Trong cái buổi chia tay tại bến xe thị trấn hôm đó, Hà và Chiến có ngờ đâu phải hai chục năm sau họ mới gặp lại nhau trong nỗi đau khôn tả. Trên ba chục bà con dòng họ Phan Cự của Chiến, bom đạn giặc Mỹ đã cướp đi tới người cuối cùng. Còn lại Hà với đứa con ngoài giá thú.
Vào đến cổng, Chiến đã thấy một người đàn bà ngồi sàng sảy bên thềm. “Ai thế nhỉ?”. Đúng lúc đó thì người đàn bà nghểnh cổ ra:
- Ồ nhà đã về! Cậu ơi! Nhà cháu về rồi!
Chị lật đật chạy đến đỡ chiếc balô con cóc bạc phếch trên vai Chiến, miệng ríu rít hỏi hết câu nọ sang câu kia mà chẳng cần nghe anh trả lời. Chị ra giếng múc nước đổ đầy xô, đầy chậu, giục anh rửa ráy, thay quần áo. Chiến rửa ráy xong, thì một mâm cơm tươm tất đã dọn ra. Vào bữa, chị ăn uống rất ít, cười nói tự nhiên như chẳng có việc gì quan trọng xảy ra, chỉ lấy việc tiếp thức ăn cho Chiến, cho cậu Tảo làm vui. Lát sau, cơm nước xong xuôi, ông cậu tế nhị lẳng lặng đi ra ngoài vườn, cuộc trò chuyện của hai vợ chồng Chiến chuyển qua một hướng khác.
- Nếu chúng mình gặp nhau giữa đường, thì nhà không nhận ra em đâu nhỉ? - Chị hỏi.
Chiến cười buồn. Đúng, Hà thay đổi nhiều thật. Từ một cô gái mặt hoa da phấn, đẹp nổi tiếng thuở ấy, nay chỉ là một phụ nữ bình thường, lẫn vào trăm nghìn người đàn bà khác của xứ đồng chua nước mặn. Duy chỉ có cặp mắt to tròn rực sáng với cái nhìn chan chứa yêu thương và giọng nói ngân nga như hát là không đổi khác.
- Nhà tệ lắm, lần trước về quê, chưa kịp ra mộ cắm cho mẹ que hương, đã đùng đùng ra đi.
Chẳng đợi nghe chồng trả lời, Hà hích khẽ vào vai Chiến:
- Này, thế lá đơn ly hôn với em, nhà đã viết chưa? Chưa hả? Nhà vẫn như xưa, với người khác thì thúc như trống trận, còn bản thân thì… cứ nhởn nha kiểu “xem hoa quỳnh nở”.
Chị móc túi áo, lấy ra tờ giấy gấp tư, đặt vào tay chồng:
- Biết nhà hay quên, em viết sẵn một tờ. Nhà đọc thử coi, nếu thấy được thì ký quách cho xong… Mẹ con em sắp vào hẳn trong Tây Nguyên. Các thứ giấy tờ cần thiết, em đã xin đủ. Do vậy mà ba hôm nay, chiều nào em cũng qua đây hóng xem nhà đã về chưa. Nhà thông cảm cho em. Sở dĩ em vội vội vàng vàng là vì phải vào trong ấy trước mười lăm tháng tám để nhập học cho thằng cu Thắng.
Chiến vẫn nhìn Hà với đôi mắt dửng dưng:
- Thế lỡ hôm nay tôi vẫn chưa về thì sao?
- Thì em vẫn đi. Và em sẽ gửi lại cho nhà lá đơn này kèm theo vài tờ giấy có tên em ký sẵn. Bao giờ có giấy gọi, nhà ra hầu tòa một mình. Thời buổi này, chuyện ly hôn tòa xử dễ ợt. Có rắc rối đâu mà lo… Ồ chết, suýt nữa em quên mất!
Hà lục lại túi áo, lôi ra một chùm chìa khóa:
- Nghe em dặn đây này. Chiếc chìa to nhất là của ổ khóa nhà ngoài. Chiếc vừa là của ổ khóa buồng, chiếc bé nhất là của ổ khóa tủ. Mình cứ ở nhà này đi, em có dự trữ sẵn cho nhà một số gạo, đỗ, lạc vừng… ăn cũng được vài tháng. Các thứ thức ăn vật dụng để đâu, em ghi sẵn ở cuốn sổ bìa đỏ đặt trong tủ. Ngày kỵ giỗ ông bà nội, ba, mẹ, chú tư, cô út, em cũng ghi trong đó, nhà nhớ hương khói.
