Cu-dơ-nét-xốp tình cờ bước vào toa nhà ga đường tránh bằng đá nhưng không thấy U-kha-nốp. Hai gian phòng thấp trống rỗng, lạnh lẽo một cách hoang dại những chiếc ghế dài bằng gỗ bẩn thỉu, đám nước sền sệt thẫm màu trên sàn do mọi người tha tuyết ở ngoài vào; chiếc lò sưởi bằng sắt có ống khói ló ra phía cửa sổ bịt gỗ dán không được đốt nóng, phảng phất mùi chua ngột ngạt của những cái áo choàng: anh em chiến sĩ thuộc mọi đoàn tàu đi ngang qua đều đã trú chân ở đây. Khi Cu-dơ-nét-xốp bước ra ngoài trời, ra chỗ có ánh sáng lạnh lẽo, đoàn tàu vẫn đứng nguyên giữa thảm tuyết sáng lóng lánh chạy tít đến chân trời và ở đằng kia cụm khói đen hình chóp nón bay xiên lên bầu trời lặng giớ: những toa xe bị đẩy vào đường cụt cháy nốt. Chiếc đầu tàu phụt hơi nước phì phì chói tai trên đoạn đường bị cột tín hiệu hạ xuống chắn lại. Các khẩu đội xếp hành bất động dọc các toa xe. Ở đằng sau ga, cách khoảng nửa ki-lô-mét, những làn khói thẳng đứng của khu trại khuất mình trong khe bốc lên trên thảo nguyên. “Biết tìm anh ta ở đâu? Chả lẽ ở trong khu trại khốn khiếp mà chuẩn úy đã nói? Lúc này anh ta làm gì ở đó?-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ và anh tuyệt vọng, hằn học chạy về phía đó trên con đường đầy những vũng nước do xe trượt tuyết xới lên. Phía trước mặt, trong khe, các mái nhà sáng lên, lóng lánh dưới ánh mặt trời, những ô cửa sổ thấp bị những đụn tuyết tráng lệ che lấp óng ánh như gương-ở chỗ nào cũng thấy cảnh yên tĩnh buổi sớm, sự tĩnh mịch hoàn toàn, sự vắng bóng con người. Hình như người ta còn đang ngủ trong những ngôi nhà gỗ ấm áp hoặc người ta đang thong thả ăn sáng, tựa hồ như không có cuộc oanh tạc của máy bay địch-chắc người ta đã quen đỉồi. Hít mùi khói phân khô đăng dắng giống như mùi bành mì nướng, Cu-dơ-nét-xốp đi xuống phía dưới lòng khe thoai thoải, sải bước trên con đường mòn duy nhất giữa các đụn tuyết, với phân ngựa đông cứng, ngang qua những cây liễu sần sùi bị sương giá lấm tấm như những hạt đường bám đầy trước mặt những ngôi nhà gỗ có khung viền cửa và không biết vào nhà nào để tìm, anh đi đến cuối ngõ hẹp, dừng lại, do dự. Trong khu trại này tất cả đều dường như thanh bình êm ả, từ lâu đã ổn định chắc chắn, thuận tiện theo kiểu làng quê. Và có lẽ vì từ đây, từ lòng khe này không nhìn thấy rõ đoàn tàu, nhà ga đường tránh, nên cảm giác tách biệt mọi người còn lại ở đằng kia, gần các toa xe, bất chợt nổi lên trong anh: tưởng như không có chiến tranh, chỉ có buổi sáng băng giá hửng nắng này, sự yên tĩnh, những làn khói màu lam bốc lên trên những mái nhà đầy tuyết. Bỗng anh nghe thấy một giọng the thé: -Chú ơi, chú! Chú tìm gì thế?