Bác cả tôi hiện sống tại Miền Bắc. Tôi không biết chính xác năm nay bác bao nhiêu tuổi nhưng dựa theo tuổi cô hai hiện sống tại Pháp, tôi có thể phỏng đoán tuổi bác cả không dưới 70.
Bác cả hầu như không được sống gần ông bà nội vì khi ông bà nội dắt díu nhau vào Nam kiếm sống, ông bà cố nội đã giữ bác cả lại, đích tôn mà, và nuôi dưỡng cho đến khôn lớn thành tài. Trước nay bác cả và bố tôi chưa lần gặp nhau. Tôi biết bác cả nhờ hình ảnh và thư từ.
Bác cả có gương mặt chữ điền, thông minh và cương nghị. Thời trẻ hẳn bác cả bô trai ra phết. Qua thư từ của bác cả cọng thêm cái thấy, cái nghe, cái đọc về con người xhcnvn của riêng mình, tôi hình dung ra không mấy khó khăn phần trong của bác cả. Ấy vì, trong khi đọc thư bác, thú thật, tôi có ngay cảm tưởng như đã được đọc, được nghe đâu đó cái nội dung tương tự. Cũng đế quốc Mỹ xâm lược, kim tiền thống soái, tư bản bóc lột … ; cũng xã hội chủ nghĩa đỉnh cao trí tuệ của loài người, Miền Nam trụy lạc, thối nát, nghèo đói, trường kỳ kháng chiến …và nhất là để hoàn thành thiên đường xhcn, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo anh minh của Đảng và Nhà nước, đều hồ hởi nhất trí thắt lưng buộc bụng nhiều và lâu hơn nữa.
Gom góp lời bố mẹ thường xuyên kể, ý niệm của tôi về bác hết sức ngây thơ. Tôi nghĩ dù sao với nền học vấn cao sâu, bác tôi tất phải khác những người khác trên đất Bắc ở mức độ suy tư, nhận xét, kiểm chứng, so sánh trên phương diện thực trạng đất nước… Thế mà tôi biết mình lầm. Tôi suy nghĩ nhiều về ông bác chưa lần gặp mặt và ghê cho bộ máy trồng người của họ. Mới hay càng được họ ưu đãi bao nhiêu, con người việt nam sống trên đất Bắc càng phải biết nhất trí bấy nhiêu. Nói cách khác, càng biết hồ hởi nhất trí bao nhiêu, người dân miền Bắc càng dễ trở thành đối tượng tốt của họ bấy nhiêu: Hồng hơn Chuyên, bố hay nói vậy. Quy luật xhcn là thế. Bác cả tôi thuộc thành phần trí thức trung kiên và cao cấp của họ. Tuổi đảng của bác cả ít ra cũng hơn gấp đôi tuổi đời của tôi, tức tuyệt đối nhập tâm thực thi năm lời thề với đảng. (1)
Sau đại thắng mùa xuân, cụ thể là khởi từ phong trào bỏ phiếu bằng chân ra biển, trong những lá thư từ Paris về cho bác, tôi đặt nhiều câu hỏi phản ánh rừng thắc mắc của mình về hiện tình đất nước. Không bao giờ bác cả trả lời những câu hỏi tả khuynh, xét lại đó.
Sau khi bố qua đời, mẹ viết thư khuyên tôi từ rày nếu có thư từ với bác cả thì chỉ nên thăm hỏi trong tình ruột thịt thôi chứ đừng hỏi nầy, hỏi nọ mà mẹ buồn. Thương mẹ, tôi chủ động ít liên lạc với bác cả từ đó. Có một bận, mẹ cho tôi biết bác được họ cho qua Liên Sô học thêm. Tôi mừng cho bác. Bẳng hơn một năm sau, có người qua Paris, nói với tôi rằng bác chưa đi Liên Sô như dự định, một phần là tại tôi. Bác cả tôi nhắn qua với người đó là họ có cho người đến " gặp " tôi tại chùa KA. Đại để, bác cả tôi đã không may có cô cháu " phản động " là tôi. Tôi đã trả lời người đó rằng " tôi là cái thớ gì mà bận lòng họ vậy, hơn nữa, thiếu vạn gì gia đình đồng cảnh ngộ với gia đình tôi ".