Chiến giơ tay một cách vô thức, rồi rụt ngay lại. Trên khuôn mặt của anh chợt xuất hiện những mảng tím tái đến khó coi:
- Hà này… Tôi nghĩ… chúng mình có thể ly… ly hôn, nhưng mẹ con em vẫn… vẫn ở lại ngôi nhà ấy… cũng được…
- Ồ không, không! - Hà lắc đầu nguầy nguậy - Sao nhà nói thế? Đó không chỉ là nơi ở, mà còn là chốn phụng thờ tổ tiên. Nếu nhà hy sinh thực rồi thì thôi, chứ trời còn để sống, thì phải quay về đó để gánh vác phận sự thiêng liêng của người con trai duy nhất còn lại của dòng họ Phan Cự chứ.
- Trời ơi! Hóa ra nếu tôi chết thật thì em chỉ mất một mình người chồng, nhưng tôi lại lù lù quay về, thì em chẳng những vẫn mất chồng, mà còn mất luôn cả bố mẹ, em út họ hàng, mất nhà mất cửa.
- Nhà đừng nói thế! Giá nhà biết được em sung sướng đến mức nào khi nghe tin nhà còn sống, mặc dù em cũng lường trước được cuộc ly hôn của hai ta là không tránh khỏi. Em mừng là mừng cho họ Phan Cự nhà ta không phải tuyệt tự. Em mừng là mừng cho mẹ. Chao ôi! Nếu người chết mà có linh hồn thật, thì dưới suối vàng, giờ phút này mẹ vui biết bao nhiêu. Nhà sắp xuất ngũ rồi phải không? - Minh Hà bất chợt lái câu chuyện qua hướng khác, không một chút chần chừ, chẳng mảy may rào đón - Về đi thôi, về quê mà cưới vợ ngay đi để kiếm một đứa chống gậy.
- Trời ơi! Tôi thực tình không hiểu sao lúc này em còn đùa cợt được?
- Thế nhà muốn em khóc à? Em đã khóc đến khô kiệt nước mắt rồi. Từ giờ đến chết, em chỉ cười thôi.
°

*

Chiến với Hà là người cùng xóm. Hồi còn học ở trường làng, mỗi dịp hè, hầu như trưa nào Chiến cũng trốn bố lẻn vào cái lùm cây có miếu thờ Thành Hoàng phía đầu làng để bắt loại chim sáo chưa kịp ra ràng về nuôi. Nuôi chán, Chiến đem cho đám bạn bè lối xóm. Tất nhiên, Hà, cô bé kém Chiến hai tuổi, có hai bím tóc đuôi chuột, có cặp má lúm đồng tiền, và đặc biệt, có giọng nói ngọt như mía, bao giờ cũng được chọn những con đẹp nhất. Thấy đôi trẻ chơi thân với nhau, bà mẹ Hà có lần buột miệng: “Bọn bây sau này lớn lên dễ thành vợ chồng lắm đó”. Không ngờ lời nói nửa đùa, nửa thật ấy đã thành lời tiên tri. Sau này lớn lên họ thành vợ thành chồng thật.
Nhưng họ chỉ sống với nhau trên dưới chục ngày thì Chiến lên đường ra trận. Trong cái buổi chia tay vào một ngày đầu thu tại bến xe thị trấn hôm đó, Hà và Chiến có ngờ đâu phải hai chục năm sau họ mới gặp lại nhau trong nỗi đau khôn tả. Trên ba chục bà con dòng họ Phan Cự của Chiến, bom đạn giặc Mỹ đã cướp đi tới người cuối cùng. Và rồi, do một tờ giấy báo tử nhầm Chiến đã hy sinh, mà Hà, mặc dù không nỡ bỏ mặc mẹ chồng sống bơ vơ không nơi nương tựa để đi bước nữa, nhưng hết tang chồng, cô đã sinh một đứa con ngoài giá thú.