-Ở đằng sau hàng rào, một bóng người nhỏ nhắn cuộn mình trong chiếc áo choàng, nghiêng mình trên thành giếng đã đóng băng, thả chiếc thùng buộc ở đâu sào xuống giếng. -Có chú bộ đội nào ở đâu đây không?-Cu-dơ-nét-xốp hỏi, anh lại gần giếng và thốt lên một câu đã chuẩn bị sẵn.-Chú bộ đội có đi qua đây không? -Gì cơ? Đôi mắt đen láy lọt thỏm trong cổ lông áo choàng tò mò nhìn ra. Đó là một chú bé trạc mười tuổi, giọng nói dịu dàng, những ngón tay trẻ con nhỏ nhắn bị rộp lên đang lần kéo chiếc sào lạnh ngắt của cần kéo nước giếng. -Chú muốn hỏi có chú bộ đội nào ở đây không?-Cu-dơ-nét-xốp nhắc lại.-Chú đi tìm đồng đội. -Hiện nay không có ai cả,-chú bé mặc cái áo choàng lông thùng thình, lòa xòa xuống tận gót hăng hái đáp.-Còn bộ đội ở đây thì nhiều lắm. Nếu như chú cũng có áo bộ đội hay quần áo lót mẹ cháu sẽ đổi ngay. Hoặc là xà phòng… không có à? Vậy mà mẹ cháu đã nướng bánh mình rồi đấy. -Không có.-Cu-dơ-nét-xốp đáp.-Chú không đổi chác gì cả. Chú đi tìm đồng đội. -Thế quần áo lót? -Gì cơ? -Mẹ cháu muốn đổi quần áo lót. Nếu có quần áo ấm… thì sẽ nói chuyện. -Không có. Thằng bé kéo thùng nước giếng nặng trĩu, lạnh ngắt làm chiếc sào kêu kẽo kẹt, nước sóng sánh, nó đặt thùng lên lớp băng dày đóng ở thành giếng, túm lấy cái thùng cong người kéo lê tà áo choàng lệt xệt trên tuyết mang nước vào nhà, và nói: -Tạm biệt chú nhé.-Sau đó nó đưa những ngón tay đỏ lựng vặn cổ áo bằng cừu xuống, đảo nhanh đôi mắt đen liếc nhìn.-Thế chú ấy có phải là đồng đội của chú không hả chú? Chú áy ở nhà bác Cai-đa-lich ấy, cái bác cụt chân ấy mà. -Cái gì cơ? Nhà Cai-đa-lich nào?-Vừa hỏi xong Cu-dơ-nét-xốp đã trông thấy thượng sĩ U-kha-nốp ở đằng sau hàng rào ngồi nhà cuối dãy. U-kha-nốp lần theo các bậc cầu thang từ trên thềm nhỏ đi ra đường, chụp mũ lên đầu, khuôn mặt nhễ nhại, no nê, bình thản. Tất cả bộ dạng của anh ta dường như nói rằng anh ta vừa mới ở chỗ đầy đủ tiện nghi, ấm áp và bây giờ anh ta đi dạo phố. -A, trung úy, xin gửi lời chào chiến đấu! U-kha-nốp kêu lên vẻ sởi lởi, đôn hậu và mỉm cười. Đến đây bằng cách nào thế hả? Anh đi tìm tôi đấy à? Còn tôi nhìn qua cửa sổ cũng trông thấy anh. Anh ta bước lại gần với dáng đi vòng kiềng, như một chàng trai nông thôn, vừa đi vừa nhằn hạt dưa, nhổ vỏ, sau đó thọc tay vào túi áo bông rút ra một nắm hạt dưa to vàng vàng đưa cho Cu-dơ-nét-xốp và nói bằng giọng dàn hòa: -Anh nếm thử xem, hạt dưa rang đấy. Tôi đã ních đầy cả bốn túi. Đủ để bọn mình cắn chắt đến tận Xta-lin-grát.-Và khi thấy đôi mắt giận dữ của Cu-dơ-nét-xốp anh ta hỏi giọng đã hơi nghiêm chỉnh:-Anh sao thế? Nào nói đi trung úy, có chuyện gì nào? Cầm lấy hạt dưa này… -Cất những hạt ấy đi! Cu-dơ-nét-xốp thốt lên, mặt tái nhợt.