Tôi là trò cười cho cả xóm. Đi đến đâu, tiếng cười chế giễu đón tôi nở đến đấy, và càng rộ lên sau lưng: người ta kể về tôi những chuyện cực kì hài hước. Tôi không cần nghe rõ mới hiểu bọn ngu ngốc kia thấy cái gì là ngớ ngẩn đáng cười. Trước hết, các bạn biết cho là tôi cũng mê gái như ai. Và tuyệt hơn cả là tôi đã cưới được người tôi yêu! Họ không hề chán thưởng câu chuyện li kì, những cuộc ái ân và hôn nhân của tôi. Nếu bạn đọc lấy làm lạ rằng một điều giản dị như vậy mà có thể chê cười được, họ sẽ hỏi bạn đã nom thấy tôi chưa. Thà tôi tự giới thiệu ngay đi. Tôi có vẻ gì đặc biệt nhỉ? Âu cũng là thằng người vậy thôi. Tôi lùn, đen trùi trũi như mực, tay chân dài lêu nghêu. Đầu to gộc càng tăng vẻ dị dạng. Mắt tôi tròn xoe, sâu hoắm dưới vành con người; mũi tẹt, trán ngắn, miệng rộng đến mang tai, và tai lại vểnh ra. Ngày còn nhỏ tôi bị ngã như trời giáng, thành thử khập khiễng què chân phải. Nói cho cùng, tôi là một toà dơ dáng. Có lẽ thoạt nhìn thấy tôi, người ta nhầm tôi với đười ươi. Bạn sẽ bảo, khi nhìn thấy khỉ, chưa chắc người ta tức cười ngay. Không, điều khiến họ nực cười chính là đứa mà họ coi là khỉ lại thực sự là thằng người hệt như họ. một hôm tôi nghe thấy khách qua đường nói với bạn đồng hành: “Gã kia nhắc mình nhớ tới chuyện thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà”. Dù không gù, tôi cũng không thèm phản đối. Tóm lại, hình dáng thằng tôi nhắc nhở những gì cho kẻ khác, điều đó nào bận tâm đến tôi! Điều chắc chắn là tiếng cười của họ nhắn nhe tôi nhiều lắm. Tôi những muốn độn thổ khi gặp thiếu nữ xinh đẹp, bởi các cô ngoảnh mặt đi như người Bà la môn nhìn thấy chim báo gở. Lúc đó là lúc mọi người khinh tôi, không thèm nhìn nhận tôi là đồng bào của họ. Và cũng không thèm nghĩ rằng tôi có tính tình nhân đạo: bây giờ tôi mới lượng thấy nỗi khổ tâm của tôi mênh mang đến thế nào. Cũng như ai, tôi yêu cái đẹp, mà điều đó về phần tôi như là một trọng tội khó bề tha thứ. Nói tóm lại, xã hội tuyên bố cấm ngặt những người vào loại tôi không được nhập hàng ngũ. Điều đó tôi biết lắm. Cha tôi chết hồi tôi còn thơ ấu, tôi không giữ được lưu niệm gì về người cả. Còn mẹ già là cả gia đình tôi. Có nên kết án sự di truyền không? Ai là người chịu trách nhiệm về hình thù đáng thương của tôi? Cha tôi? Mẹ tôi? Tôi chẳng dám buộc tội người này hoặc người kia. Mà buộc tội cái gì chứ? Có lẽ các cụ không mong muốn tôi ra đời, có lẽ các cụ cũng chẳng tính trước điều đó. Tôi sinh ra, thế là hết chuyện. Một linh ứng mù mịt trong gia đình như phòng ngừa cho mẹ tôi mọi tai nạn và xúi tôi sinh ra còn được sống sót. Mãi về sau này, ý niệm về gia tộc do mẹ tôi vô tình bày tỏ cho tôi. Một hôm mẹ tôi hỏi: - Con không tin sau này con phải cưới vợ à? Tôi chờ đợi sẽ phải hỏi như vậy, và cố nén nỗi đau buồn, đáp lại: - Thưa mẹ, nhưng hãy đợi khi nào giờ phút ấy đến đã. Cụ bèn đi hỏi các bà hàng xóm. Chuyện bàn tán kéo dài mất mấy ngày. Tôi tự hỏi không biết vì sao mẹ tôi trở về nhà, vẻ mặt mỗi ngày một buồn thêm. Khi hỏi: “Mẹ sao thế?”