tới. Ông nội Mất tờ bạt nhưng Được ông bác Trần và ông bác Nguyễn.
Đến năm 198..., vì tham vọng chính trị, ông Trần đưa vợ qua định cư bên Mỹ. 13 năm chung sống êm ấm bên Pháp hai người không có con. Qua Mỹ được đúng 6 tháng họ rã đám. Nếu cao trào Vác Ngà Voi đã mang lại cho ông bác Nguyễn một cô vợ trẻ xinh như mộng thì ngược lại thổi bay mất tiêu cô vợ đẹp như mơ của ông Trần. Di cảo của ông nội có ghi rõ chuyện trên người ông Trần có mén vì hảo tâm nuôi con rận đực quanh váy vợ ; chuyện vợ ông Trần tránh mặt ông nội khi ông nội qua Mỹ nhưng ở đây không phải lúc, không đúng chỗ để nêu ra, duy câu nầy làm Vọng suy nghĩ:
[«... Mới hay tình nghĩa vợ chồng cũng tương tự trái cam, quả quýt. Cùng một hạt giống mà khi ươm ở đất nầy thì sinh lá xanh trái ngọt, trồng ở đất kia lại nở cành lọi cùi chua hay ngược lại. »]
Mất vợ rồi, ông Trần càng hăng, từ chính trị sa-lông, lao vào chính đảng, có chân trong VQ, dan díu với Tiến Sĩ Gạo hay Tiến Sĩ Ceta và được/bị nêu danh trong bảng phong thần Lật Mặt Nạ Những Con Thò Lò Chính Trị của Lê Trọng Văn.
Sau khi rời xứ Pháp cho tới lúc qua đời, ông Trần và ông nội gặp lại nhau 6 lần, 2 lần ông nội qua Cali, 4 lần ông Trần về lại Paris.
Qua thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Trần quyết định về VN dạy ở Đại Học Mở (Open U). Con thoi giữa VN-USA được mấy năm thì ông Trần phát bệnh rồi mất tại San Francisco năm... Mối thâm giao giữa ông bác TSH-LND và ông nội có thể tóm gọn trong hai câu nói của họ:
"Cái gì Thằng Công chịu làm Thằng Lạc làm theo
Cái gì Thằng Lạc chịu làm Thằng Công làm theo"
Mấy năm cuối đời, ông Trần soạn được hai tập sách, 1 về Quản Trị (Management), 1 về Tiếp Thị (Marketing).
2/ Ông bác Nguyễn
Ông Nguyễn là em rể hụt của ông nội, gốc Thanh Hoá. Tánh tình điềm đạm, ép mình trong "dĩ hoà vi quý". Một bụng giáo lý và là soạn giả các vở kịch trong mỗi mùa Phật Đản, diễn tại rạp Maubert Mutualité, Paris quận 5.
Tình cảm giữa ông Nguyễn và ông nội bỗng dưng phai nhạt, không do chuyện không thành giữa bà cô và ông Nguyễn mà, mãi lâu sau này, chỉ do một câu nói – có thể vui miệng lỡ lời - của ông Nguyễn qua một bản nhạc. Ông nội không ham Karaoke nên ít lưu tâm. Ông Nguyễn thì ngược lại. Bà nội kể: Hôm vợ chồng ông Nguyễn mời ông bà nội đến nhà dùng cơm trưa, có cả 4 trụ khác của GĐPT: Vợ chồng ông bác Lê và vợ chồng ông bác Võ. Sau đó là mục Karaoke. Bà bác Lê ca một bài gì đó, hoà âm êm ả, lạ và rất hay. Nghe xong ông nội thích quá, bảo " hoà âm bản nhạc nghe lạ như nhạc dịch ". Ông Nguyễn đáp liền «đâu có, đó là bản Một Ngày Không Gọi Nhau của Trúc Hồ, Như Quỳnh hát. Nhạc Việt 100%. Tưởng cái gì bồ cũng biết ». Ông nội không nói gì cho đến khi ra về. Vợ chồng ông bác Nguyễn vẫn thỉnh thoảng vô tâm mời, ông nội viện đủ cớ để khước từ ; nói chuyện qua điện thoại, ông nội bảo đang "dỡ tay" để cắt ngang câu chuyện, tắt máy. Tình cờ gặp nhau hai cụ vẫn tay bắt mặt mừng nhưng tâm sự như trước thì không và ông nội chẳng những không mời vợ chồng ông bác Nguyễn đến nhà như xưa mà cũng không trở lại nhà họ kể từ hôm đó. Tất nhiên vợ chồng ông bác Nguyễn cũng nhận ra sự lơi dần đó, truy hỏi nhưng đời nào ông nội nói lý do ra. Dân Ba-Na mà. Chín năm sau ông nội mất trong một tai nạn máy bay. Ông bác Nguyễn khóc trước linh vị ông nội, nhắc đi nhắc lại câu hỏi vì đâu xảy ra sự lạnh nhạt?
