Sang ngày thứ ba, qua không thể tin vào mắt mình, một mình xác cổ nổi dạt vô mé dưới của cồn. Ba ngày dưới nước vậy mà cổ vẫn đẹp, vẫn trắng, môi mọng như thoa son… Qua không nỡ chôn cổ xuống đất. Đến khi có người trong thành ra, họ mới giúp qua làm việc đó… Ghe chạy chưa đầy nửa tiếng đã ghé cồn. Mới bước lên bờ, đập vào mắt tôi vẫn là ngôi mộ và dáng ngồi muôn thuở của ông. Vẫn đôi mắt lim dim vô tư lự, vẫn khuôn mặt vuông với những đường nét tạc vội của nhà điêu khắc tài hoa nhưng có tính phóng khoáng, vẫn cái lưng rù rù lên nước bóng loáng. Và vẫn dáng ngồi chồm hổm chân co chân duỗi, một tay gác lên thành mộ xây, một tay hờ hững cầm ly rượu. Cầm để mà cầm, cầm mà hồn như đang hướng về một nơi nào xa lắm. Tôi lặng lẽ kéo cái ghế làm bằng gộc cây ngồi sát bên mộ, nơi đối diện với ông. Phải một lúc rất lâu sau, ông mới với tay lấy cái bình, chiết rượu vô cốc rồi vẫn với cái nhìn đó, ông trao cho tôi ly rượu đế và nói: - Uống với qua ly. Ừ! Rồi rượu hết thì bình khô cạn, qua cũng cạn khô quắt khô queo, rồi đèn này nữa, nó cũng sắp tắt. Cái cồn Thương này… - Một mố cầu sẽ đáp xuống đây, cầu thế kỷ, cầu vĩnh cửu… Có bêtông cốt thép cồn sẽ không còn trôi, ông cũng đỡ phải kè, phải đắp… - Qua biết, kè đắp mãi sao được, sức người có hạn… nhưng mấy bữa rày qua xin hoài mà cổ chưa chịu, cổ muốn nằm ngoài này mát hơn. Ông nhìn tôi rồi lại nhìn ngôi mộ, ngôi mộ trông cũng già như ông. Hai chúng tôi lại chìm vào yên lặng. Vì tôi biết giờ này có muốn hỏi gì ông cũng không nói nữa. Tôi ngồi bên ông, một già, một trẻ, cảm xúc của mỗi người chỉ có một mình mình biết, một mình mình hay. Tôi không biết ông đang nghĩ gì nhưng tôi đoán suy nghĩ của ông không vượt ra chuyện ngôi mộ. Dưới mộ là người vợ chưa cưới của ông. Bà trẻ mãi tuổi đôi mươi. Có thể nói cuộc chia tay của chúng tôi có sự góp mặt của ông. Hay nói đúng hơn, ông là cái cớ để dẫn đến cuộc chia tay. Số là hôm đó hai đứa đang ngồi tự tình trong “Quán Gió”. Quán nằm ngay mé sông, mặt quay về hướng cồn Thương. Ánh mặt trời cuối ngày đang cố quét một lần nữa trên sông Hậu cho xong phận sự của mình rồi lui về ngủ vùi trong đêm. Lúc này, ngọn đèn cồn Thương như sáng hơn để chứng tỏ sự hiện diện của mình. Buột miệng, tôi nói: - Cả cái thành phố này chắc ông già Tám là người chung tình nhất! Thy đốp lại ngay như phải bỏng: - Chung gì mà chung, tình gì mà tình. Mấy mươi năm ôm nấm mộ khô, một mình thắp đèn giữa cồn… Khùng! - Anh lại không nghĩ vậy, thực sự già Tám ở lại giữ cồn không phải chỉ vì ngôi mộ. Mà kể ra chung tình vậy thì đáng khen chớ, sao em kêu người ta là khùng… - Chiến công đã có tượng đài, liệt sĩ đã có những nghĩa trang… - Im! Im ngay! Cô… cô… tôi … tôi… Tôi thực sự kinh ngạc và đã vung tay lên nhưng kịp kềm chế. Không lẽ tôi lại hạ một cái tát vào chính cái miệng mới lúc nãy đây thôi đã thề thốt yêu thương, vung cái tát vào cặp má bầu bầu có hai lúm đồng tiền làm bao đêm tôi mất ngủ, vung cái tát làm rối mái tóc dài đen tôi thường trốn mặt vào trong đó. Tôi kinh ngạc nhìn Thy sao thấy lạ hoắc lạ huơ. Chẳng lẽ đây là người không lâu nữa tôi và em sẽ thành chồng vợ, sẽ chung sức chung lòng, sẽ nhìn về một hướng và đi tới một đích? … Thy không khóc cho việc tôi ra đi. Em không khóc, em không giữ tôi vì em không tin trên cuộc đời này có tình yêu, sự hy sinh, lòng thủy chung và cả những tấm lòng cao cả. ...