. Mẹ tôi trả lời đơn giản với một nụ cười: “Không có gì, con ạ”. Nhưng tôi nhận thấy lòng mẹ như bị vò xé. Hai tuần lễ trôi qua như vậy. Rồi mẹ tôi thôi không đi đâu nữa. Còn ai chưa giễu tôi, bắt đầu cười nốt như những người khác. Có hôm tôi nghe thấy một người có tuổi nói giọng bi thương: “Khốn nạn thằng bé! Khổ tâm cho bà mẹ biết bao để lấy vợ cho con! Trời ơi! Những của như nó sinh ra thành người để làm gì!”. Tôi bôi trộm sáp và cố chải chuốt lối ăn vận. Phố đông: tiếng cười nở vang gấp bội. Tôi biết sự thật cay độc ngụ trong câu tục ngữ của dân chúng tôi: “Phải đâu thả quạ xuống nước là quạ thành thiên nga”. Dần dần tôi càng mê mải yêu đương và muốn được yêu đương. Hình như điều đó rất tự nhiên, phải không? Sau cùng, tôi cũng phải tìm ra một người con gái. Quả là một chuyện kì dị: một người đàn bà trẻ tuổi sẽ yêu tôi, không chút tư lự về hình thức bề ngoài của tôi mà mọi người đều đã chán chường. Bao cố gắng của mẹ tôi để tìm kiếm một nàng dâu hiều đều thất bại. Không người đàn bà nào ưng lấy thằng người khỉ. Đã khổ về thất bại, mẹ tôi quỵ xuống vì tuổi già. Mẹ mà tình thương làm dịu lòng tôi những nỗi lo sợ, mẹ tôi, tình mẫu tử ràng buộc tôi với cảnh đời vô tình, mẹ thấy tôi có vẻ đẹp thầm tuy tôi xấu xí, mẹ tôi chết, còn tôi ở lại cô đơn. Chỉ còn tôi than khóc riêng cho tôi, vì mẹ còn đâu để tiếp tục chịu đựng những nỗi đau khổ nữa. Một hôm, trong cảnh hiu quạnh đè trĩu nặng, có tiếng cộc cộc trên thềm. Rôi tôi nghe ra như tiếng một thiếu nữ: “Con xin ông mở lòng nhân đức”. Đó là một đứa ăn mày. “Con là kẻ mù loà”, người đó nói tiếp như vậy. Tôi quên cả nỗi buồn riêng trước cảnh thương tâm kia, nghĩ rằng: “Người thiếu nữ khốn khổ trẻ măng thế đã mù. Ta phải biết ta thật là sung sướng khi còn mắt thấy tai nghe!” Người đó mắt mũi bình thường nhưng thân hình cân đối, có duyên dáng của tuổi thanh xuân. Động lòng, tôi bèn bảo người ấy ngồi nghỉ một lát, và nom thấy cô ta sờ soạng tìm cửa vào, tôi bè cầm tay dắt vào ngồi chiếc ghế bành ở cuối hàng hiên. Lần đầu tiên chạm tay vào một người đàn bà trẻ, tôi run lẩy bẩy như lên cơn sốt, môi se lại, chân mềm nhũn ra, hơi thở dồn. Sau khi cho nàng một đồng rupi tôi mời nàng ăn cơm với tôi. Nàng kể tên là Lyla và ở với mẹ một xó gần một xưởng may lớn. Nét mặt với đôi mắt mù loà nhiễm cả cái tươi mát của tuổi trẻ. Lúc nàng ra về, tôi dặn hãy trở lại với tôi. Nàng quen lệ đến luôn, chúng tôi kể cho nhau nghe hết mọi chuyện. Dần dần tôi cảm thấy lòng tôi bớt nặng nề và có lúc cuộc sống bắt đầu thắm tươi. Tôi không ngớt tư lự về đôi mắt của Lyla. Có lẽ nàng còn đẹp hơn nếu mắt sáng. Phải chăng người đời đã nói khoé mắt đàn bà khiến ta cuồng say? Không, điều ước nguyện như thế là vô lí: ví thử Lyla mắt sáng, có lẽ nàng đã chẳng là người hành khất, hoặc