Lần về phép ấy, Chiến chỉ ở quê một đêm, và cũng chỉ nằm lì ở nhà cụ Tảo mà khóc cho cạn khô nước mắt. Hôm sau, Chiến đùng đùng ra đi như một kẻ chạy trốn với một hy vọng: Rồi thời gian nơi đất khách quê người sẽ giúp lãng quên những nỗi đau cắt ruột đó.
Nhưng Chiến đã nhầm, thời gian không giúp anh quên được chuyện gì, hầu như đêm nào Chiến cũng chiêm bao thấy bóng dáng Hà lẩn khuất đâu đó trong căn phòng của anh. Có lúc anh nghĩ: “Hay quay về đoàn tụ với Hà? Suy cho cùng, cô ấy chẳng có lỗi với mình trong việc có con riêng”. Nhưng rồi anh lại gạt đi và tự nhủ: “Không đời nào, mình là một thằng đàn ông có chữ nghĩa, chẳng đui què mẻ sứt, chẳng nhẽ lại làm bố dượng của một đứa con hoang!”.
Suốt mấy tháng trời, hai luồng suy nghĩ thuận nghịch ấy đã làm tình làm tội đầu óc Chiến. Cuối cùng Chiến đã viết một lá thư thuyết phục cô đồng ý cho anh ly hôn. Chỉ mười hôm sau, Chiến nhận được thư trả lời với mấy lời ngắn gọn: “Nhà thu xếp về ngay, càng nhanh càng tốt để giải quyết công việc gia đình”.
Chiến ước sao được vậy. Chẳng những chỉ nội dung lá thư trả lời kia, mà ngay cuộc trao đổi giữa hai người hôm nay thì rõ ràng Hà đã tạo cho Chiến cơ hội hết sức thuận tiện để anh chia tay với cô một cách êm thấm.
- Nhà này, hình như chúng ta chẳng có gì để nói nữa. Em xin xuôi thị trấn kẻo lỡ chuyến đò chiều nhé.
Giọng nói nhỏ của Hà, nhưng với Chiến bây giờ lại như sét đánh ngang tai.
- Sao? - Chiến quay phắt lại, cười mếu máo - Hà định đi luôn bây giờ à? Ít ra… em… em cũng chỉ cho tôi phần mộ của ông bà, cha mẹ, em út tôi nằm chỗ nào ngoài đồng đã chứ.
- Ừ nhỉ? Trời ơi! Sao em không nghĩ ra điều này. Nhưng mà em chỉ biết mấy ngôi mộ của bố mẹ, của chú Tư với cô út. Còn những ngôi khác thì chỉ… chỉ có… thằng cu Thắng, con em biết mà thôi.
- Thằng cu Thắng biết hết à?
- Vâng - Hà vừa nói vừa cắn vào mu bàn tay - Hồi còn sống, mẹ quý cu Thắng lắm, một điều “cháu đích tôn bà”, hai điều “cháu đích tôn bà”. Đến lúc thằng bé lên năm, lên sáu, mỗi tháng hai lần, rằm và mồng một, mẹ dẫn cháu ra đồng thắp hương lên các phần mộ.
- Nếu vậy thì để cu Thắng giúp tôi…
- Ồ không, xin nhà thông cảm cho em - Hà nuốt khan nước bọt, giọng trở nên hấp tấp - Sở dĩ em… quyết bỏ làng ra đi chính là… để cho con em khỏi phải nhìn thấy nhà đó thôi. Chẳng là… từ lâu… cu Thắng vẫn nghĩ cha nó là liệt sĩ Phan Cự Chiến, cụ cố nó là quan nghè Phan Cự Hoàn. Nó rất tự hào về dòng họ Phan Cự của mình. Bây giờ đùng một cái, ông Phan Cự Chiến trở về và sẽ li dị với mẹ nó vì nó là con hoang! Sinh nó ra, em biết, cu Thắng sẽ không chịu nổi khi biết rõ chuyện này đâu!
