Chương 4 -3


Chương 15 -2

Đặt ống nghe xuống, Bét-xô-nốp ngồi mãi như thể lơ đãng ngẫm nghĩ, thận trọng duỗi cẳng chân dưới bàn, chờ cho cơn đau qua đi để ông có thể đứng dậy được nhưng cơn đau không dịu đi.
-Anh chiến sĩ trinh sát đã thoát về được không báo tin gì mới à? Anh ta có tỉnh không? Anh ta ở đâu? Bét-xô-nốp hỏi Cu-rư-sép, cố lãng quên đầu gối nóng bỏng đang giật giật.
Nhìn vào tấm bản dồ đánh dấu nhằng nhịt, trung tá Cu-rư-sép bắt đầu nói cố gắng không để lọ sự mệt mỏi quá sức của một người phải lo âu quá lâu.
-Khi người ta chuyển đồng chí ấy từ khẩu đội pháo về, đồng chí ấy đang trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, thưa đồng chí tư lệnh. Qua lời của đồng chí ấy có thể hiểu là các anh em trinh sát khác lúc trở về đã bị bọn Đức phát hiện, phải chiến đấu và cùng với “cái lưới” bắt được mắc kẹt lại đâu đó phía trước các chiến hào của đội cảnh giới chiến đấu. Đã đưa đồng chí ấy tới trạm cứu thương nhưng chưa chắc đồng chí ấy có thể nói thêm được điều gì mới… Vâng, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về đội trinh sát.
-Thôi đi anh.-Bét-xô-nốp khẽ đập bàn tay lên mặt bàn.-Anh hãy chấm dứt thói tự hành hạ mình, đó là việc làm vô nghĩa và hoàn toàn không đúng lúc, trung tá ạ. Làm như thế chẳng giúp được gì cho anh cũng như cho tôi. Không bắt được tù binh và lúc này chắc không thể bắt được vì bọn Đức đang tiến công, vậy mà tôi cần một tù binh Đức nghiêm chỉnh, tầm cỡ và am hiểu nhiều. Nào, ta sẽ làm gì đây, trung tá?
-Đồng chí cho phép tôi suy nghĩ chứ ạ, thưa đồng chí tư lệnh?
Bét-xô-nốp gõ gõ ngón tay lên mặt bàn và trông thấy trung tá Cu-rư-sép khoan thai, và thận trọng dùng mu bàn tay vun những mảnh đất rơi từ trên trần xuống như vụn bánh mì vậy. Bét-xô-nốp thấy việc đó cũng gượng gạo, vô ích như chuyến trinh sát không thành công, như cơn đau tê tái, rát bỏng trong cẳng chân ông và ông chợt nghĩ: “Giá uống tí rượu Vốt ca đầu óc sẽ tỉnh táo, cơn đau dịu đi và chắc sẽ dễ chịu hơn!”. Nhưng lập tức chính ông ngạc nhiên trước mong ước bất ngờ đó, trước ý nghĩ về sự nhẹ nhõm đó và vẫn không đứng lên, ông ngồi đợi cho qua cơn đau nóng bỏng không dứt ở đầu gối, cơn đau cản trở ông tập trung suy nghĩ và khiến ông bực bội.
Súng cối sáu nòng của địch đã ngừng bắn vào đài quan sát nhưng căn hầm ngầm vẫn như một chiếc mảng bập bềnh trong bóng tối giữa những loạt đạn đại bác và tiếng nổ rung chuyển, giữa những làn sóng liên thanh quất liên tục ở phía trước trong bóng tối đó. Và chẳng hiểu sao trong căn hầm mà mọi âm thanh ở bên ngoài đều bị lụi hẳn đi di lớp nắm hầm dày, Bét-xô-nốp đặc biệt nhận ra rất rõ tiếng rền của xe tăng và tiếng súng tự động dày đặc, sôi động vọng từ phía Bắc và phía Nam tới, trùm lấy điểm cao mà ông tưởng như đã bị cắt rời khỏi tập đoàn quân, khỏi các quân đoàn, các sư đoàn-khỏi toàn bộ thế giới xung quanh.
-…Tôi đã bảo anh rằng: anh hãy bắn dù là bằng súng ngắn cũng được, nghe thủng chưa? Hãy đứng vững cho dù xe tăng địch lăn qua người anh, rõ chưa?
Bét-xô-nốp ngẩng đầu lên, da mặt ông giật giật, lộ vẻ đau khổ. Ở nửa bên kia của hầm ngầm tiếng máy điện thoại rù rù, vo vo, lấn át nhau, những giọng nói căng thẳng đứt quãng và giọng nam trung của Đê-ép át tất cả những tiếng ồn ào đó, anh đang gào lên, vừa ra lệnh vừa chen vào những lời sỉ vả, dọa dẫm:
-Nếu anh mà lùi một phân thì tốt hơn hết là anh hãy cho mình một phát đạn vào đầu, Trê-rê-pa-nốp! Nghe thấy không? Tất cả pháo binh, tất cả súng chống tăng đến chật ních ở chỗ anh cả đấy! Tôi cũng biết như anh rằng, địch đang bao vây nhưng “kêu cứu” mà làm gì mới được chứ? Phải bám trụ dù anh có ngoẻo chăng nữa!… Lối qua sông đã bị phá hủy thì xe tăng địch còn ở đâu tới nữa! Đừng có nói nhảm!…
Bét-xô-nốp lắng nghe và hiểu rằng trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh Trê-rê-pa-nốp báo cáo, là xe tăng địch đã đánh tạt sườn, trung đoàn gần như bị bao vây, xin tiếp viện nhưng Đê-ép chẳng những không hứa giúp đỡ mà còn trả lời bằng những lời lẽ phẫn nộ và đã khuyên nên lấy cái chết chọi với cái chết nếu như không cầm cự được… Còn Bét-xô-nốp vẫn ngồi ở đấy, trong ngách hầm tách biệt, khổ sở vì cơn đau ở đầu gối và không có quyền can thiệp vào, ông cũng không đi ra. Đê-ép đã thi hành mệnh lệnh của ông ban ra là phải bám trụ cho tới người cuối cùng và thật là quá sức người nếu nhìn thẳng vào mắt Đê-ép lúc này bởi vì Đê-ép cũng đang chờ đợi tiếp viện cho sư đoàn của mình mặc dầu Đê-ép đã hiểu rõ tầm quan trọng không thể chối cãi được của mệnh lệnh đó đối với các trung đoàn của mình đang phải chịu đựng toàn bộ cuộc đột kích khủng khiếp của xe tăng địch, do số phận run rủi như lệ thường trong chiến tranh, trong đó không có sự lựa chọn.