- Qua kêu chú ra đây là có chút việc muốn nhờ - Trầm ngâm cả tiếng đồng hồ rồi ông bắt đầu nói - Nghe nói trước ở đây không có cồn lục chi hết, ngày ta đánh tây, cả tàu ta, tàu tây chìm. Xác tàu, xác người cản nước, tụ cát lâu thành cồn. Nhưng cứ mỗi mùa nước, cồn lại lở mạn trên và trôi về xuôi một ít, trông cồn cứ như giọt lệ xanh giữa sông bạc. Cồn trôi, vì vậy chỗ tàu chìm chắc không còn là ở đây. Ngày qua còn nhỏ, cồn vốn không có người ở. Rồi một buổi sáng bọn qua mới vô học tiết đầu thì cả trường được thông báo nghỉ và có tàu chở ra cồn coi tây bắn người. Qua nhớ mãi cái buổi sáng hôm đó, mười lăm người, trong đó có hai chị đang mang bầu, bị tây trói giật cánh khủy vào mười lăm chiếc cọc, mặt hướng vô cồn, lưng hướng ra sông. Trong mười lăm người đó qua nhận ra một người, chú Mười Dung chạy xe kéo. Chú Mười nói giọng miền ngoài, hiền khô, thỉnh thoảng về xóm, chú còn cho mấy đứa nhỏ kẹo mút, tò he. Qua đang ngẩn người nhìn chú Mười thì bỗng chú lên tiếng: “Hỡi đồng bào, đồng bào hãy nhìn cho rõ, nhớ cho kỹ ngày hôm nay, súng bắn vào chúng tôi là súng tây, chỉ huy người bắn chúng tôi là người tây… Hỡi các em học sinh hãy nhớ lấy mà tìm đường đi cho đúng… Súng tây không đủ nhiều để bắn hết dân Nam đâu… các em hãy tiếp… bước…”. Chú Mười nói nhanh như sợ không kịp. Mà đúng là không kịp, đạn nổ, tiếng trẻ con rú lên, rồi chúng bỏ chạy tán loạn, hình như miệng chú Mười vẫn đang nhép nhép, nhưng tiếng náo loạn nên không ai còn nghe được gì. Mười lăm người thành mười bảy, hai người đang mang bầu mà. Tây nó cắt dây, đạp xuống sông Hậu, máu loang đỏ cả một vùng, lúc sau, máu trộn với phù sa chảy xuôi… ở cồn về, lớp qua có mười đứa được giác ngộ, trong đó có qua và Thương. Cổ con nhà đài các lắm, cứ nghĩ khó mà hoạt động, vậy mà cổ làm việc gì cũng khá… Sau một vài lần bị bắt lên bót, tụi qua bị đuổi học hết, riêng Thương nhờ con nhà gia thế nên vẫn được học. Chiều nào cũng vậy, qua đón Thương nơi cổng trường, trong cặp sách, sau làn áo dài trắng của Thương khi thì lựu đạn, khi thì thuốc nổ. Thú thực ban đầu qua không nghĩ là cổ thương qua đâu, con gái họ kín lắm. Chỉ đến khi tổ của qua đánh đồn Tạ, trận đánh đã hết biết, gần như xóa sổ hoàn toàn bọn ác ôn. Nhưng trên đường rút bọn qua bị chặn. Qua với cổ chạy một hướng, chúng rượt rát quá, qua bắn cầm chân cho cổ chạy, cuối cùng qua bị bắt. Qua bị nhốt gần ba năm, tháng nào cổ cũng vô thăm nuôi, khi đó qua mới biết cổ thương qua lâu rồi. Ngày qua được thả, cái chân này đi lết, nó đánh phạm quá mà. Biết vậy nhưng cổ vẫn thương. Qua không còn ở tổ diệt ác được nữa. Luây quây ký ức xưa hiện về, cồn Tàu Chìm hiện về. Qua bàn với tổ chức và tổ chức đồng ý. Qua ra cồn sống một mình. Ngày cũng như đêm thắp lên ngọn đèn bốn mặt này. Hễ qua báo yên là giấc gần sáng, tổ diệt ác lội ra ngủ bù. Đó - Già Tám chỉ tay về phía mấy cái lu đại sắp bên chái lều - Mười mấy cái lu đó xưa qua làm hầm, khi có động anh em rút tạm xuống ngồi trong lu, hết động lại trải nóp xuống đất mà nằm, qua ngồi canh. Cũng có nhiều