-Thế nghĩa là khi máy bay địch oanh tạc đoàn tàu thì anh đã ngồi trong căn nhà ấm áp và nhằn hạt dưa? Ai cho phép anh rời trung đội? Anh có biết sau đó người ta có thể coi anh là người như thế nào không? Khuôn mặt U-kha-nốp trong chốc lát không còn cái vẻ hả hê, no nê của một chàng trai nông thôn, trở nên giễu cợt, thản nhiên. -Chà, ra thế hả? Anh biết không, trung úy, lúc địch oanh tạc tôi ở ngoài ấy đấy chứ… Tôi bò lổm ngổm ở gần giếng. Tôi chuồn vào làng vì tay nhân viên đường sắt ở nhà ga bò cạnh tôi nói rằng đoàn tàu còn đỗ ở đó chưa đi ngay… Thôi ta sẽ không giảng giải về luật lệ nữa!-U-kha-nốp cười khẩy, nhằn hạt dưa thổi phù vỏ xuống chân.-Nếu anh không hỏi gì nữa thì tôi xin đồng ý tất. Anh hãy cứ coi như đã bắt được một tên đào ngũ. Nhưng dứt khoát là tôi không định chơi xỏ anh đâu trung úy ạ!… -Thôi ta về đoàn tàu đi! Và cậu muốn vứt hạt dưa đi đâu thì vứt…-Cu-dơ-nét-xốp cắt ngang-Ta đi đi! -Đi thì đi. Ta sẽ không cãi nhau nữa. Việc anh không kìm được mình trước vẻ thản nhiên của U-kha-nốp, con người tưởng chừng như khinh thường tất cả mọi sự và việc anh không thể hiểu nổi thái độ bình tĩnh đó trước sự việc mà chính anh cũng không dửng dưng, lúc này làm cho Cu-dơ-nét-xốp thêm giận dữ và anh nói tiếp bằng giọng đanh thép khiến chính anh cũng khó chịu. -Rốt cuộc thì cũng phải biết nghĩ chứ! Các khẩu đội kiểm tra quân số và chúng ta sẽ xuống tàu ở ga sa, vậy mà không thấy bóng dáng chỉ huy khẩu đội đâu!… Anh bảo nên đánh giá việc đó như thế nào? -Trung úy ạ, nếu có chuyện gì tôi xin nhận lỗi về phần mình. Tôi vào trong làng đổi xà phòng lấy hạt dưa. Đâu sẽ vào đấy cả thôi. Người ta sẽ không phái tôi đi xa mặt trận, không cho ăn nhiều đạn đâu,-U-kha-nốp đáp và khi đi từ lòng khe lên đầu dốc anh ngoái nhìn lại phía sau-những mái nhà lấp lánh, những cửa sổ đóng băng ẩn mình dưới những cây liễu, những làn khói xanh lam phơ phất trên các đụn tuyết và anh nói:-Quả là một làng quê huyền ảo! Và các cô gái thì đẹp kinh người-không hẳn là người U-crai-na, không hẳn là người Ca-dắc. Một cô bước vào, lông mày sắc như dao, mắt xanh và cô ta đi điệu lắm… Trung úy kìa, hình như máy bay ta xuất hiện? U-kha-nốp nói thêm, ngẩng đầu và nheo cặp mắt sáng, táo tợn của mình.-Không, chắc bọn mình sẽ đổ quân ở đây. Anh thử nhìn xem máy bay yểm trợ ghê chưa! Mặt trời mùa đông thâm thấp, như cái đĩa trắng bệch lơ lửng trên thảo nguyên, trên những đoàn tàu quân sự bị tách rời khỏi đầu tàu nằm dài trên đường sắt, trên những hàn quân màu xám. Còn ở tít cao trên thảo nguyên, một cặp máy bay “Én bạc” của ta tuần tiễu trên không, vút bay phía trên hai toa tàu cháy nốt trong nhánh đường cụt, dường như tắm mình trong mà xanh lạnh giá, khi thì lao xuống phơi thân mình óng ánh. -Chạy về chỗ toa xe!-Cu-dơ-nét-xốp ra lệnh.