Từ chuyện trắc trở đi Liên Sô của bác cả, tôi nhớ lại trước đó có một anh chàng tên Dũng đến gặp tôi tận nhà. Câu chuyện diễn tiến như sau: Hồi đó nhà tôi còn làm việc cho hãng FP, phương tiện di chuyển của chàng là Métro. Theo lời nhà tôi kể lại thì liên tiếp mấy ngày, có một chàng cứ lẽo đẽo theo nhà tôi. Một hôm, dưới đường xe điện ngầm đến sở làm, anh chàng mượn dịp nhà tôi đang đọc một cuốn sách chữ việt để đến làm quen, sau đó nói với nhà tôi là có quen biết tôi. Mấy hôm sau, cũng trong Métro, anh chàng ngõ ý với nhà tôi là muốn đến thăm tôi. Nhà tôi về thuật lại, tôi cố lục soát trong ký ức mà không tài nào nhớ ra mình có quen biết người nào như thế. Tuy vậy, với sự đồng ý của nhà tôi, chúng tôi mời hắn đến.
Trưa hôm đó, nhằm ngày thứ bảy, đại gia đình tôi đang sửa soạn ăn trưa, có mặt ông bạn thân của nhà tôi là NNL, một trong mấy sáng lập viên cột trụ của GĐPTQĐ. Anh chàng đến rất đúng giờ, và nhằm ngay lúc tôi đang tập hát với nhà tôi. NNL ở sau bếp. Thấy anh chàng tôi nhớ ra ngay là đã gặp hắn nhiều lần ở quán cơm sinh viên trong cư xá đại học Paris 14, trạm Cité ( ligne de sceaux ). Tôi biết cu cậu nầy đến đây không ngoài chủ ý ôn lại bài học thuộc lòng của một con vẹt tự nhuộm đỏ từ sau mùa xuân 75.
Sau màn xã giao thông lệ, hắn ngây thơ cụ hỏi tôi sao lại hát những bản nhạc như vầy trong khi đất nước ta đã hoà bình và thống nhất. Được gãi trúng chỗ ngứa, vợ chồng tôi đi ngay một đường xa luân chiến cực kỳ " phản động ". Riêng tôi, bao nhiêu câu hỏi tôi viết ra cho bác cả ngày nào, nay tôi lập lại y chang bằng lời nói, nhẹ nhàng, rất đàn bà nhưng rốt cuộc cũng chẳng nhận được câu trả lời nào mới. Vẹt mà.
Ngay lúc đó, NNL dưới bếp đi lên, thấy hắn, vội thối lui trở lại bếp và ngoắt tay ra hiệu kêu nhà tôi xuống. Té ra cách đó mấy tuần, đồng chí Dũng cũng đã ghé thăm NNL tận nhà rồi!
Thấy NNL, cu cậu vẫn vui vẻ bắt tay chào hỏi, nhưng sau đó đồng chí ta đổi ngay đề tài nói chuyện, mãi cho đến khi chào ra về. Và cũng từ đó chúng tôi không còn gặp lại đồng chí Dũng nữa, có người bảo nghe đâu hắn đã hồ hởi về nước góp sức " biến sỏi đá thành cơm ", " bay theo đường dân tộc đang bay ".
Chẳng lẽ chàng " công an " làm đình trệ chuyến du học bổ túc của bác cả tôi lại là hắn?
Tình cảnh giữa bác cả, bố tôi và tôi chẳng khác trường hợp cậu Ch. và cậu T. cùng mấy bà dì ruột hiện ở Hà Bắc. Tình ruột rà đã đành vì xa mặt nên kém phần thân ái, nhưng hỡi ôi, sự khác biệt chính kiến kiểu việt nam mới nát cả thâm tình.
Bác cả tôi mong một thế giới đại đồng, noi gương ai đó, xác quyết chủ nghĩa cộng sản (g) là phương tiện duy nhất đem thịnh vượng cho xứ sở, ấm no hạnh phúc cho muôn dân.