-Đừng có nỉ non như thế, Trê-rê-pa-nốp!-Đê-ép gào lên như bị kích động, xổ ra giọng tuyệt vọng.-Anh tưởng tôi không hiểu chắc? Tôi nói hết rồi đấy! Hãy siết chặt dây lưng lại và bám trụ cho vững! Pháo binh sẽ cật lực yểm trợ cho anh! Anh không thấy nhưng tôi thấy. Kêu ca làm gì, hãy chịu đựng! Hãm bám trụ, dù phải cào phải cấu như một cô gái yếu ớt nhưng hãy bám trụ cho vững! Và đừng gọi điện cho tôi về chuyện đó nữa! Tôi không muốn nghe đâu!…
“Đê-ép thiếu tá hành mệnh lệnh của mình, tuy vậy anh ta nghĩ gì khi phát đi mệnh lệnh đó?”-Bét-xô-nốp lại thoáng nghĩ.
Trong chốc lát, đôi mắt ông bắt gặp cái nhìn của chủ nhiệm trinh sát đang lặng lẽ đứng bất động ở bên bàn. Ông ta không còn phủi đất vụn khỏi bàn đồ nữa. Vẻ mặt thông minh và mệt mỏi của trung tá Cu-rư-sép vừa thể hiện sự phê phán lặng lẽ, không nói nên lời vừa thể hiện sự cầu xin giúp đỡ. Ông ta hiểu rất rõ tình hình đang diễn biến hiện nay tại sư đoàn, hiểu qua những âm thanh của trận đánh, qua những mệnh lệnh này của Đê-ép ở ngách hầm bên kia. Bét-xô-nốp đưa lòng bàn tay lau trán và nói ra không hẳn điều ông định nói, không hẳn điều ông nghĩ:
-Nói đi, trung tá. Tôi nghe đây.
-Thưa đồng chí tư lệnh,-Cu-rư-sép bắt đầu nói giọng đều đều,-hình như việc sư đoàn bị bao vây đã rõ…
-Anh tin chắc thế à?
-Vâng, theo ý tôi rồi xe tăng địch sẽ đi vòng qua đài quan sát này, thưa đồng chí tư lệnh.
Bét-xô-nốp ngồi im một lát và dường như sực tỉnh, ông mệt mỏi nhìn chủ nhiệm trinh sát, sau đó đứng dậy, thốt lên với vẻ tò mò nghiệt ngã:
-Anh đừng nói hết. Anh muốn nói là chính bản thân chúng ta có thể bị biến thành “những cái lưỡi” chứ gì? Hình như thế phải không, trung tá?
-Tôi nói về hoàn cảnh khách quan, thưa đồng chí tư lệnh,-trung tá giải thích bằng giọng đều đều như trước.-Qua một thời gian nữa bọn Đức có thể sẽ cắt đứt liên lạc của ta. Lúc ấy chúng ta sẽ mất đường dây chỉ huy.
-Cám ơn những lời lẽ khách quan của trung tá. Nhưng cho đến nay đường dây chỉ huy vẫn thông suốt,-Bét-xô-nốp nói.-Và tôi không thay đổi mệnh lệnh về việc bắt “một cái lưỡi”. Thậm chí ngay cả khi chúng ta bị bắt làm tù binh, một điều rất khó chịu.
Ông nhấc ống nghe điện thoại lên.
-Đồng chí chủ nhiệm pháo binh… đường dây hoạt động tốt chứ? Hay lắm! Gọi Lô-mít-dê cho tôi.
Sau khi nhận ra trong ống nghe giọng nói hơi oang oang, lơ lớ của tướng Lô-mít-dê: “Bọn Đức đã phát cuồng lên ở chỗ đồng chí phải không, thưa đồng chí số Một…”-Ông vội ngắt lời, hỏi:
-Liệu có thể sử dụng trung đoàn súng cối số 42 trên hướng của Đê-ép được không?
-Tôi sẽ ra lệnh, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích. Để chống lại xe tăng địch à? Tôi hiểu có đúng ý đồng chí không?
-Anh hiểu đúng đấy.
Bét-xô-nốp không dừng lại, nửa hầm ngầm bên kia mù mịt khói thuốc lá, trong đó tiếng máy điện thoại kêu vo vo và thấp thoáng bóng các sĩ quan đi đi lại lại. Ông chỉ nhận ra bóng dáng cao lớn của đại tá Đê-ép giữa các cán bộ tác chiến, không nói một lời nào, ông lấy gậy đẩy cửa, bước ra khỏi hầm ngầm. Thiếu tá Bô-gi-scô đi theo ông.
-Đồng chí tư lệnh!-Giữa tiếng máy điện thoại liên tục giọng nam trung khàn khàn của Đê-ép vang lên sau lưng.
-Bét-xô-nốp rảo bước vào hầm.