Trích Di Cảo của Ông Nội:
[ «... Đã tự nguyện đi vác tù và thì khác gì chuyện làm dâu trăm họ cho nên chê khen là nguyên lý lở bồi. Thương ghét trong giao tế cũng vậy duy một điều mình kỵ nhất là tị hiềm, đã gọi là thâm giao mà ngầm óc tị hiềm thì nguy hiểm hơn cả người ghét mình, hơn cả đối phương.[...] "Tưởng cái gì bồ cũng biết", câu nầy ai nói không sao nhưng bố ấy nói thì không được. Té ra bao nhiêu năm qua lại, bố ấy rắp tâm rình cơ hội để nói câu đó, tranh đua chi chữ Biết.]
3/ Ông bác Phan
Ông Phan sinh quán tại Nha Trang-Khánh Hoà, lớn hơn ông nội 4 tuổi, bấy giờ tỵ nạn tại Toulouse, nam Pháp. Họ gặp nhau cũng trong Nghị Hội Thanh Niên VN tại Âu Châu 1 nói trên, dính vào nhau kể từ Nghị Hội TNVNAC 2 tại Strasbourg, đông bắc Pháp, được tổ chức sau Nghị Hội 1 mấy tháng. Theo dự định, Nghị Hội 2 chỉ là sự tiếp nối của Nghị Hội 1 (nặng tính cách thanh niên-sinh viên), chưa có ý tiến tới việc hình thành một cái gì cụ thể. Nhưng rồi qua sự bùa phép của nhóm LTH đứng ra tổ chức (nhóm chủ nhà), danh xưng khác đã được đề nghị và biểu quyết dứt điểm (vì họ là số đông áp đảo, dù chỉ khi bỏ phiếu thôi), bắt đầu bằng hai chữ Lực Lượng... Các ban đã được bầu xong, 2 ông bác Phan và Trần từ chối khi được đề cử, chỉ nhận làm cố vấn, tức không làm gì cả. Ông nội thì từ chối thẳng khi được đề cử nắm phần văn nghệ nhưng xin được phát biểu. Bà nội kể lại lời phát biểu của ông nội như sau:
"Danh xưng của Nghị Hội nay đã biến thành Lực Lượng, thành tổ chức với đầy đủ các ban... mà sao lại thiếu một tiểu ban quan trọng? Đã gọi là Lực Lượng thì phải có quân đội, có vũ khí. Ở đây chúng ta không có hai thứ đó. Bởi vậy tiểu ban tôi muốn đề nghị bổ túc với các anh chị là tiểu ban Ám Sát! Tại sao? Thưa anh chị, chí ít chúng ta cần phải có tiểu ban này tại vì trước là để tương xứng phần nào với danh xưng đã được biểu quyết, sau nữa, lấy một thí dụ khi Lực Lượng... thấy cần phải triệt một cá nhân phía đối phương liên tục gây bất lợi cho Lực Lượng, ban nào sẽ thi hành đặc vụ nầy? Nếu không, hai chữ Lực Lượng chỉ là cái Đầu Voi..."
Lời phát biểu của ông nội làm chưng hửng mọi người, ông điều phối viên Yên Vũ vội vàng, nén cười, ngắt lời " anh Bernard có máu văn nghệ nên tiếu lâm hoá những phút căng thẳng cuối cùng của buổi họp đêm nay...Vậy tôi xin tuyên bố bế mạc buổi hội thảo và bắt đầu chương trình văn nghệ đấu tranh...".
Lực lượng đã thành hình đêm đó nhưng rồi ai về nhà nấy, tự ngắm lại cái Đuôi Chuột hàng ngày và Lực Lượng vì không có sức cũng lặng lẻ ngưng thở khi chưa đầy tuổi tôi. Ông nội có thêm một người bạn chí cốt tên Phan.
Chính Điều Phối Viên Yên Vũ đã lanh ý tiếu lâm hoá lời phát biểu của ông nội vì sợ ông nội bị bề hội đồng, sau đó không lâu lại là người chịu trách nhiệm xuất bản & phát hành tập nhạc Ngày Mai của ông nội bên Tây Đức.