Hà giọng chùng hẳn xuống:
- Vì vậy… khi biết chắc, chúng mình không thể đoàn tụ được, em vì con mà quyết định phải đi thật xa, và sẽ mãi mãi không trở về, để cu Thắng vẫn đinh ninh mình là giọt máu của dòng họ Phan Cự. Hãy vì tình cũ nghĩa xưa, em xin nhà, hãy cho cu Thắng được mãi mãi ghi vào lý lịch của nó như trước. Bố nó vẫn là liệt sĩ Phan Cự Chiến, hy sinh năm 1971 tại chiến trường Tây Nguyên như trong cái tờ giấy báo tử nhầm mà em với mẹ nhận được cách đây mười năm.
Chiến chợt thấy bàng hoàng như bị say sóng, muốn nói lắm, nhưng cứ như bị nuốt mất lưỡi, không sao cắt được thành lời.
- À, em vừa nghĩ như thế này - Hà bỗng cất cao giọng, sắc mặt tươi hẳn ra - Em sẽ nói với cu Thắng là nó có một ông bác họ tên là… từ Sài Gòn mới về thăm quê, muốn thắp hương lên mộ cho ông bà, nên cần nó quay về chỉ dẫn. Nhà nên chuẩn bị sẵn một bó tre, viết sẵn tên họ từng người đã mất, để cu Thắng chỉ đến đâu, nhà cắm ngay đến đó cho khỏi quên. Nhớ là cắm xong thẻ, nhà phải giục cháu xuôi về thị trấn ngay để mẹ con em còn phải đi vào thị xã kẻo nhỡ tàu…
Nói rồi, Hà chắp tay vái Chiến hai vái trong lúc Chiến cứ đứng ngây ra như hóa đá…
°

*

Dựng bó tre vào cây chuối bên đường, Chiến rút mùi xoa lau mặt, nhìn ra khu đồng mộ. Hồi Chiến còn bé, đây là cái gò hoang với vô vàn ngôi mộ hình bát úp nằm rải rác bên những cây dứa dại. Một chú bé ăn mặc sách sẽ, như vừa trên trời mới rơi xuống, đến đứng sau lưng Chiến.
- Có phải bác Phan Cự Ngân từ Sài Gòn mới ra hôm qua không ạ? - Chú bé rụt rè hỏi rồi tự giới thiệu:
- Cháu là Thắng, con bố Chiến đây mà. Mẹ cháu nói bác với bố cháu là bà con mới cách nhau bốn đời. Hôm qua, nghe vậy cháu mừng rơn, muốn đến đây gặp bác ngay, nhưng đò không chèo… Bác tệ lắm, hòa bình lâu lắm rồi mà đến nay mới chịu về thăm quê.
- Cháu trách bác vậy, sao nay cháu lại sắp bỏ quê ra đi?
- Đâu có, trong chuyến đi này mẹ con cháu đặt ra hai mục đích. Thứ nhất, mẹ con cháu phải tích cóp đủ một số tiền, để khi về có thể xây cho nhánh họ Phan Cự một cái lăng to đẹp như lăng họ Phan Nho, họ Lê Quốc, họ Trần Hữu kia kìa.
- Mẹ cháu bảo với cháu thế à? - Giọng Chiến lạc hẳn đi - Vậy còn mục đích thứ hai?
- Mục đích thứ hai quan trọng lắm bác ơi. Theo mẹ cháu nói thì trong giấy báo tử của bố cháu có ghi: “Liệt sĩ Phan Cự Chiến hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên”. Vì vậy vào đó cháu sẽ có điều kiện thuận lợi tìm mộ bố cháu. Tìm được, cháu sẽ rước bố về quê. Người ta có con, bố cháu cũng có con. Con người ta xây mồ xây mả cho cha mẹ nguy nga thế chả nhẽ cháu lại cam chịu bỏ mặc bố cháu nằm mãi ở một bìa rừng nào đó sao?
- Cháu là một đứa con hiếu thảo!
- Dạ, không! Cháu chưa đáng được nhận lời khen đó đâu. Hồi còn sống bà cháu vẫn dạy: Đã làm con mà không biết đền công cha nghĩa mẹ thì chỉ là loài cầm thú.
- Cháu! - Chiến kéo cu Thắng vào lòng, đặt vô vàn chiếc hôn lên vầng trán vuông vức, lên cặp má phúng phính có đôi lúm đồng tiền của nó.
Cu Thắng nhìn chằm chằm vào mặt Chiến rồi thốt lên:
- Ồ sao bác giống bố cháu thế nhỉ?