ngay như là hành khất đi nữa, nàng đã chẳng thèm nhận của bố thí của tôi. Mắt nàng mà sáng, biết đâu chẳng ngăn nàng không đến thăm tôi ngày ngày, trò chuyện cùng tôi thân mật. Bao ý nghĩ rối ren đó là dấu hiệu đã ngấm ngầm khiến tôi tin tưởng thằng tôi cũng như kẻ khác vậy thôi. Người ta chú ý đến những cuộc hò hẹn của chúng tôi. Nhưng chẳng ai ao ước số phận chúng tôi. “Người khỉ” là tôi, gây nên bao lời châm chọc. Câu chuyện của tôi khiến tăng gấp đôi những tiếng cười. Duyên tình giữa thằng quỷ và con mù, thật hài hước biết bao! Một hôm tôi hỏi Lyla: “Lyla em nhận thấy anh ra sao?”. Nụ cười của nàng khiến tôi tràn ngập sung sướng. Tôi gặng hỏi: - Lyla, này em. Nàng đáp, dịu dàng: - Chưa bao giờ em nói xấu anh. Lòng thành thực dĩ nhiên trong câu trả lời ru lòng tôi khoan khoái, khiến tôi can đảm hỏi nàng có tình ý gì chăng. Nàng cúi đầu, rụt rè không nói. Còn tôi không muốn làm tan vỡ hạnh phúc hôm ấy. Nàng đứng dậy ra về không chịu ngồi nán lại. “Lyla!” Dù sao tôi cũng có một tên người để thầm đọc lên với cả niềm yêu thương, một người để chờ mong. Trong cuộc sống bi đát của tôi bừng lên niềm vui dạt dào. May mắn cho tôi biết bao! Những lúc cô đơn, mối lo lại chiếm lấy tôi. Giả thử bọn ghét bỏ tôi nói cho Lyla hay vẻ xấu xí của tôi ra! Mà không chừng chúng làm như vậy rồi, biết đâu đấy. Nhưng làm cách gì để phân biệt vẻ đẹp với xấu xí, nàng nào biết phân biệt đêm ngày? Nàng đã chẳng kể nàng bị mù từ thuở lọt lòng đó ư. Cách nào bây giờ? Đại diện của Thượng đế đâu có từ chối xe duyên một người đàn ông cho một người phụ nữ. Vậy mà không một ai dám nhận làm lễ cưới cho chúng tôi. Về điểm này, dù họ theo tôn giáo khác, người ta đều đồng lòng làm trái ý bọn chúng tôi, vì tôi quên giới thiệu là tôi theo đạo Hồi. Vậy nên tôi cũng chẳng lấy làm lạ trước vẻ bối rối của nàng khi hỏi nàng có thuận làm vợ tôi. Vấn đề tôn giáo đã khiến tôi phân vân. Tôi gặng hỏi: - Lyla, anh có phải là người trời run rủi giao phó em cho anh không? Còn giai cấp và tôn giáo là chuyện bịa đặt của người đời. Tôi nhìn thấy môi nàng lắp bắp khi tôi bênh vực lí lẽ của tôi. Tôi có cảm tưởng mình là kẻ bị kết tội đang chờ bản án của toà xử. Chỉ còn Lyla là định đoạt được tôi sống lại hay không, mà nàng thì cứ lặng thinh. Tôi gặng hỏi thêm, cổ họng như bị thắt lại: - Trả lời anh, Lyla, anh ước ao được quyền che chở cho em, ban cho anh hạnh phúc ấy đi, em. Nàng đáp: - Em muốn thế lắm. Em từng chịu người đời khinh bỉ. Đi ngang qua đây, em thấy nói: “Kìa, người yêu của thằng khỉ”. Đối với họ, anh xấu quá. - Nhưng còn em, Lyla, em nghĩ sao? - Em biết bọn chúng nói đến vẻ xấu xí của anh, nhưng em chẳng nom thấy khỉ bao giờ. Dù anh là người đẹp nhất đời đi nữa, em cũng chẳng thấy thay đổi chút nào. Em nhìn sự đời, xấu và đẹp bằng tấm lòng em. Em biết lắm, anh là người theo đạo Hồi và em theo đạo Ấn, Xưa, em nghĩ có lẽ trên đời chẳng có ai yêu em