Ông Trần đi rồi, ông Nguyễn bị ông nội đóng cửa. "Tứ Nhân Bang" còn lại 2 người: Ông Phan và ông nội, do đó keo sơn càng thêm keo sơn. Cả hai đều "nghiện" viết, ông nội bay bằng thơ nhạc, diễn nôm ra là không thực, danh từ tin học ngày nay gọi là Ảo. Ông Phan bay bằng đề án chính trị, nhiều lắm, nhiều đến nỗi chính ông nội chịu không thấu phải cự nự «trong hai đứa, ai là Bá Nha? ai là Tử Kỳ? Tuần nào Bá Nha cũng phải nghe đề án mới 3 Dê của Tử Kỳ đến phát ngợp. Tớ cả tháng may lắm mới rặn ra được nửa bản nhạc, mươi câu có vần. Còn bố, đề án mà cứ lênh láng như Bùi Giáng thở ra thơ. Từ rày, đề án trước chưa thực sự ráo mực đừng ca với tớ đề án mới, cụ thể tí đi ». Và để có chút "cụ thể" cũng như để "phá đề án mới" của bạn, ông nội hay bất ngờ chạy xe ra Paris vớt ngang ông Phan đưa về nhà. Hai người gặp nhau thì đâu ai viết được.
Tháng 8 năm 199..., hai người bạn "chính trị gia" của ông nội và ông Phan từ Mỹ qua Paris, ngụ tại nhà ông nội, ông bác Lý và ông chú Thạch Hữu. Từ buổi đầu gặp nhau, họ đã nói chuyện suốt ba ngày hai đêm trước khi chịu đi viếng cảnh Paris. Hăng nhất là ông Phan và ông Lý. Chẳng biết họ nói cái gì mà dai đến thế. Tất nhiên, ông nội tham gia ít, tự nguyện dịch vụ nhiều, chỉ thòng một câu « các ngài cứ việc bàn, cứ việc luận chiến, cần gì em đây lo cho với chút điều kiện là phải đẻ ra một cái gì dù chỉ là một quả trứng chim cút...».
Cũng xin nói sơ qua ông bác Lý, dân Quảng Trị, là người đa tài, trong đó có tài làm thơ. Trong thời gian du lịch Paris, ông bác Lý đưa cho ông nội nhiều bài thơ đề nghị ông nội phổ thành nhạc. Đêm trước ngày trở về Mỹ, ông bác Lý hỏi ông nội, ông nội trao cho một cái phong bì bảo trong đó có kết quả việc phổ nhạc, lên máy bay hay về tới Mỹ hẳng coi. Mấy tháng sau, trong một tờ báo của ông bác Lý có đăng kết quả việc phổ nhạc của ông nội giấu trong phong bì như sau:
Trích Di cảo của ông nội:
Đó cứ làm thơ
giống đây
nấu cơm bằng nồi điện
đây cứ phổ nhạc
như đó
pha trà với bếp ga
bấm nút một hai ba
rồi cũng thành cơm
thành trà
thành thi ca
thành âm nhạc
ngày một nồi cơm một bình trà
không là gì cả
ngày hai bản nhạc ba bốn bài thơ
thì hẳn đã
là nhạc sĩ nhạc sư
thi bá
có chi lạ
cha chả
dễ quá mà.
(Tự trào)
Mọi đề án chính trị ông Phan đều giao một bản cho ông nội cất giữ. Ông nội tâm đắc nhất là đề án Việt-Miên-Lào-Thái-Miến của ông Phan. Vọng không biết có gì liên hệ hay không nhưng Hành Lang Kinh Tế Đông Tây (East West Economic Corridor – EWEC) đang từng bước hình thành tại Đông Nam Á vô hình chung trùng với đề án hay ý tưởng của ông bác Phan soạn ra cách nay đã trên 10 năm.
Khi ông nội mất ông Phan mới qua Mỹ định cư trên 2 năm, quẹo hẳn theo một hướng khác, phụng sự một lý tưởng khác, cao siêu nhàn nhã và Ảo hơn các đề án nêu trên, nên về không được. Bà nội kể: Qua điện thoại, ông Phan nấc lên mấy tiếng, nghẹn ngào " Thằng Công rồi Thằng Lạc... hai thằng... Úm ma ni bát mê hồng! "
Hàn Lệ Nhân

Xem Tiếp: ----