đêm, tụi nó đi tuần căng, qua phải quay mặt đèn đỏ báo động. Tay quay mặt đỏ mà bụng không muốn chút nào. Qua muốn anh em ra, muốn út ra. Dạo đó út đã thoát ly hẳn gia đình. Tổ chức cũng biết chuyện qua với út, ai cũng thương và muốn tác thành, Chi bộ Đảng cũng đã đồng ý. Hai đứa chọn đêm cuối tháng sẽ làm đám cưới trên cồn. Nhưng đám cưới mãi … không đến… Cổ chưa được làm vợ ngày nào đã phải ra đi… Già Tám nhìn về hun hút bên kia sông. Không bao lâu nữa, cầu Cầm Thi sẽ vươn đến cồn Thương, vươn qua cồn Thương để nối liền hai bờ thương nhớ. Tiếng phà đạp nước đêm đêm sẽ đi vào miền cổ tích. Và cồn Thương sẽ không còn là cồn Thương khi già Tám đưa mộ cô Thương vào nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Rồi già Tám nữa, già cũng sẽ vô bờ, sẽ nhận một ngôi nhà tình nghĩa nào đó. Và biết ai còn nhớ đây xưa là cồn Tàu Chìm, cồn Thương? Chắc nó sẽ có tên mới, cồn Mố Cầu chẳng hạn! …Qua chuẩn bị bánh trái nhiều lắm, có cả bộ quần áo nhung cho cổ mặc trong lễ vu quy nữa đó… Trăm lần qua báo đều trúng, anh em đều vượt sông an toàn… Vậy mà đêm đó… Tụi nó rải người nhái. Qua không phát hiện ra. Anh em thấy qua báo yên… Rồi súng nổ. Anh em mình chủ yếu là súng ngắn, lựu đạn lại bất ngờ… - Giọng già Tám như nghẹn lại - Già ngồi đó, đầu gục xuống, lưng còng như muốn ôm lấy ngôi mộ xây vào lòng. Và ngọn đèn bốn mặt vẫn sáng từ bấy cho đến nay. Ngọn đèn đã bao lần báo yên cho những đoàn quân vào ra thành phố. Ngọn đèn sau hòa bình vẫn sáng nhắc cho bao người, đã có một thời, những người con trung kiên đã sống, chiến đấu và hy sinh ở đây. … Sáng hôm sau, qua đem trái cây, hương hoa chuẩn bị cho đám cưới thả xuống dòng sông. Qua bơi xuồng như người mộng du ngang dọc theo sông nhưng tuyệt nhiên không thấy xác một ai… Sang ngày thứ ba, qua không thể tin vào mắt mình, một mình xác cổ nổi dạt vô mé dưới của cồn. Ba ngày dưới nước vậy mà cổ vẫn đẹp, vẫn trắng, môi mọng như thoa son… Qua không nỡ chôn cổ xuống đất. Đến khi có người trong thành ra, họ mới giúp qua làm việc đó… Qua dài dòng quá phải không?! Đây chắc là lần đầu mà cũng là lần cuối qua kể mà. Ráng ngồi nghe, chiều người già chút nhé. Còn việc qua muốn nhờ chú. Qua đã đắn đo kỹ, chỉ có chú mới làm được, chú là người cũng hay hoài cổ lắm. Qua coi dự án rồi, coi cả thiết kế cầu nữa. Thế là vĩnh viễn cồn Thương không còn trôi nữa, trước tới giờ qua đang lo, khi qua chết… giờ được vậy qua mừng. Còn việc này, chú đừng từ chối nhé, tất cả qua ghi trong này, chú có thể thêm bớt cho nó thẩm mỹ, còn đại ý là vầy, chú đọc coi được không? Tôi mở tờ giấy già Tám đưa, trong đó chỉ có duy nhất một dòng chữ già Tám viết nắn nót: “Nhắn những ai đi trên cây cầu này hãy nhớ, dưới chân cầu bao người con trung kiên đã ngã xuống!”. Già Tám nhìn tôi đọc và hy hóp chờ đợi. Già muốn khi cây cầu khánh thành, bằng uy tín và mối quan hệ của mình, tôi xin các cơ quan chức năng cho in hàng chữ này lên thành cầu, phía trên cồn Thương. Tôi biết làm được việc này không phải là giúp già Tám mà giúp cho bao thế hệ con cháu nhớ về một thời máu lửa. Đây là bài học về truyền thống hết sức sâu sắc. Già Tám nhìn tôi tin tưởng. Mặt xanh của ngọn đèn bốn mặt quay về phía tôi báo hiệu bình yên…