thành thật. Nhưng… Tư lự, tôi hỏi: - Sao lại có chữ “nhưng” hả em? - Vâng, có chữ “nhưng”, tại sự “mù loà”của em. Em… em không còn trinh bạch. Dù bị mù loà, trước kia em cũng muốn yêu, chính em ấy, anh ạ. Song đi hành khất suốt ngày, bị của em luôn luôn trống rỗng như dạ dày mẹ em và em. Nhục nhã, trong đêm tối, em buộc lòng phải bán thân đi. Em không muốn làm nhơ nhuốc anh. Không ai bố thí cho người đàn bà, chỉ vì lòng nhân từ. Làn đầu tiên anh đối tốt với em, em đã ngờ có lẽ cũng lại chỉ thế thôi. Xin anh tha thứ cho em. Nay anh là người duy nhất mà em quý trọng. Trong khoảnh khắc, tôi đứng lặng người đi. Sau hết phải nói: - Lyla, riêng lòng ích kỉ khốn nạn của người đời là có tội. Anh sẽ không nghĩ gì đến chuyện đó. Sự kiện lớn lao nhất xảy ra mấy ngày sau, làm loạn lên khắp cả khu phố. Những đứa tự coi là tay bảo vệ cho xã hội đều như mất thể diện và không cho rằng cuộc hôn phối này là đám cưới vì tình. Đoạn, tôi an ủi nàng: - Mặc chúng cười, lũ điên khốn nạn. Cuộc đời vợ chồng chúng tôi xếp đặt dần đâu vào đấy. Không giản dị cũng không dễ dàng, nhưng đối với chúng tôi rất hợp với nhu cầu say sưa về sinh sống. Luân lí xã hội và thành kiến tôn giáo oán thù cay độc chúng tôi. Người ta khinh bỏ chúng tôi. Chúng tôi không mê muội, chúng tôi biết cuộc đời sẽ gay gắt, và chúng tôi sẵn sàng chống chọi mọi nỗi khó khăn. Rồi chuyện xảy ra: Lyla sắp là mẹ. Cặp mắt mù loà của nàng và sự bất thành dạng của tôi không ngăn được thiên nhiên làm phận sự. Chúng tôi cũng chẳng nghe thấy nói xấu và giễu cợt nữa. Tôi được hưởng thụ bao nỗi vui tươi, từ trước đến nay dám đâu hi vọng. Xưa tôi si tình, tôi đã kết duyên, và nay tôi sắp làm cha. Xin tạ ơn Thượng đế cùng ân đức của Người! Lyla bỗng ốm ròng rã hai tháng trước khi sinh con. Tôi bèn mời bác sĩ đến khám và nài xin ông cứu chữa cho nàng. Ông nói: - Không có gì hệ trọng. Đoạn tôi hỏi phải chăng Lyla bị mù từ lúc lọt lòng. Ông bèn khám mắt kĩ lưỡng và nói: - Tôi có thể mổ cho sáng. Nhưng lúc này không thể làm được, phải đợi ở cữ xong đã. Lời của vị bác sĩ như thể dao găm đâm vào tôi. Trả lại thị giác cho Lyla! Nhưng nàng yêu bằng linh hồn, liệu còn yêu tôi bằng mắt nữa chăng? Trả lời làm sao đây cho bác sĩ? Từ chối không để mổ chăng? Tôi vui gượng, song chỉ nhắc nhở như máy cho nàng nghe: “Lyla, bác sĩ bảo có thể chữa cho em đấy!”. Giải nghĩa cách nào cho nàng thấy rằng lấy lại thị giác chính là làm cạn nguồn sống của tôi? Con người có từ nan việc gì để giữ lấy thị giác đâu! Phải chăng nhìn được là một hạnh phúc lớn khi người ta vốn bị mù? Lyla rất hiểu lòng tôi, nhưng lại không biết đời coi tôi ra sao. Nàng nói: “Em muốn lắm, nếu mắt sáng ra. Anh có sung sướng không? Em mà nhìn thấy anh, chắc chắn anh sẽ yêu em hơn nhiều”. Mắt Lyla tươi sáng hẳn lên, tuy nàng đang ốm. Bác sĩ kê đơn đưa tôi và dặn cách săn sóc, rồi tiếp: “Ông hãy đến thăm tôi khi bà nhà hoàn toàn bình phục