Là đàn bà tâm trí tôi nhỏ bé, nông cạn chỉ đủ chứa mỗi hình cong chữ S. Trình độ về chủ thuyết chủ nghĩa trong tôi, thú thật, hoàn toàn không có vì tôi quan niệm " chủ nghĩa nào hơn chủ nghĩa tình thương, chủ nghĩa nào hơn chủ nghĩa áo cơm? ". Thế thôi.
Thưa bác cả,
Bác của bác vĩ đại bao nhiêu nên lấy mạng người nuôi chủ nghĩa tức như Thành Cát Tư Hản từng nói: " Ta vì mưu đồ việc thiên hạ, há phải thương tiếc lũ dân đen. ( ngã vị thiên hạ kế, khởi tích tiểu dân tai ).
Cháu tầm thường nên chỉ biết tư tưởng phụng sự con người. Không vì con người dưới đất thì mọi tư tưởng lên trời cũng chỉ là số âm.
Dẫu bỏ ra ngoài thâm tình chung huyết thống, trong cháu, cháu vẫn kính phục bác ở điểm quang minh chính đại trên phương diện lập trường, có nghĩa là thủy chung bác mãi chính danh, sắt son với con đường đã chọn. Không như một số người quanh cháu, trước 1975: ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản ; sau 1975: khoác áo tị nạn lũng đoạn di cư, và kỳ lạ, tất cả trong Liên Hội đều là dân tị nạn chính trị cs sau 30/04/1975, rũ nhau tổ chức nhảy đầm ngay trong đêm quốc hận, thứ bảy 30/04/2005, dưới tấm bích chương Phi Chính Trị! Ai vô tình? Ai cố ý? Ai ru ngủ ai trên sàn nhảy? Có người nhận định hiện tượng nầy là:
Sóng nhục nhằn chưa gợn triều bể khổ,
Hờn vượt biên đã đóng bụi đất lành!
Mẹ bảo dù sao cũng là bác cả, tuổi đời tuổi đảng đều cao hơn gấp đôi tuổi cháu, sự nhận định của bác cả tất chín mùi, kinh nghiệm, nghiêm chỉnh hơn hẳn sự nhận định của cháu. Cháu đâu dám nghĩ khác. Tuy nhiên, mẹ đâu biết, đối thoại với cháu, trên khía cạnh lập trường, bác cả đã không lấy tuổi đè người, không dùng quyền trưởng thượng để cưỡng lý, như xưa, thuở sinh thời, bố cháu đã áp dụng với gia đình. Bác cháu ta đối thoại với nhau như hai người bạn trưởng thành, như hai thế hệ con dân nước Việt ngồi hai góc của một cái bàn, có hai cái nhìn khác nhau.
Hai bác cháu ta đã không chỉ trích lý tưởng đã chọn của nhau, không cho sự lựa chọn của nhau là bất trí. Riêng bác đã dạy cháu một điều cao quí là đừng bất nhất. Vì người ta chỉ xem thường những kẻ bất nhất. Dân gian gọi là nhổ ra liếm lại. Có lỡ bất trí thì hãy im lặng vì im lặng là phong thái giữ được sự kính trọng của đối phương. Cho nên, viết về bác đêm nay, cháu không đặt câu hỏi và cũng không còn thắc mắc vì sao bác không trả lời những câu hỏi của cháu ngày trước.
Hàn Lệ Nhân
(1) Năm lời thề gia nhập đảng CSVN:
1. Tuyệt đối trung thành với đảng, trung thành đến chết không thôi, nếu phản bội xin chịu tội tử hình.
2. Giữ bí mật của đảng đến cùng. Nếu sa vào tay giặc, dù có bị tra tấn đến chết cũng không khai.
3. Luôn luôn là con em của nhân dân, dựa vào dân, cùng nhân dân đấu tranh đến cùng.
4. Tuyệt đối tin tưởng ở chủ nghĩa cộng sản, bỏ tất cả các tín ngưỡng khác.
5. Kề vai sát cánh, chung sức đấu tranh để giải phóng dân tộc khỏi mọi xiềng xích phong kiến đế quốc, tiến tới thế giới đại đồng. ( trích " Chỉ Một Con Đường, nxb Thanh Niên, Hà Nội-1974, trang 25).

Xem Tiếp: ----