- Cháu thấy bố cháu bao giờ mà biết giống?
- À, cháu chỉ thấy tấm hình bố mẹ cháu chụp chung hồi mới cưới nhau thôi. Sau này, mẹ cháu thuê họa sĩ theo đó vẽ riêng ra cho bố cháu một bức chân dung to rồi lồng vào khung khảm xà cừ, đặt lên bàn thờ. Nhưng bây giờ vào Tây Nguyên, mẹ con chúng cháu phải rước bố đi theo. Bác với bố cháu giống nhất ở cặp mắt xếch.
- Chỉ giống mỗi cặp mắt thôi à?
- Ngoài ra còn cái miệng rộng, cái mũi hếch hếch, đôi tai to quá cỡ... Mỗi tội bố cháu thì trẻ, bác thì già - Cu Thắng ngước nhìn xa xôi, một lát, giọng chùng hẳn xuống – Bố cháu đi bộ đội từ năm nảo năm nào cơ, nhưng hy sinh năm 1971, trước lúc hy sinh một năm, bố cháu được về nghỉ phép trong một lần ra Bắc an dưỡng, thế mới có cháu chứ. Đó là nhờ có mẹ cháu, bà nội cháu, với bà con chòm xóm nói lại chứ cháu biết đâu chuyện “ma ăn cỗ lúc nào”...
°

*

Sự xuất hiện đột ngột của Chiến ở bến xe thị trấn trưa hôm đó làm Hà luống cuống như gà mắc tóc. Chị giả vờ kêu khát nước và sai cu Thắng ra chợ mua bưởi. Đợi con trai đi khuất, chị vẫy Chiến ra chỗ vắng, nhìn anh với cái nhìn thủ phận, nom rất tội:
- Chắc vì nội dung lá đơn em trao nhà hôm qua, còn điều gì chưa vừa ý, phải không?
- Lá đơn em viết chuẩn quá còn gì - Chiến trả lời khô khốc, móc túi lấy ra một tờ giấy đã bị vò nhàu – Có phải nó đây không?
- Ơ nhà chưa ký à?
- Ký này! Ký này! Ký này!- Lá đơn lập tức được xé thành hai, thành bốn... thành mười sáu, và tung ra trước gió như một đàn bướm trắng. Sắc mặt Chiến đỏ gay gắt:
- Tôi ký rồi đấy! Cô nhặt lại mà gửi cho tòa án!
Hà bối rối:
- Vậy em phải làm gì bây giờ?
- Quay về! – Chiến xót xa đến cùng cực, hạ thấp giọng – Sở dĩ tôi tức tốc lao ngay xuống đây là vì không muốn mất em một lần nữa. Chúng ta đã mất nhau hai mươi năm trời đằng đẵng. Hơn nữa, điều này mới là chủ yếu: Tôi quyết không để mất thằng Thắng, đứa con hiếu thảo của tôi.
Chợt có tiếng thằng cu Thắng gọi: “Mẹ ơi!”, Chiến quay ra dang rộng hai tay:
- Lại đây! Con trai của bố! Người ta báo tử nhầm, chứ bố Chiến còn sống về với con đây kia mà. Lúc nãy bố muốn thử xem con có nhận ra bố không đó thôi – Chiến đánh mắt qua Hà - Ơ kìa! Mẹ nó phải nói câu gì với con đi chứ? Nhanh lên đi!
Hà nhìn quanh như tìm người để cầu cứu, trong lúc đó thì cả cu Thắng lẫn Chiến nhìn chị với ánh mắt khao khát, đợi chờ. Chị biết rằng, bây giờ mình bị đặt vào một chuyện đã rồi.
- Đúng là bố Chiến đã về rồi đó – Chị âu yếm bước đến hôn lên tóc con – Chẳng lẽ con không thấy bố giống như trong ảnh sao?
- Giống, giống lắm! – Cu Thắng ôm lưng mẹ, lấm lét nhìn Chiến – chỉ khác già hơn trong ảnh thôi. Mẹ... mẹ ơi! Chẳng lẽ con còn bố thật ư? Lạy trời đây không phải nằm mơ... Hơn một năm nay, nhiều đêm con mơ thấy bố về, nhưng tỉnh ra thì...
 

Xem Tiếp: ----