sau khi sinh cháu. Tôi sẽ cho biết chi tiết khi mổ mắt”. Lyla bình tĩnh nhưng giông tố đang nổi trong tâm hồn tôi. Tôi ra ngồi đầu hàng hiên, nơi tôi lánh mặt. Thế giới của tôi sắp tan vỡ. Tôi oán bác sĩ, tôi muốn giết ông ta. Nhưng không, ông chỉ phục vụ, đời tôi có can chi đến ông. Cầu cho Lyla sáng mắt! Cầu trời ban phúc ấy cho! Nhưng cầu cho tôi tan thành tro bụi trước khi nàng biết thế nào là con người khỉ! Cầu sao tôi chỉ sống trong kí ức nàng như hiện nay. Và nếu nàng quên tôi? Trời ơi! Lòng tôi như bị vò xé. Lyla sinh con trai. Đứa trẻ là một nhạo báng và bêu riếu; may thay, đứa trẻ vô tội khốn khổ kia không ăn thừa tự vẻ xấu xí bất thành dạng của cha nó cũng như bệnh tật của mẹ nó. Lyla bình phục rất chóng. Một hôm, nàng nhắc tôi điều mà lòng ích kỉ của tôi như muốn bỏ quên. Nàng hỏi, không rõ đày đoạ tôi đến mực nào: - Chúng ta có đến thăm ông bác sĩ không anh? - Ừ phải, anh quên đấy. Hôm nay anh sẽ đến tìm ông ấy. Tôi biết tôi nói dối, và có cảm giác đang bồng bềnh giữa biển. Tôi vắng nhà hai giờ liền. Lúc về, tôi nói cộc lốc, không thêm nửa lời: “Bác sĩ chết rồi”, cũng không tỏ vẻ buồn rầu nhẽ ra phải cảm thấy về cái chết của người đã chữa cho Lyla. Lòng bí mật ích kỉ và độc ác của tôi khiến tôi nghẹn ngào. Mưu tính cứu thoát hạnh phúc của tôi đã vò xé lương tâm tôi. Ngày lại ngày trôi qua không làm tôi yên tâm chút nào. Bỗng một chiều kia, khi trở về nhà, tôi mới hiểu nỗi lòng tan nát ra sao! Lyla không kịp chống gậy, chạy bổ ra cái nôi. Nàng vấp phải cái thau và bị văng mạnh vào bực cửa. Máu chảy chan hoà. Tôi phải lập tức đưa vào bệnh viện. Một bác sĩ vội cho tôi hay: - Bà ấy chắc ngã khiếp lắm. Thương tích rất nặng. Ông đưa tôi đến bên Lyla đang quằn quại trên giường. Nàng hỏi tôi: - Anh đã đến, nhưng em sắp vĩnh biệt anh đây. Nếu như em được nhìn thấy anh bằng mắt nhỉ? Điều mong ước cuối cùng đó của Lyla mới thực kết án tôi làm sao. Tôi đáp: - Lyla em, nhìn bằng mắt đâu có phải là điều quan hệ hơn hết. Em nhìn thấu anh bằng tấm lòng cao quý của em, hơn cả mọi người trên đời. Em yêu của anh, hãy yên lòng rồi em sẽ khỏi. Lyla nghe tôi. Rồi sự im lặng kéo dài dằng dặc. Nắng xế. Nàng rên xiết. Tôi như bị hành hạ; điều bí mật khốn nạn của tôi khiến tôi nghẹn ngào không cầm lòng được. Mẹ Lyla mang đứa trẻ đặt bên nàng. Có lẽ bầu không khí bi đát ảnh hưởng đến đứa nhỏ, nó khóc thét lên, hoà theo tiếng khóc của bà nó. Tôi cảm thấy quạnh hiu và đau khổ vô cùng. Linh hồn thanh khiết của Lyla thoát trần nhẹ nhàng. Tôi không còn nhớ đã làm những gì. Một trái tim ngừng đập, còn lại, trái tim thứ hai đang đập đến tan vỡ. Tôi chỉ nhận ra hoàng hôn đang buông xuống và bóng tối dày đặc đè nặng lên tôi. Những người chỉ biết vẻ xấu xí của tôi cùng chuyện tình bi thảm đó vẫn tiếp tục cười khi nom thấy tôi. Đôi khi tôi tự hỏi việc gì sẽ xảy ra, nếu tôi cũng mù như Lyla./.K.T. Môhamet (Ấn Độ)Phạm Chí Lương dịch